Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Luân lý quan Phật giáo

Đã đọc: 2275           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Luân lý là một loại kí kết ngầm và thứ tự giữa người với người, là những nguyên tắc mà ở đó dù các trường hợp, thân phận không giống nhau, nhưng con người cần phải tuân thủ. Trung Quốc tiếp cận “Luân lí” sớm nhất thấy ở sách “Mạnh Tử”. Sau này, “Ngũ luân” được thiết lập thì trở thành mục tiêu trong xã hội lí tưởng của người Trung Quốc.

Phật giáo sau khi truyền vào Trung Quốc, liền bắt rễ và phát triển trong quần chúng, rất nhiều người cho rằng Phật giáo chỉ chú trọng tư tưởng xuất thế gian, không quan tâm đến các mối quan hệ giao tế qua lại; trên thực tế, lục độ, tứ nhiếp, tứ vô lượng tâm và nhiều giáo nghĩa khác của Phật-đà, đều nhằm thúc đẩy sự hài hòa giữa các mối quan hệ của con người. Dưới đây sẽ lần lượt trình bày cách nhìn về các mối quan hệ luân lí như Tăng đoàn, Tăng tín (Tăng sĩ và tín đồ), bằng hữu, công việc, quần kỉ (quần chúng và cá nhân) v.v... của Phật giáo. 

Luân lý Tăng đoàn

Phật-đà sau khi hóa độ năm Tì-kheo trong lần chuyển Pháp luân đầu tiên, thì thành lập Tăng đoàn, coi mình chỉ là biểu tượng “một trong tứ chúng”, lãnh đạo Tăng đoàn, khởi xướng chúng sinh và chư Phật bình đẳng; theo sự gia tăng về số lượng Tăng sĩ, nhằm khiến cho Tăng đoàn thanh tịnh, hòa thuận và an lạc, Phật-đà bèn lấy phương thức “tùy phạm tùy chế” để lập ra giới luật, trở thành chuẩn mực luân lí của Tăng đoàn. Trong đó, “lục hòa kính” đến nay vẫn là những pháp quy được duy trì trong Tăng chúng.

Sau khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc, từng bước phát triển thành quy chế tùng lâm, tu viện, nổi bật lấy Thiền tông sau khi “Mã Tổ sáng lập tu viện, Bạch Trượng lập thanh quy”, “tứ thập bát đơn”, “truyền pháp”, “truyền giới”, “sư thừa”, “thanh quy”, vân vân của chốn tùng lâm, thiết lập và xây dựng quy chế nhân sự, các kỉ cương nghi lễ sinh hoạt cho Tăng đoàn. Ví dụ: trong luân lí chức sự (chức vụ) thì dưới “Trụ trì” có “Giám tự” (giám sát, theo dõi việc chùa), từng cấp từng lớp có trách nhiệm khác nhau, trên dưới trật tự. Còn như nhân sự, hoặc lấy “giới lạp” phân thứ tự trước sau, hoặc lấy người “đi vào sơn môn trước làm sư huynh”, trường hợp này không lấy tuổi tác luận lớn nhỏ, mà lấy chủ trương người vào trước tu viện tu đạo, thọ giới gọi là sư huynh, phá bỏ truyền thống quan niệm trật tự truyền thống “lớn nhỏ cần có thứ tự” của người đời.

Lại ví dụ, trong lịch sử Phật giáo, Bồ-tát Văn Thù là thầy của bảy vị Phật trong quá khứ, gồm Thích-ca-mâu-ni Phật (Sakyamuni), Tì-lô-thi Phật (Vipasyin), Thi-khí Phật (Sikhin), Tì-xá-phù Phật (Visvabhu), Câu-lưu-tôn Phật (Krakucchanda), Câu-na-hàm-mâu-ni Phật (Kanakamuni), Ca-diếp Phật (Kasyapa). Nhưng trái lại ở trước tòa Thích-ca-mâu-ni Phật thì chấp trì lễ của một đệ tử; Đại Tiểu nhị thừa của Cưu-ma-la-thập và Bàn-đầu-đạt-đa là thầy của nhau, truyền tụng cái đẹp của hạnh đàn; Thiện Tài Đồng Tử đi khắp thiên hạ để học hỏi, không phân biệt giới tính nam nữ; đồng nữ Diệu Huệ tám tuổi thành đạo, trở thành kiểu mẫu thành đạo điển hình của phụ nưc; Pháp sư Ấn Tông thế độ (xuống tóc) cho Huệ Năng, sau lại bái Huệ Năng làm thầy, cử chỉ tôn pháp làm thầy này khiến cho con người tán thán. Trên đây nói rõ cửa Phật nương pháp không nương lí luận quan của con người, thực là siêu việt thế thái nhân tình bình thường.

Ở Phật Quang Sơn Đài Loan, tuân theo nguyên tắc: “Tập thể sáng tạo, quy chế lãnh đạo”, nương giới lạp, quá trình học tập, tuổi tác và tư cách, các tài năng đặc biệt, để thiết lập chế độ và xếp theo thứ bậc, lại nương vào sự phát tâm, tinh tiến, thành tựu học nghiệp, đạo nghiệp và sự nghiệp của từng cá nhân, làm căn cứ thăng cấp. Quy chế chức vụ “ba năm điều chỉnh một lần”, cá nhân không chuộng chức vị, không lạm dụng chức quyền, thường trú cũng có thể “thích tài thích sở, nhân tận kì tài” (適才適所,人盡其才- đặt người thích hợp vào vị trí thích hợp, mới có thể phát huy hết tài năng của họ), làm cho nhân lực triển khai năng lực, phát huy tiềm năng của mình như dòng nước chảy, không đến nỗi xơ cứng, thụ động, không phát triển. Loại sắp xếp chức vụ hành chính này, một mặt tôn trọng những người thâm niên từng trải, coi trọng kinh nghiệm truyền thừa; mặt khác thì dựa vào phẩm đức, học thức cá nhân đề bạt những người trẻ tuổi vốn hiểu biết còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm, khiến họ phát huy sở trường, làm cho giáo đoàn đời đời tiếp nối trường tồn.       

Luân lý Tăng tín

Gọi là “ tài, pháp nhị thí, đẳng vô sai biệt” (財、法二施,等無差別-tài thí và pháp thí, các loại không có sự sai biệt”, thời đại Phật giáo nguyên thủy, Tăng lữ xuất gia phải cầm bình bát ra đường khách thực để duy trì sắc thân, đồng thời mượn cơ hội này kết duyên với tín đồ, truyền bá chính pháp. Tín đồ nhằm làm cho Tăng chúng an tâm hành đạo, bố thí tinh xá, giảng đường, Tăng đoàn sau khi đã có trú sở an cư ổn định, tín đồ có thể đi đến đấy thỉnh ích Tăng chúng , Tăng sĩ và tín đồ (Tăng tín) qua lại do thế càng thêm gắn bó mật thiết. Đạo lí chung sống với nhau giữa Tăng tín được thiết lập đại để như sau:

Tăng chúng cư xử với tín đồ: (1) Dạy họ Phật pháp, giúp gia đình ôn hòa; (2) Khuyến khích phát tâm, yêu gia đình thương con người; (3) Khuyên tín đồ làm ăn lương thiện (chính nghiệp), chính cần chính lạc; (4) Truyền thụ Phật pháp, tăng trưởng niềm tin; (5) Sinh lão bệnh tử, cho lời khuyên răn; (6) Người ta phiền não, hóa giải cho họ. Ngoài ra, còn “thêm hương dầu” cho tín đồ, như: Chủ động chào hỏi, mỉm cười hòa nhã, thân thiết quan tâm, tôn trọng nhân cách, thăm hỏi chân thành, giải quyết khó khăn, nhiệt tình phục vụ, tán thán khích lệ, hoàn thiện thiết bị hệ thống, kiến nghị trí tuệ và năng lực v.v...

Tín đồ đối đãi với tăng chúng: (1) Tứ sự cúng dường, cung kính tôn trọng; (2) Thỉnh chuyển pháp luân, tùy duyên học tập; (3) Tuyên dương thánh đức, tán thán có đạo; (4) Giữ gìn đạo nghiệp, giúp họ tu đạo; (5)Theo Tăng chúng tu hành, tăng thêm đức hạnh; (6) Làm cho chúng Tăng không thiếu thốn, an tâm tu đạo.

Tự viện như là “trạm thêm dầu” cho chúng sinh, cũng là ngôi nhà của huệ mạng, tăng lữ lấy sự nhiệt tình hăng hái, dâng hiến cuộc đời mình; tín đồ lấy chính kiến hộ trì, tôn trọng tăng đoàn. Tăng tín hòa hợp đoàn kết, cùng dìu dắt nhau đi trên con đường Bồ-đề thênh thang.

Luân lý bằng hữu

Gọi là “ở nhà nương cha mẹ, ra đường tựa bạn bè”, người bình thường đều trông mong có một tình thân mật như Bá Nha và Chung Tử Kì, người tu đạo cũng hâm mộ pháp ái của Xá-lị-phất và Mục-kiền-liên. “Bạn bè” trở thành sức mạnh giúp đỡ qua lại lẫn nhau giữa người này với người kia. Trong Kinh Phật thuyết Bột ví von, có  người thì coi bạn thì như hoa, như cân, chỉ coi trọng địa vị, quyền lực, hoàn toàn lấy lợi ích riêng tư kết bạn; nhưng cũng có người coi bạn hệt cao sơn, đại địa, lấy tâm rộng rãi chịu tải, bao dung, là sự kết giao đạo nghĩa (đạo đức và chính nghĩa). Ngoài ra, trong kinh điển cũng ghi chép rằng thiện hữu (bạn tốt) là lúc bạn mình gặp nguy kịch, thì không ngại khó khăn giúp đỡ, lúc bạn mình nhỡ có lỗi lầm gì, thì cho bạn mình những lời khuyên nhủ; bạn ác (bạn xấu) thì là bên ngoài nét mặt hiền hòa mà bụng dạ xấu xa, lấy rượu chè cờ bạc làm niềm vui, không cần biết đến sinh tử.

Làm thế nào mới có thể đạt được người bạn tốt? Phật-đà truyền dạy bảy phương pháp: (1) Nan dữ năng dữ, tức nếu bạn bè gặp khó khăn, lúc cần bạn giúp đỡ, thì cho dù bạn có gặp khó khăn, cũng nên cố gắng giúp đỡ; (2) Nan tác năng tác, tức giúp bạn làm việc, chỉ cần là việc tốt, dù biết khi làm không dễ dàng gì những cũng cần phải làm. Bởi vì, bạn bè vốn là cần giúp đỡ lẫn nhau, có thể “nan tác năng tác”, chứng minh đầy đủ cho cái thánh của tình bằng hữu; (3) Nan nhẫn năng nhẫn, tức bạn bè chung sống với nhau, có lúc không tránh khỏi phát sinh một vài hiểu lầm, có một vài sự bất đồng trong cách nhìn nhận, ngay cả phát sinh nói năng trong ngôn ngữ, lúc này cần phải bao dung và tha thứ cho nhau, đặc biệt khó nhẫn cũng có thể nhẫn. Nếu như cõi lòng một chút khoan dung nhẫn nại không có, thì bạn tốt cũng sẽ không có sự tương giao lâu bền; (4) Mật sự tương ngữ, tức bạn bè tốt ngoài việc có thể quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong công việc ra, đặc biệt cần có thể chia sẻ một vài bí mật trong sâu thẳm con tim của mình, tỉ dụ, một vài bí mật ở phương diện đối nhân xử thế, hoặc trong tài vụ (những công việc quản lí và kinh doanh tài sản), tình cảm, sự nghiệp, đều có thể hiệp thương, bàn bạc và chia sẻ cho nhau; (5) Bất kiết bỉ quá, tức bạn bè tốt có thể khuyên răn, động viên, nhưng không nên nói toạc ra hoặc quá đào bới lỗi lầm của họ, khiến họ không chịu nổi, thì là không phải bạn tốt; (6) Tao khổ bất xả, tức lúc bạn bè gặp những trắc trở, đau đớn, bị nạn, khó khăn, thì bạn không thể bỏ rơi bạn; không thể vì bạn nhất thời chán nản, thì bỏ qua sự quan tâm, những kẻ nịnh hót sau này sẽ gặp sự phỉ nhổ, khinh bỉ của bạn bè; (7) Bần tiện bất khinh, tức kết giao bạn bè, lúc vinh hoa phú quý cố nhiên là vui vẻ, ngộ nhỡ lúc nghèo nàn, bất đắc chí (không được như ý), gặp khổ gặp nạn, bạn cũng không được coi thường họ, có thể bần cùng không khinh thường, mới là người bạn cùng cam cộng khổ, tri âm chân chính. Cho nên, tương giao với bạn bè, quý là ở chỗ hai bên nhiệt tình giúp đỡ lẫn nhau, bạn có thể cho đi bao nhiêu, thì người bạn của bạn cũng sẽ gửi tặng lại bấy nhiêu. Phật-đà vốn lấy lan viên (vường hoa lan) và bào tứ (cửa hàng cá máu hôi thối) vi von sự ảnh hưởng lẫn nhau của tập khí của bạn bè, hoặc xông mùi thơm, hoặc ngửi mùi hồi, dựa vào chính kiến của mình để chọn lựa.

Luân lý làm việc      

Làm việc, là một trong những chỗ dựa của sinh hoạt con người, có người mượn chỗ này duy trì cuộc sống cho cả gia đình, có người mươn nó thực hiện cái tôi, có người chỉ là được chăng hay chớ, làm việc qua loa, cũng có người tận tâm tận lực, nỗ lực hoàn thành. Nếu muốn sự nghiệp thành tựu, ngoài việc quảng kết thiện duyên, cần cù tiết kiệm và hỉ xả ra, thì luân lí làm việc cũng là điều kiện không thể bỏ qua. Bản thân là người cấp trên, lúc cùng chung làm việc với công nhân viên, thì cần phải làm được: (1) Quan tâm công nhân viên làm việc, không khiến họ phải làm việc quá sức, kiệt lực; (2) Quan tâm công nhân viên ăn uống và những sinh hoạt thường ngày, tìm hiểu việc đãi ngộ phải chăng đã đủ nuôi sống cuộc sống gia đình của họ; (3) Tạo điều kiện cho công nhân viên hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch,...thích hợp thỏa đáng; (4) Quan tâm sức khỏe công nhân viên; (5) Giải quyết và thực hiện tốt các loại phúc lợi khác và để cho công nhân viên cùng nhau chia sẻ những hạnh phúc, niềm vui,... Bản thân là người chủ quản, là trung tâm của lãnh đạo, ngoài việc bảo vệ cho cấp dưới, công nhân viên, cũng cần hoàn thiện chính mình, ví dụ: (1) Lòng dạ bao dung; (2) Dũng cảm gánh vác trách nhiệm; (3) Trí năng quyết đoán; (4) Tinh thần chủ động; (5) Không coi thường người đi sau (những nhân viên mới vào); (6) Không đùn đẩy trách nhiệm; (7) Không hiềm nghi đoán chừng; (8) Không tranh giành lãnh đạo v.v... Lấy điều này làm nguyên tắc làm việc, nhất định sẽ nhận được sự tán thành và ủng hộ của tập thể công nhân viên.  

Thêm một phương diện khác nữa là, đạo lí mà công nhân viên và chủ quản sống và làm việc chung với nhau có: (1) Bị trách móc không nổi giận; (2) Công việc không được cố ý kéo dài; (3) Chỉ thị không được làm trái nghịch; (4) Bất cứ việc gì cũng không được lấp liếm che giấu; (5) Xử chúng không đặc quyền; (6) Kính nghiệp không ăn bơ làm biếng; (7) Tích cực không giải đãi (lười biếng); (8) Giao tiếp qua lại không đầu cơ, lợi dụng; (9) Đối xử không được lầm lì, quái gở; (10) Làm việc không cứng nhắc; (11) Tư tưởng không cũ kỹ lỗi thời; (12) Ứng xử không cực đoan.

Làm việc khiến cho con người khai phá và mở mang tiềm lực sinh mệnh, triển hiện giá trị sinh mệnh; chỉ có phát huy lòng nhiệt thành, tôn trọng luận lí làm việc, để tâm vào công việc, thì đời người mới có thể càng có ý nghĩa.

Luân lý quần kỷ

Phật giáo giảng “đồng thể cộng sinh” (同體共生), là chỉ cho vạn vật trong vũ trụ đều là chúng duyên hòa hợp, ta người cùng sinh cùng tồn. Cũng tức loài người là động vật quần cư (sống tụ tập), bất luận ăn, mặc, ở, đi, những thứ vật dụng mà chúng ta thọ nhận đều là những thành quả tương hỗ đại chúng mà có, đặc biệt là sự hiện đại của thông tin đại chúng, người người càng không thể rời quần chúng mà sống một mình. Từ rất sớm, cách đây 2600 năm trước. Phật-đà đã từng ân cần chỉ bảo đệ tử nhập chúng và lễ phép sự chung sống giữa các thành viên với nhau, ví dụ: (1) Năng khiêm cung (khiêm tốn); (2) Biết trên dưới thứ lớp; (3) Không luận chuyện tạp nham (việc không đứng đắn, nghiêm chỉnh); (4) Dốc lòng lắng nghe; (5) Tiếp nhận những lời giáo huấn, kính cẩn làm theo v.v... Thời gian mặc dù đã qua lâu đời rồi, mãi đến hôm nay, vẫn cứ cảm thấy thân thiết ân cần và có ích.

Luân lí, là sự bảo vệ, duy trì và giúp đỡ giữa người với người. Bất cứ lúc nào ở đâu, cũng cần lo nghĩ cho con người, không nóng vội, cân nhắc sự nặng nhẹ, hiểu rõ sự lí, không so đo, tính toán giữa người với ta, như thế chắc chắn có thể có được mối quan hệ luân lí hoan hỉ, hài hòa nhất. 

CHÚ THÍCH  

(*) 星雲,《佛學教科書》,上海:上海辭書出版社,2008年,頁100-104 (Tinh Vân (2008), Phật học giáo khoa thư, Nxb. Từ Thư Thượng Hải, tr.100-104.

(1) Lục độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và bát nhã/trí tuệ.

(2) Tứ nhiếp: Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.

(3) Tứ vô lượng tâm: Từ, bi, hỉ và xả.

(4) Năm Tì-kheo: Kiều-trần-như, A-thuyết-thị, Bạt-đề, Thập-lực-ca-diếp và Ma-kha-nam. 

 (5) Lục hòa: (1) Thân hòa đồng trú, tức sống chung với nhau biết nhường nhịn, hòa thuận, thương yêu lẫn nhau. (2) Khẩu hòa vô tránh, tức chung sống với nhau biết hòa nhã, nhẫn nhịn, không tranh cãi nhau, không nói những lời chia rẽ, không mang tính xây dựng. (3) Ý hòa đồng duyệt, tức cõi lòng luôn vui vẻ, ôn hòa, biết nghĩ nhiều điều tốt đẹp cho nhau, không sinh lòng đố kị tị hiềm với người khác. (4) Giới hòa đồng tu, tức tuân thủ nội quy giới luật đã thụ nhận. (5) Kiến hòa đồng giải, tức cùng san sẻ những cái thấy, hiểu biết cho nhau, giúp nhau có cái nhìn chính kiến. (6) Lợi hòa đồng quân, tức tất cả vật chất, bao gồm của cải, vật dụng chia đều cho nhau, không được dùng riêng tư của công. 

 (6) Những quy tắc cần phải tuân thủ mà Phật giáo quy định cho Tăng Ni.

 (7)  Danh xưng chấp sự tứ thập bát đơn phân biệt Liệt chức và Tự chức. Trong liệt chức chia làm hai chức vị là Đông tự và Tây tự. Về Đông tự gồm: Đô giám, Giám viện, Phó tự, Khố đầu, Giám thu, Trang chủ, Ma đầu, Liêu nguyên, Điện chủ, Chung đầu, Cổ đầu, Dạ tuần. Tây tự gồm: Điển tọa, Thiếp án, Phạn đầu, Thái đầu, Thủy đầu, Hỏa đầu, Trà đầu, Hành đường, Môn đầu, Viên đầu, Thanh đầu, Chiếu khách. Tự chức cũng bao gồm hai chức vị là Đông tự và Tây tự. Đông tự có: Duy na, Duyệt chúng, Tổ thị, Thiêu hương, Kí lục, Y bát, Thang dược, Thị giả, Thanh chúng, Thỉnh khách, Hành giả, Hương đăng.  Tây tự có: Tọa nguyên, Đầu tọa, Tây đường, Hậu đường, Đường chủ, Thư kí, Tạng chủ, Tăng trị, Tri tạng, Tri khách, Tham đầu, Ti thủy. 

(8) Cũng gọi là pháp lạp, hạ lạp, tọa lạp, v.v...

(9) Chỉ nơi ở của hành giả tu theo Phật giáo.

(10) Xin ý kiến chỉ bảo của Tăng chúng.

(11) Có người xem bạn bè “như hoa”, ý nói có bạn đối đãi bạn giống hệt đối đãi hoa, khi bạn nở rộ tươi đẹp như hoa, thì họ cài lên đầu, chưng trên bàn; lúc bạn không còn gì, héo rũ như cánh hoa tàn, thì không tiếc thương vứt xuống đất; có người lại xem bạn bè như cân, ý nói có bạn giống như cái cân, nếu bạn nặng hơn nó (ví địa vị cao, thấp), thì nó cúi đầu, lúc bạn nhẹ hơn nó, thì nó vểnh lên, tức chỉ loại bạn như hoa như cân này lúc thì khom lưng khuỵu gối, a dua ton hót, lúc thì vênh váo hống hách, thấy lợi quên nghĩa.

 (12) Có bạn thì giống như núi cao, núi có thể trồng rừng bạt ngàn, nuôi dưỡng, chăm sóc đủ loại chim thú, các động vậy mặc ý tụ tập trong đó, cuộc sống tự do tự tại; có bạn như đất, ý nói có một kiểu bạn như đất đai, đất đai thì có thể tải chở vạn vật, chúng ta có thể xây nhà ở trên đất, trồng trọt hoa cỏ cây cối, cho đến con người, xe cộ đi trên nó, đại địa tiếp nhận tất cả mà không oàn hện chút nào. Cho nên, loại bạn này, có thể giúp đỡ chúng ta, có thể thay chúng ta đảm đương trách nhiệm, thay chúng ta phục vụ, đấy đều là những người bạn hữu ích như núi, như đất.

 (13) Xử chúng (處眾), xử (處) là cư xử, giải quyết. Chúng (眾) là rất nhiều thành phần tập hợp lại với nhau. Trong mỗi một người đều có sự sai khác, có tính cách, ngôn ngữ, thói quen sinh hoạt, bối cảnh văn hóa v.v…không giống nhau. Do vì có rất nhiều cái không giống nhau cho nên việc xử lí giải quyết các vấn đề trong “chúng” không hề đơn giản chút nào. Tức lấy một gia đình mà nói, sự chênh lệch tuổi tác, giới tính, quan niệm tư tưởng không giống nhau, cho nên cần “một lỗ mũi thông hơi” cũng không phải dễ dàng gì. Trong một cơ quan, có người thì tương đối lạc quan, có người thì tương đối bi quan; có người tiến thủ tích cực, có người thì lười biếng tiêu cực, có người thì sân tâm nóng nảy, có người thì ôn hòa dịu dàng; có người thì bủn xỉn tham thủ, có người thì sốt sắng với lợi ích công. Trong rất nhiều cái không giống nhau đó, chúng ta xử lí như thế nào? Theo Đại sư Tinh Vân thì có 4 điểm sau đây mới có thể giải quyết tốt đẹp các sự bất đồng trên: (1) Cần thiết lập tâm bình đẳng; (2) Cần phải có tâm từ bi; (3) Cần chú ý tâm hiền hòa; (4) Cần có tâm kết duyên.   

 (14) Kính nghiệp (敬業) là một phạm trù đạo đức, là thái độ trách nhiệm đối với công việc mà mình đang phụ trách.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)