Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Ơn nước luôn tràn đầy

Đã đọc: 2065           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trong mấy tháng gần đây, báo chí tường thuật nhiều về các công ty và các cơ quan làm ô nhiễm môi trường sống, như công ty bột ngọt Vedan ở Đồng Nai thải nước chưa xử lý làm chết sông Thị Vải và các bệnh viện cũng thải nước chưa xử lý ra hệ thống thoát nước công cộng. Với ưu tiên dành cho phát triển kinh tế trong hai thập niên qua, việc bảo vệ môi trường không được xem trọng. Vì vậy hôm nay môi trường sống chúng ta bị đe dọa, và cái giá để làm sạch môi trường có khi cao hơn các lợi ích do các dự án kinh tế gây ra ô nhiễm đem lại. Tuệ giác của đạo Bụt về môi trường có thể giúp được gì? Một người dân bình thường có thể làm gì để giúp bảo vệ môi trường sống?

Theo quan niệm tương tức (inter-being) và tương nhập (inter-penetration) của giáo lý duyên khởi, ta có mặt trong mọi loài và mọi loài có mặt trong ta. Một hành động của ta tại một nơi đều có ảnh hưởng đến những loài khác và những nơi khác. Trong một bông hoa, ta cũng thấy có mặt trời, đám mây, người làm vườn, những hạt sương. Một thiền sư nói trong hạt cải chứa cả vũ trụ. Loài người được làm bởi những yếu tố mà ta có thể tạm gọi là yếu tố con người – đi thẳng trên hai chân và có một bộ não lớn hơn so với các loài khác – ngoài ra còn được làm bởi những yếu tố khác như yếu tố nước, không khí, cỏ cây, cầm thú và đất đá. Muôn loài nương tựa nhau mà sống. Ta sẽ không sống sót nếu không có không khí để thở trong vòng năm phút, không có nước để uống trong khoảng một tuần, không có thức ăn – được chế tác từ cỏ cây, cầm thú và đất đá – trong khoảng 40 ngày. Bảo vệ sự sống còn của các loài khác cũng chính là bảo vệ cho sự sống còn của ta.

Có một bài kệ nói về sự mầu nhiệm và lòng biết ơn đối với nguồn nước:

Nước từ nguồn suối cao

Nước từ lòng đất sâu,

Nước mầu nhiệm tuôn chảy

Ơn nước luôn tràn đầy

Có được nguồn nước sạch để uống, để tắm rửa, để sử dụng cho các sinh hoạt hàng ngày và cho sản xuất là một điều may mắn. Theo thống kê năm 2005 của tổ chức Sức khỏe thế giới, mỗi ngày có 5.000 trẻ em trên thế giới chết vì các nguyên nhân liên quan đến thiếu nguồn nước sạch. Biết như vậy, nên bằng mọi cách ta phải bảo vệ rừng đầu nguồn – để chúng có thể giúp đất giữ lại nguồn nước – và không làm ô nhiễm những sông rạch, ao hồ, và các nguồn nước ngầm. Đầu tháng 11 năm 2008, chỉ mới bắt đầu mùa khô mà mực nước ở hồ chứa nước Đan Kia – Suối Vàng (Lâm Đồng), nguồn cung cấp nước chính cho thành phố Đà Lạt – đã rất thấp. Là một thành phố ở cao nguyên – nơi có nhiều mưa và nhiều nguồn nước – nay Đà Lạt lại có nguy cơ không có nước dùng. Điều này làm ta phải quan tâm đến những gì đã xảy ra đến môi trường ở Đà Lạt.

Khi đọc tin về việc phá rừng của lâm tặc, ta muốn hiểu vì sao họ làm như vậy? Hầu như ai cũng biết chung chung là phải bảo vệ rừng. Nhưng vì lý do kinh tế, để sống còn, để làm giàu, hoặc để thỏa mãn những ham muốn khác nên một số sẵn sàng phá rừng. Những người lâm tặc này là ai? Họ có thể là những người dân nghèo không có cách gì khác để sống nên phải vào rừng chặt cây lấy củi để bán. Họ cũng có thể là nhân viên kiểm lâm nhắm mắt làm ngơ cho những xe gỗ lậu đi qua trạm kiểm soát để đổi lấy một phong bì. Nhìn kỹ hơn, họ cũng có thể là chủ của những doanh nghiệp, phải tìm mọi cách để kiếm đủ nguồn gỗ cho những đơn đặt hàng của khách nên đã thuê người phá rừng lấy gỗ. Người lâm tặc đó cũng có thể là ta – những người khách hàng – cố sở hữu cho được những bộ bàn ghế bằng gỗ quý và hiếm. Hàng trăm gốc chè cổ trên dưới 100 năm tuổi tại vườn chè cổ Cầu Đất (Lâm Đồng) sẽ không bị các thanh niên địa phương đào trộm với tiền công 200 ngàn đồng/gốc nếu không có người mua những gốc chè cổ đó với giá 3 đến 5 triệu mỗi gốc để làm cây kiểng (Dân Trí, 31.10.2008).

Sự phát triển của xã hội loài người đòi hỏi ta phải khai thác tài nguyên thiên nhiên. Nhưng khai thác như thế nào để ta và các loài khác cũng còn cơ hội sống. Hiện tượng ấm lên toàn cầu (Global warming) đang đe dọa sự tồn tại của muôn loài trên trái đất. Sự tăng trưởng quá mức về dân số là một trong những nguyên nhân chính về việc phá rừng lấy đất cho nhà ở, sản xuất và sinh hoạt. Giới hạn tăng trưởng dân số cũng là một trong những yếu tố của việc bảo vệ môi trường. Loài người đã rất độc tài trong việc chiếm đoạt môi trường sống của các loài khác làm môi trường sống của mình. Thái Lan đã thành công trong việc giới hạn phát triển dân số với lời kêu gọi đặc biệt “Có nhiều con làm bạn nghèo đi” đối với những gia đình nghèo ở nông thôn. Tỷ lệ các cặp vợ chồng dùng các phương pháp ngừa thai tại Thái Lan – thông dụng nhất là dùng bao cao su – năm 1974 là 25%, năm 1996 là 75%. Năm 1975 dân số Thái Lan là 41 triệu (Việt Nam 48 triệu, Philippines 42 triệu), năm 2005, dân số Thái Lan là 64 triệu (Việt Nam 83 triệu, Philippines là 83 triệu). Nhà văn Sơn Nam trước đây có viết một câu chuyện về một cặp vợ chồng nông dân trẻ sống ở vùng thôn quê có nhiều muỗi, vì vậy đêm đến hai vợ chồng phải treo mùng ngủ sớm. Thế là cứ mỗi năm người vợ lại sinh một đứa con. Mỗi năm phải nuôi thêm một miệng ăn, đời sống họ đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Khuyến khích việc sử dụng bao cao su trong chương trình kế hoạch hóa gia đình cho các vợ chồng vùng thôn quê và vùng sâu vùng xa cũng là một cách giúp bảo vệ môi trường.

Tiêu thụ thịt quá mức là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng ấm lên toàn cầu. Để phục vụ cho kỹ nghệ chăn nuôi, nhiều khu rừng phải bị đốn để lấy đất trồng ngũ cốc làm thực phẩm cho bò, heo và gà. Lượng nước để sản xuất 1kg thịt bò nhiều hơn cả mấy chục lần lượng nước để sản xuất 1kg ngũ cốc. Tại Mỹ, số lượng nước dùng trong sản xuất 1kg thịt bò là 100.000 (một trăm ngàn) lít, 1 kg đậu nành là 2.000 lít, 1kg lúa là 2.000 lít, 1kg lúa mì là 900 lít, 1kg khoai tây là 500 lít. Các nhà nghiên cứu cho biết nếu thế giới giảm ăn thịt 50% thì có thể làm chậm lại rất nhiều hiện tượng ấm lên toàn cầu. Cơn bão giá trong năm 2008 làm cho các bữa ăn trong nhiều gia đình ít đi phần thịt. Tuy nhiên, có ít thịt để ăn không phải là một tin xấu. Các sản phẩm làm từ đậu nành có thể cung cấp các chất dinh dưỡng tương đương với thịt bò và sữa bò (xem bảng so sánh), nhưng với giá thành rẻ hơn và nguồn thực phẩm lành hơn. Thức ăn cung cấp nhiều năng lượng nhưng ít chất dinh dưỡng không phải là thức ăn tốt, ví dụ như thức ăn chứa nhiều đường và chất béo. Kỹ nghệ chăn nuôi nói thịt có nhiều chất dinh dưỡng hơn để có thể bán được thịt nhiều hơn, đơn giản vậy thôi. Người ăn thịt có nhiều chất béo gây xơ cứng động mạch (cholesterol) và hay phải giải phẫu tim mạch hơn là người không ăn thịt.

Lượng rác từ bao nylon và chai nhựa thải ra hàng ngày rất lớn. Phải mất cả mấy ngàn năm thì bao nylon được chôn mới có thể phân hủy. Khi uống một chai nước lọc, ta cũng làm ô nhiễm môi trường vì chai nhựa đó sẽ thành rác. Nhưng chẳng lẽ phải chịu khát để bảo vệ môi trường? Sử dụng một chai nước có thể dùng đi dùng lại nhiều lần để uống có thể giảm đi số lượng rác lớn từ chai nước nhựa. Mỗi khi hết nước, ta có thể lấy thêm từ một bình nước lớn. Có mất công hơn một chút, nhưng với ý thức bảo vệ môi trường, ta có thể làm được. Tất cả đều do thói quen.

Tu viện Bát Nhã tại Bảo Lộc, Lâm Đồng – nơi Tăng thân Làng Mai tại Việt Nam tu tập – có khoảng 400 tu sĩ và cư sĩ trẻ đang tu học. Chúng tôi điều chỉnh cách sinh hoạt và tiêu thụ để bảo vệ môi trường một cách tối đa có thể. Nhờ sống trong tập thể, chúng tôi không phải đi chợ và mua sắm riêng nên số lượng rác từ bao bì nylon được hạn chế. Hệ thống nước thải cho sinh hoạt hàng ngày được xử lý bằng hố lọc sinh thái trước khi thải xuống suối. Chúng tôi cũng cố gắng chuyển hóa hầu hết rác từ thức ăn thành phân hữu cơ để làm vườn. Là một Tăng thân tu học, chúng tôi có ý thức và quyết tâm là phải bảo vệ môi trường và kiên trì thực hiện nó. Ý thức và hành động bảo vệ môi trường của người Việt Nam còn thấp, cho nên giáo dục và nhắc nhở là một trong những điều quan trọng lúc khởi đầu.

Bảo vệ môi trường là một vấn đề lớn cho thế giới, cho một quốc gia, một cộng đồng và cho mỗi cá nhân. Ta thấy cá nhân đóng một vai trò rất quan trọng. Một triệu người có một chai nước dùng được nhiều lần là một ngày giảm được một triệu chai nước bị biến thành rác. Một triệu người ăn thịt ít đi một ngày là để dành được một số lượng nước rất lớn. Nếu vì phải ăn bột ngọt mà môi trường sống bị phá hủy thì ta nên chọn không ăn bột ngọt. Ta không có một chọn lựa nào khác. Không bảo vệ môi trường thì ta không còn môi trường để sống.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)