Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Vài suy nghĩ về rước xá lợi Phật

Đã đọc: 3930           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tại Bồ Đề Đạo Tràng, các phái đoàn Phật giáo thế giới đã đến từ sáng sớm để hưởng ứng đoàn Phật giáo Việt Nam cung nghinh xá lợi Phật...

Nhân chuyến thăm chính thức nuớc Cộng hòa Ấn Độ vào ngày 30/9 đến 5/10/2009, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nguyễn Thị Doan đã được Hòa thượng Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Thế giới U Nyanerinda trao tặng 9 viên ngọc xá lợi Phật. Phó Chủ tịch nước đã giao lại cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận và cung nghinh ngọc xá lợi Phật về tôn thờ tại Bảo tháp chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.

Vào lúc 3h30, sáng ngày 3/3/2010, chuyên cơ mang số hiệu 9985 của hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã chở đoàn đại biểu của GHPGVN 150 người, gồm chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni, Phật tử cùng đoàn nhà báo tháp tùng, lên đường đi Ấn Độ. Hơn bốn giờ bay, đúng 7h45 cùng ngày, chiếc VN9985 hạ cánh an toàn xuống sân bay Gaya (Ấn Độ). Hòa thượng Thích Huyền Diệu cùng các Phật tử tại đây đã ra sân bay đón đoàn. Sau gần hai tiếng đồng hồ nhẫn nại chờ làm thủ tục nhập cảnh, đoàn mới ra khỏi sân bay để di chuyển đến Bồ Đề Đạo Tràng.

Tại Bồ Đề Đạo Tràng, các phái đoàn Phật giáo thế giới đã đến từ sáng sớm để hưởng ứng đoàn Phật giáo Việt Nam cung nghinh xá lợi Phật. Hòa thượng Thích Huyền Diệu hướng điều phối lễ rước xá lợi. Lúc này có bốn đoàn Phật giáo Lào, Thái Lan, Myanmar, Tây Tạng cùng tụng niệm, cầu nguyện an lạc cho Việt Nam… Có mặt trong đoàn lúc này, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay, tâm sự: "Nhìn cảnh Tăng Ni các nước cùng đến đồng thanh niệm kinh cùng Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam trong lễ cung nghinh xá lợi Phật, tôi cảm nhận điều lớn lao vượt lên trên không gian tôn giáo… Ở đó là tình yêu thương, niềm tin an lạc và hòa bình cho tất cả mọi người".

Sau thời kinh cầu nguyện dưới gốc Bồ đề đại thụ, vị đại diện Hội Phật giáo thế giới đã trao Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, 9 viên ngọc xá lợi Phật, đựng trong 3 bảo tháp lưu ly. Tiếp nhận ngọc xá lợi Phật xong, đoàn PGVN đã đi nhiễu vòng quanh gốc Bồ đề và tháp Đại Giác. Một lần nữa, nhà sử học Dương Trung Quốc bộc bạch: "Khi đến đất Phật, chứng kiến những gì diễn ra, khiến cho con người gần nhau hơn, tôi nghĩ, đó là điều hội nhập mà chúng ta hướng tới".

Hoàn thành việc cung thỉnh ngọc xá lợi Phật, đoàn lên máy bay về lại Việt Nam. Từ sân bay Nội Bài, ngọc xá lợi Phật được chuyên chở trên những chiếc đặc dụng Ham­mer H3 và Cadillac, cùng với hàng trăm xe ô tô từ 4 đến 45 chỗ tham dự lễ rước tiến thẳng về chùa Bái Đính – Ninh Bình. Tại đây, Lễ an vị Phật diễn ra trong không khí trang nghiêm trọng thể.

• Xá lợi Phật - Báu vật vô giá của nhân loại!

Trong đêm 3/3/2010, dù không thể nào tận mắt nhìn thấy ngọc xá lợi Phật, nhưng cũng đã có hàng ngàn Phật tử đến sân bay Nội Bài để chờ chuyến bay đặc biệt từ đất Phật trở về. Sáng ngày 4/3/2010, trong sốhàng trăm ngàn người, dù chỉ có rất ít người được vào chánh điện Tam Thế, tại chùa Bái Đính để chiêm bái ngọc xá lợi Phật, những dòng người vẫn nối tiếp nhau, vẫn kiên nhẫn chờ đợi trong khuôn viên chùa Bái Đính cho đến tối mịt. Tuy nhiên mọi người đều hoan hỷ, vui mừng; đều háo hức mong đến lượt mình vào chiêm bái, không ai lộ vẻ mỏi mệt hay chán nản bỏ về… Tất cả điều này đã nói lên sức ảnh hưởng vô biên của ngọc xá lợi Phật, cũng như niềm tin chánh pháp vô cùng sâu đậm trong lòng người con Phật.

Thầy Thích Nhật Từ, một thành viên trong đoàn rước ngọc xá lợi Phật từ Ấn Độ về, tâm sự: "Có ngọc xá lợi Phật rồi, làm được điều kỳ diệu, có ích cho dân cho nước còn là câu chuyện dài của tu tập và đạo hạnh, của mệnh nước, nhưng một dân tộc có hy vọng, biết hy vọng, có định hướng thăng hoa đầy sức sống thì không thể không vươn lên".

Được biết, cũng ngay trong buổi sáng ngày 4/3/2010, 1.000 doanh nhân trong cả nước tề tựu trang nghiêm tại gian chánh điện chùa Bái Đính tham dự Đại lễ cầu Quốc thái Dân an, nghi lễ này nằm trong chương trình "Doanh nhân Việt Nam với Hoa Lư – Thăng Long Hà Nội 1.000 năm xây dựng và phát triển bền vững".

Về mặt lịch sử và trên thực tế thì ngọc xá lợi Phật là thân cốt còn lại của đức Phật sau khi trà tỳ. Tuy nhiên về mặt hành trì, chứng ngộ và tâm linh thì ngọc xá lợi chính là kết tinh của công phu tu tập, đạo hạnh, giới đức, nên đó là ruộng phước tối thượng của nhân thiên, nhất là đối với loài người.

Trong Phát Bồ Đề Tâm Văn, ngài Thực Hiền đã phải ngạc nhiên: "May mắn nào mà được chiêm ngưỡng xá lợi?". Theo Đại Trí Độ Luận thì ngọc xá lợi Phật cũng chính là Pháp thân xá lợi, tức là bài pháp viên mãn về Giới Định Huệ mà đức Phật còn lưu lại trên thế gian sau khi Ngài nhập diệt. Do vậy, ngọc xá lợi Phật trở thành một báu vật thiêng liêng cao tột, không một báu vật nào trên thế gian có thể sánh bằng… Vì vậy mà ngọc xá lợi Phật có sức ảnh hưởng mãnh liệt đối với những con người biết trân quý và hướng đến đời sống đạo đức cao thượng. Đối với Phật tử trên toàn thế giới, thì ngọc xá lợi Phật là biểu tượng của sự tu tập viên mãn…

• Vài cảm nghĩ

Đối với Phật tử, việc được tham gia cung nghinh, chiêm bái ngọc xá lợi Phật là một nhân duyên cực kỳ hi hữu, là phước báo nhiều đời. Chính vì vậy, mà sau khi nghe tin GHPGVN đi Ấn Độ cung ng­hinh ngọc xá lợi Phật, thì Phật tử và cả những người theo đạo ông bà trên khắp mọi miền tổ quốc đều hân hoan mong đợi sự kiện trọng đại này. Từ những cụ già đến các bạn trẻ, từ doanh nhân đến các nhà trí thức Phật tử, tất cả đều mong ước một lần trong đời được chiêm bái đảnh lễ ngọc xá lợi Phật. Những diễn biến trong suốt quá trình diễn ra từ lễ rước, cung nghinh, an vị, tôn thờ, chiêm bái trong thời gian qua đã chứng minh điều đó. Đây là một thực tế sống động về sức sống mãnh liệt của niềm tin, vàsức ảnh hưởng hết sức lớn lao của Phật pháp.

Thế nhưng, trong những ngày diễn ra sự kiện tôn nghiêm và trọng đại này, thì trên Vietnamnet, Tuanviet-namnet… xuất hiện những bài viết phê phán, chỉ trích của những người tự nhận mình là "Người học Phật" hoặc là "Phật tử"? Tham gia chiến dịch bài xích này còn có cả những blogger đậm mùi sát phạt của những kẻ cực đoan, hiếu chiến.

Vấn đề họ đưa ra để phê phán chuỗi hoạt động cung nghinh và chiêm bái ngọc xá lợi Phật lần này, đó là sự "phung phí" quá sức tốn kém, đó là sự tổ chức rầm rộ mà theo ý ngầm của họ là "không cần thiết" phải phô trương như thế (?!). Thật ra, tất cả những ý kiến đăng tải trên các trang web này là do lẫn lộn và đánh đồng kinh tế – từ thiện với văn hóa tâm linh, đi đến đề nghị dùng tiền của chuyến đi để làm từ thiện. Hàng ngàn năm qua và hiện nay, Phật giáo đã, đang và tiếp tục làm từ thiện, vì đó là yếu tốđi đầu của Sáu ba-la-mật. Tuy nhiên, cũng có một sốngười muốn đánh thẳng vào sự thiếu hiểu biết Phật pháp cũng như tâm lý hời hợt của một bộ phận quần chúng Phật tử.

Trước hết, đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ, giáo lý nhà Phật luôn mang lại một đời sống hòa bình hạnh phúc cho nhân loại, Phật pháp là ánh sáng soi đường để quần chúng Phật tử hướng đến ngôi nhà giác ngộ giải thoát. Niềm tin sâu sắc của quần chúng Phật tử có chánh kiến đối với Phật pháp, có thể nói rằng, không một luận điệu nào có thể làm lung lạc, suy chuyển; càng không một thế lực nào có thể làm lui sụt ý chí tu hành giải thoát của người con Phật khi họ đã có niềm tin và có định hướng.

Thật ra, những luồng tư tưởng bài xích, phê phán kia chẳng qua chỉ là một trong muôn hiện tượng vốn có trong thế giới tương đối này. Ví như phiến quân Taliban chỉ có thể dùng bom đạn tàn phá những pho tượng Phật ở Afgannistan chứ không thể nào làm suy sụp niềm tin Phật pháp của hàng triệu triệu trái tim người con Phật trên thế giới. Có điều chúng ta cũng cần cảnh giác với chủ nghĩa khủng bốđang có mặt khắp hành tinh này, chúng không đơn thuần chỉ ôm bom lao vào chỗ đông người để kích nổ, chúng không chỉ đánh bom ở tàu ga ngầm, nơi thờ phượng… mà chúng còn dùng ngòi bút len lõi vào đời sống văn hóa tâm linh của nhân loại dưới cái mác của những nhà học thức, cùng với cái bẫy "nhiệt tình" đi xây dựng đời sống văn minh cho nhân loại.

Trải qua trên 2.550 năm hình thành, tồn tại và phát triển, trong lịch sử đạo Phật, chưa từng có một trường hợp nào, một quan điểm nào mà đạo Phật bào chữa cho chiến tranh, hoặc một ý niệm nào, một sự kiện bạo tàn nào được tìm thấy trong đạo Phật, cho đến một cuộc chiến tra­nh nào xảy ra, dù là bênh vực cho quyền lợi của đạo Phật. Nói như vậy để tất cả chúng ta cùng hiểu rằng, có Đạo Phật thì không có chiến tranh".

Quý Phật tử cũng nên lưu ý, hầu hết các tôn giáo trên thế giới đều xảy ra những cuộc "Thánh chiến" bạt mạng và đẫm máu, còn với đạo Phật thì điều đó hoàn toàn chưa từng xảy ra và chắc chắn là không bao giờ xảy ra. Thiết nghĩ, chỉ nội bấy nhiêu thôi và với tư tưởng luôn đem lại hòa bình hạnh phúc bền vững cho nhân loại (chứ chưa nói đến tinh thần giác ngộ giải thoát hay vô ngã vị tha) thì cũng đủ để cho tất cả chúng ta cung nghinh tôn thờ và chiêm bái ngọc xá lợi của đức Phật một cách trọng thể tôn nghiêm rồi vậy!

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)