Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Năm tận thế

Đã đọc: 3278           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trở lại thời đức Phật, nếu trong giới tu sĩ có mười vị cao Tăng được gọi là thập đại đệ tử thì trong Ni giới cũng có mười vị cao Ni đều là những bậc thánh A la hán. Trong hai mươi vị cư sĩ nam nữ vĩ đại thời đức Phật, không vị nào ngưng công ăn việc làm khi vẫn còn dưới sáu mươi tuổi, chỉ để tu giải thoát...

Từ góc độ Phật học

Vũ trụ được đức Phật quan niệm là không cùng tận. Mặc dù không dùng các khái niệm như “hệ mặt trời”, “dải thiên hà”, “ngân hà”… Phật nói trong vũ trụ bao la có vô số hành tinh, trong đó, có hành tinh có sự sống của con người, động vật, thực vật; cũng có hành tinh không còn sự sống của con người.

Mỗi hành tinh được Phật phân tích gồm bốn giai đoạn: Thành, trụ, hoại, không. Mỗi giai đoạn được tính bằng nghìn nghìn tỷ năm, rất dài lâu. Theo cách tính khoa học thì đến thời điểm năm 2012 này, hành tinh chúng ta đang trong giai đoạn “trụ”, tức đang tồn tại và phát triển. Nếu đối chiếu quan điểm Phật giáo với các giả thuyết khoa học hiện đại thì ta thấy có tương thích khá chuẩn giữa Phật giáo và khoa học. Hành tinh chúng ta đến thời điểm này có độ tuổi 4,45 tỷ năm. Nếu chia khoảng 25% cho mỗi giai đoạn trong 4 giai đoạn thì năm 2012 chỉ là một phần rất ngắn của giai đoạn “trụ”. Và nếu mỗi giai đoạn được tính tương đương bốn tỷ năm thì từ lúc hành tinh này có mặt cho đến lúc nó bị hủy diệt trở thành các mảnh thiên thạch mà chúng ta thường gọi là sao rơi cũng còn khoảng mười hai tỷ năm nữa. Tha hồ sống, tha hồ đầu tư, thậm chí tái sinh lên tái sinh xuống luẩn quẩn trong ba cõi sáu đường biết bao kiếp, hành tinh này vẫn còn nguyên.

Giai đoạn hoại của hành tinh theo Phật giáo là khi nó mất sự sống của con người, nghĩa là không còn oxy. Ví dụ mặt trăng thuộc hệ mặt trời của chúng ta hiện nay hoàn toàn chỉ còn sự sống của vi sinh vật. Từ giai đoạn hoại cho đến lúc bị diệt, tức là nổ tung bởi sự va chạm của thiên thạch hay các hành tinh khác thuộc các hệ mặt trời khác trong một quỹ đạo tại thời điểm nào đó trong không gian vô tận này, thì không biết còn bao nhiêu năm lâu xa nữa. Cho nên khoa học gia của nhiều nước phát triển đã nỗ lực tạo những tour du lịch mặt trăng. Mười năm trước, giá tour là một triệu đô la cho một du khách. Năm năm trước, Trung Quốc bán phá giá: 500.000USD/du khách. Tương lai sẽ còn giảm giá hơn nếu các nhà khoa học gia tạo thêm nhiều phi thuyền đưa con người lên xuống mặt trăng an toàn với mức bảo hiểm nhân thọ cao. Cơ hội du lịch mặt trăng sẽ đến gần chúng ta trong vài chục năm nữa.

Giả sử trái đất bị hủy diệt năm 2012 hoặc vài năm tới thì không quốc gia nào ngố đến độ phải đầu tư hàng tỷ tỷ đô la cho các ngành khoa học khám phá phát minh với hy vọng góp phần cải thiện đời sống con người, và sau này góp phần tạo sự sống trên mặt trăng. Mặc dù cơ hội đó đối với Phật giáo là hư tưởng. Nó đang trong quá trình hoại thì chỉ dẫn đến diệt, chứ không thể từ hoại trở thành trụ được, vì không thể đi ngược chiều thời gian. Mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ đều phải theo chiều thuận: Quá khứ, hiện tại, tương lai. Tương lai trở thành hiện tại, hiện tại trở thành quá khứ. Cứ như thế cho đến triệu triệu năm về sau.

