Sự Ghi Nhận Và Lòng Biết Ơn

Đã đọc: 1630           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tôi muốn bắt đầu bài viết này bằng câu chuyện liên quan đến đề tài mà tôi sẽ trình bày tiếp sau, tháng 2 năm 2016, vào một buổi chiều nắng đẹp, tôi đang ngồi trò chuyện với một số học trò về chữ Nôm mới, một loại chữ do tôi sáng tạo, câu chuyện đang rôm rả, bỗng một người quen lâu ngày không gặp viếng thăm, anh ta vốn là sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn, về sau cũng nghiên cứu văn hóa dân tộc nên vốn liếng Hán Nôm cũng như kiến thức về xã hội rất phong phú, sẵn đang lúc bàn về chữ viết của người Việt, anh cũng tham gia.

Anh cho biết vừa mới đi tham dự hội thảo về chữ Quốc ngữ ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định về, nhân tiện ghé thăm tôi, anh khoe hội thảo có sự tham gia các nhân vật thuộc hàng cây đa, cây đề như: Giáo sư Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, PGS TS. Lê Công Đức - Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP. Hồ Chí Minh, GS Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, phong thái và ngôn từ mà anh ta thể hiện cho thấy anh ta hết sức hãnh diện khi được tham dự hội thảo này; đồng thời cho biết chính Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hứa sắp tới sẽ có văn bản đề nghị nhà nước tôn vinh các giáo sĩ ngoại quốc đã có công trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, nhất là Alexandre de rhodes (không biết có thật không), theo lời anh ta chính là cha đẻ của chữ Quốc ngữ. Tất nhiên vì quen nhau đã lâu nên tôi cũng không lạ gì quan điểm của anh, vì vậy tôi chỉ giữ im lặng, sau đó anh ta còn hào hứng hơn, phê bình một số người mà anh ta cho là hẹp hòi, mặc cảm tôn giáo, bằng cách này, cách khác cố phủ nhận công lao của các giáo sĩ phương Tây. Thấy anh ta hào hứng quá nên tôi hỏi:  

Thế ông có biết cha đẻ của chiếc Boeing 747 là ai không?

Không. Anh ta trả lời:

Đó chính là anh em nhà Wright, người Mỹ. Tôi nói.

Đến lúc này anh ta mới chợt nhớ ra, liền nói: Dường như anh em nhà Wright là người phát minh ra chiếc máy bay đầu tiên phải không?

Đúng vậy. Tôi nói.

Anh ta phản bác ngay: Phải công nhận là anh em nhà Wright thực hiện bước đi đầu tiên đối với giấc mơ con người có thể bay vào không trung, nhưng làm sao mà bảo là cha đẻ của chiếc Boeing 747 được, có chăng chỉ là ghi nhận sự phát minh đầu tiên mà thôi. Ông nói sao ấy chứ.

Tôi nói: Vậy tại sao ông bảo Alexandre de rhodes là cha đẻ chữ Quốc ngữ, có thực ông ta kí âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh với mục đích làm chữ Quốc ngữ cho người Việt không? Thưa ông ngày ấy ngay cả cái tên chữ Quốc ngữ còn chưa có nói gì chuyện cha đẻ, mẹ đẻ ở đây. Ông có bằng chứng nào cho thấy điều đó xin hãy đưa ra đây thì tôi xin bái phục! Cho nên đó chỉ là việc làm mang tính nghề nghiệp của các giáo sĩ phương Tây mà thôi, nếu nói về lợi ích cho nhân loại so với phát minh của anh em nhà Wright thì chữ Quốc ngữ còn thua xa, bởi vì nó tạo ra một bước ngoặc đối với nền văn minh của con người, những gì mà ngành hàng không đã và đang làm chứng minh cho điều đó, nó làm thay đổi bộ mặt của nhân loại, từ kinh tế, chính trị, quân sự cho đến văn hóa, thậm chí nó còn làm cho không gian như ngắn lại giữa các nước trên thế giới, không phải ai cũng có thể làm được, còn chữ kí âm bằng mẫu tự La Tinh thì chẳng phải là việc chỉ có những thiên tài xuất chúng mới làm được, cho nên nếu không có các giáo sĩ phương Tây chăng nữa, thì với sự mở rộng văn hóa toàn cầu, người Việt cũng thừa sức để làm điều đó nếu muốn, có quá nhiều nước đã làm điều này mà chẳng cần ông tây, bà đầm nào đẻ cho cả, như gần đây là Azerbaijan (1991), Turkmenistan (1991) và Uzbekistan (1992), ngay cả những nước có rồi nhưng chỉ dùng hết sức giới hạn như Nhật Bản chẳng hạn. Tuy nhiên, dù sao chuyện các giáo sĩ phương Tây kí âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh đã là một phần lịch sử của vấn đề chữ Việt hiện nay, do vậy trong thao tác của người viết sử ta chỉ nên ghi nhận mà thôi, cũng như ông nói việc cho rằng anh em nhà Wright là cha đẻ chiếc Boeing 747 là điều không thể, nếu không nói là hồ đồ và thiếu hiểu biết, chỉ nên ghi nhận phát minh của họ mà thôi, ai mà cứ cố gắn cái từ cha đẻ cho anh em họ cho bằng được thì thật là quá vô liêm sĩ phải không, trong khoa học, không có ngành nào tiến bộ mà không có sự kế thừa, văn minh của nhân loại không ngoài tiến trình này. Chắc ông thừa biết chữ Quốc ngữ hiện nay là do nhiều thành phần người Việt vận dụng việc kí âm của các giáo sĩ phương Tây trước đó rồi hoàn thiện, phát triển đưa đến sử dụng rộng rãi và giờ đây được gọi là chữ Quốc ngữ, có nghĩa là chữ Quốc ngữ, hiểu theo đúng nghĩa của từ này, được phát triển khi mà Alexandre de rhodes đã chết từ đời tám hoánh rồi ông ạ, cho nên một số người ngày nay ép ông đẻ là một hành động có mục đích, mục đích đó là gì rất có thể ông cũng biết nhưng cứ lờ đi để cho hợp với cái khẩu vị sùng Tây, thế thôi.

- Nhưng nếu không có chữ Quốc ngữ thì nước Việt làm gì có chữ viết của chính mình, nếu không nói là nhờ chữ Quốc ngữ mà nước ta đã phổ cập được giáo dục, tiếp cận được các tiến bộ khác của thế giới, anh ta nói.

- Ồ, cái luận điệu này tôi nghe đã quá nhàm tai rồi ông ạ, thế ông cho rằng nước Việt chưa từng có chữ viết à, vậy các bộ sử và cả một nền văn hóa trước đây viết bằng chữ gì? Nguyễn Du viết truyện Kiều bằng chữ gì? Đánh giá một quốc gia không chỉ là vấn đề con chữ, nói như ông thế Trung quốc, Nhật bản, Hàn quốc không viết bằng chữ La Tinh chắc là nước họ lạc hậu, thua xa Việt nam nhỉ! Chắc ông biết tiếng Philippines đã La Tinh hóa từ lâu, thậm chí lấy tên một ông vua phương Tây, Philip II của Tây Ban Nha để đặt tên nước mà có tiến bộ vượt bậc gì đâu, có lẻ giờ đây họ đã cảm thấy ê chề nên Tổng thống Ferdinand Marcos muốn đổi tên nước thành Maharlika. Nói thật, nếu các nước đồng văn với Việt nam mà biết người Việt vô cùng hãnh diện và tìm mọi cách để tôn vinh chữ Việt La Tinh cùng các cụ Tây thái quá như vậy chắc họ cũng xấu hổ dùm.

- Nhưng chữ Hán là chữ của Tàu, còn chữ Nôm thì quá khó để mà phổ cập, làm sao so sánh với chữ Quốc ngữ được, anh ta nói.

- Đấy là do ông nói thôi, vì giờ đây chữ Quốc ngữ không có đối trọng, độc quyền nên cứ tha hồ mà tăng giá, thế thôi. Như tôi đã nói Trung quốc, Nhật bản, Hàn quốc không viết bằng chữ La Tinh chắc là nước họ lạc hậu, không phổ cập giáo dục, không tiếp cận các kiến thức khác của thế giới, chỉ đáng xách dép cho Việt nam nhỉ! Ông biết người nói tiếng gì nhiều nhất trên thế giới không? Trung quốc đấy. Nói thế không có nghĩa là tôi cho rằng chữ Hán là số một, vì như ông nói chữ Hán, chữ Nôm khó phổ cập không phải là không đúng, bởi vì chữ tượng hình hay biểu ý thì khó nhớ, chữ biểu âm thì dễ nhớ và dễ phổ cập, phải nói đây là một tiến bộ lớn trong việc ghi âm tiếng nói bằng kí hiệu, nhưng không phải vì vậy mà lên án, mỉa mai chữ Hán hay chữ Nôm, bởi vì đó chỉ là vấn đề lịch sử thôi, vì không có chữ Nôm thì giờ đây ai biết truyện Kiều. Ông cứ lấy chữ Nôm thời Nguyễn Du để so sánh với chữ Quốc ngữ đã qua mấy thế kỷ cải cách ngày nay là lối so sánh áp đặt khập khiển. Theo tôi nếu nước Việt không bị xâm lăng thì giới trí thức nhất định sẽ cải cách thôi, hoặc là La Tinh hóa như một số nước đã làm, hay có thể biểu âm hóa chữ Nôm theo một cách gọn gàng, dễ nhớ hơn. Nhân đây tôi cũng muốn nói với ông rằng theo tôi chẳng có chữ Hán nào của Tàu cả, đấy là chữ Nho, chữ của tổ tiên nước Việt làm ra, bọn du mục bằng sức mạnh cơ bắp chiếm lấy đất đai rồi nhân đấy chiếm luôn văn hóa, đây chính là lí do sâu xa tại sao cha ông ta cứ cố giữ lấy chữ Nho, ông không tin thì với kiến thức chữ Hán của ông hãy lên Google Dịch xem thử chữ Đại大 có nghĩa là To, chữ Tự字có nghĩa là Chữ (viết) Tàu nó đọc thế nào, thưa ông nó phát âm là To大, là Chữ字, có nghĩa là nó nói âm Việt đấy ông ạ, tất nhiên không vì hai chữ đó người Tàu đọc âm Việt mà tôi cho rằng chữ ấy của người Việt, vấn đề này hết sức phức tạp, nhưng trước sau rồi cũng phơi bày ra ánh sáng mà thôi. Thôi chuyện này chấm dứt ngang đây, bàn nhiều mất vui.

Câu chuyện chuyển sang vài vấn đề khác rồi chia tay, không ngờ sau ba năm câu chuyện này lại trở thành đề tài nóng hổi trên nhiều diễn đàn, bắt đầu từ việc thành phố Đà Nẵng lấy ý kiến để đặt tên đường cho hai giáo sĩ phương Tây sang nước Việt truyền đạo Thiên Chúa, Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes. Không biết lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tự có nhã ý làm như vậy hay có sự vận động hành lang của ai đó không, bởi vì việc này diễn ra sau hàng loạt hội thảo về chữ Quốc ngữ, hiệu ứng cho động thái này là Đại học Duy Tân, Đà Nẵng thành lập Viện vinh danh chữ Quốc ngữ, bảo vệ và phát triển tiếng Việt, do GS.TSKH. Nguyễn Đăng Hưng làm Viện trưởng, vừa rồi ông Viện trưởng này và một số người Việt, cất công sang tận Iran thăm mộ Alexandre de Rhodes đặt bia tưởng niệm và long trọng tổ chức lễ khánh thành để tỏ lòng tri ân. Hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền Đà Nẵng, 12 vị trí thức gởi bản Kiến nghị không lấy tên hai vị đó đặt tên đường với những lý do cụ thể, [1] và đó chính là nguồn cơn cho hàng loạt bài phản biện, chủ yếu phê phán hoặc không đồng tình, cả hai lề, có lẽ đây là lần đầu tiên người ta chứng kiến sự gần nhau của báo chí trong cùng một vấn đề mà theo tôi hết sức quan trọng và nhạy cảm. Mặc dù chính quyền thành phố Đà Nẵng đã ngừng việc đặt tên cho hai vị đó, không biết là có phải do bản kiến nghị đó không, nhưng quyết định này lại làm cho các ý kiến phản biện càng mạnh mẽ với những ngôn từ thứ cấp hơn. Bài viết này tôi viết để nối dài thêm bản kiến nghị đó; đồng thời xem như là sự ủng hộ của tôi đối với 12 vị trí thức kí tên trong bản kiến nghị. Nội dung bài viết này gồm:

I. Có thật Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes chỉ có công chứ không có tội gì đối với dân tộc Việt Nam không?

II. F.D. Pina và A.D. Rhodes có công gì trong việc hình thành chữ Quốc ngữ không?

III. A.D. Rhodes có phải là cha đẻ của chữ Quốc ngữ không?

 IV. Người Pháp với chữ Quốc ngữ.

V. Tại sao một số người nhất quyết đòi vinh danh A.D.Rhodes là cha đẻ của chữ Quốc ngữ?

VI. Kết.

 

I. CÓ THẬT F.D. PINA VÀ A.D. RHODES CHỈ CÓ CÔNG CHỨ KHÔNG CÓ TỘI GÌ ĐỐI VỚI NƯỚC VIỆT KHÔNG?

Alexandre de Rhodes là một tu sĩ Dòng Tên. Một cái tên do ảnh hưởng văn hóa Á Đông, tránh gọi tên người mà mình kính trọng, nho giáo gọi là kiêng hay sợ phạm húy, chứ tên chính của dòng này là Dòng Giê Su, tiếng La Tinh là Societas Iesu, tiếng anh là Society of Jesus. Đây là một Dòng chuyên đào tạo tu sĩ để đi truyền đạo ở ngoại quốc với lời thề làm nên một vết nhơ của nền văn minh nhân loại. Để đáp ứng cho nhiều người không có thời gian tra cứu, xin ghi lại đây một đoạn trong lời thề này.

Bản tạm dịch tiếng Việt. [2]

“Hơn nữa, con xin hứa và sn sàng khi có cơ hội, trong mọi trường hợp nếu có dịp, con sẽ tạo ra chiến tranh và tham chiến một cách bí mật hay công khai chống lại tất cả những kẻ dị giáo, Tin Lành và Tự Do mà không hề do dự. Khi được lệnh thi hành, con sẽ tàn sát và triệt hạ tận gốc những tên này trên khắp mặt địa cầu, con sẽ không từ một kẻ nào: không kể tuổi tác, đàn ông hay đàn bà, con sẽ treo cổ chúng, thiêu chúng, bỏ vào thùng nước sôi, lột da, siết cổ hay chôn sống những kẻ dị giáo, mổ bụng, moi bào thai trong tử cung vợ chúng ra và đập nát đầu những hài nhi vào tường, trong mục đích hủy diệt một chủng tộc đáng ghét. Bất cứ khi nào được lệnh của Giáo Hoàng hay anh em bề trên của hội Thánh Dòng Tên con sẽ thực hiện ngay, nếu không thể được thực hiện một cách công khai, con sẽ bí mật sử dụng chiếc cốc bị nhiễm độc, dây siết cổ, dao găm hay viên đạn, bất kể danh dự, cấp bậc, nhân phẩm hay quyền hạn của những kẻ đó, không kể họ thuộc thành phần nào, quan chức hay dân thường…”.

Nên nhớ rằng đây là lời thề dành cho những giáo sĩ đi ra nước ngoài để truyền đạo, vì vậy tất cả giáo sĩ thời kì đầu sang nước ta đều thuộc Dòng Tên, như Gaspar do Amaral và António Barbosa, Francisco De Pina, người Bồ Đào Nha và Alexandre de Rhodes, người Pháp. Lời thề này là một bằng chứng hiển nhiên chứ chẳng phải là lời đồn thổi như ông Nguyễn Đình Đầu cố tự an ủi mình [3], dĩ nhiên khi sang các nước cái tố chất này sẽ được phơi bày. Trước hết xin nói về những hành động của Alexandre de Rhodes tại nước Việt, như ta biết khi đến nước Việt, ông ta đã được chúa Nguyễn phúc Nguyên ở đàng trong và Trịnh Tráng ở đàng ngoài ưu ái, cho phép được truyền đạo, như lời ông ta nói  “Khi chúng tôi vừa đến kinh đô Đàng Ngoài, tức khắc nhà vua truyền lệnh cho tôi phải xây một nhà ở và một nhà thờ thật đẹp. Dân chúng tuôn đến nghe tôi giảng đạo đông đến nỗi, tôi phải giảng đến 4 hoặc 6 lần trong một ngày. Chị vua và 17 người thân trong gia đình vua xin lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Nhiều tướng lãnh và binh sĩ cũng xin theo đạo.” Theo lịch sử thì ông đến Đàng Trong năm 1625 rồi ra Đàng Ngoài năm 2626, trong suốt thời gian ông ở nước Việt bản thân ông cùng các giáo sĩ Dòng Tên hoạt động từ Nam ra Bắc hết sức tích cực. Nói như thế có nghĩa là triều đình của hai Đàng đã hết sức ưu ái cho các giáo sĩ cũng như cá nhân của ông ta, thế mà trong thời gian này ông ta viết cuốn Phép Giảng tám ngày, trong đó có lời lẽ như sau:

(Chuyện Lão tử, trang 111) [4].

Giáo thứ hai ở trong nước ngô bởi Lão tử nào mà ra: kẻ theo giáo này, thì lấy lão tử làm nên trời đất, dầu trong sách đại minh đã tỏ tường rằng, mấy nghìn năm trời đất đã trước lão tử ấy. Giáo này thì thờ ma quỉ mà làm những phép giả, cũng chẳng có thờ Lão tử ấy sốt, nhưng ở tối tăm mù mịt vậy. Có một cụ (?) lấy bởi Lão tử mà thôi,

(Chuyện đạo Khổng, trang 113) - sửa nước đại minh: ninh vì sự ấy trong đại minh thì lấy thờ ông khổng làm nhất, mà gọi là thánh hiền, là thánh, và hiền nhất vậy; song le nói thế ấy chẳng phải lẽ đâu: vì chưng hay là ông khổng tử ấy biết đức Chúa cả, làm nên mọi sự, là cội rễ mọi sự thánh, mọi sự lành, hay là chẳng biết: ví bằng đã biết, mà làm thấy, thì phải dạy đầy tớ cho biết cùng, mà thờ đầy cho nên: song le ông khổng chẳng có làm sự ấy, vì vậy chẳng phải hiền, chẳng phải thánh, thật là đục dữ, vì sự nhất phải hay đầu hết: mà chẳng có dạy ai. Ví bằng ông khổng chẳng biết đức Chúa trời, là cội rễ, và cội rễ mọi sự lành, mọi sự thánh, nên thánh, nên hiền làm chi được? Vì vậy thì chẳng khá gọi là ông thánh sốt: hoang (?) lọ lấy phép phải thờ một.

(Chuyện Phật giáo, trang 116, Rhodes viết) - nhiều sự dối khác: song le bắt mỗi một sự dối ấy chẳng có làm chi, vì chưng biết là bởi đâu mà ra, cho hay tỏ tường là dối, thì vừa: như thế có chém cây nào được cho ngã, các ngành cây ấy từ nhiên cũng ngã với: vậy thì ta làm cho Thích Ca, là thằng hay dối người ta, ngã xuống, thì mọi truyện dối trong đạo bụt, bởi Thích ca mà ra, có ngã với thì đã tỏ.

Về ngôn từ thiếu văn hóa và trịch thượng của Rhodes trong cuốn sách này đã có nhiều người đề phê phán rồi, còn theo tôi thì những lời lẽ trong cuốn sách này vẫn còn quá nhẹ so với những gì mà ông đã thề trước Chúa như lời thề của Dòng Tên của ông như đã trích dẫn trên, bởi vì dù ông có nhục mạ hay chặt chém Khổng Lão Thích thì các vị này đâu có chấp trách gì những kẻ vô luân đầy dẫy trong cuộc đời này, tôi chỉ sợ ông bí mật mổ bụng, moi bào thai trong tử cung của những người không tin Chúa và đập nát đầu những hài nhi vào tường mà chúng ta chưa có cơ hội chứng kiến mà thôi.

Như đã nói trên, ông và các huynh đệ của ông được chính quyền Đàng Trong, Đàng Ngoài cho phép và tạo điều kiện cho họ truyền đạo từ Bắc chí Nam, thế mà cũng trong thời gian này ông viết cuốn Phép giảng tám ngày, với những lời lẽ như trên, đặc biệt đoạn viết về Phật giáo cho thấy ông ta được đào tạo một cách bài bản về phương thức cải đạo ở các nước bằng cách giải quyết vĩ mô chứ không làm lẻ tẻ, đoạn này ý nghĩa cụ thể như sau:

Không cần phải phân tích, giải thích gì nhiều cho những người tin Phật, cứ giết quách Thích Ca đi thì tự nhiên những kẻ tin theo tự khắc phải kinh hải mà từ bỏ.

Đây là bản chất chứ không phải hiện tượng của những kẻ muốn mở rộng nước Chúa, vì nó không chỉ  xảy ra ở nước Việt mà nó diễn ra bất cứ nơi nào các giáo sĩ có mặt, như tại Nam Mỹ, 15 triệu người bản địa bị tàn sát vì không tin Chúa trong thời kì Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha xâm chiếm khu vực này [5].

Ta biết rằng triều đình ngày ấy, ở Tàu thì dựa vào tư tưởng của Khổng Tử, còn ở Việt thì căn cứ vào Tam giáo mà duy trì cái quyền cai trị của mình, trong đó Vua là tối thượng (Quân – Sư – Phụ), vậy mà ông ta nhục mạ, chém chặt cả Tam giáo thì khác nào chém chặt nhục mạ triều đình, đứng đầu là vua chúa. Một con người được vua chúa nước sở tại giúp đỡ, tạo mọi điều kiện cho sinh hoạt thế mà một sớm, một chiều đã âm mưu triệt hạ ngôi báu của ân nhân thì thuộc hạng người gì, không có từ nào thích hợp bằng các từ tráo trở và gian trá. May cho ông là chúa Trịnh Tráng cũng như Nguyễn Phúc Nguyên ngày ấy không biết nội dung cuốn sách này, nếu biết rất có thể GS. Nguyễn Đăng Hưng không phải nhọc công sang tận Iran viếng mộ của ông ta để tri ân.

Với những gì trình bày về cuốn Phép giảng tám ngày ít nhất Alexandre de Rhodes mắc ba trọng tội, một là âm mưu triệt tiêu văn hóa bản địa, hai là âm mưu, hoặc là chính ông hay xúi dục người theo đạo của ông giết người và cuối cùng là âm mưu lật đổ chính quyền sở tại, sao ai đó nói rằng ông ta không có tội gì đối với dân tộc Việt Nam.

Như đã nói ở trên, chúa Trịnh và chúa Nguyễn không hay biết gì về nội dung của cuốn Phép giảng tám ngày, nhưng với hệ thống chính quyền đương thời họ đã nhận ra rằng hành động và những lời rao giảng của ông ta nhất định sẽ phương hại đến an ninh nước Việt, do vậy đã nhiều lần trục xuất ông ta ra khỏi lãnh thổ. Tuy nhiên, với một con người thông minh, xảo trá và nhất là được đào tạo bài bản, sau nhiều lần bị trục xuất rồi cố quay lại, thậm chí bị bắt, nhưng đổi lại là ông ta đã thâu thập được tình hình của nước Việt và nhận định đây là món hời cho mẫu quốc của ông, do đó khi trở về Pháp, ông đã đề nghị nước Pháp hãy cung cấp quân lính để ông mở rộng nước Chúa, không những chỉ riêng Việt Nam mà toàn cõi Đông Dương, nguyên văn như sau:

“J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume du monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ”

“Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ”.

