Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Xử lý rác thải

Đã đọc: 2727           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đã đến lúc chúng ta phải sống chân thật với chính mình hơn bao giờ hết, vì mọi thứ trước kia an lành...

Ngày 19-9-2010, báo Thanh Niên có đăng bài “Thùng rác hiện đại” của Lê Hoàng, theo đó, chúng ta ngạc nhiên đến thích thú khi biết được một số nước trên thế giới có nhận thức rất tốt đẹp về cách xử lý rác. Qua bài báo đó, ta biết nước Mỹ có luật xem những gì trong thùng rác là bí mật quốc gia. Singapore là đảo quốc sạch bóng vì căn cứ vào số lượng biên lai bạn bỏ rác vào thùng mà được “thăng quan tiến chức” hay không nên mọi người đều lùng sục rác để bỏ vào thùng lấy biên lai. Nước Pháp nâng cao vai trò của rác qua các khẩu hiệu giăng khắp nơi hoặc các tổ chức “Thời trang rác”, “Rác đầy sao”, “Hoa hậu đổ rác”, “Siêu mẫu quét rác” v.v… Nước Đức tổ chức thùng rác cực kỳ hiện đại, có khả năng tái chế tại chỗ nên nhiều thứ tài sản không phải có nhờ mua mà nhờ vào rác, lại có cả các phiên tòa xét xử một đồ vật vất vào thùng rác có phải là rác hay không; nếu không phải sẽ bị phạt rất nặng. Ở Nhật, rác được coi là tài sản cá nhân nên rác nhà nào bỏ thùng nhà nấy. Két sắt ở Nhật có thể mở toang nhưng thùng rác thì lại có khóa.

Cuối bài báo trên là vấn đề xử lý rác ở Việt Nam: “Ở đây (Việt Nam) có nhiều thùng rác thiết kế theo kiểu lộ thiên. Ưu điểm của nó là mọi người ai cũng biết mình vất gì và đứa khác vất gì. Ở đây còn phát minh ra phương pháp độc đáo là bỏ rác cạnh thùng rác chớ không cần bỏ vào thùng vì thế rác rất nhiều mà thùng rác rất sạch!”

Nơi trang 3 tuần báo Giác Ngộ số 556 ra ngày 25-9-2010 có bài của Trần Đức: “Bài viết “Bùn và vàng mã”: cố tình vất rác nhà người”. Ở đây chúng tôi không đề cập đến: nên chăng việc đốt vàng mã mà chỉ nói ra điều mình bức xúc về vấn đề RÁC là: Sao mấy nước mà báo Thanh Niên kể ra trên đây (trừ Việt Nam), người ta có suy nghĩ và hành động đẹp đến thế, dễ thương đến thế! Chính vì vậy mà ở đó không có nạn rác, chất thải (cùng là một loại với rác) làm ô nhiễm môi trường, không có vấn đề “vất rác nhà người”, “đổ bùn thải vào nghĩa trang”.

Đã đến lúc chúng ta phải sống chân thật với chính mình hơn bao giờ hết, vì mọi thứ trước kia an lành, bây giờ lại ở mức báo động đỏ: môi trường, nguồn nước, thực phẩm … mà Vedan là bài học gần gũi và rõ rệt nhất. Chúng ta nên tập nghĩ đơn giản: Không vất rác bừa bãi thì nhà nhà sạch, khu phố sạch, xóm làng sạch, cả nước sạch. Môi trường sạch thì mầm mống bệnh tật không lây lan. Dọn sạch rác rưởi, giữ thùng rác sạch cũng là một nét đẹp văn hóa. Cho dù chúng ta có xây cao ốc chọc trời, có xây những chiếc cầu hoành tráng tầm cỡ quốc tế hiện đại nhưng quanh nhà đầy rác, đường phố đầy rác, lòng sông ngập rác thì chẳng khác nào muốn quay trở về thời kỳ “cầu tiêu thùng” của 50 năm về trước làm sao xứng đáng tiến lên hội nhập toàn cầu?!!

Nếu là Phật tử, chúng ta lại càng phải quan tâm đến vấn đề này hơn. Đành rằng bây giờ nhà nào cũng đóng tiền đổ rác hàng tháng nhưng chúng ta đừng nghĩ đơn giản rằng những công nhân vệ sinh làm nghề “đổ rác ăn tiền” mà tha hồ xẳng giọng sai khiến, tiếc lẫn với họ. Chúng ta nên nghĩ sâu hơn, biết đâu vì nghiệp báo nên đời này họ phải làm nghề dơ bẩn, có khi bị xã hội coi là hạ tiện nhưng họ vẫn là con người, chúng ta nên đối xử với họ bằng thái độ bình đẳng, thân thiện, cảm thông. Khi đi ngang xe rác, chúng ta nên giữ ý, không lấy tay bịt mũi, khạc nhổ làm cho họ tủi thân.

Tôi có biết được ở khu phố đường Tân Hưng (từ đầu đường Thuận Kiều, quận 5 ở vào trường Hồng Bàng) cách đây 5 năm, tổ dân phố đã họp bàn và nhất trí rác của mọi nhà đều phải bỏ vào túi nilon lớn màu xanh dương và xếp các túi ấy trước cửa nhà mỗi buổi sáng. Đến giờ, nhân viên vệ sinh đẩy xe rác đi thu rất sạch gọn. Có nhiều nhà còn mời nhân viên nước hay bánh trái nữa, trông rất dễ thương. Đó là một nét đẹp văn hóa. Sao nhiều nơi còn để xảy ra cảnh cãi vã, sân si, hai bên không bằng lòng nhau dẫn đến tình trạng rác không được đổ!

Tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam ta thì việc xây dựng những mẫu thùng rác kiểu Pháp, Đức, Nhật chắc chắn là chưa được nhưng xây dựng cái tinh thần tự trọng (để đất nước đàng hoàng hơn, sạch đẹp hơn) thì chúng ta phải làm được. Song song với việc đó, chúng ta còn cần phải nghiêm túc hơn trong vấn đề nói và nghĩ xoay quanh vấn đề rác. Nếu chúng ta đổ lỗi oan cho người không đổ rác thải thì lúc đó chính cái miệng chúng ta là thùng rác. Nếu chúng ta ngờ oan là “biết đâu anh chàng lái xe đổ bùn xong lại chẳng về trang nghiêm chiêm bái cửa Phật” thì lúc đó đầu óc chúng ta chính là thùng rác vậy.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)