Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Phụ nữ trong Phật giáo

Đã đọc: 3619           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Phật giáo là tôn giáo có quan niệm bình đẳng đầy đủ, nhắm vào chế độ bất bình đẳng lúc bấy giờ, đưa ra những lời góp ý nghiêm túc...

Vấn đề địa vị của phụ nữ là một trong những chủ đề hấp dẫn của xã hội ngày nay, do các yếu tố của nhiều phương diện như lịch sử…, đã tạo nên địa vị xã hội của phụ nữ tương đối thấp. Từ khi tôn giáo được hình thành đến nay, đã đề xướng sự bình đẳng giữa hai giới, các tôn giáo có quan điểm riêng của mình về phụ nữ. Ví dụ, Công giáo tin rằng đức Chúa Trời tạo ra bởi người đàn ông và phụ nữ, sự kết hợp giữa nam giới và nữ giới mới là sự hoàn hảo, vô khuyết; nêu cao sự bình đẳng nhân tính, sự vĩ đại của phụ nữ, sự tuyệt vời của người mẹ. Hồi giáo nhấn mạnh sự bình đẳng của nam nữ cần xây dựng song song, chủ trương nam nữ phải được bình đẳng trước mặt Thánh A La. Cơ Đốc giáo cho rằng, phụ nữ cả trong cuộc sống gia đình hay là trong các hoạt động xã hội đều đóng một vai trò thiết yếu, có tác dụng thúc đẩy tích cực trong việc nâng cao địa vị phụ nữ của Ki tô giáo. Đạo giáo là một trong ba trụ cột tư tưởng cùng tồn tại với Phật giáo và Nho giáo trong xã hội phong kiến Trung Quốc, nhưng trong cách đối xử với các vấn đề về phụ nữ, lại tương đối tự do. Chủ trương coi trọng cả âm lẫn dương, ủng hộ vũ trụ quan nữ giới. Còn Phật giáo thì cho rằng, chúng sinh có cùng một bản thể, vô nhị vô biệt, tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Sự khác biệt giữa giới tính nam nữ chỉ là thứ yếu, và sự giác ngộ của tâm tính mới là quan trọng nhất.

Xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ, các Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Vệ-đà, và Thủ-đà-la đã hình thành nên một chế độ thứ bậc hà khắc. Trong chế độ chủng tính cực kỳ bất bình đẳng đó, phụ nữ hẳn nhiên không có các quyền lợi như chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo… và, đồng thời được cho rằng là hiện thân của sự hư ngụy và tội ác.

Phật giáo là tôn giáo có quan niệm bình đẳng đầy đủ, nhắm vào chế độ bất bình đẳng lúc bấy giờ, đưa ra những lời góp ý nghiêm túc, khởi xướng tư tưởng nam nữ bình đẳng giới, chúng sanh bình đẳng. Trong các tôn giáo lớn của thế giới, lần đầu tiên đức Phật thành lập nhóm Tăng đoàn nữ chúng, việc chấp nhận công khai nữ chúng tu hành, cho phép nữ chúng được hưởng các quyền tín ngưỡng tôn giáo, quyền giải thoát sinh mệnh, đây là sự biểu lộ lòng từ bi triệt để của đức Phật.

Trong Khởi Thế Nhân Bổn Kinh của kinh điển Phật giáo cho rằng: Bản lai diện mục của con người vốn đầy đủ ánh sáng, lấy niềm vui làm lẽ sống (dĩ hỷ vi sanh), đồng thời có khả năng tung hoành tự do giữa bầu trời cao rộng, có khả năng tự sinh sôi, không có sự khác biệt về giới tính. Sau đó, với sự thay đổi của thời gian, con người bị tham ái nhiếp phục, và kể từ đó, đắm trước những của ngon vật lạ, cho nên bản thể sáng suốt dần dần bị che lấp, da dẻ biến thô- dày, giới tính xuất hiện. Phật giáo cho rằng sự sinh ra của giới tính, là sản phẩm của sự thoái hóa đạo đức. Cho rằng, trong quá trình sinh sôi nảy nở của loài người, cả hai giới tính ấy đều có tác dụng và vị trí ngang nhau.

Tư tưởng cốt lõi của Phật giáo Đại thừa, thì nhấn mạnh chúng sanh cùng một bản thể, vô nhị, vô biệt, hết thảy chúng sanh đều có Phật tính, chúng sanh là Phật sẽ thành, không xem nhẹ bất kỳ chúng sanh nào. Cho rằng sự khác biệt về giới tính nam nữ là thứ yếu, còn sự giác ngộ của tâm tính mới là chính yếu. Trong “Niết Kinh” nói: "Nếu người nào không tự biết mình có Phật tính, tôi gọi đó như là một người phụ nữ, nếu người nào tự biết mình có Phật tính tôi nói đó là một người đàn ông thực sự; nếu có phụ nữ nào có thể nhận ra rằng bản thân mình chắc chắn đang hiện hữu Phật tính, nên biết đó chính là một nam tử”. Cho nên, đạo đức hoàn hảo cố nhiên cần vượt ra ngoài ranh giới giới tính, vượt lên sự tương đối.

Do nhiều nhân duyên về lịch sử và xã hội, đức Phật mặc dầu đã đem trọng trách về việc giữ gìn chánh Pháp, trao cho các Tỳ kheo Ni, nhưng tuyệt nhiên đã không bỏ qua việc xây dựng Tăng đoàn này, và đồng thời công nhận đầy đủ, trọn vẹn đối với năng lực tu hành chứng đạo của chúng Tỳ kheo Ni. Lúc đức Phật còn tại thế, nhiều nữ xuất gia đã chứng đắc quả vị A- la- hán, như các Tỳ kheo Ni Đại Ái Đạo, Liên Hoa Sắc v.v… Có một vị Tỳ kheo Ni tên là Khải Mã, xuất gia chỉ trong một thời gian rất ngắn, liền chứng được quả vị A- la- hán, vốn do thông minh, hiểu biết sâu rộng, nghe nhiều, có khả năng thiện biện, thêm vào đó có kiến giải trác việt và đã nhận được danh tiếng rất cao, được đức Phật xếp là một đệ tử nữ có trí tuệ bậc nhất trong Ni chúng.

Đại Ái Đạo, dì của đức Phật, thỉnh cầu đức Phật cho phép bà nhập đại Niết bàn. Đức Phật yêu cầu bà hiển thị thần thông, để gạt bỏ những hoài nghi của con người về trí tuệ của nữ giới và quả vị tu chứng. Đại Ái Đạo đã tuân hành, bà liền hiển thị thần thông không hề thua kém gì tôn giả Mục Kiền Liên, đệ nhất thần thông. Trong kinh điển Phật giáo, còn ghi chép rằng Long nữ lúc 8 tuổi thành Phật, Thắng Man phu nhân tác sư tử hống, thiên nữ bảo hộ Xá Lợi Phất thuyết phápv.v… Trong lần tham kiến thứ 53 của Thiện Tài đồng tử (kinh Hoa Nghiêm), những người tham dự buổi lễ hôm đó cũng có rất nhiều nữ giới xuất chúng. Những ví dụ này đã chứng minh rằng phụ nữ không phải là sự cản trở trong việc phát triển cảnh giới tinh thần hoặc chứng đắc quả thánh vô thượng.

Trong lịch sử Phật giáo hàng ngàn năm trở lại đây tại Trung Quốc, đã xuất hiện vô số Tỳ kheo Ni ưu tú. Như Ni sư Mạt Sơn, ngôn hạ đại ngộ, huyền cơ thâm diệu; Ni sư Huyền Sa, sanh tử thảnh thơi, ung dung tự tại; Ni sư Đạo Hinh, tinh thông giáo lý, thuyết pháp vô ngại; Ni sư Thiện Diệu, khắc khổ, chịu đựng, chí nguyện cao vời v.v... Họ đều đã viết nên những áng văn phong phú trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc.

Tinh thần cơ bản của Phật giáo là từ bi. Trong khu vực truyền bá Phật giáo Đại thừa, bi nguyện lớn nhất, hay sự sâu xa nhất chính là Quan Âm Bồ tát. Quan Âm phần lớn là xuất hiện dưới hình tướng thân nữ với lòng từ bi dịu dàng và kiên nhẫn, chẳng hạn như tượng Quan Âm được đắp nặn ở các tự viện, có Quan Âm vượt biển khơi, Quan Âm tiễn con, bạch y Quan Âm v.v… Quan Âm Bồ tát ứng thân ngàn tay ngàn mắt, với những nhu cầu khác nhau của chúng sanh, hóa hiện muôn hình vạn tượng để hóa độ cho chúng sanh, điều mà trong kinh Phổ Môn gọi là “Ứng dĩ hà thân đắc độ giả, tức hiện hà thân nhi vi thuyết pháp”. Sự thị hiện của ngài Quan Âm Bồ tát, đã chứng minh rõ rằng địa vị của nữ giới trong Phật giáo, cũng là một sự khích lệ lớn lao không gì sánh bằng đối với nữ giới.

Đại sư Ấn Quang, cao Tăng thời kỳ cận đại cho rằng, giáo dục gia đình là gốc rễ của một nền hòa bình và hòa hợp, mà trong đó giáo dục cho phụ nữ là đặc biệt quan trọng. Ông nói: "Nếu không có người phụ nữ hiền (tài và đức), làm sao có được người mẹ hiền, và nếu không có người mẹ hiền, làm sao mà có được đứa bé (con gái) hiền thiện?” (Nhược vô hiền nữ, hà do hữu hiền mẫu, vô hiền mẫu, hựu hà do nhi đắc hiền thiện tử nữ (ni)?). Điều này xem ra có vẻ như là lẽ thường tình, nhưng thực ra nó hàm chứa một đạo lý nhân quả sâu sắc, càng nói rõ rằng nữ giới hiển nhiên có một trách nhiệm và địa vị quan trong đối với gia đình và xã hội.

Thế giới hôm nay đang hướng tới sự đa dạng về văn hóa, toàn cầu hóa về kinh tế, toàn xã hội đang khởi xướng dân chủ, tự do và mở cửa. Thời đại mới đòi hỏi nữ giới có tố chất càng cao, quần thể phụ nữ sẽ là một lực lượng quan trọng thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Là một người phụ nữ, không chỉ làm tốt trách nhiệm của một người vợ hiền mẹ tốt, mà còn phải trở thành một lực lượng trung kiên của xã hội. Thời đại đang ra sức kêu gọi phụ nữ tự cường, tự tôn tự lập, phát huy đầy đủ các phẩm chất tốt đẹp thương yêu, hiền lành, dịu dàng và kiên nhẫn; để khắc phục, vượt qua những nhược điểm như tự ty, yếu đuối, quá nhạy cảm (đa nghi),…tăng cường học tập, tăng cường sự hiểu biết, không ngừng nâng cao tố chất và trình độ (lý luận, tri thức, nghệ thuật, tư tưởng,…).

Mong cho phụ nữ trên cõi đời này có thể được cùng gội tắm trong hồng ân của chư Phật, đóng góp một lực lượng vô cùng quan trọng cho nền văn minh tiến bộ và hòa bình thế giới của nhân loại.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)