 Avro Manhattan, trong Vietnam: Why Did We Go? The Shocking Story of the Catholic “Church’s” Role in Starting the Vietnam War (Việt Nam: Tại sao chúng ta đến đó. Chuyện chấn động về vai trò của Giáo hội Công giáo trong việc gây ra cuộc chiến tranh Việt Nam) viết như sau:

 “Giáo sĩ Dòng Tên Alexandre de Rhodes đến Ðông Dương năm 1610. Một thập niên sau, ông gửi về cho Vatican và Pháp một bản phúc trình mô tả rất chính xác về tiềm năng thương mại, chính trị và chiến lược.

Nhiều giáo sĩ Dòng Tên Pháp được tuyển mộ ngay và gửi sang giúp ông ta thực hiện hai công tác: đổi đạo theo Công giáo và bành trướng thương mại. La Mã và Ba Lê xem những hoạt động này như những bước khởi đầu không thể tách rời khỏi sự dẫn đến việc chiếm đóng về chính trị và quân sự trên các quốc gia này.”

Với lời đề nghị trên và những thông tin này cộng với lời thề của Dòng Tên ta biết đó là công việc của một tên gián điệp, kết quả là Pháp đã tấn công và biến Việt Nam thành thuộc địa, đặt ách đô hộ trực tiếp gần 100 năm, khiến cho không biết bao nhiêu máu xương của dân Việt phải bỏ ra mới dành được quyền tự chủ cho nước mình.

Tuy nhiên, về sau lời đề nghị này của Alexandre de Rhodes được vài người Việt dịch và biện minh khác đi, nhằm đánh lạc hướng giới nghiên cứu nhưng thiếu kiến thức ngoại ngữ, trong đó có Nguyễn Đình Đầu mà sau đó Bùi Kha đã phản hồi như sau: Theo tôi, ông Nguyễn Đình Đầu dịch “plusieurs soldats” là “lính thừa sai”, đó là ngụy nghĩa, và dịch “La conquête de tout l’Orient” là “nước cha trị đến” là dịch tùy tiện vì không hiểu thế nào là “nước cha trị đến.” [6].        

Có người lại biện minh rằng người Pháp đô hộ Việt Nam khi Alexandre de Rhodes đã chết 200 năm rồi, vì vậy đề nghị của ông ta với nước Pháp không còn giá trị, do đó ông ta chẳng có tội gì trong việc này cả. Xin thưa rằng xâm chiếm thuộc địa là một chính sách lâu dài cả hàng ngàn năm, do đó các bản tường trình của tất cả các thành phần luôn là đề tài nghiên cứu của thực dân, vấn đề là thực hiện các đề nghị đó khi nào mà thôi. Chỉ riêng lời đề nghị của ông ta đã là có tội với nước Việt rồi, rất nhiều bộ luật hình sự của các nước quy định về tội danh xúi dục, kích động, cung cấp phương tiện cho kẻ khác phạm tội thuộc về tội đồng phạm.

Như vậy, về mặt lịch sử, qua lời đề nghị cùng những thông tin về tình hình  kinh tế, chính trị nước Việt của ông ta như một tên gián điệp, Alexandre de Rhodes phải chịu trách nhiệm cho việc đô hộ của thực dân Pháp đối với Việt Nam, nói khác hơn ông ta có tội lớn với dân tộc này, sao ai đó lại thi nhau bảo rằng ông không có tội gì với dân tộc Việt Nam.

Trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, Đinh Công Tráng là một đại diện cho lòng yêu nước, quyết không khuất phục trước sự xâm lăng của quân Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi của vua Hàm Nghi trong phong trào Cần Vương, ông cùng đồng đội lập nên chiến khu Ba Đình. Đây là một chiến khu vững chắc, đến nỗi quân Pháp tập trung rất nhiều hỏa lực, binh lính nhiều lần tấn công nhưng không thể chiếm được, theo thời gian, quân Pháp cũng mệt mỏi, hao tổn quân lương, nhưng bất hạnh thay cho nước Việt, chính vào lúc khó khăn nhất của quân Pháp, Trần Lục, một linh mục người Việt cùng với 5000 giáo dân đã tiếp tay cho quân Pháp, cuối cùng chiến lũy Ba Đình bị triệt hạ, binh lính phần lớn hy sinh. Chuyện này không phải là cá biệt mà là hết sức phổ biến, có nghĩa nó là bản chất của những kẻ truyền đạo ở nước Việt, xa hơn nữa là Vatican, nói rõ hơn là Thiên Chúa giáo, bởi vì điều đó xảy ra bất cứ nơi nào có bước chân của các nhà truyền giáo, những gì xảy ra ở châu Mỹ trong thời kỳ của thực dân Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là một minh chứng, nó đã làm kinh hoàng cả thế giới khi biết sự thật, nhưng sự thật đã được biết quá muộn, hơn một nữa người bản địa đã bị giết vì từ chối tin Chúa, chỉ trước thời điểm chuyển sang thế kỷ 21 sáu năm, 1994 Giáo hội Thiên Chúa tại Rwanda tiếp tay với những kẻ cầm quyền sở tại gây ra nạn diệt chủng, 70% dân số người Tutsi đã bị tàn sát, theo số liệu công bố của Liên Hiệp Quốc, chỉ còn khoảng 300.000 đến 400.000 người Tutsi sống sót sau thảm họa diệt chủng nhờ chạy trốn sang các nước láng giềng Burundi, Tanzania và Uganda. Trước những phản ứng mạnh mẽ của những người có lương tri, tháng 3 năm 2000, Giáo hoàng John Paul II thay mặt Giáo hội đứng trước bàn dân thiên hạ xưng 7 núi tội. Ta thấy chuyện giết người của các giáo sĩ ở Châu Mỹ, Châu Phi là chuyện như là nghề nghiệp của họ, cho nên sự kiện Trần Lục và 5000 giáo dân cùng với Pháp tiêu diệt chiến khu Ba Đình, tuy đã là một điều ô nhục, nhưng dân Việt vẫn còn may mắn hơn nhiều so với lịch sử giết người của họ ở nhiều nơi. Trần Lục là người Việt, 5000 giáo dân cũng là người Việt, vậy ai đã làm cho họ trở thành những kẻ phản bội dân tộc như vậy, xin thưa không ai khác, đó chính là các thừa sai của Vatican, đại diện cho Chúa, trong đó có Alexandre de Rhodes, chính họ đã tạo ra những con người phản phúc này, do đó không thể nói Alexandre de Rhodes không có trách nhiệm gì trong việc này. Theo tôi những người cho rằng các giáo sĩ phương Tây đã truyền đạo Gia Tô vào Việt Nam không có tội gì trong việc này là bị mù lương tri, câu chuyện về giải thưởng Nobel có thể minh chứng cho trường hợp này. Alfred Nobel, một người chế tạo vũ khí; đồng thời là người đã phát minh ra chất nổ đầu tiên trên thế giới, về mặt tích cực thì nó có thể phá những mỏ đá gấp hàng ngàn lần con người, điều này làm cho ông đã giàu lại càng giàu có hơn, tuy nhiên về mặt tiêu cực thì nó đã được dùng vào vũ khí, gây sát thương rất lớn, điều này khiến công luận lên án ông. Nhân cái chết của một người anh, giới báo chí lại nhầm đó là ông nên viết Nhà buôn cái chết đã chết  rồi lại viết thêm Tiến sĩ Alfred Nobel, người đã trở nên giàu có sau khi phát minh ra cách thức giết con người nhanh chóng hơn bao giờ hết, đã qua đời ngày hôm qua.  Từ sau khi đọc những bài viết này, ông cảm thấy ân hận, cho dù ông không trực tiếp gây ra những cái chết đó nhưng lương tâm của ông nhắc cho ông biết rằng nếu không có phát minh của ông thì làm sao có những cái chết thương tâm như vậy. Với suy nghĩ đó, trước khi chết ông để lại một số tài sản lớn dùng vào việc tưởng thưởng cho những người có những phát minh đem đến lợi ích cho nhân loại, trừ vũ khí. Tại sao ông làm như vậy? Xin thưa bởi vì lương tri ông không bị mù.

Như thế, trong việc LM Trần Lục dẫn 5000 giáo dân giúp Pháp san bằng chiến khu Ba Đình, giết chết nhiều chiến sĩ yêu nước, thương nòi, Alexandre de Rhodes cùng các giáo sĩ khác có tội liên đới trong việc này đối với dân tộc Việt Nam khi đã cài đặt những quả mìn di động tái tạo vào lòng nước Việt như vậy.

II. F.D. PINA VÀ A.D. RHODES CÓ CÔNG GÌ TRONG VIỆC HÌNH THÀNH CHỮ QUỐC NGỮ KHÔNG?

Theo tôi, ta cần phân định rõ về vấn đề này, cụ thể chia làm hai giai đoạn. Một là giai đoạn hình thành chữ Việt kí âm bằng mẫu tự La Tinh, ở đây tạm gọi là chữ Việt Bồ. Hai là giai đoạn hình thành chữ Quốc ngữ. Ta cần phải phân định rõ ràng như vậy để tránh sử dụng khái niệm xuất hiện sau cả hơn 200 năm, tức chữ Quốc ngữ cho loại chữ trước đó, tức chữ Việt Bồ. Tuy chúng có chung phương pháp ký âm và mẫu tự nhưng vai trò và chủ thể thì hoàn toàn khác nhau.

Trước hết ta hãy tìm hiểu khái niệm “Chữ Quốc ngữ” và nó được gọi như thế từ khi nào?

1. Về tên gọi  Chữ Quốc ngữ”.

Cho đến nay chưa có một văn bản nào có tính pháp quy về việc lấy chữ Việt kí âm bằng mẫu tự La Tinh, với ngữ âm của người Kinh làm chữ Quốc ngữ.

2. Tên gọi Chữ Quốc ngữbắt đầu từ khi nào?

Theo Marcucci, Matthew A. (2009). Trong cuốn “Rendering Sinograms Obsolete: Vietnamese Script Reform and the Future of Chinese Characters” cho rằng Tên gọi chữ quốc ngữ được dùng để chỉ chữ quốc ngữ Latinh lần đầu tiên vào năm 1867 trên Gia Định báo. Tiền thân của tên gọi này là chữ Tây quốc ngữ. Về sau từ Tây bị lược bỏ đi để chỉ còn là chữ quốc ngữ; còn tên gọi chữ Tây bấy giờ được chuyển sang để chỉ chữ Pháp. Thông tin này đáng tin cậy, vì cũng khoảng thời gian này, Paul-Francois Puginier, có tên khác là Paul-Francois Puginier Phước, làm Giám mục địa phận Tây Đàng Ngoài từ năm 1868 đến1892 và cũng là thành viên của Hội Thừa sai Paris phát biểu như sau: “…tôi xem việc tiêu diệt chữ Nho và thay thế dần ban đầu bằng tiếng An Nam (chữ Quốc ngữ), rồi bằng tiếng Pháp như là phương tiện rất chính trị, rất tiện lợi và rất hiệu nghiệm để lập nên tại Bắc Kỳ một nước Pháp nhỏ ở Viễn Ðông”. Với phát biểu này, ta biết vào năm 1868 ở Đàng Ngoài (Bắc kỳ) vẫn chưa có tên gọi Chữ Quốc ngữ”, chỉ gọi là Tiếng An Nam”. Như vậy tên gọi Chữ Quốc ngữ xuất phát từ trong Nam (Đàng Trong) cụ thể trên Gia Định Báo vào năm 1867 như đã nêu.

3. Giai đoạn chữ Chữ Việt ký âm bằng mẫu tự La Tinh. 

Như đã đề nghị trên, thời kỳ đầu là thời kỳchữ Việt Bồ”. Trên thực tế do các giáo sĩ Bồ Đào Nha Gaspar do Amaral và António Barbosa sáng tạo ra, sau đó được kế thừa bởi Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes, bắt đầu từ năm 1629 đến 1651. Trong suốt thời gian này loại chữ này chỉ tồn tại trong cộng đồng của các nhà truyền giáo và có thể vài người Việt giúp việc. Đồng thời không có bất cứ một tài liệu nào nói rằng họ làm việc ấy cho người Việt cả, có nghĩa đây là một công việc mang tính nghề nghiệp, ở đây là truyền giáo, mà họ đã được dạy trước khi làm giáo sĩ đi rao giảng ở nước ngoài, do đó, đứng về mặt sử học, ý kiến cho rằng chữ Việt Bồ là công cụ để truyền giáo của các giáo sĩ là hoàn toàn chính xác trong thời điểm này. Như vậy, ta có thể khẳng định rằng vai trò và chủ thể của loại chữ Việt Bồ (1651) [7] là công cụ để truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây.

Có nghĩa nó là một thành phần hữu cơ trong chính sách truyền giáo, giáo sĩ đi trước, thực dân theo sau, một kẻ đi chiếm tâm hồn, kẻ kia chiếm luôn thể xác, lịch sử truyền giáo của Vatican chứng minh cho điều ấy.

4. Giai đoạn chữ Quốc ngữ.

Năm 1858 Pháp tấn công vào Đà Nẵng, bắt đầu đặt ách đô hộ lên Việt Nam, bốn năm sau, 1862 Pháp chiếm ba tỉnh miền đông Nam kỳ, tháng 5-1862 người Pháp, cụ thể Phó Đô đốc Charner ký lịnh thành lập Trường Thông ngôn (Collège des Interprèste) dạy hai thứ tiếng Pháp và tiếng An Nam nhằm đào tạo thông ngôn cho quân đội viễn chinh. Vậy, nếu tính từ năm 1651 cho tới thời điểm này,1867 là 216. Một câu hỏi đặt ra là tiếng An Nam là tiếng gì? Ai đã phổ biến loại tiếng (chữ) này? Ta không có câu trả lời cụ thể cho các câu hỏi này, có nghĩa rằng không có bất cứ một con người nào cụ thể cả, như thế nó là một công trình mang tính cộng đồng, vì vậy mà ngày ấy ở Bắc Kỳ gọi là chữ An Nam tức là chữ mà 5 năm sau, 1867 đổi tên thành chữ Quốc ngữ. (Tiếng An Nam tức là chữ Quốc ngữ, căn cứ vào phát biểu của Giám mục Puginier đã trích trên.) Như vậy người Pháp không có công gì trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, bởi vì khi họ sang An Nam thì người Việt đã cải tiếng, phát triển khá hoàn chỉnh và phổ biến trong xã hội khá rộng rãi rồi, bằng chứng là năm 1867 ở Nam kỳ đã có Gia Định báo. Đến đây ta có thể nói chữ Quốc ngữ là một chiến lợi phẩm của người Việt trong cuộc chiến văn hóa Đông Tây, vai trò và chủ thể của chữ Quốc ngữ là dễ phổ cập và tạo nên sự tiến bộ trong việc tiếp nhận và truyền bá thông tin trên nhiều mặt xã hội của người Việt.

Đây chính là sự khác biệt giữa chữ Việt Bồ và chữ Quốc ngữ hiện nay, do đó hai ông không có công gì trong việc hình thành chữ Quốc ngữ.

III. A.D.RHODES CÓ PHẢI  LÀ CHA ĐẺ CHỮ QUỐC NGỮ KHÔNG ?

Như đã trình bày trên, tính từ thời điểm A.D.Rhodes viết cuốn Phép giảng tám ngày (1651) tới lúc có chữ Quốc ngữ (1867) là 216, trong suốt thời gian đó không có bất cứ một trường lớp nào chính thức của nước Việt được mở ra để dạy loại chữ mà ông ta sử dụng cả; do vậy ở hai thời điểm do chủ thể kiến tạo khác nhau, vì vậy chúng có vai trò khác nhau, cụ thể là:

vai trò và chủ thể của loại chữ Việt Bồ (1651) là công cụ để truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây.

vai trò và chủ thể của chữ Quốc ngữ (1867) là dễ phổ cập và tạo nên sự tiến bộ trong việc tiếp nhận và truyền bá thông tin trên nhiều mặt xã hội của người Việt.

Như vậy, làm sao bảo rằng A.D.Rhodes là cha đẻ của chữ Quốc ngữ được, không thể vin vào sự giống nhau về hình vị của các mẫu tự cùng cách ký âm tiếng Việt mà cho rằng ông ta là cha đẻ của chữ Quốc ngữ ngày nay, cũng như không thể vin vào việc chiếc Boeing có hai cánh, dùng lực đẩy của động cơ để bay lên mà cho rằng anh em nhà Wright là cha đẻ của chiếc Boeing được, ai mà cố gán cho anh em ông ta là cha đẻ chiếc Boeing nhất định có vấn đề, hoặc là bị thần kinh, hoặc có hậu ý gì đó. Đó là chưa kể ông ta, một người Pháp, có phải là người ký âm đầu tiên loại chữ đó đâu, mà chính là hai giáo sĩ người Bồ Đào Nha Gaspar do Amaral và António Barbosa, điều này đã được ông ta viết trong lời nói đầu của cuốn tự điển Việt - Bồ - La, chính cái tên tự điển này đã chứng minh cho điều ấy, nếu ông ta là người ký âm đầu tiên thì nhất định nó phải có tên Việt – Pháp - La chứ sao lại là  Việt - Bồ - La, qua đây ta thấy việc kể công, ngày nay gọi là bệnh thành tích, đã xảy ra ở mọi thời điểm và thời đại, cho nên việc cho rằng ông ta là cha đẻ của chữ Quốc ngữ, và ngay cả chữ Việt Bồ ngày ấy là một lối cướp công và lố bịch.

Với những gì đã trình bày, ta khẳng định A.D.Rhodes không phải và không thể là cha đẻ của chữ Quốc ngữ, do vậy không có gì để vinh danh và tri ân. Ngược lại, về mặt lịch sử, cần phải lên án ông ta về những hành động phi văn hóa và phương hại đến đất nước qua việc âm mưu tiêu diệt văn hóa bản địa, chuẩn bị lật đổ chính quyền, xúi dục giết người và làm gián điệp thu thập thông tin, qua đó đề nghị dùng quân đội để xâm lăng Việt Nam, và trên thực tế chuyện này đã xảy ra. Tất cả những điều này phải được ghi nhận bởi lịch sử, kể cả loại chữ viết của ông ta, bởi vì nhiệm vụ của người viết sử là ghi lại những gì đã diễn ra một cách trung thực dù tốt hay xấu.

Tóm lại, người ta chống việc cho rằng A.D.Rhodes là cha đẻ của chữ Quốc ngữ, từ đó vinh danh và tri ân ông ta như một danh nhân văn hóa Việt Nam chứ không phải chống chữ Quốc ngữ, vì hành động đó là một sự cướp công của nhiều người Việt đã thức thời, tận dụng cơ hội để cải tiến và phát triển chữ viết của đất nước họ, nó không những giúp cho người Việt dễ dàng phổ cập chữ viết đến với cộng đồng mà còn là vũ khí sắc bén trong việc chống lại ách đô hộ của người Pháp, vì vậy ngay cả người Pháp (quan thầy của họ) cũng không mấy mặn mà với chữ Quốc ngữ, thậm chí muốn tiêu diệt,phần này tôi sẽ trình bày tiếp sau. Tuy nhiên những người sùng A.D.Rhodes đánh đồng chữ Việt Bồ với chữ Quốc ngữ, từ đó lên án những người chống việc vinh danh ông ta là chống chữ Quốc ngữ, đây là một thủ thuật nhằm tranh thủ dư luận, lôi kéo thêm đồng minh, rất tiếc là nhiều người không nhận ra điều này, do đó những người quan tâm đến vấn đề này cần phải dùng từ chính xác cho từng đối tượng để tránh việc đánh lận con đen.

IV. NGƯỜI PHÁP VỚI CHỮ QUỐC NGỮ.

Nhiều người cho rằng người Pháp có công trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ, theo tôi việc này có cơ sở nếu xét họ trong vai trò là kẻ cầm quyền lúc bấy giờ, nhưng ca ngợi là không phù hợp, vì sao? Như đã trình bày trên, khi người Pháp chiếm Việt Nam, chữ Quốc ngữ đã khá hoàn chỉnh rồi, trong tư cách là thực dân, họ cần những người có thể nhanh chóng tiếp thu tiếng nói và chữ viết của họ để giúp họ nhanh chóng đặt quyền cai trị một cách vững chắc đối với Việt Nam, trong mục đích này có ai hơn những người đã rành chữ Quốc ngữ, vì vậy họ buộc phải chấp nhận thực tế, chứ trong thâm tâm, họ chẳng mặn mà gì đối với chữ Quốc ngữ. Tại sao tôi cho như vậy? Xin trình bày như sau.

Một lần nữa trích lại đây ý kiến của Giám mục Paul-Francois Puginier để tiện theo dõi“…tôi xem việc tiêu diệt chữ Nho và thay thế dần ban đầu bằng tiếng An Nam (chữ Quốc ngữ), rồi bằng tiếng Pháp như là phương tiện rất chính trị, rất tiện lợi và rất hiệu nghiệm để lập nên tại Bắc Kỳ một nước Pháp nhỏ ở Viễn Ðông.”  Nên nhớ vào thời điểm này quyền lực của Puginier rất lớn, ông ta có thể ra vào nước Việt và làm mọi thứ ông muốn mà không cần sự cho phép của vua chúa nước Việt, do đó lời phát biểu này phản ảnh quan điểm của Vatican mà cũng là của thực dân Pháp. Phát biểu này có ba ý như sau: 1. Tiêu diệt chữ Nho. 2. Dần thay thế bằng chữ An Nam (chữ Quốc ngữ). 3. Cuối cùng là dùng tiếng Pháp để lập nên một nước nhỏ tại Việt Nam. Đây là một cách triệt tiêu từ từ từng đối tượng để đạt mục đích cuối cùng, đó là Pháp hóa dân Việt.

1. Tiêu diệt chữ Nho.

Chữ Nho ở đây không phải là cái con chữ mà là văn hóa, cũng như ngày nay có nhiều người kêu gọi bài Hán, có nghĩa là bài Trung quốc chứ không phải bài cái chữ Hán, hay A.D.Rhodes bảo chém Thích Ca có nghĩa là chém mấy ông thầy chùa chứ Phật Thích Ca nhập diệt từ lâu còn đâu mà chém. Tiêu diệt chữ Nho ở đây có hai mục tiêu, trước hết đối với thực dân Pháp, cái trở ngại lớn nhất cản trở họ trong việc thống trị nước Việt chính là triều đình Huế, ngày nào còn vua thì ngày ấy họ có thể bị tống cổ ra khỏi nước bất cứ lúc nào, do đó cần phải tiêu diệt chữ Nho, vì triều đình tuyển dụng nhân tài qua việc thi cử bằng hệ thống đào tạo này, đồng thời vua chúa được khẳng định quyền lực của mình bằng lý thuyết của Nho giáo Quân – Sư - Phụ, trên nguyên lý này quan lại và người dân phải tuyệt đối trung thành với vua, do đó tiêu diệt chữ Nho có nghĩa làm cho triều đình Huế tê liệt, hết khả năng đối kháng. Thứ đến, người Pháp lo xa, bởi vì còn Nho giáo trong triều đình thì biết đâu, nếu có cơ hội Trung quốc sẽ lại hà hơi, tiếp sức cho triều đình Huế, nếu như vậy thì vị trí của họ tại Việt Nam sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, và điều này về sau đã trở thành hiện thực.

2. Dần thay thế bằng tiếng An Nam (chữ Quốc ngữ).

Như đã nói trên, khi Pháp chiếm đóng Việt Nam, chữ Quốc ngữ đã khá hoàn thiện và phổ biến trong giới trí thức Việt rồi; đồng thời họ là những người có thể tiếp thu nhanh nhất tiếng Pháp, người Pháp cần họ thì không thể không dùng chữ Quốc ngữ, bởi vì nếu cấm thì lại có thêm một lực lượng chống lại họ nữa, mà lại là một lực lượng trí thức thì quá nguy hiểm, cái mà người Pháp không bao giờ mong muốn, cho nên cứ cho họ sử dụng rồi từ từ thay thế sau, có nghĩa là chữ Quốc ngữ cũng là đối tượng cần phải tiêu diệt như chữ Nho. Chính vì vậy mà tôi cho rằng người Pháp chẳng mặn mà gì đối với chữ Quốc ngữ.

3. Dùng tiếng Pháp như ngôn ngữ chính để lập một nước Pháp nhỏ ở Bắc kỳ.

Với phát biểu này lộ rõ cho ta thấy việc dùng chữ Quốc ngữ chỉ là giải pháp tình thế mà thôi, mục đích cuối cùng là tiêu diệt nó và thay thế toàn bộ bằng tiếng Pháp, có như thế mới thành lập một nước Pháp nhỏ tại Việt Nam được. Chính sách này được cụ thể hóa về sau trong các trường học do Pháp lập ra như Collège Chasseloup-Laubat, École Primaire Supérieure (Quốc học Huế), Taberd Sài gòn, hệ thống trường Trung, Tiểu học tại Đà Lạt đều dùng tiếng Pháp để giảng dạy, kể cả môn Việt văn. Vì vậy ta thấy các trí thức thời này nói tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ, thậm chí có người viết tiếng Pháp còn văn chương hơn nhiều người Pháp, như Phạm Quỳnh chẳng hạn. Đây không phải là ý nghĩ nhất thời mà là chính sách của nước Pháp, suy cho cùng đó cũng là tâm lý tự nhiên mà thôi, ông chủ nào mà không muốn đầy tớ học nói tiếng của mình, thậm chí quên luôn tiếng mẹ đẻ càng tốt, chính vì vậy mà nhiều nước thuộc địa của Pháp giờ đây nói tiếng Pháp, tức là lấy tiếng Pháp làm tiếng nói chính của quốc gia. Nói như thế để thấy rằng ca ngợi người Pháp có công trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ là một nhận định không thỏa đáng, nếu không nói là sai lầm. Việc họ cho dạy chữ Quốc ngữ là một việc chẳng đặng đừng mà thôi, đây là một việc bắt buộc của người cầm quyền đương thời phải thi hành với mong muốn qua việc đó sẽ có nhiều người ủng hộ họ hơn, nhưng có thể họ đã bị thất vọng, bằng chứng là càng nhiều người biết chữ Quốc ngữ càng có nhiều người chống Pháp tinh vi hơn, dĩ nhiên họ thừa thông minh để nhận ra điều này và nó đã được thể hiện qua lời phát biểu của Giám mục Puginier trích trên. Tuy nhiên, về mặt lịch sử, không thể không ghi nhận các mệnh lệnh hành chánh của Pháp đã vô tình làm cho chữ Quốc ngữ phát triển nhanh hơn; đồng thời qua đây ta thấy người Việt khéo léo, thông minh và tận dụng cơ hội để tương kế tựu kế, dùng gậy ông đập lưng ông hiệu quả như thế nào.

V. TẠI SAO MỘT SỐ NGƯỜI NHẤT QUYẾT ĐÒI VINH DANH A.D.RHODES LÀ CHA ĐẺ CHỮ QUỐC NGỮ.

Trước hết theo tôi đa số những người này vốn là con cháu tinh thần của A.D.Rhodes, cho nên trong thời thực dân Pháp, tôn giáo cũng như cộng đồng của họ được ban cho quá nhiều quyền lực và đặc ân, kể cả giết người, chuyện LM Trần Lục và 5000 giáo dân là một minh chứng, cho nên từ khi người Pháp cuốn gói khỏi Việt Nam họ ngày đêm thương nhớ không nguôi, quyết phải làm cái gì đó để đền ơn trời bể của ân nhân. Nhìn quanh chẳng có gì để vinh danh mẫu quốc cả, dành lại cái Dinh Toàn quyền Đông Dương thì xem ra bất khả, chỉ còn lại cái chữ Quốc ngữ là đáng giá, lợi dụng vào khoảng trống của lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ, (không có chủ thể cụ thể, tức là sở hữu toàn dân) họ đánh tráo khái niệm cũng như chủ thể quyết làm giấy khai sinh đứa con này cho một người mà họ nghĩ rằng là cha của họ, tất nhiên đã là của cha thì con cái mặc nhiên được thừa kế thôi, đây là một lối ăn cướp công của người khác về dâng hiến cho người mình thương. Ngặt nỗi ông cha này chết cả hai trăm năm trước rồi, lại thêm thuộc loại thành phần bất hảo với dân tộc Việt nên người ta mới phản ứng, thêm vào đó người Việt vốn có văn hóa dĩ hòa vi quý, ngại va chạm, sợ mất lòng nên thường phản ứng chừng mực, lợi dụng việc này họ thi nhau thóa mạ, nào là không tiến bộ, hẹp hòi, nhất là mặc cảm tôn giáo, ở đây là Phật giáo, cha của chúng đòi chém Thầy người ta, người ta kêu ca mà chúng bảo là mặc cảm tôn giáo, cộng đồng Phật giáo chống ông A.D.Rhodes, kẻ đòi chém Thích Ca, là phải đạo thôi, đó là tâm lý bình thường, nếu không như thế thì đâu có phải là con người, cho nên làm sao người theo đạo Phật, một tôn giáo được Liên Hiệp Quốc tôn vinh là đại diện cho tôn giáo của nhân loại, lại mặc cảm tôn giáo khi đối thoại với họ được, ngược lại mới phải.

Tất nhiên những người đòi vinh danh để tri ân A.D.Rhodes trong tư cách là cha đẻ của chữ Quốc ngữ đều là những người có học cả, thậm chí có học hàm, học vị cao nữa là đằng khác, do vậy việc làm này nhất định có tính toán một cách chu đáo, vì vậy đừng ngây thơ nghĩ rằng họ tự làm mà không có quan thầy nào giúp đỡ, cho nên việc đòi vinh danh A.D. Rhodes chỉ là bước đầu thôi, đằng sau đó còn chuyên chở một hoài bảo lớn hơn, mỗi khi đã thành công rồi, được đằng chân lân đằng đầu, rồi lại đòi vinh danh người này, người khác, thậm chí có thể đòi vinh danh cho những công trình mà người Pháp đã xây dựng cũng nên. Ai cũng biết không phải cái gì thực dân Pháp làm ở Việt Nam cũng đều xấu cả, nó xấu hay tốt là do mục đích của người sử dụng, như Dinh Toàn quyền Đông dương, nay là Phủ Chủ tịch, hay Dinh Thống đốc Nam Kỳ, trước là Dinh Độc Lập, nay là Dinh Thống Nhất, hai nơi này là nơi đã nắm vận mệnh của nước Việt trước đây và bây giờ, ngoài ý nghĩa về chính trị, về mặt kiến trúc cũng hết sức độc đáo, ngoài ra người Pháp còn để lại nhiều công trình có lợi ích thiết thực hơn nữa, như đường sắt Bắc Nam hay đường bộ xuyên Việt, nay là quốc lộ 1, hai công trình này, tuy có những giới hạn do hoàn cảnh lịch sử, nhưng nó đã và đang đem lại lợi ích cho nước Việt vô cùng to lớn, cho nên, về lịch sử, Việt Nam không thể không ghi nhận các việc này, ngay cả việc đòi hỏi Đảng CSVN phải vinh danh và tri ân con tàu Đô đốc Latouche-Tréville, nơi mà anh Ba đã ra đi và là Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. Đây không là tưởng tượng, hãy đọc ở đây. https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/without-latin-based-alphabet-vcp-not-exit-11302019105020.html  Mỗi khi đã như thế thì cũng có nghĩa là máu xương của bao nhiêu con người đổ xuống trong cuộc kháng chiến chống Pháp trở thành nước lã và chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành vô nghĩa, đây mới chính là món quà giá trị nhất dâng lên mẫu quốc, cái lạ là dường như Báo Tuổi Trẻ đồng hành với những người đòi vinh danh A.D.Rhodes thì phải.

VI. KẾT.

Trong suốt chiều dài lịch sử, đất nước Việt Nam trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, nhiều sự kiện diễn ra chồng chéo, vàng thau lẫn lộn, nhưng người đời sau chỉ có thể hình dung về quá khứ của dân tộc mình qua lịch sử mà thôi, do đó nhiệm vụ của người viết sử là ghi lại một cách trung thật nhất để có thể cung cấp cho người sau biết cái nào nên ghi nhận, cái nào nên biết ơn, cái nào thuộc về lịch sử thì ta chỉ ghi nhận, còn biết ơn, ngoài sự ghi nhận nó còn là văn hóa nữa. Tuy nhiên ranh giới của sự ghi nhận và lòng biết ơn hết sức mong manh, nhưng hậu quả của nó hết sức cách biệt và to lớn, cho nên mỗi khi nó đã trở thành văn hóa rồi thì việc khắc phục vô cùng khó, nếu không nói là không thể, do đó để vinh danh một con người, từ đó tỏ lòng tri ân phải là một việc làm thận trọng và nhất quán, ưu tiên hàng đầu là trung thành với tổ quốc, với nước Việt, cụ thể là phải đánh giá toàn bộ sự nghiệp của con người đó đối với dân tộc, có nghĩa là họ phải là một con người trước sau như một, từ lời nói đến việc làm đều vì lợi ích của dân tộc, chứ không phải trước đây người ấy đã làm cho ta một công trình có ý nghĩa nào đó, đồng thời hay sau đó lại phản bội dân nhưng ta lại căn cứ vào công trình đó mà vinh danh để tri ân, nếu làm như vậy thì đó là việc làm vì lý do nào đó chứ tuyệt đối không phải là việc làm văn hóa, nhất là văn hóa của một quốc gia./.

 

P/S. Được biết trong năm GS TSKH. Nguyễn Đăng Hưng đã dẫn đầu một số người Việt sang tận Iran để đặt bia tưởng niệm, làm lễ tri ân A.D.Rhodes, theo tôi nghĩ đây không phải là lần cuối cùng của ông sang đó, nhất định ông và nhiều người khác nữa sẽ tái lai cho trọn tình trọn nghĩa. Trong trường hợp ông đi, tôi xin đề nghị tài trợ cho đoàn của ông, nhất là nếu mời thêm được những người đang đề nghị vinh danh A.D.Rhodes cùng đi càng tốt. Tất nhiên tôi không tài trợ vô tư đâu, mà có điều kiện, nhưng điều kiện của tôi hết sức đơn giản, đó là ông hãy đem theo cuốn Phép giảng tám ngày trong đó xin vui lòng sửa hai chữ Thích Ca thành Mohamed, như thế cho trọn lời thề, rồi đặt lên mộ với trang sách này đang mở để tưởng niệm thế thôi. Lưu ý là vui lòng quay phim, chụp ảnh rõ ràng như ông đã làm lần trước để tôi có cơ sở thanh toán, được như thế tôi vô cùng cám ơn ông.

 

[1]. https://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=7387)

[2]. Ai muốn đọc bản tiếng Anh hay tiếng Pháp xin vào Google tìm theo cụm từ: The Jesuit Oath. Le serment secret des Jésuites.

[3]. https://sachhiem.net/BUIKHA/BuiKha3.php

[4]. https://sachhiem.net/TONGIAO/ADRhodes/8Ngay04.php

[5]. Pettifer & Bradley, op cit: p133

[6] https://sachhiem.net/BUIKHA/BuiKha3.php

[7] Ở đây dùng mốc thời gian cuốn Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes được xuất bản. Có một điều thú vị mà hầu như rất ít người quan tâm, đó là trước đây người ta cứ cố gán cái chức năng cha đẻ chữ Quốc ngữ cho Alexandre de Rhodes, một người Pháp, mà lờ đi vai trò của các giáo sĩ Bồ Đào Nha. Tại sao như vậy? Có hai lý do cho việc này: Một là làm như vậy cho phù hợp với thực dân Pháp (lấy lòng). Hai là giữa Bồ Đào Nha và Pháp có một mâu thuẫn rất lớn, nếu không muốn nói là thâm thù, nguyên nhân là do Giáo hoàng đã quá ưu ái Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Xin trích nguyên văn nội dung này trong cuốn « Thanh gươm và Thánh giá » của Linh mục Trần Tam Tỉnh.

“..., quyền lợi của Bồ Ðào Nha đã được phân định rõ ràng trong sắc chỉ “Romanus Pontifex” do (Giáo hoàng) Nicholas V (1447-1455) ra ngày 8 tháng Giêng năm 1454. Theo quyền lực Chúa ban và quyền lực của Tòa thánh, Ðức Giáo hoàng ban cho triều đình Lisbon (Bồ Ðào Nha) “toàn quyền tự do xâm lăng, chinh phục, chiến đấu, đánh giặc và khuất phục tất cả các quân Sarrasins (tức người Ả Rập), các dân ngoại đạo và các kẻ thù khác của Giáo hội, gặp bất cứ nơi nào: được toàn quyền chiếm cứ tất cả các vương quốc, lãnh địa, vương hầu, đất, đô hộ và cướp tài sản của chúng; toàn quyền chiếm đoạt tất cả của nổi và của chìm của chúng và bắt tất cả chúng nó làm nô lệ vĩnh viễn.” (Trần Tam Tỉnh, Thập giá và lưỡi gươm, Paris: Sudestasie, 1978, tr. 14-15).

“Năm 1492, Christopher Columbus khám phá ra những vùng đất mới mà ông nghĩ là Ấn Ðộ. Một nửa thế kỷ trước đó, thương thuyền Bồ Ðào Nha cũng đã chạy dọc theo bờ biển phía Tây Châu Phi. Ít năm sau, năm 1497, Vasco de Gama, người Bồ Ðào Nha, đã phát hiện đúng con đường sang Ấn Ðộ.

“Ngày 4 tháng 5 năm 1493, qua sắc chỉ “Inter caetera” (“giữa những điều khác”), Giáo hoàng Alexander VI giao quyền chinh phục các vùng đất kể trên mà các dân Phương Tây chưa từng biết, cho các triều đình nước Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha. Tây Ban Nha có quyền đi chiếm tất cả các đất đai gặp được ở một trăm dặm kể từ quần đảo Azores, còn Bồ Ðào Nha, tất cả các nước nằm ở mạn Ðông đường ranh đó (quần đảo Azores ở mạn giữa cắt đôi Ðại Tây Dương.” (Trần Tam Tỉnh, Sđd., tr. 14).

Tất nhiên các nước còn lại ở châu Âu lúc bấy giờ không ai bằng lòng, như năm 1540, vua Francis I của Pháp công khai chống đối ra mặt bằng câu mỉa mai: “Ai có thể chỉ cho ta thấy di chúc của ông tổ Adam giao tất cả thế giới cho Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha?”

Cho nên cái việc gán cho Alexandre de Rhodes là cha đẻ chữ Quốc ngữ thực chất là để lấy lòng quan thầy (người Pháp); đồng thời thể hiện chủ nghĩa dân tộc mà thôi. Tuy nhiên giờ đây họ lại đưa thêm Francisco De Pina - người Bồ, bên cạnh Alexandre de Rhodes - người Pháp, tuy có tên như vậy nhưng trong vấn đề chữ Quốc ngữ, Francisco De Pina chẳng có xơ múi gì cả, vì mục đích vẫn như cũ, họ vẫn cho rằng chữ Quốc ngữ do Alexandre de Rhodes đẻ ra, có chăng chỉ xin cho ông ta một chổ trên một con đường nào đó của Thành phố Đà Nẵng mà thôi. Tại sao họ làm như vậy? Đơn giản thôi, vì giờ đây thế giới phẳng rồi, không đưa Francisco De Pina vào thì rất có thể các nhà nghiên cứu Bồ Đào Nha sẽ phản bác, dẫn đến phe ta đánh phe mình, lại lòi ra nhiều thứ bất lợi nữa.

[8] http://tapchithongtindoingoai.vn/bien-dao-viet-nam/chu-quyen-quyen-chu-quyen-bien-dao-viet-nam-theo-quy-dinh-cua-phap-luat-5926

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập