Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Con đường của một màu áo

Đã đọc: 1969           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Vô thường hoa nở trên tay, Lật trang kinh Phật bụi bay mất rồi.

Dòng đời dịch chuyển, xoay vần như bánh xe sinh hóa. Đến - đi, vào - ra vô cùng, vô tận; song có ai một lần ngẫm lại kiếp sống phù du ấy tận gốc rễ, để mỉm cười khi nhìn thấy một đóa hoa vừa nở, và cũng mỉm cười lúc chợt thấy một cánh hoa đương tàn theo chiều gió. Đặt vấn đề, để rồi truy nguyên giá trị; làm sáng tỏ vấn đề, để định vị kiếp sống, thăng hoa tâm thức. Chứ không thể theo nếp sống như một “triết gia ngủ gật”, chợt nêu lên vấn đề rồi chìm trong giấc ngủ mơ màng về một tri thức khô khan.

Hết thảy đều có giá trị chân thật của nó; và đóa hoa tâm thức chỉ bùng lên khi mọi trói buộc đều đã bị chặt đứt. Chân trời rộng mở chỉ khi con người cất bước, dù bằng đôi chân trần sạm nắng hay bước chân tri thức đầy vết hoen ố. Mọi con đường đều đi đến đích. Và tất cả đều là chân giá trị cho những bước chân thực nghiệm và một tâm thức không một vết hằn bởi năm tháng tử - sinh.

Chúng ta sống giữa đời, biết bao nỗi buồn vui, biết bao kỷ niệm thân thương, trìu mến. GĐPT, trải bao thời gian, với nhiều biến cố của cuộc đời đầy vơi; người đến, người đi để lại nhiều kỷ niệm khó quên.

Có những kỷ niệm làm cho con người ngày càng đau khổ, có những kỷ niệm chỉ là kỷ niệm bình thường như tự thân của nó, song lại có những kỷ niệm mà đi xa lại mong trở về bên mái ấm GĐPT ngày xưa. Có người anh, người em bây giờ đang nằm giữa núi rừng cô tịch, mồ hoang cỏ lạnh; có người lận đận mưu sinh giữa chốn phồn hoa thị thành; có người mãi ham vui mà ra đi, song cũng có người ở lại quê nhà giữ gìn tâm huyết, giữ gìn chiếc áo lam yêu quý, như giữ gìn tinh thần cao quý, như giữ gìn linh hồn của chính mình. Chính những tâm tình đó, mà hôm nay lại gắn kết quý vị ở mái ấm GĐPT Đà Nẵng này để chia sẻ những buồn vui kỷ niệm giữa cuộc sống.

Nghĩ rằng, chỉ cần một chút tình xưa ấy, đã đủ sưởi ấm lòng người tha hương, khách lữ, đủ làm ấm lòng người ở lại quê nhà. Và đó là nguồn năng lượng cao quý giúp chúng ta sống mà không quên hoài bão của mình đã một thời cùng nhau phát nguyện trước ngôi Tam bảo.

Đà thành vang vọng tiếng chuông ngân

Soi sáng tình thương lắng bụi trần

Hơi thở nào quên muôn kỷ niệm

Chu niên sưởi ấm mối tình thân.

Năm tháng trôi qua, biển dâu thay đổi nhưng giờ đây các thế hệ ngồi hát với nhau, bên chén trà, kể cho nhau nghe những nỗi buồn - vui, thăng - trầm song vẫn giữ được tính thuần khiết đạo hạnh của GĐPT. Không phải vì đêm tối nên mặt trời không hiện hữu, không phải vì ban ngày mà thiếu ánh trăng sao!

Do đó, khi nhìn lại thân phận của kiếp người có cái gì đó mỏng manh. Sự phù phiếm tựa như hoa đốm giữa hư không về một sinh mệnh. Một dấu chấm hỏi về cuộc tồn sinh đang là nấc thang đè nặng trên đôi vai gầy của những ai có chút nhận thức về một lối sống, về một kiếp người mộng ảo tựa như một hạt sương trong có đó rồi chợt biến đi. “Cái chập chờn của một thân thế phiền não không biết mai này mốt nọ ra sao, cứ thắc thỏm muốn gửi gắm vào cuộc đời một linh hồn phiêu lạc. Tôi phiêu lạc bao nhiêu năm rồi trên một dòng đời không bờ bến. Có khi tưởng bờ là bến. Có khi tưởng bến là bờ. Cái tạm và cái thường hằng lắm khi là một. Thế mà cứ lại là khác nhau. Cái bờ mỏng mảnh khoảnh khắc ra đi. Cái bến nhiều khi bền bền ở lại. Bờ mở ra những bến. Có dâu bể cho bờ. Nên định mệnh bờ thường trói buộc thân phận bến. Tôi là bờ em ra đi. Em là bến tôi ghé lại. Con đò ghé qua bờ này bờ nọ nhưng sẽ đậu lại ở một bến kia”. (Trịnh Công Sơn)

