Lễ tốt nghiệp khóa II và khai giảng khóa III trường Trung Cấp Phật Học Bình Dương

Đã đọc: 3935           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Vào lúc 8h03, ngày 12/09/2013 (08/08 Qúy Tị) tại Trung tâm Văn hóa tượng Phật nhập Niết Bàn đã trọng thể diễn ra lễ tốt nghiệp khóa II và khai giảng khóa III theo hệ trung cấp Phật học.

Quang lâm chứng minh có sự hiện diện: Hòa Thượng: Thích Giác Toàn - Phó chủ tịch HDTS, Thượng Tọa: Thích Thiện Thống - Phó văn phòng II TW.GHPGVN, Thượng Tọa: Thích Huệ Thông - TBTS.GHPGVN Tỉnh Bình Dương - Hiệu trưởng trường trung cấp Phật học.

          Đại diện chính quyền có ông: Trần Đức Thịnh - Trưởng ban tôn giáo Sở nội vụ tỉnh Bình Dương.

          Ngoài ra còn có sự hiện diện của chư tôn đức tăng ni - giáo thọ sư - giảng viên, lãnh đaạo các ban nghành sở tại, 400 Tăng NI sinh khóa II - III, ban bảo trợ cùng các nhà hảo tâm và đông đảo Phật tử gần xa đến tham dự.

Sau phần niệm Phật cầu gia bị, Thượng tọa Hiệu trưởng Thích Huệ Thông phát biểu khai mạc nhấn mạnh: “Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương được thành lập và đưa vào giảng dạy nhằm tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thế hệ Tăng, Ni trẻ thuận duyên trong qúa trình từng bước tiếp cận nền tảng giáo dục vĩ đại của Đức Phật. Khóa II vừa kết thúc viên mãn trong niềm hoan hỷ và an lạc của toàn thể Tăng, Ni sinh, của trường. Trong quá trình học tập đã xuất hiện nhiều nhân tố điển hình, xuất sắc, học giỏi, chăm chỉ, chấp hành tốt những quy định và nội quy của nhà trường. Kết quả cuối khóa II, hầu hết Tăng Ni sinh đều được xét tốt nghiệp. Trong đó, có 40 Tăng Ni sinh vừa trúng tuyển kì thi tuyển sinh khóa X của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm có 23 Tăng sinh và 17 Ni sinh. Tỉ lệ đậu được đánh giá vào loại cao so với các trường Trung cấp Phật học khu vực phía Nam. Đây quả là niềm khích lệ lớn lao cho toàn thể Ban Giám hiệu nhà trường, Tăng Ni sinh khóa II, và là sự động viên để Tăng Ni sinh khóa III tiếp tục phát huy để đạt những thành tựu tốt đẹp hơn nữa”.

Thay mặt ban giám hiệu, Đại đức Thích Bửu Minh trình bày vài nét về sinh hoạt, điều hành, giảng dạy, học tập và  những thành tựu của Tăng Ni sinh khóa II như sau.

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH.

Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương nằm trong lòng Tượng Phật nhập Niết bàn với kiến trúc hiện đại và đã được xác lập Kỷ lục “Tượng Phật nằm trên mái chùa dài nhất Châu Á vào ngày 31 tháng 5 năm 2013”, hòa quyện vào quần thể kiến trúc của tổ đình chùa Hội Khánh, Ngôi chùa có kiến trúc và niên đại cổ xưa nhất trong khu vực miền Đông Nam Bộ.

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH:

Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương được thành lập năm 1995. Khai giảng khóa I vào ngày 23 tháng 09 năm 1995, Kết thúc khóa học và tốt nghiệp ngày 08 tháng 09 năm 2000.

Tổng số Tăng Ni Sinh tốt nghiệp là 111 gồm: 37 Tăng sinh, 74 Ni sinh.

Do điều kiện khách quan và cơ sở vật chất không thể đáp ứng cho nhu cầu học tập, giảng dạy nên trường tạm ngưng chiêu sinh.

Đến năm 2010, chùa Hội Khánh xây dựng hoàn thành công trình Văn hóa tượng Phật nhập Niết Bàn dài 52m, trong đó có trường Trung Cấp Phật học tỉnh Bình Dương và khu Tăng xá Nội trú cho Tăng sinh. Được sự cho phép của Hội Đồng Trị sự GHPGVN, Ban Giáo Dục Tăng Ni Trung Ương GHPGVN, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Dương, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương và Ban giám hiệu quyết định chiêu sinh khóa II, Khai giảng vào ngày 25 tháng 11 năm 2010 và hoạt động cho đến nay.

III. CƠ CẤU TỔ  CHỨC.

1 . Ban Giám Hiệu.

Hiệu trưởng: TT. Thích Huệ Thông.

Hiệu phó học vụ: ĐĐ. Thích Chơn Phát.

Hiệu Phó: ĐĐ. Thích Minh Lực.

Hiệu phó: Cư sĩ Phan Thanh Đào. (Nguyên Tạo)

Chánh Văn phòng: ĐĐ. Thích Bửu Minh, kiêm Thủ qũy

Phó Văn Phòng: ĐĐ. Thích Minh Chí. (Tổng giám thị)

Phó Văn Phòng: ĐĐ. Thích Chúc Lạc. (Phó tổng giám thị)

Phó Văn Phòng: SC. Thích nữ An Hương. (Thư ký)

Tài Chánh: SC Thích nữ Từ Thảo.

2 . Ban Giám Thị.

Nhằm ổn định và hỗ trợ cho Tăng Ni sinh trong qúa trình theo học tại trường cũng như các kì thi, Ban giám hiệu thỉnh mời chư tôn đức thành viên trong Ban Trị sự và các vị Trụ trì tham gia làm công tác giám thị. 

Mỗi ngày có một giám thị trực tiếp theo dõi và điểm danh hai lần, giám sát trực tiếp với Tăng Ni sinh. Do đó mọi sinh hoạt của lớp học diễn ra tốt đẹp.

Các giám thị thực thi nghiêm túc nội quy của nhà trường mà Ban giám hiệu đã đề ra. Tăng Ni sinh nào vi phạm vắng mặt không có lý do điều phải làm tự kiểm và có xác nhận của bổn sư hoặc ban quản chúng nơi Tăng Ni sinh đó cư trú.

Thành phần Ban giám thị: ĐĐ. Thích Hải Nghiêm, ĐĐ. Thích Nhật Nghiêm, ĐĐ. Thích Tỉnh Tại, ĐĐ. Thích Minh Tân, ĐĐ. Thích Huệ Trí, ĐĐ. Thích Trí Tâm, ĐĐ. Thích An Trí, ĐĐ. Thích Thiện Thành, ĐĐ. Thích Huệ Tín, ĐĐ. Thích Thiện Đức, ĐĐ. Thích Chúc Quang, NS. Thích nữ Huệ Hồng, NS. Thích nữ An Liên, SC. Thích nữ Giác Nguyện, SC. Thích nữ Pháp Hạnh, SC. Thích nữ Trung Hiếu, SC. Thích nữ Liên An, SC. Thích nữ Thảo Duyên, SC. Thích nữ Thảo An, SC. Thích nữ Diệu Thảo.

IV. ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN

Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Ban giám hiệu đã thỉnh mời chư tôn đức trong Ban giảng huấn của các trường Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Giảng viên giỏi trong tỉnh có nhiều kinh nghiệp trong việc giảng dạy tại tỉnh Bình Dương bao gồm:

10 vị giáo thọ sư Tiến sĩ, 3 vị giảng viên Thạc sĩ, 11 vị giáo thọ  sư Cử nhân giảng dạy theo từng môn học.

Thành phần Ban giảng huấn: TT. Thích Huệ Thông, HT. Thích Thiện Duyên, TT. Tiến sĩ Thích Viên Trí,  TT. Tiến sĩ Thích Thiện Hạnh, TT. Tiến sĩ Thích Huệ Khai, TT. Tiến sĩ Thích Phước Đạt, TT. Tiến sĩ Thích Đức Trường, ĐĐ. Tiến sĩ Thích Chơn Phát, ĐĐ. Tiến sĩ Thích Thiện Minh, ĐĐ. Tiến sĩ Thích Hạnh Tuệ, ĐĐ. Tiến sĩ Thích Nguyên Tân, ĐĐ. Thích Pháp Huệ, ĐĐ. Thích Nguyên Liên, TT. Thích Hoằng Dự, TT. Thích Minh Vũ, ĐĐ. Thích Minh Lực, ĐĐ. Thích Tuệ Quyền, ĐĐ. Thích Minh Mẫn, ĐĐ. Thích Thiện Xuân, ĐĐ. Thích Bửu Minh, ĐĐ. Ths Thích An Đạt, NS Tiến sĩ Thích nữ Như Nguyệt, Thầy Ths Nguyễn Văn Phúc, Thầy Ths Hà Ngọc Phú, Thầy Lý Văn Trung, Thầy Lê Hồng Sơn.

V. CÔNG TÁC TUYỂN SINH VÀ  ĐÀO TẠO

1. Điều Kiện Tuyển Sinh

Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương tuyển sinh trong cả nước cho tất cả các Tăng Ni sinh có nguyện vọng theo học chương trình Trung Cấp Phật học, điều kiện tuyển sinh theo quy định của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương.

  • Tuổi đời không quá 35 (tức sinh năm 1979 trở về sau)
  • Trình độ Văn hóa 9/12 trở lên.

Hiện Có 291 Tăng Ni sinh theo học gồm: 165 Tăng sinh 126 Ni sinh.

Bao gồm trên 20 tỉnh thành có Tăng Ni sinh đăng ký theo học như sau: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Định, Bình Phước, Bình Thuận, Cần Thơ, Cà Mau, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Long An, ĐăkLăk, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Phú Yên, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long.

2. Chương Trình Đào Tạo.

Hệ đào tạo chính quy bốn năm theo chương trình đào tạo Trung cấp Phật học của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương quy định gồm có Nội điển và Ngoại điển.

Nội điển bao gồm: Kinh, Luật, Luận Phật giáo

Ngoại điển bao gồm: Hán văn, Anh văn, Văn học, Pali, Pháp luật nhà nước.

Mỗi năm học tổng cộng có 14 môn học được chia điều các ngày trong tuần. Mỗi năm học 9 tháng, mỗi buổi học 4 tiết, mỗi môn học có 72 tiết tương đương với 36 buổi lên lớp tính luôn thời gian kiểm tra tại lớp. Được chia theo từng năm học như sau:

Năm thứ nhất

1. Kinh: Bát Đại Nhơn Giác, Thập Thiện, Pháp Cú, Bách Dụ.

2. Luật: Tỳ Ni Sa Di Yếu Giải.

3. Luận: Phát Bồ Đề Tâm Văn, Duy Thức Cương Yếu, Phật Pháp Căn Bản.

4. Sử học: Lược Sử Phật và Thánh Chúng, Lược sử truyền giáo và Kết tập tam tạng Thánh điển.

5. Ngoại điển: Công dân giáo dục, Văn học, Hán văn, Anh văn.

Năm thứ hai

1. Kinh: Di Giáo, Tứ Thập Nhị Chương, Na Tiên Tỳ Kheo, Trường Bộ.

2. Luật: Oai Nghi, Cảnh Sách Yếu Giải

3. Luận:  Duy Thức Nhập Môn, Phật Pháp Căn Bản.

4. Sử học: Lịch Sử Chư Tổ Ấn Độ - Trung Hoa.

Ngoại điển: Công dân giáo dục, Văn học, Hán văn, Anh văn.

Năm thứ ba

1. Kinh: Nhị Khóa Hiệp Giải, Kinh Kim Cang, Kinh Trung Bộ.

2. Luật: Bồ Tát Giới Yếu Giải.

3. Luận: Bát Thức Quy Củ, Phật Thừa Tông Yếu

4. Sử học: Giáo Nghĩa Mười Tông, Thiền học đại cương.

5. Ngoại điển: Pali, Văn học, Hán văn, Pháp luật nhà nước.

Năm thứ tư

1. Kinh: Kinh Duy Ma Cật, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Trung Bộ.

2. Luật: Tỳ Kheo Giới Yếu Giải.

3. Luận: Tiểu Chỉ Quán, Duy Thức Tam Thập Tụng.

4. Sử học: Lược sử Phật Giáo Ấn Độ, Lược sử Phật Giáo Việt Nam, Văn học Phật Giáo Lý - Trần,

5. Ngoại điển: Pali, Văn học, Hán văn.

3. Kiểm Tra và Thi Học Kỳ.

Mỗi học kỳ đều có 2 lần kiểm tra 15 phút và 45 phút, một năm học Tăng Ni sinh trải qua 2 lần thi học kỳ. Ban giám hiệu tổ chức thi rất nghiêm túc và đạt kết quả khả quan. Trong những ngày thi Ban bảo trợ và nhóm Từ thiện Hương Sen, nhóm Từ thiện Từ Tâm đều phát tâm phục vụ thức ăn – trà nước trong mỗi kỳ thi.

Tổ chức Lễ tổng kết và  khen thưởng từng năm học cho những Tăng Ni sinh đạt điểm xuất sắc và hạnh kiểm tốt.

Bên cạnh đó, nhà trường luôn đề cao tiêu chí hướng dẫn ôn thi cho Tăng Ni sinh cuối khóa học để kịp dự thi vào kì thi tuyển sinh khóa X của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban giảng huấn học viện đã giảng dạy truyền trao kinh nghiệm cho Tăng Ni sinh bổn trường. Kết qủa kì thi tuyển sinh khóa X vừa qua của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương có 40 Tăng Ni sinh trúng tuyển, tỉ lệ đậu cao nhất so với các trường Trung cấp Phật học khu vực phía Nam. (gồm có 23 Tăng sinh và 17 Ni sinh).

Nhà trường đã gởi hơn 90 Tăng Ni sinh vào trường Cao Đẳng Phật Học tại thành phố Hồ Chí Minh và lớp Cao - Trung cấp giảng sư trung ương, 2 Ni sinh dự thi vào Học viện PGVN tại Huế, ngoài ra một số Tăng Ni chuẩn bị tiếng Hoa để sang Đài Loan nhập học tại Học viện Tam Tạng Đài Loan theo nhu cầu chiêu sinh - giao lưu các trường Phật học trên thế giới.

4. Điều Kiện Học Tập.

Tăng ni sinh học chung vào buổi sáng tại giảng đường của trung tâm Phật nhập Niết bàn - Chùa Hội Khánh với sức chứa trên 500 người.

Hiện tại Trường có một Thư viện có trên khoảng 3.000 đầu sách cho Tăng Ni sinh nghiên cứu và học tập.

Phương tiện giảng dạy bằng máy chiếu hiện đại, hệ thống mạng internet không dây trực tiếp.

5. Điều Kiện Bắt Buộc.

Tất cả Tăng Ni Sinh phải ở nội trú của bổn trường và phải cấm túc an cư trong mỗi mùa hạ tại 2 hạ trường nội thiền Tăng và nội thiền Ni do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Dương tổ chức.

6. Điều Kiện Cư Trú.

Cơ sở nội trú của Tăng Ni sinh như sau:

Hai điểm nội trú Tăng: Chùa Hội Khánh (TP. Thủ Dầu Một) và Chùa Thiên Chơn (TX. Thuận An).

Hai điểm nội trú Ni: Chùa Bồ Đề Đạo Tràng (TX. Thuận An) và Chùa Phật Học (TP. Thủ Dầu Một)

Khi có việc xuất chúng ra khỏi nơi cư trú điều phải có lý do chính đáng và có ý kiến của Bổn sư và sau khi trở về phải được thầy Bổn sư xác nhận bằng văn bản có đóng dấu ký tên trên tờ xin phép của Tăng Ni sinh.

Ngoài việc đào tạo về kiến thức Phật học, Nhà trường luôn lấy việc hành trì Giới luật làm thước đo về mặt đạo đức cho Tăng Ni sinh, thông qua các kì Bố tát, Kiết hạ an cư và tinh thần lục hòa cộng trụ tại những nơi nội trú của bổn trường. Tăng Ni sinh luôn tuân thủ theo nội quy nhà trường và còn phải tuân thủ theo chương trình tu tập tại nơi nội trú.

7. Học Phí: 

Ban giám hiệu miễn học phí hoàn toàn và đảm bảo nơi ăn chốn ở cho Tăng Ni sinh trong suốt thời gian theo học tại trường.

8. Kinh Phí Nhà Trường.

Từ ngày khai giảng đến hết ngày 30 tháng 12 năm 2011 mọi kinh phí do Thượng tọa Thích Huệ Thông, Trụ Trì Tổ đình Chùa Hội Khánh và một số Tăng Ni, Phật tử hỷ cúng.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2012, Thượng Tọa Thích Huệ Thông, hiệu trưởng đã thành lập Ban bảo trợ để hỗ trợ kinh phí cho nhà trường. Trong đó, Thượng tọa Thích Minh Thuấn làm Trưởng ban, và các thành viên Ban bảo trợ gồm Chư tôn Giáo phẩm trong Ban Trị sự tỉnh hội và Tăng Ni Trụ trì các cơ sở Tự viện và các Phật tử trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ban Bảo Trợ đã chi trả phí giảng viên và sinh hoạt phí hàng tháng cho Tăng Ni sinh tại 4 cơ sở nội trú trên 70.000.000 (Bảy mươi triệu đồng).

9. Ban Cán Sự Lớp.

Sinh hoạt của ban cán sự lớp gồm có 1 lớp trưởng, 2 lớp phó học tập (Tăng, Ni), 1 lớp phó lao động, 1 lớp phó văn thể mỹ và toàn chúng viên được chia thành 6 tổ, mỗi tổ đều có 1 tổ trưởng và 1 tổ phó. 

10. Tinh Thần Học Tập.

Sau khi khai giảng và ổn định tình hình lớp học thì tinh thần học tập của Tăng Ni sinh có sự phấn đấu rõ rệt. Bên cạnh đó, tinh thần tương thân tương ái của Tăng Ni sinh đã thể hiện khá cao trong toàn khóa học. Đây là một điều rất đáng khích lệ trong tinh thần học tập.

Xuất phát từ tinh thần này, Tăng Ni sinh đã có những nhân tố xuất sắc, giỏi và nhiều cá nhân tiên tiến trong sinh hoạt tu và học. Kết quả cuối khóa II, hầu hết Tăng Ni sinh đều được đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp. Đây là điều đáng mừng của Ban Giám Hiệu trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương và Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Dương.

11. Các Sinh Hoạt Khác.

Tổ chức chào mừng ngày Nhà  giáo Việt Nam 20 - 11 hàng năm rất trân trọng để Tăng Ni sinh thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo.

Tham gia công tác Phật Đản, Vu Lan, các buổi lễ quan trọng của Ban trị sự tỉnh nhà, và tổ chức cho Tăng Ni sinh viết báo tường - cộng tác viên Bản tin Hương Sen, tiếng nói của Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Bình Dương.

Tổ chức thăm viếng, giúp đỡ Tăng Ni sinh khi đau bệnh hoặc phúng điếu thân nhân gia đình, hoặc Thầy Tổ qua đời.

Giới thiệu Tăng Ni sinh đi thọ giới tại các đại Giới đàn ở trong tỉnh và các tỉnh thành lân cận.

Tổ chức dã ngoại và giao lưu các trường Trung Cấp Phật học ngoài tỉnh để Tăng Ni sinh học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm học tập.

12. Tốt Nghiệp và Cấp Phát Văn Bằng.

Để cho kỳ thi tốt nghiệp khóa II (2010-2013) đạt kết quả tốt đẹp, Ban Giám Hiệu trường đã có cuộc họp và thống nhất chương trình thi tốt nghiệp bằng hình thức viết “tiểu luận tốt nghiệp” một cách nghiêm túc từ ngày 10 tháng 6 đến hết ngày 10 tháng 7 năm 2013, Tăng Ni sinh tự chọn 1 trong 3 bộ môn nội điển theo sự hướng dẫn của chư Tôn đức giáo thọ sư, như sau:

Môn Luật: do Thượng tọa Thích Huệ Thông làm giáo thọ sư hướng dẫn

Môn Kinh: do Đại đức Thích Chơn Phát làm giáo thọ sư hướng dẫn

Môn Luận: do Đại đức Thích Bửu Minh làm giáo thọ sư hướng dẫn 

Để được xác nhận tốt nghiệp, tất cả tăng Ni sinh phải hoàn thành đầy đủ 8 kỳ thi và các bài kiểm tra trong suốt 4 năm học, đủ điểm trung bình 5/10 qua mỗi năm học, đồng thời phải hoàn thành tiểu luận tốt nghiệp được Ban giám hiệu xét duyệt.

Trường hợp, Tăng Ni sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp sẽ học lại khóa sau và học lại các môn học mà Tăng Ni sinh chưa đủ điểm trung bình hoặc thiếu.

13. Kết Quả Học Tập Toàn Khóa.

Hoàn tất chương trình Tốt nghiệp hiện có 192 Tăng Ni sinh đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp Trung cấp Phật Học khóa II (2010-2013) trong đó có 107 Tăng sinh và 85 Ni sinh.

Ban giám hiệu đánh giá đúng năng lực của Tăng Ni sinh đã đạt được toàn khóa với những kết quả sau đây:

Có 27 Tăng Ni sinh đạt loại Giỏi 

Có 45 Tăng Ni sinh đạt loại Khá 

Có 38 Tăng Ni sinh đạt loại Trung bình Khá 

Có 82 Tăng Ni sinh đạt loại Trung bình

14. Khen Thưởng.

Ban giám hiệu đã quyết định tặng phần thưởng cho những Tăng Ni sinh xuất sắc trong toàn khóa từ hạng 1 đến hạng 4 (Tăng 3 vị, Ni 5 vị).

Ngoài ra, tặng 7 phần thưởng khuyến khích cho Tăng Ni sinh chuyên cần học tập, đạo hạnh, tích cực tham gia các sinh hoạt của lớp.

VI. CÔNG TÁC CHIÊU SINH KHÓA III.

Tiếp tục công tác giáo dục, đào tạo nhân lực Tăng tài cho Giáo hội. Được sự cho phép của Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN và cấp giấy phép của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Dương về việc chiêu sinh khoá III, lớp Trung Cấp Phật học. Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương đã gởi công văn đến các Ban Trị Sự các tỉnh, thành Phật giáo chiêu sinh khóa III (2013-2015). Điều kiện tuyển sinh theo quy định của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương. Tuổi đời không qúa 35 (tức sinh năm 1979 trở về sau), Trình độ văn hóa 9/12 trở lên.

Kết quả sau một thời gian thông báo, trường đã nhận được hơn 168 hồ sơ đăng ký nhập học. Gồm 112 Tăng sinh, 56 Ni sinh.

1. Chương Trình Đào Tạo khóa III

Hệ đào tạo chính quy ba năm theo chương trình đào tạo Trung cấp Phật học của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương quy định gồm có  Nội điển và Ngoại điển.

Nội điển bao gồm: Kinh, Luật, Luận Phật giáo

Ngoại điển bao gồm: Hán văn, Anh văn, Văn học, Pali, Pháp luật nhà nước. Mỗi năm học tổng cộng có 12 môn học được chia điều các ngày trong tuần.

2. Điều Kiện Học Tập.

Tăng ni sinh học chung vào buổi sáng tại giảng đường của trung tâm Phật nhập Niết bàn - Chùa Hội Khánh với sức chứa trên 500 người.

Hiện tại Trường có một Thư viện có trên khoảng 3.000 đầu sách cho Tăng Ni sinh nghiên cứu và học tập.

Phương tiện giảng dạy bằng máy chiếu hiện đại, hệ thống mạng internet không dây trực tiếp.

3. Điều Kiện Bắt Buộc.

Tất cả Tăng Ni Sinh phải  ở nội trú của bổn trường và phải cấm túc an cư trong mỗi mùa hạ tại 2 hạ trường do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Dương tổ chức. Cơ sở nội trú của Tăng Ni sinh như sau:

Hai điểm nội trú Tăng: Chùa Hội Khánh (TP. Thủ Dầu Một) và Chùa Thiên Chơn (TX. Thuận An).

Hai điểm nội trú Ni: Chùa Bồ Đề Đạo Tràng (TX. Thuận An) và Chùa Phật Học (TP. Thủ Dầu Một)

4. Học Phí: 

Ban giám hiệu miễn học phí  hoàn toàn và đảm bảo nơi ăn chốn ở trong suốt thời gian theo học tại trường.

VII. PHƯƠNG HƯỚNG và NHIỆM VỤ.

Tiếp tục công tác quản lý, điều hành giảng dạy tốt lớp Trung cấp Phật học, khóa III. Củng cố và bổ sung nhân sự vào Ban giám hiệu, bộ phận văn phòng trường, Ban giám thị, thỉnh mời giảng viên có học hàm học vị vào Ban giảng huấn để công tác điều hành, giảng dạy đạt kết quả cao hơn.

Nhằm để ổn định mọi chi phí giảng viên và sinh hoạt hàng tháng cho Tăng Ni sinh khóa III, Thượng tọa Thích Minh thuấn, Trưởng ban bảo trợ đã tiếp tục kêu gọi sự hỷ cúng và cho mượn của chư Tôn đức trong Ban Trị Sự và Tăng Ni Trụ  trì các cơ sở Tự viện và Phật tử trên địa bàn tỉnh Bình Dương và ngoài tỉnh với số tiền là hai tỷ đồng, để gửi vào ngân hàng lấy lãi xuất chi tiêu cho những sinh hoạt nói trên, sau khi Tốt nghiệp khóa III Ban bảo trợ sẽ hoàn lại. Hiện tại Ban bảo trợ đã mượn được gần bảy trăm triệu đồng, chưa đủ số tiền và nhu cầu mà Ban Bảo Trợ dự kiến.

Hướng tới, nhà trường sẽ mở thêm 2 lớp : sơ cấp Phật học và cao đẳng Phật học, thuộc trường Trung Cấp Phật học tỉnh Bình Dương.

VIII. NHẬN XÉT và KẾT LUẬN.

  1. 1.    Thuận Lợi .

Sự thành công của khóa II và qúa trình chuẩn bị khai giảng khóa III, trên nhờ hồng ân Tam Bảo gia hộ, dưới nhờ sự quan tâm giúp đỡ của chư Tôn đức HĐTS GHPGVN, Ban Trị  Sự GHPGVN tỉnh Bình Dương, Ban giảng huấn với sự nhiệt tâm dạy tốt và học tốt của Tăng Ni sinh, Ban Trị  Sự các tỉnh thành, chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các tự viện trong và ngoài tỉnh, cũng như các cơ quan chức năng lãnh đạo chính quyền sở tại, qúy Phật tử xa gần đã tạo nên những nhân tố thuận lợi, giúp cho công tác tổ chức, giáo dục đào tạo Tăng tài của GHPGVN tỉnh Bình Dương thành tựu tốt đẹp.

2. Khuyết Điểm.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng mừng cũng còn nhiều mặt hạn chế, thứ nhất là về kinh phí tài chánh cho hoạt động nhà trường cần phải có một sự hỗ trợ tích cực nhiều hơn nữa để việc hoạt động - điều hành của Ban Giám Hiệu được phát huy mạnh mẽ.

Kế đến là trường còn sử dụng chung Hội trường của Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Dương nên các lần tổ chức sự kiện quan trọng của tỉnh Tăng Ni sinh phải nghỉ học và học bù vào buổi chiều, cộng với Tăng xá chùa Hội Khánh đang xuống cấp qua qúa trình sử dụng 4 năm của khóa II.

          Đại diện văn phòng II.TW - TT.Thiện Thống đọc quyết định và trao tặng 07 bằng tuyên dương công đức và 04 bằng công đức đến ban giám hiệu trường TCPH khóa II, do HDTSTW cấp theo quyết định số 219/QĐ.HDTS (06/07/2013).

          TT.Huệ Thông trao tặng 11 bằng công đức đến ban giám thị và trao tặng 75 bằng công đức đến ban bảo trợ trường TCPH khóa II, tại buổi lễ tốt nghiệp đã trao tặng 8 phần thưởng học lực (03 Tăng - 05 Ni) và 07 phần thưởng khuyến khích (03 Tăng - 04 Ni).

Đại diện tăng ni sinh, Tăng sinh Thích Quảng Nhã phát biểu cảm tưởng:

“Thời gian nào ai níu kéo được, một định luật tuyệt nhiên theo sự tuần hoàn của vũ trụ, những cánh phượng hồng bao lần rộ lên rồi lặng lẽ chợt tắt. Thế nhưng, bao kỷ niệm vui buồn, bao pháp âm huyền diệu dưới mái trường thân yêu vẫn và mãi tồn tại trong mỗi chúng con những người sắp xa thầy, xa bạn… của một thời học Tăng.

Hôm nay, trong không khí trang nghiêm, long trọng của ngày lễ Tốt nghiệp khóa II và Khai giảng khóa III của trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương, được qúy trước chư Tôn đức chứng minh. Thay lời cho toàn thể Tăng Ni sinh, chúng con xin kính dâng lên đôi dòng cảm tưởng với tất cả tấm lòng thành kính tri ân sâu xa nhất của chúng con.

Dòng thời gian nó cứ âm thầm lặng lẽ trôi, nhanh như một dòng sông, một áng mây, một vó ngựa. Mới hôm nào chúng con còn quây quần bên chư tôn đức, thế mà giờ đây:

Mãn học ba năm đã hết rồi

Cơm Thiền sữa Pháp đã rèn con

Ròng tu năm tháng ngày khuya tối

Nay trường đã mãn tạm dừng thôi

Đã qua rồi ba năm tu học, Hạnh phúc biết bao, thân thương biết bao, với muôn ngàn tình yêu thương của chư tôn đức đã dành cho chúng con. Thật vậy chúng con không sao quên được có những buổi trưa hè trời nắng chói chan, dù mưa phùng gió bụi, dù pháp thể hao gầy, nhưng vì sự tồn vinh của Tổ đức, vì tương lai mai hậu, vì đàn hậu học của chúng con, qúy Ngài không quản khó khăn để đến lớp. Mong muốn ngày mai chúng con là những khuôn thước của giáo hội, là thạch trụ của Đạo Pháp, để dẫn dắt chúng sanh và đưa con người trở về với Chân - Thiện - Mỹ. Quý Ngài đã đặt nhiều hoài vọng cho thế hệ mai sau nhưng không cần đền đáp, đến và đi trong cuộc hành trình của người chân tu mang tính ung dung mỉm cười trong vô niệm tâm duyên, nhưng trong cái bình thường ấy luôn chứa đựng một sự phi thường qua câu: “Không Thầy đố mày làm nên”. Chính vì thế, mỗi năm học là chúng con bước lên thềm thang của sự tiến bộ cả hai mặt tu học và hành trì. Do đó mà người xưa nói rằng: “Giáo Bất Học Bất Truyền, Nhơn Tài Bất Kỳ Tri Tự Hoại”. Nếu nền giáo dục không được thiết lập, đường học vấn không được trao truyền thì nhân tài dần sẽ bị tiêu phế.

Đối với mỗi người học trò, trên con đường tiếp cận kho tàng tri thức của nhân loại, dù là đạt được nhiều mục đích khác nhau, song đều gặp nhau ở chỗ họ luôn cần đến sự dắt dìu, uốn nắn và giáo dục của người Thầy. Chúng con phước duyên được gặp bậc minh sư, qúy Ngài đã tạo mọi điều kiện cho chúng con an tâm tu học. Từ những ân đức giáo dưỡng, qúy Ngài như ngọn hải đăng soi đường dẫn lối cho chúng con trên bước đường tầm cầu chánh pháp. Qúy ngài luôn sống với tâm nguyện vị tha, luôn sẵn sàng che chở, giúp đỡ chúng con hoàn thành tâm nguyện từ thân cắt ái. Mang một sứ mệnh độ sanh cao cả. Qúy Ngài luôn thao thức, suy tư, hy sinh cả thân lực, tâm lực để làm sao cho chúng con trở nên người hữu dụng. Qúy Ngài luôn nguyện làm người lái đò trên con thuyền Bát Nhã, trong sắc áo bạc màu sương gió, chèo chiếc đò tri thức dọc ngang bến đời, đưa từng đoàn lữ khách sang sông.

Hôm nay, qúy Ngài là những bậc mô phạm lấy sự nghiệp giáo dục con người làm nền tảng để hoằng pháp lợi sanh, đem ánh sáng chân lý sáng soi nơi trần thế. Trong đó chúng con là những môn sinh dòng họ “Thích”, qua kim ngôn khẩu thuyết của các bậc giáo thọ sư, chúng con đã nhận ra đâu là sự thật cần thiết cho việc tu học và hành trì, phát huy tinh thần Giới - Định - Tuệ để có một đời sống phạm hạnh, thanh tịnh, giải thoát. Nhưng đối với “Biển Phật Pháp bao la vô tận, Sông thế học bát ngát mênh mông”. Trong ba năm học trôi qua ấy, chưa phải là một thành tựu thỏa mãn đối với chúng con, nhưng đây cũng là một phần nào giúp chúng con hiểu thêm về kho tàng quý báu mà Đức Thế Tôn đã truyền trao cho nhân loại cách đây hơn 25 thế kỷ. Ba học trôi qua, đối với Tăng Ni sinh chúng con biết bao điều mới lạ, sâu xa mà chúng con được tu, được học, được thu thập từ tinh hoa giáo lý của qúy Ngài.

Nhưng để trực diện trở về với Viên Quang và Viên Giác chúng con không sao tránh khỏi những lỗi lầm thiếu sót trong các buổi học, dù vô tình hay cố ý, vì tuổi trẻ buông lung nên đôi khi chúng con đã làm phiền đến quý Ngài phải nhọc tâm lo lắng. Ba năm học là một nỗ lực cố gắng đối với chúng con, đánh dấu một sức lực vô biên mà chúng con đã vượt qua. Giờ đây đối trước pháp thể của chư tôn đức, chúng con xin đê đầu sám hối, ngưỡng mong quý Ngài từ bi tha thứ cho chúng con tất cả. Chúng con là những đứa con cùng tử lang thang mê theo nghiệp lực thấp hèn. Nay nhờ sự khai sáng của quý Ngài, chúng con mới nhận chân được giá trị cao cả của những tâm hồn cao thượng. Nhờ duyên lành này mà chúng con có dịp để cùng nhau học tập, mở mang kiến thức, trình độ Phật Pháp được nâng cao, phát huy ánh sáng chánh pháp để phụng sự Đạo pháp, phục vụ chúng sanh. Chúng con thiết nghĩ: “Công ơn sanh thành dưỡng dục đã đành to lớn, nhưng ơn giáo dưỡng và dạy dỗ của chư Tôn đức lại càng lớn lao hơn”.

Được thắm mình trong giáo pháp của Như Lai, chúng con vẫn biết đời là vô thường, có sanh ắt có diệt, có hợp phải có tan. Đó là quy luật tất yếu mà không một ai có thể cưỡng lại được. Chúng con có ngày khai giảng, ắt sẽ có ngày tốt nghiệp, trước lúc chia tay nhau giã từ Thầy xưa, Bạn cũ, chúng con như những cánh chim non chập chững đôi cánh mềm bay vào trong vô tận của cõi đời, ắt hẳn rồi đây trong những cánh chim non ấy, có những con trở thành những cánh chim đại bàng làm hưng long chánh pháp. Thế nhưng, có những con bị gãy cánh trước ngưỡng cửa giông tố của cuộc đời, bị vùi mình trong đất lạnh cô liêu, bị giam hãm trong lòng son ngũ dục, trong ngục tù cung kính lợi danh, đường đi tới hẳn ắt lắm chông gai nhưng ngày mai chúng con sẽ hình thành trong hiện tại, mà hiện tại chúng con đang cố gắng nổ lực để vươn lên không mỏi lòng chư tôn đức, dầu ngũ trược ác thế, dầu nghiệp chướng sâu dày nhưng với sự nỗ lực tinh tấn dũng mãnh của tự thân, tin tưởng vào giáo lý an lạc giải thoát. Đối trước quý Ngài chúng con xin thầm nguyện:

Cuộc sống cần vui nguyện làm chim hót

Sỏi đá khô cằn xin chuyển hóa màu xanh

Nguyện làm hoa khi vườn lá trơ cành

Làm đuốc sáng khi dường dài trăng lặng.

Thay lời cho toàn thể Tăng Ni sinh, chúng con vô cùng niệm ân chư tôn đức trong Ban trị sự tỉnh hội Phật giáo Bình Dương, Ban Giám hiệu trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương đã tạo mọi điều kiện thuận duyên cho chúng con được An tâm tu học đồng thời chúng con vô cùng niệm ân Thượng tọa Thích Huệ Thông, trụ trì Tổ đình chùa Hội Khánh, Đại đức Thích Chơn Phát trụ trì chùa Thiên Chơn, Sư cô Thích Nữ Từ Thảo trụ trì chùa Bồ Đề Đạo Tràng, Sư cô Thích Nữ An Liên trụ trì chùa Phật học cùng chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự, viện mà Tăng Ni sinh chúng con đã cư trú, qúy Ngài đã tận tâm giúp đỡ tài, vật, thực nuôi dưỡng Tăng Ni chúng con trong quá trình theo học tại bổn trường.

Bên cạnh đó, chúng tôi xin chân thành tri ân đến các cấp lãnh đạo chính quyền các ban nghành đoàn thể, đã tạo mọi điều kiện thuận duyên cho chúng tôi được an thân tu học trong khối đại đồng dân tộc.

Đồng thời chúng tôi vô cùng niệm ân công đức của chư Thiện hữu Tri thức, các nhà hảo tâm, Ban bảo trợ, chư Thiện nam, Tín nữ Phật tử xa gần đã ủng hộ tịnh tài, tịnh vật cho toàn thể Tăng NI sinh chúng tôi trong những năm qua. Thâm tình của qúy Ngài, qúy vị sẽ là hành trang, là nguồn động lực sách tấn chúng tôi trên bước đường tiến tu đạo nghiệp.

Trong giờ phút thiêng liêng này một lần nữa trước khi dứt lời, với tấm lòng thành kính thiết tha, thay lời cho toàn thể Tăng Ni chúng con kính dâng lên quý Ngài lời cầu chúc pháp thể vạn an, Phật sự viên thành.

Chúng tôi cũng xin chân thành gửi đến các cấp chính quyền, các ban ngành sở tại, cùng toàn thể đạo tràng lời cầu chúc sức khỏe, an lạc, vạn sự kiết tường như ý”.

Thay lời ban tổ chức, TT.Huệ Thông phát biểu cảm tạ:

“Sự thành tựu trong niềm hoan hỷ và hỗ trợ của chư Tôn giáo phẩm, của chư Tôn đức Tăng Ni, qúy vị khách qúy, đoàn thể quý Nam nữ Phật tử, qúy ân nhân, đặc biệt là Ni trưởng Thích nữ Diệu Nghĩa, trụ trì núi Bà - Tây Ninh đã phát tâm hỗ trợ (500.000.000 đ) và giúp đỡ cho buổi lễ hôm nay.

Sự hiện diện qúy báu của chư Tôn đức, của qúy liệt vị là niềm khích lệ lớn lao cho Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Dương, Ban Giáo Dục Tăng Ni tỉnh Bình Dương, Trường Trung Cấp Phật Học Bình Dương và Tăng Ni sinh khóa II và khóa III, vững tiến trên bước đường phụng sự Đạo pháp, phục vụ dân tộc, hoàn thành sứ mạng cao quý của mình.

Những thành tựu đáng kể mà Trường Trung Cấp Phật Học đã báo cáo, cho thấy rằng chư tôn giáo phẩm, lãnh đạo chính quyền đã hỗ trợ rất nhiều mặt để Ban Giám Hiệu hoàn thành sứ mệnh giáo dục cho thế hệ kế thừa, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung ngôi nhà GHPGVN.

Ban Tổ chức cũng rất hân hoan biểu dương chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử, những mạnh thường quân đã hoan hỷ phát tâm tịnh tài - tịnh vật công sức và thời gian cùng về tham dự, hỗ trợ cho buổi lễ được thập phần viên mãn.

Với tất cả tấm lòng và trân trọng, tôi xin phép được nói lên tinh thần vì đạo, vì đời, vì sự nghiệp giáo dục, đào tạo Tăng tài, lợi ích của số đông, một lần nữa, xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến chư Tôn đức và quý liệt vị. Cầu nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ cho chư tôn đức pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ cùng quý liệt vị thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường như ý.”

Buổi chiều cùng ngày, Tăng Ni sinh khóa III đã có buổi sinh hoạt lớp để chuẩn bị cho ngày học đầu tiên vào thứ 2 (16/09/2013).



















































Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập