Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Thành Tỳ Xá Ly

Đã đọc: 2820           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

4. Tháp thờ xá lợi Phật của dòng họ Licchavi

Cách trụ đá khoảng 3km về hướng Tây, có một nền tháp lớn thuộc dòng họ Licchavi xây dựng để tôn thờ xá lợi Phật. Người ta cho rằng, vua A Dục đã khai quật tháp này, đem xá lợi phân chia thành nhiều phần nhỏ và xây dựng tháp thờ trên khắp xứ Ấn Độ. Hiện nay, nơi này chỉ còn lại nền gạch cũ chạy vòng tròn, sâu trong lòng đất khoảng 4m. Phía trên dựng lều vòm tròn bằng vật liệu nhẹ và tôn nhựa màu xanh, để che nắng mưa làm hạn chế sự xói mòn và phá hoại của môi trường tự nhiên.

5. Ngôi nhà kỹ nữ Ambapālī

Quanh vùng Tỳ Xá Ly (Vesāli) này, người dân thường tương truyền với nhau về câu chuyện của kỹ nữ Ambapālī còn có tên là Cô gái vườn xoài, là một kỹ nữ tài hoa, nhan sắc tuyệt trần, dáng vẻ quý phái. Tiếng tăm của nàng không chỉ vang dội tại thành Tỳ Xá Ly mà còn lan xa đến các nước lân cận, làm cho nhiều vương tôn công tử bỏ nhiều công sức và tiền bạc cho nàng. Nhan sắc của nàng chinh phục cả đại quốc vương Tần Bà Sa La (Bimbisāra), là vua của nước Ma Kiệt Đà (Magadha) nên nàng đã có một con trai với vị vua này tên là Vimalakondanna, vị này sau trở thành Tỳ kheo trong giáo đoàn của Phật.

Lần cuối cùng, đức Phật và Tăng đoàn ngang qua thành Tỳ Xá Ly và dừng nghỉ tại khu vườn xoài của bà. Bà vội đến thỉnh cầu đức Phật và chúng Tăng nhận phần cúng dường ngọ trai ngày hôm sau. Đức Phật nhận lời bằng cách im lặng, đây là cử chỉ chấp nhận thường dùng trong Phật giáo. Khi hay tin đức Phật nhận bữa ngọ trai ngày hôm sau do Ambapālī cúng dường, nhiều phú gia cũng như các hàng công tử đến mặc cả nhường buổi cơm trưa cho vị thượng khách như đức Phật với giá rất cao nhưng bà tuyệt đối từ chối (kinh Đại Bát Niết Bàn thuộc Trường Bộ). Sau bữa ngọ trai thịnh soạn hôm đó, bà phát tâm cúng dường cả vườn xoài cho Phật và chúng Tăng để xây dựng tinh xá. Một phần nhờ những lời cảm hóa của con trai bà, bây giờ là Đại đức Vimala-kondanna, một phần do bà quán chiếu được sự vô thường tạm bợ của thân xác, sắc đẹp chóng tàn phai, mọi của cải vật chất không phải là cứu cánh của đời người, nên Bà phát tâm xuất gia, trở thành Tỳ kheo ni và dốc lòng tu tập, chẳng bao lâu chứng đắc quả vị A la hán. Những lời giác ngộ của bà được ghi chép đầy đủ trong Trưởng Lão Ni Kệ (Therīgāthā).

Ngày nay, đến tận nơi khu vườn lịch sử này, chúng ta không còn thấy gì giống như sự mô tả trong kinh điển, mà chỉ là khu phố nhỏ nghèo nàn, buôn bán vài thứ hàng thôn quê và tạp nhạp khác. Khuôn viên có hàng rào bao quanh, phía trên cổng vào có hàng chữ được cho là nền nhà của Ambapālī, bên trong là ngôi trường làng nho nhỏ có hai phòng. Thật tế một điều, cư dân quanh vùng vẫn xác định đây chính là nơi ở của bà ngày xưa và truyền nhau câu chuyện li kỳ, như một niềm tự hào về một danh nhân bản địa. Chúng tôi được biết là họ sẽ trồng lại khu vườn xoài trong một tương lai gần để kỷ niệm khu vườn xoài vang tiếng của mấy ngàn năm về trước.

6. Nền nhà của Bồ tát Duy Ma

Trên đoạn đường đi đến nhà Ambapālī, chúng tôi dừng lại khu vực được cho là nền nhà của cư sĩ Bồ tát Duy Ma thuở xưa, nhân vật được xem như là lý tưởng nhất, là danh xưng của một bộ kinh đặc trưng trong văn học Phật giáo Đại thừa, đó là Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh. Nhờ tính đa văn, biện tài xuất chúng làm cho các vị thánh đệ tử của Phật thán phục trí tuệ của ông. Mặc dù là nơi có ngôi nhà tên tuổi trong thành Tỳ Xá Ly năm nào, hiện nay chỉ là vùng đất hoang sơ, cỏ mọc um tùm, bao quanh một hồ nước mênh mông, với một vài cây cổ thụ nghiêng mình trên mặt hồ trong xanh yên ả. Không có một dấu vết gì để chúng ta hình dung và liên tưởng đến sự huyền bí của ngôi tịnh thất một trượng sáu vuông chứa ba ngàn tòa sư tử. Nhìn cảnh vật vắng vẻ, buồn tênh, lòng bỗng nao nao khó tả, khi nghĩ về cuộc đời vô thường sanh diệt, nay cồn mai biển, bãi bể nương dâu, biết bao kiếp làm người trên trần thế này cũng không thấu hết nỗi buồn nhân thế. Chỉ có tuệ giác như đức Phật, chỉ có chứng ngộ, chúng ta mới hiểu thấu mọi vấn đề mà ngôn ngữ trần gian không thể nào diễn tả hết mọi sự biến thiên của vũ trụ. Xe đã rời khỏi nơi kỷ niệm ngàn xưa của ngài Duy Ma, nhưng hình ảnh hoang sơ, yên ả của buổi xế chiều vừa chứng kiến cứ hiện mãi trong lòng kẻ lữ hành đang tìm lại những gì còn sót lại trên quê hương Phật giáo, đã bị tàn phá bởi thiên nhiên và cả lòng hiềm thù, hẹp hòi ích kỷ của con người.

7. Nơi kết tập kinh điển lần II

Vừa qua đoạn đường đất gồ ghề trong một vùng quê hẻo lánh, nếu trời mưa thì không cách nào có thể đến nơi được, đó chính là địa điểm diễn ra cuộc kết tập kinh điển lần thứ hai, khoảng 100 năm sau Phật Niết bàn. Nỗi buồn về ngôi nhà của ngài Duy Ma Cật chưa hết niềm vương vấn, lại phải chứng kiến cảnh xâm chiếm bất hợp lệ của ngoại đạo đó là đền thờ Ấn giáo nằm giữa mô đất được cho là nơi lịch sử mà bảy trăm vị thánh Tăng tập trung kết tập kinh điển còn gọi là Thất bách kết tập. Và từ cuộc kết tập kinh điển này, Phật giáo chia thành hai bộ phái: Thượng Tọa bộ (Theravāda) và Đại Chúng bộ (Mahasanghika).

Không riêng gì nơi này, hầu hết các Thánh địa Phật giáo tại Ấn Độ, bất cứ nơi nào có thánh tích Phật giáo thì người Ấn giáo lại xâm canh ngay nơi phần đất quan trọng và dựng lên một ngôi đền, hoặc một loại thờ tự nào mà họ cho là linh thiêng. Khu kết tập kinh điển có khả năng dung chứa bảy trăm vị Thánh Tăng hôm nào, nay chỉ là mô đất nhỏ đủ để xây một cái “nhà chòi” bằng gạch của Ấn giáo. Phía trước có một cây Bồ đề rất lớn, tàng phủ trùm cả một vùng chắc cũng hàng trăm tuổi thọ. Xung quanh là ruộng lúa và những đồng cỏ hoang vu cùng với những con đường mòn của người địa phương. Hoàng hôn bắt đầu phủ trùm trên lối đi, cảnh vật xung quanh dường như mờ dần, lại thêm nơi vắng vẻ, đoàn chúng tôi chỉ ghi một vài hình ảnh lưu niệm và bắt đầu lên đường trở về khách sạn từ bi (chùa Kiều Đàm Di) nghỉ ngơi. Chúng tôi thiết nghĩ, thôi hãy để mọi việc chìm vào quá khứ như vạn vật chìm vào bóng đêm. Đời là thế, mạnh được yếu thua, là một quy luật mà đức Thế Tôn đã nhìn thẩm thấu và bất mãn sau lần đầu tham dự lễ Hạ điền thuở thiếu thời. Và cũng từ cái nhìn thẩm thấu đó mà ngày hôm nay nhân loại mới có một đạo Phật nhân bản chỉ vì lợi ích của con người, một chân lý sống đầy tuệ giác, là quà tặng vô giá cho tất cả mọi người con Phật, cho cả những ai biết sống vì con người vì cuộc đời.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)