Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Lời đồn

Đã đọc: 2684           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Ngày xưa có một người tên là Tăng Sâm sống cùng với mẹ già trong một ngôi nhà nhỏ. Tăng Sâm rất hiếu thảo, hàng ngày ông vào rừng đốn củi mang ra chợ đổi gạo nuôi mẹ, tối về chăm lo học hành, việc nấu sử sôi kinh không lúc nào xao lảng.

Một hôm Tăng Sâm có việc đi xa, ông vào thưa với mẹ:

- Con phải đi tới nước Tề làm một số việc, mẹ ở nhà cần giữ gìn sức khỏe, con sẽ cố gắng làm xong việc để trở về sớm.

Mẹ Tăng Sâm dặn dò:

- Con đi xa phải cẩn thận. Không được làm việc gì trái với đạo lý để mẹ phải buồn lo.

Tăng Sâm đáp:

- Xin mẹ hãy yên tâm, con luôn ghi nhớ lời mẹ dạy.

Tăng Sâm vừa đến nước Tề thì ở nước Tề xảy ra một vụ án mạng, có một người cũng tên Tăng Sâm phạm tội giết người vừa bị bắt. Lúc đó một người đồng hương của Tăng Sâm lầm tưởng ông là kẻ giết người, không tìm hiểu rõ đã vội vã trở về báo tin cho mẹ ông hay. Mẹ Tăng Sâm nghe xong, bình tĩnh nói:

- Con trai tôi không bao giờ làm việc hại người như thế.

Ngày hôm sau, một người láng giềng chạy sang nhà Tăng Sâm báo cho mẹ ông hay:

- Tăng Sâm gây họa lớn rồi, cậu ấy giết người ở nước Tề và đã bị bắt chờ ngày xử tử.

Mẹ Tăng Sâm vẫn bình tâm trả lời:

- Không nên nghe lời đồn nhảm. Tăng Sâm là con trai tôi, tôi hiểu rõ con người của nó.

Người láng giềng vẫn một mực khẳng định:

- Đúng là sự thật, người giết người bị quan phủ bắt tên là Tăng Sâm.

Mẹ của Tăng Sâm vẫn thong thả ngồi dệt vải. Vừa lúc đó lại có một người từ ngoài chạy vào kêu toáng lên:

- Tăng Sâm giết người rồi, Tăng mẫu hãy chạy trốn mau mau!

Thấy liên tục có nhiều người đến báo Tăng Sâm giết người, mẹ Tăng Sâm không còn bình tĩnh nữa, bà đâm ra hoang mang lo sợ, vội vàng thu dọn đồ đạc rồi bỏ nhà trốn đi.

Mẹ của Tăng Sâm hiểu rất rõ con mình là người như thế nào, vậy mà cuối cùng vẫn đánh mất lòng tin nơi con mình khi mà nhiều sự việc xảy ra, nhiều tin đồn thất thiệt đưa đến. Khi liên tục có ba người đến báo tin Tăng Sâm phạm tội giết người, bà đã mất bình tĩnh, hoang mang lo sợ đến mức chưa xác định thực hư như thế nào đã bỏ nhà chạy trốn.

Trong thời gian gần đây trên thế giới có quá nhiều vụ tự sát, nhất là ở Nhật và Hàn Quốc, chỉ vì không chịu nổi áp lực từ những tin đồn, những điều tiếng thị phi, dư luận xã hội. Ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác, những tin đồn, xì căng đan (scandal) cũng làm cho giới ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu phải thất điên bát đảo. Tin đồn, điều tiếng thị phi, xì căng đan từ lâu đã trở thành thứ vũ khí vô hình cướp đi lòng tin, hạnh phúc, sự yên ổn, thậm chí là sức khỏe, sinh mạng của nhiều người. Bởi thế mà người xưa nói: “Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn, lòng người quanh tợ khúc non quanh”.

