Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Sơn Môn Bổ Đà và bộ kinh Phật cổ nhất Việt Nam

Đã đọc: 2010           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Bốn bề phong cảnh lạ thay Bồng lai kia cũng thế này mà thôi

Hai câu thơ trên phải chăng trước đây sư cụ Nguyễn Đình Cấp đã dựa vào phong cảnh chùa Bổ Đà để mô tả ngôi chùa Văn Tự trong chuyện Quan Âm Thị Kính; ngôi cổ tự này là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Lâm Tế, một dòng thiền có ảnh hưởng rất rộng rãi ở miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Chùa Bổ Đà chính tên là chùa Quán Âm núi Bổ Đà, thường gọi tắt là chùa Bổ. Chùa có tổng diện tích khoảng 51.784m2; Chùa có từ thời nhà Lý thế kỷ XI và được xây dựng lại vào thời Lê Trung hưng, dưới triều vua Lê Dụ Tông (1705-1728) niên hiệu Bảo Thái. Chùa nằm ở phía Bắc dãy núi Phượng Hoàng, thuộc xã Tiên Lát, huyện Việt Yên, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Ninh nay là xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Tổng thể chùa được phân ra làm 3 khu rõ rệt: Khu vườn chùa; Khu chùa và Khu vườn tháp.

1. Khu vườn chùa: Được trồng các loại cây ăn quả như nhãn, vải thiều, mít, thị, sấu, chuối, na… và các loại hoa màu như sắn, khoai… Xung quanh chùa được đào hào rộng 2m, sâu 1,5m-có tác dụng vừa để tránh trâu bò, vừa để làm hào thoát nước chảy từ trên núi xuống vào mùa mưa. Phía sau hào là những rặng tre được trồng dày đặc để bảo vệ vườn và chùa; ngăn cách giữa vườn và chùa là một lớp tường đất cao 1,80m, dày 50cm được xây bao xung quanh chùa.

2. Khu chùa: Chùa bổ Đà có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Toàn bộ khu chùa gồm có 16 tòa nhà-tổng cộng 92 gian, gồm các công trình được xây dựng lần lượt: Nhà bếp, nhà tạo soạn, nhà tổ ly, nhà Tổ, Tiền tế, nhà in kinh-làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng cao 8m, nhà Trai, nhà Pháp, tiếp đến là tòa Tam bảo, 02 dãy nhà (01 dãy dành cho Hòa thượng ở và 01 dãy là nhà khách) rồi đến nhà ga (là nơi để thi hài và tiến hành các thủ tục làm ma)….và các công trình phụ trợ khác.

Cổng chùa được xây theo kiểu thức kiến trúc thời Nguyễn, mang dáng dấp gác chuông, đường vào chùa lát bằng chất liệu đá muối với nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau, đá được khai thác tại núi Phượng Hoàng.

Ngoài những đồ thờ, di sản quý như hệ thống tượng Phật thời Lê tuyệt đẹp, án thư, bát hương, những tấm bia đá, chuông đồng và một kho tàng di sản Hán-Nôm đa dạng về loại hình, phong phú về số lượng đó là hàng trăm cuốn kinh sách, luật giới nhà Phật.

 Đặc biệt trong chùa hiện còn lưu giữ bộ ván kinh Phật được các nhà khoa học xác định là cổ nhất Việt Nam được hình thành xuất phát từ ý tưởng của các vị tổ sư, đồng thời cũng là những người xây dựng ra ngôi chùa muốn có một bộ kinh để truyền dạy đạo Phật, đó là những di vật Phật học đặc biệt quý giá để lại cho đời sau. Trong đó, có hơn 2.000 mộc bản của các bộ kinh như: Lăng nghiêm chính mạch, Yết ma hội bản, Nam hải ký quy...làm cho kho tàng pháp bảo của Việt Nam ngày càng phong phú.

Bộ kinh được xếp trên 8 giá, mỗi giá có 4 tập sách kinh gồm 240 tấm ván gỗ hợp thành, tất cả có khoảng gần 2.000 tấm. Mỗi tấm gỗ dùng để khắc kinh dài trung bình 50cm, rộng 25cm và dày khoảng 2,5cm. Nếu muốn xem đồng loạt toàn bộ kho kinh cổ ở đây thì phải có khoảng đất rộng 250m² để rải các tấm ván kinh ra. Bộ kinh được khắc trên gỗ thị, một loại cây gỗ mọc phổ biến ở vùng rừng núi này. Gỗ thị không những bền mà còn rất nhẹ, đây cũng là một đặc điểm thuận lợi để khắc cũng như vận chuyển kinh. Trải qua gần 300 năm, bộ kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt là những tấm gỗ thị dùng để khắc kinh đều rất bền, đẹp, không bị mối mọt, dù không dùng một loại thuốc bảo quản nào. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo, đến nay vẫn còn rất sắc, rõ nét. Sự độc đáo của bộ kinh đặc biệt này đã thu hút hàng nghìn khách thập phương về đây nghiên cứu, thăm quan, tế lễ mỗi năm.

