Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Đọc vịnh Phật của Nguyễn Công Trứ

Đã đọc: 3675           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Với Nguyễn Công Trứ, Phật pháp không xa lìa thế gian pháp, đó là đạo sống của mỗi Phật tử ở đây và lúc này...

Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) là nhà trí thức cựu học có nghị lực và lý tưởng. Phần đông chúng ta đều biết Nguyễn Công Trứ đã nhẫn nại dùi mài kinh sử trong nhiều năm để đi thi và thi đỗ Giải nguyên ở tuổi  bốn mươi, sau đó, qua ba mươi năm xuất chính, đã gạt qua một bên những khen chê, được mất ở chốn triều đình để kiên trì thực hiện triết lý hành động ích nước lợi dân của kẻ sĩ. Nhưng có một chi tiết ít người biết là trong mấy năm cuối của thời hưu trí, sau khi bị triệu gấp về kinh vì tên thị vệ vu khống tội mưu phản, Nguyễn Công Trứ trở về quê cũ là làng Uy Viễn, “bỏ tiền ra sửa lại chùa Viên Quang và chùa Trung Phu, làm mấy gian nhà tranh ngay bên chùa để ở, thường cùng các Hòa thượng đàm đạo kinh Phật.”(1) Có nhiều khả năng bài hát nói Vịnh Phật được Nguyễn Công Trứ sáng tác trong giai đoạn này, làm cho sự nghiệp văn chương gồm nhiều thi phẩm chịu ảnh hưởng tư tưởng Khổng Mạnh và Lão Trang của nhà thơ trở nên hoàn chỉnh hơn, vì được bổ sung bằng một tuyệt tác có nội dung phản ánh chính xác và sâu sắc giáo pháp của đức Phật. 

Trước hết cần phân biệt miêu tả của phương Tây với ngâm vịnh của phương Đông. Bài văn miêu tả lệ thuộc vào thời gian và không gian, nhưng bài thơ ngâm vịnh không chịu sự chi phối của không và thời gian ấy. Miêu tả mùa thu, nhà thơ lãng mạn Xuân Diệu khắc họa nét đẹp sinh động, cụ thể của “mùa thu tới” được quan sát ở một thời điểm là đầu mùa, tại một địa điểm là Hà thành, với chi tiết đặc sắc, chọn lọc như“Non xa khởi sự nhạt sương mờ...” (2) Cũng với đề tài ấy, qua cách ngâm vịnh của nhà thơ cổ điển Nguyễn Khuyến, chúng ta thấy được cái đẹp lý tưởng, có tính ước lệ của mùa Thu nói chung với “trời thu xanh ngắt” ở ban ngày và “bóng trăng” thu dịu mát vào ban đêm.(3) Vịnh mùa Thu vì thế phải nắm bắt cho được cái hồn muôn thuở của mùa Thu. Cho nên, bài thơ ngâm vịnh tuy ngắn gọn nhưng có tính khái quát cao hơn bài văn miêu tả.

Vịnh Phật theo yêu cầu ấy, Nguyễn Công Trứ phải nêu cho được yếu tính của Phật và đạo Phật bằng cách trả lời chính xác những câu hỏi đại loại như: Phật là gì? Đạo Phật là gì? Nếu đặt hai nghi vấn này với một thiền sư, có thể Phật tử chúng ta sẽ nhận được một câu trả lời “rất thiền”, chẳng hạn như: Tôi biết đánh trống, tùng tùng tùng, cắc tùng tùng ...Tại cửa thiền, vị đạo sư tâm linh trả lời bằng cách không trả lời, để sách tấn đệ tử tự tìm lời giải đáp, vì tiếng nói của chân lý đích thực phải vang lên từ thâm cung của cõi lòng mỗi người. Nhưng sống ở thế gian, phải dùng ngôn ngữ đời thường để giao tiếp, Uy Viễn tướng công đã tìm cách giải đáp hai vấn nạn ấy một cách súc tích qua khổ thơ đầu của bài hát nói Vịnh Phật:

 “Thiên thượng thiên hạ vô như Phật,

Nhỏ không trong mà lớn cũng không ngoài.

Chiếc thuyền từ một lá vơi vơi,

Vớt chìm đắm đưa lên cõi tĩnh.”

“Thiên thượng thiên hạ vô như Phật” nghĩa là trên trời, dưới đất không có cái gì giống Phật. Cũng như cái Một tuyệt đối, Phật không có thuộc tính. Chúng ta không thể dùng câu đơn có hệ từ “là” để định nghĩa hay giải thích Phật. Cũng như định nghĩa tuyệt đối, định nghĩa Phật là tương đối hóa cái tuyệt đối. Nếu nói Phật là thiện thì Phật không phải là chân, là mỹ sao? Lại nữa, thiện chỉ là thiện khi so sánh với ác, và nếu Phật là thiện và chỉ là thiện thì tôi có thể tôn thờ chữ Thiện viết hoa mà không cần phải thờ phụng Phật nữa. Phật học có thuật ngữ “chân như”. Phật là cái chân lý như thế...

“Nhỏ không trong” nghĩa là cái nhỏ không thể ở trong Phật, vì Phật là cái nhỏ nhất. “Lớn cũng không ngoài” nghĩa là cái lớn không thể ở ngoài Phật, vì Phật là cái lớn nhất. Từ cái nhỏ nhất cũng là Phật mà đến cái lớn nhất cũng là Phật thì ở trên trời và dưới đất, giữa hai cái cực nhỏ và cực lớn ấy, thử hỏi còn có cái gì không phải là Phật nữa?

Kết lại, để trả lời câu hỏi Phật là gì, chúng ta có thể theo ý thơ của Ông Hi Văn mà nêu lời giải đáp ngắn gọn: Phật không là gì cả nên Phật là tất cả.

Ở hai câu cuối của khổ thơ đầu, đạo Phật được Nguyễn Công Trứ gợi tả bằng hình tượng bao hàm nhiều ý nghĩa là chiếc “thuyền từ”. Xét theo một phương diện nào đó thì cõi thế gian này là một bể khổ mênh mông. Ở đó, các loài thực vật mãi hoài bị tàn phá, các loài động vật liên tục bị giết hại, còn nhân loại thì mãi mãi chịu khổ đau vì trôi lăn và chìm đắm theo những cái bẫy sập là tài, sắc, danh, thực, thùy. Giữa bể khổ là cuộc đời ấy, thái tử Tất Đạt Đa đã kiên định tu tập để giác ngộ, để thành Phật và từ đó đạo Phật xuất hiện như một chiếc thuyền tình thương rộng lớn không phân biệt người vật, thân sơ, thù bạn khi thực hiện nhiệm vụ cứu vớt chúng sinh “chìm đắm” để “đưa lên cõi tĩnh”.

Hình tượng chiếc thuyền thể hiện yếu tính giải thoát của đạo Phật, liên hệ mật thiết với một lời dạy của đức Thế Tôn: Nếu nước đại dương có một vị là vị mặn thì đạo ta cũng chỉ có một vị là vị giải thoát. Hình tượng chiếc thuyền còn nhắc nhở Phật tử đừng quên tính phương tiện của Phật pháp. Như chiếc thuyền chở khách sang sông, giáo pháp của Như Lai dẫn dắt con người rời xa bờ mê để trở về bến giác. Cố chấp tín điều, nô lệ kinh sách mà không có quyết tâm tu tập để chứng ngộ là lấy phương tiện làm cứu cánh, đáng thương và cũng đáng trách như một người đã qua sông rồi mà còn đội chiếc thuyền ở trên đầu để tiếp tục cuộc hành trình!

Ở khổ thơ thứ hai, sau khi chỉ rõ điểm tương đồng giữa Phật giáo và Nho giáo bằng cách so sánh “kiến tính” trong “minh tâm kiến tính” của Phật giáo với “suất tính” trong “suất tính chi vị đạo” (4) của Nho giáo, nho sĩ Nguyễn Công Trứ của Việt Nam ở đời nhà Nguyễn phê phán nho sĩ Hàn Dũ của Trung Hoa ở đời nhà Đường đã có quan điểm hẹp hòi, thiển cận khi “đổ tiếng” Phật pháp là “hư vô” để chủ trương tiêu diệt Phật giáo bằng cách đốt kinh sách, bắt Tăng Ni hoàn tục, lấy chùa làm nhà cho dân ở:

“Chữ kiến tính cũng là suất tính,

Trong ống nhòm đổ tiếng hư vô,

Kẻ muốn đem nhân kỳ nhân hỏa kỳ thư lư kỳ cư,

Song đạo thống vẫn rành rành công cứ.”

Nguyễn Công Trứ khẳng định, dù bị hiểu lầm, dù bị đàn áp, nhưng Phật giáo không bao giờ bị tiêu diệt, giềng mối của đạo (đạo thống) vẫn được mọi người dân ở nhiều quốc độ noi theo và gìn giữ (công cứ). Vì thuận thiên lý và hợp nhân tâm, trong quá trình phát triển và hội nhập, từ Tây sang Đông, Phật giáo đã đi như một dòng sông luôn luôn thích ứng với mọi điều kiện địa lý và thổ nhưỡng để tiếp nhận vào lòng nó tất cả cảnh vật ở hai bên bờ. Đến nước ta, Phật giáo phát triển và chung sống thân ái hòa đồng với Nho giáo để đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của người Việt và đồng thời tạo nên sức mạnh tinh thần cho dân tộc Việt:

“Bạng y thiên lý hành tương khứ,

Đô tự nhân tâm tố xuất lai.(5)

Bát (6) khang trang chẳng chút chông gai,

Cùng nghiêng ngả một dòng Hà Lạc. (7)

Với Nguyễn Công Trứ, Phật pháp không xa lìa thế gian pháp, đó là đạo sống của mỗi Phật tử ở đây và lúc này. Tiến bước theo con đường đạo mà đức Phật đã vạch ra, không trông chờ sự cứu rỗi của thần linh mà cũng chẳng ỷ lại vào sự hỗ trợ của tha lực, người con Phật “tự mình thắp đuốc lên mà đi”, chịu trách nhiệm về hành động và nghiệp duyên của mình, từ đó tự chủ giải quyết vấn đề họa phúc và tái sanh bằng công phu tu tập để làm hiển lộ chân tâm, Phật tính: 

“Trong nhật dụng sao rằng đạo khác,

Cái luân hồi chẳng ở đâu xa.

Nghiệp duyên vốn tự mình ra,

Nơi vuông tấc (8) đủ thiên đường địa ngục.”

Nguyễn Công Trứ học tập và lập chí dưới triều Gia Long, thành đạt và ra làm quan trong hai triều Minh Mạng và Thiệu Trị, hồi hưu dưới triều Tự Đức. Thời đại mà Nguyễn Công Trứ sống là thời kỳ hưng thịnh của nhà Nguyễn và Nho giáo Việt Nam. Vào thời ấy, không còn sức sống của đời Lý và đời Trần, Phật giáo nhà Nguyễn chịu sự pha trộn của Đạo giáo với nhiều hình thức mê tín dị đoan. Vì không thấu hiểu giáo lý vô thường, vô ngã của đạo Phật, như nho sĩ Hàn Dũ ở Trung Hoa, có một số nho sĩ và người dân chỉ nhìn thấy Phật giáo qua hình ảnh những ông thầy cúng sống không có giới luật, từ đó có thái độ khích bác, phân biệt đối xử do thành kiến đối với Phật pháp. Trong hoàn cảnh ấy, sự xuất hiện của bài Vịnh Phật  với nội dung sâu sắc như vừa phân tích của nho sĩ uyên thâm Phật học Nguyễn Công Trứ, quả thật là một sự kiện văn học hi hữu, quý hiếm và rất đáng trân trọng!

Từ giữa thế kỷ XX cho đến nay, sau phong trào chấn hưng Phật giáo phát khởi ở Huế với Pháp sư Trí Độ và các đệ tử là quý Hòa thượng Trí Quang, Trí Thủ, Trí Tịnh, v.v. cùng với các cư sĩ như bác sĩ Lê Đình Thám và nhà văn Võ Đình Cường,v.v.  Phật giáo nước nhà được tổ chức thành hội đoàn, Phật tử được hướng dẫn tu học đúng chánh pháp, nhiều Tăng Ni được đào tạo chính quy ở nhiều đại học và Phật học viện trong và ngoài nước. Thế nhưng, vào đầu thế kỷ XXI này, qua một số hoạt động của Phật giáo mà tiêu biểu là những lễ hội được tổ chức trong những ngày đầu năm vừa qua, những Phật tử chân chính không khỏi buồn lòng khi nhìn thấy cảnh tượng nhiều người đã đi chùa với tâm lý xin cho, đã đốt cháy quá nhiều hương đèn và vàng mã làm ô nhiễm môi trường và lãng phí tiền bạc, đã nhét nhiều tiền lẻ vào tay các tượng Phật theo kiểu “Tiền trao cháo múc” với mong cầu được phù hộ để ăn nên làm ra hoặc chóng thăng quan tiến chức!

Phật tổ đã dạy: Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta. Những kiểu buôn thần bán thánh xuất hiện ở một số nơi thờ cúng cùng những hình thức mê tín dị đoan tồn tại trong các lễ hội mang màu sắc Phật giáo hiện nay đang phỉ báng Phật giáo! Đã đến lúc hàng triệu tín đồ Phật giáo Việt Nam nên đọc lại và suy nghĩ kỹ câu thơ đã được thi sĩ Nguyễn Công Trứ viết cách đây hơn một thế kỷ để xác định đúng mục đích tu học và phương châm hành động:

“Nghiệp duyên vốn tự mình ra,

Nơi vuông tấc đủ thiên đường địa ngục.”

Có như vậy thì những nhà Phật học chân chính như Nguyễn Công Trứ mới khỏi phải ngậm ngùi mượn nỗi “phiền muộn” của Như Lai để ký thác tấm lòng trắc ẩn thiết tha đối với tương lai của đạo pháp:

“Vì chưa thoát lòng trần mắt tục,

Nên mơ màng một bước một khơi,

Khiến cho phiền muộn Như Lai.” 

Nguyễn Công Trứ mất vào năm 1858. Cũng trong năm đó quân Pháp đánh phá Đà Nẵng, mở đầu thời kỳ suy vong của nhà Nguyễn mà cũng là giai đoạn đen tối của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Theo bước tiến của giặc ngoại xâm, một số ngôi chùa Việt đã trở thành hoang phế và đổ nát vì bị quân viễn chinh Pháp dùng làm trại lính. Không bằng lòng với hòa ước Giáp Tuất có điều khoản bảo vệ quyền tự do truyền đạo của các giáo sĩ phương Tây, chưa vừa ý với việc sắp xếp để vị hoàng đế cuối cùng của nước Nam có hoàng hậu là con chiên của Chúa, thực dân Pháp còn tạo áp lực để vua Bảo Đại ban hành dụ số 10 với ý đồ hạn chế hoạt động và kìm hãm sự phát triển của đạo Phật là tôn giáo đã đồng hành cùng dân tộc qua lịch sử ngàn năm. Sau vương triều Bảo Đại, chính quyền của tổng thống Ngô Đình Diệm đã thi hành chính sách đàn áp Phật giáo một cách đẫm máu và có hệ thống, làm bùng nổ cuộc tranh đấu đòi bình đẳng và tự do tôn giáo trong mùa Phật đản năm 1963 tại Huế mà đỉnh cao là đại nguyện vị pháp thiêu thân của Bồ tát Thích Quảng Đức ở Sài Gòn. Dù phải chịu vô vàn thử thách và gian nguy, chánh pháp của đức Thế Tôn vẫn tồn tại và phát triển, như ngọc cháy trên núi mà sắc vẫn sáng đẹp, như sen đốt trong lò mà màu vẫn tốt tươi:

 “Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,

Liên phát lô trung thấp vị can.”(9)

 

Chú thích

(1) Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, Việt Nam ca trù biên khảo, Tgxb, Sài Gòn, 1962, tr. 625-626.

(2) Xuân Diệu, Đây mùa thu tới.

(3) Nguyễn Khuyến, Thu vịnh.

(4) Noi theo tính gọi là đạo. (Trung dung)

(5) ( Đạo) dựa theo lẽ trời mà ra, do từ lòng người mà lại.

(6) Vật dụng thiết thân của nhà tu hành, biểu trưng của Phật giáo.

(7) Hà đồ và Lạc thư (đồ sông Hà, thư sông Lạc), ám chỉ Nho giáo.

(8) Phương thốn, chỉ cái tâm của mỗi người.

(9) Ngộ Ấn Thiền Sư, Thị tịch.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)