Cũng từ khoảnh khắc ấy, thân phận ấy giữa đời thường biến thiên vô thường mà mỗi chúng ta tự nhìn lại, tự xác định lý tưởng và tự mình thắp đuốc mà đi trong xu thế khoa học phát triển và hội nhập khuynh hướng toàn cầu hóa. Bản thân  người huynh trưởng hiện tại phải ghi nhớ đến thế hệ huynh trưởng tiền bối đã dày công vun đắp ngôi nhà Lam, phải luôn luôn thực hành đúng châm ngôn Bi - Trí - Dũng của GĐPT, và khắc phục những khó khăn để xây dựng GĐPT ngày một vững mạnh thì đòi hỏi một nỗ lực lớn lao trong việc điều phục chính mình. Bởi cái đáng sợ, cái đáng vượt qua để gìn giữ chiếc áo Lam, đó là đối diện chính mình, chính tâm tư của mình. Cảnh tự tâm sanh. Tất cả đều do tâm biến hiện. Ai dám đối diện với chính mình? Một đối thủ vô hình vô tướng, không tên gọi, không hương sắc. Đối thủ này mới đáng gờm.

“Vó ngựa Thành Cát Tư Hãn không chùn bước trước bất cứ kẻ thù nào, nhưng tâm tư của Đại Hãn cảm thấy bất an khi nhìn sâu vào cuối con đường chinh phục một bóng dáng đang thấp thoáng đợi chờ. Đó là kẻ thù cần phải chinh phục cuối cùng. Đại Hãn biết rằng dầu có tập hợp sức mạnh của trăm vạn hùng binh cũng không thể đánh bại kẻ thù ấy, chinh phục quốc vương ấy. Ông cho đi tìm một người trợ thủ, tìm cố vấn thông thái nhất và khôn ngoan nhất để tập hợp được sức mạnh siêu nhiên. Sứ giả Đại Hãn đi vào núi Chung Nam thỉnh cầu đạo trưởng Khưu Xử Cơ. Đạo trưởng khởi hành, băng sa mạc, đến tận đại bản doanh của Đại Hãn để giảng giải cho Đại Hãn ý nghĩa trường sinh bất tử, những ẩn nghĩa huyền vi từ quyển thiên thư năm nghìn chữ của Thái thượng Lão quân. Cuối quyển thiên thư, khi tất cả ẩn ngữ coi như đã phơi bày ý nghĩa thâm sâu. Đại Hãn chỉ xác nhận được một điều: Ta sẽ là người chiến bại trong cuộc chiến cuối cùng ấy. Vậy ý nghĩa của chinh phục là gì?”(Nguyên Chứng). Do đó,  đức Phật dạy: “Chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”.

Và trong cuộc hành trình tìm lại bản thân và gương mặt xưa nay của chính mình, hãy nên học hạnh của đất để chúng ta có đủ định lực kiên cố mà vượt qua mọi phong ba, chướng ngại để khẳng định con đường chúng ta đã chọn, bởi vì đất được ví như người mẹ hiền, bao năm lầm lũi, lặng nhìn quê hương đổi thay. Lòng người thay đổi, phai nhạt như một ngọn gió chợt thoáng qua kẽ lá. Đất âm thầm chịu đựng; người xưa thường ví von đức tính ấy như là một phẩm tính vô giá của người mẹ; để rồi, hội họa gọi tên bằng màu sắc; âm nhạc hóa hiện thành âm điệu; thi ca ôm ấp bằng lời, bằng hình ảnh bóng bẩy, du dương; điêu khắc hóa hiện qua hình tượng, và chính con người cảm thụ qua sự rung động của trái tim nồng cháy - nóng bỏng hương tình.

Đất ôm ấp gìn giữ mọi thứ, mặc cuộc đời sông nước chảy về đâu! Nhìn bề mặt, đất im lìm trơ gan cùng năm tháng; song trong tận lòng sâu, ai có hay đất vẫn chuyển mình. Khi dữ dội, khi dịu êm, khi đằm thắm, êm ả như những lúc hạ về, tiếng mẹ hò điệu dân ca đậm chất điền dã, đượm chút mặn mòi của hương biển và ngọt ngào của sông nước quê hương.

Và rồi, cuối chân trời, nhìn đàn ngỗng bay ngang bầu trời, khi giông bão đến; chúng bay theo hình chữ V. Mỗi khi con ngỗng vỗ cánh, sẽ tạo một lực đẩy cho con ngay sau nó. Mỗi khi có một con lạc đàn, nó cảm thấy sức trì kéo và khó khăn của việc bay một mình; nó cố gắng bay theo  nhập vào đàn để hưởng ưu thế từ bầy. Khi mệt mỏi, con đầu đàn sẽ chuyển sang vị trí cánh và con ngỗng khác dẫn đầu. Tiếng kêu của bầy ngỗng đằng sau, sẽ động viên con đầu đàn giữ vững tốc độ. Khi một con ngỗng bị thương, rơi xuống, hai con ngỗng khác rời bầy cùng xuống để chăm sóc và bảo vệ con bị thương hay bệnh. Sau đó, khi nào con ngỗng kia hết bệnh, có thể bay, chúng lại nhập vào một đàn khác để tiếp tục bay về phương Nam.

Chính bức tranh thiên nhiên chợt hiện ấy mà chỉ qua một vài nét vẽ đơn giản của người họa sĩ đã họa nên một con đường. Đó là con đường in đậm thảo hài vô chung của chư vị tiền bối. Con đường đã một thời đón nhận hình bóng trơ xương cùng tuế nguyệt của tiền nhân. Hình ảnh Tôn giả Kiều Trần Như, một hạt mè nuôi thân tứ đại để rồi những đốt xương trở thành chiếc áo bao bọc chính nó. Thật đúng với câu nói, nhìn sợi vải thấy rõ chính linh hồn. Rồi, hình bóng ung dung trong biển lửa để gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh nhân loại, thắp lên ánh đuốc giữa chốn mù sương của Quảng Đức Bồ tát; cùng âm thanh vô chung của chư vị Thánh tử đạo, xả thân vì sinh mạng Phật giáo một thời tại cố đô Thuận Hóa; và cũng đón nhận hình bóng trầm mặc của đấng Đạo Sư trong một đêm trăng sáng; ánh sao Mai đang tư lự giữa trời khuya ngất tạnh. Nó còn mang đậm hơi thở của chính Ngài: “Này các Tỳ kheo, một thời gian sau, trong tuổi thanh xuân, khi tóc còn đen mượt, với sức sống cường tráng; mặc dù cha mẹ không đồng ý với gương mặt đầm đìa nước mắt, Ta đã cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca sa, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình. Trong khi Ta đi như vậy, làm người đi tìm cái gì đó chí thiện, tìm con đường hướng thượng, tìm dấu vết của sự tịch mịch tối thượng...'”. (Nguyên Chứng)

Tóm lại, GĐPT là một tổ chức có lý tưởng, truyền thống và mục đích rõ ràng, đã được khai sinh từ thập niên 1940 tại Việt Nam, và là một tổ chức giáo dục tuổi trẻ được tin tưởng và yêu mến của mọi người. Trọng tâm của GĐPT là xây dựng con người dựa trên căn bản cao quý của giáo lý Tỉnh thức cũng như những tinh hoa và truyền thống cao đẹp của dân tộc. Lý tưởng của tổ chức được thắp sáng và trao truyền giữa thế hệ đàn anh và đàn em. GĐPT lấy giáo lý của đạo Phật làm căn bản hành hoạt, lấy châm ngôn Bi -Trí -Dũng làm ngọn đuốc soi đường.

Giờ đây, nhân GĐPT Đà Nẵng làm kỷ yếu kỷ niệm 60 năm thành lập, thầy có đôi điều chia sẻ và xin hướng vọng lên Tam bảo cầu nguyện quý anh chị em sức khỏe dồi dào, bồ đề tâm kiên cố để giữ gìn chí nguyện, giữ gìn lý tưởng của mình. Dẫu thời gian phôi pha, dẫu cuộc đời có biến thiên, sinh diệt, thì những kỷ niệm của GĐPT vẫn gắn liền với mỗi tâm tư, mỗi ánh mắt và cả nhịp đập của mỗi con tim được sinh ra và trưởng thành trong tình Lam yêu quý.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)