Một giả thuyết khác của khoa học rằng khoảng năm tỷ năm nữa, mặt trời dưới tác động của hệ mặt trời khác sẽ trở thành ngôi sao luồng đỏ khổng lồ. Đây là một khái niệm khoa học, tức là chiều cao thấp hơn đường kính vốn có. Lúc ấy nó bị giãn nở 250 lần so với hiện nay và có khả năng nuốt chửng trái đất. Thật ra nó là tia lửa lớn. Hiện nay ánh nắng mặt trời là vừa phải, ngoại trừ những vùng cực nóng trên trái đất với nhiệt độ 47 độ C, nhưng sau này có thể dâng lên hàng nghìn độ. Lúc ấy quả đất sẽ bốc hơi thành tro bụi. Chuyện đó có xảy ra cũng vào khoảng năm tỷ năm sau.

Điểm hay trong Phật giáo là không học thuyết nào của đạo Phật kháng cự khoa học, từ thời đức Phật Thích Ca cho đến các vị tổ sau này. Thậm chí nhiều khoa học gia hàng đầu cũng thừa nhận Phật giáo là khoa học, Phật giáo là tôn giáo mà tính tâm linh, đạo đức có thể đồng hành với khoa học hiện đại. Ngoài Phật giáo, không có tôn giáo thứ hai. Trên thực tế, lời nhận xét của khoa học gia Einstein không nhằm lấy lòng đạo Phật. Đó là lời phát biểu liêm khiết tri thức, có trách nhiệm tri thức. Là khoa học gia hàng đầu, ông có thể nói những gì ngoài kiến thức mặc dù ông theo tôn giáo khác. Cho đến thời điểm này, chưa khoa học gia nào tuyên bố trái đất sẽ tận diệt trong vài chục năm tới, huống hồ năm 2012. Giả sử ai đó tự xưng là khoa học gia hàng đầu và phát biểu như thế thì họ liền trở thành đại mê tín gia, chứ không phải khoa học gia.

Nhận rõ các thông tin khoa học hiện đại đồng hành với Phật giáo và Phật giáo đồng hành với khoa học, chúng ta hơn bao giờ hết cần có trách nhiệm đạo đức lớn đối với hành tinh và sự sống của từng cư dân. Cần góp phần truyền bá chánh tín để giảm thiểu tối đa nỗi khổ niềm đau do sợ hãi từ mê tín dị đoan mà ra. Tôi đề nghị mỗi người chúng ta nên trở thành truyền thông viên Phật giáo với các nỗ lực sau:

Thứ nhất, truyền bá thông tin khoa học, về bản chất của sự sống và vũ trụ. Đến bất kỳ nơi đâu, nghe bất cứ ai nói về ngày tận thế năm 2012, quý vị hãy dừng lại, dành năm mười phút cung cấp thông tin chuẩn xác từ Phật giáo và từ khoa học, giúp họ không tiếp tục gieo rắc nỗi khổ đau sợ hãi cho những người mê tín dị đoan. Ai làm được, thì phước đức vô biên vì đã thực tập hạnh mồi đèn trí tuệ. Sau này nhận quả thông minh sáng láng và thành đạt trong mọi lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ mà mình đầu tư.

Thứ hai, không tiếp tay dưới bất kỳ hình thức nào nhằm truyền bá truyền đơn mê tín dị đoan mà chùa, đình, miếu là nơi dễ dàng phổ biến những thông tin này. Phát hiện bạn đạo hoặc người lạ đến chùa truyền bá thông tin mê tín thì hãy báo ngay với thầy trụ trì kịp thời ngăn chặn. Mấy chục năm qua, chúng ta vẫn thấy những tờ truyền đơn đại ý: “Ai nhận tờ giấy này, nếu không tự tay viết thành ba mươi bản đem phổ biến thì sẽ gặp tai nạn, chết chóc, nhà cửa tan nát”,… Người không chánh tín nếu đọc nội dung trên sẽ tá hỏa, bần thần, rồi lập tức nhiệt tình, cộng với ngu dốt, lại tiếp nối việc truyền bá. Đáng buồn hơn khi Phật tử trong chùa cũng thường làm việc ấy. Những tín đồ mê tín dị đoan của các tôn giáo khác làm theo vẫn có thể được thông cảm vì đạo của họ thông qua kinh thánh của họ, và các giáo sĩ chuyên truyền bá mê tín. Còn đạo Phật chỉ truyền bá chánh tín, truyền bá khoa học, đạo đức, minh triết, trí tuệ mà còn có những Phật tử hành động như thế thì quá tệ. Thầy tu ủng hộ cũng đáng cởi y áo ra đời.

Thời vua Asoka rất minh bạch về tri thức Phật học. Ông có công thanh lọc hóa hàng ngũ tu sĩ, đã được các vị lãnh đạo giáo hội lúc bấy giờ đồng thuận. Nhiều ban thanh tra bất cứ lúc nào có thể đến chất vấn kiến thức Phật pháp. Tu sĩ mà không thông hiểu Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Mười hai nhân duyên, Vô ngã, Vô thường, đạo đức học Phật giáo, tâm lý học Phật giáo,… thì sẽ bị trục xuất cởi y, vì làm tu sĩ như thế sẽ gây nguy hại cho đạo Phật. Người tại gia truyền bá mê tín còn dễ tha thứ vì họ không được học Phật pháp, không có kiến thức chuẩn, nhưng tu sĩ sẽ chịu tội nghiệp rất nặng. Cho nên Phật giáo thời Asoka phát triển đến đỉnh cao hưng thịnh. Đất nước Ấn Độ dưới sự trị vì minh triết của đại đế Asoka đã đưa nước này trở nên mạnh nhất trong lịch sử mấy nghìn năm tồn tại, thậm chí đến hiện nay. Tất cả nhờ trí tuệ Phật học mà ông tiếp thu được.

Thứ ba, nỗ lực tinh tấn hơn trong nghề nghiệp và trong các việc thiện. Hành động đó phản chứng rằng năm 2012 này không tận thế. Vài trăm năm cho đến vài tỷ năm vẫn chưa tận thế. Cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ năm 2007, tạm kết thúc vào năm 2009. Ì ạch cho đến năm 2012 mới bắt đầu tái phục hồi. Dự kiến đến năm 2014 sẽ trở lại bình thường. Đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế mà nghe thông tin tận thế thì thử hỏi còn ai muốn sống? Phật tử nào rơi vào tâm trạng muốn buông, không muốn tiến bộ, không bon chen với đời, đồng nghĩa người đó đang tu lạc đường. Không có bài kinh nào xúi dại chúng ta như thế. Người xuất gia được khích lệ buông hết mọi chấp trước: Thanh, hương, vị, xúc, pháp, để đầu tư hoàn toàn cho tu tập tâm linh, bên cạnh đó giúp đỡ người tại gia an vui bằng cách tư vấn về đạo đức, giúp họ vượt qua bế tắc, căng thẳng, sức ép trong cuộc sống. Đức Phật không hề kêu gọi người tại gia bỏ hết mọi thứ họ có, dù một trong bốn đức tính quan trọng nhất của tâm là xả. Xả được hiểu là xả bỏ tham sân si, tâm lý tiêu cực, hành vi tiêu cực, thói quen xấu, lối sống xấu phương hại đến an ninh, hạnh phúc và hòa bình của con người, chứ không phải buông bỏ hạnh phúc, sự nghiệp, những thứ chúng ta đang đầu tư rất thành công.

Hơn mười năm qua, đi đến đâu tôi cũng nỗ lực kêu gọi Phật tử đừng nên bận tâm đến giải thoát. Có rất nhiều người ngộ nhận rằng tôi đả phá đạo Phật. Họ nghĩ đức Phật chủ trương đạo giải thoát cho mọi cư sĩ. Chuyện đó không bao giờ có. Việc nắm vững Phật học sẽ cho chúng ta thấy rõ để được giải thoát thì làm tu sĩ sẽ có cơ hội thuận lợi hơn cư sĩ tại gia. Ở quả chứng sơ thiền, được gọi là ly sinh hỷ lạc, gọi đủ là ly ái dục, sinh hỷ lạc, tức chuyển hóa năng lực tính dục, chuyển hóa khao khát tính dục một cách trọn vẹn đến tận gốc rễ thì mới có thể tạo ra chất an lạc hạnh phúc thực tại rồi nhập vào thiền thứ nhất. Người tại gia không thể làm được mà cũng không nên làm việc này nếu họ có gia đình, vợ chồng hợp pháp. Đức Phật cho phép cư sĩ hưởng thụ dục tại gia với lời kêu gọi giữ chung thủy một vợ một chồng.

Hãy nhớ điều đạo đức này để không nghĩ một cách sai lạc rằng đức Phật dạy giải thoát cho người tại gia. Dĩ nhiên những người tại gia độc thân hay góa bụa không có nhu cầu tái giá có thể tu tập như những vị xuất gia chân chính. Quả chứng họ đạt sẽ không thua kém giới xuất gia. Bao nhiêu trong số bảy tỷ người trên hành tinh làm được việc ấy? Đó là sự lựa chọn rất hy hữu. Còn người sống đời sống độc thân, chuyển hóa năng lực tính dục mà không chịu tham gia vào đời sống tu sĩ thì lại quá uổng phí, vì trọng tâm của đời sống tu sĩ nằm ở chỗ này. Do đó buông phải hiểu đối tượng buông là cái gì.

Điều thứ hai đức Phật dạy trong sáu điều đạo đức toàn thiện là tinh tấn nỗ lực và theo đuổi mục đích với cam kết để thành tựu các ước mơ, không đào tẩu, không sợ hãi, không chán nản, tuyệt vọng, than vãn. Trong sự nghiệp, ta cũng được khích lệ bằng tinh tấn ba la mật, chứ không phải chỉ trong đạo nghiệp tu để giải thoát mà người xuất gia mong như thế. Muốn thành công ở bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải tinh tấn ba la mật.

Trở lại thời đức Phật, nếu trong giới tu sĩ có mười vị cao Tăng được gọi là thập đại đệ tử thì trong Ni giới cũng có mười vị cao Ni đều là những bậc thánh A la hán. Trong hai mươi vị cư sĩ nam nữ vĩ đại thời đức Phật, không vị nào ngưng công ăn việc làm khi vẫn còn dưới sáu mươi tuổi, chỉ để tu giải thoát. Cấp Cô Độc sống đến tám mươi tuổi. Đến giây phút trút hơi thở cuối cùng, ông vẫn là một đại gia lớn. Ông dùng tài sản hợp pháp của mình chu cấp cho nhiều mảnh đời cơ nhỡ bất hạnh khác nhau. Phước điền của ông lớn, các vị tu sĩ đôi khi không thể sánh bì. Vậy dại gì từ bỏ sở trường của mình để trở thành tu sĩ. Nhờ Cấp Cô Độc dấn thân vào việc thiện mà Phật giáo được hưng thịnh, nhiều mảnh đời bất hạnh được cứu vớt.

Visakha là nữ tỷ phú thời bấy giờ cũng là nữ Phật tử thuần thành. Ngoài tấm lòng nhân đức như Cấp Cô Độc, bà còn là người tài sắc vẹn toàn. Hiếm có phụ nữ nào như thế. Trong mấy chục điều oai nghi tế hạnh thuộc một trăm điều học pháp của các vị xuất gia hầu như được bà góp ý và đề nghị đức Phật lập thành điều lệ để giữ gìn. Nhờ đó tăng niềm tin ở tín đồ đối với người xuất gia chân chính. Bà cũng sống trên tám mươi tuổi và không buông bỏ sự nghiệp của mình. Vấn đề là ta sử dụng nguồn thu nhập hợp pháp đó cho việc nghĩa và đừng đắm nhiễm, đừng ngủ quên, đừng chai sạn lòng từ bi trên nó. Sự khác nhau của người tại gia tu học Phật và người khác tôn giáo là thế.

Đang trong khủng hoảng, khó khăn, bế tắc, hoạn nạn, khổ đau, đọc vào những bài kinh xuất gia, rất có khả năng chúng ta muốn buông hết. Buông bỏ là việc dễ làm nhất ở giai đoạn đầu, nhưng khó làm nhất ở giai đoạn sau nếu đối tượng buông bỏ thật sự đúng, vì buông bỏ là một nghệ thuật, giữ cái gì và buông cái gì. Phần lớn chúng ta tiếc nuối, bám víu, vướng dính, và nghĩ rằng nó là của mình về phương diện luật hay dân sự; nó là chính mình về phương diện thái độ hay tâm lý. Cho nên tu tập để buông được những thứ vừa nêu là rất cần thiết. Người xuất gia được đức Phật khuyên phải thực hiện trọn vẹn điều này.

Người xuất gia sống như người tại gia là lầm đường. Còn người tại gia sống như người xuất gia thì có hai tình huống: Thứ nhất là lầm đường; thứ hai là quá uổng phí vì hành được hạnh xuất gia mà không dám xuất gia. Ai không thỏa mãn hài lòng với hạnh phúc tại gia thì có thể phát nguyện xuất gia với con đường và lộ trình đi hợp pháp. Dưới mười tám tuổi phải được cha mẹ cho phép. Trên mười tám tuổi có thể tự quyết định. Tuy nhiên phải kết thúc thỏa ước hôn nhân. Tuyệt đối không giấu giếm việc mình đang có vợ chồng. Chùa nào cho phép truyền giới thì chùa đó phạm Đột kiết la theo luật của đức Phật. Ngoài ra, kể từ lúc thọ giới cho đến bốn mươi năm sau hoàn toàn vô nghĩa. Không được tính năm tu tập. Luật nhà Phật rất rõ, động cơ xuất gia phải chân chính, lý tưởng, phụng sự, giải thoát, chứ không cầu sự an nhàn ẩn nương cửa Phật, hoặc thất tình, trốn đời, trốn thuế, trốn lệnh truy nã,…

Nỗ lực vượt qua mê tín

Sao không có thật. Sao là các hành tinh, định tinh. Sao không quyết định vận mạng của con người mà chính tâm thức, lối sống thể hiện qua hành vi, lời nói, việc làm mới quyết định cảnh huống thuận nghịch, từ đó tạo ra phước hay khổ mà con người phải đối mặt. Tất cả mọi thứ “hên xui”, “may rủi”, “ngẫu nhiên” cũng do chúng ta không hiểu quy luật vũ trụ, quy luật thế giới, quy luật vật lý, quy luật con người, quy luật đạo đức, và quy luật nhân quả. Không có số phận, không có vận mệnh vì đời sống chúng ta thay đổi theo tư duy, hoàn cảnh, môi trường sống, cơ chế giáo dục, ý thức hệ chính trị, kinh nghiệm và lối sống cá nhân hay tập thể. Nó biến động liên tục. Thay đổi có chiều hướng tốt và xấu mà người biết tu thường chọn lấy cách chuyển hóa tốt, vẫy tay từ biệt cái xấu.

Không có cái gọi là trùng tang, tam tai, sát chủ như lịch Tàu đã chủ trương. Sở dĩ niềm tin đó sống là bởi vì chúng ta sợ nó liên hệ đến cái chết của chính mình. Hoảng quá phải tin, tin phải cúng, cúng rồi tự an ủi “thà tin dư còn hơn làm thiếu”. Cứ như thế mà niềm tin mê tín lại tiếp tục sống dai, sống dài, sống dở dẫn đến chết dở. Trên lịch Tàu, ngày 11 tháng 3 năm 2011 vừa qua là ngày trùng tang. Nếu cái gọi là trùng tang có thật thì hai tháng tới, có khoảng bốn chục ngàn người Nhật Bản thuộc các gia đình nạn nhân của cơn sóng thần động đất kép sẽ chết? Chuyện đó không bao giờ có thật. Quay về những tháng ngày của Khmer đỏ, do chủ nghĩa yêu nước cực đoan đã giết mấy triệu dân thuộc dân tộc mình, phần lớn thuộc vào ngày trùng tang và tam tai. Nếu những ngày đó là có thật thì năm 1980 phải có vài triệu người tiếp tục chết. Chuyện đó cũng không bao giờ có thật.

Trục trặc, tai nạn, trở ngại, bệnh hoạn của bản thân và những người thân trong gia đình không liên hệ gì đến người chết. Người chết không làm được việc đó, không thèm làm việc đó và cũng không rảnh làm việc đó. Ai nghĩ rằng ngày chết của người thân rơi vào cung ly, cung xấu, mang lại hậu quả xấu cho con cháu là đang gieo nghiệp đại vu khống cho cha mẹ ông bà. Đó là đại nghịch tội, quả báo xấu rất nặng, nặng hơn nhiều quả báo khác. Cho nên phần lớn các thầy bói tin vào những điều này thường sống yểu. Vì thầy bói thường sống trên nỗi sợ hãi của người khác, làm giàu trên nỗi sợ hãi của người khác và an ủi giả tạo đối với người khác. Dân gian Phật giáo gọi là “tiền mất tật mang”, “phước chủ may thầy”. Phước của tín chủ nhưng vì tín chủ mê tín nên ông thầy bói, thầy tướng, thầy pháp, thầy cúng được may mắn.

Tóm lại, đến chùa chỉ nên đối trước Tam bảo để cầu nguyện cho hành tinh xanh này bớt nạn hâm nóng toàn cầu bằng việc gây tạo ý thức cộng đồng về phương pháp giữ gìn môi trường xanh sạch, hạn chế tối đa hành động tái tạo ô nhiễm nước, đất, không khí và tiếng ồn. Chúng ta cầu nguyện cho thế giới này thông minh hơn, từ bi hơn, trí tuệ hơn, xóa bỏ vũ khí giết chóc và hành hạ lẫn nhau để cuộc đời trở nên thanh bình, an ninh. Chúng ta cầu nguyện bớt đi con người ích kỷ để mọi người sống đúng với luật pháp và đạo đức hơn, tạo hạnh phúc cho nhiều người hơn. Chúng ta cũng cầu nguyện cho tất cả quốc gia trên hành tinh ngày càng phát triển bền vững theo hướng giữ gìn truyền thống văn hóa thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc. Đừng vì cơn lốc toàn cầu hóa, rồi chạy theo một cách cực đoan nền văn minh vật chất và hưởng thụ mà quên đi giá trị tinh thần vốn có từ ngàn xưa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mình và người thân sáng suốt, từ bi hơn để sống với nhau bằng tình người, bằng trách nhiệm để cùng nhau vẫy tay chào với nỗi khổ niềm đau. Khóa lễ cầu kinh Dược Sư tại chùa thường nhắm vào mục đích đó. Đây là loại thuốc bằng nhận thức sáng suốt nạp vào bộ não chúng ta. Nó có chức năng tẩy rửa niềm tin mê tín, quan niệm sai lầm, các tà kiến, biên kiến, đoạn kiến, và cố chấp để giúp chúng ta sống tích cực hơn, an lạc hơn.

Bất kỳ ai đi chùa dù Phật tử hay chưa là Phật tử hãy bỏ thói quen cúng sao thành thói quen cầu an cho thế giới, quốc gia, và chúng sinh thì tâm lượng chúng ta trở nên cao thượng. Điều đó có nghĩa, chúng ta đang góp phần truyền bá chánh pháp. Khi làm Phật sự, cúng dường cho một ngôi chùa, dâng hương cho Tam bảo mà không còn ghi tên để đọc như đọc sớ là chúng ta đang tiến bộ. Thời Phật không có chuyện đó. Làm việc thiện, tâm hãy hướng tới việc hồi hướng. Theo kinh Địa Tạng, người được hồi hướng nhận một phần nhỏ, người khởi tâm hồi hướng nhận phần lớn hơn. Nhân quả không đui mù để chúng ta phải đọc to tên mình. Hãy cứ cúng cho chùa, làm Phật sự bằng sự phát tâm. Đừng viết thành sớ táo quân. Đừng như một số người photo khoảng hai trăm tờ danh sách thành viên trong gia đình mình, rồi sai gia nhân đem gửi đến một trăm chùa. Việc làm này khiến hôm đó, khoảng một trăm thầy tu tại một trăm chùa, cùng mấy chục nghìn Phật tử phải quỳ gối trang nghiêm trước điện Tam bảo, mệt hơi, mất thời gian nghe tên mình. Đừng làm theo cách đó. Hãy hồi hướng trực tiếp, tác dụng trực tiếp, mà không cần phải đọc. Có người không được đọc tên đâm ra hờn dỗi, trách móc nhà chùa. Mặc dù tôi nói ra điều này có lẽ một số Phật tử dễ hiểu lầm, dễ va chạm, nhưng nếu không nói thì Phật giáo phương tiện mãi dần dà trở thành truyền bá mê tín, trong khi đạo Phật lại dạy chúng ta chánh tín.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (2 đã gửi)

avatar
Hai Hoang 15/05/2012 18:31:46
Những lời dạyđầy mjnh triết của TT Thích Nhật Từ thức tỉnh mọi người bất kể thuộc tôn giáo nào không chỉ riêng cho Phật tử
Reply Tán thành Không tán thành
-1
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
NGUYEN QUANG VINH 16/05/2012 13:05:23
NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.
BACH THAY! CHUNG CON XIN NGHE LOI THAY,NHAT TAM HOI HUONG
Reply Tán thành Không tán thành
-1
Cảnh báo nội dung không phù hợp
tổng số: 2 | đang hiển thị: 1 - 2

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)