3. Khu vườn tháp được xây tường đất kèo đá (đá lấy tại chỗ) bao quanh, toàn bộ hệ thống tường bao do Phật tử Đàm Hinh-Hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên công đức tiền của xây dựng. Đây là vườn tháp lớn hiếm gặp ở tỉnh Bắc Giang nói riêng và xứ Bắc nói chung vì có tới 87 tháp, rất phong phú và đa dạng về kiểu dáng và kích thước (chưa kể 18 mộ không xây tháp là mộ của thủ hộ và những người vào làm giúp nhà chùa). Vườn tháp chùa Bổ Đà không những có giá trị cao về mặt kiến trúc-nghệ thuật mà còn giúp cho các nhà nghiên cứu hiểu hơn về mặt lịch sử và tôn giáo xứ Bắc.

Phía Bắc sông Nguyệt Đức hay còn gọi là sông cầu có dãy núi Bổ Đà, ở giữa trái núi có một chỗ đất bằng phẳng rộng chừng một chiếc chiếu dải, là chỗ đức Quán Âm Bồ tát ứng hiện cứu đời.

Truyền thuyết kể rằng: Đời thượng cổ trong làng có một người nghèo đói làm nghề bổ củi, tuổi già chưa có con trai. Một hôm vác búa, cắp rìu lên nơi đây kiếm củi, bỗng gặp một gốc cây thẳng già, mỗi nhát bổ ông niệm: "Quan Thế Âm Phật". Sau đó được 32 đồng tiền ở gốc cây, thật là lạ lùng, ông liền cầu nguyện khấn rằng: "Nếu được chút con trai, thì xin làm chùa để thờ phụng", sau đó quả nhiên vợ ông thụ thai và sinh được một người con trai, giữ đúng lời hứa của mình ông dựng một ngôi chùa lợp mái gianh và tô một pho tượng Quan Âm Tống Tử để hương khói phụng thờ, về sau ngày càng càng thu hút nhiều người tới lễ bái cầu việc gì cũng đều hiển ứng, ngôi chùa trở lên linh thiêng và người dân trong vùng gọi tên ngôi chùa này là chùa ông Bổ hay chùa Bổ Đà.

Đến đời Lê Bảo Thái (1720-1729) có vị trụ trì tên là Phạm Kim Hưng đã dốc lòng, dốc sức trùng tu mở mang thượng điện, thiêu hương, tiền đường, cột đá, cột gỗ, cổng vài gian.

Tiếp đến đời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) có vị sư tổ họ Ngô quê ở làng Bình Vọng, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông tự là Tính ánh thiểm sư, sắc phong là hảo tiết Hòa thượng, ngắm thấy phong cảnh nơi đây tịch tĩnh, bèn cùng nhân dân xây dựng chùa Tứ Ân và Am Tam Đức; Lại trùng tu chùa Quan Âm, dựng gỗ lim, mua gạch ngói xây dựng 1 gian và cử Tăng già chùa Tứ Ân trụ trì.

Chùa Bổ gồm cả chùa Tứ Ân kế truyền đến đời thứ tư, Hòa thượng Chiếu Không rồi chuyển đến Hòa thượng Trí Tâm, Phả Thuần, Như Chiếu, Phả Tiến và hiện nay là Hòa thượng Quảng Luân đã nhiều lần trùng tu và mở mang xây dựng thêm thành nơi tùng lâm quy mô rộng lớn như ngày nay, thật là: "Cảnh thiên nhiên đã sẵn bày, mở mang lại có bàn tay con người"…

Lễ hội chùa Bổ Đà diễn ra vào các ngày 17-18 tháng hai (Âm lịch) hằng năm, đây là ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ-vào những ngày hội thanh niên nam nữ và khách thập phương từ mọi nơi náo nức đổ về trảy hội. Trong tiềm thức của người dân ở đây thì hội lệ chùa Bổ đã trở thành lệ chung của cả làng, không phân biệt già trẻ, trai gái, lớn bé. Cảnh đón tiếp mời mọc rất ân cần, cảnh hát tiễn đưa giã bạn, mời trầu, mời nước, trao nón, hẹn hò, chúc tụng qua những lời ca quan họ thật giản dị mà vô cùng lưu luyến.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)