Bình Định: HT.Thích Nguyên Phước nói về Đại giới đàn Trí Hải - Bích Liên

Đã đọc: 1305           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Từ ngày 21 đến 25-7 (nhằm mùng 1 đến mùng 5 tháng 6 năm Canh Tý), tại TP. Quy Nhơn, Đại giới đàn mang tôn hiệu “Trí Hải - Bích Liên” do Ban Trị sự (BTS) GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức sẽ khai mở sau nhiều tháng trì hoãn do dịch Covid-19.

HT.Thích Nguyên Phước, UVTT HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Định
 
Đó là Phật sự quan trọng của tỉnh nhà nên việc chuẩn bị Đại giới đàn diễn ra chu đáo. Trao đổi với Giác Ngộ về công tác tổ chức Đại giới đàn, HT.Thích Nguyên Phước, UVTT HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Định khẳng định BTS Phật giáo tỉnh “luôn quan tâm đến chất lượng người xuất gia trẻ”. Hòa thượng cho hay:
 
- Trung bình 3 đến 4 năm, khi hội đủ những nhân duyên thuận lợi, BTS GHPGVN tỉnh Bình Định lại khai mở Đại giới đàn để dắt dẫn hậu lai, tiếp nối Pháp thân huệ mạng của chư Phật, tạo điều kiện cho người mới xuất gia tiến tu đạo nghiệp. Vì xác định đây là một Phật sự quan trọng của địa phương liên quan đến ngành Tăng sự nên các công tác chuẩn bị đã được triển khai từ năm 2019.
 
Theo đó, ban đầu, BTS GHPGVN tỉnh Bình Định dự kiến tổ chức Đại giới đàn trước khi chư Tăng Ni bắt đầu mùa an cư và đã hoàn tất các thủ tục cần thiết. Tuy vậy do dịch Covid-19, Phật sự này được tạm hoãn nhằm đáp ứng yêu cầu phòng dịch và đảm bảo an toàn, sức khỏe cho chư tôn đức trong Ban Tổ chức, Hội đồng Thập sư và giới tử.
 
 Đến thời điểm hiện tại, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và tập thể BTS GHPGVN tỉnh nhất trí cao, Đại giới đàn chính thức được diễn ra trong 5 ngày tại 2 giới trường: tổ đình Long Khánh dành cho giới tử Tăng, chùa Tâm Ấn dành cho giới tử Ni. Cả 2 tự viện này đều tọa lạc tại trung tâm thành phố Quy Nhơn nên công tác phối hợp chuẩn bị khá thông suốt, giúp cho công tác tổ chức được thành công, tạo nên điểm nhấn Phật sự trong năm 2020 này.
 
Chân dung Tổ sư Trí Hải - Bích Liên, bậc cao Tăng thời chấn hưng Phật giáo VN
 
Công tác chuẩn bị đến thời điểm này ra sao, bạch Hòa thượng?
 
- Do phải tạm hoãn nên BTS có thêm thời gian dài chuẩn bị và cũng từng nhiều lần thực hiện nhiệm vụ kiến đàn nên mọi việc diễn ra thuận lợi và thông suốt. Chúng tôi cung thỉnh chư tôn giáo phẩm cao niên giữ vai trò chứng minh, giám sát; giao các việc điều hành cụ thể cho chư Tăng Ni trẻ đang đảm nhiệm các vai trò lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà thực hiện nên có sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa hai thế hệ. Nhờ vậy, nhiệm vụ của các bộ phận phục vụ cho Đại giới đàn đều được triển khai khá tốt, theo đúng định hướng của BTS và cho đến hôm nay có thể yên tâm để Phật sự này được khai mạc.
 
Đối với Hội đồng Thập sư Tăng, Ni để giới tử nương tựa tiếp nhận giới pháp, Ban Tổ chức cung thỉnh Trưởng lão HT.Thích Thiện Duyên, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Quảng Nam giữ ngôi vị Đường đầu Hòa thượng; HT.Thích Huệ Minh, UVTT HĐTS, Trưởng ban Nghi lễ T.Ư làm Yết-ma A-xà-lê; HT.Thích Liễu Giải, Chứng minh BTS GHPGVN huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định và chúng tôi làm Giáo thọ A-xà-lê của giới đàn Tăng. Ngoài ra, còn cung thỉnh HT.Thích Viên Đạt, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Bình Định làm Tuyên Luật sư, khai đạo giới tử. Trong khi đó, giới đàn Ni đã cung thỉnh NT.Thích nữ Hạnh Quang, Phó BTS kiêm Trưởng Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh Bình Định làm Đường đầu Hòa thượng; NT.Thích nữ Hạnh Minh, Phó Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh Bình Định làm Yết-ma A-xà-lê và NT.Thích nữ Hạnh Thiện, Chứng minh Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh Gia Lai làm Giáo thọ A-xà-lê.
 
Theo hướng dẫn của Ban Tăng sự T.Ư GHPGVN, tỉnh nhà cũng đã lên kế hoạch và chuẩn bị chu đáo để đón và khảo hạch giới tử, tổ chức hoạt động khảo thí, dâng y, cung an chức sự, khai đạo giới tử, khai mạc Đại giới đàn, tụng Luật, tấn đàn; tuần chiếu, thuyết pháp, Chánh pháp Yết-ma cho Tỳ-kheo-ni, thọ hương, chẩn tế v.v... Tất cả đều có nhân sự trẻ, có kinh nghiệm phụ trách cụ thể nhằm giúp cho mọi việc diễn ra như pháp.
 
Sứ mệnh của các Đại giới đàn là “tiếp dẫn hậu lai” và hướng dẫn các vị xuất gia trẻ khép mình vào giới luật. Với kinh nghiệm nhiều năm khai mở đàn giới, Phật giáo tỉnh Bình Định luôn nỗ lực để Phật sự này trang nghiêm, giúp cho giới tử thật sự đắc giới, hoàn thiện bản thân, bảo hộ cho chí nguyện khoác áo Như Lai.
 
Trên cơ sở đó, qua các kỳ tổ chức đàn giới GHPGVN tỉnh Bình Định đều quan tâm đến chất lượng giới tử. Ban Kiến đàn đã đưa ra nhiều bước sàng lọc giúp cho giới tử trang nghiêm tự thân, thông qua việc kiểm tra kỹ hồ sơ thọ giới, hướng dẫn cụ thể và chi tiết thủ tục nhập giới trường, tổ chức khảo thí nghiêm túc và công tâm. Ngoài ra, trong quá trình diễn ra Phật sự này, các nghi thức cũng được tiến hành theo đúng quy củ thiền môn như là cách nhằm tịnh hóa tam nghiệp của chư giới tử.
 
Chân thành cảm ơn Hòa thượng!
 
Bảo Thiên thực hiện
Đôi nét về hành trạng của HT.Trí Hải - Bích Liên, tôn hiệu của Đại giới đàn
 
Sinh trưởng trong một gia đình Nho học, ngài được theo nghiệp bút nghiên từ nhỏ. Năm 31 tuổi, ngài lều chõng vào trường thi Hương Bình Định và đỗ tú tài. Ba năm sau, ngài lại đỗ tú tài lần nữa.
 
Năm 1919, khi 43 tuổi, ngài đến chùa Thạch Sơn ở Quảng Ngãi quy y thọ giới với Hòa thượng Hoằng Thạc. Ngài được ban pháp danh Chơn Giám, tự Đạo Quang, pháp hiệu Trí Hải.
 
Nhờ tinh thông Hán học, lại gặp thiện duyên, sau vài năm tham học và đắc pháp với Hòa thượng Hoằng Thạc (năm 1921), ngài sớm trở thành một Tăng sĩ quảng kiến đa văn, đạo cao đức trọng.
 
Năm 1928, Hòa thượng Khánh Hòa từ Bến Tre ra Quy Nhơn, gặp và mến phục tài đức, kết làm pháp hữu, rồi mời ngài vào Nam giúp sức cho phong trào Chấn hưng Phật giáo. Chính bởi sự đóng góp của ngài mà Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học đã tặng ngài danh hiệu Tán trợ hội viên.
 
Năm 1931, Hòa thượng làm chủ bút của tờ báo Từ Bi Âm nhằm hoằng dương Chánh pháp, phục vụ phong trào Chấn hưng Phật giáo.
 
Năm 1934, ngài về quê một thời gian ngắn để khai sơn chùa Bích Liên tại sinh quán (Bình Định). Từ công đức đó, để tỏ lòng kính trọng, trong tòng lâm ít người gọi đạo hiệu của ngài, mà thường tôn xưng ngài là Hòa thượng Bích Liên (tên ngôi chùa do ngài khai sơn).
 
Năm 1937, Hòa thượng được Hội Đà Thành Phật học mời làm chủ bút tạp chí Tam Bảo, đề cập đến nhu cầu thống nhất các đoàn thể Phật giáo thành Hội Phật giáo Liên hiệp.
Năm 1939, ngài phụ giảng tại Phật học đường Long Khánh do Hòa thượng Chánh Nhơn thành lập, được đông đảo Tăng sinh kính ngưỡng.
 
Hóa duyên đã mãn, ngày mồng 3 tháng 6 năm Canh Dần (1950) Ngài viên tịch tại chùa Bích Liên, thọ 74 tuổi, hạ lạp 31 năm.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập