Ăn để sống

Đã đọc: 1730           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tôi đi đám tang một người hàng xóm. Gia đình người ấy là tín đồ đạo Phật nên tổ chức tang lễ theo nghi thức Phật giáo, có Tăng Ni hộ niệm thường xuyên và đãi tiệc chay. Tôi có thói quen đi đám tang chỉ ăn bánh uống trà chứ không ăn cơm, dù chay hay mặn nhưng các con của người quá cố yêu cầu tôi tiếp đãi vài người khách đặc biệt nên tôi phá lệ, ngồi vào bàn cầm khách!

Bàn ăn khá tươm tất, các món ăn nóng hổi, thơm ngon bắt mắt và hợp khẩu vị nhưng thành thật mà nói thì sự trong sạch, thuần khiết giảm nhiều vì chúng mang tên các món ăn mặn như bò bít-tếch, gà chiên dòn, mực xào chua cay, lẩu cua biển…Mặc dù là giả nhưng trông y như thật, hương vị cũng không kém phần đậm đà hấp dẫn. Thức uống thì phụ nữ dùng nước ngọt, đàn ông dùng bia rượu! Tiếng cười nói ồn ào của những người uống bia rượu làm mất đi sự trang nghiêm của Tăng ni hành lễ, lòng thành kính của tang gia xót thương (tế tắc trí kỳ nghiêm, tang tắc trí kỳ ai).

Vị khách ngồi cạnh tôi hỏi nhỏ rằng gọi tên các món chay như món mặn và đãi bia rượu có trái đạo và phạm giới không? Đương nhiên rồi!. Để trở thành Phật tử, tín đồ thì bất cứ ai cũng phải quy y Tam bảo và thọ năm giới cấm, trong đó có cấm uống rượu. Tuy nhiên, cũng có thể châm chước vì việc đãi bia rượu trong đám tang chay hay mặn đã thành thói quen rất phổ biến ở nông thôn nên “mạc nhược đương quyền thì, dữ nhơn hành phương tiện”, nếu không theo tập quán e người đời dị nghị, mặc dù “không ai khen đám cưới, không ai cười đám ma”.

Việc gọi tên các món chay như món mặn thì sao? Đây không phải lần đầu mà tôi đã từng thấy nhiều lần trong các đám tiệc chay, quán ăn chay và cả trong một số tự viện. Ngày xưa, việc ăn uống khá đơn giản, chỉ dùng các loại rau củ quả tươi sống tự nhiên. Khi xã hội phát triển, việc ăn uống trở nên cầu kỳ hơn. Ngoài rau củ quả tươi sống tự nhiên, người ta còn dùng nó chế biến thành những món khô đóng gói sẵn và đặt tên theo thịt động vật, thủy hải sản. Hiện nay các sản phẩm đó được bày bán khắp các chợ lớn nhỏ, rất thuận tiện cho việc nấu nướng.

Trong năm giới cấm, sát sinh là giới cấm đầu tiên và quan trọng nhất đối với người quy Tam bảo. Sát sinh không chỉ giết hại con người mà còn giết hại thú vật làm thức ăn. Sát sinh là gieo rắc chết chóc, khổ đau bất hạnh cho muôn người, muôn loài (gọi chung là chúng sinh). Đạo Phật là đạo Từ bi, đạo của thương yêu, thấu hiểu, cảm thông và giúp đỡ, chăm sóc, sẻ chia khổ đau bất hạnh của chúng sinh. Chính vì thế nên Phật Thích ca mới chủ trương ăn chay, dùng rau củ quả làm thực phẩm, cấm sát sinh hại vật làm thức ăn nhằm đem lại sự bình đẳng, tình thương và an vui hạnh phúc cho chúng sinh. Trong khi những món ăn đó đều do công nghiệp chế biến từ thực vật, là giả danh, không phải thật nên không trái đạo lý và phạm giới sát sinh. Tuy nhiên, đó là xét về Sắc (vật lý) còn về Thọ-Tưởng-Hành-Thức (tâm lý) thì vừa trái đạo vừa phạm giới.

Mỗi người chúng ta đều có một cái tâm duy nhất, nó trong sáng, thanh tịnh, thường hằng, gọi là Chơn tâm hay Phật tánh. Cái cốt lõi của giáo lý Phật giáo là tu tâm dưỡng tánh, “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” nghĩa là nhìn thẳng vào cái tâm bên trong, thấy tánh sẽ thành Phật. Tuy nhiên, cái chơn tâm lúc nào cũng bị vô minh vọng động che khuất và biến nó thành vọng tâm. Trong “Đại thừa khởi tín luận” Tổ Mã Minh viết “Nếu vọng tâm sinh khởi thì các pháp đều sinh khởi. Vọng tâm diệt thì các pháp đều diệt”*.

Mặc dù các món ăn trên được chế biến bằng rau củ quả nhưng những tên gọi đó và hương vị của chúng sẽ làm tâm người ăn vọng đông, các pháp sinh khởi không nhiều thì ít. Ngồi vào bàn ăn, trước các món ăn, năm tâm sở “biến hành” (xúc-tác ý-thọ-tưởng-tư) sẽ khởi lên cùng một lúc. Các tâm sở nầy là nền tảng giúp tám thức tâm vương tạo nghiệp. Tạo nghiệp thiện ác hay vô ký đều do năm “tâm sở biệt cảnh” (dục-thắng giải-niệm-định-huệ) thực hành. Mà, khi các pháp sinh khởi, chơn tâm sẽ biến thành vọng tâm thì làm sao phá được vô minh, làm sao thấy được Phật tánh, làm sao chứng đắc Phật quả?. Nói trái đạo lý là thế. Và, việc đặt tên món ăn chay như món ăn mặn cũng phạm giới nói dối, xảo ngôn, không thành thật, không đúng sự thật.

Trong kinh “Pháp bảo đàn”, Lục tổ Huệ Năng cho biết còn một cách quy y Tam bảo nữa là vô tướng quy y. Theo đó thì Phật là tánh Giác của mình, Pháp là Chánh niệm và Tăng là Tịnh. Chánh niệm giúp ta quay về nương tựa tánh Giác và không bị nhiễm trước. Chánh niệm trong cả việc ăn uống, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết như sau “Bằng chánh niệm, mình nhận diện được mình đang gắp lên cái gì. Khi đưa vào miệng, mình biết đang đưa vào miệng cái gì. Khi nhai, mình biết đang nhai cái gì”**.

Ăn là môt trong năm dục vọng của con người. Ăn để sống chứ không phải sống để ăn, cho nên ông cha ta nhắc nhở chúng ta “miếng ăn là miếng tồi tàn” và phải “ăn coi nồi, ngồi coi hướng”, không nên coi trọng miếng ăn, đừng bạ đâu ăn đó, đụng cái gì ăn cái nấy. Ăn càng giản dị thân tâm càng thanh tịnh thuần khiết, ăn cầu kỳ dễ dẫn đến phóng dật, thất niệm, bất chánh tri. Là đệ tử của Phật, chúng ta nên thường xuyên thực tập ăn trong chánh niệm cho tâm không hôn trầm, tán loạn, nghĩ tưởng vu vơ. Ăn trong chánh niệm tâm sẽ khinh an, hành xả mới nhận thấy rõ ràng đây là hạt đậu nành, miếng tàu hủ, củ cà rốt, trái dưa leo…chứ không phải miếng thịt bò, thịt gà, con cua biển, con mực…khi gặp trường hợp tương tự mà không tránh né được./-

 

--------------

*  HT Thiện Hoa dịch

**Hơi thở, nuôi dưỡng và trị liệu                                                                                       

 



Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập