Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Tư tưởng Phật giáo trong truyện dân gian người Việt Nam bộ

Đã đọc: 4246           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Bụt, Phật thường xuất hiện khi người hiền, người nghèo gặp tai ương. Chàng trai trong truyện Chết ba năm sống lại một giờ, để coi người nghĩa phụng thờ ra sao, khi bị phát bệnh nổi đơn đã bị cha mẹ bỏ vào rừng sâu. May nhờ chàng trai ăn được đào, cơ thể khỏe khoắn, lành lặn như trước, lại được tiên tặng cho quần áo và một hòm vàng. Sau, vợ chồng tìm được nhau, chung sống hạnh phúc, còn cha mẹ vợ độc ác thì bị trời đánh chết.

Nước ta sau khi giành được độc lập (938) đã xây dựng nhà nước của mình, phỏng theo mô hình nhà nước phong kiến Trung Quốc. Thời Lý, Phật giáo thịnh. Đến đời Trần, Nho giáo bắt đầu phát triển và lấn dần vai trò của Phật giáo. Từ thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVIII, do tác hại của đồng tiền, chế độ phong kiến đạo Nho ngày một suy vi, trong đó Phật giáo và Lão giáo lại được dịp chấn hưng. Cho đến những năm nửa cuối thế kỷ XIX, khi mà thực dân Pháp nổ tiếng súng xâm lược, theo sau chính sách khai thác thuộc địa bọn chúng đưa ra, thực dân Pháp đã mang vào nước ta một số tôn giáo của Tây phương. Dẫu vậy, tín ngưỡng của phần đông những tộc người sống trên lãnh thổ Việt Nam vẫn xem đạo Phật là đạo chính. Nghĩa là, thực dân Pháp đã không làm dịch chuyển quyền tín ngưỡng thiêng liêng của dân tộc ta.

Vùng đất mới Nam Bộ được những lưu dân người Việt từ Bắc, Trung đi vào khai phá. So với tiến trình lịch sử Việt Nam, những lưu dân đặt bước chân đầu tiên vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Họ đến đây khai hoang, mở đất, lập nhà làm chỗ dừng chân. Rời xa quê cha đất tổ, họ không có dịp tiếp xúc nhiều với những tư tưởng của Nho giáo đang ngày càng mất vị thế. Trong khi đó, sự thâm nhập chi phối mạnh mẽ của tư tưởng Phật giáo đang dần hình thành rõ nét, in đậm trong tâm thức của lưu dân. Cuối cùng, những tư tưởng đạo Nho chỉ được xem là một quá khứ đã xa, người ta nếu như có nhắc đến là chỉ nhắc lại một thời. Mặt khác, làng Việt Nam Bộ không có những cơ cấu tổ chức ẩn tàng kiểu như làng Việt Bắc Bộ, con người không chịu ảnh hưởng đậm nét của Nho giáo. Tâm thức của những con người sống nơi cuối đất cùng trời của Tổ quốc không bị những tín điều của Nho giáo trói buộc chặt chẽ, ngặt nghèo và lâu đời. Song, một khi con người không dựa vào một hệ tư tưởng này tất sẽ dựa vào một hệ tư tưởng khác. “Đại Nam thực lục chính biên” đã nhìn nhận: “Tục Gia Định hay thờ Phật”[1, 75]. Các nhà nghiên cứu về lịch sử Phật giáo hôm nay cũng ghi nhận rằng: “Trong Nam Bộ, vùng đất mới này nổi tiếng sùng tín Phật”[1 ,76]. Nguyễn Phương Thảo đã đưa ra những con số thống kê sau khi tiến hành khảo sát một số truyện dân gian Người Việt Nam Bộ: “Khảo sát 32 truyện cổ mà nhóm tác giả cuốn “Truyện dân gian vùng đồng bằng sông Cửu Long”(NXB Đồng Tháp, 1998) công bố chỉ có một truyện có khuynh hướng tư tưởng Nho giáo... Căn cứ vào địa danh trong truyện, chúng tôi tìm lục được 27 truyện liên quan đến Nam Bộ mà Nguyễn Đổng Chi công bố trong bộ “Kho tàng truyện cổ tích” của ông cũng không có truyện nào chịu ảnh hưởng của Nho giáo”[1, 76]. Những cứ liệu dẫn trên có thể đưa chúng ta đi đến nhận xét: Lớp văn hóa Nho giáo chưa in đậm trong dân gian, cũng như chưa in đậm trong tâm thức những người dân mang gươm đi mở đất. Hay nói một cách khác, lớp văn hóa Phật giáo trong truyện dân gian người Việt Nam Bộ nhiều hơn, đậm hơn lớp văn hóa Nho giáo.

Đến với truyện dân gian người Việt Nam Bộ, chúng ta vẫn thấy những ông hoàng bà chúa, hoàng tử, công chúa... nhưng không phải là những nhân vật đại diện cho tư tưởng Nho giáo. Đó chính là hình ảnh của chàng hoàng tử trong Truyện Tam Nương, vị thái tử trong Nàng Út, nhà vua, công chúa trong Chàng đốn củi. Tam Nương trong Truyện Tam Nương là tiên trời mắc đọa vì phải tội, đã cứu giải cho hoàng tử trong một lần đi săn bị cướp đánh. Nhà vua trong truyện Chàng đốn củi thấy anh tiều phu nghèo khó -  dù đã cứu công chúa từ tay ác điểu -  thì đặt điều kiện khó nhằm muốn từ bỏ ý định gả công chúa cho anh tiều phu. Cuối cùng, nhà vua nhận lời gả nhưng lại ra lệnh đóng một chiếc bè đưa vợ chồng công chúa ra khỏi kinh thành. Chiếc bè trôi lênh đênh ngoài biển rồi giạt được vào một mé rừng vắng. Vốn xưa sống bằng nghề đốn củi anh tiều phu đủ sức chu cấp, lo cuộc sống qua ngày cho vợ chồng mình. Thời gian trôi, nơi quê nhà giặc kéo đến giết phá, các tướng giỏi đều không chống nổi. Hay tin cha lâm nạn, hai vợ chồng anh tiều phu về kịp đuổi giặc và cứu được vua cha. Đến đây, nhà vua mới tỏ vẻ ân hận về việc làm trước kia của mình. Nhường ngôi cho con là nhà vua phần nào chuộc được lỗi lầm trước kia.

Ngay cả truyện dân gian Bắc Bộ, nhân vật “đế vương” vẫn không đại diện cho tư tưởng Nho giáo. Nhà vua, hoàng hậu trong cổ tích thường là lý tưởng. Những nhân vật đó được xây dựng như tượng trưng cho xã hội tốt đẹp (đó chính là lý tưởng xã hội thẩm mỹ của tác giả dân gian). Tuy nhiên, thường thì những nhân vật ông hoàng bà chúa, thái tử, hoàng tử... xuất hiện trong những chuyện dân gian rất mờ nhạt, các hành động lần theo tình tiết cốt truyện không nhiều. Ở đầu các truyện, vua, thái tử, hoàng tử mãi làm theo quyết định bằng quyền uy của mình, về cuối những quyết định sai lầm trước chính vua và hoàng tử nhận ra kịp sửa đổi theo hướng tích cực được quần chúng nhân dân chấp thuận.

Ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo trong truyện dân gian người Việt Nam Bộ, nhìn chung, được thể hiện ở một số phương diện dưới đây.

Trước hết, dễ thấy nhất, sự ảnh hưởng ấy hóa thân trong một nhân vật quen thuộc với tín ngưỡng dân gian: Bụt, Phật,.. nổi ngay trên bề mặt ở một số truyện dân gian người Việt Nam Bộ, Bụt, Phật hiện lên để mách bảo điều gì đó hoặc là vị cứu tinh giúp mọi người vượt qua những tai họa chực chờ. Xét ở phương diện này, trong một số truyện đôi khi chúng ta thấy có thể có sự gặp gỡ giữa tư tưởng Phật giáo với tín ngưỡng dân gian. Ao Bà Om lúc đầu, sau cuộc thi giữa phái nam và phái nữ, chưa vuông vắn như bây giờ. Thế rồi một đêm kia, nhân dân vùng bên cạnh ao thấy các vị thần hiện lên quở trách, bảo rằng phải sửa lại cho vuông. Sáng ra, nhân dân nhanh chóng làm đúng như lời thần mách bảo (Truyện Sự tích ao Bà Om). Như vậy, ao Bà Om được vuông như ngày hôm nay là do nhân dân làm theo lời thần. Có thể người ta không hiểu vì sao thần bảo sửa lại cho vuông thế, nhưng có điều không thể phủ nhận là tín ngưỡng thần linh đã ăn sâu, khắc đậm vào tâm thức con người. Cho nên họ không thể mà cũng không dám làm trái lời thần vì nếu làm thế thì đã chạm vào đấng tối cao. Giả như dám chống lại các vị thần, Thiên Lôi hay không chịu ơn, tin vào một vị thần linh nào, người ta cũng chịu ơn tin vào một vị thần khác. Đó là trường hợp của anh Tràm ngỗ ngược trong truyện Sự tích cây tràm. Người ta bảo anh Tràm chết nhưng vẫn không phục các vị thần trên trời nên lá vẫn nghiêng nghiêng. Qua truyện ta thấy, anh Tràm một mặt không tin vào thần linh, mặt khác chỉ chịu ơn ông Táo. Những lần đối đầu giữa anh và các vị thần trên trời là cuộc đấu trí gay go. Với sự giúp đỡ của ông Táo, thần đại diện cho trí tuệ, sức mạnh quần chúng nhân dân, anh Tràm bao phen toàn thắng. Nhưng chính sự nghi oan, đổ lỗi cho người khác, sự nông nổi, tức giận trong phút giây đã khiến anh phải gánh hậu quả nặng nề, phải trả giá bằng cái chết.

Bụt, Phật thường xuất hiện khi người hiền, người nghèo gặp tai ương. Chàng trai trong truyện Chết ba năm sống lại một giờ, để coi người nghĩa phụng thờ ra sao, khi bị phát bệnh nổi đơn đã bị cha mẹ bỏ vào rừng sâu. May nhờ chàng trai ăn được đào, cơ thể khỏe khoắn, lành lặn như trước, lại được tiên tặng cho quần áo và một hòm vàng. Sau, vợ chồng tìm được nhau, chung sống hạnh phúc, còn cha mẹ vợ độc ác thì bị trời đánh chết. “Ở hiền gặp lành” từ lâu đã là câu chuyện truyền miệng dường như bất di bất dịch của các tác giả dân gian về các truyện dân gian. Những người ấy họ luôn gặp may trong cuộc sống, những người ấy luôn được các thế lực phù trợ giúp đỡ (trong Vàm Bảy Vàng, Tiểu phú do thiên, đại phú do cần,...) Không chỉ thế, Bụt, Phật còn hiện lên thử thách người ngay, gian, trừng phạt kẻ độc ác, bất hiếu. Anh tiều phu nghèo bấn không giữ được lời hứa của mình với tiên ông là sau khi thỏa được điều ước giàu có và quyền uy phải lo sửa mình, không được làm việc gì hại cho kẻ khác. Chính anh tạo ra cuộc sống giàu có và quyền uy của mình, rồi cũng chính anh tự tay phá bỏ nó đi. Cuộc sống nghèo khổ, túng bấn với căn chòi lá trở lại, anh tiều phu lại rách rưới như hồi nào. Những giá trị kim tiền đã đổi hướng bản tính trong con người anh tiều phu, anh đã bị sự giàu có và quyền uy che mờ nhân phẩm. Đó chính là tư tưởng nhân quả của nhà Phật. Và cái giá phải trả ở cuối câu chuyện cũng không làm cho mọi người khó chịu (truyện “Hai điều ước”). Người ta cũng cảm thấy không khó chịu khi đứa con gái lười biếng, bất hiếu tên Thơm trong Sự tích trái thơm cũng lãnh hình phạt của chính lời cằn nhằn của chính mình. Thần chuyên trừng trị những kẻ bất hiếu hiện ra kịp thời để hóa phép cô gái tên Thơm thành một loài trái để trả ơn cha mẹ. Đó là hình phạt dành cho đứa con vô lễ, bất hiếu với mẹ. Đối với những người thay lòng đổi dạ, sống cảnh giàu sang quên nếp sống nghèo hèn thuở nào, Bụt lại “sẵn lòng” hóa kiếp thành những gì mà chính miệng họ thốt lên mắng nhiếc, nguyền rủa kẻ khác (Sự tích con kiến). Đó chính là nghiệp báo mà con người phải nhận lấy vì những hành động ác tâm của mình.

Trong truyện Sự tích chim bìm bịp, nàng thiếu nữ lặn lội đi Tây phương tìm Phật, trải qua nhiều thử thách, thế mà phút cuối cùng cũng không cưỡng lại lòng đã để cho mình trở thành một người mất tín nghĩa. Những người như thế không thể đủ lòng từ bi để đến được cõi Phật. Bất Nhẫn nóng nảy cũng đã làm hỏng việc trong giây phút cuộc đời. Kiếp chim tu hú mà Bất Nhẫn bị trừng phạt là bài học cho những ai nóng nảy, không sửa được tính xấu.

Phải nhìn nhận kỹ không phải chỉ những truyện dân gian có xuất hiện Bụt, Phật thì mới là truyện có màu sắc hoặc chịu ảnh hưởng của Phật giáo sâu đậm. Nhiều lúc trong các truyện không hề xuất hiện bóng dáng Bụt, Phật, hay là có nhắc đến một nhân vật để làm nổi rõ cốt truyện. Nghĩa là nổi trên bề mặt câu chuyện không thấy những nhân vật phù trợ hoặc trừng phạt người gian xuất hiện, nhưng nếu xét về bề sâu tư tưởng tác phẩm thì truyện ấy lại chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của tư tưởng Phật giáo. Truyện sự tích sông Nhà Bè hay truyện Thủ Huồng là một trong những truyện dân gian thể hiện được ý vừa nêu trên. Thủ Huồng tên thật là Võ Thủ Hoằng, người Gia Định, xuất thân làm thơ lại. Trong hai mươi năm luồn lọt trong các nha, các ty, Thủ Huồng đã làm cho bao gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng. Tiền bạc, nhờ đó, hắn vơ vét được rất nhiều. Một số đem chôn cất, một số đem tậu ruộng, cho vay lãi,... khi thấy cuộc sống quá thừa thải, hắn bèn thôi việc về nhà, sống cuộc đời trưởng giả. Thủ Huồng là người yêu vợ. Hôm nọ, có người mách cho Thủ Huồng biết ở Quảng Yên có chợ Mãnh Ma là chỗ người sống và người chết có thể gặp nhau vào nửa đêm ngày một tháng sáu hằng năm. Thu xếp việc nhà xong xuôi, Thủ Huồng quyết lên đường tìm vợ. Khi gặp nhau họ ngỡ ngàng nhận diện và kể cho nhau nghe hoàn cảnh sống từ lúc âm dương cách biệt. Rồi Thủ Huồng muốn theo vợ xuống âm phủ chơi, vợ đồng ý dẫn đi. Qua mấy dặm đường tối mịt, chẳng mấy chốc vợ chồng đã đến cõi âm. Thủ Huồng thấy rùng mình trước cảnh trừng phạt mà bao nhiêu hình phạt cõi âm đang bày ra. Hắn thấy nơi đây quả là nơi trả báo của con người trần thế đúng như lời đồn đại của người đời. Đi một hồi, Thủ Huồng đến một kho gông, trong đó có một cái gông đặc biệt vừa to vừa dài làm bằng những thanh gỗ lớn. Qua hỏi thăm, nghe đâu cái gông dành cho một người tên Võ Thủ Hoằng trên dương thế chuyên làm chuyện thất đức. Nghe đúng tên mình kèm theo những lời kể tội rành rành những việc oan nghiệt, ác độc mà mình đã làm, Thủ Hoằng sợ tái mặt, rụng rời tay chân. Thế ra những hành vi tội lỗi hắn làm trong hai mươi năm qua, những việc từ nhỏ đến lớn, dưới cõi âm đều rõ mồn một. Lại nữa, cai ngục đã dành sẵn cho hắn một cái án mà hắn đang mang trên dương thế, và chính cái gông đặc biệt kia là hình phạt hắn tự chuốc khi lìa thế gian. Tưởng yên ổn thảnh thơi sau hai mươi năm làm việc ác, Thủ Huồng giờ mới nhận ra tội lỗi tày trời của mình. Có lần vào năm Ất Sửu hắn sửa hai chữ “ngộ sát” thành “cố sát”, làm hai mẹ con Thị Nhàn bị chết oan, để người anh họ chiếm gia tài. Việc này Thủ Huồng được 10 nén vàng, 10 nén bạc và 100 quan tiền. Cũng năm đó, hắn làm cho ông Ngô Lại ở thôn Bình Ca bị hai năm tội đồ chỉ vì trong nhà có cái áo vải vàng để đoạt không của ông ta mười hai mẫu ruộng. Những việc làm của Thủ Huồng đã gieo cho hắn một cái họa về sau. Cái giá phải trả cho những tội ác mình làm là tư tưởng sâu sắc mang ý nghĩa nhân sinh của nhà Phật. Không ai làm thay đổi được bản tính của Thủ Huồng bằng chính Thủ Huồng. Cảm thấy cuộc sống này không chỗ dung thân cho kẻ ác, cũng không thể ỷ vào quyền thế ăn trốc, ngồi trên hiếp đáp, bóc lột xương máu người dân. Cảnh tượng cõi âm, cái gông đặc biệt mà chính mắt Thủ Huồng thấy, cũng như qua lời hạch tội của người cai ngục, Thủ Huồng đã kịp suy nghĩ và ý thức được việc mình làm. Của người phải trả cho người, về dương thế hắn hết lòng làm theo lời cai ngục: “Đã vay thì phải trả! Nếu hắn muốn hối cải thì phải đem những thứ của cải cướp được đó bố thí cho hết đi!”. Thủ Huồng mạnh tay bố thí, tập hợp người nghèo khó trong vùng phát cho họ lúa, tiền. Hắn đem ruộng đất cúng cho làng, cho chùa, chia cho họ hàng thôn xóm, mời hầu hết sư sãi các chùa quanh vùng tới để cúng cơm. Lần ấy, sau ba năm, tính ra hắn đã phát tán được ba phần tư cơ nghiệp. Nhớ lại lời hẹn với vợ, Thủ Huồng tìm đến chợ Mãnh Ma, nhờ vợ đưa xuống cõi âm lần nữa. Mục đích chính là muốn đến chỗ cũ xem cái gông, vì qua lời cai ngục nếu trên dương thế Thủ Huồng làm nhiều việc thiện, ban phát bố thí của cải cho dân nghèo thì cái gông to của hắn sẽ teo lại ít nhiều tùy theo công đức của hắn. Trở lại nhà ngục, quang cảnh vẫn như xưa, lão cai ngục vẫn vậy. Duy chỗ kho để gông có thay đổi, bên cạnh những cái còn nguyên hình như cũ, có những cái trước nhỏ nay lại lớn lên. Đặc biệt cái gông dành cho Thủ Huồng lúc trước thì bây giờ teo lại nhiều. Thủ Huồng lân la hỏi cai ngục thì nhận được câu trả lời “Có lẽ gần đây trên dương thế, thằng cha ấy (tức Thủ Huồng) biết chuộc lỗi, nên nó đã nhỏ lại. Nếu hắn gắng nữa thì sẽ có phúc lớn”. Qua sự việc này, Thủ Huồng như nhận chân rõ hơn về quy luật vay trả của cuộc đời. Cái gông to, qua ba năm Thủ Huồng trang trải công nợ, teo lại như càng củng cố niềm tin của hắn vào quy luật ấy. Triết lý trả báo tội lỗi từ trong bề sâu tác phẩm khiến người đọc nghĩ ngợi, đắn đo. Trong thực tế không phải không thường xuyên xảy ra những chuyện như thế. Quá khứ ác gian đeo đẳng con người ta suốt trọn một đời, kẻ gieo gió ắt thời gặp bão. Trở lại trần gian lần này, Thủ Huồng tiếp tục bố thí, bán cửa, bán tất cả những gì còn sót lại để bố thí. Hắn dựng một ngôi chùa lớn để cúng Phật ở Biên Hòa, rồi xuôi sông Đồng Nai để làm việc nghĩa cuối cùng. Thủ Huồng quyết định dừng ở ngã ba sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, cho kết một cái bè lớn, trên có dựng nhà, có chỗ nghỉ, có nồi niêu, đồ dùng, gạo củi, mắm muối,…Những thứ ấy hắn dùng để tiếp rước người qua lại, khốn khó lỡ đường. Hắn cho trú ngụ tại bè năm ba ngày mà không lấy một cắc bạc. Và hắn làm công việc đó mãi cho đến ngày hắn chết. Truyện không nhắc đến sau khi Thủ Huồng chết thì cái gông ấy có teo lại nữa không, nhưng đoán chắc một điều rằng, những tội lỗi xưa kia gần như Thủ Huồng đã trang trải hết. Việc làm về sau của Thủ Huồng là muốn lấy ân đức để đắp bù những tội lỗi trước kia mà hắn gây nên.

Triết lý “nhân - quả” vay trả của nhà Phật không phải ngẫu nhiên hiện lên mà khi chúng ta đi sâu vào các chi tiết trong truyện thì mới phát hiện ra điều đó. Cái gông to là hình phạt cho những người như Thủ Huồng. Cố tu nhân tích đức chuộc lại lỗi xưa là tự mình giúp cho mình thoát ra vòng khổ não. Thủ Huồng chết nhưng công ơn, lòng tốt còn được mọi người ghi nhớ như đã giảm nhẹ phần nào tội lỗi ngày trước Thủ Huồng gây nên. Chiều sâu câu chuyện khiến ta nghĩ nhiều về luật “nhân - quả” của triết lý nhà Phật, về sự vay trả của thường nhật cuộc đời. Tư tưởng Phật giáo - vì thế - hiện lên bao trùm toàn bộ câu chuyện. Chợ Mãnh Ma, nơi hai vợ chồng gặp nhau có cái gì đó huyền ảo. Nhưng chính nó tạo nên một cái nền vững chắc cho nhân vật chính bước từ thế giới thực vào thế giới phi hiện thực, để từ đó mà đường dây câu chuyện tiến triển không gượng ép, có sức lôi cuốn thực sự.

Một số truyện dân gian khác, xét về sự ảnh hưởng Phật giáo nằm trong tư tưởng tác phẩm so với Sự tích Sông Nhà Bè, thường hiện lên rất mờ ảo và không sâu sắc. Sự tích bình vôi chỉ muốn đề cập đến một khía cạnh của ngũ giới nhà Phật, đó là lòng thành thật, biết hối cải khi sai. Anh ăn trộm, bỏ nghề ăn trộm xin vào chùa tu. Mấy năm trôi, anh luôn làm tròn phận sự, và chính sự cần cù siêng năng của anh khiến một chú sãi phải ghen ghét, tìm cách hại anh. Chú sãi được toại nguyện khi cọp chặn đường đòi ăn thịt ngay lần đầu anh đi sang Truông Cát xin lửa về nhóm nước cúng Phật. Anh bằng lòng, và xin hứa đem lửa về nấu nước cúng Phật xong sẽ lại nộp mạng. Tấm lòng thành ấy gợi lòng từ bi nơi Phật. Anh không chết mà được Phật rước về cõi Phật. Chú sãi nọ thấy vậy liền làm theo, cũng qua Truông Cát xin lửa, gặp cọp, giữ lời hứa, nhưng chính bản chất ích kỷ, ghen ghét người ngay của mình đã bị trừng  phạt thích đáng. Hay như ông Hương Lễ hay làm việc phước thiện. Thấy cái cầu cũ, nhỏ hẹp, gập ghềnh khó đi, không an toàn cho người qua lại, ông đã bỏ tiền ra xây dựng cầu mới, rồi ông mua đá xanh lót từng miếng dài theo đường để tiện cho dân đi lại trong mùa mưa lũ. Ông đem tiền của để làm việc công ích, không để ý đến lời khen chê của người đời. Đến lúc trước khi qua đời ông còn căn dặn người nhà rằng không được thiết ma chay linh đình, để dành tiền giúp vào việc công ích. Ý nguyện đó, xét trong tầng sâu, mang sắc thái Phật giáo rõ rệt. Cứu giúp người đời thoát khổ, thoát nạn là nguyên lý không dời của đạo Phật. Những việc làm của ông Lễ cốt là muốn cho người dân bớt khổ cực… Trong Thạch Sùng tiếc của, Sự tích chim chìa vôi lão già gian ác tham lam và lão phú hộ đắm sắc tàn bạo phải trả giá cho hành vi của mình. Lão già gian ác tham lam trong Thạch Sùng tiếc của đã phải chịu mất cả gia tài đồ sộ, biến thành tên đầy tớ suốt ngày chắt lưỡi, nên chết hóa thành thạch sùng. Còn lão phú hộ đắm sắc tàn bạo trong Sự tích chim chìa vôi chết dưới một con dao gần như ngẫu nhiên trước cửa nhà.

Đoạn vợ chồng ông Lãnh van vái trời đất cho dân làng thoát qua nạn dịch, nguyện thế mạng để cầu cho dân chúng thoát khỏi cảnh đau thương (trong truyện Địa danh Cao Lãnh). Ngay khi vợ chồng ông Lãnh qua đời cũng là lúc nạn dịch chấm dứt. Hay đoạn lão phú hộ trong Sự tích chim chìa vôi, sau khi đã làm hại người vợ cắn lưỡi chết, anh chồng thương nhớ vợ ngã bệnh rồi qua đời, hóa thành chim chìa vôi. Ông phú hộ đang ngồi trên sạp gỗ nghe chim chìa vôi hót “Xe cộ kéo kéo, ai kéo vợ tao….” mà như chửi mình, liền nhào ra chụp con chim đang đậu trước cửa nhà. Chẳng ngờ, hắn đụng phải con dao nhọn trước cửa nhà, dao rớt, hắn vấp ngã, con dao đâm trúng ngực, chết ngay. Hình ảnh con dao như thay thế cho quyền nhân dân phán quyết tội trạng lão phú hộ. Trong các đoạn truyện tiêu biểu vừa nêu trên, ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo chìm sâu vào tình tiết là một biến cố quan trọng, nó có thể đưa truyện đến một bước phát triển mới. Các truyện như: Sự tích trái thơm, Sự tích con kiến, Hai điều ước,... đều có một vài tình tiết được xem như một biến cố quan trọng trong truyện.

Tóm lại, truyện dân gian người Việt Nam Bộ chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Phật giáo, thể hiện ở nhiều phương diện. Có thể sự ảnh hưởng ấy nằm trong tư tưởng của tác phẩm, có thể sự ảnh hưởng ấy hóa thân trong một nhân vật quen thuộc với tín ngưỡng dân gian (Bụt, Phật), có thể sự ảnh hưởng đó chìm sâu vào tình tiết là một biến cố quan trọng đưa truyện đến một bước phát triển mới. Và bên cạnh những yếu tố thuần túy Phật giáo đó, ở nhiều truyện đôi khi chúng ta thấy cũng có sự gặp gỡ giữa tư tưởng Phật giáo với tín ngưỡng dân gian.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Phương Thảo – Văn hóa dân gian Nam Bộ, những phác thảo (in lần thứ hai) – NXB Giáo dục, 1997 (trang 75, 76).

2. Nguyễn Hữu Hiếu – Truyện kể dân gian Nam Bộ - NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.

3. Khoa Ngữ văn Đại học Cần Thơ – Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long – NXB Giáo Dục, 1997.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)