Ngụ ngôn dân gian có nhiều câu chuyện vui nhưng hàm súc. Có hai cha con nhà nọ dắt một con lừa ra chợ bán. Người đi đường trông thấy xì xầm bảo nhau: “Hai cha con này khờ thật, sao không cưỡi lừa mà đi cho khỏe cái chân!” Hai cha con người kia bèn cưỡi lên lưng lừa. Đi một đoạn thì nghe có người bảo: “Sao có người ác thế! Hai người chất lên lưng con lừa, làm sao nó chịu nổi.” Người cha bèn xuống đi bộ, để đứa con trai cưỡi lừa. Đi chưa được bao xa, bên đường lại có người chỉ trỏ nói với nhau: “Ai đời con cưỡi lừa để cho cha đi bộ. Đúng là con cái thời nay có khác!” Người cha lại lên lưng lừa và bảo đứa con xuống đi bộ. Hai cha con đi chưa đến chợ đã nghe có người bàn tán về mình: “Sao lại có người cha như thế chứ! Để con đi bộ còn mình thì ngất ngưởng trên lưng lừa”. Đến lúc này thì hai cha con nhà kia chẳng biết phải làm sao cho vừa lòng thiên hạ.

Hay câu chuyện của người chủ cửa hàng cá: Có một cửa hàng bán cá treo bảng hiệu đề mấy chữ thật to: “Ở đây có bán cá tươi”. Bảng hiệu treo chưa được bao lâu thì chủ cửa hàng nghe có người cười bảo: “Nhà này trước kia bán cá ươn hay sao mà bây giờ phải đề bảng hiệu là “bán cá tươi”. Chủ cửa hàng nghe nói liền bỏ ngay chữ “tươi” đi. Hôm sau có khách đến mua cá, nhìn thấy bảng hiệu lại bảo: “Chẳng lẽ người ta đến hàng hoa để mua cá hay sao mà phải đề là “ở đây”? Chủ cửa hàng nghe nói thế bèn xóa hai chữ “ở đây” đi. Cách vài ngày lại có người đến mua cá cũng nhìn lên bảng hiệu cười bảo: “Ở đây chẳng bán cá thì bày cá ra để khoe hay sao mà phải đề là “có bán”? Chủ cửa hàng nghe nói thế cũng cho rằng có lý liền bỏ ngay hai chữ “có bán”. Thế là trên bảng hiệu chỉ còn mỗi một chữ “cá”, chủ cửa hàng nghĩ bụng chắc không còn ai bắt bẻ nữa. Nhưng vài ngày sau người hàng xóm sang chơi, nhìn thấy cái bảng hiệu nói: “Vừa đi đến đầu phố đã ngửi thấy mùi tanh, đến gần thấy cá bày đầy ra đó, ai chẳng biết mà còn để bảng làm gì? Nghe người hàng xóm nói vậy, chủ cửa hàng cá gỡ luôn cái bảng hiệu bỏ đi. Thế là vì nghe theo lời ra tiếng vào mà cửa hàng cá của người nọ không có bảng hiệu. Bởi vậy có câu: “Chín người mười ý” và “Cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Ca dao Việt Nam có lời khuyên rằng: “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân. Dù ai nói đông nói tây, ta đây vẫn vững như cây giữa rừng”. Cần phải có chủ kiến, giữ vững lập trường quan điểm của mình nếu đó là điều đúng, có lợi cho mình, cho người; phải biết nhận xét, đánh giá, không nên mù quáng tin, nghe theo lời thiên hạ, chịu tác động tiêu cực của dư luận.

Có nhiều gia đình tan nát chỉ vì những lời bàng quan bên ngoài chê người này, khen người kia, đâm bị thóc, thọc bị gạo; có nhiều cặp vợ chồng mất hạnh phúc, thậm chí đổ vỡ chỉ vì lời ra tiếng vào, lời ong tiếng ve của bạn bè, họ hàng bà con thân thuộc, hoặc hàng xóm láng giềng. Có khi những lời khen chê ấy có ác ý, nhưng cũng có khi chỉ là lời của những kẻ không ra gì, những kẻ ngồi lê đôi mách. Người hồ đồ nông nổi, tính tình nóng nảy, bộp chộp thường bị tác động bởi những điều tiếng thị phi, hoặc những lời khen chê, làm cho họ mất hết lý trí dẫn đến hành động sai lầm, tác tệ. Dân gian thường nói: “Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét bồ hòn cũng méo”. Khi thương, khi yêu thích thì dù người có nhiều khuyết điểm, lỗi lầm, thiên hạ cũng không nhìn thấy, mà có nhìn thấy thì cũng chẳng xem đó là quan trọng, người ta có thể bỏ qua, bao che, bưng bít. Nhưng một khi không thương, không thích, hoặc ganh ghét, đố kỵ, có thành kiến thì dù người có nhiều ưu điểm, có nhiều tính tốt, thiên hạ cũng tìm cách nói xấu, chê bai, chỉ trích. Cho nên người xưa có dạy: “Đối với tiếng khen chê, nên bình tâm suy xét, đừng vội tin nghe. Nếu vua tin nghe lời thị phi thì tôi thần bị giết; cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con bị hại; anh em chồng vợ tin nghe lời thị phi thì phải chia lìa; thân bằng quyến thuộc, hàng xóm láng giềng nếu tin nghe lời thị phi thì đi đến chỗ đoạn tuyệt. Miệng lưỡi thế gian thật độc hơn rắn rít, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu”.                

Có một lần hai thầy trò ngoại đạo tên Phạm Ma Đạt đi theo sau Phật, người thầy dùng đủ lời chê bai, phỉ báng Phật trong khi người đệ tử lại dùng đủ lời tán dương ca tụng Ngài. Đức Phật vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, sự im lặng của Ngài khiến cho các đệ tử lấy làm kinh ngạc. Sau khi Tăng đoàn về đến tịnh xá, thọ thực xong, các thầy Tỳ kheo nhắc lại chuyện gặp phải dọc đường: “Đức Thế Tôn có thiên nhãn, thiên nhĩ, Ngài nghe và thấy tất cả, sao có người tán dương khen ngợi, có người lại chê bai, phỉ báng mà Ngài không có một phản ứng nào?” Không ai hiểu nguyên nhân vì sao. Đức Phật biết các thầy Tỳ kheo đang thắc mắc về thái độ của mình, Ngài bèn đi đến và dạy rằng: “Nên nói năng như hiền thánh và nên im lặng như hiền thánh. Khi được ngợi khen, các ngươi chớ nên thỏa thích, tự mãn với lời khen đó mà bị chìm đắm, mê muội. Khi nghe lời chê bai, phỉ báng, các ngươi chớ nên buồn rầu, chán nản mà tinh thần bị sa sút, tối tăm, hay phẫn uất, tức giận mà dẫn đến hành động sai lầm, nông nỗi. Khi nghe khen chê, các ngươi nên bình tĩnh, sáng suốt nhận định điều gì đúng với mình và điều gì không đúng với mình”.

Lời khen, chê là hai trong tám ngọn gió (bát phong: lợi, suy, hủy dự, xưng, cơ, khổ, lạc) làm cho đèn tâm dao động, ánh sáng trí tuệ lu mờ. Khi được khen, người ta lấy làm thích thú, thỏa mãn, ý chí chủ quan, sinh tâm tự phụ, từ đó dễ mắc phải sai lầm, nếu không thì cũng vì tự mãn mà không cầu tiến để vươn xa. Khi bị chê, nếu không có lòng tin nơi bản thân, không có tâm kiên định, không bình tĩnh sáng suốt để nhận định, đánh giá lời chê bai, phê bình, chỉ trích ấy có đúng không, có đáng để tiếp thu hay không, thì người ta dễ rơi vào tâm trạng buồn bã, khổ não, chán nản, mất niềm tin, mất phương hướng, không còn tinh thần làm việc, mất hết ý chí phấn đấu, thậm chí không còn muốn sống.  

Trong kinh Pháp Cú, đức Phật đã từng nói: “Toàn bị người chê cả, hay toàn được người khen cả, là điều quá khứ chưa từng có, hiện tại không thể có và vị lai cũng không có được” (PC.228). Và đức Phật nói về thái độ của người trí trước những điều tiếng thị phi, lời khen chê của người đời: “Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động; Cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động” (PC.81).

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)