Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Bóng đêm

Đã đọc: 2119           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đó là câu nói dường như khá quen thuộc mà bà Ngà và mọi người đã dành cho Sang. Nó nghe mà chỉ biết âm thầm tủi lòng nuốt lệ. Có khi nó nhìn thấy những đứa học sinh cùng trang lứa với mình đi ngang qua quán cười nói hớn hở về chuyện ở trên lớp, Sang khao khát lắm, mong ước sao có một ngày cũng được cắp sách đến trường như chúng bạn. Thằng bé nó nhớ thầy cô và mấy đứa bạn cũ, nhớ nhiều lắm...

Sang! Cho cô hai tô hủ tiếu. “Dạ! Có ngay”, thằng bé bắt đầu loay hoay lấy tô để lên mâm và bưng ra cho cô Tám, vì cô là mối quen nhất của Sang.

Sang! Mày tranh thủ bưng cho lẹ để về nghỉ sớm nha! Đó là giọng nói của bà Ngà, bà chủ của Sang. Bà ta nổi tiếng là hung hăng và thường hay bắt nạt la mắng người vô cớ. Nhất là những buổi bán hàng không được, bà Ngà thường lấy Sang làm đối tượng để cho bà ta trút hết cơn giận của mình, đôi khi còn phải bị một trận đòn chỉ vì bưng không kịp cho khách, khách giận bỏ về. Sang, một thằng bé vừa tròn 15 tuổi, nó đã mồ côi cha mẹ, hình như nó không có một tổ ấm hay tình thương nào dành cho nó cả. Có khi Sang ngồi một mình bên khung cửa sổ của khu nhà ổ chuột, để nhìn mưa rơi lả tả, nó nhớ đến cái đêm oan nghiệt đã cướp mất gia đình nó.

Trong một đêm mưa bão ở miền Trung ai ai cũng lo tấp nập di cư tránh bão, còn gia đình Sang thì đang ngồi quanh mâm cơm và nói chuyện vui đùa với nhau. Mẹ Sang bảo: Ông ơi! Tôi thấy bà con ai ai cũng di cư hết, bão đã sắp về rồi ông à! Mình cũng lo tranh thủ dọn đồ tránh bão nha ông! Ông đưa thằng Sang, con Nga và bé Út đi trước, còn tôi ở nhà lo thu dọn đồ đạc rồi đi sau. Ba thằng Sang trả lời: Bà lo gì? Bão thì năm nào mà chẳng có, mà nhà ta có sao đâu, gia đình ta mấy năm nay vẫn sống hạnh phúc bình thường. Hình như ba thằng Sang chưa bao giờ khiếp sợ hay lo ngại, ba nó vẫn thờ ơ coi như không có chuyện gì. Đêm đó gia đình Sang đang trong giấc ngủ ngon, thì nước trên đầu nguồn bỗng đâu ồ ạt chảy vào làng, mưa to, gió lớn và sấm chớp dữ dội.

Ba Sang hoảng hốt kêu lên: “Dậy các con, bão đến”. Mẹ nó thì sửng sốt và tuyệt vọng vì nước lũ đã dâng cao tới nửa nhà. Ba Sang cố gắng phá cái nóc nhà để cứu lấy ba anh em, cố gắng hết sức cuối cùng cũng đưa được ba anh em lên tới nóc. Nhưng ông cũng đã đuối hết sức lực, chỉ biết thét gào trong tuyệt vọng để nước lũ cuốn trôi đi, còn mẹ Sang thì bị chết ngộp trong nước. Ba anh em Sang gào khóc khi thấy cha mẹ mình đang vật vã với cái chết. Trong đêm đó anh em nó chỉ biết ngồi im trong lạnh rét của mưa bão, thằng Sang đau đớn lắm vì nó biết nó đã mất cha mẹ rồi! Con Nga và bé Út chỉ biết khóc vì lạnh và kêu anh, cho đến khi mờ sáng hai đứa em Sang cũng tắt thở và qua đời. Chỉ còn một mình Sang là được cứu, mọi người đã tìm được xác cha mẹ Sang và an táng gia đình nó ở phía sau đình làng. Cái đêm oan nghiệt đó đã cướp mất đi gia đình nó vốn đang sống cùng nhau êm đềm và hạnh phúc. Giờ đây Sang như một chú chim non đang lạc lõng bơ vơ giữa chợ đời, nó nhìn mưa mà khóc nức nở và chắc đã mất rất nhiều tình thương sự bảo bọc chở che của người mẹ. Nó phải bươn chãi với đời để kiếm miếng ăn, cái mặc khi tuổi đời còn quá nhỏ. Từ ngày ấy đến nay Sang không được cưng chiều lo lắng như trước, mà thay vào đó chỉ là sự hắt hủi rày la của mọi người, nhất là bà Ngà. “Đồ mồ côi, đồ đầu đường xó chợ !”

Đó là câu nói dường như khá quen thuộc mà bà Ngà và mọi người đã dành cho Sang. Nó nghe mà chỉ biết âm thầm tủi lòng nuốt lệ. Có khi nó nhìn thấy những đứa học sinh cùng trang lứa với mình đi ngang qua quán cười nói hớn hở về chuyện ở trên lớp, Sang khao khát lắm, mong ước sao có một ngày cũng được cắp sách đến trường như chúng bạn. Thằng bé nó nhớ thầy cô và mấy đứa bạn cũ, nhớ nhiều lắm, không biết mọi người đã sao nữa. Có lúc nó đã mở lời với bà Ngà để xin được đi học, mà chỉ được đáp lại là một trận la rày in ỏi “Mày mà đi học chắc tao dẹp tiệm để nuôi mày quá, đồ mồ côi mà cũng đòi đèo bồng!” Sang chỉ biết khóc và âm thầm chịu đựng. Nó mong sao cho hết năm để có được chút tiền lương ít ỏi về quê viếng mộ cha mẹ và hai em, nó sẽ kể cho gia đình nghe rất nhiều điều về nó khi ở nơi xứ người, và sẽ nói lên rằng nó thương và nhớ gia đình mình nhiều lắm. Nhưng đã 3 năm nay từ khi cái ngày mà được chú Hùng con gì Năm dắt lên thành phố để gởi cho bà Ngà đến nay thì nó chưa bao giờ được về quê thăm mộ. Lần nào cũng thế, hễ đến cuối năm là bị bà Ngà la cho một trận rồi cúp lương hẹn tới năm sau, thì tiền đâu mà về thăm mộ cha mẹ và hai em. Mong ước rồi cũng chỉ là mong ước, có lúc Sang như muốn trốn đi nơi khác, nhưng sợ lắm không biết mình sẽ đi về đâu, khi giữa phố thị Sài Gòn biết bao cạm bẫy và cám dỗ, rồi nó sẽ ra sao?

Sang! Đi lấy tô rửa, ngồi đó mà mơ với mộng! Sang lật đật chạy đi, không khéo thì bị la cho một trận nữa. Hễ đêm về thì Sang lại nằm thui thủi bên khung cửa sổ và chỉ biết âm thầm nhìn ra ngoài bóng đêm mà rơi nước mắt. Thằng bé không hiểu tại sao cuộc đời mình lại hẩm hiu và buồn tẻ như thế, hình như nó không thấy được một niềm vui nhỏ nhoi nào cả, nó cảm thấy rất cô liêu và đơn độc. Có khi Sang lại nghĩ về một tương lai xa vời nào đó rồi lại tắt lịm trong đêm, vì nó thừa biết mình chẳng bao giờ mà có được một tương lai tươi sáng. Sang nhớ lắm! Nhớ quê hương, nhớ gia đình, và mấy đứa bạn, rồi nó tự hỏi không biết quê mình ra sao nữa, sao trận bão đó quê mình có được đổi mới hay là còn như trước, mộ của cha mẹ và hai em không biết có ai thương tình mà giẫy giùm cho một ít cỏ dại hay thắp một nén hương cho cha mẹ mình được ấm cúng. Ước gì mình được về giỗ cha mẹ một lần, mình sẽ dọn sạch sẽ cỏ dại cho cha mẹ và hai em… Mấy đứa bạn thằng Tuấn ngáo, con Ba Tiền.. chắc nó cũng bước vào cấp 3 rồi. Thằng bé Sang nằm một mình và suy nghĩ vẫn vơ rồi khóc. Có khi nó không biết sống trên đời này để làm gì nữa, trong tâm Sang lại lóe lên những ý định muốn kết liễu đời mình để được về với gia đình vì nó nhớ gia đình nhiều lắm. Nó thấy sao mà đời nó lại cô đơn trống vắng đến như thế? Nhưng thằng bé lại sợ không biết khi chết rồi thì sẽ đi về đâu, có gặp được gia đình hay không. Rồi cái cảnh giới đằng sao cõi chết là như thế nào, nó có an lành và hạnh phúc hơn hiện tại hay không. Sang còn nhớ thầy Năm ở chùa làng có dạy, mỗi khi mẹ dắt Sang đến chùa vào những ngày hội, thầy Năm nói: sống ở đời mà mình luôn làm điều ác, tội lỗi thì sau khi chết mình sẽ bị sanh vào những cảnh giới xấu xa và đau khổ. Cho nên phải biết sống vì mọi người và ban rải tình thương đến những ai mà đang cần ta giúp đỡ và sẻ chia thì đó mới là thánh thiện.” Sang nghĩ: không biết thầy Năm bây giờ ra sao nhỉ. Thầy Năm tốt lắm, mỗi khi được mẹ đưa đến chùa là được thầy Năm vuốt đầu Sang, dạy bảo nhiều điều, và còn cho Sang nhiều bánh kẹo nữa.

…Mấy hôm nay sao Sang thường sốt và ho nhiều, đôi khi còn khạc ra máu, mình nó lại nổi ban đỏ khắp mình. Sang sợ lắm. Hễ mỗi lần ho lớn tiếng là bị bà Ngà la cho vì đã làm mất giấc ngủ của bà. Sang cố nén cơn ho trong nước mắt, toàn thân đau ngứa và khó chịu lắm chẳng biết phải thổ lộ cùng ai, vì nó không có một người bạn nào cả hay một người tốt bụng nào chịu lắng nghe tâm sự của một thằng bé mồ côi như nó. Sang chỉ biết âm thầm và chịu đựng sự dày vò của thân xác.

Sang! Dậy mau, nhen cho bà bếp lửa, hôm nay Chủ nhật dọn hàng sớm! Thằng bé loay hoay bật dậy dù cả đêm chưa hề chợp mắt. Sang không biết mình đã bệnh gì nữa. Sang suy nghĩ và lo lắng rất nhiều. Nó quyết định mở lời với bà Ngà: Thưa bà! Cho con xin ứng lương để khám bệnh. Bà Ngà trả lời: Ừ! mày nên đi khám bệnh đi, mấy ngày nay tao phải mất ngủ vì mày, mà tao nghi mày bị lao phổi quá. Sang thừa biết bà Ngà mà chịu cho mình ứng lương như thế thì không phải là chuyện dễ, vì đã 3 năm nay lần đầu tiên nó mới được bà ta cho ứng lương như thế này. Sang cầm tiền và hỏi thăm mọi người để đến phòng khám và được xét nghiệm. Nó ngồi đợi cả buổi sáng để chờ kết quả. Cô y tá bảo: Ai tên Lê Hoàng Sang vào lấy kết quả. Sang la toáng lên vì đã nghe được tên mình. Bước vào phòng khám thì bác sĩ nói: Kết quả em đã bị dương tính. Em đã bị nhiễm virus HIV/AIDS, là một căn bệnh thế kỷ, và hiện nay chưa có thuốc trị, em sẽ không còn sống lâu nữa, tôi xin chia buồn với em và gia đình. Nó nghe mà sửng sốt trong nghẹn ngào, thằng bé nó không biết mình phải kêu ai để nó nương tựa vào đó mà khóc thật to. Nó cảm thấy cô đơn lạc lỏng, nó thèm khát một sự an ủi của một ai đó, vì nó biết cuộc đời mình đã chấm dứt từ đây. Cầm kết quả trên tay nhấc từng bước chân nặng trĩu mà đau nhói trong lòng, không biết mình sẽ đi về đâu. Sang nghĩ nếu bà chủ mà biết mình bị nhiễm HIV/AIDS chắc bà ta sẽ hắt hủi và đuổi mình đi, vì không ai mà chấp nhận một người bị AIDS ở trong nhà, rồi mình sẽ đi về đâu. Đêm về Sang âm thầm và khóc thật nhiều, những giọt nước mắt trong sự cô liêu và lạnh lẽo, đã tuôn trào và ướt đẫm cả áo, nó khao khát được trở về với gia đình lắm, để nó thắp cho cho cha mẹ và hai em một nén hương lần cuối. Sang không hiểu tại sao cuộc đời này lại quá phũ phàng như thế, nó còn nhớ có lần do hấp tấp bưng đồ cho khách, mà nó đã vô tình dẫm lên cái kim tiêm bỏ ở góc vỉa hè và máu ra nhiều lắm. Nó xin bà Ngà tiền đi tiêm ngừa bà không cho, còn bị la cho một trận vì tội không cẩn thận. Sang đã hiểu và đành bóp bụng chấp nhận, nó ngồi và nghĩ lại cái câu nói của bác sĩ hồi sáng “Em đã bị HIV/AIDS em sẽ không còn sống bao lâu nữa” rồi nó lại khóc. Người bạn thân nhất của Sang bây giờ là những dòng nước mắt để nó trút hết mọi tâm sự và đớn đau mà cuộc đời và số phận đã dành cho nó.

Sang! Dậy dọn hàng ra bán sớm. Sáng nay nó dậy khác hẳn với mọi ngày, nó làm việc rất vụng về và sợ sệt, chắc do áp lực của tâm lý vào nỗi ám ảnh của căn bệnh. Sang quyết định sẽ nói cho bà Ngà nghe về căn bệnh của mình, và sẽ chấp nhận mọi sự hắt hủi hay rày la đánh đập mà bà Ngà sẽ dành cho nó. Sang nói: Thưa bà! Con đi khám bác sĩ nói con bị HIV/AIDS. Bà Ngà nghe mà sửng sốt và liền phản ứng một cách phũ phàng: Mày là đồ AIDS cút khỏi nhà tao, tao không chứa chấp thằng SIDA như mày. Sang biết bà Ngà sẽ làm như thế và mọi người sẽ hắt hủi đuổi xô. Lấy cái xách nhỏ, thằng bé bỏ vào đó hai bộ đồ cũ và vác nó trên vai, nói lời tạm biệt bà Ngà để đi về một phương trời xa xăm nào đó. Sang cũng chẳng biết mình sẽ đi về đâu, khi cuộc đời này chẳng ai mà chấp nhận những con người như nó. Tối về Sang nằm ngủ ngay một xó chợ nhỏ, trong sự lạnh lẽo của gió rét và mưa giông, bên cạnh đó là sự dày vò của căn bệnh trong sự hẫm hiu và cô độc. Thằng bé nó không còn mơ ước hay hy vọng một điều gì cả, nó chỉ biết sống và đợi đến ngày nằm xuống. Nó nghĩ: không biết cái ngày mà nó chết có ai thương tình cho thằng bé mồ côi không cha, không mẹ như nó, mà nhỏ cho giọt nước mắt thương xót hay không. Có nhà hảo tâm nào thương hại mà đưa xác nó vào một nghĩa trang nào đó? Cái ngày đưa tang của nó sẽ không được như cha mẹ và hai em đâu, sẽ ít người và buồn lắm. Thằng bé thốt lên trong sự nghẹn ngào, mẹ ơi! Mẹ đang ở đâu con buồn và cô đơn lắm mẹ à! Con đang nằm giữa cơn mưa lạnh lẽo, con thèm khát được sự bảo bọc chở che của mẹ lắm. Con nhớ gia đình mình nhiều lắm, con ước gì được trở về thăm mộ cha mẹ và hai em lần cuối, mẹ à! Mẹ có biết hay không, ai cũng rầy la và xô đuổi con hết. Họ nói: mày là đứa mồ côi không cha mẹ, đồ thằng AIDS ai cũng xa lánh con hết, mẹ ơi! Chắc mẹ sẽ không xa lánh con đâu phải không mẹ, mẹ sẽ ôm con vào lòng để sưởi ấm cho con, mẹ à! Con nhớ ba và hai em nhiều lắm, mẹ hãy kêu mọi người về đây thăm con đi, con hứa sẽ không lây bệnh cho ba và hai em đâu. Rồi thằng bé chỉ biết khóc, hình như nó sống trong sự ảo tưởng nhiều hơn là hiện thực, vì trong ảo tưởng đó, ít nhiều gì nó cũng tìm được sự chia sẻ và cảm thông của mẹ và gia đình. Đôi khi Sang như muốn la lên trong sự khủng hoảng và đớn đau của căn bệnh, nó sợ hãi và vẫy vùng khắp nơi. Có lúc nó như muốn nhắm cả hai mắt lại để quên đi cuộc đời, nó sợ hiện thực và không muốn mở mắt ra vì nó biết khi đối diện với đời thì chỉ là sự hắt hủi xa lánh của mọi người. Trong mơ nó đã thấy thầy Năm đã đến bên nó, vuốt đầu và cho bánh kẹo. Sang chạy đến ôm chầm lấy thầy và khóc nức nở, vì chắc chỉ còn thầy Năm là người thương nó và hiểu hết những nỗi đau và tâm sự của nó mà thôi! Nó nghe thầy Năm nói: con hãy vươn mình lên mà sống, đừng bao giờ gục ngã trước số phận mà hãy đứng lên nhìn đời, dù chỉ là một hy vọng nhỏ nhoi. Bóng đêm cuộc đời là như thế con à! Con hãy mỉm cười và chấp nhận. Sang giật mình tỉnh giấc thì chẳng thấy thầy Năm đâu cả, nhưng nó đã phần nào thấm thía lời dạy của thầy. Thằng bé nó mỉm cười và chấp nhận. Nó cảm thấy hạnh phúc lắm vì lâu lắm rồi trên môi nó mới nở một nụ cười hạnh phúc như thế. Nó thốt lên tận đáy lòng, thầy Năm ơi! Con hiểu rồi, mỉm cười và chấp nhận đúng không ông.

Lời nhắn nhủ: Xin mọi người hãy mở rộng vòng tay để cứu lấy những mảnh đời bất hạnh.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)