Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Vitamin và dược phẩm. Kỳ 1: Vitamin D

Đã đọc: 3289           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Theo bác sĩ P.Black, trưởng nhóm nghiên cứu, việc thiếu vitamin D thường dẫn đến chứng huyết áp cao, tiểu đường, ung thư... Tuy kết quả trên cho thấy rõ sự liên quan giữa lượng vitamin D và chức năng của phổi,...

1.VITAMIN D THẤP DẪN ĐẾN TIỂU ĐƯỜNG

 Bên cạnh những chứng bệnh có liên quan đến tình trạng thiếu vitamin D như sự phát triển của xương và răng, đau nhức cơ khớp, bị loãng xương, cao huyết áp và ung thư ruột kết, nay bệnh tiểu đường cũng nằm trong danh sách này.

Theo nghiên cứu của Đại học California (Mỹ), những người có lượng vitamin D trong máu thấp thì các tế bào sản sinh ra Insulin hoạt động kém và phản ứng không tốt đối với Insulin, ngay cả khi mức đường huyết của họ bình thường. Lượng vitamin thấp có ảnh hưởng tuy nhỏ nhưng quan trọng đến sự chuyển hóa đường glucose trong máu và bệnh tiểu đường. Vitamin D có trong cá, sữa và một số hạt ngũ cốc.

2.VITAMIN D BỔ PHỔI

Kết quả nghiên cứu của Đại học Auckland (New Zealand) trên 14.000 người cho thấy những người có lượng vitamin D trong máu cao thì buồng phổi của họ hoạt động tốt hơn so với người khác.

Theo bác sĩ P.Black, trưởng nhóm nghiên cứu, việc thiếu vitamin D thường dẫn đến chứng huyết áp cao, tiểu đường, ung thư... Tuy kết quả trên cho thấy rõ sự liên quan giữa lượng vitamin D và chức năng của phổi, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm về việc liệu bổ sung vitamin D có thực sự giúp cải thiện hoạt động của phổi ở các bệnh nhân bị bệnh kinh niên về đường hô hấp hay không. Vitamin D thường có trong các loại thức ăn như cá nhiều mỡ, dầu cá, bơ và trứng.

3. VITAMIN D CÓ THỂ GIÚP KÉO DÀI TUỔI THỌ

Những người thường xuyên uống những liều vitamin D bổ sung có thể kéo dài tuổi thọ so với những người không uống.

Theo hãng tin Reuters, các chuyên gia của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (Pháp) và Viện Nghiên cứu ung thư châu Âu (Ý) đã xem xét 18 cuộc thử nghiệm với 60.000 người, phần lớn ở độ tuổi trung niên trở lên và khỏe mạnh, và những liều vitamin D bổ sung mà họ uống dao động từ 300 đến 2.000 đơn vị quốc tế.

Sau gần 6 năm theo dõi, có gần 5.000 người qua đời và các dữ liệu cho thấy những người uống bổ sung vitamin D có nguy cơ tử vong thấp hơn 7%.

Các chuyên gia cho rằng cần phải nghiên cứu thêm một thời gian nữa mới có thể xác định chính xác vitamin D đóng vai trò quan trọng ra sao trong việc kéo dài tuổi thọ con người.

4. VITAMIN D GIÚP GIẢM NGUY CƠ GÃY XƯƠNG

Việc bổ sung một lượng vitamin D –cho dù chỉ 4 lần 1 năm với liều cao- có thể giúp giảm nguy cơ gãy xương ở người cao tuổi.

Theo Reuters 28-2, các nhà khoa học Anh theo dõi 2.686 người từ 65-85 tuổi và chia làm 2 nhóm: Nhóm 1 cứ 4 tháng cho uống thêm 1 viên chứa 100.000 IU của vitamin D3; nhóm 2 chỉ uống 1 viên giả dược.

Kết quả sau 5 cho thấy, tỷ lệ gãy xương ở nhóm 1 giảm 22% và nguy cơ gãy xương ở vị trí thông thường như ở hông, cổ tay, cẳng tay và lưng giảm đến 33 %.

5. VITAMIN D GIÚP NGỪA BỆNH ĐA XƠ CỨNG

Theo kết quả một cuộc nghiên cứu do các bác sĩ người Úc thực hiện, vitamin D có thể giúp ngăn ngừa bệnh đa xơ cứng. Đa xơ cứng (MS) là một chứng bệnh kinh niên, xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể bị tổn thương dẫn đến nhiều triệu chứng khác nhau, từ tê liệt một phần thân thể đến mất trí nhớ tùy theo thể trạng của người bệnh.

Khảo sát tình trạng sức khỏe của 187.000 người, trong đó 173 người mắc chứng đa xơ cứng, các bác sĩ phát hiện những người hằng ngày hấp thụ một lượng vitamin D nhất định thì nguy cơ tiến triển bệnh đa xơ cứng giảm 40% so với những người khác.

6. VITAMIN D GIÚP XƯƠNG TRẺ KHỎE MẠNH

Thai phụ uống vitamin D có thể giúp xương của con mình khỏe mạnh khi trẻ lớn lên.

Đó là kết luận của các chuyên gia tại bệnh viện đa khoa South-ampton (Anh).

Nghiên cứu trên các thai phụ cho thấy những ai uống viên vitamin D hoặc tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời (nguồn cung cấp vitamin D cho cơ thể) thì đứa con của họ khi lên 9 tuổi có một bộ xương chắc chắn hơn. Được biết vitamin D là yếu tố quan trọng để giúp cơ thể chúng ta hấp thu calcium. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh thai phụ không nên tự uống vitamin D mà cần có ý kiến của bác sĩ. (BBC)

7. THIẾU VITAMIN D NGUY CƠ BỊ NGÃ TĂNG CAO

Người lớn tuổi bị thiếu vitamin D có nguy cơ ngã cao hơn so với người có đủ chất này. Các nhà khoa học thuộc Đại học Amsterdam (Hà Lan) đã rút ra kết luận trên sau khi đo lượng vitamin D trong máu của 1.231 người có độ tuổi từ 65 trở lên.

Kết quả cho thấy: Ở những người thiếu vitamin D, nguy cơ bị ngã ít nhất 2 lần/năm cao hơn 78% so với những người có đủ lượng vitamin này. Nguy cơ ngã 3 lần/năm hoặc nhiều hơn ở những người thiếu vitamin D cũng cao gấp đôi.

Vitamin D có tác dụng giữ xương vững chắc và đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động cơ bắp.

8. THIẾU VITA-MIN D DỄ BỊ TIỀN SẢN GIẬT

Những thai phụ thiếu vitamin D trong giai đoạn đầu của thai kỳ có thể bị chứng tiền sản giật, một nguyên nhân gây sinh non.

Theo hãng tin Tân Hoa xã, các nhà khoa học thuộc Đại học Pittsburgh (Mỹ) đã rút ra kết luận này sau khi đánh giá dữ liệu và mẫu máu của 1.198 phụ nữ và trẻ sơ sinh từ năm 1997-2001.

Kết quả cho thấy những thai phụ thiếu vitamin D có nguy cơ bị chứng tiền sản giật cao gấp 5 lần so với những thai phụ không thiếu vitamin D.

Nhóm nghiên cứu kể trên còn cho biết con của những bà mẹ thiếu vitamin D cũng bị thiếu chất này do việc dự trữ vitamin D của trẻ phụ thuộc vào nguồn vitamin D từ mẹ.

9. THIẾU VITAMIN D GÂY HẠI CHO PHỔI

Trẻ vị thành niên không hấp thu đủ vitamin D trong chế độ ăn hằng ngày có thể bị tổn hại ở phổi và xương, ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Harvard (Mỹ) đã rút ra kết luận này sau khi nghiên cứu trên 2.112 trẻ ở độ tuổi từ 16-19.

Nghiên cứu cho thấy, có tới 35% trẻ mới lớn không hấp thu đủ lượng vitamin D cần thiết mỗi ngày và phổi của những trẻ này hoạt động kém hiệu quả hơn so với những thiếu niên tiêu thụ nhiều vitamin D.

Vitamin D còn giúp cơ thể hấp thu tốt canxi và đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố chất xương. Vitamin D có nhiều trong các chế phẩm từ sữa, gan, lòng đỏ trứng và cá biển.(New Kerala)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)