Chùa Thầy long trọng đón bằng di tích quốc gia đặc biệt

Đã đọc: 2013           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tối 23 -4 – 2015, tức mồng 5 tháng ba năm Ất Mùi tại chùa Thầy, UBND huyện Quốc Oai (TP.Hà Nội) tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, quyết định công nhận bảo vật quốc gia cho bộ Di Đà Tam Tôn chùa Thầy và khai hội truyền thống năm 2015.

Chùa Thầy mùa lễ hội lại về

 Chùa Thầy  ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội), tên chữ Thiên Phúc tự, còn có tên khác là chùa Cả... được khởi dựng vào thời vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127), gắn liền với tên tuổi Thiền sư Từ Đạo Hạnh, một danh tăng đắc đạo sống mãi trong tâm hồn dân tộc. Hàng năm chùa Thầy mở hội vào tháng ba âm lịch, là lễ hội lớn trong vùng, luôn được Phật tử thập phương mong chờ. Dân gian truyền những câu ca: “Nhất vui là hội chùa Thầy”; “Hội chùa Thầy có hang Cắc Cớ/ Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy/Gái chưa chồng nhớ ngày mà đến”.

 Vào sáng 23 -4 – 2015, tức mồng 5 tháng ba năm Ất Mùi, để chuẩn bị cho lễ khai hội, tại Điện Thánh chùa Thầy đã diễn ranghi thức tắm tượng. Từ bao đời nay, Bảo tượng Thánh sư linh thiêng được đặt trong khám luôn được đóng kín, mỗi năm chỉ một lần khám được mở ra để thực hiện nghi lễ tắm tượng. Trong hương khói nghi ngút, nước tinh khiết được đem tới trước bàn thờ. Nhà sư trụ trì cùng những người giúp việc lấy khăn vải đỏ sạch nhúng vào nước và lau cẩn thận mình tượng, mọi hành động diễn ra hết sức trang nghiêm. Trong lúc tắm tượng, tăng ni Phật tử cùng nhân dân xung quanh đều chắp tay hướng về phía tượng cùng tụng kinh niệm Phật. Kết thúc nghi lễ, nước tắm tượng được vẩy ra khắp nơi như mưa của đức Phật để người khang vật thịnh. Chiếc khăn dùng tắm Phật được chia nhau về làm bùa cho trẻ nhỏ tránh khỏi những ma tà ám khí.

  Chiều 23 -4 – 2015, nhân dân xã Sài Sơn và nhiều xã trong vùng tiến hành nghi lễ rước kiệu Thánh, kiệu Phật, bát bửu, hương đăng trà quả…từ chùa Long Đẩu về chùa Thầy. Đội múa lân sư rồng mở đầu đoàn rước, đội bát âm, tiếp nối theo sau là các kiệu, các đoàn người với đủ loại trang phục với ngót nghìn người tham gia kéo dài nửa cây số. Khi rước đến sân trước chùa Thầy, các kiệu được đặt trang nghiêm trước Tiền đường để thực hiện nghi thức lễ Phật, tế thánh. Cùng với màn múa rồng uyển chuyển trước sân chùa thu hút đông đảo người xem.

 

Nhận bằng di tích đặc biệt và công nhận bảo vật quốc gia

 Tối 23 -4 – 2015, tại thủy đình trên hồ Long Trì trước chùa, đã long trọng diễn ra Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn; quyết định công nhận bảo vật quốc gia cho bộ Di Đà Tam Tôn chùa Thầy và khai hội truyền thống năm 2015, do UBND huyện Quốc Oai (TP.Hà Nội) tổ chức. Tham dự buổi lễ, về phía GHPGVN có HT Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN; HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN TP.Hà Nội cùng chư tôn đức Tăng Ni BTS GHPGVN TP.Hà Nội, BTS GHPGVN huyện Quốc Oai, trụ trì các tổ đình tự viện trong toàn huyện. Về phía Nhà nước có sự hiện diện của Bà Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch nước; bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL; ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Đỗ Văn Quang, Bí thư huyện ủy Quốc Oai, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, cùng  đại diện các bộ ngành T.Ư, các sở ban ngành TP.Hà Nội và hàng nghìn nhân dân, Phật tử xa gần.

 Tăng ni, quan khác và nhân dân đến dự buổi lễ được thưởng chức chương trình nghệ thuật vô cùng đặc sắc, tái hiện lại cuộc đời của Đức Thánh tổ sư Từ Đạo Hạnh đã dạy dân nghề trồng lúa, canh cửi, đánh cá, biểu diễn nghệ thuật múa rối nước. Con đường đời đẹp đẽ thanh sạch của Ngài đã trở thành con đường tâm linh dẫn dắt chung sinh. Để rồi, Thiền sư Từ Đạo Hạnh được nhân dân thờ phụng như một vị Thánh, một hình ảnh con người đan xen giữa thực và ảo để làm nên huyền tích từ ngót nghìn năm nay. Ngài hiện hữu trên đời thực qua 3 kiếp là Phật, Thánh và vua. Đặc biệt, việc Ngài thác sinh làm con của Sùng Hiền Hầu, sau đó trở thành vua Lý Thần Tông mang đầy yếu tố huyền ảo, mà biết bao nhà nghiên cứu chưa lý giải được.

 Trong diễn văn tại buổi lễ, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, Chùa Thầy không chỉ là nơi danh lam thắng tích nổi tiếng, mà còn là di tích lịch sử quan trọng, là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Hà Tây cũ. Nơi đây đã vinh dự 3 lần đón Bác Hồ về làm việc, các nhà lãnh đạo Đảng như đồng chí Lê Quang Đạo, cơ quan báo Cứu Quốc đã từng hoạt động tại đây. Chùa Thầy đẹp về cảnh trí, vượng về phong thủy và linh thiêng trong tâm thức nhân dân. Dãy núi Thầy kéo dài từ Sài Sơn, Phượng Cách đến Hoàng Xá, với nhiều cảnh đẹp linh tích như hang Thánh Hóa, hang Cắc Cớ, chợ Trời… thu hút du khách bao đời đến đây chiêm bái, vãn cảnh. Chùa Thầy lưu giữ hàng trăm báu vật di sản văn hóa nghệ thuật vô cùng giá trị, trong đó giá  trị nhất phải kể đến bệ đá hoa sen hình hộp và bộ tượng Di đà Tam Tôn đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật tượng.

 Ông Trần Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã công bố 2 Quyết định của Chính phủ do Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam ký. Đó là, Quyết định công nhận bảo vật quốc gia  đợt 3, được Phó thủ tướng ký vào tháng 1.2015, trong đó công nhận Bộ tượng Di đà Tam Tôn ở chùa Thầy là bảo vật quốc gia. Đây là Bộ tượng có niên đại tạo tác vào TK17, là Bộ tượng Di đà Tam Tôn cổ nhất nước ta. Ông Trần Thành cũng công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận chùa Thầy và khu vực núi đá thuộc các xã Sài Sơn, Phượng Cách, Hoàng Xá của huyện Quốc Oai là di tích quốc gia đặc biệt. Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao bằng di tích quốc gia đặc biệt này cho TT Thích Minh Hiển, trụ trì chùa Thầy.

 Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch phát biểu, nơi đây nhiều di tích khảo cổ đã được phát hiện và khai quật. Nơi đây cũng lưu giữ hàng chục pho tượng cổ, rất nhiều hiện vật và đồ thờ có giá trị cao cả về nghệ thuật tạo hình và tư tưởng Phật giáo. Bởi vậy, chùa Thầy được các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ đánh giá là bảo tang nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc bậc nhất của nước ta. Khối di sản văn hóa tâm linh gắn liền với Thiền sư Từ Đạo Hạnh càng làm cho di tích trở nên linh thiêng để người dân khắp nơi về chiêm bái. Bà Liên đề nghị chính quyền huyện Quốc Oai lập quy hoạch tổng thể di tích để làm cơ sở cho bảo tồn di tích lâu dài. Đồng thời, triển khai cắm mốc giới bảo vệ di tích, tiếp tục xây dựng kế hoạch tôn tạo, tu bổ những hạng mục di tích đang xuống cấp, đảm bảo đúng với nội dung tín ngưỡng, tính chất của di tích này. Bà Liên cũng kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn và các tổ chức quốc tế cùng chung tay xây dựng di tích thành địa chỉ giáo dục truyền thống văn hóa cho người dân.

 Ông Nguyễn Mạnh Quyền đã đánh trống khai hội chùa Thầy mùa lễ hội năm 2015. Chính hội sẽ diễn ra vào ngày mồng Bảy tháng Ba âm lịch, với nghi lễ quan trọng và gây ấn tượng nhất ở hội chùa Thầy, đó là lễ cúng Phật và chạy đàn. Nghi lễ này là một diễn xướng có tính chất tôn giáo với sự phối hợp của các nhạc cụ. Các lễ vật chính được dâng lên ban thờ cùng hàng trăm lễ vật khác nhau của khách thập phương dự hội với đủ màu sắc của các loại hoa quả, oản, bánh, xôi… lung linh trong khói nhang và đèn nến. Sau đó các nhà sư với bộ áo cà sa sang trọng, tay cầm gậy hoa biểu diễn những bước múa lượn vòng tròn, bước nhanh, bước chậm thể hiện một chuyến đi không ngừng của kiếp người để vươn tới điều cao đẹp. Trong khung cảnh mờ ảo xa vời, các nhà sư vừa đi vừa múa hát theo dàn nhạc đệm và tiếng mõ tụng kinh. Hội chùa Thầy không chỉ có những nghi thức tôn giáo, mà còn có nhiều trò vui sinh động, nổi bật là múa rối nước với những cảnh múa lân, múa rồng, cảnh xay thóc, giã gạo, chọi trâu… được các nghệ nhân đưa vào thật gần gũi, sinh động và hấp dẫn mang đậm sắc thái dân gian.

 

Giá trị của Bộ Di Đà Tam Tôn Chùa Thầy

 Trải qua gần một nghìn năm, ngày nay chùa Thầy còn lưu giữ được công trình kiến trúc vô giá, được đánh giá là công trình kiến trúc chùa cổ nhất Việt Nam. Chùa có kết cấu hình chữ Tam, với 3 toàn nhà song song, gồm Tiền Đường, Điện Phật và điện Thánh. Trong đó, Điện Phật có kết cấu ba gian hai chái, dài 20m, rộng 9,5m, cao 5,5m (tính từ nền nhà tới thượng lương). Khung chịu lực của toà Điện Phật gồm 8 cột cái và 16 cột quân cùn với bộ vì kèo tứ hàng chân, nhưng hệ thống liên kết giữa các vì không giống nhau. Trong gian giữa nửa phía trước, các vì sử dụng hệ thống liên kết bằng con rường, khoảng cách giữa hai con rường rộng tới 0,35m, đây là thông số rất hiếm gặp. Nhưng ở nửa sau của Điện Phật lại dùng kẻ suốt với độ dốc khá lớn. Như vậy ngay trong một vì đã có hai cách liên kết: “chồng rường - giá chiêng” và “giá chiêng - kẻ suốt”, phong cách kiến trúc này chỉ thấy xuất hiện duy nhất tại chùa Thầy. Chánh Điện cũng dùng 4 kẻ xó hỗ trợ đao, dài và rất lớn. Liên kết trên vì nóc cũng vô cùng đặc biệt, thay vì kiểu giá chiêng, người thợ xưa đã sử dụng kiểu “kèo cầu - cột giữa”, một lối kết cấu được coi là cổ nhất trong kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Những chiếc bẩy giả nơi đây cũng chưa từng thấy xuất hiện trong bất kỳ kiến trúc cổ nào ở Việt Nam. Trong kiến trúc truyền thống, sử dụng kẻ làm thành phần nối liền giữa cột cái và cột con, qua cột quân chạy thẳng ra ngoài để đỡ mái hiên. Với Chánh Điện chùa Thầy, mặt sau của vì kèo ba gian giữa, kẻ được làm chệch ra phía ngoài cột 0,8m tạo thành bẩy giả, đã làm mở rộng lối đi từ Điện Phật lên Điện Thánh. Theo các nhà nghiên cứu, bộ mái của Chánh Điện chùa Thầy có niên đại thời Nguyễn, còn bộ khung có niên đại thế kỉ XVII. Cố Thượng tọa Thích Viên Thành, sinh thời đã có bài viết đăng trên tạp chí Mỹ Thuật Thời Nay, nói về những nét độc đáo của kiến trúc chùa Thầy. Theo Thượng tọa, toàn bộ ngôi chánh điện bằng gỗ, cần rất nhiều sự kết nối các thành phần (cột, kèo, xà, vì…) để tạo khung chịu lực, thế nhưng tất cả mọi kết cấu kiến trúc của toà nhà chỉ dựa trên cơ sở của 36 lỗ đục. Chi tiết này khiến tất thảy mọi người đều phải kinh ngạc, thán phục tài nghệ của những người thợ xưa.

 Điện Thánh chùa Thầy có kích thước vô cùng đồ sộ, dài hơn 19m, rộng gần 18m, thế nhưng được kết cấu chỉ có 1 gian chính và 2 chái, chiều cao từ nền tới thượng lương 6m. Toàn bộ khung chịu lực gồm 4 cột cái (đường kính 0,5m) và 16 cột quân (đường kính 0,45m), tất cả các cột đều được kê trên các tảng đá hình vuông. Trong số 4 cột cái có hai chiếc cột vô cùng quý giá, là di sản của ngôi chùa thời Trần còn sót lại, đã 800 năm tuổi. Hai chiếc cột này, một chiếc bằng gỗ pơ mu (Ngọc Am) và một chiếc bằng gỗ chò chỉ, được các nhà khảo cổ học đánh giá là hai chiếc cột gỗ cổ nhất Việt Nam. Vì kèo của hai gian giữa có khẩu độ rộng bất thường so với các kiến trúc khác của ngôi chùa Việt. Khoảng cách giữa cột cái là 6m, giữa cột cái và cột quân 4,7 m. Câu đầu (thanh nối giữa hai cột cái) có kích thước lớn khác thường. Kiểu liên kết của vì vô cùng khác lạ, lối “chồng rường - bảy hiên” ở hai gian chính, riêng vì nóc lại kiểu “giá chiêng kép”. Hai trụ ngắn kê lên đầu với một xà ngang có khẩu độ rất lớn, cùng với hai con rường bổ trợ cho trụ ngắn, đồng thời dể đỡ mái thay hoành. Chồng bên trên thanh xà ngang, có hai trụ ngắn nữa đặt trên với một thanh xà ngang tạo thành kiểu “vì nóc giá chiêng kép”, rất hiếm gặp trong kiến trúc Việt Nam. Rất nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ học đã đánh giá Điện Thánh ở chùa Thầy là toà hậu cung sớm nhất nước ta.

 Chùa Thầy còn bảo lưu được 36 pho tượng cổ, niên đại từ thời Lý đến thời Nguyễn. Trong đó quý giá nhất là Bộ tượng Di Đà Tam Tôn bằng gỗ cổ nhất Việt Nam. A Di Đà ngự chính giữa, vị trí cao nhất phía trong cùng của gian giữa toà Điện Thánh. Tượng theo tư thế kiết già.  Đầu tượng có tóc kết xoắn ốc cao thiên về phía đỉnh. Tai đeo hoa, cổ đeo vòng trang trí hình tròn lớn ở giữa với hình hoa mai và anh lạc. Các nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng đeo dây anh lạc chỉ có ở tượng niên đại thế kỉ XVI. Tay phải  của tượng đặt trước lòng đùi kê lên bàn chân, tay trái lồng lên tay phải. Ngón cái của hai tay đan xen nhau, đều đeo nhẫn có mặt hoa cúc mãn khai. Tượng khoác áo cà sa chùng rộng, gấp nhiều nếp phủ quanh cổ và lượn tròn  trước bụng. Lớp áo ngoài trùm qua bờ vai, phủ lên hai gối xuống mặt bệ sen. Bên trong có lớp xiêm rộng thắt lưng nhiều nếp và bó mối xoắn.  Quan Âm Bồ Tát ngồi trong tư thế thiền định, chân khoanh xếp bằng trên mặt đài sen. Kích thước tượng: cao 1,48m; ngang vai 0,58m; ngang đùi 1,14m. Đầu tượng đội mũ thiên quan, đính nhiều bông hoa tròn, đoá ở giữa có quầng sáng hình lá đề cân xứng. Mặt nhìn thẳng phía trước, soi rõ nội tâm. Đôi tay chắp trước ngực, bàn tay lồng úp vào nhau. Ngoài cùng khoác cà sa chùng rộng, cổ áo lượn tròn, phủ cân xứng hai bên tay, xuống đùi rồi trùm mặt bệ. Đường diềm áo có điểm hoa văn hình hạt ngọc và những bông hoa trông tựa như tràng hạt. Đại Thế Chí ngự trên bệ vuông, chân trái buông thõng, chân phải xếp bằng. Kích thước tượng: cao 1,22m; ngang vai 0,43m; ngang đùi 0,77m.  Đầu  đội mũ thiên quan, lượn vành núi cao, trang trí hoa sen. Mặt thanh nhỏ hơn Quan Thế Âm. Cổ đeo vòng. Tay phải cầm phất trần đặt lên đầu gối phải, tay trái để ngửa trước lòng. Tượng khoác cà sa chùng rộng, tương tự A Di Đà và Quan Thế Âm. Quanh thân có vòng tràng hạt điểm hoa tròn, tua ngũ sắc rủ qua hai vai, quấn quanh tay, lượn xuống đùi. Cả ba pho Di Đà Tam Tôn đều được tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng. Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, trong cuốn “Hình tượng con người trong nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt” cho rằng: “Bộ Di Đà Tam Tôn có niên đại sớm nhất bằng gỗ được biết ở nước ta (thế kỉ XVII). Sở dĩ Đại Thế Chí chùa Thầy có niên đại thế kỉ XVII vì có hình thức gần với tượng Quan Âm thời Mạc”. Trong cuốn sách “Chùa Việt Nam”, Giáo sư Hà Văn Tấn khẳng định: “Bộ tượng Di Đà Tam Tôn (ở chùa Thầy) có niên đại 1607 hiện là bộ tượng sớm nhất ở nước ta”.

























Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập