Ý nghĩa Đại Giới đàn Vĩnh Đạt

Đã đọc: 1887           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Suốt 49 ngày đêm tĩnh tọa dưới cội Bồ đề, lúc ánh sao Mai tỏa sáng, Thái tử Sĩ Đạt Ta thể nhập Bản thể tuyệt đối, chứng đắc quả vị Vô thượng Chính giác hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni, khi thành tựu được sự Giác ngộ, thì Ngài nói rằng : “Lạ thay! Tất cả chúng sinh đều có bản chất Giác ngộ bình đẳng như nhau. Không có giai cấp cùng dòng máu đỏ, cùng giọt nước mắt mặn. Ta là Phật đã thành chúng sinh là Phật sẽ thành”. Ngược dòng lịch sử nhân loại thế giới hơn 25 thế kỷ, Ngài kêu gọi : “Xóa bỏ giai cấp, đem lại sự Tự do Bình đẳng cho loài người”.Câu nói Tự do Bình đẳng này trước tiên là từ kim ngôn khẩu ngọc Phật Thích Ca nói ra, Ngài là người đầu tiên dẫn dắt loài người tranh thủ Tự do Bình đẳng nhưng ngày nay đã bị người ta quên mất lại cho Ngài là một vị thần hoặc chúa tể, là một quái vật mê tín chẳng thể hiểu. Thật là ngu dại và quên cội nguồn biết bao !

Xin ghi nhớ rằng sự Tự do Bình đẳng của Tuyệt đối là trung tâm tư tưởng của Phật, trong kinh điển Đại thừa có phát huy rằng: “Đắc đại giải thoát, đắc đại tự tại cho đến Định huệ bình đẳng, tất cả bình đẳng v.v...” đều là nghĩa này, chẳng phải lời nói suông mà là thực tại có thể đạt đến, là lý lẽ vĩnh viễn chẳng biến đổi.

Phật giáo là Đạo: “TỰ DO - BÌNH ĐẲNG - TUYỆT ĐỐI”.

Nơi vườn Lộc Uyển tuyên thuyết Tứ Thánh đế độ năm anh em Kiều Trần Như, từ đó Phật pháp Tam Bảo hiện hữu trên thế gian trãi qua hơn 25 thế kỷ tồn tại và phát triển. Phật giáo đã trở thành một trong những tôn giáo lớn trên thế giới và có sự ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội loài người trong mọi mặt từ vật chất đến tinh thần, và có những quốc gia Phật giáo trở thành Quốc đạo, điển hình trong những thời đại hưng thịnh của đất nước Việt Nam Phật giáo Quốc đạo như Đinh, Lê, Lý Trần đều là những lúc Phật giáo cũng song hành hưng thịnh và các vị thiền sư có vị trí quan trọng trong các triều đại đó. Dù được bản địa hóa để quyện mình vào lòng dân tộc nhưng tam tạng kinh điển Phật giáo Việt Nam vẫn được truyền thừa trong suốt hơn 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đây là thành quả vĩ đại của hành trình hoằng pháp lợi sinh của nhiều thế hệ Tăng già Phật giáo thành những Sứ giả Như Lai.

 Dân tộc bốn ngàn năm Văn hiến, khi thăng khi trầm vẫn tiếp bước tiền nhân;

Đạo pháp hai ngàn năm lịch sử, lúc thịnh lúc suy luôn soi đường hậu thế. 

Tất cả những ai quy y Tam Bảo, thọ Ngũ giới, Thập thiện, hai thành phần cư sĩ tại gia là Ưu bà tắc và Ưu bà di. Ưu Bà di nghĩa là trang nam tử có niềm tin Tam bảo trong sáng. Cận sự nữ, Thanh tín nữ, nghĩa là người nữ đã thọ Tam quy y, giữ gìn năm giới, thực hành thiện pháp, thân cận phụng sự Tam bảo, và người xuất gia thọ cụ túc giới, giới thể trang nghiêm thanh tịnh đều trở thành thành viên chính thức của Tăng đoàn Phật giáo, dự vào hàng Tăng bảo thọ sự cung kính cúng dường của Nhân Thiên, hoằng truyền giới pháp, đây được tôn xưng Đại Giới Đàn, Tam Đàn Đại giới.

Những điều giới mà đức Phật chế ra trong suốt một đời được các vị đệ tử của Ngài gìn giữ, truyền thừa và kết tập lại thành một hệ thống gọi là Luật tạng.

Trước khi nhập diệt tại Song lâm, đức Thế tôn Phật không chỉ định ai để thay thế Ngài thống lĩnh tăng chúng. Ngài nói: "Sau khi ta nhập diệt, hãy lấy Pháp và Luật làm Thầy". Pháp là lời Phật dạy. 

Giới luật Phật chế ra không phải mang tính giáo điều, Giới luật của Phật giáo căn bản trên nền dân chủ tự do bình đẳng.

Không phải chỉ là tự do tư tưởng mà còn là tư tưởng rốt ráo về tự do, tư duy rốt ráo về tự do: Đó là tự do căn bản, tự do nằm trong tinh túy của mọi nền dân chủ. Không thể có dân chủ nếu ta bị bắt buộc phải nghe mà không tin, nghe những điều mà ta thấy là không đúng, là trái với sự thực trước mắt. Cũng không thể có dân chủ nếu ta buộc người khác không được nói.

Tiêu biểu nền Dân chủ với truyền thống tổ chức Tăng đoàn Phật giáo sau ba tháng An cư Kiết Hạ là pháp "Tự tứ" (tiếng Pàli Pavàranà; Phạn là pravàranà, Hán phiên âm là bát-hòa-la, bát lợi ba thích noa và dịch là tự tứ, thỉnh thỉnh, tùy ý, tùy ý sự, mãn túc, hỷ duyệt,…).

Sau khi hạ an cư đủ ba tháng, tự mình buông ra lời nói thỉnh cầu một vị tỷ kheo khác đầy đủ năm đức, chỉ điểm những lỗi lầm cho mình qua ba mặt thấy, nghe và nghi, giúp cho mình biết và tự mình cầu xin sám hối để được thanh tịnh. 

Nói tóm lại, thời gian thích hợp để Tăng tác pháp tự tứ là thời gian sau khi hạ đủ. Và tự tứ của Tăng tỷ kheo một năm chỉ xảy ra một lần sau khi hạ đủ mà thôi. 

Mục đích của Tăng tự tứ là ngoài việc biểu hiện cụ thể bản thể hòa hợp và thanh tịnh của Tăng, còn xác định cụ thể sự tăng trưởng lớn mạnh về Giới- Định- Tuệ của một vị Tỳ kheo, sau khi hạ mãn và chấm dứt kỳ hạn an cư, và các vị Tỳ kheo lại tiếp lên đường hoằng pháp.

Phật trải tọa cụ ngồi giữa khoảng đất trống, các vị Tỳ kheo ngồi chung quanh. Phật hỏi tăng chúng : “Hôm nay tôi tự tứ: Tôi có lỗi với ai không? Thân, miệng, ý của tôi có phạm lỗi gì không?".

Phật hỏi ba lần như vậy. Đã ai thấy một vị giáo chủ của một tôn giáo nào có tư tưởng, hành động và tập quán như vậy chưa? Lãnh đạo mà cư xử như thế, thế gian cũng không thấy.

Năm giới của cư sĩ tại gia, mười giới của Sa di và Sa di Ni, 250 giới của Tỳ kheo, 348 giới của Tỳ kheo Ni, 10 giới trọng, 48 giới khinh của Bồ tát giới… cũng được trích ra từ đó.

Chúng đệ tử Phật, những trang Thích tử Như Lai, bậc xuất trần thượng sĩ, tự nguyện giữ gìn mạng mạch Phật Pháp để lưu truyền nơi thế gian, lãnh trách nhiệm “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, từ đời này sang đời khác đã không ngừng nói lên sự chân thật, sự tốt đẹp của cuộc đời. 

Cận đại lịch sử hơn 300 năm trước, bậc Thạch trụ Tòng Lâm, Hương Hải Thiền sư đặt chân trên dãi đất hẹp xứ đàng trong và thuận gió xuôi buồm, vượt trùng dương ra đàng ngoài, khôi phục dòng thiền Trúc Lâm đất Bắc, tham mưu cố vấn cho Vua Lê, Chúa Trịnh, và Tổng trấn Sơn Nam, Lê Đình Kiên, Đặng Đình Tướng, liên tục mở đàn thí giới, thắp sáng ngọn Tâm đăng Phật Tổ. Góp phần hưng thịnh đất Bắc, và Phố Hiến được dân gian xác nhận là: "Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến-次壹京奇次貳舖献" để nói về sự hưng thịnh của trấn Sơn Nam (Vào thời điểm thịnh đạt Phố Hiến có khoảng 2000 ngôi nhà với 20 phường chuyên sản xuất hàng thủ công và buôn bán. Phố Hiến cũng là nơi tụ hội nhiều khách thương ngoại quốc phương Đông và phương Tây, trong đó phần lớn là người Trung Quốc).

Phương Nam đàng trong các chúa Nguyễn theo bước chân các bậc minh quân, thánh triết tiền nhân, chủ trương: “Quốc vương đại thần duy trì Phật pháp”. Vào ngày mồng 01 tháng 04 năm Ất Hợi (1695) Quốc Chúa Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu làm đại thí chủ, Hộ giới Già Lam, tổ chức Đại Giới Đàn quy mô, lập tam Đàn cụ túc truyền giới cho 1.400 (một nghìn bốn trăm) giới tử, Đàn Sa Di, Tỳ Kheo, đàn thứ ba truyền giới Bồ tát cho Công hầu, Khanh tướng, Tông tộc Chúa Nguyễn. Quốc Chúa cũng thọ giới Bồ tát một đàn riêng biệt, duy trì mạng mạch Phật pháp. 

Vùng đất mới Sa Giang đầy phù sa, xứ hiền hòa, sông nước hữu tình, đầy hoa thơm, cây lành trái ngọt, mở đầu dân cư đông đúc, làm ăn mua bán tấp nập nơi giao thương Đông Khẩu đạo (Sa Đéc), những sứ giả Như Lai, theo đoàn người đi mở đất, Thiền sư Tịnh Độ dựng đạo tràng Đức Long Cổ Tự năm 1700, Lê Thiền Sư khai sơn Phước Lâm Cổ Tự năm 1720,  . . từ đó liên tục mở các đàn truyền giới và Cơ sở Tự viện càng nhiều, truyền thừa Gia phong thiền phái Lâm Tế từ đời kế tục mãi cho đến nay. Sa Đéc còn nổi tiếng bởi nhân gian truyền tụng : “Sa Đéc là đất Phật”.

Khởi nguyên dân tộc miền Nam, các Chúa Nguyễn và Quốc chúa Bồ tát Nguyễn Phúc Chu cùng Chư tôn đức Tăng già, đem ánh đạo vàng Từ bi Trí tuệ phổ hoá nhân gian, ứng dụng thực tiễn mọi phương tiện thiện xảo, hiệu quả trong việc giáo hoá quần chúng thành công chân thiện mỹ, góp phần Tốt Đạo Đẹp Đời - Phụng Đạo Yêu Nước trên tinh thần: “QUỐC VƯƠNG ĐẠI THẦN DUY TRÌ PHẬT PHÁP - HỘ QUỐC AN DÂN”. Trên non cao tận trời xanh, dưới biển cả mênh mông, đất rộng thênh thang, nơi nào có linh khí của đất trời, nơi đó có cuộc sống an nhiên tự tại của các Ngài.

Cho nên người đệ tử Phật cần phải tôn nghiêm giới luật như là vị đạo sư của mình để ứng dụng xây dựng Đạo pháp dân tộc.

Cơ sở tự viện nào có nề nếp thanh quy nghiêm ngặt, đó là môi trường tốt để đào tạo Tăng tài cho Đạo Pháp và dân tộc. Đạo Phật có tồn tại và phát triển hay không, chính là nhờ những thế hệ Tăng già phúc trí trang nghiêm, Tài Đức song toàn. Tài năng nhờ hiểu sâu Phật Pháp, Đức hạnh nhờ giữ giới tinh chuyên. Có Tài mà không có Đức thì chưa phải là người xuất gia đệ tử Phật chân chính. Cho nên, khẳng định rằng : “Giới luật chính là thọ mạng của Phật Pháp vậy”. 

Sau khi thống nhất đất nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981 đến nay, các tỉnh thành trong cả nước liên tục tổ chức các giới đàn truyền giới cho Tăng Ni và Phật Tử tại gia, với trách nhiệm là: “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, thực hiện tính kế thừa tre tàn măng mọc, nhằm duy trì mạng mạch giáo pháp của Như Lai. 

Các Tăng Ni Phật Tử sau khi thọ nhận giới pháp, trang nghiêm giới thể do thập sư trao truyền, một mặt lo tu tập bản thân để nâng cao đức hạnh, mặt khác thể hiện công hạnh lợi tha là hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh (hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp). 

Với ý nghĩa to lớn ấy, Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Tỉnh Đồng Tháp thể theo nguyện vọng của Tăng Ni và Phật Tử tại tỉnh nhà, đáo lệ tổ chức Đại Giới đàn Vĩnh Đạt. 

- Thời gian: 04 ngày, từ ngày 11 đến ngày 14/04/2016 (nhằm ngày 05 đến 09 tháng 03 năm Bính Thân). 

- Địa điểm: 

 * Giới đàn Tăng: Phước Hưng Cổ Tự, phường 1, TX. Sa Đéc.

 * Giới đàn Ni: chùa Phước Huệ, Phường 1, TX. Sa Đéc. 

Đại giới đàn Vĩnh Đạt năm 2016 tại tỉnh Đồng Tháp sẽ chính thức khai mạc vào ngày 13-4-2016 (7-3-Bính Thân).

HT.Thích Thiện Huệ, UV HĐTS, Trưởng BTS PG tỉnh Đồng Tháp, Trụ trì Phước Hưng Cổ Tự đương vi Hòa thượng Đàn đầu của Đại giới đàn (Tăng); Trưởng lão ni Thích nữ Như Ngọc, nguyên UV HĐTS, Phó ban Thường trực BTS PG Đồng Tháp, cố vấn Trụ trì Tổ đình Phước Huệ đương vi Hòa thượng Đàn đầu (Ni). 

Đại Giới đàn này được mang tên “Giới Đàn VĨNH ĐẠT”, nêu gương bậc Giới đức kiêm ưu, Đạo hạnh khả kính, làm biểu tín cho hàng Thích tử đắc giới, tiếp nối mạng mạch Phật pháp, truyền đăng tục diệm, tiếp ngọn lửa hương từ bi trí tuệ của Phật Tổ.

Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Tháp, Tổ đình Phước Hưng cổ tự, Đạo tràng Ni giới Phước Huệ, long trọng tổ chức Đại Giới đàn Vĩnh Đạt, dùng Hương Tịnh Thủy “Bát Công Đức”, ghi lại hành trạng đại lão Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt làm Phương danh, cúi đầu chí thành thắp Giới-Định- Huệ hương, tưởng niệm bậc Cao Tăng Giới Đức Kiêm Ưu, đã cống hiến trọn đời, hiện thân giáo, tiêu biểu Danh Đức sáng ngời cho hậu thế trong sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng Ni, Phật tử tiếp nối, hoằng pháp độ sinh :

Tiểu sử

Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt

(1911 - 1987)

Hòa thượng họ Khổng (sau khi hoạt động Phật giáo Cứu quốc, do hoàn cảnh mới đổi thành họ Nguyễn) húy Hồng Hạnh, hiệu Vĩnh Đạt, thuộc dòng Lâm Tế thứ 40, sinh năm Tân Hợi (1911) Niên hiệu Duy Tân năm thứ 11, tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình làm nghề nông sùng mộ đạo Phật.

Hạt giống bồ đề khơi mầm, vườn hoa Bát nhã nở hoa, ấu niên 9 tuổi, những sợi tóc não phiền rơi rụng theo từng nhát kéo đong đưa, Ngài trở thành chú tiểu đệ tử của đại lão Thiền sư Khánh Thông, Tổ đình Bửu Sơn, xã Tân Thủy, huyện Ba Tri. Hòa thượng Bổn sư cho Ngài thọ giới Sa Di vào ngày mồng một tháng 07 năm Tân Dậu (1921) tại Bổn tự Bửu Sơn do Bổn sư của Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng. Bấy giờ trong chùa Tăng chúng tu học khá đông, nên Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho làm thị giả hầu nhị vị tôn đức đại lão  Hòa thượng Khánh Hòa là đồng môn huynh đệ của Hòa thượng Bổn sư ở chùa Tiên Linh tỉnh Bến Tre và làm Thị giả đại lão Hòa thượng Từ Phong, xóm Chợ Gạo, làng Tân Hòa Đông, tổng Long Trung, tỉnh Chợ Lớn (nay ở số 345/45 đường Hùng Vương, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh).

Năm 20 tuổi (Tân Mùi - 1931) Niên hiệu Bảo Đại năm thứ 16, Đại giới đàn tổ chức tại Long Nhiễu Tự, nay thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, Ngài được thọ Cụ Túc giới, rồi đi tham học các nơi. Bấy giờ bắt đầu có phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ do đại lão Hòa thượng Khánh Hòa chủ xướng. Nhiều Phật học đường được tổ chức khắp nơi để đào tạo Tăng tài, quan trọng nhất là Phật học đường Lưỡng Xuyên. Đến đâu Ngài cũng một lòng khiêm cung học hỏi và gìn giữ tốt nếp sống thanh qui tự viện, nên được mọi người mến thương, nhắc nhở.

Năm 24 tuổi (Ất Sửu - 1925) Niên hiệu Bảo Đại năm thứ 10, Ngài được Hòa thượng Bổn sư truyền pháp, ban cho bài kệ như sau:

紅煇继正宗

幸和福慧通

永傳僧續道

薘悟了真空 

Hồng huy kế chánh tông

Hạnh hòa phúc tuệ thông

Vĩnh truyền Tăng tục đạo

Đạt ngộ liễu chân không.

Sau  đó được Hòa thượng Bổn Sư bổ nhiệm Trụ trì các Tự viện như: Tổ đình Long Khánh (Chùa Ông Đồ) Ấp An Hòa, Xã An Bình Tây, huyện Ba Tri. Chùa Mỹ Thành Ấp 2, xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri. Chùa Bửu Linh Ấp 3, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm. . . (tất cả những ngôi Tự viện này Ngài đều giao lại cho Pháp tôn Thích Hiển Pháp Trụ trì).

Sau việc khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo cả nước, thành lập nhiều trường Phật học, đào tạo được một thế hệ Tăng Ni có phẩm hạnh, có trình độ Phật học, trình độ văn hóa xứng đáng là sứ giả Như Lai. Đặc biệt có nhiều tông môn còn bồi dưỡng cho thế hệ sau theo đường hướng “Dân tộc - Đạo pháp” nên sau Cách mạng tháng Tám 1945 có nhiều Tăng Ni “cởi áo cà sa khoác chiến bào” tham gia hai thời kỳ kháng chiến, góp phần giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Ngài cùng toàn dân chống giặc cứu nước. Trong thời gian này Ngài tham gia công tác cho Mặt trận Việt Minh và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bến Tre.

Trong quá trình hoằng dương chánh pháp, hóa độ chúng sinh, Ngài đã từng trụ trì nhiều ngôi Tự viện Phật giáo các tỉnh như chùa Long Phước tại thị xã Vĩnh Long, chùa Vạn Đức nơi đặt Phật học đường Sóc Trăng. Trụ trì Sắc tứ Tam Bảo Cổ Tự, Hà Tiên, nơi đây Ngài khóa an cư kiết hạ và lớp giáo lý dạy Phật pháp căn bản cho Phật tử.

Năm Nhâm Dần (1962), sau khi dự khóa tu nghiệp trụ trì “Như Lai Sứ Giả” tổ chức tại chùa Pháp Hội (Sài Gòn), Ngài được chư Tôn đức Giáo Hội Tăng Già Nam Việt bổ nhiệm về trụ trì Phước Hưng Cổ Tự tại thị xã Sa Đéc.

Trong chức vụ Trụ trì, Ngài bắt tay vào việc chỉnh đốn lại quy luật thiền môn cho phù hợp với đường lối Giáo hội đương thời, kiến thiết và sửa sang lại chánh điện, cổng rào, Đông Tây lang, kiến tạo lại các tháp của chư vị trú trì tiền bối, xây thành tượng đài Quán Âm lộ thiên. Ngài còn cho xây Phật học đường chùa Bửu Quang và tháp thờ Xá lợi Phật trong khuôn viên chùa, xây Tăng xá, Pháp Bảo đường để tàng trữ kinh sách, làm cơ sở cho Phật học viện trong tương lai. Công trình này rất qui mô, nên thực hiện trong nhiều năm cho đến cuối đời Ngài vẫn chưa hoàn mãn. Mặc dù chưa hoàn chỉnh hết, nhưng trên đại thể phong cảnh rất đẹp, làm tăng thêm pháp hỷ cho mọi người.

