Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Con nào quý hơn

Đã đọc: 1910           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Một lần vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) xứ Kosala được tin hoàng hậu vừa hạ sinh con gái, vua tỏ vẻ không vui vì từ lâu vua trông đợi có con trai nối dõi. Đức Phật biết tâm trạng của vua, Ngài nói:

Này nhân chủ ở đời

Có một số thiếu nữ

Có thể tốt đẹp hơn

So sánh với con trai.

Những người phụ nữ ấy

Có trí tuệ giới đức

Khiến mẹ chồng thán phục

Rồi sinh được con trai

Là anh hùng, quốc chủ

Người con trai như thế

Của người mẹ hiền đức

Thật xứng là đạo sư

Giáo giới cho toàn quốc.

 (Theo kinh Tương Ưng I)

Hầu như các bậc làm cha làm mẹ đều mong muốn sinh được con trai để nối dõi tông đường, giữ gìn sự nghiệp do mình dày công tạo dựng. Người ta thường nói: “Con gái là con người ta, con trai mới là con của mình”, chính vì thế mới có câu: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”(Một trai cũng cho rằng có, mười gái cũng bảo là không). Bởi con gái khi lớn khôn thì đi lấy chồng, về nhà chồng theo câu “Tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu”( Ở nhà theo cha, xuất giá thì phải theo chồng).

Chính vì định kiến bất công đó mà từ xưa đến nay người phụ nữ không được coi trọng thậm chí bị rẻ khinh, hất hủi. Hiện nay, tuy vai trò và giá trị năng lực của người phụ nữ ngày càng được khẳng định nhưng quan niệm “nam trọng, nữ khinh”, “nam tôn, nữ ti” vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam. Do xã hội Việt Nam trải qua hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến, nên quan niệm trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào tư tưởng, nhận thức của nhiều thế hệ, từ đó đưa đến những suy nghĩ và hành động lệch lạc, sai lầm tạo thành tập quán, thói quen ứng xử bất bình đẳng khó bỏ.

Theo các chuyên gia y tế và xã hội, trong vài năm trở lại đây, số lượng bé trai sinh ra nhiều hơn bé gái. Để có con trai nối dõi, thêm nguồn nhân lực cho gia đình, có người thừa kế gia sản, duy trì sự nghiệp, thờ cúng tổ tiên ông bà, các bậc cha mẹ đã tìm mọi cách để chọn giới tính con theo ý muốn của mình, trong đó có việc sử dụng các biện pháp của khoa học hiện đại và phá bỏ thai nhi giới tính nữ. Phân biệt đối xử và cướp đi quyền được sinh ra, quyền được sống của trẻ em gái thật sự là việc làm bất công, tổn hại đạo đức đáng bị lên án.

Các chuyên gia xã hội cũng cho biết, sự mất cân bằng giới tính sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống kinh tế, xã hội như: thay đổi cơ cấu dân số, thiếu phụ nữ ở độ tuổi lập gia đình, cấu trúc gia đình thay đổi, gia tăng tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục…

Việc phá bỏ thai nhi giới tính nữ đôi khi làm mất đi những phụ nữ cao quý, những tài năng của tương lai. Bởi như đức Phật đã nói với vua Ba Tư Nặc, có những phụ nữ tốt đẹp hơn nam giới, có trí tuệ và đạo đức xứng đáng được tôn quý, là dâu thảo vợ hiền, là người phụ nữ đảm đang trong gia đình, có tài năng đóng góp cho xã hội, đất nước. Có thể những phụ nữ ấy sinh ra đứa con trai mà khi trưởng thành chúng trở thành những nhà lãnh tụ, những nhà hướng đạo tài ba. Chính vì thế cần phải có thái độ bình đẳng, không nên phân biệt đối xử với phụ nữ.

Thuở đức Phật ngụ tại tịnh xá Kutagara ở thành Vệ Xá (Vesali), di mẫu là bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề (Maha Pajabati Gotami) cùng các phụ nữ dòng họ Thích Ca đến cầu xin xuất gia. Tôn giả A-nan hỏi đức Phật rằng: “Nếu hàng phụ nữ được xuất gia và tu học theo Pháp và Luật của đức Thế Tôn thì họ có thể chứng các Thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán không?” Đức Phật đã trả lời rằng: “Nếu hàng phụ nữ xuất gia và tu học theo pháp và luật của ta, họ có thể chứng các Thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán.” Sau đó đức Phật đã chấp thuận cho di mẫu và các phụ nữ dòng họ Thích Ca xuất gia tu học, đồng thời lập ra giáo hội cho Ni giới. Đúng như lời đức Phật, trong Ni chúng có rất nhiều vị xuất sắc, chứng đắc các quả vị cao được liệt vào hàng Thánh chúng. Từ đó cho thấy nữ giới không chỉ có thể trở thành những thành phần quan trọng trong xã hội, có vai trò và vị thế đáng kể, mà ngay trong lĩnh vực tu tập giải thoát phụ nữ cũng có khả năng không thua kém gì nam giới.

Hãy nghĩ xem, phụ nữ chiếm 1/2 dân số thế giới, nếu vai trò người phụ nữ được phát huy, năng lực của người phụ nữ được tận dụng thì nữ giới đóng góp rất nhiều cho thế giới.

Tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng dẫn đến tình trạng bạo hành phụ nữ, phân biệt đối xử khi người phụ nữ ra ngoài xã hội làm việc, tình trạng bất bình đẳng trong lao động, việc làm (Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, thu nhập của phụ nữ chỉ bằng 74,5% so với nam giới trong các ngành nghề), trong gia đình phụ nữ vẫn phải gánh vác phần lớn công việc nhà, chăm sóc người già và con cái; có sự chênh lệch về cơ hội học tập của trẻ em gái ở nông thôn và các dân tộc ít người, cơ hội việc làm và nắm giữ các vị trí quan trọng của nữ giới thấp hơn nam giới. Theo ước tính năm 2009, trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp chưa vượt quá 30%.

Sheryl WuDunn, nhà báo Mỹ gốc Á đầu tiên đoạt giải Pulitzer cho biết: Mỗi năm có ít nhất hai triệu cô gái khắp thế giới “biến mất” bởi tình trạng phân biệt giới tính; nữ giới từ 15-44 tuổi có khả năng bị tật nguyền hoặc bị giết bởi nạn bạo hành với tỷ lệ rất cao. Sự thô bạo xảy ra thường xuyên với phụ nữ tại nhiều nước là một trong những vấn đề vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất của thế kỷ này. Tổ chức lao động quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc cho biết, hiện có đến 12,3 triệu phụ nữ bị lao động cưỡng bức, bị ép bán dâm, lạm dụng tình dục…

Con trai hay con gái cũng đều là con, là một sinh mạng có quyền được sinh ra, có quyền được sống. Hành vi phá bỏ thai nhi giới tính nữ là hành vi bất công, vô đạo đức và vi phạm pháp luật (Theo Nghị định 114/2006/NĐ-CP). Sự cân bằng giới tính rất quan trọng đối với việc phát triển dân số và ổn định xã hội. Về mặt gia đình, quan niệm trọng nam khinh nữ tạo ra nhiều hệ lụy làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình mà phụ nữ là người chịu nhiều bất công và trực tiếp gánh lấy hậu quả nặng nề.

Theo Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình cho biết hành vi ép buộc mang thai, sinh sớm, sinh dày, nhiều con, sinh con trai chiếm 30,44%, hành vi lựa chọn giới tính thai nhi bằng phương pháp siêu âm chiếm 24,67%, hành vi xem mạch, bói toán để xác định giới tính chiếm 17,94%, hành vi tuyên truyền, cung cấp tài liệu, sách báo để lựa chọn giới tính thai nhi chiếm 16,34%. Ngành y tế cho biết, hệ lụy của việc xác định giới tính là phá bỏ thai nếu như kết quả siêu âm không như mong muốn. Tuy nhiên, thai lớn đến 16-18 tuần tuổi mới có thể xác định giới tính. Lúc này thai đã khá lớn nên việc phá bỏ rất nguy hiểm cho sản phụ. Sản phụ sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về sức khỏe, thậm chí là vô sinh nếu việc phá thai được tiến hành tại các cơ sở y tế không đảm bảo chuyên môn. Nghị định 114/2006/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3-7 triệu đồng đối với hành vi siêu âm, xét nghiệm máu, gien, nước ối, tế bào, hoặc các biện pháp khác để xác định giới tính thai nhi; các hành vi cung cấp thuốc, hóa chất hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính; các hành vi nghiên cứu hoặc áp dụng các biện pháp nhân tạo để tạo nên giới tính thai nhi theo mong muốn; các hành vi tàng trữ, lưu hành các loại tài liệu, sách báo chứa nội dung về phương pháp tạo giới tính thai nhi.

Giá trị mỗi con người tùy thuộc vào nhân phẩm, đạo đức, tài năng, trí tuệ và những đóng góp của người đó cho cộng đồng xã hội. Giá trị của con người không tùy thuộc vào giới tính nam hay nữ. Nuôi nấng, chăm lo, dạy dỗ, giáo dục cho con cái nên người, trở thành người có ích cho gia đình, cho xã hội mới là việc làm quan trọng. Việc chọn lựa giới tính không có ích gì nếu như đứa con sinh ra, bất luận là trai hay gái, không được chăm lo nuôi nấng, dạy dỗ, giáo dục tốt, chúng trở thành nỗi bất hạnh của gia đình, là gánh nặng cho xã hội.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)