Thiền sư Viên Thức và những bức tranh “Vô Tâm họa"

Đã đọc: 2555           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đà Lạt có ba nhân vật được giới văn nghệ xem là lạ lùng nhất. Đó là, kiến trúc sư Lữ Trúc Phương, chủ quán cà phê đẹp độc nhất vô nhị có tên Đường lên cung trăng; nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng MPK bốn mùa râu tóc lòa xòa đi tìm kiếm vẻ đẹp của trời đất để thu vào ống kính rất... khùng của mình; và cuối cùng là nhân vật của bài viết này, thiền sư Viên Thức, trụ trì chùa Lâm Tì Ni, nổi tiếng với tài “cầm kỳ thi họa”.

Chùa Lâm Tì Ni nằm trên một con dốc xinh đẹp giữa thành phố cao nguyên ngập tràn hoa cỏ, lúc nào cũng tấp nập du khách vào ra, chủ yếu là khách nước ngoài. Những khách du lịch đã được xem phóng sự về thầy Viên Thức trên kênh Truyền hình CNN hay đọc bài viết về thầy trên Thời báo New York đều không bỏ lỡ cơ hội được tiếp kiến vị Thiền sư “lạ lùng” này khi tới Đà Lạt. 

Ngay lối vào cổng chùa, ta có thể bắt gặp hàng trăm bức tượng đặc tả khuôn mặt Thầy Viên Thức do chính tay Thiền sư  tạc. Những bức tượng này nằm rải rác bên cạnh các gốc cây, thậm chí lẫn vào hoa cỏ trong khuôn viên chùa. Mỗi bức tượng cho thấy một sắc thái của khuôn mặt, có cả vui và có cả buồn, có cả hư và có cả thực, đầy thoát tục nhưng cũng đầy nặng nợ trần ai... Chiếc cổng tre khiêm tốn dưới đám hoa leo dịu dàng mở ra một lối đi nhỏ được lát những viên gạch xinh xắn, dẫn vào phía trong chùa, nơi thiền sư cầu kinh, vẽ tranh, làm thơ, chơi đàn và tạc tượng mỗi ngày. 

Thiền sư Viên Thức vào chùa tu hành từ năm 10 tuổi, cho tới nay đã được 50 năm. Không học qua trường lớp một ngày nào, thầy Viên Thức đã tập vẽ những bức họa đầu tiên bằng than củi, đó dường như là một thứ màu vẽ đặc biệt ám ảnh tâm trí thầy. Sau này, nhờ quá trình tự học, và cơ duyên được gặp những người bạn lớn trong hội họa, thơ ca, âm nhạc như Hoàng Lập Ngôn, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn... thiền sư Viên Thức đã học được nhiều kinh nghiệm để sáng tạo hàng loạt tác phẩm khiến mọi người có dịp chiêm ngưỡng đều sửng sốt kinh ngạc. 

Cho tới nay, nhà tu hành - nghệ sĩ này đã từng 6 lần triển lãm tranh tại Mỹ, 2 lần tại Pháp, Hà Lan. Khi triển lãm tranh của Thiền sư được tổ chức tại Tp.HCM lượng khách tới xem đông đến mức nhiều họa sĩ chuyên nghiệp phải ngạc nhiên. Ngay trong gian chùa nhỏ, được xem như gallery của họa sĩ Viên Thức, hàng ngàn bức họa được xếp chật kín. Dường như ít người tới đây có thể xem được hết các tác phẩm của thiền sư. Phần lớn các tác phẩm thiền sư  vẽ chân dung mình, một khuôn mặt luôn mang một chiếc mũ rất đặc trưng, mà nếu đi cả thành phố Đà Lạt, không ai có thể tìm mua được một chiếc mũ như vậy. 

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh, khi làm phim Dốc tình, kể về cuộc đời các nhân vật lạ lùng của mảnh đất cao nguyên Đà Lạt, trong đó có thiền sư Viên Thức đã “bó tay” không thể kiếm đâu ra một diễn viên có ngoại hình giống thầy Viên Thức, đặc biệt là chiếc mũ màu nâu (mà nếu không có nó, không cách nào thể hiện cho được hình ảnh của nhà tu hành này). Người ta kể rằng, 50 năm qua, chưa bao giờ thấy thầy Viên Thức đội một chiếc mũ nào có hình hài khác. Thiền sư đã tự làm nó hay ai đã làm cho thầy, người ta cũng không thể biết. Thầy Viên Thức nói, đó là một hình ảnh cố định của thầy trong cuộc đời mà thầy muốn lưu giữ, không muốn thay đổi. Năm tháng có thể làm con người già đi, đó chỉ là sự di chuyển của thời gian, còn hình ảnh của con người là bất biến. Những lần đến nước Mỹ, dù thời tiết có lạnh hay nóng đến đâu, thiền sư cũng không rời chiếc mũ. Giống như những bức họa, cần hình khối và màu sắc để thể hiện tư tưởng của người nghệ sĩ, chiếc mũ là cách để Thiền sư Viên Thức vẽ hình hài của riêng mình vào bức tranh đời sống. 

Quay trở lại chuyện làm phim, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đành phải năn nỉ thiền sư Viên Thức nhập vai chính mình trong phim của anh. Và, chúng ta sẽ có dịp được chiêm ngưỡng hình ảnh thầy Viên Thức với chiếc mũ đặc biệt, khi xem phim Dốc tình, được phát hành trong thời gian tới. 

Thiền sư Viên Thức vẽ tranh theo lối “vô tâm họa”. Nghĩa là, vẽ không cần nghĩ ngợi, không cần tư duy, vẽ bằng những gì bản năng nhất, hồn nhiên nhất. Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn từng nói: “Nghĩa nôm na của vẽ là tả lại trên giấy cái mà mắt ta đã nhìn thấy, tả lại bằng nét, bằng màu. Nhưng vẽ còn có ý nghĩa là tả lại cái hình ảnh nó ở trong đầu tôi, trong tim tôi, dù nhắm mắt lại cái hình ảnh đó nó vẫn hiện ra, rõ mồn một, có khi nó còn rõ hơn cả lúc tôi mở mắt...”. Với thiền sư - họa sĩ Viên Thức, thầy đã không vẽ cái sự thật, tức không theo một đề tài định trước nào cả, mà là vẽ cái ngay lúc đó xuất hiện trong đầu, nhìn thấy trong đầu, và thể hiện ra giấy bằng màu sắc. Đó chính là lối vẽ thiền, lối “vô tâm họa”. 

Nhưng rõ ràng các bức tranh “vô tâm họa” của thiền sư Viên Thức không hề vô tâm. Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, người bạn tri kỷ của thiền sư gần 30 năm nay, một họa sĩ bậc thầy về tranh ký họa chân dung đã nhận xét về tranh thầy Viên Thức như sau: “Lối vẽ của thiền sư Viên Thức rất con nít và cũng rất bậc thầy. Thiền sư đã quá mê chơi, chơi trong rừng hội họa, rừng là mênh mông trăm ngả đường, đúng là vô thủy vô chung mà cũng rất là thủy chung”. Vốn yêu mến họa sĩ Bùi Xuân Phái, thầy Viên Thức đã vẽ gần 50 bức tranh chân dung họa sĩ, trong đó có nhiều bức khiến họa sĩ Hoàng Lập Ngôn tấm tắc rằng, có rất ít người thể hiện được đúng tinh thần của Bùi Xuân Phái như vậy. Nét điển hình của Phái là vừa ngạc nhiên vừa bi quan trước cuộc đời... 

Tình bạn giữa họa sĩ Hoàng Lập Ngôn và thiền sư Viên Thức, cho đến nay đã để lại một gia tài hội họa, gồm hơn 100 bức ký họa chân dung thầy Viên Thức do họa sĩ Hoàng Lập Ngôn vẽ và cũng ngần ấy bức ký họa thầy Viên Thức vẽ chân dung bạn mình. Dự định của thầy Viên Thức là sẽ mở một cuộc triển lãm chung trưng bày tác phẩm của hai người trong thời gian tới. 

Không chỉ vẽ tranh, thiền sư Viên Thức đã xuất bản tập thơ thứ 7. Thơ của thầy là những suy cảm tinh tế trước vạn vật, thiên nhiên, lối viết rất thiền mà tâm trạng lại rất đời. Một cánh hoa rơi trong buổi chiều xế bóng cũng làm nhà sư chạnh lòng trước sự hữu hạn của nhân gian, của thân phận con người, và thốt lên: Ngoảnh lại nghìn thu một thoáng thôi. Mỗi buổi sáng sớm, sau khi đã ngồi thiền, thầy Viên Thức thường đạp xe vòng quanh Hồ Xuân Hương thơ mộng hít thở khí trời và ngắm thành phố ngàn hoa đang thức dậy trong vẻ đẹp rạng rỡ của bắt đầu ngày mới. Những bài thơ thương yêu cuộc sống, cảm thông với con người, nâng niu vẻ đẹp cỏ cây hoa lá của vị thiền sư đa tài đã ra đời theo những vòng quay lãng mạn của chiếc xe đạp mà thầy Viên Thức đã gắn bó nhiều năm. 

Ung dung tự tại với phong thái của một nhà tu hành, trăn trở suy tư với tâm trạng của một người nghệ sĩ, là đặc điểm nổi bật trong mỗi tác phẩm của thiền sư Viên Thức. Thiền sư nói rằng, chính nghệ thuật đã cho thầy một đời sống phong phú, nhờ nó, thầy được làm bạn với những nghệ sĩ lớn, những người đã giúp thầy nhận chân giá trị cuộc sống đầy đủ hơn, như nhà thơ Bùi Giáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Bùi Xuân Phái, Hoàng Lập Ngôn... Nghệ thuật cũng là một ngôi chùa, mà chỉ có những tài năng và nhân cách đủ lớn mới có thể đến và tu đắc đạo mà thôi. 

Thiền sư Viên Thức còn mang tới cho bạn đọc một điều ngạc nhiên nữa, là thầy có thể nói thành thạo 12 thứ tiếng. Người viết bài này đã chứng kiến Thiền sư nói chuyện với khách du lịch tới thăm gallery của thầy bằng tiếng Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc. Chỉ bằng con đường tự học, thầy Viên Thức đã làm chủ được một gia tài kiến thức lớn, khiến cho rất nhiều người ngưỡng mộ. Thầy Viên Thức đúng là một nhà tu hành “lạ lùng” nhất mà tôi từng gặp. 

(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/)

 

Thiền sư Viên Thức


Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập