Bài 1: Từ mẫu tượng Phật Trúc Lâm Tây Thiên kém thẩm mỹ, nghĩ về tượng Phật lộ thiên

Đã đọc: 2832           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Vì việc chọn địa điểm như vậy, nên đối với Phật giáo, vấn đề có được nhiều người nhìn thấy tượng Phật hay không ít được quan tâm. Chỉ cần có tâm tạo dựng hình tượng Phật là đã có phước báu, không xem trọng đến khâu người chiêm ngưỡng pho tượng.

Tôi viết bài này nhân xem thấy thông tin việc tạo mẫu tượng Phật Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Mẫu tượng này xấu, đã có nhiều ý kiến nói đến việc này. Vì vậy, ở đây, trước tiên, chỉ xin đề nghị tạo mẫu lại khuôn mặt tượng Phật lộ thiên Thiền viện Trúc Lâm, chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh thẩm mỹ khi tạo tượng Phật.
 
Nếu không, một biểu tượng Phật giáo lớn lao, tốn kém như thế, sẽ lại trở thành hình ảnh phản cảm, hơn là tâm lý kính ngưỡng.
 
Chúng tôi sẽ theo sát thông tin về việc xây dựng tượng Phật 49m lộ thiên Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, để có những bình luận cần thiết về sự kiện này.
 
Kính mong quý tăng, ni, phật tử nếu thấy mẫu đầu tượng Phật Trúc Lâm Tây Thiên có vấn đề thẩm mỹ, thì xin tích cực có ý kiến, để góp phần hoàn thiện một công trình lớn lao như thế.
 
Nhân đây, xin được nêu một số suy nghĩ về việc dựng tượng Phật lộ thiên.
 
Trong số các tôn giáo lớn có mặt ở Việt Nam, Phật giáo và đạo Ca tô La Mã có truyền thống dựng tượng giáo chủ, tượng thánh lộ thiên. Tuy nhiên, việc dựng tượng ở 2 tôn giáo có những khác biệt lớn, do những quan điểm rất khác nhau chi phối.
 
TƯỢNG CHÚA
 
Sự khác biệt về địa điểm dựng tượng rất dễ thấy.
 
Phía Ca tô La Mã thường dựng thánh tượng lộ thiên ở những nơi đông người tụ họp qua lại, như quảng trường, đại lộ, công viên… Tượng đức Mẹ ở Tp.HCM, trên quảng trường Công xã Pari là một ví dụ. Tượng không những được dựng trên quãng trường trung tâm hành chính, giao dịch của thành phố, mà còn được thiết kế ở vị trí nhìn ra một tuyến đường chính, đường Đồng Khởi, sao cho người lưu thông trên một đoạn đường dài phải nhìn thấy.
 
Quan điểm dựng tượng sao cho nhiều người nhìn thấy rất được chú trọng. Có lẽ vì vậy, đạo Ca tô La Mã chú trọng nhiều vào chất lượng mỹ thuật của tượng thánh hơn là kích thước.
 
Tượng đức Mẹ trên quảng trường Công xã Pari, Tp.HCM cũng có thể là một ví dụ cho việc này.
 
Kích thước tượng này không lớn so với tầm vóc nhà thờ phía sau. Nhưng hiệu quả chất lượng thẩm mỹ, chất liệu tạo tượng được hết sức chú trọng. 
 
Những tượng thánh khổng lồ của đạo Ca tô La Mã không nhiều, chỉ là trường hợp đặc biệt.
 
Các tượng thánh đạo Ca tô La Mã thường phong phú trong tư thế. Họ chú trọng nhiều đến tư thế hành động: cầm cả địa cầu, dang hai tay ra… Thậm chí, tượng thiên thần đang cầm giáo chiến đấu đâm chém (ở Sài Gòn trước kia có một tượng như vậy, ở công viên nay trên đường Nguyễn Trãi, bên hông bệnh viện An Bình, bị đập vỡ sau năm 1975 vì thiên thần có cánh này là thánh tổ của binh chủng nhảy dù quân đội Sài Gòn).
 
Khi dựng tượng thánh, đạo Ca tô La Mã thường không dựng nhiều tượng ở một địa điểm như phía Phật giáo, có lẽ để nhấn mạnh pho tượng duy nhất không làm loãng đi sự tập trung cần có.
 
Một điều nghe nói nhưng không thể kiểm chứng là phía Ca tô La Mã rất mạnh dạn đập bỏ những pho tượng thiếu mỹ thuật, thay vào các tượng đẹp hơn. Trong khi đối với việc như thế, tín đồ Phật giáo rất ngần ngại.
 
TƯỢNG PHẬT
 
Tượng Phật được dựng nhiều ở nơi hẻo lánh, vắng vẻ, chung quanh là rừng núi chập chùng, như trường hợp tượng Phật Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Cũng không lấy làm lạ, vì các cơ sở Phật giáo vẫn như thế. So với nhà thờ thường được xây dựng trên quảng trường, đại lộ, chợ, khu thị tứ trung tâm, chùa thường được xây dựng trong rừng vắng, núi cao, hẻm sâu… Tất nhiên, việc dựng tượng Phật cũng như thế.

Ở miền Nam trước đây, cũng có xu hướng đổi mới trong việc dựng tượng Phật. Tượng Phật Bà Quan Âm trên đường Hậu Giang, Phú Lâm; tượng bán thân Phật Thích Ca trên dốc 47, đường Sài Gòn – Vũng Tàu là những ví dụ, nhưng chưa nhiều. Sau này, quan điểm dựng tượng Phật trong rừng vắng núi cao, nơi ít người được chú trọng hơn..
 
Vì việc chọn địa điểm như vậy, nên đối với Phật giáo, vấn đề có được nhiều người nhìn thấy tượng Phật hay không ít được quan tâm. Chỉ cần có tâm tạo dựng hình tượng Phật là đã có phước báu, không xem trọng đến khâu người chiêm ngưỡng pho tượng.
 
Hệ quả tất nhiên của điều này là khía cạnh thẩm mỹ của tượng Phật bị xem nhẹ. Tượng Phật nhiều, nhưng nhiều tượng rất xấu, lại còn sơn môi, móng tay, móng chân đỏ chót, mà không hề trở thành vấn đề. Việc vẽ chân mày, lông mi, sơn môi, sơn móng tay tượng Phật vẫn tiếp tục diễn ra.
 
Thậm chí có nơi mặt tượng Phật bị xấu được giải thích là Phật không cần… đẹp trai, hay tệ hơn, vì lấy mẫu theo khuôn mặt… sư trụ trì? (!).
 
Có lẽ từ quan niệm tạo được tượng Phật là đã có công đức, nên sự phối hợp mỹ thuật giữa tượng Phật và cảnh quan xung quanh ít được chú trọng. Có nơi coi dựng càng nhiều tượng đủ các vị Phật là tốt, làm nhiều tượng tới đâu tốt tới đó, bất kể sự sai biệt kích thước, bất hợp lý về vị trí.
 
Nhưng nổi bật là đặc điểm dù dựng tượng Phật trên núi cao, trong rừng vắng, nhưng kích thước to lớn của tượng Phật rất được chú trọng.
 
Nếu so sánh, thì tượng đức Mẹ quảng trường Công xã Pari Tp.HCM tuy nhỏ, nhưng có thể có hàng trăm ngàn lượt người nhìn thấy mỗi ngày. Trong khi tượng Phật Niết Bàn kỷ lục trên núi Tà Cú, Bình Thuận có thể chỉ vài chục đến vài trăm người nhìn thấy mỗi ngày (1).
 
Tượng Phật thường ở tư thế tĩnh (ngồi tham thiền, đứng nhưng mắt khép, nằm nhập Niết Bàn). Rất ít thấy tượng Phật lộ thiên trong tư thế hoạt động như đi khất thực, đi kinh hành, thuyết pháp (trừ tượng Phật đản sinh là hết sức sinh động).
 
Ở tượng Phật lớn lộ thiên, việc chiếu sáng không được chú trọng.Vì vậy, vào ban đêm (45% thời gian trong ngày) là không nhìn thấy. Trong khi ở tượng Phật lộ thiên nhỏ, thì việc chú trọng ánh sáng hào quang thường làm mặt tượng, thân tượng bị tối về đêm.
 
Có lẽ cũng từ quan niệm tạo được tượng Phật là có công đức, nên việc thay thế tượng Phật kém thẩm mỹ, xuống cấp, hư hỏng ít được chú trọng. Thay vào đó là xu hướng dựng thêm nhiều tượng mới, nếu có tu bổ chỉ theo kiểu chắp vá, tránh những đụng chạm.
 
Mặc dù là một biểu tượng tôn giáo rất đặc thù, nhưng không nhiều tín đồ Phật giáo xem tượng Phật lộ thiên là biểu tượng tôn giáo, mà chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh tượng Phật là đối tượng thờ phượng, cầu cúng, lễ bái, kính ngưỡng.
 
Nhưng dù xem là đối tượng thờ phượng, cúng bái, lễ lạy, nhưng việc cử hành nghi lễ tôn giáo thường nhật trước tượng Phật lộ thiên ở Phật giáo ít hơn so với nghi lễ tôn giáo trước các thánh tượng đạo Ca tô La Mã. Tín đồ Phật giáo hầu như không tổ chức các khóa lễ trước tượng Phật lộ thiên. Trong khi đó, không gian đặt tượng đức Mẹ, tượng Chúa lộ thiên có thể được sử dụng như một không gian nguyện đường ngoài trời.
 
Vì vậy, trước tượng Phật lộ thiên, diện tích hành lễ thường nhỏ so với kích thước tượng thường chỉ vừa đủ lễ lạy cho một số ít người, không có chức năng một “chánh điện ngoài trời”.
 
Trong Phật giáo, hầu như không có “phép lạ” xảy ra ra ở các thánh tượng lộ thiên (như khóc, chảy nước mắt, bay lên, cử động, phát sáng, nói…) như ở tôn giáo khác.
 
Trên đây là một vài ghi nhận ban đầu, có liên hệ so sánh, đối với việc dựng tượng Phật lộ thiên. Mong nhận được ý kiến của bạn đọc, để từ những kết luận có thể có, bài viết tiếp theo đi đến những đề xuất thiết thực, hữu ích.
 
Minh Thạnh
 
(1) Tượng Bồ tát Quảng Đức ở công viên ngã tư Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng tháng 8 không phải được thực hiện theo những quan niệm dựng tượng lộ thiên của Phật giáo Việt Nam và cũng không phải do phía Phật giáo thực hiện. Trước đây, ý kiến một vị tôn đức Phật giáo là xây tháp chín tầng theo bài thơ Lửa từ bi của Vũ Hoàng Chương: “Tình thương hiện tháp chín tầng xây”.
 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập