Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Cảm thức về Xuân của thiền sư

Đã đọc: 2899           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Hình ảnh hoa tàn, hoa nở là hình ảnh rất đổi quen thuộc và giản đơn nhưng nó khái quát được sự biến đổi của vạn vật trước dòng chảy của thời gian. Kế đến là sự đổi thay nơi con người, biểu hiện cụ thể là sự đổi màu của mái tóc: “Trên đầu già đến rồi”. Nếu bài thơ mà dừng lại nơi đây, chắc chắn rằng nó sẽ mang đến cho mọi người cái cảm giác bất an và buồn chán; Bởi lẽ mọi thứ tốt đẹp bên ta dường như đã ra đi hết, không còn thứ nào ở lại: Mùa Xuân cũng ra đi, hoa thơm cũng tàn phai, tuổi trẻ cũng không còn…

Ở phần trước, tuy có đề cập ít nhiều đến nhận thức của các thiền sư về nguyên lý vô thường nhưng chưa đầy đủ lắm, vì chỉ bàn đến nhận thức của thiền sư về tính chất hư huyễn, sự đổi thay của vạn vật, chứ chưa nói đến nhận thức của thiền sư về sự đổi thay của con người. Lẽ dĩ nhiên, nguyên lý vô thường chi phối không chỉ đối với sự vật hiện tượng mà còn cả con người:

“Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân đáo bách hoa khai.

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tùng đầu thượng lai.

Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.

(Mãn Giác thiền sư)

Xuân ruổi trăm hoa rụng,

Xuân tới trăm hoa cười.

Trước mắt việc đi mãi,

Trên đầu già đến rồi.

Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua sân trước một cành mai.

(Ngô Tất Tố dịch)

Căn cứ trên ngôn từ thì bài này là bài thơ Xuân nhưng bên dưới lớp nghĩa đen của ngôn từ là triết lý sống uyên áo. Bằng hình ảnh rất thi vị, thiền sư Mãn Giác đề cập đến năng lực hùng mạnh đang tác động cả vũ trụ vạn hữu, đó là nguyên lý vô thường. Trước hết, nguyên lý vô thường thể hiện ở vạn vật mà cụ thể là hình ảnh tàn nở của hoa cỏ khi Xuân ra đi và trở về:

“Xuân ruổi trăm hoa rụng,

Xuân tới trăm hoa cười”.

Hình ảnh hoa tàn, hoa nở là hình ảnh rất đổi quen thuộc và giản đơn nhưng nó khái quát được sự biến đổi của vạn vật trước dòng chảy của thời gian. Kế đến là sự đổi thay nơi con người, biểu hiện cụ thể là sự đổi màu của mái tóc: “Trên đầu già đến rồi”. Nếu bài thơ mà dừng lại nơi đây, chắc chắn rằng nó sẽ mang đến cho mọi người cái cảm giác bất an và buồn chán; Bởi lẽ mọi thứ tốt đẹp bên ta dường như đã ra đi hết, không còn thứ nào ở lại: Mùa Xuân cũng ra đi, hoa thơm cũng tàn phai, tuổi trẻ cũng không còn… May thay bài thơ vẫn còn tiếp những câu sau và mở ra một khung trời tươi sáng tuyệt vời:

“Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua sân trước một cành mai”.

Lời thơ như vầng thái dương bừng lên giữa đêm trường u ám, xóa tan bao nhiêu lo lắng, nghi vấn trong lòng người. Cứ ngỡ rằng mọi thứ sẽ bị cuốn trôi theo dòng sinh diệt, cũng như sau Xuân sẽ chẳng còn một đóa hoa nào tồn tại; Nhưng trái lại quy luật tự nhiên, một nhành mai nghiễm nhiên tồn tại và tươi nở. Nhành mai hiện hữu trái với quy luật của tạo hóa, là biểu tượng cho cái chân thường, bất biến, tồn tại vĩnh hằng. Rõ ràng, trong cái vô thường vẫn tồn tại cái thường hằng; Trong thân tứ đại hư huyễn này vẫn có cái không hư huyễn, đó là giác tánh của mọi người. Giác tánh vốn không sinh không diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, không tăng không giảm… không chịu sự tác động của nguyên lý vô thường.

Thể nhập giác tánh, trở về với giác tánh tức là trở về với mùa Xuân trong cõi lòng mình, lúc ấy sẽ được an lạc và giải thoát. Đó mới là niềm vui chân thật phát ra từ tâm Xuân của mọi người. Niềm vui này tồn tại vĩnh viễn, nó không giống niềm vui có được từ ba tháng Xuân mang lại, niềm vui do ba tháng Xuân mang lại rất ngắn ngủi, mong manh và sẽ chấm dứt khi mùa Xuân ra đi. Mới hay rằng muốn hưởng được niềm an lạc vô tận; Muốn ngắm nhìn, thưởng thức mãi sắc đẹp và hương thơm của nhành mai bất diệt với thời gian thì phải quay về an trụ nơi tâm Xuân của mình.

Tóm lại, bài thơ chuyển tải triết lý sống vô cùng sâu sắc. Bằng những hình ảnh hết sức sinh động, ước lệ; Thiền sư Mãn Giác đã cho chúng ta thấy rõ quan niệm của mình về con người và cuộc sống. Trên thế gian này, hễ sự vật hiện tượng nào có hình tướng thì đều nằm trong sự tác động của nguyên lý vô thường; Con người phải trải qua các giai đoạn: sinh, lão, bệnh, tử; Sinh vật thì trải qua các quá trình: Sinh, trụ, dị, diệt; Sự vật hiện tượng thì trải qua các thời kỳ: Thành, trụ, hoại, không. Nhưng trong cuộc đời tương đối này vẫn còn có cái tuyệt đối, không bị hư hoại với thời gian, không bị vô thường chi phối; Đo chính là giác tánh của mọi người, được thể hiện bằng hình ảnh nhành mai nở muộn cuối Xuân.

“Hữu sinh tắc hữu diệt, hữu hình tắc hữu hoại” là quy luật, là chân lý nhưng dường như không phải ai cũng nhận ra điều này. Nếu sớm nhận ra chân lý thì sớm đạt được sự tự tại và an lạc, còn ngược lại thì mãi chìm trong não phiền và đau khổ. Hãy lắng nghe Điều Ngự Giác Hoàng tâm sự:

“Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,

Nhất Xuân tâm tại bách hoa trung.

Như kim khám phá đông hoàng diện,

Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng”.

(Trần Nhân Tông)

Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không,

Xuân sang hoa nở rộn tơ lòng.

Chúa Xuân nay đã thành quen mặt,

Nệm cỏ ngồi yên, ngó rụng hồng.

(Ngô Tất Tố dịch)

Hướng về cái đẹp, truy tìm cái đẹp là thuộc tính của con người nhưng hướng về cái đẹp, thưởng thức cái đẹp mà không đắm nhiễm, không lệ thuộc vào nó mới là việc khó thực hiện. Thanh xuân là giai đoạn đẹp nhất của đời người, là giai đoạn đầy ấp những ước mơ, những dự tính cho tương lai và cũng là giai đoạn mà mọi người hướng tâm tìm cầu cái đẹp. Mỗi độ Xuân về, lòng người thường dao động, tâm niệm thường xu hướng theo muôn hồng ngàn tía, cho nên mới nói: “Xuân sang hoa nở rộn tơ lòng”. Bản dịch tuy không xác thực nghĩa nhưng cũng bôc lộ hết cái rạo rực, hưng phấn trong lòng tuổi trẻ.

Nhưng đó là việc của quá khứ, hiện tại thì:

“Chúa Xuân nay đã thành quen mặt,

Nệm cỏ ngồi yên, ngó rụng hồng”.

Trước kia, vì không tỏ ngộ được lẽ sắc không của cuộc đời nên rong ruổi theo cái đẹp hư huyễn. Còn bây giờ đã giác ngộ cuộc đời là giấc mộng, cái đẹp không trường tồn, vạn vật có sinh có diệt. Từ đó, tâm không còn rộn ràng và xao xuyến khi thấy hoa nở, Xuân về; Và tâm cũng không luyến lưu và tiếc nuối khi thấy hoa héo, cỏ tàn và mùa Xuân ra đi. Hình ảnh “Nệm cỏ ngồi yên, ngó rụng hồng” là thể hiện cho lòng bình thản, vô ngại trước cái sinh diệt của các sự vật hiện tượng trong cuộc sống.

Với cái nhìn thấu suốt bản chất của sự vật hiện tượng, Điều Ngự Giác Hoàng đã đạt được sự tự tại, vững chãi trước vòng sinh diệt của cuộc đời. Mùa Xuân có đến hay đi, hoa có nở hay tàn cũng chẳng làm ngài bận lòng nữa, bởi lẽ ngài đã an trụ vào tâm Xuân, vào Bản giác Xuân và tận hưởng mùi hương nhiệm mầu của nhành mai bất diệt.

Sang các thiền sư Trung Hoa, khi đem đối sánh với các thiền sư Việt Nam, ta cũng thấy có sự đồng điệu trong cái nhìn về con người và cuộc sống:

“Khứ niên phùng thanh xuân,

Châu nhan ánh đào lý.

Kim niên phùng thanh xuân,

Bạch phát yểm song nhỉ.

Nhân sanh thất thập niên,

Tật nhược đông lưu thủy.

Bất liễu bổn lai tâm,

Sanh tử hà do ly”.

(Tống triều Quang Giác Thiền sư)

Năm trước gặp thanh xuân,

Má hồng khoe đào lý.

Năm nay gặp thanh xuân,

Tóc bạc đầy cả mái.

Người đời tuổi bảy mươi,

Nhanh như dòng nước chảy,

Chẳng ngộ tâm nguyên sơ,

Sanh tử làm sao thoát.

(Thích Thanh Từ dịch)

Thời gian trôi đi, Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân… cái thanh xuân của con người theo đó mà phôi pha. Năm trước đón Xuân thì “má hồng khoe đào lý” nhưng năm nay đón Xuân thì “tóc bạc đầy cả mái”. Giai đoạn từ thanh xuân sang già nua thật là mau chóng tợ như dòng nước chảy. Thực ra, chẳng phải đợi đến một năm chúng ta mới thấy sự già nua kéo đến, sự biến đổi đã diễn ra từng giây từng phút trong cơ thể mọi người. Thấy rõ nguyên lý vô thường chi phối con người như vậy nên thiền sư Quang Giác đã khuyên mọi người để tâm vào việc truy tìm chân lý, chân lý ở đây là tâm nguyên sơ (bổn lai tâm), là giác tánh vốn có trong mỗi người chúng ta. Liễu ngộ được bản tánh ấy thì thoát khỏi dòng sanh tử, đó chính là mùa Xuân miên viễn mà mọi người cần hướng đến.

Tinh thần này trước kia đã được thể hiện khá rõ ở thiền sư Thiện Chiêu:

“Như kim lục thập nhất,

Bạch phát tương thôi xuất.

Huyễn chất tỉ phù vân,

Không tâm đồng Tổ Phật.

Xuân lai bất tiện hoa,

Thu khứ khởi hiềm vật.

Cánh dữ tam thập niên,

Miết nhiên như điện phất”.

(Đường triều Thiện Chiêu TS.)

Nay tôi sáu mươi mốt,

Tóc bạc đuổi nhau điểm.

Chất huyễn dường mây trôi,

Tâm không đồng Tổ Phật.

Xuân đến chẳng chê hoa,

Thu về nào ghét vật.

So cùng năm ba mươi,

Bỗng nhiên như điện chớp.

(Thích Thanh Từ dịch)

Quả thật, lời thơ dẫu có khác nhưng quan niệm thì hoàn toàn tương tự nhau. Mỗi khi Xuân về là tuổi đời theo đó tăng lên, mái tóc xanh ngày nào bây giờ trở thành bạc trắng; Thân tứ đại hư huyễn này cứ dần dần trải qua các giai đoạn sinh, lão, bịnh, tử. Nếu như ở bài thơ trước, Quang Giác xem kiếp sống con người trôi mau như dòng nước chảy thì trong bài này, Thiện Chiêu nhìn sinh mệnh con người qua nhanh như làn điện chớp. Cách ví dụ này làm cho người đọc cảm thấy đời người quá ngắn ngủi, mạng sống thật mong manh, chợt có rồi chợt không, không thể nào làm chủ được, hễ mang thân tứ đại thì không ai thoát khỏi sự chi phối của quy luật vô thường.

Bên cạnh đó, bài thơ còn cho thấy tinh thần tự tại và siêu thoát của thiền sư trước sự đổi thay, sinh diệt của kiếp người:

“Huyễn chất tỉ phù vân,

Không tâm đồng Tổ Phật.

Xuân lai bất tiện hoa,

Thu khứ khởi hiềm vật”.

Điểm then chốt của vấn đề là chỗ “Không tâm”, chính điều này đã tạo nên thái độ an nhiên, bình thản của thiền sư. Hàm nghĩa của “Không tâm” có nhiều cấp độ cao thấp khác nhau, hoặc có thể hiểu là trạng thái giác ngộ của nhà Thiền, hoặc có thể hiểu là tâm không thị phi, thiện ác, nhân ngã… Còn các câu “Xuân đến chẳng chê hoa, Thu về nào ghét vật” chỉ là hệ quả của trạng thái “không tâm”, là biểu hiện của lòng tự tại mà thôi.

Tóm lại, mỗi khi Xuân về, căn cứ vào các hiện tượng: Đeán đi của mùa Xuân, tàn nở của hoa cỏ, biến đổi từ trẻ trung sang già nua của con người… các thiền sư nhận thức rằng vạn vật và con người trên thế gian này đều nằm trong vòng chi phối của nguyên lý vô thường. Theo phàm tình, hễ thấy cái đẹp tàn phai sẽ khiến lòng người luyến tiếc, xót thương nhưng đối với các thiền sư thì chưa từng có điều ấy. Hơn thế nữa, ở các ngài còn đạt được tâm trạng tự tại và an nhiên trước sự đổi thay của cuộc đời, bởi vì các ngài luôn sống trong niềm an lạc của tâm Xuân chứ không trụ vào cái vui, cái đẹp của Xuân thời gian.

Có thể nói, cái nhìn của các thiền sư về mùa Xuân có nhiều điểm khác biệt với những thi sĩ. Các thi sĩ đều rất phấn khởi khi Xuân về, lòng họ rộn ràng trước những sắc màu tươi đẹp của trăm ngàn hoa cỏ. Đối với họ, mùa Xuân là mùa đẹp nhất, là giai đoạn tuyệt vời nhất; Mùa Xuân mang đến niềm vui và hạnh phúc. Chính vì thế nên mỗi khi Xuân ra đi họ lại thương tiếc vô cùng vì mùa Xuân ra đi có nghĩa là nguồn vui và cái đẹp không còn nữa. Do nhận thức như vậy nên khi Xuân đến cảm thấy vui sướng bao nhiêu thì khi Xuân đi nhận lấy buồn chán bấy nhiêu. Niềm hoài Xuân và lòng thương tiếc cái đẹp luôn tồn đọng trong lòng thi sĩ khi Xuân không còn ở lại với đời.

Bằng cái nhìn tuệ giác-vô ngã, các thiền sư không say đắm cái đẹp hư huyễn, không tìm cầu cái vui giả tạm do Xuân thời gian ban tặng, các ngài luôn an trụ trong cái hỷ lạc vĩnh hằng của tâm Xuân, của bản thể Xuân.

Không phải các thiền sư hờ hững, lạnh lùng với vẻ đẹp của mùa Xuân, Xuân đến các ngài cũng thưởng thức hoa thơm cỏ lạ; Nhưng đồng thời các ngài nhận thức được rằng vẻ đẹp của Xuân thời gian là vẻ đẹp hư huyễn, niềm vui mà Xuân thời gian mang lại là niềm vui không tồn tại dài lâu; Vì vậy lòng các ngài rất tự tại, an nhiên trước sự ra đi của Xuân thời gian. Mùa Xuân mà các thiền sư an trụ là tâm Xuân, là bản thể Xuân. Chỉ có tâm Xuân mới đem lại niềm hỷ lạc vĩnh hằng cho mọi người và chỉ an trụ ở tâm Xuân mới có thể ngắm nhìn, mới có thể thưởng thức được cái đẹp trường cữu và mùi hương bất diệt của nhành mai khai nở muộn sau Xuân.

Chùa Huệ Nghiêm, cuối đông Tân Mão

 

 

Thiền sư Mãn Giác (1052-1096): Dòng Vô Ngôn Thông.

 Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích, 1993, Thiền uyển tập anh, NXB Văn Học Hà Nội, tr. 95.

 Trần Lê Sáng (chủ biên),1997, Tổng tập văn học Việt Nam, quyển 2, NXB KHXH Hà Nội, tr. 341.

 Trích theo Thích Thanh Từ, 1991, Xuân trong cửa thiền, Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành, tr. 67.

 Trích theo Thích Thanh Từ, 1991, Xuân trong cửa thiền, Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành, tr. 268.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)