Bhutan “Thiên đường hạ giới cuối cùng” đang gắng giữ mình

Đã đọc: 1237           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Hoan hỉ chứ không săn đón, vồ vập là phong thái người Bhutan đón du khách. Chỉ từ 1974, Bhutan mới mở cửa, tới 2003, khách du lịch tới Bhutan không quá 7.000 người/năm. Nhưng từ 2004, lượng du khách mỗi năm mỗi tăng, tới giờ khoảng 100.000 người/năm. Lắng lại sau những ấn tượng, cảm xúc tươi sáng về Vương quốc Bhutan - Đất nước Rồng Sấm - nơi được gọi là “Thiên đường hạ giới cuối cùng” (The last Shangrila) nằm trong dãy Himalaya, một cách cầu thị, khiêm tốn học hỏi, nhiều người Việt sẽ có thêm được những kinh nghiệm từ giữ gìn môi trường sống.

Thiền viện Hang Cọp (Taktsang, Tiger’s Nest, xây năm 1692 trên vách đá cao 1.200m) ở Paro - một trong những địa danh Phật giáo quan trọng, nổi tiếng thế giới của Bhutan. Ảnh: Bành Hoa.
Bát ngát xanh

Mặc dù được biết rừng che phủ hơn 70% Bhutan, nhưng ngay từ lúc đặt chân xuống sân bay Paro cho tới khi xuyên Bhutan từ tây sang đông trong 9 ngày 8 đêm đầu tháng 10 này, trong lòng chúng tôi luôn khởi lên mỗi nỗi ghen tỵ rất đỗi ngọt ngào: Bhutan xanh cây rừng quá! “Chúng tôi đã làm cho xứ sở của mình trở thành quốc gia có độ che phủ của rừng cao nhất thế giới!” - Chimi - hướng dẫn viên của Công ty du lịch Bhutan Excursion nói với chúng tôi không giấu vẻ tự hào - “Đức vua và Chính phủ nói người dân xây nhà cố gắng bớt dùng gỗ. Ai muốn vào rừng chặt cây lấy gỗ làm nhà, phải đăng ký với chính quyền địa phương, chính quyền đánh dấu cây nào chỉ được lấy cây ấy, ai lén chặt thêm thì bị phạt rất nặng!”. 

Người Bhutan hàng trăm năm nay, có lẽ chưa bao giờ phải răn nhau bằng thành ngữ “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”?! “Ở Bhutan, chặt 1 cây phải trồng mới 3 cây. Đầu năm nay, đức vua tổ chức mừng ngày sinh hoàng tử nhỏ Gyalsey bằng việc tổ chức trồng 108.000 cây. Cây có linh hồn. Cây là lá phổi. Trong các nước thuộc dãy Himalaya, Bhutan được coi là nước dẫn dầu trong việc bảo vệ giữ gìn rừng. Việc làm, mở rộng đường, xây các đập thủy điện, cùng với kinh nghiệm từ các chuyên gia Ấn Độ (hơn 60 % nguồn tài chính, kỹ thuật… cho việc bảo tồn, trùng tu công trình văn hóa - kiến trúc - lịch sử, tất các dự án phát triển kinh tế của Bhutan là từ Ấn Độ - PV), tiến hành trên nguyên tắc bảo tồn tối đa những cánh rừng tự nhiên ngàn năm. Nền nông nghiệp của chúng tôi hoàn toàn hữu cơ (organic), không dùng phân bón hóa học, không có thuốc trừ sâu. Chúng tôi giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này”, anh Sonam Wangchen - Giám đốc Bhutan Excursion nói.

Chưa phải thiên đường

“Chúng ta đang cùng nhau hủy diệt thế giới!” (We are together killing the world). Vẻ giận dữ trong giọng nói tiếng Anh mang âm hưởng Ấn của Sonam Wangchen ngay phút đầu trong cuộc gặp ở thủ đô Thimphu tối 11.10 khiến chúng tôi… giật nảy mình. Ngày cuối cùng của chuyến đi, chờ Sonam “hạ hỏa”, chúng tôi đề nghị anh giải thích về nỗi tức giận của mình. Sonam cười hiền lành: “Tôi rất xin lỗi vì thời tiết năm nay quái lạ chưa từng có trong cả gần trăm năm nay, tháng 10 mà trời Bhutan mù mịt, mưa quá nhiều ảnh hưởng mùa màng của nông dân, gây sạt lở đất ách tắc giao thông nhiều tuyến đường, trục đường xương sống - cao tốc xuyên tây - đông Bhutan trở nên quá nguy hiểm cho du khách, ảnh hưởng tới ngành du lịch… Nhiệt độ tăng, các sông băng tan chảy, mưa bão, ngập lụt. Thế là Bhutan cũng không thoát nổi tác động của việc biến đổi khí hậu toàn cầu! Du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu thủy điện (chủ yếu sang Ấn Độ) - ba nguồn thu chính cho ngân sách của Bhutan.

Trước 1960, Bhutan không có nền giáo dục đến từ phương tây, không có cơ sở y tế cơ bản, không có dấu hiệu nào của sự phát triển. Từ khi bắt đầu có con đường tây sang đông (từ Ấn Độ về), thì mới có những tri thức, điều kiện chăm sóc sức khỏe, đường xá và rất nhiều những thứ gọi là sự phát triển. Phát triển cũng cái mặt không hay của nó. Thế hệ những người 7x rất may mắn vì được trông thấy những sự thay đổi, có thể nói là vượt bậc của đất nước. 

Mấy chục năm trước, cả thủ đô có không tới 50 xe hơi, nhưng lúc đó con người cởi mở, thân thiện, quan tâm tới nhau hơn. Còn bây giờ, Bhutan có thay đổi bởi đã mất đi sự duyên dáng đáng quý. Tất nhiên, với phần còn lại của thế giới, trong đó có Việt Nam, đều nhìn Bhutan như là Shangrila (Thiên đường hạ giới) - tôi hoàn toàn đồng ý, song phải nói thật Bhutan trước kia còn hơn cả Shangrila ấy chứ, bây giờ thì thay đổi rồi! Đấy là lý do vì sao tôi nói “Chúng ta đang cùng nhau hủy diệt thế giới”.

“Bhutan có tệ nạn xã hội (nghiện hút, trộm cắp,…) không?”, chúng tôi hỏi Chimi. Anh bạn cười hiền lành, có chứ, và chỉ chúng tôi thấy 1 trong 6 nhà tù của Bhutan, nằm dưới thung lũng trên con đường từ Wangdue tới Trongsa. “Thế người Bhutan có xả rác không, có tham nhũng, nhận hối lộ không. Tốc độ già hóa dân số, quy hoạch ở thành phố có thiếu quy củ không…”. Câu trả lời là có, khi chúng tôi đọc thông tin trên tờ nhật báo của chính phủ “Kuensel” ấn hành bằng tiếng Anh - tờ báo khổ nhỏ như tờ báo cấp quận ở TPHCM. Có điều thú vị là những lời lẽ “nhắc nhở” công chức không được quên áp dụng Luật quà biếu 2009 trong thông báo của Ủy ban phòng chống tham nhũng Bhutan hết sức lịch thiệp, nhã nhặn.

Nhưng vẫn đầy quyến rũ

Trong bảng xếp hạng báo cáo về mức độ hạnh phúc trên thế giới năm 2016, Đan Mạch đứng đầu trong Top 20, trong nhóm 100 nước, vùng lãnh thổ, Bhutan đứng thứ tư, Việt Nam đứng thứ 18. “Xứ Bhutan này hay thiệt. Càng ở lâu, càng thấy thích. Mà mình nghĩ, họ giữ xanh sạch được thế này cũng vì đất nước bé quá, lại quá ít dân, chưa tới một triệu. Nên cũng dễ bảo nhau. Chứ đông dân quá, 9 người, 10 ý…”, chị Nguyễn Huỳnh Yến - một cô giáo dạy Yoga cảm thán sau chuyến đi. 

“Nét quyến rũ của Bhutan là gì? Vì sao người Bhutan có thể giữ môi trường sống của họ được như vậy? Có đúng là một quốc gia bé tẻo như Bhutan thì dễ quản lý hơn, dễ bảo vệ môi trường hơn, nếu so với một quốc gia rộng và đông 90 triệu dân như nước mình? Kinh nghiệm xanh - sạch của Bhutan có thể áp dụng gì cho Việt Nam không?” - chúng tôi đặt câu hỏi với anh Nguyễn Thanh Hải, một doanh nhân trẻ thành đạt, cũng là một tay máy có tiếng của giới nhiếp ảnh TPHCM hiện nay. Từ mùa xuân 2013 tới tháng 8.2016, Hải tới Bhutan những 5 lần, trong đó, lần đáng nói là cùng tay máy Nguyễn Thanh Tùng mang triển lãm “My Bhutan” (Bhutan của tôi) sang triển lãm tại thủ đô Thimphu vào tháng 3.2016 sau khi triển lãm rất thành công ở TPHCM.

Hải chia sẻ: “Sự thu hút về Bhutan ban đầu đến từ những hình ảnh huyền bí của các tu viện trên sườn núi, cùng những câu chuyện về “thiên đường cuối cùng nơi hạ giới” được lan truyền trong giới du lịch. Lần đầu đến Bhutan năm 2013, tôi ngỡ ngàng bởi khung cảnh núi non hùng vĩ với những ngọn núi tuyết xa xa, lượn quanh những đường đèo là bạt ngàn hoa nở ven suối. Khi xe qua những ngôi làng ven sườn núi, thấp thoáng những cô gái trong trang phục truyền thống Kira nền nã bên những gốc anh đào cổ thụ, còn những chàng trai thì oai phong và lịch lãm trong bộ Gho. Những khung cảnh ấy giống như trong phim thần thoại. 

Sau đó là sức hút từ những kiến trúc huyền bí của những pháo đài được xây bằng đá và đất nện, với những khung gỗ được chạm trổ tinh tế cùng vị thế hùng vĩ ngất ngây mà không có quân đội như trong tưởng tượng của chúng ta về pháo đài xưa. Có lẽ lý do khiến tôi quay lại Bhutan nhiều lần là vì muốn khám phá sự thay đổi của vương quốc này khi họ đang “mở cửa” với thế giới. Lần đầu, chúng tôi sang, không có simcard cho du khách và dĩ nhiên không có 3G cũng như internet rất chậm. Lần thứ 3 thì sóng 3G đã phủ khắp toàn quốc. Đặc biệt từ 2014 Bhutan tiến hành sửa chữa mở rộng đường xá trên toàn bộ 20 tỉnh lị, toàn bộ đất nước là những công trường lớn”.


Bài nguyện của họ không cầu xin cho cá nhân mình

Người Bhutan vẫn giữ nguyên trang phục truyền thống của mình trong cuộc sống hàng ngày, nam mặc Gho, nữ là Kira. Và lễ hội làng là ngày đặc biệt nhất khi những Lama trong tu viện làng sẽ tổ chức cùng dân làng các nghi lễ, các điệu múa mặt nạ dân gian, cùng nhau chia vui sau mùa vụ. Những người dân ở xa cả trăm cây số cũng đến dự cùng cả gia đình, họ cắm trại 3 ngày 3 đêm, cùng nhau nhảy điệu múa dân gian và uống rượu ngô Ara mừng ngày hội ngộ.

Khác với một số nước châu Á khác, bài nguyện của người Bhutan không cầu xin cho cá nhân mình mà là sự cầu an cho tất cả chúng sinh, cho nhân loại. Người dân Bhutan sống bằng nông nghiệp, nhưng họ nuôi trồng theo phương pháp tự nhiên không dùng hóa chất. Phần lớn bữa ăn hàng ngày của người Bhutan là ăn chay theo cách riêng của họ với món chính thường là ớt xào với phô mai dùng với cơm. Với niềm tin và cách sống ấy, cuộc sống của họ mỗi ngày thật bình an và nhẹ nhàng, chúng ta sẽ không thấy người Bhutan vội vã, chúng ta không gặp người Bhutan cãi nhau, còn các bác tài Bhutan luôn vui vẻ nhường đường cho nhau nên không cần có đèn giao thông hay cảnh sát gác trên các tuyến đường của Bhutan. Khi đặt chân đến vương quốc này, sự an yên và những niềm tin tôn giáo còn truyền đến cả du khách. 
 
Nguyễn Thanh Hải

Sự thay đổi nhanh nhất thuộc về thủ đô Thimphu, khi mà những ngôi nhà xây bằng xi măng đã thay thế nhà trình tường vách đất truyền thống. Không những vậy, họ còn xây cao lên 8 tầng và hơn nữa. Những quán bar mọc lên nhiều và những tệ nạn xã hội từ công nhân nước ngoài đến lao động ở đây bắt đầu xuất hiện, tuy không nhiều. 

Tuy nhiên, có 2 điều không thấy sự thay đổi nào là tình yêu thiên nhiên và bản sắc văn hóa của người Bhutan hoàn toàn nguyên vẹn. Việc bảo vệ môi trường sống và sống hòa mình với thiên nhiên, trồng trọt theo phương thức hữu cơ của Bhutan xuất phát từ văn hóa Phật giáo Himalayas của họ. Nhưng nếu không có những chính sách nhất quán và kiên trì của chính phủ, thì cũng không có sự thành công về bảo vệ rừng và gìn giữ môi trường của Bhutan. Do đó, vấn đề về môi trường không phụ thuộc nhiều vào quy mô dân số hay thói quen sinh hoạt, nó đến từ chính sách nhất quán của quốc gia.


 Tôn kính người đứng đầu đất nước

Đức vua thứ 5 của Bhutan - Jigme Khesar Namgyel Wangchuck (ảnh), người lên ngôi ngày 9.12.2006, là một trong những quốc vương trẻ tuổi, anh tú nhất thế giới hiện nay. Chúng tôi nhìn thấy ảnh ông tại một cửa hàng bán đồ lưu niệm trên con đường làng dẫn vào chùa thiêng Chimi Lhakhang gần cố đô Punakha. Chùa thờ một Lama sinh ở Tây Tạng tên là Drukpa Kunley (1455 - 1529), biệt danh “Người điên thần thánh” (Divine Madman), người đã dùng một thứ minh triết dưới cái vỏ khùng điên bên ngoài để đi độ hoá chúng sinh, truyền bá một thứ đạo Phật không chấp nệ và một cách nhìn nhận phi chính thống về cuộc đời tại Bhutan. 

Bhutan vô cùng may mắn có những vị vua anh minh, đức vua tôn kính hiện thời của chúng tôi, cùng chính phủ hành động cùng nhau để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho nhân dân và đất nước. Đức vua thứ tư Jigme Singye Wangchuk (trị vì 1972 - 2006) là người đưa ra triết lý phát triển cho đất nước, từ năm 1972, theo hướng: Tổng hạnh phúc quốc gia (Gross National Hapiness - GNH) quan trọng, chứ không phải là Tổng thu nhập quốc dân (GDP). Công thức làm nên Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH), dựa trên bốn mục tiêu: Phát triển kinh tế - xã hội bền vững/ bảo vệ môi trường/ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống/ một chính quyền hoạt động hiệu quả và trong sạch.  

Những ngày giữa tháng 10, có dịp tới nhiều vùng và đọc báo mỗi ngày, chúng tôi thấy sự hân hoan đón mùa lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm (Tshechu) tôn vinh Đức Phật Liên Hoa Sinh và bày tỏ lòng tôn kính vô bờ tới Hoàng gia của người dân Bhutan.


 

TARAAN TRUONG

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập