Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Những hơi thở nhẹ

Đã đọc: 2052           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Kỳ này tôi muốn kể với bạn về một vị Đạo sư vĩ đại, một Người góp phần làm thay đổi lịch sử cổ đại và số phận của nhân loại, Người dạy chúng ta biết sử dụng những hơi thở nhẹ để giữ sự tỉnh thức và đạt được giác ngộ. Ngài là đức Phật lịch sử, một Con người có thật trên thế gian cách đây 27 thế kỷ.

Đức Phật: Hãy biết từ bỏ sai lầm

Cách đây 27 thế kỷ, vào ngày trăng tròn tháng 4, hoàng hậu Maya xứ Sakya của vua Tịnh Phạn đã hiến dâng cho nhân loại một Con người vĩ đại nhất trong lịch sử. Lúc đi ngang qua rừng cây Vô ưu, khi giơ tay hái cành hoa thơm ngát thì bà chuyển dạ và sinh hạ Thái tử Tất Đạt Đa. Khu vườn Lumbini (Nepal), nơi Thái tử Tất Đạt Đa chào đời trở thành một trong “tứ động tâm” của Phật tử toàn thế giới đến để chiêm bái…Tôi ngỡ ngàng khi được ngồi dưới gốc Bồ đề sum xuê mát rượi nhìn ra xung quanh: Chùa Thánh Mẫu Maya cất giữ bức phù điêu kể về sự kiện ra đời của Thái tử giản dị, thiêng liêng và tinh khiết. Hồ nước xanh trong, tương truyền nơi hoàng hậu Maya tắm trước khi chuyển dạ. Thái tử cũng được tắm ở đó. Rừng Vô ưu không còn nữa, chỉ lác đác vài cây mới trồng. Dấu xưa khu tự viện nhắc nhở về một thời vang bóng. Mùa này các loại hoa rực rỡ len lỏi khắp nơi…Tháng Hai bầu trời xanh ngắt, trong veo. Không gian như được nới rộng ra, ngọt lịm gió và nắng. Bạn có thể ngồi nhiều ngày để suy tư trong tĩnh lặng tại đây với dòng sinh lực tràn trề đến từ thinh không, từ xa xôi hoặc từ những gì thiêng liêng ta không thể nắm bắt được mà chỉ có thể cảm nhận…Tôi muốn tin vẫn là bầu trời này, làn mây này khi Thái tử cất tiếng khóc chào đời. Muốn tin hương hoa Vô ưu đang ngan ngát một lần duy nhất vào ngày trọng đại đó. Muốn tin vẫn là mặt đất kia nơi Thái tử đặt bước chân đầu tiên vào thế gian và đi 7 bước sen như huyền thoại sau này…

Vua Tịnh Phạn nhờ đạo sư A Tư Đà tu trên dãy Hy-mã-lạp-sơn đoán số phận cho con trai mình. Đạo sư nói, nếu làm vua thì Thái tử sẽ là một minh quân, còn nếu xuất gia sẽ thành Bậc Giác ngộ. Vua cha sợ Thái tử xuất gia không có người nối dõi nên cưới vợ, tuyển thê thiếp, tạo dựng một cuộc sống xa hoa, xây cho Thái tử 3 cung điện mùa đông, mùa hạ và mùa mưa để Ngài vui lạc thú mà quên đi chuyện tu hành. Thông minh hơn người và cũng nhiều lòng từ bi, trắc ẩn hơn người mà Thái tử sớm nhận ra cuộc sống tạm bợ, tầm thường của hạnh phúc vật chất trần gian. Dù là bậc quân vương giàu có hay kẻ ăn mày thì cũng không thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn sinh, già, bệnh, chết. Đâu là sự an lạc chân chính, đâu là con đường giải thoát khổ đau của kiếp người? Con người đã sai lầm khi đuổi theo những ảo vọng của danh lợi, tiền tài chăng? Nhờ trí năng phê bình cực kỳ bén nhạy, Thái tử Tất Đạt Đa hẳn đã phản kháng lại quan niệm cho rằng Veda là kinh điển mặc khải linh thiêng và Upanisad (Áo nghĩa thư) là đỉnh cao của hiểu biết và tri thức nhân loại. Có lẽ đó là cái sai lầm đầu tiên mà Thái tử Tất Đạt Đa sớm nhận ra. Một đêm, Thái tử bỏ lại vua cha, hoàng cung, vợ đẹp con ngoan, cuộc sống nhung lụa, lên ngựa đi ra cổng thành phía Đông…Các nhà khảo cổ khi khảo sát vương thành Ca Tỳ La Vệ (Sakya) đã tìm thấy dấu tích một trong ba vương cung của Thái tử và cổng thành Đông, nơi chứng kiến thời khắc Tất Đạt Đa từ bỏ ngôi báu để xuất gia cầu đạo. Tôi đứng ngắm khá lâu “Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” trong khu vườn hoang vắng, bùi ngùi…

Chú ngựa chở chủ nhân đến bờ sông, Thái tử Tất Đạt Đa xuống tóc cất vào túi để chú ngựa đem về, sau đó khoác bộ y vàng giản dị của tu sĩ, lội qua sông, dấn thân vào đêm đen cuộc đời, bắt đầu con đường đi tìm ánh sáng giác ngộ. Không xa cổng thành Đông, vẫn còn nấm mộ chú ngựa trung thành. Chú đã chết vì thương nhớ chủ sau khi về gần đến cổng thành và được người ta chôn cất ngay tại đó. Giờ chỉ là gò đất lùm xùm những bụi cây hoang. Tôi hình dung về cuộc sống xa hoa của vương quân quyền quý xa xưa khi đứng bên nền cung điện cũ rêu phong để thấu hiểu mãnh lực của tiếng gọi giác ngộ khiến một Thái tử có thể dứt bỏ tất cả…

Từ đêm ấy, Sa môn Cồ Đàm bắt đầu cuộc đời nay đây mai đó, lấy gốc cây làm nhà, đầu để trần, chân không đạp đất, bình thản đi giữa nhân gian. Tất cả mọi năng lực và ý chí của Ngài đều hướng tới lý tưởng cao cả là đi tìm sự thật tối hậu, lý lẽ sống chết, ý nghĩa nhân sinh và con đường dẫn tới giải thoát, cõi Niết bàn bất tử. Được học và hành trì với hai đạo sư danh tiếng nhất thời bấy giờ và chứng đắc sau một thời gian ngắn, Sa môn Cồ Đàm nhận thấy vẫn chưa đạt được chân lý tối hậu. Ngài cũng hiểu ra rằng, chân lý tối hậu không thể cầu tìm bên ngoài hay ở bất kỳ bậc Đạo sư nào. Không thể dựa vào tha lực mà chính con người phải tự tìm lấy, tự chứng ngộ ở nội tâm bên trong. Sa môn Cồ Đàm từ chối lời mời của hai thầy ở lại dẫn dắt cho các đệ tử, bỏ đến khu rừng núi hẻo lánh dốc sức tu khổ hạnh. Vẫn còn nguyên hang đá nơi Sa môn Cồ Đàm tu tập ép xác 6 năm cách đây 27 thế kỷ. Hang đá chật chội, lạnh lẽo ăn vào lòng núi chỉ có một cửa nhỏ, ra vào phải khom người. Thời đó đạo Bà la môn có niềm tin là muốn tìm cầu đạo giải thoát đều phải kiên trì tu khổ hạnh, ép xác. Có 3 cách tu này: Thứ nhất, người tu phải hành hạ cơ thể bằng mọi giá như nằm trên gai, đứng một chân, không tắm rửa…Cơ thể mệt mỏi tất sẽ diệt mọi ham muốn. Thứ 2, người tu bắt chước hạnh các loài động vật là bò và chó, ăn bằng lưỡi như bò và ngày ngủ ít, đêm thức trắng như chó. Thứ 3, ăn rất ít, gần như tuyệt thực…Sa môn Cồ Đàm đã thực tập cả 3 cách tu này, thậm chí nhiều ngày Ngài chỉ ăn mấy hạt vừng. Cơ thể Ngài toàn da bọc xương và có thể chết bất cứ lúc nào. Càng kiên trì khổ hạnh, chân lý tối hậu như càng lùi xa, tâm trí càng mê mờ, thân thể càng suy kiệt. Ngài chợt hiểu lối tu khổ hạnh không phải là con đường thoát khổ và cứu khổ. Tôi cố tưởng tượng giây phút Sa môn Cồ Đàm bừng ngộ về sự vô nghĩa của lối tu tập này? Chắc chắn đó là cuộc đấu tranh nội tâm ghê gớm. Từ bỏ con đường mà đến lúc này vẫn còn rất nhiều người tôn thờ là không dễ dàng. Từ bỏ một thói quen, một tập tục đã trở thành tín đạo, văn hóa, niềm tin và tự hào của lớp lớp người Ấn giáo tức là tự đứng về phía đối lập với họ. Một người chống lại triệu triệu người, chống lại cả thiết chế xã hội và tôn giáo, chống lại những tư tưởng và các giá trị truyền thống đã tồn tại ở Ấn Độ vào thời điểm đó gần 3.000 năm thì phải có niềm tin vĩ đại, lòng dũng cảm phi thường lắm lắm…Sa môn Cồ Đàm chia sẻ suy nghĩ ấy với năm người bạn đồng tu là năm anh em Kiều Trần Như. Vốn đặt niềm tin và hy vọng tuyệt đối Ngài, họ nghĩ vị Sa môn này đã thoái chí nên rất coi thường, thất vọng bèn bỏ đi nơi khác để tiếp tục tu tập khổ hạnh…Bỏ lại sau lưng sự khinh bỉ, chê bai, thị phi, Sa môn Cồ Đàm rời Khổ hạnh lâm. Dứt bỏ sai lầm với một quyết tâm sắt đá và niềm tin không thối chuyển, Ngài một mình cất bước lên đường.

Sa môn Cồ Đàm về đến một làng ven sông thì nằm lịm đi bên đường. Thôn nữ Sujata bắt gặp. Nàng đỡ đầu vị Sa môn không đủ sức ngồi dậy cho gối lên đùi và giúp Ngài dùng bát cháo sữa. Bát cháo sữa đó sau này trở thành một trong hai sự cúng dường lớn nhất trong cuộc đời đức Phật. Để tri ân công lao thôn nữ, thế kỷ III (TCN) vua A Dục cho xây tháp Sujata trên nền nhà nàng. Tháp này to nhất trong các tháp thờ các vị Thánh của Phật giáo. Không xa tháp Sujata còn ghi dấu nơi nàng dâng bát cháo sữa, nơi Ngài được lão nông cúng dường bó cỏ…Sức khỏe hồi phục, sau khi tắm sông Ni-liên-thuyền, Sa môn Cồ Đàm lội sang bên kia bờ, đến làng Gaya, nơi các vị Bà la môn thường hay tế lễ thần Lửa…

Trước thời Tất Đạt Đa, các du sĩ đã phê phán truyền thống Bà la môn và bắt đầu nhận ra những ảnh hưởng bất lợi, tiêu cực đến đạo đức, tâm linh và ổn định xã hội. Sau khi thành đạo, đức Phật - Bậc Giác ngộ càng nhận chân sự bất công, hẹp hòi, đau khổ của vô minh, nhất là sự bất bình đẳng về giai cấp và thuyết định mệnh. Giai cấp thấp luôn bị tầng lớp trên chà đạp, khinh bỉ và lệ thuộc hoàn toàn vào Thượng đế, thần linh. Trong họ luôn thường trực nỗi sợ hãi và tin vào định mệnh an bài, không có quyền lựa chọn địa vị, công việc…số phận đó truyền thừa qua vô số kiếp người. Gạt bỏ mọi nguy nan, đối nghịch, dè bửu, công kích…, đức Phật bắt đầu con đường hoằng pháp của mình. Có nghĩa Ngài phải công khai tuyên bố với thế giới Bà la môn quan điểm của mình với tư cách một nhà cải cách, tuyên chiến với những kẻ cuồng tín, cố chấp sẽ quyết liệt chống lại Ngài. Trước hết, đức Phật tuyên bố, Ngài không phải là Thượng đế tạo thế và cứu thế. Ngài dũng cảm bác bỏ Thượng đế và linh hồn mà Ấn giáo tôn thờ lâu nay. Phật theo đúng nghĩa là Bậc Giác ngộ và ai giác ngộ được như thế thì đều gọi là Phật. Đã có nhiều Phật trước Phật Thích Ca và sẽ còn nhiều Phật ra đời trong tương lai. Bác bỏ vị trí độc tôn Sáng chủ của đạo nhất thần và đa thần. Đạo Phật bác bỏ quan niệm siêu hình về một nhân ban đầu, từ con số không sinh ra thế giới, vạn vật...Không phải là Đấng cứu thế, Phật "chỉ dạy về con đường và nếu các người đi theo con đường này, mọi đau khổ sẽ đoạn tận”. Ngài nhắc các đệ tử, con người tự mình làm cho mình trong sạch, và cũng tự mình làm cho mình dơ bẩn chứ không ai khác. Ít có tôn giáo nào đề cao con người và tình thương con người như đạo Phật. Phật luôn khuyến khích con người nên tin ở bản thân, tin vào khả năng thành tựu Giác ngộ và Giải thoát tối hậu. Trong những ngày cuối cùng cuộc đời, đức Phật nói với Tôn giả Ananda, thị giả thân cận của mình: "Hãy dựa vào bản thân mình như ngọn đèn sáng cho chính mình. Hãy dựa vững vàng vào Chánh pháp. Đừng tìm một chỗ dựa nào khác ngoài bản thân mình”. Có thể nói, đặc sắc của đức Phật với tư cách Giáo chủ là không áp đặt bất kỳ quyền lực nào lên con người. Ngài không bao giờ cường điệu tính yếu hèn, tội lỗi của con người. Trái lại, Ngài luôn nhấn mạnh con người có bản chất hướng thiện, có khả năng tự hoàn thiện. Giáo hội Tăng già do Phật sáng lập và các đệ tử thời Ngài còn tại thế không phân biệt đẳng cấp xã hội, cả tu sĩ lẫn cư sĩ đều đủ hạng người, từ vua chúa như Tần Bà Sa La, A Xà Thế, Ba Tư Nặc…đến các giáo sĩ Bà la môn nổi tiếng lúc đó là ba anh em Ca Diếp; từ kẻ giết người khét tiếng là Angulimala đến cô gái bán dâm thành Vương Xá Ambapali, từ nam giới đến nữ giới…Phật nói: "Hỡi các Tỳ kheo, các con sông lớn như sông Hằng, Yamuna, Aciravati, Sarabhu, Mahi khi đã đổ vào biển thì chúng mất tên gọi trước đây và được gọi một tên là biển cả. Cũng như vậy, bất cứ ai khi đã đến với Pháp và Luật do Như Lai giảng thuyết, từ bỏ gia đình để nhập vào cuộc sống không nhà thì đều mất tên gọi trước đây của họ, bộ lạc cũ của họ và được gọi cùng tên là Tu sĩ”. Nói về giới Bà la môn vốn tự coi là thượng đẳng, Phật nói: "Bà la môn hay là tiện dân không phải sinh ra từ lửa nhờ hai thanh gỗ ma xát, cũng không phải từ trên trời rơi xuống hay là từ gió bay ra, cũng không phải từ dưới đất chui lên. Người Bà la môn cũng sinh ra từ bụng mẹ giống như người Thủ đà la vậy. Mọi người đều có quan năng trong cơ thể tương tự nhau, không có gì khác. Sao lại có những kẻ tự cho mình là loại người đặc biệt?”. Giáo hội Tăng già do Phật sáng lập là một đoàn thể thật sự dân chủ, không mang tính giáo quyền mà chỉ dựa trên tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, thiết lập một thể chế dân chủ vì lợi ích các thành viên Tăng đoàn và mọi người. Cần nhấn mạnh, quan niệm dân chủ của đức Phật hoàn toàn không dựa vào đa số hay thiểu số mà dựa trên căn bản đạo đức vì lợi ích của mình và người khác.

Đức Phật không những đưa ra các luận điểm phản bác chế độ giai cấp mà Ngài còn mở rộng cánh cửa Tăng đoàn cho những ai đến với Ngài để được hướng dẫn đạo đức và tâm linh. Ấn Độ thời đó chỉ chấp nhận nam giới theo đuổi nhu cầu tâm linh, vì thế giai đoạn đầu những người gia nhập Tăng đoàn chỉ là nam. Tuy nhiên, tinh thần khoan dung của đạo Phật đã thấm sâu vào đời sống tinh thần người dân và bào mòn những quy ước xã hội, chính trị và tôn giáo truyền thống Bà la môn. Sáu năm sau khi thành đạo, đức Phật đã làm lễ xuất gia cho bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề (dì ruột, người nuôi dưỡng Ngài sau khi hoàng hậu Maya mất khi Ngài mới 7 ngày tuổi) cùng 500 người nữ. Từ đó có Tỳ kheo ni trong Tăng đoàn của Ngài. Phật giáo là tôn giáo đầu tiên thừa nhận khả năng giác ngộ tâm linh của nữ giới cũng như nam giới là đều có thể chứng đắc vị quả cao nhất. Theo đức Phật đời sống tâm linh là đời sống cao cả nhất mà con người có thể có. Một khi phụ nữ đã được tham gia vào đời sống này thì có nghĩa họ sẽ đóng góp ở nhiều lĩnh vực khác. Nhiều Tỳ kheo ni xuất gia thời đức Phật đã chứng quả Thánh. Bên Tăng có 10 vị đại đệ tử của đức Phật thì bên Ni cũng có 10 vị như vậy. 

Một truyền thống nữa của đạo Bà la môn bị đức Phật bác bỏ là cơ cấu chính trị. Ngài thường nhấn mạnh người có quyền lực phải tùy thuận vào sự chấp nhận của nhân dân và có liêm chính đạo đức chứ không phải là đại diện của Thượng đế và có quyền lực vô biên. Pháp luật thay vì trừng trị là giáo dục và cảm hóa. Chuyện Phật độ kẻ sát nhân Angulimala trở thành vị thánh đã chứng minh điều đó. Triết lý này của Phật đã ảnh hưởng sâu sắc đến hoàng đế A Dục và thể chế quân chủ của Ấn Độ sau này cùng các nước ở Nam và Đông Nam Á.

Trong thực hành tôn giáo, đức Phật bác bỏ những lễ nghi mê tín không có giá trị tâm lý và đạo đức. Ngài đánh đổ vị trí đặc ân trung gian giữa thế giới thần linh và con người của giới Bà la môn. Những đệ tử chưa giác ngộ có ý quy ngưỡng Ngài như một vị cứu tinh độc nhất thì đức Phật không ngừng bác bỏ vị thế độc tôn của mình. Ngài nhấn mạnh điều quan trọng hơn hết là sự hành trì giáo pháp mà Ngài đã thuyết giảng. Giáo pháp là vị Đạo sư chứ không ai khác. Ngài nói với các đệ tử: "Không nên tôn trọng, đảnh lễ, tán thán, quý mến Như Lai theo kiểu như vậy. Bất cứ người nào sống đúng với Chánh pháp, ứng xử hợp với đạo, có hành động chân chính thì người đó tôn trọng, đảnh lễ, tán thán và quý mến Như Lai một cách tốt đẹp nhất”.

Từ bỏ cực đoan để đi theo Trung đạo, bằng sự tinh tấn Thiền định qua những hơi thở nhẹ, Sa môn Cồ Đàm đã thành đạo và trở thành đức Phật để chúng ta quy ngưỡng. Ngài đem sự giác ngộ ấy truyền bá khắp thế gian. Con đường cải cách của Ngài bác bỏ bạo lực, thiết lập những bước đi bình an và bền vững. Ngài đã thành công…

Tôi trộm nghĩ, nếu thời ấy, đức Phật không dám thừa nhận và kiên quyết từ bỏ sai lầm, dấn thân cầu tìm chân lý để vạch ra con đường tới giác ngộ thì bây giờ nhân loại sẽ ra sao?

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
duc thanh 24/06/2011 04:49:23
...Nhung hoi tho nhe...Cung du lam roi.
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)