Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Hạnh phúc trong tầm tay

Đã đọc: 4865           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Hạnh phúc không phải là ga chúng ta đã đi, đang đi hay sẽ đi mà là cách thức chúng ta đi như thế nào, tâm ra sao trên tiến trình của sự đi đó. Cũng vậy, sống trong cuộc đời hướng về một mục đích và đi có nghệ thuật trên mục đích đó thì mới thật sự hạnh phúc trong những cái rất bình dị ngang tầm với mà đôi lúc chúng ta bỏ quên, cho rằng hạnh phúc là thiên đường hay Tây phương Cực lạc.

Bản chất cuộc đời như con thuyền ngoài biển khơi, có lúc sóng yên gió lặng, thuyền đi êm ả và đích đến dễ dàng đạt được. Nhưng phần lớn thời gian trên sông nước, con thuyền đã không may mắn như thế, mà phải đấu tranh vật vã để có thể vượt qua sóng gió.

Mỗi người là một thuyền trưởng, tự định và vạch ra hướng đi cho bản thân và phải tự lèo lái con thuyền của mình. Ba đào bão táp ở đâu cũng có, không phải chỉ những người cơ nhỡ bất hạnh, không người thân mới gặp phải, mà những người giàu sang phú quý tột đỉnh vẫn không tránh khỏi ba đào. Người ng­hèo thường bị ba đào về kinh tế, người giàu bị ba đào về sức ép công việc, tình cảm, tình thân, tình thương, tình yêu và nhiều sóng gió khác.

Hãy quan niệm cuộc đời không có khổ trọn vẹn và không có hạnh phúc hoàn toàn. Khổ là khổ tương đối và hạnh phúc cũng là hạnh phúc tương đối. Nỗi khổ hay niềm hạnh phúc theo các nhà khoa học chỉ tồn tại với con người trong vài chục giây, diễn ra như phản ứng tất yếu trên não bộ. Nhưng vì cứ bị ám ảnh nên nhiều người tưởng rằng suốt cả cuộc đời mình bất hạnh, rồi tự trôi lăn trong nỗi khổ niềm đau. Đó là thái độ cường điệu hóa về thực tại mà bản chất của nó không đến nỗi như thế.

Khi nhìn thấy tính tương đối trong hạnh phúc và khổ đau, chúng ta không nên quá than thân trách phận về cuộc đời bèo dạt mây trôi của mình, vì theo đạo Phật, hạnh phúc là sự thăng bằng cảm xúc. Ai làm chủ được cảm xúc của mình trong lúc thuận duyên hay trong nghịch cảnh, thì người đó vẫn đạt hạnh phúc như bao nhiêu người có sự tu tập và chuyển hóa khác.

Hãy quên đi quá khứ. Cần hướng tâm đến mục đích tốt như một chất xúc tác đẩy chúng ta đến phía trước. Đời người trung bình sáu mươi cho đến bảy mươi năm. Quãng năm tháng nhọc nhằn ai cũng có. Mỗi nỗi nhớ hay sự ám ảnh sẽ làm cho nỗi đau có khuynh hướng tái hiện lại lần thứ hai. Đức Phật dạy hãy quên đi quá khứ, tin và sống với hiện tại một cách trọn vẹn thì niềm hạnh phúc dù đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa.

Có mạng sống toàn vẹn là một phước báu. Điều đó dù rất tầm thường, đôi lúc chúng ta không nhớ lại mơ tưởng cảnh nhà cao cửa rộng, phương tiện vật chất đủ đầy. Tất cả chỉ là phương tiện rất nhỏ tạo thành hạnh phúc nếu biết cách. Còn không khéo thì chính chúng dẫn đến sự tranh chấp vật lộn rất mỏi mệt trong cuộc đời.

VỮNG TRONG MỌI THĂNG TRẦM

Hãy nỗ lực xây dựng lại những gì đã làm. Trong cuộc đời dù giàu hay nghèo, không mấy ai may mắn thành công trong lần đầu tiên nỗ lực. Nhiều người đạt vương miện hoa hậu hay quán quân trong các trò chơi, thủ khoa trong các kỳ thi, làm giám đốc này chủ tịch Hội đồng quản trị nọ, chúng ta cứ tưởng cuộc đời của họ rất yên ả; trên thực tế, họ đã trải qua rất nhiều gian truân thử thách.

Giờ phút vinh quang nhất của họ mà chúng ta biết được là ở thời điểm họ thành công, còn thời điểm họ phấn đấu vươn lên trong cuộc đời, ít ai tường tận. Không có cái gì không phải trả giá. Do đó nỗ lực lần thứ hai, thứ ba, thứ tư, trong cuộc đời là điều rất cần thiết và không thể thiếu. Nó là tiền đề dẫn đến thành công có nền tảng hơn trong tương lai. Lúc đó chúng ta mới quý trọng sức lao động, mồ hôi, nước mắt, và sự khôn ngoan của bản thân.

Trong mọi tình huống, đừng chán nản, thất vọng, hay bỏ cuộc nửa chừng mà hãy tin tưởng về một tương lai tốt đẹp. Như những chiếc lá xanh rộ vào mùa Xuân mặc dù trong mùa thu nó chỉ còn trơ trọi cành khô, nhưng không vì thế mà bảo rằng cây kia đã chết. Cây vẫn sống, nhựa và sức sống vẫn còn tiềm ẩn. Ba tháng của mùa Thu trôi qua, sức sống lại tiếp tục vươn mầm trỗi dậy.

Con người chúng ta còn mạnh hơn các cây của bốn mùa. Quãng đời người có những thăng trầm, khi lên voi lúc xuống chó; khi sống mất lý tưởng, lúc vững tâm tin tưởng vào chính mình, lúc khác gần như buông trôi như lục bình. Hãy luôn nhớ đến những thời khắc thành công và mong mỏi nhân bản sự thành công đó trong hiện tại và tương lai. Với niềm tin sắt đá thì sự nỗ lực ở những lần kéo theo sau lần thất bại sẽ bù đắp cho chúng ta một cách xứng đáng.

Đừng mơ tưởng những hạnh phúc quá lớn vượt ngoài tầm với. Người rơi vào thái độ nhận thức vừa nêu sẽ khinh thường và không quan trọng những điều nho nhỏ có thể vun đắp được. Dân gian Việt Nam thường nói “Góp gió thành bão”, tích tụ những cái nho nhỏ một cách tăng dần đều và không gián đoạn, chúng ta sẽ có cả một tương lai. Điều này bất cứ ai cũng có thể làm được.

Hạnh phúc giống như chiếc đồng hồ mà sự giản đơn của nó nhiều chừng nào thì độ bền của nó cao chừng đó. Những điều bình dị nhưng ý nghĩa là cần nhất chứ không phải những điều chúng ta mơ tưởng hay hoài niệm. Trở ngại lớn nhất là thái độ trông chờ những hạnh phúc mà mình chưa hề có. Hãy sống với nhân quả. Đạo Phật dạy, muốn có ăn thì phải gieo trồng, dân gian cũng nói theo cách tương tự “Muốn ăn phải lăn xuống bếp”.

HÀI  LÒNG VÀ LẠC QUAN

Cuộc đời sẽ trở nên vô vị, buồn chán, tẻ nhạt nếu chúng ta không nỗ lực làm gì cả. Làm cho bản thân, làm cho tha nhân, làm cho cuộc đời là hành động gầy dựng hạnh phúc cho chính mình. “Đứng núi này trông núi nọ” thuộc tâm lý phổ biến. Cái không có thì kỳ vọng, cái đang có thì hất hủi, bỏ đi, nghĩ rằng nó không có giá trị.

Khi đối diện với cảnh già bệnh và hấp hối trước cái chết, hầu như đời sống con người rất mỏng manh, giả tạm, lúc đó người ta mới thấy sức khỏe là quý trọng hơn hết. Từ vua quan khanh tước xuống người bình dân trong xã hội đều đến với cuộc đời này bằng hai bàn tay trắng. Khi vẫy chào cuộc đời, chúng ta cũng đi bằng hai bàn tay trắng. Càng luyến tiếc của cải gia tài sự nghiệp nhiều chừng nào thì càng bị trở ngại trong tái sinh chừng đó.

Hãy hài lòng với những gì đơn sơ mình có được. Biết cách đứng dậy sau những lần vấp ngã là hạnh phúc lớn. Ai dám cam đoan, hãnh diện tự hào rằng trong cuộc đời chưa từng lầm lỗi, chưa từng thất bại? Chỉ có những bậc thánh vốn đã từ giã cuộc đời này. Chúng ta là phàm, do đó đứng dậy sau vấp ngã là điều đáng tán thán. Hầu như ai cũng có hàng trăm nghìn nỗi đau: nỗi đau về cảm xúc, thân quyến, bệnh tật, nỗi đau về sự nỗ lực mà không thành công.v.v…

Hạnh phúc là làm sao quên được những nỗi đau đó để không gian trong tâm chứa đựng niềm vui của cuộc đời. Phần lớn khổ đau không phải vì thiếu tài sản mà do không giải quyết được bế tắc mà mình gặp phải. Cứ hướng đến tương lai, tự khắc chúng ta sẽ quên quá khứ với những khổ đau, thay thế nó bằng việc khác có ý nghĩa hơn, dù đơn sơ mộc mạc nhưng có thể chu cấp được hạnh phúc.

Hãy thay đổi thái độ, từ bi quan yếm thế, chán chường thất vọng trở thành lạc quan. Người lạc quan thấy rõ mình có thể làm được tất cả. Thái độ tự ti, mặc cảm và khinh khi bản thân sẽ dẫn đến tình trạng an phận thủ thường. Trạng thái tâm lý mặc cảm tự ti giống như bánh xe không hề có hơi trong đó. Chiếc xe dù có các chi phần hoạt động tốt nhưng nó vẫn không thể đưa người ngồi trên đi đến đích điểm. Hãy kịp thời nạp vào nó năng lượng cần thiết để hướng đến niềm hạnh phúc.

Thực tập so sánh điểm tích cực của người thành công, và với tới họ ở một phương diện tích cực nào đó, bản thân chúng ta sẽ đạt được ít nhiều. Ví dụ muốn có giọng hát cải lương ngọt ngào như Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, chúng ta chỉ mở băng tập hát theo những nghệ sĩtài danh này. Kiên trì bền bỉ, trước sau gì chúng ta cũng giống được 60%, 70%, thậm chí vượt trội hơn. Bình dị hơn là hãy tìm một việc gì đó để làm, tìm cỏ mà nhổ, tìm đất mà cuốc, tìm chỗ mà trồng khoai… Những việc làm tuy đơn sơ nhưng là cơ hội vận động, đóng góp; sức khỏe theo đó cũng được tăng trưởng.

Thái độ tâm lý con người lệ thuộc rất nhiều vào hành động, nếu nói theo đạo Phật, khi dấn thân bằng tâm hoan hỷ để phục vụ thì phước báu gia tăng đáng kể. Hãy tìm ai đó để yêu thương, chăm sóc, và chia sẻ. Tình yêu, tình thương ở đây không chỉ giới hạn trong giới tính mà có thể những người lớn tuổi thương những đứa cháu của mình hoặc người trẻ thương yêu các bác lớn tuổi như ông bà cha mẹ mình. Hạnh phúc không chỉ có mặt khi được người thương yêu mà còn ở cách ta biết cách thương yêu và chăm sóc người khác. Đây là cách nỗ lực gieo nhiều hạt giống để có được kết quả ngay hiện tại và tương lai.

Hãy chấp nhận sự thay đổi. Thay đổi là tiến trình diễn ra hàng giây hàng phút. Thay vì tức tối bực dọc với những chuyện đổi thay thì hãy thực tập thói quen sống chung với chúng để tự thay đổi nhận thức và thái độ của chính mình. Đời không hoàn toàn buồn chán khổ đau như người ta thường nghĩ. Chỉ có bản thân con người buồn rồi quy kết cuộc đời là buồn chán.

Nguyễn Du đã viết “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Khi thái độ tâm lý trở nên tiêu cực thì những cảnh vật xung quanh mặc dù rất vui như hoa nở, gió thổi, thông reo, chim hót cũng không được người đó thừa nhận. Cuộc đời có khổ lẫn vui, bên cạnh thất bại có thành công, bên cạnh bóng tối vẫn còn ánh sáng, phải có cái nhìn khách quan để vươn tới hạnh phúc, bỏ qua những chán nản thụ động. Trạng thái tiêu cực của tâm lý tạo tiền đề dẫn đến bệnh tật vật lý mà y học ngày nay không thể phủ định.

Chúng tôi từng tham quan các trung tâm sida vào năm 2003. Có người chỉ vương vào chứng bệnh này ba năm mà đã không thể ngồi dậy nổi. Trong khi đó một sốngười khác vương vào chứng bệnh này mười năm nhưng vẫn khỏe mạnh mập mạp vì nụ cười luôn hiện diện trên môi. Cũng đừng vì chán nản bực dọc mà nguyền rủa cuộc đời, con người và bản thân. Tất cả sự nguyền rủa, đổ lỗi không phải là giải pháp.

Theo đạo Phật, thất bại chỗ nào, chúng ta phải quán sát tìm kiếm nguyên nhân gốc rễ sâu xa. Tâm lý đóng vai trò rất quan trọng trong mọi nỗ lực để hướng tới hạnh phúc. Nếu sau khi nỗ lực nhiều lần vẫn không thay đổi được môi trường, hoàn cảnh, điều kiện xung quanh thì hãy hoan hỷ chấp nhận, hòa mình với nó và tìm hạnh phúc từ nó. Đó là sự thay đổi nội tại một cách tích cực, khác hoàn toàn với chiếc lục bình trôi, không làm chủ được mình.

Hãy hài lòng tích cực, khác với hài lòng tiêu cực thủ thường, dù có khả năng nhưng lại không tin vào khả năng của chính mình; thay vì nỗ lực để thành công, người đó sẽ không làm gì cả, nghĩ rằng sốphận đã an bàiz. Ai có quan niệm này là sai lầm. Chúng ta hài lòng vì đã nỗ lực một cách chân chính, còn kết quả ra sao thì cứ ra, hãy bận tâm chủ yếu về phương pháp nỗ lực.

Đừng đòi hỏi quá nhiều cũng đừng cay cú với những gì mình không có. Hận đời, trả thù đời sẽ chỉ khiến nghiệp tội ngày càng nặng hơn. Người chịu đựng được là người có bản lĩnh, thản nhiên vững chãi trong cuộc đời. Người hung hăng bên ngoài lại là người quá kém, không có sức chịu đựng, phải dùng bạo lực để vượt qua nỗi sợ hãi tiềm ẩn bên trong.

TRÁCH NHIỆM VỚI MÌNH VÀ NGƯỜI

Nếu đến vườn bách thú thử nghiệm một phản ứng nho nhỏ của con cọp, hoặc sư tử, chúng ta sẽ thấy dù cầm dao chĩa ngay trước mắt con cọp với thái độ hung tợn thì con cọp hay con báo vẫn đứng yên không chớp mắt. Cầm gạch chọi ngay cạnh nó, nó vẫn thản nhiên. Nhưng với một con chó, chỉ giậm chân thách thức là nó sẽ sủa vang. Hành động sủa đó biểu hiện sự sợ hãi. Chúng ta cần tập bản lĩnh như loài sư tử, cọp, thản nhiên trước mọi thách thức, hãm hại của người khác.

Cứ tin sâu nhân quả để sống có trách nhiệm với bản thân. Nếu đời này chúng ta không cốgắng đi đến hạnh phúc, không làm lại cuộc đời thì đời sau sinh ra cũng tiếp tục như thế. Bởi vì hiện tại là nhân cho kết quả ở tương lai. Xây dựng đời này hạnh phúc thì tương lai chúng ta mới có hạnh phúc. Chán nản bỏ cuộc giữa chừng báo hiệu tương lai sẽ chẳng là gì. Cho nên đừng bao giờ cho phép mình chán nản thất vọng hay có ý niệm tự tử. Vì không ai giống ai nên cũng không cần phải ghen tỵ so bì mà hãy làm tất cả có thể để xây dựng hạnh phúc cho chính bản thân.

Hãy rộng mở tấm lòng. Ai cũng có thể mở tấm lòng vì tấm lòng là không biên giới. Hướng về tha nhân ở phương diện tích cực 5% có nghĩa là chúng ta mở được năm cánh cửa, hướng 100% là chúng ta mở được một trăm cánh cửa. Hướng trọn vẹn bằng cả trái tim và tấm lòng, nghĩa là chúng ta trọn vẹn với cuộc đời.

Bản chất của hạnh phúc là sự chia sẻ thậm chí chia sẻ chỉ bằng lời chào hỏi vào mỗi buổi sáng gặp nhau, kể nhau nghe những chuyện vui để nỗi buồn quá khứ không kéo đến. Nhìn người làm việc tốt, chúng ta không tiếc lời khen tặng vì ai cũng thích được khen. Thực tập cười tươi với cảnh vật và mọi người xung quanh. Khi cười, sự phấn chấn tạo ra kháng thể giúp ta sống lạc quan hơn, khỏe mạnh hơn.

Thực tập trở thành người mang ơn và người chia sẻ những gì mình đang có dù đơn giản, chúng ta sẽ cùng hạnh phúc. Còn lòng ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, người đó sẽ chỉ chuốc lấy cuộc sống khổ đau và cô đơn.

Hạnh phúc có mặt trong lúc chúng ta sống tích cực ban cho hơn là hưởng thụ. Cuộc đời đã khổ, bỏn xẻn cho mình thì đời sẽ khổ hơn. Sống xây dựng hạnh phúc trong tầm tay và cùng chia sẻ hạnh phúc trong tầm tay đó. Nó rất có ý nghĩa và mang đến niềm vui một cách lâu dài.

(Phiên tả và biên tập: Giác Minh Duyên)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)