Hai Nhà Xuất Bản Phật Học Với Nhiều Sách Gía Trị Về Tu Học - Việt Báo (Westminster, CA)

Đã đọc: 1208           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

SAN DIEGO/ WESTMINSTER, Calif. (VB) -- Trong khi kinh doanh của các tiệm sách và ngành xuất bản suy yếu dần trong thời đại Internet, hai nhà xuất bản Phật học lại đang vững vàng tạo uy tín với các tác phẩm giá trị, được tin cậy trên nhiều phương diện -- Các tác phẩm mới ấn hành của hai nhà xuất bản Liên Phật Hội và Ananda Viet Foundation là những dòng chữ viết lên từ các suy nghĩ cẩn trọng về cuộc đời, từ các nghiên cứu sâu rộng về Phật học, và cả biên khảo chính xác về lịch sử.

 Như tuyển tập “Từ Mảnh Đất Tâm” dày 342 trang của Huỳnh Kim Quang, tác giả  họ Huỳnh cũng là một giảng sư rất uyên bác nhưng cũng rất mực khiêm tốn, đã tóm lược về tuyển tập này do Liên Phật Hội ấn hành, trích:
Tập sách này gồm các bài viết về Phật Giáo từ nhiều năm qua, đã được đăng rải rác trên các báo và trang mạng toàn cầu.
Những suy tư chứa đựng trong các bài viết khởi sinh từ mảnh đất tâm, giống như cỏ cây hoa lá mọc lên từ lòng đất.
Mọi thứ trên đời này đều từ tâm sinh và rồi cũng từ tâm diệt. Không có pháp nào chẳng phải là tâm. Con người nhận biết thế giới và mọi sự mọi vật thông qua sự tiếp xúc của sáu căn [mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý], sáu trần [hình sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm, và pháp], nhưng không thể thiếu sáu thức [nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức]. Không có sáu thức thì cho dù sáu căn có đối diện với sáu trần cũng chỉ như là cái xác chết nằm yên chẳng hay biết gì. Tất nhiên, sáu thức mới chỉ là bề ngoài chứ chưa phải tàng thức (thuộc bát thức) sâu nhiệm bên trong, nơi căn thân của mọi pháp. Nơi đó, cái mà chúng ta gọi là pháp chỉ là ảnh hiện hay tướng sở tri của thức A-lại-da, nghĩa là cũng chỉ là thức biến.
Những gì khởi sinh Từ Mảnh Đất Tâm chỉ là suy tư, nhận thức và trải nghiệm của một người con Phật có được phước duyên đời này gặp Phật Pháp và thọ nhận ân đức giáo dưỡng của Cha Mẹ, Thầy, Tổ, thiện hữu tri thức và pháp giới chúng sinh.
Nếu có chút lợi lạc nào Từ Mảnh Đất Tâm này, xin hồi hướng cho tất cả mười phương chúng sinh đều trọn thành Phật Đạo.”(ngưng trích)
Nhà văn Huỳnh Kim Quang có pháp danh là Tâm Huy. Bút hiệu khác: Ỷ Thu Am Sinh năm Đinh Dậu, 1957, thôn Vĩnh Phú, xã Hòa Thắng, quận Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Việt Nam. Quy y với Đại Lão Hòa Thượng Thích Vĩnh Lưu, Phương Trượng Tổ đình Sắc Tứ Kim Cang, Tuy Hòa, Phú Yên. Tham dự lớp Cao Cấp Chuyên Khoa Phật Học tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam, Sài Gòn, 1980-1984. Vượt biên qua Mã Lai Á năm 1986. Định cư tại Hoa Kỳ cuối năm 1987. Hiện làm báo tại miền Nam California, Hoa Kỳ. Cộng tác với các báo Chân NguyênPhật Giáo Hải NgoạiPhương Trời Cao RộngViệt Báo, Chánh Pháp. Có bài đăng trên các trang mạng toàn cầu, như Pháp Vân, Thư Viện Hoa Sen, Quảng Đức, Hoa Vô Ưu, Rộng Mở Tâm Hồn, Việt Báo, v.v... Các tác phẩm và dịch phẩm đã xuất bản: - Đức Đạo Kinh của Lão Tử, dịch, California, Hoa Kỳ, 1994 - Những Mộng Đàm Về Phật Giáo Thiền Tông, dịch, California, Hoa Kỳ, 1996 - Văn Học Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại Sưu Khảo, trong Ban Chủ Trương, California, Hoa Kỳ, 2010.
 
● Trong khi đó, tuyển tập “Như Thị Ngã Văn” dày 190 trang, do Ananda Viet Foundation ấn hành, của nhà văn Trí Tánh Đỗ Hữu Tài, khi trình bày về Phật Giáo Việt Nam đã mang nhiều suy tư mang tính lịch sử và xã hội hơn.
Tác giả trong Lời Giới thiệu “Như thị Ngã Văn” đã nói nơi đâu sách, trích:
“... khi mượn của ngài Anan cụm từ đó để đặt tên cho cuốn sách nhỏ nầy, người viết xin thú nhận rằng phần “chân thực” may ra chỉ nằm trong tấm lòng người viết, còn dù đã cố gắng thì tính xác thực của sự kiện và tính đúng đắn của lý luận, khi đã “lập văn tự”, chắc chắn chỉ là tương đối. Rất tương đối.
 
2. Tại nước ta, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc. Đó là chân lý lịch sử bất di bất dịch. Đó là truyền thống văn hóa không thể đổi thay. Phật giáo và Dân tộc đã quấn quít chuyền trao máu thịt và trí tuệ cho nhau, chia sẻ vinh quang và tủi nhục với nhau.  Nhưng trên cuộc trường chinh hơn hai ngàn năm đó, không phải lúc nào đạo Phật cũng sóng đôi với dân tộc mà có nhiều lúc lủi thủi bước gập ghềnh đi theo từ xa. Đó là những lúc Tăng đoàn mất thanh tịnh và không hòa hợp, đó là những lúc Phật tử lìa chánh pháp và làm bạn với ma quân. Nhưng dù ngay cả có lúc như vậy, thì suốt những chặng đường lịch sử, Phật giáo và Dân tộc lúc nào cũng như bóng và hình. Sáng lên chiều xuống chập chùng, dù có lúc bóng có dang ra xa nhưng lúc nào cũng quấn quít dưới chân hình. Những suy tư của người viết là nỗ lực nhỏ nhoi đóng góp cho hành trạng bóng-hình đó.
 
3. Là một Phật tử Việt Nam sống tại Mỹ, người viết chịu rất nhiều giới hạn khi chọn tình hình Phật giáo Việt Nam để chiêm nghiệm và trang trải những suy nghĩ của mình. Giới hạn về không thời gian, về những thông tin khả tín về hiện thực Phật giáo Việt Nam tại quê nhà, và nhất là giới hạn do sư cách biệt về tập quán tư duy được hình thành trong quá trình người viết tương tác với nền  văn hóa bản địa ở ngoài quê hương. Nhưng có một điều chắc chắn là không có giới hạn về tình cảm gắn bó với quê hương và đạo pháp. Ngược lại là khác. Cho nên cũng chính vì là một Phật tử Việt Nam xa quê hương gần trọn nửa trái cầu, nên mới thao thức nhiều hơn về tương lai của Phật giáo Việt Nam, vốn là cái nôi đã cùng với văn hóa dân tộc đong đưa nuôi dưỡng người viết từ thưở ấu thơ theo anh đến chùa....”(ngưng trích)
 
● Trong khi đó, 2 ấn phẩm mới của Liên Phật Hội thuần túy là lịch sử khách quan:
- “Hồ Sơ Mật 1963 - Từ Các Nguồn Tài Liệu Của Chính Phủ Mỹ”, thực hiện bởi: Tâm Diệu, Trí Tánh, Nguyên Giác và Nguyễn Minh Tiến.
Tập sách này hầu hết gồm nhiều bản văn được chuyển dịch và trình bày kèm theo nguyên tác Anh ngữ, là các tài liệu trước đây vốn thuộc loại hồ sơ mật hoặc tối mật, nghĩa là chỉ dành riêng cho những người có trách nhiệm mà hoàn toàn không được phổ biến đến công chúng. Phần  lớn các tài liệu đó là của chính phủ Mỹ, như các Công điện, Bản Ghi nhớ, Điện tín, Phúc trình... Tài liệu có nguồn từ Bộ Ngoại Giao Mỹ được lấy từ FRUS; ngoài ra còn có các tài liệu từ Tòa Bạch Ốc (Hội đồng An Ninh Quốc Gia NSA), Bộ Quốc Phòng (Pentagon Papers), CIA (tại Sài Gòn và tại Langley), và từ Thượng Viện (Select Committee to Study Governmental Operations).
 
- “Phúc Trình A/5630 Của Phái Đoàn Điều Tra LHQ Về  Đàn Áp Phật Giáo Tại Miền Nam VN Vào Năm 1963”, tác giả là Nguyễn Minh Tiến.
Phúc trình mang số hiệu A/5630 là Báo cáo của Phái đoàn Điều tra Liên Hiệp Quốc tại Nam Việt Nam (Report of the United Nations Fact-Finding Mission to South Viet-Nam) được soạn thảo bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, là kết quả của một cuộc điều tra khách quan do Liên Hiệp Quốc tiến hành thông qua việc chỉ định các đại diện từ 7 quốc gia thành viên cùng một số nhân viên chuyên môn để hỗ trợ hoạt động điều tra. Phái đoàn điều tra này đã đến Nam Việt Nam ngày 24-10-1963 và đến sáng ngày 1-11 thì họ dự kiến sẽ hoàn tất công việc vào cuối ngày 3-11.
 
● Tuy nhiên, nếu bạn chỉ ưa thích văn học Phật giáo lãng mạn?
Hai tuyển tập truyện ngắn do Ananda Viet Foundation ấn hành:
Cậu Bé Và Hoa Mai;
Thiếu Nữ Trong Ngôi Nhà Bệnh
của nhà văn Phan Tấn Hải viết với bút pháp như thực, như mộng... nơi đó, những mối tình hiện ra như mơ, và những môái tình rất sương khói, đôi khi lồng trong hoàn cảnh sân chùa thời đất nước gian nan... và khi các ước vọng hiến đời cho sự nghiệp giác ngộ hốt nhiên bị gián đoạn vì một tiếng cười giai nhân...
 
● Ananda Việt Foundation cũng vừa xuất bản tác phẩm Ăn Chay Qua Lăng Kính Khoa Học, dày 140 trang, trong đó tác giả Tâm Diệu sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, mạch lạc, với các chứng minh khoa học từ các cuộc nghiên cứu y tế Hoa Kỳ đã cho thấy rằng ăn chay thích hợp sẽ ngừa được nhiều bệnh, và cũng chữa trị được một số bệnh thường gặp ở Hoa Kỳ.
Tác phẩm gồm 16 bài viết chiếu rọi nhiều phương diện về chủ đề ăn chay, cho thấy ăn chay là nền tảng sức khỏe, vì ăn thịt sẽ gây ra rất nhiều bệnh.
Nhưng không chỉ tự chữa các bệnh như mập phì, ngừa tim mạch, và ung thư, ăn chay còn giúp làm sạch môi trường địa cầu... và đặc biệt, với Phật tử, ăn chay còn vì lòng từ bi.
 
● Gần nhất là tuyển tập “Thiền Tập Trong Đời Thường” dày 288 trang của Nguyên Giác, cũng do Ananda Viet Foundation ấn hành.
Thiền Tập Trong Đời Thường là cuốn sách cho tất cả những người muốn tập Thiền trong đời thường, giaỉ thích và trích dẫn nhiều cuộc nghiên cứu về lợi ích thiền tập. Sách ghi lại nhiều phương pháp thiền tập để giúp độc giả giảm căng thăng, giúp trẻ em tập trung trong việc học, và giúp phụ nữ giữ gìn nhan sắc đẹp nhất trong mức có thể.
Thêm nữa, sách này cho thấy ba mẹ có thể dạy cách tăng khả năng học đôái với con em bệnh tự kỷ hay chậm trí...
 
◙ Liên Phật Hội và Ananda Viet Foundation là 2 tổ chức bất vụ lợi, và do vậy tất cả các ấn phẩm là một phần trong các hoạt động hộ trì chánh pháp của 2 hội này.
Độc giả có thể tìm mua bằng cách vào Amazon, gõ nhan đề sách không cần dấu:
Từ Mảnh Đất Tâm (vào amazon.com, gõ chữ “tu manh dat tam”).
Như Thị Ngã Văn (gõ: nhu thi nga van)
Hồ sơ mật 1963 (gõ: ho so mat 1963)
Phúc Trình A/5630 (gõ: phuc trinh a)
Ăn chay qua lăng kính khoa học (gõ: an chay qua lang kinh khoa hoc)
Cậu bé và hoa mai (gõ: cau be va hoa mai)
Thiếu nữ trong ngôi nhà bệnh (gõ: thieu nu trong ngoi nha benh)
Thiền tập trong đời thường (gõ: thien tap trong doi thuong).
 
Độc giả ở Việt Nam không mua trực tiếp được, nhưng có thể vào:
xem hướng dẫn nơi cuối bài về cách mua qua văn phòng dịch vụ ở các thành phố lớn tại VN.
 
 
Trí Tánh

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập