Ngày Di sản Văn hóa 23/11 về thăm vùng đât Di sản Ninh Thân quê tôi

Đã đọc: 1310           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Sáng ngày 23/11, ngày Di sản Việt Nam, về thăm vùng đất di dản văn hóa Ninh Thân quê tôi, thật tự hào. Ninh Thân ngày càng phát triển và đổi mới, mãnh đất sau lủy tre làng đã thật sự thay da đổi thịt, đổi sắc thay hương. Bê tông hóa đường làng, xây dựng đập tràn thoát nước ở thôn Đại Mỹ, điện, nước đến từng nhà, khắp đương quanh ngõ vắng. Cuộc sống của người dân đã được nâng cao, người nông dân tay lắm chân bùn đã có ô tô con, nhà nhà ấm no, người người hạnh phúc

 

“Quê tôi có gió bốn mùa

Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm

Chuông hôm, gió sớm trăng rằm

Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi…”

  (Mây Tần, Nguyễn Bính)

1. Bối cảnh lịch sử

Ngược dòng lịch sử, trước năm 1653, lãnh thổ Đại Việt về phương Nam đến đất Phú Yên tiếp giáp với Chiêm Thành và núi Thạch Bi - núi Đại Lãnh ngày nay - là đường ranh giới tự nhiên giữa hai nước. Sách Địa dư chí của Nguyễn Trãi chép : “ Khoảng niên hiệu Hồng Đức, Trà Hòa (Trà Toàn) nước Chiêm vào cướp ở Hóa Châu, Thánh Tông (1460-1497) thân đi đánh, phá được thành Đồ Bàn, thu phục bờ cõi cũ, lại mở đất đến núi Thạch Bi ...”

Vì có sự kiện vua Chiêm là Bà Bật (Bà Tấm, Bà Tranh) vào năm 1653 đời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) vượt núi Thạch Bi quấy phá đất Phú Yên nên vùng đất Khánh Hòa hôm nay đã có 359 năm mở đất. Sách Đại Nam nhất thống chí chép : “ Đời Thái Tông Hiếu Triết Hoàng đế Nguyễn Phúc Tần năm thứ 5 là năm Quý Tỵ (1653) .... sai Cai Cơ Hùng Lộc đánh dẹp. Người Chiêm hàng, do đấy chiếm lấy đất từ sông Phan Rang (Ninh Thuận) trở về phía đông đến địa giới Phú Yên, đặt dinh Thái Khang 泰 康 gồm 2 phủ Thái Khang泰 康 , Diên Ninh 延 寧 và 5 huyện (Thái Khang 泰 康 lãnh 2 huyện Quảng Phúc 廣  福 và Tân Định 新  定 , Diên Ninh 延 寧 lãnh 3 huyện Phúc Điền  福 田 , Vĩnh Xương 永  昌  và Hòa Châu 和 洲  )

Trải qua các đời Chúa, đời vua triều Nguyễn, từ  dinh Thái Khang 泰 康 đến dinh Bình Hòa  平 和 (1803), trấn Bình Hòa 平 和 (1808), tên dinh đã được thay đổi sau 150 năm mở đất. Tất cả những gì Chúa Nguyễn Phúc Tần mong ước trên vùng đất mới này đều được thể hiện. Cho đến khi vua Gia Long lên ngôi chưa được hai năm, đã quyết định đặt tên một vùng đất luôn bình an, người dân hiền hòa, vùng đất, khí hậu  hiền hòa ...  là BÌNH HÒA 平 和. Thiên nhiên đã tạo nên một vùng đất tươi đẹp, hiền hòa và cũng tạo nên con người hiền hòa, thuần hậu, thân thiện…

Căn cứ vào những chữ Hán khắc trên chuông chùa Thanh Lương, thôn Nhĩ Sự xã Ninh Thân năm 1763:

上寶下楊和尚證明.大越國廣南處平康府新定縣中總平安社平安村.住持僧積仁大師.清涼寺奉佛今本道及十方善男信女眾等.景興二十四年四月吉日鑄鴻鐘…    

"Thượng Bửu hạ Dương, Hòa thượng chứng minh, Ðại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Bình Khang phủ, Tân Ðịnh huyện, Trung tổng, Bình An xã, Bình An thôn. Trụ trì tăng Tịnh Nhơn đại sư, Thanh Lương tự, phụng Phật, kim bổn đạo cập thập phương thiện nam tín nữ chúng đẳng. Cảnh Hưng nhị thập tứ niên, tứ ngoạt kiết nhựt chú Hồng Chung…”

Có nghĩa là: “Tại thôn Bình An, xã Bình An, tổng Trung, phủ Bình Khang, huyện Tân Định, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt, Hòa Thượng húy thượng Bửu hạ Dương Chứng minh đúc Đại Hồng Chung, vào năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763), tháng tư ngày lành (Phật Đản) , chuông do Ðại sư Tích Nhơn trụ trì chùa Thanh Lương cùng tất cả thiện nam tín nữ, thập phương.bổn đạo cúng dường tạo lập…“

Theo đó có thể khẳng định vào năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763) xã Ninh Thân lúc bấy giờ là xã Bình An, Tổng Trung, huyện Tân Định, Phủ Bình Khang.  Đến cuối đời Tự Đức (1848-1884) đổi tên là  tổng Thân Thượng, huyện Tân Định. Từ sau năm 1954, là xã Ninh Thân, huyện (thị xã) Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hòa cho đến ngày nay.

2. Ninh Thân quá trình hình thành và phát triển

Xã Ninh Thân ở về phía Tây bắc thị xã Ninh Hòa, giáp giới với các xã Ninh Phụng, Ninh Trung, Ninh Tây, Ninh Xuân. Diện tích 17.11  km2, dân số hơn 9.422 người. Ninh Thân có 9 thôn gồm: Thôn Chấp Lễ, Đại Tập, Đại Mỹ, Mỹ Hoán, Nhĩ Sự, Tân Phong,  Đại Hoán, Suối Méc và thôn Lỗ Bò.

-Trụ sở HĐND, UBND xã Ninh Thân đặt tại thôn Đại Mỹ.

Ninh Thân  là địa phương có bề dày về văn hóa, lịch sử.lâu đời. Thể hiện rõ nhất là trống đồng cổ được phất hiện năm 2004, tại vườn nhà ông Trần Mới, thôn Đại Mỹ. Trống đồng cổ còn gần như nguyên vẹn, đường kính mặt trống 0,72m; đường kính đáy dưới trống 0,76m, chiều cao 0,55m, có 4 quai đôi. Đây là trống đồng thuộc nhóm trống đồng loại I HEGER từng được phát hiện ở Thanh Hóa niên đại khoảng 2.000 năm

 Nói về truyền thống văn hóa lâu đời ở Ninh Thân, trước hết là  truyền thống Thờ cúng tổ tiên, ông bà. Đây nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người Việt, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Thờ cúng tổ tiên, ông bà đó chính là đạo lý làm người, cho nên ca dao ta có câu:

Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”

Bên cạnh truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn sùng Nho giáo, tấm lòng biết ơn của những người nông dân hiền lành, chất phát, một nắng hai sương cũng được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, nhưng chung nhất vẫn là tri ân, báo ân.

Cách đây hơn ba thế kỷ, người dân Đàng ngoài di cư vào đây khai khẩn lập ấp. Ngày đó, Ninh Thân vốn là một vùng đất thấp trũng rất thuận lợi cho việc trồng trọt, chăn nuôi, đất rộng, người thưa, người dân dễ làm ăn sinh sống, nên dân cư quy tụ về đây mỗi ngày một đông. Tuy nhiên, ở thời kỳ sơ khai, người dân  phải đối mặt với nhiều hiểm nguy của thiên tai, dịch họa, họ gửi gắm niềm tin, ước mơ và hy vọng của mình vào  Trời Phật, thần linh, đấng siêu nhiên  che chở cho mình và họ lập đình, chùa, miếu để thờ phụng.

Đình thờ Thần, còn miếu thờ Thành hoàng, thờ Mẫu, thờ ông Hổ, miểu thờ âm linh, cô hồn.

Xã Ninh Thân, trước năm 1975 có 6 thôn, mỗi thôn đều có đình. Đình Đại Tập, Chấp Lễ, Đại Mỹ, Mỹ Hoán, Nhĩ Sự, Tân Phong chưa kể các miếu thờ thánh mẫu Thiên Y A Na và miếu thờ Thành hoàng. Hiện nay, Đình Đại Tập, đình Chấp Lễ đã được xếp hạng di tích văn hóa, lịch sử cấp tỉnh.

Đình Đại Tập được xây dựng vào năm Gia Long thứ 9 (Canh Ngọ-1810) mang tên đình An Tập, là một trong những ngôi đình kiến lập sớm nhất của Thị xã Ninh Hòa,  đây là nơi dân chúng từ đàng ngoài quy tụ tới làng  định cư làm ăn. Đến năm 1817 đình được đổi thành tên Đại Tập có nghĩa là "tập hợp lớn- dân cư càng ngày thêm đông đúc". Đình Đại Tập được sắc phong lần đầu tiên vào năm 1852 thời vua Tự Đức, sau đó là sắc phong thời vua Thành Thái, Duy Tân phong tước hiệu cho Thành hoàng làng là "Đại Càn Quốc gia Nam Hái Tứ vị tôn thần " đến nay tại đình vẫn còn lưu giữ 5 sắc phong. Tại đình vừa thờ thần vừa thờ các bậc tiền hiền có công khai khẩn lập ấp. Đình Đại Tập được xây dựng theo lối kiến trúc nội xông, ngoại chái, mái ngói, cột gỗ, phía trên đỉnh mái của đình là lưỡng long chầu nguyệt.

Khác với đình Đại Tập, đình Chấp Lễ ban đầu được xây dựng theo lối kiến trúc cổ lầu mái ngói, vách đất, sau nhiều lần thay đổi đến nay đình có kiến trúc tam sơn tức là 3 tầng núi. Đình Chấp Lễ được sắc phong đầu tiên vào năm 1890 đời vua Thành Thái. Tại đình Chấp Lễ thờ thần Thành Hoàng Đại Càn Nam quốc tứ đại tôn thần, ngôi miếu cạnh đình thờ Thánh mẫu Thiên Y Ana Diễn Ngọc Phi tước hiệu "Hồng Nhân phổ tế Linh ứng Tôn thần".. Ngày xưa, khu vực thờ thần linh và thờ các bậc tiền hiền được đặt hai vị trí khác nhau, sau thời kì chiến tranh bị hư hoại, nên các địa phương đều sử dụng khu vực thờ tiền hiền vào mục đích khác, rước các bậc tiền hiền về thờ tại đình, nhưng ở thôn Chấp Lễ vẫn còn giữ được y nguyên như cha ông để lại. Các sắc phong của đình Chấp Lễ hiện được lưu giữ tại khu vực thờ tiền hiền.

Đình Mỹ Hoán, ngày xưa là Miểu Cây Lá (có cây lá buông cổ thụ hàng trăm năm) thờ Bà Hậu thổ và thờ thần Thành Hoàng rất linh thiêng.

Các đình làng trên địa bàn xã Ninh Thân đã đánh dấu nhiều sự kiện  đồng hành cùng người dân trong chiến tranh của địa phương. Hòa bình lập lại đình là nơi người dân hội họp, tổ chức hội hè.

Cũng như khắp nơi trên đất nước Việt Nam, lễ hội ở Ninh Thân thường bắt đầu vào 2 mùa trong năm, đó là mùa Xuân và mùa Thu (còn gọi là xuân thu nhị kì hay xuân kỳ, thu tế). Đình làng ở Ninh Thân thể hiện rất rõ nét tương đồng việc phối thờ, phối tế ở các thôn xã, rất giống với hiện tượng phối thờ, phối tế của cư dân vùng biển ở Khánh Hòa trong việc hợp nhất lăng và đình trong cả kiến trúc lẫn tế lễ. Đình làng là nơi sinh hoạt của cộng đồng. Lễ Kỳ An nhằm cầu chúc cho cộng đồng bình yên, vững mạnh.

Việc tổ chức lễ Kỳ an – tế Xuân vào các ngày 15 và 16/2 âm lịch hàng năm, Lễ Kỳ an, hay còn gọi là Lễ cúng đình khởi đầu bằng cảnh rước sắc phong từ nhà thờ Tiền hiền về đình làng (lúc 15 giờ ngày 15 tháng 2 âm lịch).

Lễ hội đình làng là một nét đặc trưng tiêu biểu của cư dân nông nghiệp ở Ninh Thân gắn với công đức Thành hoàng làng, các tiền hiền, hậu hiền khai khẩn đất đai, có công xây dựng làng, lập ấp

Bên cạnh đình, miếu, miểu, chùa  là nét tiêu biểu cho văn hóa tâm linh của xã. Ngày xưa Ninh Thân có 6 thôn, đã có 5 ngôi chùa: Chùa Thanh Lương (thôn Nhĩ Sự), chùa Quang Long (thôn Đại Tập), chùa Mỹ Quang (thôn Mỹ Hoán) và chùa Phước Lễ (thôn Chấp Lễ), chùa Minh Đức (thôn Nhĩ Sự)

Chùa Thanh Lương thuộc thôn Nhĩ Sự là ngôi chùa cổ nhất của xã Ninh Thân,  cũng là một trong những ngôi chùa cổ của tỉnh Khánh Hòa. Căn cứ thông tin được khắc trên đại hồng chung  tại chùa, nên lấy năm đúc chuông 1764 là năm khai sơn sáng lập. Thời kỳ chiến tranh bị giặt đốt phá, chùa được đại trùng tu nhiều lần. Ngôi chùa Thanh Lương hiện nay do Đại đức Thích Thiện Hoan đại trùng tu năm 2008 rất khang trang, rộng rải và thanh tịnh. Ngôi chùa Thanh Lương gắn bó chặt chẽ với tín ngưỡng của người dân địa phương nên Phật tử về lễ Phật, quy y  tại chùa ngày càng đông.

Vào thời Tây Sơn và Nguyễn Ánh đánh nhau, đại hồng chung của các chùa bị tịch thu mang đi đúc súng. Để tránh nạn lấy chuông đúc vũ khí, sát sinh, chùa Thanh Lương đã đem chuông dấu ở Bàu Bơi. Hòa bình lập lại mọi người đi tìm, nhưng không tìm thấy. Dân làng Đại Cát và Nhĩ Sự đem lễ vật đến bàu cầu nguyện, thình lình đại hồng chung nổi lên, nhưng rồi lại chìm xuống nước. Mọi người lặn xuống tìm xem thì thấy chuông úp sấp trên cát. Cùng nhau kéo lên, kéo hết hơi hết sức, vẫn không di chuyển được chút nào.

Sau đó, hào lão làng Nhĩ Sự thiết lập hương án thành tâm cầu nguyện, xin thỉnh chuông về chùa Thanh Lương, thì lạ lùng thay, đại hồng chung tự nhiên nhẹ bổng, mọi người khiêng về chùa nhẹ nhàng.

Chính nhờ đại hồng chung này mà các vị Trụ trì đương thời biết được các vị Tổ Khai sơn chùa Thiên Bửu, chùa Phổ Hóa, chùa Thanh Lương: sống vào thời Hậu Lê, và các chùa tạo lập vào  thời Vua Lê Cảnh Hưng.

Và cũng từ ấy, thật khó quên  những phút giây khi ta đắm mình trong khung cảnh thanh cao, thoát tục. Tiếng chuông chùa quả thật đã có một năng lực hồi sinh phi thường:

“Chuông chùa lay bóng thời gian
Đồi cây thiêm thiếp, trăng vàng ngậm sương
Tơ trăng gieo lọt mấy đường
Chuông ngân huyền diệu, đau thương dịu lòng”  

Ngoài Đại hồng chung, chùa Thanh Lương được khẳng định là ngôi chùa cổ qua niên đại gần vài thế kỷ của cây me cổ thụ phía sau chùa. Gốc me mấy người ôm không xuể, đứng sừng sửng, vươn cao vòi vọi, tán lá sum xuê, che rợp bóng mát cho chùa, bất luận nắng, mưa, gió, rét như những người nông dân ở đây luôn chịu đựng một nắng, hai sương, nhưng lại rất anh dũng, kiên cường trong quá trình dựng nước và giữ nước. 

Ở xã Ninh Thân bên cạnh ngôi chùa cổ Thanh Lương, chùa Quang Long cũng là ngôi chùa cổ có trên 200 năm tuổi. Chùa Quang Long kiến tạo khoảng cuối đời chúa Nguyễn xứ đàng Trong, trước khi nhà Tây sơn dựng nghiệp, do hai vợ chồng ông Trần Văn Cẩn, gốc người Bình Phú vào làng An Tập lập nghiệp. Hai Ông, bà không có con, nên quy y đầu Phật với Tổ Phật Kế chùa Trường Thọ, với pháp danh: Tổ Tín. Những năm sau, ông xin thọ giới Thập Thiện và được Bổn sư phú pháp tự là Phước Sanh. Ông Trần Văn Cẩn đã tự nguyện  chuyển nhà của mình thành ngôi niệm Phật đường, hằng ngày ăn chay, niệm Phật khoảng vào triều Gia Long năm thứ 13 (1812)

Trải qua  hai thế kỷ, chùa Quang Long đã được trùng tu nhiều lần. Cứ mỗi lần  tu sửa chùa được nâng cấp lên.

Đặc biệt vào năm 1994, Thượng toạ Thích Nguyên Đăng trú trì phát nguyện đại trùng tu ngôi chánh điện phạm vũ huy hoàng, trang nghiêm, rộng rãi..

Thật quả là:

“Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa

Thiền môn hưng thịnh bởi đàn việt hộ trì”

Ngoài ra, xã Ninh Thân còn có hai ngôi chùa trẻ là chùa Mý Quang ở thôn Mỹ Hoán và chùa Phước Lễ tại thôn Chấp Lễ.

Chùa Mỹ Quang tọa lạc tại thôn Mỹ Hoán, (ngày xưa là Mỹ Thành, tổng Thân Thượng).. Chữ Mỹ có nghĩa là đẹp, chữ Hoán có nghĩa là rực rỡ, Mỹ Hoán    có nghĩa là đẹp rực rỡ!

Năm 1966 (Bính Ngọ) Đại diện Phật đã làm đơn xin phép chính quyền địa phương xây dựng chùa, trên công điền tục danh là ruộng trổ bộng, Được sự chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã Ninh Thân, Ban vận động kiến thiết xây dựng chùa được thành lập, gồm các ông: Ông Từ Hòa Tửu, Ông Nguyễn Đưa, Ông Lê Phu, Ông Võ Bình, Ông Từ Hòa Thi, Ông Trần Hải, Ông Hà Huệ, Ông Bùi Ân, Ông Lê Đực và Ông Lê Bửu.

Lễ khởi công động thổ được tổ chức năm Mậu Thân (1968). Lễ Thượng lương, dưới sự Chứng minh Khai sơn của Đại Đức Thích Từ Nhẫn, Chánh Đại diện Phật giáo xã Ninh Thân, Trú trì chùa Thanh Lương, thôn Nhĩ Sự và đông đảo đồng bào Phật tử. Chùa được Tổ khai sơn an danh là chùa Mỹ Quang.

Sau hơn nửa thế kỷ kiến lập, truyền thừa chùa Mỹ Quang đã trải qua nhiều đời Trú trì. Đệ ngũ  Trú trì Sư cô Thích Nữ Liên Phương, Trú trì từ năm 2004 đến nay, tháng 2 vừa qua Sư Cô đã xây dựng nhà Tây, trên một tỷ đồng, khang trang rộng rãi làm trai đường khi an cư kiết hạ, làm giảng đường khi phật tử tu tâp, thọ bát quan trai, tâm nguyện muốn đại trùng tu  ngôi chánh điện để có nơi Phật tử tu học và làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của những người nông dân cần cù, lương thiện, chịu thương, chịu khó, sau lũy tre làng,

Đúng là:

“Mỹ tướng hoằng  từ  tam giới thiên nhân đồng khể thủ,

Quang minh phổ độ thập phương đàn tín vĩnh quy y”

Chùa Phước Lễ (thôn Chấp Lễ) khai sơn cùng thời vói chùa Mỹ Quang, khởi công xây dựng ngày 30-7-Đinh Mùi (1967), do Ông Ấp trưởng Lê Khâm khởi xướng. Sau khi xây dựng xong năm 1968, Phật tử Nguyễn Khuê- pháp danh Tâm Khoản phát tâm tự nguyện làm thủ tự  hương khói cho chùa đến khi ông quá vảng (1968-1972).

Sau gần 50 năm kiến tạo, chùa Phước Lễ đã trải qua nhiều đời Trú trì. Đại đức Thích Nhuận Trực kế thừa Trú trì chùa Phước Lễ từ năm 2009 đến nay. Vừa qua Đại đức trú trì và phật tử đã phgast tâm đại trùng tu ngôi chánh điện, công trình đang hoàn thiện phần thô, có lẽ trong những ngày tiếp theo dẽ đúc mái và lợp.

Ngoài ra, Ninh Thân còn có một ngôi chùa mới Minh Đức tại thôn Nhĩ Sự do Đại đức Thích Pháp Đăng trú trì. Hằng tháng đều tổ chức khóa tu cho Phật tử.

Từ xưa đến nay, Ninh Thân quê tôi luôn thực hiện truyền thống mãi mãi khắc ghi công ơn của các bậc tiền bối và vẫn luôn tự hào về tinh thần anh dũng, kiên cường của thế hệ cha ông đã từng sinh ra trên mãnh đất quê hương này. Bia tưởng niệm tại xã Ninh Thân đã ghi công 86 anh hùng liệt sỹ. Tiêu biểu nhất là liệt sỹ Võ Văn Ký hy sinh vào ngày 23-10-1948 tại trận đánh 101 ngày đêm ở ga Nha Trang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là người con của làng quê Đại Tập, Ninh Thân.

Có lẽ, từ sự kế thừa những truyền thống văn hóa, lịch sử tốt đẹp ấy mà người dân Ninh Thân ngày nay đã từng bước phấn đấu bảo vệ và xây dựng đưa quê hương ngày càng phát triển.

Thôn Chấp Lễ, xã Ninh Thân  là một điển hình được các cấp từ địa phương đến Trung ương biểu dương về việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong nhiều năm liền.

Phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp lâu đời của ông cha, những người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Ninh Thân, những người nông dân  hiền hòa, thân thiện, cần cù, chịu khó, dù sống ở đâu đều hướng về quê hương, đang từng bước bảo vệ và xây dựng Ninh Thân quê tôi ngày càng phát triển và giàu đẹp.

 

 









Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

2.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập