Thiền sư Thích Thanh Từ: Người phục hưng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Đã đọc: 1243           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thiền sư Thích Thanh Từ là bậc cao Tăng đạo hạnh, trọn một đời lặng lẽ tìm về nguồn cội Thiền tông, để rồi phục hưng thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử trở nên rạng rỡ sau gần 700 năm vắng bóng.

Thiền phái Trúc Lâm là dòng Thiền Việt Nam chính thống: “Vừa liễu ngộ Phật pháp, vừa làm tròn bổn phận đối với dân tộc”. Những đóng góp lớn lao về Văn hóa, Giáo dục, Đạo đức, Tâm linh từ hệ thống Thiền viện do Hòa thượng chủ trì luôn mang lại lợi ích thiết thực đối với người học Phật. 

Phatgiao.org.vn xin được trích dẫn toàn bộ bài phỏng vấn với Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ được đăng tải trên Đạo Phật Ngày Nay về những vấn đề liên quan đến Thiền học đời Trần và những căn bản cho người học Phật thời nay…

Thiền sư Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Kính xin Hòa thượng cho biết đôi điều về Thiền phái Trúc Lâm?   

- Thiền tông Việt Nam thời Trần với Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử đã đưa đạo Phật đi đến đỉnh cao trong lòng dân tộc. Bên cạnh sự xuất hiện của những danh tướng anh hùng lỗi lạc là sự ra đời của các Thiền sư xuất cách siêu thoát. Chính vì thế Phật giáo Việt Nam đã thấm nhuần bản sắc dân tộc, bấy giờ đạo Phật trở thành đạo của dân tộc… Thời gian đã không thể nào làm mờ đi những nét son rực rỡ của lịch sử với những Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Hưng Đạo Đại Vương, Thượng Tướng Trần Quang Khải... Đó cũng chính là nguyên do để chúng ta hiểu vì sao Thiền tông không bao giờ mất đi trên đất nước Việt Nam. Dù Thiền tông có thăng trầm cùng sự hưng vong của quốc gia, nhưng sức sống bên trong thì luôn tuôn chảy.

Tinh thần chủ đạo của Phật giáo đời Trần là Phật tại tâm. Hôm vua Trần Thái Tông lên núi xin Quốc sư Trúc Lâm cho ngài được làm Phật, Quốc sư đã cầm tay vua, bảo: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lặng, trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật, không cần đi tìm cực khổ ở bên ngoài”. Đây là tinh thần tự lực tự giác độc đáo, mang tính chủ đạo kỳ đặc của Phật giáo đời Trần.

Vào thời Trần, một thời đại mà các đấng quân vương, đang ở địa vị cao tột, vẫn có thể cởi bỏ tất cả công danh để sống đời bình dị, ung dung đạm bạc như những bậc chân tu mô phạm. Thể hiện rõ nét những điểm này, ngoài vua Trần Nhân Tông ra còn có Tuệ Trung Thượng Sĩ.  

Tuệ Trung Thượng Sĩ được xem là ngọn đèn Tổ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, ông đã thổi ngọn gió thiền vào ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã nhờ ngài mà thành tựu được đạo nghiệp chánh giác. Phải chăng Sơ Tổ Trúc Lâm Yên Tử và Tuệ Trung Thượng Sĩ trong vô duyên mà kết duyên, tự tại vô ngại, để Phật giáo Thiền tông Việt Nam sau này có được nền tảng vững chắc và phát huy ngày một sâu rộng.

Suốt đời Hòa thượng Thích Thanh Từ đều dốc hết sức mình lo cho Phật pháp, đặc biệt là làm sống lại Thiền tông đời Trần, tạo điều kiện cho Tăng Ni tu hành tiến bộ. Ảnh: Internet

Giáo hội Trúc Lâm thành hình, Phật Hoàng Trần Nhân Tông là đỉnh cao. Hải hội tứ chúng cùng quy về với một tinh thần tự tỉnh tự giác, dựng nên một nền móng Phật giáo mang tính dân tộc và thực sự có sức chủ động. Thời bấy giờ việc trị nước của các vua Trần do ảnh hưởng Phật giáo nên có tính dân chủ cao. Bất cứ việc gì của quốc gia lấy ý dân làm chủ, do dân, vì lợi ích của dân mà thực hiện. Qua hai cuộc hội nghị lớn, một là với các tướng sĩ ở Bình Than, hai là với các bô lão ở Diên Hồng để chống giặc Nguyên Mông, đã thể hiện cụ thể đặc điểm này của các vua Trần. Việc quốc gia đã thế, việc Phật sự càng sâu sát với dân, càng vì dân hơn.

Sau khi nhường ngôi cho Anh Tông, vua Trần Nhân Tông lên núi tu hạnh đầu đà. Với ý chí xuất trần, sau 5 năm dốc lòng công phu nơi rừng Trúc núi Đông Cứu, ngài đã đạt được đạo quả, thành tựu sở nguyện giác ngộ giải thoát. Bấy giờ ngài trở về Yên Tử và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời, ngài là Sơ Tổ. Khi này sự nghiệp hoằng hóa Phật pháp trong nhân gian mới bắt đầu hưng khởi. Tổ xuống núi, đi khắp nơi dạy dân tu pháp Thập thiện, phá bỏ dâm từ, mê tín dị đoan. Có thể nói Trúc Lâm với Ngọa Vân am trên đỉnh Đông Cứu là nơi yên tu, yên nghỉ của Tổ, còn núi Yên Tử với chùa Vân Yên, Bảo Sái... là nơi dựng đạo tràng, lập tông chỉ, khai hóa bốn chúng của Tổ.

Sự có mặt của Thiền phái Trúc Lâm một thời đã thống nhất được sự lãnh đạo của Phật giáo Việt Nam, đem lại lợi lạc lớn cho đời mãi đến hôm nay. Kinh qua những giai đoạn hưng phế của tiền triều và bao đổi thay của sự vật, tất cả đều bị sức chi phối không thể kháng cự của vô thường. Hết thịnh tới suy và điểm cuối của sự suy thoái là bắt đầu thời kỳ hưng khởi trở lại. Thế nên, lúc nào Phật giáo Việt Nam cũng có những nhân vật kiệt xuất làm sung thịnh lại các thời trước, điển hình như các Thiền sư Chân Nguyên, Hương Hải... chính nhờ sự khôi phục của các ngài mà hôm nay chúng ta mới có được chút ít tư liệu huyết mạch của Tổ tông.

Trên tinh thần đó, Thiền phái Trúc Lâm hôm nay được phục hưng, được sống lại trong lòng Tăng Ni Phật tử Việt Nam là nhờ hội đủ nhân duyên. Đây cũng có thể là điểm trùng hợp độc đáo của lý duyên sinh rất tự nhiên. Xưa kia trên đỉnh Vân Yên, Thiền tông cũng bắt đầu từ mạch nguồn Thiền sư Thường Chiếu. Phải chăng huyền cơ tự có hẹn ước để thay nhau có mặt, thay nhau giữ vững cương lĩnh Tâm tông Phật tổ, lợi ích cho đời, vĩnh chấn Tông phong muôn thuở.

Thiền đời Trần là tinh hoa của Phật giáo thời Trần. Có vua còn là Thiền sư. Xin Hòa thượng cho biết vài giai thoại tu Thiền của các vua Trần?

Hòa thượng húy là Trần Hữu Phước, pháp danh Thích Thanh Từ, sau đổi lại húy là Trần Thanh Từ. Sinh ngày 24 tháng 7 năm 1924, tại ấp Tích Khánh, làng Tích Thiện, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Vĩnh Long).

- Giai thoại thiền với các vua Việt Nam thì nhiều, tôi nhắc đến vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Với thiền, đòi hỏi phải có sự thể nghiệm chân thật, phải chứng nghiệm chứ không thể nói suông hay bàn trên lý thuyết.

Vua Trần Thái Tông, dù bề bộn việc triều chính, vẫn để thời gian tham Thiền và vua đã từng chứng nghiệm. Việc này được nhà vua kể lại trong lời tựa Thiền Tông Chỉ Nam: “Trẫm từng đọc kinh Kim Cang đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong khoảnh khắc bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem chỗ ngộ này viết thành bài ca, đề tên là “Thiền Tông Chỉ Nam”. Nghĩa là vua Trần Thái Tông đã trực tiếp lãnh ngộ Thiền ngay tự tâm mình, không phải chỉ nghiên cứu trên lý thuyết, trên sách vở. Bởi kinh nghiệm trực tiếp nên vua có một sức sống Thiền chân thật ngay trong đời làm vua của mình.

Kế là vua Trần Thánh Tông, cũng một ông vua ở tại ngôi vị trên thiên hạ, sống trong cung điện vàng son mà vẫn thể nghiệm được thiền. Vua đã nhận được ý chỉ nơi Quốc sư Đại Đăng, tự lấy hiệu là Vô Nhị Thượng Nhân.

Đến vua Trần Nhân Tông, kinh nghiệm thiền được Ngài thuật lại trong bài hành trạng của Thượng Sĩ Tuệ Trung như sau: “Tôi biết môn phong của Thượng Sĩ cao vót. Một hôm tôi xin hỏi ngài về “Tông chỉ bổn phận”, Thượng Sĩ đáp: - Soi sáng lại chính mình là việc bổn phận, chẳng từ nơi khác mà được. Nghe xong, tôi thông suốt được đường vào, bèn vén áo thờ ngài làm thầy”.

Như vậy cho thấy, ba vị vua Trần đã có kinh nghiệm thiền rõ ràng ngay trong cung vua, đâu phải đợi tìm chỗ nào khác! Kinh nghiệm này được thể hiện qua sức sống chân thật của các ngài, chứ không phải chỉ nói suông.    

Thiền có khả năng trị liệu, vậy người học Phật nên hiểu Thiền như thế nào để có được an lạc bây giờ và tại đây?

Thiền là ở ngay trong lòng người, không phải ở nơi cảnh, nơi chỗ này, nơi chỗ kia. Tâm ngộ Thiền thì bất cứ chỗ nào cũng có Thiền.

- Với người học thiền bình thường, đa phần cứ nghĩ: Thiền phải ở nơi núi cao rừng thẳm hay hang vắng, bởi họ tưởng tượng theo danh từ “Thiền lâm” là rừng thiền, thì phải ở trong rừng. Hoặc có người cho rằng, Thiền chỉ có trong thiền đường, trong thiền viện, trên bồ đoàn, tọa cụ... Hiểu Thiền như thế thì quá cục bộ, chưa tròn khắp, chỉ có chỗ này mà không có ở chỗ kia, tức sanh diệt mất rồi.

Sự thật, Thiền là ở ngay trong lòng người, không phải ở nơi cảnh, nơi chỗ này, nơi chỗ kia. Tâm ngộ Thiền thì bất cứ chỗ nào cũng có Thiền. Thiền như thế mới là thiền trong sự sống; nếu mở được con mắt Thiền thì dù Tăng, dù tục, dù nơi vắng vẻ hay ồn náo đều có phần. Nhìn lại ba vị vua đầu thời nhà Trần, chúng ta thấy rất rõ điều này...

Thiền Việt Nam có gốc từ Phật giáo. Xin Hòa thượng cho biết ý nghĩa sự hiện diện của đạo Phật?

- Chúng sanh đang chìm đắm trong biển khổ sanh tử, dong thuyền ra cứu vớt họ là sự ra đời của đạo Phật. Đêm tối vô minh che phủ tất cả chúng sanh, cầm đuốc sáng soi đường cho họ là trách nhiệm của đạo Phật. Đạo Phật đến với chúng sanh trong một niềm khát vọng vô biên, một sự trông chờ tột độ. Nhưng, con thuyền có giá trị cứu mạng khi nào người sắp chết chìm biết bám lấy nó. Ngọn đuốc là một cứu tinh, khi nào những kẻ lạc đường trong đêm tối khao khát muốn ra. Con thuyền và ngọn đuốc sẽ vô bổ, nếu những kẻ sắp chết chìm và người lạc trong đêm tối chấp nhận cái gì mình đang chịu. Cũng thế, đạo Phật sẽ vô ích với những chúng sanh chấp nhận sanh tử và an phận trong vô minh.

Những kẻ phiêu lưu ở tha phương viễn xứ ước mơ khao khát trở về cố hương, đạo Phật là tấm bản đồ vẽ rõ con đường trở về cố hương. Nếu ý thức cảnh khổ của người xa quê, một lòng quyết chí trở về cố hương, được người trao tay cho tấm bản đồ, biết rõ con đường về quê thì còn sung sướng nào hơn. Không cam chìm sâu trong đêm tối vô minh, người cương quyết tiến lên con đường giác ngộ, nắm vững những phương tiện tiến tu, chắc chắn sớm chiều sẽ được mãn nguyện.

Đối với một người tu Thiền, sau khi quy y Tam bảo và thọ trì Ngũ giới, có cần thiết phải đi chùa lễ Phật?

Lạy Phật để thấy mình còn thấp thỏi ti tiện, bỏ hết những thói ngạo mạn cống cao.

- Người xưa nói “Làm việc có nghĩa do tâm tỉnh ngộ, làm việc vô nghĩa do tâm mê mờ”. Chúng ta có thì giờ rảnh đi chùa để được nghe những lời chỉ dạy đạo lý của Tăng, Ni là do tâm tỉnh ngộ làm động cơ thúc đẩy. Nếu chúng ta mong có lúc rảnh để đến hí trường, lại tửu điếm, chính do tâm mê mờ làm động cơ thúc đẩy. Chọn lấy một hành động có nghĩa là để làm theo, đích thực là người trí. Chạy theo những hành động vô nghĩa hư hèn, quả là kẻ ngu.

Đã có mặt trên cõi đời, chúng ta phải chọn lấy một lối đi để đưa đời mình đến chỗ rạng ngời tươi đẹp. Vì thế, sự đi chùa lễ Phật là làm việc do động cơ tỉnh ngộ thúc đẩy, với một tinh thần cố gắng vươn lên, gầy dựng cho mình một ngày mai sáng đẹp. Mục đích đi chùa không phải là để cúng lạy, mà vì học hỏi chánh pháp, tập tu đức hạnh. Người Phật tử mới đến với đạo chưa thấm nhuần Phật pháp, nếu không được sự chỉ dạy của Tăng Ni thì làm sao hiểu đạo tu hành.

Còn về việc lạy Phật, chúng ta nên hiểu rằng, lạy Phật không vì van xin tha tội, không vì cầu mong ban ân, chỉ vì quý kính một đấng lòng từ bi tràn trề, trí giác ngộ viên mãn. Vì quý kính công đức trí tuệ của Phật nên chúng ta lễ lạy. Lạy Phật để thấy mình còn thấp thỏi ti tiện, bỏ hết những thói ngạo mạn cống cao. Quý kính gương cao cả của Phật để mình noi theo. Phước đức lạy Phật là tại chỗ đó. Chọn một hành động có ý nghĩa là con người tỉnh sáng. Khi đã nhận định kỹ việc làm của mình, dù có bị chê khen, chúng ta vẫn an ổn thực hành. Đi chùa lạy Phật đã mang sẵn những ý nghĩa của nó, dù có ai chê là mê tín... ta vẫn an nhiên. Lạy Phật là động cơ đẩy mạnh chúng ta tiến mãi trên đường giác ngộ.

Hòa thượng có lời khuyên nào cho người học Phật ngày nay?

- Đối với Phật tử nói chung và đặc biệt là đối với những người bắt đầu học Phật cần nên lưu ý rằng, bước đầu học Phật rất là quan trọng, nếu bước đầu đi sai, những bước sau khó mà đúng được.

Người học Phật khi mới vào đạo không hiểu đúng tinh thần Phật giáo, về sau sẽ hỏng cả một đời tu. Người có trách nhiệm hướng dẫn không thể xem thường kẻ mới học, cần phải xây dựng có một cơ bản vững chắc, đi đúng đường hướng của Phật dạy. Hiểu Phật giáo một cách đúng đắn, mới mong thành một Phật tử chân chánh.

Chúng ta đang sống trong thời khoa học, cần phải truyền bá Phật giáo thích ứng với chân lý gần với sự thật. Bản chất của Phật giáo đã là chân lý, là sự thật, chúng ta đừng làm méo mó khiến kẻ bàng quan hiểu lầm Phật giáo. Quý Phật tử có chánh kiến và tâm huyết với đạo pháp hãy cùng chúng tôi một bề đả phá những mê tín đang ẩn náu trong Phật giáo, để cho bộ mặt Phật giáo trắng sạch hơn, không còn những thứ lọ nhơ làm lem luốc. Tinh thần tồi tà phụ chánh là rất cần thiết trong bối cảnh mà Phật giáo đang bị mê tín và thần quyền hóa như hiện đang xảy ra.

Chân thành tri ân Hòa thượng.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập