Lễ nhập Tổ đường Tăng trưởng Việt tông tại Thái Lan

Đã đọc: 1176           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Sáng 25-7-2018, tại chùa Phổ Phước (Wat Kusolsamakhom), Bangkok, đã trang nghiêm diễn ra lễ tưởng niệm, cung tiễn kim quan cố Trưởng lão HT.Thích Kính Chiếu (Phra Mahakhananamdhampaññāthiwatra), Tăng trưởng đời thứ 11 Giáo hội Tăng-già An Nam tông (Việt tông) tại Vương quốc Thái Lan nhập Tổ đường.

Nghi lễ đặc biệt
 
Đây là nghi lễ đặc biệt của Hoàng gia dành cho bậc Đại tông trưởng. Trong lễ nhập kim quan sau khi ngài viên tịch ngày 16-4-2018, Đức Tăng thống Thái Lan Somdet Phra Maha Muniwong thân lâm chứng dự. Nghi lễ do Bộ Nghi lễ Hoàng gia chủ trì.
 
Chứng minh và tham dự lễ di quan nhập Tổ đường hôm 25-7 có ngài Đệ tam Tăng thống Somdet Buddhachan, cùng chư tôn đức giáo phẩm đại diện Hội đồng Tăng thống, Giáo hội Tăng-già An Nam tông, Ban Nghi lễ Hoàng gia Vương quốc Thái Lan.
 
Cung nghinh cố Trưởng lão Hòa thượng Tăng trưởng nhập Tổ đường
 
Phái đoàn GHPGVN tham dự do HT. Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN. Tháp tùng có HT. Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch HĐTS; TT. Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế T.Ư; HT. Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH cùng chư tôn đức các Ban, Viện, Học viện thuộc Giáo hội.
 
Phái đoàn GHPGVN cử hành thời kinh cầu nguyện trước lúc di quan
 
Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam tại Thái Lan cùng chư Tăng, kiều bào Việt Nam tại Thái cũng đã đến đảnh lễ, cung tiễn nhục thân bậc Tăng trưởng khả kính rời chùa Phổ Phước, nhập Tổ đường tại chùa Long Sơn.
 
Trước lúc Ban Nghi lễ Hoàng gia cử hành lễ di quan theo nghi thức đặc biệt đối với bậc giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Tăng-già An Nam tông, chư tôn đức GHPGVN đã cử hành nghi lễ cầu nguyện theo truyền thống Phật giáo Việt Nam. Chư tôn đức đã cung tiễn kim quan thăng thượng giá, tháp tùng đoàn cung tiễn kim quan Trưởng lão HT.Thích Kính Chiếu về tận chùa Long Sơn, tỉnh miền Trung của nước Thái, nơi Đức Tăng trưởng đã xuất gia, cách thủ đô Bangkok chừng 120km.
 
Tại nơi tòng lâm uy nghiêm này, đã trọng thể diễn ra lễ tưởng niệm với sự tham dự của chư tôn đức đại diện Hội đồng Tăng thống Phật giáo Thái Lan, đại diện GHPGVN, Giáo hội Tăng-già An Nam tông, Ban Nghi lễ Hoàng gia Thái, cùng toàn thể chư Tăng, Phật tử của các chùa trực thuộc hệ phái An Nam tông, đại diện Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan. Sau đó, cung thỉnh kim quan nhập Tổ đường. Điều này khác với truyền thống nhập bảo tháp thường thấy ở Việt Nam.
 
Trước đó, nhân bách nhật kể từ ngày Trưởng lão Hòa thượng Tăng trưởng viên tịch, tại chùa Phổ Phước đã cử hành lễ khai kinh, phóng liên đăng, chẩn tế thí thực, truy tiến Giác linh, truy niệm công đức… do chư Tăng An Nam tông thực hiện từ ngày 23, 24-7.
 
Trong nghi lễ thiêng liêng của bậc cao tăng Việt tông trên nước Thái, tiếng niệm danh hiệu chư Phật, Bồ-tát cũng như âm điệu của những bài kinh câu tán như chú Đại bi, Bát-nhã tâm kinh, Dương chi, Hải chấn, v.v… được cử lên khiến cho những người con xa xứ không khỏi xúc động.
 
Trong 100 ngày qua kể từ lúc HT.Kính Chiếu viên tịch, chư Tăng An Nam tông đã luân phiên tụng niệm cầu nguyện Giác linh. Tại khu trung tâm phố Tàu Yaowalat, Chinatown, Bangkok, ngay từ rất sớm ngày 25-7, từng đoàn người cùng nhau trở về chùa Phổ Phước để tham dự lễ và cung tiễn kim quan cố Tăng trưởng Việt tông, bậc Thầy khả kính.
 
Nhục thân của cố Trưởng lão Hòa thượng an trí trong Tổ đường chùa Long Sơn, như sự trở về với cội nguồn tâm linh sau thời gian 93 năm trụ thế, hơn nửa thập kỷ hành đạo, phụng sự nhân sinh, truyền bá Chánh pháp, làm tròn sứ mệnh Như Lai sứ giả, bảo tồn văn hóa Phật giáo Việt Nam trên đất Thái.
 
Chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN tại buổi lễ
 
Trước đó, HT. Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM cùng chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN đã đến cử hành lễ cầu nguyện. Ngày 24-7, nhân lễ bách nhật, đoàn GHPGVN cũng đã tham dự lễ cầu nguyện trước Giác linh đài Trưởng lão HT. Thích Kính Chiếu, tưởng nhớ công đức vị cao tăng đức độ đã có nhiều công đức với Đạo pháp ở hải ngoại.
 
Trưởng lão HT. Thích Kính Chiếu nối dòng Lâm Tế Trí Tuệ, thế hệ thứ 42, trụ thế 93 năm, 69 hạ lạp. Theo nghi lễ quy định đối với tang lễ của bậc Tăng trưởng, sau khi viên tịch, nhục thân của ngài được tôn trí tại chùa Phổ Phước đúng 100 ngày, sau đó sẽ cung thỉnh nhập Tổ đường.
 
Hồn Việt trên vương quốc Thái Lan
 
Việt tông là một thực thể sinh động chứng minh sự tồn tại của Phật giáo Việt Nam truyền ra nước ngoài dưới hình thức Tăng đoàn vẫn còn tồn tại và phát triển một cách mạnh mẽ cho tới hôm nay.
 
Lịch sử hình thành của Việt tông tại Thái Lan bắt đầu từ thời chúa Nguyễn Phước Ánh (vua Gia Long sau này). Một loạt các ngôi chùa Việt trên đất nước Thái được khai sơn, luôn có chữ “Phước” trong tên gọi, như chùa Quảng Phước (1787), Phổ Phước, Cảnh Phước, Biểu Phước, Hưng Phước, Phước Điền, Phước Thọ, Cảnh Phước... Việt tông ở Thái Lan đã có lịch sử hơn 230 năm (tính từ năm hình thành của ngôi chùa Quảng Phước - wat Annamnikayaram, 1787), với hệ thống 21 ngôi chùa đã có tên trong danh bộ tự viện, 4 ngôi đang trong tiến trình xin chứng nhận trở thành chùa thông qua hai dòng thiền chính tông là Lâm Tế và Tào Động, một cơ sở đại học đào tạo hệ cử nhân mang tên Đại học Đại Trí (Mahāpanya University) trực thuộc Đại học Mahachulalongkorn tại thành phố Hatyai, một trường trung học phổ thông dành cho Sa-di Việt tông (Tăng-già Học viện) đặt tại chùa Phổ Phước thuộc khu Chinatown và một đài phát thanh để thông tin hoạt động Phật sự tại chùa Hưng Thạnh (wat Dhamma Panyara Bang Muang).
 
Rước di ảnh và di vật của cố Trưởng lão Hòa thượng Tăng Trưởng
 
Sự bảo tồn và phát triển của Việt tông trên nước Thái là một trong những minh chứng cho sức sống của văn hóa Việt Nam, trong đó Phật giáo là nền tảng tâm linh, là linh hồn. Ngày nay, nghi thức tụng niệm với âm Việt vẫn được hành trì trong các ngôi chùa thuộc hệ thống Việt tông, chùa cũng là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, hài hòa tiếp biến văn hóa bản xứ nhưng vẫn gìn giữ được hồn Việt trong cộng đồng người Việt tại Vương quốc Thái Lan.
 
Theo các nghiên cứu gần đây, đặc biệt qua những gì được thể hiện trong nghi lễ đối với ngài Tăng trưởng - Trưởng lão HT.Thích Kính Chiếu, Việt tông là kho tàng sống động để nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII, XIX, những vấn đề nghi lễ, nghi truyền giới theo cách thức cổ (Bản Giới đàn Tăng cổ), khoa nghi cúng chẩn, âm nhạc Phật giáo (các bản khoa) cũng như các thế hệ danh tăng Việt Nam tại nước ngoài, những chí sĩ yêu nước hoạt động tại Thái Lan, v.v…
 
Hy vọng, sau những kết nối mật thiết gần đây, GHPGVN sẽ có sự quan tâm sâu sắc hơn nữa, nhằm nghiên cứu về Việt tông, điều này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần làm sáng tỏ nội hàm Phật giáo truyền thống, bản sắc và sức sống của văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập