Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Sự xuất hiện của mắt lớn

Đã đọc: 3527           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, rừng Jetavana, tại khu vườn ông Anàtha-pindika. Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người vi diệu. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người vi diệu.

Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang, là sự xuất hiện của đại minh, là sự xuất hiện của sáu vô thượng, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải, là sự thông đạt của nhiều giới, là sự thông đạt của các giới sai biệt, là sự chứng ngộ của minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự Lưu, là sự chứng ngộ quả Nhất Lai, là sự chứng ngộ quả Bất Lai, là chứng ngộ quả A-la-hán. Của một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

(Trích Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 1, phẩm Một người, phần Như Lai)

SUY NIỆM

Thế Tôn xuất hiện nơi đời là một sự kiện hy hữu, vị tằng hữu (hiếm có, chưa từng có), như hoa Ưu đàm tương truyền 3.000 năm mới nở một lần. Nên khi mới ra đời, Ngài đã nhìn khắp trong trời đất và tuyên bố rằng: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Trong trời đất này, chỉ có Như Lai là tôn quý. Điều này là một lẽ thường nhiên, bởi Ngài là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

Ngài là Phật nhưng cũng là một con người, một người vi diệu. Vi diệu là vì Ngài đã trải qua vô lượng kiếp hành Bồ tát đạo, từ địa vị chúng sanh Ngài bước lên tôn vị Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ hoàn toàn, phước trí trang nghiêm, trời người đều cung kính. Ngài có mặt ở đời là sự xuất hiện của mắt lớn, thấu suốt khắp cả thế gian bằng tuệ giác vô ngã vĩ đại.

Trước Thế Tôn, tư tưởng Vệ-đà thống trị xã hội Ấn Độ cổ đại làm tê liệt não trạng con người với niềm tin mù quáng vào quyền năng sáng tạo của Phạm Thiên (Brahma). Mỗi con người hiện hữu trên thế gian với một hoàn cảnh riêng là do ý muốn của Phạm Thiên. Mọi sự vật sinh thành hoại diệt cũng không ngoài tôn ý của đấng Tối cao, giữ quyền năng sáng tạo. Con người không thể thay đổi số phận và càng không thể chuyển hóa thân tâm, nói chung là không thể “bẻ nạng chống Trời” mà chỉ cúi đầu tuân phục và làm đẹp lòng Phạm Thiên thông qua tế lễ và cầu nguyện.

Khi mắt lớn Thế Tôn xuất hiện, bằng tuệ giác của bậc đã giác ngộ và giải thoát, Ngài chỉ rõ cho nhân loại rằng không hề có sự sáng tạo của các đấng thiêng liêng ở trên trời. Đó chỉ là một sự ám ảnh tập thể của nhóm người chỉ biết tin mà không cần hiểu, không muốn thấy. Thực chất sự sinh thành và hoại diệt của vạn pháp là do Duyên sanh. Đủ duyên thì sinh ra, có mặt và hết duyên thì tan hoại, biến mất. Nhân-duyên-quả là một quá trình, trong đó chúng vừa làm nhân, làm duyên cho nhau đồng thời cùng tương tác lẫn nhau “trùng trùng duyên khởi” để tạo ra muôn hình vạn trạng mà không cần có sự sáng tạo của bất cứ thế lực siêu nhiên nào.

Con người cũng vậy, hoàn toàn không phải do Phạm Thiên hay các đấng thiêng liêng sinh ra và có toàn quyền chi phối thân phận của họ. Với tuệ giác của mắt lớn, Thế Tôn khẳng định mỗi người có mặt trên đời với một hoàn cảnh và thân phận khác nhau là do nghiệp của chính họ, không do bất kỳ ai khác chi phối hay tham dự vào. Và nghiệp có thể chuyển được, nếu cá nhân biết hướng các suy nghĩ, lời nói và hành vi của tự thân về nẻo thiện. Do đó, quá trình cải tạo và chuyển hóa tự thân là sự nỗ lực của mỗi người để vượt lên những cám dỗ của dục vọng xấu ác, tự kiện toàn bằng thanh tịnh thân tâm chứ không phải chờ đợi ân sủng của Phạm Thiên.

Quan trọng hơn, trong tấm thân năm uẩn này không hề có cái gọi là tự ngã hay linh hồn bất diệt. Với tuệ giác của mắt lớn, năm thành tố thân thể, cảm thọ, tri giác, tư duy và nhận thức hòa hợp nhau để hình thành nên chúng sanh, con người; có sự hòa hợp tức do duyên sanh, đã duyên sanh thì vô ngã. Chấp thủ tự ngã là biểu hiện cơ bản nhất của vô minh và là nguyên nhân chính yếu để trôi lăn trong luân hồi sanh tử. Khi nào còn vướng sự chấp thủ tự ngã hay linh hồn bất diệt thì vẫn còn si ám. Cho nên, mỗi người “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Hãy thắp sáng đời mình bằng chánh pháp với tuệ giác vô ngã để xua tan vô minh tăm tối.

Thế Tôn, “Khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người”. Chúng ta, những người con của Thế Tôn, hướng về kỷ niệm Đản sanh của Ngài bằng sự thực tập chuyển hóa thân tâm để thành tựu giác ngộ và giải thoát.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)