TV Sơn Thắng: Hướng về bậc ân sư - Thầy!

Đã đọc: 2618           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Giờ đây, khi bóng dáng Thầy đã không còn trên cõi đời này nữa, con lại ngậm ngùi mà quên mất bài học vô thường để hai hàng lệ tuôn rơi khi phải xa Thầy mãi mãi. Con tin rằng, bằng công phu tu tập của Thầy thì việc tự tại đối với sinh tử vô thường hẳn là lẽ đương nhiên. Thầy mãi là niềm tin trong con.

Thầy ơi! con lại được về bên thầy sau 10 năm con rời khỏi Sơn Thắng. Con chẳng đi đâu xa nhưng mỗi năm chỉ về bên Thầy có một đôi lần trong chốc lát rồi con lại ra đi. Con bất hiếu quá phải không thưa thầy! Và rồi khi nghe tin thầy lâm trọng bệnh không thể qua khỏi, con mới bàng hoàng ngỡ ngàng, bước chân vội vã trở về bên thầy. Ngày xưa Thầy vẫn thường nhắc nhở con; Thế nào là gần thầy và thế nào xa thầy? Bài học đó mãi mãi ghi tạc trong lòng, để con luôn là người đệ tử bên cạnh thầy. Những ngày cuối đời của Thầy, con chẳng muốn rời xa dù chỉ một phút giây. Vậy mà, con cũng chỉ được ở bên Thầy có bấy nhiêu thôi. Từ giờ phút này con chính thức mồ côi rồi thầy ơi!

Sau ngày tiễn đưa Thầy nhập kim quan, buổi sáng hôm nay, con giật mình choàng tỉnh, tưởng như vừa trải qua một giấc thật dài. Con chẳng biết làm gì, lại thấy mình cất bước, rồi cứ vô thức thơ thẩn bên thất, bên giác linh đài nơi an trí nhục thân của Thầy và nơi bảo tháp đang được dựng lên, là chốn Thầy sẽ an nghỉ. Rồi bất chợt, con nhớ tới bài học đầu tiên khi con mới chập chững bước chân vào chốn thiền môn xuất gia làm chú tiểu. Hồi đó con còn nhỏ bé quá! Thầy dạy con nên kêu Thầy là Sư ông vì Thầy lớn tuổi giống như ông của con. Để từ đó chúng con vẫn luôn gọi Thầy là Sư ông. Cho đến khi chúng con thọ đại giới, Thầy lại dạy: "các con giờ đã lớn nên kêu là thầy".

Chỉ mỗi bài học giản đơn  này thôi mà khiến con vẫn luôn cảm phục sự tinh tế của Thầy trong cách dạy đệ tử. Con vẫn còn nhớ ngày đầu tiên đó, khi buổi sáng sớm con vẫn còn đang ngơ ngác lạ lẫm với cách sinh hoạt trong thiền viện, con đứng lơ ngơ trước lối Thầy đi mà luống cuống chẳng biết nên làm gì. Thầy chống gậy đến bên con và bảo con đi lấy chổi ở phía sau nhà, rồi Thầy dạy con quét lối Thầy đi. Cách cầm chổi và cách quét làm sao để không dấy bụi, cho đến bây giờ con vẫn còn nhớ như in và đã là bài học mà con luôn nhắc nhở đối với những ai cầm đến cây chổi nơi cửa chùa. Bây giờ đây, khi nhục thân của Thầy đã trở về an trí nơi phòng cũ, nơi ngày xưa khi Thầy chưa có thất vẫn thường ở đó, con lại đi tìm lấy cây chổi phía sau nhà để ôn lại bài học xưa, để tìm lại bóng dáng Thầy. Thầy ơi! Ngày xưa thầy dạy mỗi nhát chổi là tiêu trừ một phiền não, nhưng giờ đây mỗi khi đưa chổi lên con lại nhớ và thương Thầy da diết. Nếu có ước nguyện nào trong giờ phút này, con chỉ xin ước được Thầy phạt quỳ gối vì tội vung chổi múa kiếm.

Kính lạy giác linh Thầy! Dòng cảm xúc của con khi nghĩ về Thầy luôn gắn liền với tuổi thơ, một thời làm tiểu nhiều quậy phá khiến thầy phiền lòng. Vậy mà mỗi khi ở bên cạnh, có dịp nhắc lại những kỷ niệm này Thầy vẫn cười bảo: "Làm tiểu mà không wuậy sao gọi là tiểu được". Con biết Thầy rất hiểu và thương đàn con thơ dại của Thầy.

Bài học đầu tiên Thầy dạy con là bài học về xưng hô và quét rác, rồi bài học cuối con được học với Thầy lại là bài học trên giường bệnh. Con chỉ kịp về chăm sóc thầy có 3 ngày trước khi Thầy viên tịch. Trong thời gian ngắn ngủi này, con biết Thầy đau lắm mà chẳng làm gì được cho Thầy. Con cố gắng nâng lên đỡ xuống thân thể mỗi khi Thầy kêu mệt và muốn chuyển tư thế để cho Thầy dễ chịu. Con hiểu rằng khi bịnh mà bị làm trái ý sẽ khiến thân rất đau đớn và tâm dễ sinh bực bội, thế mà con chưa hề thấy Thầy rên hay kêu lên một tiếng thở than nào.

Có lần con mạo muội hỏi thầy: "Thầy bệnh từ xưa đến nay bao nhiêu năm, lần này Thầy cảm thấy thế nào?" Thầy đáp: "Những lần trước bệnh, Thầy còn có chút lo lắng nhưng lần này Thầy thấy mình mạnh mẽ", con nghĩ Thầy sẽ qua khỏi cơn bạo bệnh này nào ngờ... Chỉ vài ngày sau đó, Thầy đã mãi mãi ra đi, để lại trong chúng con bài học về sự tự chủ khi lâm trọng bệnh và gương mặt tự tại như an giấc của Thầy trong lúc ra đi. Con không thể quên được nét mặt an nhiên của Thầy giống như ông Phật - "nickname" mà chúng đệ tử nhiều khóa học vẫn dùng để gọi Thầy.

Kính lạy Thầy! Viết về Thầy con viết cả đời cũng không hết, vì Thầy đã là một phần vĩ đại, chẳng thể nào thay thế của đời con. Mỗi sự trưởng thành của con đều ghi dấu công ơn dạy dỗ của Thầy, mỗi sự vấp ngã của con, người đầu tiên con nghĩ tới cũng chính là Thầy. Thầy âm thầm tiếp sức cho con, như có lần trong buổi lễ truyền thống của trường trung cấp Phật học Vĩnh Long, Thầy đã dạy chúng con ngồi xuống nơi đất mẹ thân yêu để được tiếp thêm sức mạnh. Thật vậy, mỗi khi về bên Thầy con lại được tiếp nhận nơi Thầy nguồn đạo lực, để rồi con vững tin hơn trên con đường ngược dòng này.

Giờ đây, khi bóng dáng Thầy đã không còn trên cõi đời này nữa, con lại ngậm ngùi mà quên mất bài học vô thường để hai hàng lệ tuôn rơi khi phải xa Thầy mãi mãi. Con tin rằng, bằng công phu tu tập của Thầy thì việc tự tại đối với sinh tử vô thường hẳn là lẽ đương nhiên. Thầy mãi là niềm tin trong con.

Thềm xưa còn rác Thầy ơi,

Con còn nhỏ dại chơi vơi biển đời.

Ngoài hiên đã vắng bóng người

Xót xa con đứng giữa trời lệ rơi.

Con thương Thầy lắm Thầy ơi!

Thân mang trọng bệnh miệng cười an nhiên.

Bài học vô úy vô phiền,

Giữ tâm tự tại bình yên nhìn đời.

Dù chân đi khắp muôn nơi,

Thầy riêng là một phương trời con yêu.

Con đi và học đã nhiều

Vẫn không xa nổi thương yêu nơi Thầy

Bài học sơ khởi từ đây

"Thềm nhà còn rác" ... đau đầy tim con !!!



Đệ tử: Tuệ Quang

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (2 đã gửi)

avatar
20/01/2013 11:56:37
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT !
avatar
Anh Thư 20/01/2013 13:06:35
Mỗi khi nhớ về Sư Ông, về những kỉ niệm , về những bài học,nước mắt Con sao cứ lăn dài!!!.........
tổng số: 2 | đang hiển thị: 1 - 2

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

1.50

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập