Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Bức tâm thư chia buồn

Đã đọc: 4793           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đang mê man nằm ngủ, đúng 0 giờ 15 phút, điện thoại reo, con tỉnh giấc bắt máy, nghe Vương khóc rất nhiều, con hốt hoảng không biết chuyện dữ gì đã xảy ra. Một hồi sau, con mới biết được tin buồn là em Trung đã đột ngột qua đời. Lòng con quặn đau, ớn lạnh xương sống. Phút giây mà Vương đau đớn khóc, con không biết phải dùng những lời lẽ nào thích hợp để động viên người bạn thân nhất của mình và gia đình, đành lặng im trong tiếng thở dài…

Hôm nay, gia đình mình đã đau buồn tiễn đưa em Trung về nơi vĩnh cửu của một kiếp người. Con đang lưu lạc chốn xa xôi không được trực tiếp tiễn em về nơi an nghỉ cuối cùng, lòng cảm thấy áy náy, xót xa. Ở phương trời này, con chỉ biết vận động, liên hệ bạn bè trong lớp cũ cùng nhau động viên, chia sẻ sự mất mát to lớn của gia đình và người bạn của chúng con là Vương.

Cuộc đời dẫu biết rằng rồi ai cũng sẽ qua chiếc cầu tử sinh, một chuyện tưởng chừng bình thường, như một quy luật tất yếu, nhưng có ai không cảm thấy xót thương, đau đớn khi người thân mình vĩnh viễn đi về thế giới bên kia, một thế giới mang tính trừu tượng, mơ hồ, vu viễn. Con biết rằng, sẽ có (ít nhất là) thế giới thứ hai ngoài cái thế giới xô bồ, náo nhiệt hiện nay. Và, quả thực nếu có thế giới ấy, con tin rằng em Trung sẽ được sống trong hạnh phúc, không đua chen, náo nhiệt như thế giới phức tạp, đang trôi chảy trong từng giây phút này.

Hai bác kính, có lẽ bây giờ hai bác buồn, rất buồn. Nhưng có những thứ mất đi, sẽ mãi mãi không tìm lại được, hoặc khó bù đắp lại được, dù mình cố gắng đến đâu. Mọi thứ rồi cũng lần lượt ra đi, đắm chìm trong dĩ vãng, không bao giờ trở lại giống như lần thứ nhất, vấn đề là sớm hay muộn mà thôi. Việc còn lại đáng quan tâm hơn, đó chính là cuộc sống hiện tại. Nếu hai bác cho phép con có lời khuyên nên hay không nên đem em Trung vào chùa ký tự, thì con nghĩ là nên. Vì ở đó, là nơi mà ta có điều kiện nhiều để tiếp xúc với thế giới tâm linh, có điều kiện để chiêm nghiệm những gì đã qua, và có điều kiện để sống với chính mình nhiều hơn. Cuộc đời, rõ ràng không phải chỉ có tiền bạc, vật chất mới làm mình hạnh phúc, mà vấn đề tinh thần, những cảm giác trừu tượng cũng làm mình được hạnh phúc. Hạnh phúc là một cảm giác thoải mái, không có phiền não, không có những âu lo muộn phiền. Mà đến chùa, sẽ có nhiều điều kiện cho con người có được cảm giác hạnh phúc đó. Nói như thế không phải chỉ có đến chùa mời có được hạnh phúc đích thực, mà ở tại nhà cũng có thể tìm được hạnh phúc ấy. Ở đây, ý con muốn nói là, đến chùa sẽ có nhiều cơ hội hạnh phúc hơn ở nhà, vì ở nhà mình phải lo đủ thứ. Thói quen lo lắng trong nhà đã trở thành tính bẩm sinh, khi nào cũng thấy có việc cần làm, không bao giờ thấy mình cần được nghỉ ngơi, tự mình quên đi chính mình. Như thế, cũng có nghĩa là đã đánh mất chính mình trong bộn bề công việc.

Bây giờ, gia đình mình chỉ còn Vương, người duy nhất là con trai, mọi thứ đều trông cậy vào cậu ấy. Con nghĩ, hai bác cũng nên yên tâm về Vương. Con và Vương là bạn thân. Vì bạn thân nên mọi tâm sự của Vương hầu như con đều biết. Bọn con chơi với nhau rất thân. Có thể nói, Vương là đứa bạn đời thân nhất của con, và con cũng là đứa bạn thân nhất của Vương, rất hiểu nhau. Cậu ấy là một người có những nghĩ suy đúng đắn về vấn đề gia đình, người thân, bạn bè, giao tiếp, xã hội.... Là một người biết sống, biết chơi, biết lo lắng, biết quan tâm, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Bạn bè bọn con ai cũng quý cậu ấy. Nghe được tin buồn của gia đình mình, bạn bè con ai cũng muốn chia sẻ. Từ mọi miền đất nước, bằng tấm lòng chân thành, với nén nhang, cả lớp con đã cùng nhau hướng về em Trung chia sẻ nỗi đau vô hạn của gia đình, và sự không may của em Trung.

Thưa hai bác, Vương là người đã được lớn lên từ nhiều nơi, Quảng Ninh, Nghệ An, và Huế. Sống lưu lạc như thế, nên bạn thân cũng rất ít, nhất là từ khi tốt nghiệp Đại học Sư Phạm - Huế, trở về sống với bố mẹ, mảnh đất chốn nhau cắt rốn. Nơi đây, Vương đã chưa tìm được một người bạn nào thân để cùng nhau san sẻ những khó khăn trong cuộc đời còn lại. Con dù ở rất xa, hiểu được điều ấy, với lại con và Vương đã là đôi bạn thân, rất thân, nên chúng con luôn luôn liên lạc với nhau, nhắn tin cho nhau kể về những chuyện vui buồn trong cuộc đời. Dù không thường xuyên gặp nhau, nhưng chúng con luôn có trong nhau, có nỗi khổ niềm vui gì cũng nhắn tin cho nhau. Con cũng là một đứa có cuộc đời đặc biệt; đặc biệt ở đây không phải là cao quý gì, mà là có nỗi khổ đặc biệt, điều đó hai bác cũng đã có biết, nên rất cần những người bạn chân thành như Vương. Bước chân mà con tập đi giữa đời, bước vào cuộc đời vốn xô bồ, lắm gian trá này là Vương. Vương đã giúp con rất nhiều, đã động viên rất nhiều. Con đã từ từ lớn lên, tự mình bước đi trong cuộc sống, bằng chính sự nỗ lực của bản thân và những lời tâm tình cổ vũ của Vương. Ở Quảng Ninh, hai bác cũng đã giúp đỡ con rất nhiều. Tình cảm mà Vương và hai bác dành cho con, có lẽ con sẽ nhớ, mãi mãi. Như thế cho thấy, cái đẹp và cái đáng nhớ bền lâu ở đời không phải là những vẻ đẹp bên ngoài, vật chất mà chính là bên trong, sự đối đãi với nhau, sự thành thật.

Thưa hai bác, hôm qua Vương có hỏi ý kiến của con có nên hay không nên đem em Trung vào chùa ký tự. Con đã trả lời là nên, lý do như con đã trình bày trên. Tuy nhiên, còn một điều con cần nói rõ hơn khi, nếu hai bác quyết định đem em Trung vào ký tự ở chùa.

Thông thường như phong tục ở các chùa Huế. Nếu một người tại gia chưa bao giờ quy y (trở về/ nương tựa) Phật, Pháp, Tăng, nói gọn là chưa hề có khái niệm về đạo Phật, mà muốn đem hương linh (người chết) vào chùa ký tự, thì nhà chùa, một trụ trì ở chùa sẽ làm lễ quy y và thọ giới cho hương linh, và cho cả gia đình. Quy y là quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng, gọi tắt là ba ngôi Tam bảo.

Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn, là một người rất tốt, hoàn hảo về tình thương và sự hiểu biết. Đức Phật sống rất đẹp, sống rất hiền từ, có khả năng giúp đỡ mọi người. Về với Phật nghĩa là về với cái tốt, về với hạnh phúc vốn hiện hữu nơi chính mình. Em Trung cũng sẽ có được sự cộng hưởng cảm giác hạnh phúc từ sự trở về ấy. Theo cá nhân của con, điều đó có thực, chứ không phải là những câu chuyện xa xưa, cổ hủ, mơ hồ. Thế giới tâm linh là thế, không thể giải thích bằng ngôn ngữ bình thường được, mà thế giới ấy cần con người phải thực hành, phải buông bỏ mọi ý niệm về lợi danh. Đến với Phật, đến với nhà chùa, là như đến với khoảnh khắc thanh thản, không đua chen, không tính toán hơn thua, không hận thù. Đó chính là thời gian để con người nhìn rõ về bản thân, thấy rõ rằng mọi chuyện trên đời hầu như đều như mộng huyễn. Có- không- không- có như áng mây bay, như những hoa đốm giữa hư vô, không thật có. Cái có thật có lẽ từ một tấm lòng chân thật đến một hoặc nhiều tấm lòng chân thật. Cái ấy mang tính bền lâu, vĩnh cửu;

Pháp, là giáo Pháp, giáo lý, là những lời dạy từ kinh nghiệm cuộc sống bản thân của Phật, những lời dạy ấy là những bài học xương máu về cách làm người, cách làm ăn, nghệ thuật sống, ngoại giao và cả nhiều lĩnh vực khác nữa của Phật. Hay nói gọn, Pháp là con thuyền đưa con người qua biển khổ;

Tăng, là những người đã giã từ song thân, theo con đường Phật đã đi qua. Con đường ấy, được làm bằng kinh nghiệm sống, là nghệ thuật sống hạnh phúc. Giã từ cha mẹ, theo Phật là muốn thực hiện lý tưởng giúp chính mình, người thân, làng xóm, xã hội và nhân loại. Tuỳ theo khả năng của mỗi người để thực hiện chí nguyện cao vời ấy.

Thọ giới là nhận những giới cấm, những điều không nên làm. Người tại gia, theo Phật, thì phải thọ ít nhất là 5 giới cấm. Giới thứ 1: Không được sát sinh. Giới thứ 2: Không được trộm cắp. Giới thứ 3: Không được tà dâm. Giới thứ 4: Không được nói dối. Giới thứ 5: Không được uống rượu.

Đó là nghi thức và cũng là nội dung, ý nghĩa để trở thành một người theo Phật, con Phật (Phật tử ), cũng gọi đó chính là nghệ thuật sống đẹp. Người thực hành theo 5 giới này, sẽ cảm thấy thoái mái tâm hồn, góp phần làm đẹp gia đình và xã hội. Tuy nhiên, không phải một khi theo đạo Phật, thì nhất thiết phải thực hiện được hoàn toàn, mà cần có thời gian. Người thọ giới, giữ được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Và cũng tuỳ điều kiện gia đình để hoàn thành những điều răn cấm ấy.

Thưa hai bác, có lẽ con đã nói quá nhiều rồi, và những lời lẽ ấy tuyệt nhiên là vì con muốn chia sẻ nỗi đau của hai bác, nỗi đau ấy con xem như là nỗi đau của gia đình mình. Trong khi chia sẻ, con muốn trình bày một cách chân thành những nghĩ suy của con đến với hai bác cũng như Vương. Con mong hai bác nghĩ rằng những lời lẽ ấy là của một đứa con của hai bác, người con đã có duyên tiếp xúc và ít nhiều đã thể hội, thấm nhuần sự hiểu biết (trí) và thương yêu (bi) của đạo Phật. Mong hai bác coi con như là đứa con thân yêu của hai bác. Có như thế, con mới cảm thấy thoái mái trong cõi lòng, không còn sợ hãi những lời lẽ như là lớn lao, như là (có lúc) không đúng với lứa tuổi. Con xin mạo muội viết nên những dòng cảm nghĩ, phân ưu này bằng tất cả tấm lòng của một đứa con (của hai bác), và của một người bạn thân (tên là Cáp Văn Vương).

Bức thư này sẽ chuyển đến gia đình như là một sự phân ưu, thân viếng em Trung về bên kia thế giới, đồng thời cũng như là một sự chia sẻ những mất mát quá lớn đối với gia đình. Nước mắt con đã nhỏ giọt, xót xa. Con không biết làm gì hơn ngoài những dòng chữ chân thành, ngây ngô này, mong em Trung ở dưới suối vàng và hai bác hiểu tấm lòng của con, người bạn thân của Vương.

Lời cuối thư, thêm một lần nữa, con xin thành thật chia sẻ nỗi đau của gia đình, mong em Trung sớm được vãng sinh Cực Lạc.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)