Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Hội nghị nữ giới Phật giáo quốc tế đầu tiên tại Việt Nam những dấu ấn khó quên

Đã đọc: 3226           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đạo Phật Ngày Nay: Hội nghị Sakyadhita lần thứ 11 được tổ chức thành công tại Việt Nam đã để lại những ấn tượng khó quên trong tâm khảm của người tham dự. Nhằm phác họa những thành công và đóng góp to lớn của hội nghị này, phóng viên Từ Quang đã trao đổi với Tiến sĩ Ni sư Huệ Liên, thành viên thư ký của Hội nghị, Phó phòng Giáo vụ, HVPGVN tại TP.HCM. Sau đây là nội dung của cuộc trao đổi thú vị.

Trên thế giới đã có nhiều tổ chức Phật giáo quốc tế, trong đó có nhiều thành viên là nữ. Vậy mục đích ra đời của Sakyadhita là gì?

Mặc dù có thành viên nữ trong nhiều tổ chức Phật giáo quốc tế nhưng phần lớn số lượng không cân đối và ít được mời phát biểu trong các hội thảo do Phật giáo tổ chức.

Qua quá trình tiếp cận làm việc trong Ban Tổ chức Hội nghị Sakyadhita lần thứ 11 tại Việt Nam, chúng tôi hiểu được những giá trị và lợi ích tốt đẹp của hội, nhờ đó, hội quy tụ được nhiều thành viên tham gia.

Sakyadhita nghĩa là Những người con gái của đức Thế Tôn còn có tên gọi khác là Hội Phụ nữ Phật giáo Thế giới (Sakyadhita International Asociation of Buddhist Wom­en), được thành lập như là một diễn đàn ưu ái dành riêng cho nữ giới Phật giáo để họ có nhiều cơ hội nói lên tâm tư nguyện vọng, trao đổi kiến thức, qua đó được thể hiện vai trò của mình một cách tự tin trong xã hội. Đồng thời kết nối sự liên minh giữa nữ giới xuất gia và tại gia, nhằm phát huy những giá trị tích cực của đạo Phật, cống hiến khả năng góp phần xây dựng một thế giới hoà bình, hoà hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Sau gần 4 năm nỗ lực vận động của nhiều người, Hội nghị Sakyad­hita đã được tổ chức thành công tại Việt Nam từ ngày 28-12-2009 đến ngày 3-1-2010. Với vai trò thành viên trong Ban thư ký của hội nghị, xin Ni sư cho biết qui mô tổ chức và sự thành công?

Hội nghị Sakyadhita Thế giới lần thứ 11 đã chính thức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai, dưới sự cho phép của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Giáo hội giao cho Phân ban đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương GHP­GVN triển khai tổ chức và phối hợp với Hiệp hội Sakyadhita Quốc tế. Hội nghị đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo THPG TP.HCM, Việt Nam.

Để chuẩn bị cho việc tổ chức hội nghị, Văn phòng II Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập Ban Cố vấn và Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp hỗ trợ cho công tác tổ chức hội nghị. Phân ban Đặc trách Ni giới đã thành lập Ban Tổ chức Hội nghị do Ni trưởng Thích Nữ Huyền Huệ, Trưởng phân Ban đặc trách Ni giới làm Trưởng ban. Ban Tổ chức Hội nghị lập ra nhiều tiểu ban như: Nội dung; Nghi lễ; Tiếp tân, Tài chánh, Phiên dịch, In ấn, Trần thiết, Cư trú, Xướng ngôn, Văn hóa, Văn nghệ, âm thanh ánh sáng, Truyền thông, Phân phối tài liệu quà tặng, Kiểm soát, Du lịch, Thủ tục hải quan, Triển lãm, Nhiếp ảnh quay phim, An ninh, Y tế, Vệ sinh, Ẩm thực, Tình nguyện viên với sự tham gia đảm nhiệm của chư Ni, cư sĩ Phật tử, sinh viên từ các tỉnh thành.

Nói chung, thành công là nhờ sự góp sức của nhiều tập thể và cá nhân. Sự đồng tâm hiệp lực của lãnh đạo Giáo hội, Tăng Ni và Phật tử trong nước, ngoài nước ủng hộ vật chất lẫn tinh thần, những tấm lòng đã tạo ra sự thành công của Hội nghị. Sự có mặt của gần 400 đại biểu đến từ 37 quốc gia, hơn 2.000 đại biểu nước chủ nhà và với hàng trăm bài tham luận đã nói lên sự thành công của Hội nghị.

Hội nghị này là cơ hội đặc biệt theo đó các đại biểu nữ giới Phật giáo thế giới đã chia sẻ, trình bày, trao đổi kinh nghiệm tu tập, kinh nghiệm lao động, giúp nhau mở rộng tầm nhìn, kết nối được mối liên hệ bền chặt của nữ giới Phật giáo thế giới, cùng nhau giữ gìn và phát triển các giá trị truyền thống Phật giáo. Đặc biệt, thông qua Hội nghị, bạn bè đến từ nhiều quốc gia hiểu thêm về văn hóa dân tộc Việt Nam, sự phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam và những thành tựu của nữ giới Phật giáo Việt Nam.

Chủ đề của Sakyadhita lần này là “Nữ giới Phật giáo lỗi lạc.” Qua 7 ngày hội thảo, các thành viên Saky­adhita quốc tế học được gì từ sự lỗi lạc của Ni đoàn Việt Nam?

Phật giáo Việt Nam trong quá khứ và hiện tại đã có nhiều vị cao Ni lỗi lạc với nhiều Phật sự đa dạng, xả thân hoằng pháp, lợi ích quần sinh trên nhiều phương diện, nhằm đóng góp, phục vụ cho lợi ích cộng đồng. Nổi bật về mặt tu hành giới luật tinh nghiêm là Ni trưởng Diệu Nhân, Ni trưởng Diệu Tịnh, Ni trưởng Giác Nhẫn… Nổi bật về mặt trước tác dịch thuật, lãnh đạo ni chúng, đào tạo ni tài có Ni trưởng Diệu Không, Ni trưởng Như Thanh, Ni trưởng Huỳnh Liên, Ni trưởng Trí Hải… Nổi bật về mặt thuyết pháp giảng kinh hiện tại có Ni trưởng Tịnh Thường, Ni trưởng Như Đức… Thành lập ni viện nuôi chúng độ sinh có Ni trưởng Diệu Liên, Ni trưởng Như Ngọc, Ni trưởng Ngoạt Liên, Ni sư Như Đức, Ni sư Như Như… Trồng cây bảo vệ môi trường có Ni trưởng Huệ Giác… Từ thiện nổi bật có Ni sư Huệ Từ. Và dĩ nhiên cũng còn rất nhiều, Tỳ kheo Ni, cư sĩ nữ ẩn mình hành Bồ-tát đạo, giúp nhiều người vượt qua nỗi khổ niềm đau.

Những cuộc đời dấn thân điển hình của nữ giới Phật giáo Việt Nam sẽ là động cơ thúc đẩy ý chí cố gắng vươn lên của nữ giới, để đóng góp cho sự bình an của con người, cải tạo môi trường sống, đưa xã hội tiến gần hơn đến sự công bằng, bình đẳng, dân chủ, văn minh.

Sau hội nghị, Ni sư đã hướng dẫn phái đoàn Sakyadhita quốc tế thăm các chùa Việt Nam tiêu biểu ở 3 miền. Ấn tượng của đoàn là gì?

Sau hội nghị các đại biểu quốc tế được đại diện Ban tổ chức dành 7 ngày đưa đi thăm viếng các ni viện, các chùa có nhiều Ni chúng tu học như chùa Dược Sư, tịnh xá Ngọc Phương, chùa Từ Nghiêm, chùa Huê Lâm, chùa Vĩnh Phước thuộc thành phố Hồ Chí Minh; ni viện ở Trúc Lâm, Đà Lạt; tại tỉnh Thừa Thiên Huế, thăm viếng Ban Trị sự tỉnh, ni viện Diệu Giác, chùa Hồng Ân, cô nhi viện chùa Đức Sơn, chùa Linh Mụ, điện Huyền Trân Công Chúa, Đại Nội; tại thủ đô Hà Nội, đoàn thăm viếng chùa Bồ Đề, Văn phòng I chùa Quán Sứ, chùa Một Cột; tại tỉnh Ninh Bình đoàn thăm chùa Bái Đính và Khu du lịch Tràng An.

Thông qua hội nghị, các Ni đoàn quốc tế thấy được vai trò đặc biệt của nữ giới Phật giáo Việt Nam trong giáo dục và học thuật. Thông qua du lịch văn hóa, họ còn thấy được sự lớn mạnh của Ni đoàn Việt Nam trong quản trị Tăng đoàn và dấn thân nhập thế. Các đoàn đại biểu quốc tế hiểu thêm về một đất nước Việt Nam có nhiều nữ giới tu học, nhiều Ni viện được hình thành, nhiều trường Phật học dành riêng cho chư Ni, các cơ sở từ thiện Phật giáo do Ni đoàn điều hành ở khắp ba miền đất nước. Ngoài ra, họ còn học được cách thành lập các Ni đoàn PG ở các tỉnh thành, dưới lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là mô hình tu học lý tưởng của Ni bộ Việt Nam mà các quốc gia đang mong đợi, cần được nhân rộng.

Qua chuyến tham quan du lịch này các đại biểu quốc tế hiểu biết nhiều hơn về các thành tựu kinh tế xã hội, giáo dục, văn hóa v.v… của Việt Nam và PGVN, nhờ đó, có những ấn tượng tốt đẹp về đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam thân thiện, nhân ái, và PGVN phát triển, hữu nghị và đoàn kết.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)