Năm Quý Sửu (1973) Đại giới đàn do Ngài tổ chức tại Bổn tự Phước Hưng Cổ Tự và Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng.

Tháng 11 năm 1981 (Tân Dậu), Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam diễn ra tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội, để thành lập Giáo hội  Phật giáo Việt Nam, Ngài là đại biểu Phật giáo tỉnh Đồng Tháp. 

Sau ngày nước nhà thống nhất, năm Nhâm Tuất (1982) Tỉnh hội Phật giáo Đồng Tháp được thành lập, Ngài lại hoan hỷ lãnh trọng trách Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật giáo tỉnh Đồng Tháp, khai mở và chứng minh các đàn giới, các khóa an cư kiết hạ trong tỉnh cho đến ngày viên tịch. 

Năm Quý Hợi (1983) Đại giới đàn Pháp Hoa tại Phước Ân Cổ Tự, Ngài được cung thỉnh đương vi Đàn đầu Hòa thượng. 

Năm 1987, huyễn thân tứ đại đến hồi suy yếu. Dù pháp thể bất an, Ngài vẫn thản nhiên giữ chánh niệm. Vào đêm rằm tháng 9 năm Đinh Mão (07-10-DL), sau khi tắm gội sạch sẽ, Ngài cho gọi môn đồ đến dặn dò các Phật sự và chuyển giao công việc còn lại. Thấy môn đồ buồn khóc trước lúc vĩnh ly, Ngài bèn nhắc lời Cổ Đức rằng:

生從何處去

死從何處來

知得來處去

芳茗學道人 

Sinh tùng hà xứ khứ

Tử tùng hà xứ lai

Tri đắc lai xứ khứ

Phương danh học đạo nhân. 

Đọc xong Ngài an nhiên từ biệt đại chúng:

Mô Phật Hoan hỷ, Tu hành là thắng toàn !

Ngài ngồi trên chiếc ghế gỗ, tay lần tràng hạt, miệng niệm Phật an nhiên Viên tịch vào giờ Hợi sau ba hồi chuông trống Bát Nhã chấn động đất Sa Giang. Trụ thế 76 xuân, Giới lạp 56 hạ, Pháp lạp 52 thu.

Thời Giáo hội Tăng già Nam Việt, Ngài được sự đặt biệt ưu ái quý mến của vị đồng môn huynh đệ trong tông phong là đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hòa (Trưởng tử Tổ Khánh Hòa) Trị Sự Trưởng Giáo Hội Tăng Già Việt Nam (1953-1963), lúc bấy giờ nơi nào Phật sự tại một số các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long, cụ Thiện Hòa đều nhờ Ngài hỗ trợ Tăng sự và trụ trì một số Tự viện lớn.

Lão Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt, tính khí cương trực, thân giáo uy đức trang nghiêm, khiến người trên quý mến, kẻ dưới tôn kính.

Từ lúc ấu niên xuất gia cho đến khi viên tịch, Ngài là một vị giới đức kiêm ưu tiêu biểu, suốt đời thiểu dục tri túc, an bần lạc đạo, cho đến lúc tuổi già sức yếu cũng vẫn tự giặt giũ, ăn uống đạm bạc, mặc áo vải thô, mang đôi guốc gỗ, ngủ trên chiếc giường gỗ thô sơ, trãi chiếu cỏ. 

Đi Phật sự nơi đâu chỉ một mình đơn điệu, không cần thị giả theo hầu. Đặt biệt có ai cúng món đồ quý báu gì, khi trong chư Tăng có nhu cầu muốn dùng thì Ngài tặng ngay, và Ngài nổi tiếng với câu chào: Mô Phật hoan hỷ!. 

Thị giả Thích Vân Phong kính ghi

(cúng dường Đại Giới đàn Vĩnh Đạt)

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập