Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Ngọt tựa lời ru

Đã đọc: 1645           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

"Thật tế lý địa bất thọ nhất trần. Vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp"

Chiều nào cũng vậy, khi phiên chợ tan, tà dương buông xuống là bà con quanh trấn đều nghe tiếng ngâm thơ của Cúm:  

"Sàng tiền minh nguyệt quang. Nghi thị địa thượng sương. Cử đầu vọng minh nguyệt. Đê đầu tư cố hương... Trước giường nhìn trăng sáng. Trên đất ngỡ đầy sương. Ngẫng đầu nhìn trăng sáng. Cúi đầu nhớ cố hương..."

Nói "ngâm" thì chừng như hơi quá bởi lẽ ở độ 9 tuổi thì làm sao có thể bảo là "ngâm thơ " theo đúng nghĩa của từ này được. Không chịu ở nhà một mình, sau giờ tan trường là Cúm theo bà ra chợ bán cải. Với tính tình lanh lợi, liến thoắng nên bạn hàng quanh chợ ai cũng thương và coi Cúm như con như cháu của mình.

Chiến tranh đã cướp mất người mẹ thân yêu của Cúm, Cúm lớn lên nhờ hạt sữa của các cô các dì quanh xóm, hạt gạo trắng thơm và hạt nước phù sa đỏ của sông Tiền. Nhưng nuôi dưỡng tinh thần của Cúm là lời ru bà hát, giọng thơ bà ngâm và thanh âm huyền diệu của chuông chùa...

..."Nhật mộ hương quan hà xứ thị. Yên ba giang thượng... giang thượng... rùi gì nữa hả bà?" - Cúm vừa hỏi vừa lắc chiếc gióng bà đang gánh.

Bà bảo: "Thằng nhóc này, cái câu này sao quên hoài vậy? Thôi tự nhớ đi, bà hông nhắc nữa, nhắc hoài thành ra hỏng thuộc".

Cúm nhảy tửng lên: "Giang thượng sử nhân sầu ... ha ha... con chỉ ghẹo bà thôi chứ con thuộc hết trơn rồi".

Bà vén khăn, nhổ cổ trầu rồi cười túm tím: "Tổ cha mày!".

"Bà nè! bà vìa trước đi, con vô chùa lạy Bụt với mẹ" - Cúm nói.

Bà bảo: "Nhớ vìa sớm nha, hỏng có đi chơi à nghen!"

"Dạ, con biết rùi!". Nói xong Cúm một mạch chạy vào chùa.

Thắp hương xong Cúm trở ra thì gặp một vị sư phụ lạ từ phương trượng bước ra, Cúm chắp tay thành búp sen cúi đầu chào, vị ấy cũng chắp tay đáp trả. Cả hai cùng hướng về cửa tam quan.

"Nè con! con tên gì, ai dạy con ngâm thơ vậy?" - Vị sư phụ hỏi.

Cúm thưa: "Dạ con tên Cúm, con nghe bà ngâm nên thuộc, mà sao sư phụ biết?"

Vị sư phụ bảo: "Hồi nãy ở chỗ phương trượng, ta nghe tiếng con ngâm mà".

Cúm thưa: "Sư phụ ở đâu tới phải hông?"

"Ừ! Ta ở xa về thăm sư ông" - Vị sư phụ đáp và tiếp - "Chắc con thuộc nhiều thơ lắm hả, ngâm cho ta nghe nữa đi?".

Cúm đọc với nét mặt rạng rỡ: "Quân tự cố hương lai. Ưng tri cố hương sự. Lai nhật ỷ song tiền. Hàn mai trước hoa vị ... Ông từ quê hương đến. Chắc rõ việc ở quê. Ngày đi qua cửa dệt. Cành mai nở hay chưa".

Vị sư phụ vuốt đầu Cúm khen: "Con giỏi thiệt đó! Mấy bài thơ con ngâm hay lắm, mà sao con ngâm toàn những bài nhớ nhà, nhớ quê hương không vậy. Để ta đọc cho con nghe một bài vui vui nha". Không đợi câu trả lời của Cúm, vị sư phụ liền cất cao giọng:

"Xuân miên bất giác hiểu. Xứ xứ văn đề điểu. Dạ lai phong vũ thanh. Hoa lạc tri đa thiểu?" .

Vì lúc nãy nghe Cúm đọc liên tục âm và nghĩa của bài thơ nên vị sư phụ ấy liền tiếp: "Giấc xuân nào biết sáng. Chốn chốn tiếng chim kêu. Trong gió mưa đêm trước. Hoa rơi ít hay nhiều?"

Cúm vỗ tay: "Mèn ơi, bài sư phụ ngâm hay quá chừng luôn! Con mới nghe lần đầu đó".

"Con có hiểu hết ý nghĩa của thơ không mà khen hay, hay chỗ nào?" - Vị sư phụ hỏi.

Cúm đáp: "Con hỏng biết... nhưng con thấy nó hay, nó ngọt ngào như lời ru mà bà hát".

Vị sư phụ nói: "Ừ đúng rồi, cái đó gọi là nhạc tính của thi ca".

"Nhạc... nhạc tính là gì vậy sư phụ?" - Cúm hỏi.

Vị sư phụ đáp: "Là sự thăng trầm của thanh âm trong con chữ, trong lời thơ. Nhưng bài thơ còn hay ở ý nghĩa chứ không phải chỉ ở nhạc tính. Những bài mà con ngâm cũng vậy đó".

Cúm chau mày: "Sư phụ nói con hỏng hiểu gì hết trơn. Bà của con nói bài thơ hay do nó ngọt như lời ru chứ đâu có nói nhạc... nhạc gì đâu sư phụ".

"Nói như bà thì không sai nhưng chưa đúng hoàn toàn theo kiểu của thi ca, chúng ta không thể bảo bài thơ hay do ngọt ngào như lời ru mà phải nói là bài thơ hay do nhạc tính của nó hay". - Vị sư phụ giải thích.

Cúm ngớ ngẩn với câu trả lời trên, chưa kịp hỏi thêm điều gì thì vị sư phụ ấy đã vội chia tay với Cúm tại cổng chùa.

Đi được một đoạn đường, vị sự phụ ấy bỗng nói một mình: "Thôi chết, ta quên mất..." và vội vã quay lại. Thấy Cúm đang ngồi buồn thiu bên cổng chùa, vị sư phụ liền giả vờ hỏi: "Con đợi ai mà ngồi đây?".

"Dạ con hông có đợi ai hết, chỉ là hỏng hiểu nhạc... nhạc tính gì gì của sư phụ nói thôi". - Cúm thưa.

Vị sư phụ bảo: "Ừ, ta biết nên quay lại nè. Hồi nãy ta nói sai rồi, bài thơ hay - như bà của con nói - là ở chỗ nó ngọt như lời ru, con hiểu chưa".

"Vậy bà của con nói đúng hả sư phụ?" - Cúm hỏi.

Vị sư phụ cười: "Ừ, bà của con nói đúng đó".

Nói xong, vị sư phụ xoa đầu Cúm. Nhìn thấy nét mặt rạng rỡ của Cúm, vị sư phụ ấy thấy lòng mình bình an vô cùng.

Đợi bóng của vị sư phụ mà mình chưa kịp hỏi đạo hiệu (thực ra không phải chưa kịp mà do quên hỏi) xa dần, xa dần và đến khi không còn thấy nữa, Cúm mới nhanh chân chạy về nhà trong bóng tối của màn đêm nhưng lòng Cúm cảm thấy nhẹ nhàng và sáng suốt hơn bao giờ hết. Tiếng chuông chùa từng đợt, từng đợt vang lên...

“Âm điệu thơ Đường

sâu vào ký ức

nguồn cội yêu thương”.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)