Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Bước đường hội nhập Phật giáo trên xứ sở của Chopin

Đã đọc: 1506           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Chùa Thiên Việt Vac-sa-va ra đời đã vượt qua ngưỡng 5 năm và Hội người VN tại Ba Lan yêu đạo Phật cũng đã hoạt động được 4 năm. Nhìn lại quãng đường đó, ôn lại những kỷ niệm, với tư cách là một người đã “nhập cuộc” từ những ngày đầu, tôi muốn được chia sẻ đôi chút cảm nhận của mình về khía cạnh hội nhập với Phật giáo của đất nước bạn.

Phải nói rằng 5 năm là quá ngắn ngủi cho sự hội nhập và với các Phật tử Ba Lan thì 30 năm cũng không hơn gì cho sự hình thành và phát triển của một tôn giáo ngoại lai trên đất nước của Giáo hoàng Jan Paweł II với hơn 90% dân số là con chiên của ngài. Cho nên có lẽ đó cũng là một trong những lý do không kém phần quan trọng khiến chúng tôi nhanh chóng tiếp cận và hòa đồng với nền Phật giáo non trẻ của nước bạn.

Khởi đầu, có một câu chuyện thật đáng nhớ đối với tôi, đó là sau khi hoàn thành xây dựng giai đoạn hai chùa Thiên Việt, chúng tôi đã tổ chức lễ Khai quang và mời thầy từ VN sang làm chủ lễ. Trong số các khách Ba Lan hiếm hoi, chúng tôi có mời Linh mục Edward Osecki – một vị cha đỡ đầu cho cộng đồng Thiên Chúa giáo người VN tại Ba Lan. Ngay trước buổi lễ, thầy Minh Trí bảo tôi: “Bác cho mời vị linh mục vào cùng làm lễ hô thần nhập tượng với chúng ta”. Ông đã rất vui vẻ nhận lời, ngồi sắp chân vòng tròn ngay sau Đại đức Thích Minh Trí và Nghi lễ đã diễn ra trong suốt hai tiếng đồng hồ. Đó là ấn tượng thật đẹp đẽ, khiến tôi nhận ngay ra rằng chúng tôi sẽ có nhiều thuận lợi trong việc thực hành và phát triển tín ngưỡng của mình trên mảnh đất này.

Có một vị thầy đã cùng tôi đến thăm cha Osecki, nói với tôi sau đó: “Bác phải cẩn thận khi quan hệ với các vị chức sắc và tổ chức Thiên Chúa giáo vì họ cũng không thích gì Phật giáo mình đâu.” Tôi thì lại không nhất trí với ý kiến đó của thầy. Quan niệm đó có lẽ xuất phát từ mối quan hệ giữa hai tôn giáo này ở Việt Nam, vả lại về mặt giáo lý Phật pháp thì ông là thầy của tôi, nhưng hiểu biết cụ thể về Ba Lan thì chắc là tôi hơn ông. Và thật đúng như vậy, trong quá trình hoạt động của tổ chức mình, tôi đã không gặp bất kỳ một trở ngại nào kiểu như vậy. Nếu mình mắc vào tư kiến đó có khi tự mình lại gây trở ngại cho chính mình.

Như tôi nói ở trên, “Sự đồng cảm số ít” đã dẫn hai Phật tử Ba Lan đầu tiên đến với chúng tôi:

Ông Krzysztof Odziński một Phật tử Ba Lan có vợ người Việt đã dẫn nhà tu hành Lama Rinchen đến với chúng tôi. Lama Rinchen tên đời thường là Waldemar Zych, đã có một cuộc đời tu hành hơn 30 năm theo Mật giáo Tây Tạng. Cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy thật vui vẻ và đoàn kết trong sự hiểu biết lẫn nhau. Và rồi chúng tôi đã có cơ duyên đến thăm trung tâm Phật giáo của Lama Rinchen. Quan hệ cứ phát triển như được sắp đặt trước. Ông đưa các vị thầy của mình từ Nê-pal đến thăm chùa Thiên Việt, còn chúng tôi lại dẫn các thầy của mình tới trung tâm của ông gặp gỡ giao lưu, có lần là cả một đoàn các thầy của TW Giáo hội từ Việt Nam sang. Trung tâm của ông được sự hướng dẫn và bảo trợ của một Tu viện Phật giáo lớn gần thủ đô Kathmandu- Nê-pal. Ở đó có 4 vị Hòa thượng thì 3 vị đã đến thăm chùa Thiên Việt và gần đây nhất chúng tôi lại được bái kiến vị thứ tư nhân dịp trung tâm của ông làm lễ xuất gia nhập thất cho 16 vị Tăng, Ni sinh Ba Lan. Đó cũng là điều vinh dự đối với đạo tràng chùa Thiên Việt.

Từ việc tiếp xúc ngày một nhiều hơn với các Phật tử Ba Lan, một cơ duyên đã đến với chúng tôi vào mùa Hè năm 2007. Một nhóm Phật tử Ba Lan đã đề nghị chúng tôi cộng tác đón tiếp đoàn Tăng Ni của trung tâm Phật giáo Vạn Phật Thánh Thành từ California Hoa Kỳ tới Ba Lan. Đoàn gồm 2 vị Tăng và 9 vị Ni sư, dẫn đầu là Hòa thượng Heng Sure người Mỹ. Ông là học trò của cố Hòa thượng Tuyên Hóa mà từ những năm 60 của thế kỷ trước là một trong những nhà truyền giáo lỗi lạc đã đưa đạo Phật Trung Hoa vào Mỹ. Tại chùa Thiên Việt, ông đã làm lễ quy y cho 6 người VN và 9 người Ba Lan trở thành Phật tử. Ấn tượng nhất mà cũng mới mẻ lạ lẫm đối với tôi là trong lúc giải lao với bộ áo nghi lễ trang trọng của Nhà Phật, chân trần, ông đã một mình thong thả hành thiền quanh chùa Một Cột và trong cuộc gặp gỡ chia sẻ với các Phật tử cả Việt cả Ba Lan ông đã sử dụng cây đàn guitar mang theo một cách điệu nghệ khi hát bài ca về Quán Thế Âm tự mình sáng tác. Anh Marek Chodkiewicz- một người Ba Lan trẻ đã được quy y lần đó, trong quá trình phối hợp với chúng tôi chuẩn bị đón đoàn, đã giúp tôi đưa hình ảnh và lời giới thiệu về chùa Thiên Việt lên trang Web của họ. Sau này anh đã đề nghị cho nhóm của anh một tuần hai lần đến chùa Thiên Việt thực hành tu tập và rất gần đây anh vui vẻ báo tin cho tôi biết: Một người bạn cũng trở thành Phật tử tại chùa Thiên Việt lần đó, mới sang Mỹ xuất gia tu hành tại Vạn Phật Thánh Thành. Hy vọng rằng sang năm 2010 thầy Heng Sure có thể sẽ trở lại Ba Lan với các đệ tử của mình.

Năm 2007, trong khuôn khổ hội nhập về văn hóa phối hợp với Nhà Văn hóa Thăng Long chúng tôi đã cho xuất bản một đầu sách. Đây là một cuốn sách mỏng nhưng tương đối đặc biệt vì tác giả là một nhà sư VN- thầy Thích Huyền Diệu, người đã xây dựng nên hai ngôi chùa Việt Nam, một tại Lâm Tỳ Ni-Nêpal nơi đức Phật sinh ra và một tại Bồ Đề Đạo Tràng - Ấn Độ nơi đức Phật thành đạo. Cuốn sách được in song ngữ: Tiếng Ba Lan và tiếng Anh với nội dung: “Hòa bình cho đất nước Nepal” và được giới thiệu rộng rãi tới các Phật tử Ba Lan. Tôi đã liên hệ và dẫn thầy tới thăm Viện Bảo tàng châu Á Thái Bình Dương ở Vac-sa-va. Tại đây thầy đã tặng sách và được ông giám đốc Andrzej Wawrzyniak tiếp rất hồ hỡi. Hai vị đã nói chuyện với nhau rất thoải mái bằng tiếng Anh rồi ông giám đốc đã mời chúng tôi chụp ảnh chung và ký vào sổ lưu bút của viện. Lần ấy tôi được biết thêm rằng cách đây hơn 30 năm ông ấy từng là Đại sứ Ba Lan tại vương quốc Nêpal. Tôi cũng còn nhận ra thêm một điều nữa là: Ngôn ngữ chính là chiếc chìa khóa của sự hội nhập. Sau này một số bạn Ba Lan cho tôi biết họ đã đọc sách của thầy Huyền Diệu, họ ngưỡng mộ và đã tìm đến chùa của thầy khi đi du lịch Ấn Độ và Nêpal.

Năm 2007 còn có sự kiện là chúng tôi được các bạn Ba Lan mời đến tham dự Lễ Phật đản do trung tâm thiền của họ tổ chức tại làng Falenica ngoại thành Vac-sa-va. Ngày hôm đó thời tiết rất đẹp và nghi lễ đã được tiến hành ngoài trời, trong vườn cây. Sau phần tụng kinh của các bạn Ba Lan là đến phần nghi lễ tắm Phật. Đạo tràng chúng tôi đã hộ niệm “Nam mô A Di Đà Phật” từ người đầu tiên cho đến người tắm Phật cuối cùng và đã tạo nên ấn tượng mạnh với các Phật tử Ba Lan. Chính từ ấn tượng đó mà một vị Phật tử Ba Lan, ông Jacek Kozlowski.

Một thành viên trong tổ chức cầu nguyện vì hòa bình thế giới đã liên hệ với tôi và tha thiết mời đoàn VN tham dự lễ cầu nguyện vì hòa bình được tổ chức vào tháng 3-2008. Lễ hội này có xuất xứ từ Nhật Bản. Sau vụ Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống đất Nhật, gây ra bao đau thương cho những người dân vô tội, tổ chức quốc tế phi chính phủ này đã được vận động thành lập và hàng năm lễ cầu nguyện vì hòa bình thế giới đã được luân phiên tổ chức ở các quốc gia khác nhau. Năm 2008 lễ hội này đã được tổ chức tại Vac-sa-va với sự tham gia của  đại biểu nhiều nước. Lần đầu tiên chúng ta được mời tham gia với chương trình được vạch ra là đại biểu mỗi nước sẽ mang quốc kỳ của nước mình và cầu nguyện theo thói quen truyền thống của mỗi dân tộc. Đoàn Việt Nam được yêu cầu sẽ mang cờ đỏ sao vàng do ban tổ chức chuẩn bị sẵn, mặc áo cà sa nâu, đeo tràng và sẽ niệm Phật A Di Đà 3 phút. Tôi chịu trách nhiệm tổ chức. Sau khi bàn bạc thống nhất, tôi đã sắp xếp và phân công mọi việc đâu vào đấy, nhờ phiên dịch, thuê ô tô và rất hy vọng rằng việc tham gia vào hoạt động tâm linh đầy ý nghĩa này sẽ thành công. Tôi đã bố trí được các Phật tử chùa Thiên Việt cùng thầy Minh Trí sẽ hội tụ với các Phật tử mình từ CH Séc cùng thầy Trí Chơn sang tham dự. Nhưng sự đời vẫn có thể diễn ra không theo ý muốn. Tôi có công việc riêng nên phải về VN trước đó mấy hôm, có lẽ đó là một phần. Mặt khác do thiếu sự kiên quyết của ban lãnh đạo sau khi đã được bàn giao, trước một sự chỉ đạo bên ngoài nào đó “cứng nhắc” và thông tin sai lệch về tổ chức cầu nguyện vì hòa bình nên đưa đến một sự thật đáng tiếc: Thầy Minh Trí và các Phật tử chùa Thiên Việt tự rút lui không tham gia. Nhưng thật may mắn cho tôi, cho đến giờ  tôi vẫn nghĩ là có Phật độ, đoàn Phật tử từ CH Séc và Đại đức Trí Chơn đã cứu tôi một bàn thua trông thấy và cũng là cứu được cho uy tín của Hội người VN tại Ba Lan yêu đạo Phật trước các bạn Ba Lan. Tôi xin trích dẫn một đoạn ngắn trong bài báo tường thuật về chuyến đi của đoàn Phật tử CH Séc tới Ba Lan sau đó đã được đăng tải trên báo Vạn Xuân ở CH Séc:

“Và không có thời gian nghỉ ngơi, ông Thái, giám đốc nhà văn hóa Thăng Long đã chở đoàn tới khách sạn Sofitel để tham dự buổi lễ cầu nguyện hòa bình cho các dân tộc toàn thế giới do  THE WORL PEACE PRAYER SOCIETY tổ chức. Buổi lễ có sự tham gia của các đoàn tới từ Nam Mỹ, Brazil, Ba Lan, Nhật Bản, Tây Tạng… Trong buổi lễ, đoàn Phật tử Việt Nam đã gây được sự tôn trọng và thiện cảm rất lớn vì trang phục đậm chất thiền, âm điệu cầu kinh ngân nga và lá cờ Việt Nam thắm tươi trên tay vị thầy khả kính.”  Tôi cũng sẽ còn nhớ mãi lời của thầy Trí Chơn: "Phật pháp rất dung thông, chúng ta hãy vì một lý tưởng chứ không nên vì một tổ chức".

Năm 2008 với hội chúng tôi cũng là một năm hoạt động sôi nổi. Vào cuối hè chúng tôi được tin có cuộc viếng thăm Ba Lan của đức Dalai Lama và rồi cơ duyên lại đến. Có lẽ chúng tôi cũng phải như thế nào trong ứng xử thì mới nhận được sự ưu ái như thế của các tổ chức Phật giáo Ba Lan. Lama Rinchen gọi điện cho tôi thông báo tin vui: “Vac-sa-va là chặng cuối của Dalai Lama và một buổi thuyết giảng của Ngài sẽ được tổ chức tại cung thể thao Torwar cho 6 ngàn người. Các bạn chắc chắn sẽ được dành vé.” Trước ngày thuyết giảng khoảng một tuần, chúng tôi nhận được 150 vé mời từ ban tổ chức và lại còn được ông giám đốc Torwar mời đến để xem và nhận trước lô ngồi tại đó. Xuất hiện những ý kiến cảnh báo chúng tôi về cái gọi là “nhạy cảm” cho nên tôi đã triệu tập họp ban lãnh đạo hội và các cụ cao tuổi (các cụ thực sự là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho tôi mỗi khi tôi phải cân nhắc một vấn đề khó khăn để đi đến quyết định) và tôi đã nhận được sự ủng hộ. Ý kiến thống nhất là: Không tìm thấy “sự nhạy cảm” nào cả. Đây là một cơ hội hội nhập rất hiếm hoi. Tại sao lại không? mặt khác thông tin đã bắt đầu rò rỉ, tất cả các Phật tử đạo tràng chùa Thiên Việt và nhiều đồng bào trong cộng đồng quan tâm đến vấn đề này liên tục yêu cầu được chia vé. Rồi cũng lại như có sự sắp xếp trước của trời Phật, đúng vào dịp ấy chúng tôi có 3 vị khách quý tới thăm là: Thượng tọa Thích Huyền Diệu từ Việt Nam Phật Quốc Tự - Nê-pal, Đại đức Thích Thông Hiền từ Lâm Đồng VN và Đại đức Thích Thanh Phúc từ CH Séc. Các thầy cũng có chung ý nguyện và đương nhiên các thầy đã dẫn đầu đoàn của chúng tôi. Tỷ lệ 150/6000 không phải là lớn, nhưng lần ấy đủ để đại diện cho sự hội nhập của Phật giáo VN. Chúng tôi ăn mặc thật đẹp và tự hào ngồi trên khán đài. Và thật quá bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng, khi đức Dalai Lama vừa kết thúc buổi thuyết giảng, từ biệt đại chúng đi xuống thì ban tổ chức ưu tiên bố trí cho đại diện của đoàn VN chúng tôi gồm: Thượng tọa Huyền Diệu, tôi và ông giám đốc nhà VH Thăng Long tiếp cận, bái kiến và được bắt tay ngài. Trong đời mình, tôi nghĩ chắc sẽ không có vinh dự nào hơn.

Năm nay - năm 2009, khi đức Dalai Lama được thành phố Vac-sa-va mời sang nhận danh hiệu “Công dân danh dự” của thành phố, tổ chức tại cung vua ở thành cổ, qua hội Phật giáo Ba Lan, ban tổ chức của thành phố đã gửi cho hội người Việt Nam tại Ba Lan yêu đạo Phật hai giấy mời tham dự từ hai bà: Chủ tịch và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Vac-sa-va. Đó cũng là một điều vinh dự lớn lao đối với Hội.

Mới đây, vào cuối tháng 9, đạo tràng chùa Thiên Việt lại có cơ duyên tiếp xúc với Pháp môn tu Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đã mấy năm nay có một nhóm Phật tử Ba Lan vào mùa Hè thường hay sang Pháp tu học tại Làng Mai. Họ đã đọc sách của Sư ông Nhất Hạnh được dịch ra tiếng Ba Lan từ nhiều năm nay. Lần này họ mời được hai thầy sang hướng dẫn tu tập và họ đã dẫn hai thầy đến thăm chùa Thiên Việt. Ấn tượng nổi bật của hai vị Tăng Làng Mai với đạo tràng chúng tôi là sự quá giản dị mộc mạc. Một thầy là người Italia đã từng sang Tây Tạng tu học và đã về Làng Mai hơn 10 năm nay còn thầy Pháp Túc đang ở độ tuổi thanh niên từ Việt Nam sang tu học từ năm 2007. Các thầy đã đến với chúng tôi bằng phương tiện giao thông công cộng. Được hiểu Pháp môn tu Làng Mai là “Đạo Phật nhập thế”, là đạo Phật gắn liền với con người và xã hội, thích ứng với xã hội hiện đại, pháp môn ấy đã lan tỏa khắp châu Âu, đã đến với các Phật tử Ba Lan, không có lý gì không đến được với những người Việt tha hương ở đây. Tôi nghĩ như vậy.

Trong tháng 10 này, chúng tôi sẽ còn trợ duyên cho hoạt động của hai nhóm Phật tử Ba Lan khác: Một nhóm sẽ tổ chức lễ hội Mandala tại Nhà VH Thăng Long và một nhóm sẽ tổ chức tu học 5 ngày tại Phật đường chùa Thiên Việt. Có điều đặc biệt đây là lần thứ hai nhóm này nhờ chúng tôi giúp chỗ tu học và vị thầy đáng kính của họ - Rinpoche Dzogczen Ranjak Patrul đến từ trung tâm Phật giáo tại Bỉ đã gửi lời cảm ơn và trân trọng tuyên dương công đức của đạo tràng chùa Thiên Việt.

Tiếp xúc và quan hệ với các Phật tử Ba Lan, tôi thường hay phải trả lời nhiều câu hỏi. Chẳng hạn có người hỏi: Chúng tôi biết thể chế ở nước các bạn vẫn là thể chế cộng sản mà chủ nghĩa cộng sản thì chủ trương vô thần, tôn giáo được ví như thuốc phiện ru ngủ quần chúng. Vậy các tôn giáo ở VN phát triển có mâu thuẫn với chủ trương đó không? Hoặc về hội người VN tại Ba Lan yêu đạo Phật đã có bạn hỏi: Tôi tìm hiểu thì biết được việc xin phép thành lập các hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng tại VN về mặt quy định có nhiều khắt khe lắm. Vậy ở đất nước chúng tôi các bạn có gặp trở ngại gì không khi xin thành lập hội của các bạn? Trả lời những câu hỏi như thế thật không dễ dàng và đôi khi cũng không dễ chịu chút nào.

Gần đây nhất, sau khi tham dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2553 (2009) do chúng tôi tổ chức tại Nhà Văn hóa Thăng Long nhân dịp Phái đoàn T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam sang Ba Lan hoằng Pháp lần thứ 2, một bạn Phật tử Ba Lan đã hỏi tôi sau khi tôi lên nhận Quyết định của Giáo hội công nhận Hội người Việt Nam tại Ba Lan yêu Đạo Phật là thành viên. Ông hỏi như sau: Tôi xem thông tin thì được biết có hai Giáo hội Phật giáo của Việt Nam, một thì được nhà nước công nhận, một thì không, vậy là các bạn theo Giáo hội nào?

Tôi đã nói với đạo hữu của mình rằng đó là vấn đề do lịch sử để lại. Nói chúng tôi đi theo Giáo hội nào thì cũng chỉ đúng có một phần. Thực tế chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều điều từ các bậc trưởng thượng của cả hai Giáo hội. Chúng tôi cũng như các bạn, chúng ta đều là Phật tử, vì vậy chúng ta chắc chắn sẽ luôn luôn chỉ đi theo một vị tối thượng, đó là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chắc ông thấy tôi trả lời có vẻ cũng có lý nên chúng tôi đã cùng cười vang....

Chịu trách nhiệm trước cộng đồng, mấy năm qua chúng tôi đã có những dịp may hội nhập như thế trong hoạt động của mình. Hướng đến lợi ích chung, trong đó có lợi ích của chính mình, vô tư, minh bạch và không vụ lợi đó chính là tiêu chí của chúng tôi. Tôi thường nói với mọi người rằng: Khi ta đã dập đầu xuống đất lạy Phật rồi, không còn chỗ nào thấp hơn mặt đất nữa thì cái tôi có nghĩa gì đâu mà còn so đo thắng thua, hơn kém. Tôi nhớ đến một câu chuyện được nghe kể: Thời đức Phật còn tại thế, có người đã hỏi Ngài rằng: “Nếu có thể tóm gọn giáo pháp của Ngài vào một câu thì câu đó là gì?” Đức Phật đã trả lời: Câu đó là: “Đừng để dính mắc vào bất cứ gì cả” Tôi chắc mình chưa thể hiểu hết ý thâm diệu của câu trả lời ấy, nhưng tôi phải cảm ơn Người vì tôi coi đó là phương châm mà mình cần noi theo.

Câu chuyện về những bước chân hội nhập đầu tiên của chúng tôi là như thế đó. Có những điều mới mẻ, lạ lẫm kể cả bất ngờ, cũng có cả những trở ngại, rào cản nhất định, như rào cản về ngôn ngữ, về phong tục tập quán hoặc sự khác nhau về truyền thống Pháp môn tu, nhưng chúng tôi vẫn mạnh dạn và vững bước đi tới bởi chúng tôi tin chắc vào những điều mình làm là đúng khi nó mang lại lợi lạc chung, khi mà mình đang đi trên con đường Chánh pháp và bên cạnh đó, chúng tôi luôn cảm nhận được sự đồng tình, động viên khuyến khích từ ánh mắt của không riêng các đạo hữu Ba Lan mà cả của người dân nói chung kể từ các vị chức sắc cho đến những khách du lịch cũng như các cháu học sinh các cấp học của Ba Lan. Con đường phía trước của chúng tôi còn dài, những bước đầu tiên có thể tạm coi là tốt đẹp, hy vọng nó không phải là con đường quá gập ghềnh khúc khuỷu và cũng hy vọng rằng rồi đây những thế hệ tiếp nối sẽ vượt qua chúng tôi khi mà chúng tôi đã bước ngắn dần vì mắt mờ chân chậm.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)