Đạo Thiên Chúa và Chủ Nghĩa Thực Dân Tại Việt Nam - Phần II: CHƯƠNG HAI: Kế Hoạch Xâm Lăng Của Đô Đốc DUPRÉ

Đã đọc: 5792           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Sau vụ tấn công 1867, người Pháp tìm cách làm cho triều đình Huế thừa nhận một hiệp ước mới. Chủ quyền của Pháp ở sáu tỉnh miền Nam. Huế không chịu vẫn giữ hy vọng thầm kính là cuộc chiếm đóng Nam kỳ sẽ ngắn ngủi, cuối cùng người Pháp nếu không rút lui hoàn toàn thì ít nhất cũng có những nhượng bộ quan trọng. Trong niềm hy vọng đó. Vua Tự Đức nghĩ đến việc sau khi Pháp bị Đức đánh bại năm 1870, phái sang Pháp một phái bộ khác để thương thuyết trực tiếp với chính phủ Phápvề việc thu hồi các tỉnh đã mất. Thay vì gây nên một cuộc nổi dậy giải phóng quốc gia để khôi phục lại Miền nam, Tự Đức lại ru mình trong ảo tưởng là Pháp sẽ từ bỏ chính sách thực dân tại Việt nam.

Cuộc thương thuyết về một hiệp ước kéo dài mãi cho đến ngày Bắc kỳ trở thành trung tâm chú ý của các giới kinh doanh ở Pháp và ở Nam kỳ. Là kẻ từ lâu chủ trương Pháp phải can thiệp vào Bắc kỳ , Đô đốc Dupré, toàn quyền Nam kỳ bất chấp các mệnh lệnh được nhắc đi nhắc lạimãi ở Paris, Y quyết định gởi một đoàn quân viễn chinh đầu tiên ra Bắc kỳ năm 1873.

I.- THỈNH CẦU CỦA ĐÔ ĐỐC DUPRÉ và  CÁC CHỐNG ĐỐI CỦA CHÍNH PHỦ PHÁP                                         

Ngay từ năm 1872, Dupré đã gửi cho Bộ trưởng của Y hết văn thư này đến văn thư khác yêu cầu chiếm giữ Bắc kỳ. “Tỉnh giàu có nhất của nước An Nam” Y đã nêu lên hai lý do để biện minh cho lời yêu cầu của mình : Trước hết cần phải chấm dứt tình trạng mập mờ, không cần biết lý do của triều đình Huế gây cho người Pháp, cùng việc triều đình Huế cứ mãi tránh né không chịu phê chuẩn hiệp ước mới. Đánh một trận vào Bắc kỳ vừa biểu dương ý chí của nước Pháp muốn ở lại Nam kỳ, dù họ bị thua trận ở Châu Âu, vừa là sự thúc bách có tác dụng đánh đổ các sự lần lửa của triều đình Huế và buộc họ phải thương thuyết. Kế đến, điều này thật quan trọng hơn hết, nước Pháp phải tự giữ vững để chống lại mọi sự nhường đất đai tiếp giáp với thuộc địa của Pháp cho các cường quốc Âu Châu. “nhưng y nói, khổ thay, tôi có quá nhiều lý do để tin rằng chính phủ đế quôc Đức,ngay từ bây giờ đã dòm ngó đến xứ sở đẹp đẽ nầy (Bắc kỳ). Quả thật, số nhà buôn Đức đông đảo ở Viễn đông không dấu diếm niềm hy vọng thấy một ngày gần đây chính phủ họ sẽ lập nên một thuộc địa hùng mạnh tại vùng biển này để cạnh tranh thuộc địa chúng ta”[1]

Khi nhấn mạnh đến sự đe dọa của lòng tham muốn Bắc kỳ của Đức, Dupré tưởng rằng tìm ra lý luận tốt nhất để đánh tan mọi do dự của chính phủ ông. Ông đi vào chi tiết :

“Nhiều người không có tư cách chính thức, quả có như thế, đến Huế và có những cuộc thương thuyết mà tôi chỉ có được tin tức mơ hồ, có dư luận cho rằng họ bán cho người An Nam một pháo hạm Anh cũ, hiện neo tại Sài Gòn, sau khi cố gắng đi ngược chiều gió mùa nhưng vô ích . Các kẻ phiêu lưu sờ sờ đó được phái đi do một công ty Đức ở Hồng Kông mà viên lãnh sự Đức là một trong những hội viên chính . Người ta nói rằng họ đã đệ lên vua Tự Đức một hiệp ước 42 điều . Tôi không biết lời đồn đãi có đích xác không. Tôi không rõ về những gì xảy ra ở Huế, những lời đồn đó có căn cứ vì hai lần Huế cử quân sang Hương cảng”.Và viên Đô đốc yêu cầu ông Bộ trưởng và Tổng thống Cộng hòa “lưu ý nghiêm chỉnh” về vấn đề này.[2]

Khi đó, các vị truyền giáo ở Bắc Kỳ cũng tìm cách thuyết phục dư luận chính thức tại Pháp về một hành động bất thần của Đức ở xứ này. Một bức thư đề ngày 14-9-1872 do Giám mục Nam Bắc kỳ gửi thẳng không phải cho Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Thuộc địa mà là Bộ trưởng Chiến tranh, đã xác nhận sự sợ hãi của Dupré về vấn đề nầy như sau :

“Những biến cố tại Pháp, bức thư viết, đã vang dội ảnh hưởng đến đây, và các đau khổ của tổ quốc chúng ta đã làm phừng phừng nổi hận thù và nổi hy vọng của kẻ thù chúng ta,. Vua Tự Đức tìm cách lợi dụng mọi cơ hội để khôi phục lại sáu tỉnh bị Pháp chiếm đóng, rồi tự hẹn là sẽ thanh toán nợ nần với con chiên, ông ta tin rằng là đã tìm ra người giúp đở mạnh mẽ : nước Phổ .

Một tàu chiến nước này neo trong vịnh đã được đón tiếp nồng nhiệt, các sĩ quan nhận nhiều tặng phẩm của vua. Người ta loan truyền khắp nơi là nước Phổ hứa ủng hộ đánh đuổi người Pháp với một số điều kiện nào đó””[3]

Bô ngoại giao dù thứa nhận rằng điều rất quan trọng cho nước Pháp là không có một cường quốc nào, và nhất là nước Đức, chiếm đóng một nơi nào tại Việt Nam, nhưng lại cho rằng các tin tức của Đô đốc Dupré và Giám mục Nam Bắc kỳ còn quá mơ hồ để biện minh cho kế hoạch như chiếm đóng Bắc kỳ. Bộ trưởng Rémusat viết : “Dù việc chiếm đóng xứ đó có quý giá đến đâu , dù vị trí địa lý của nó có thuận tiện như thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn phân vân không tin rằng trong tình thế hiện tại chúng ta cần phải đề cập đến hành động thuộc loại đó, vì chưa thấy hoàn toàn cần thiết để bảo vệ quyền lợi hiện hữu của chúng ta”[4].

Bộ trưởng Hải Quân và Thuộc Địa, Đô đốc Pothuau cũng ngả theo thái độ dè dặt của Rémusat, dù y bị đề nghị của toàn quyền Nam kỳ hấp dẫn mạnh mẽ. Thật vậy, Y đã bày tỏ ý muốn trông thấy thế lực Pháp lan tràn đến miền Bắc Việt Nam trong một văn thư gởi cho đồng nghiệp ở Bộ ngoại giao, Y viết: “chắc chắn, hoặc sớm hoặc chậm chính sách của chúng ta ở Nam kỳ đưa đến những sự bành trướng. Chúng ta phải tiên liệu sự tiêu diệt trong tương lai một quyền bính không có yếu tố lâu dài. Chúng ta phải là kẻ thừa kế, khi cơ hội đến không để cho bất cứ nước Âu Châu nào và chúng ta phải cẩn thận đề phòng, ngăn ngừa việc chiếm đóng một phần nước An Nam ; sau rốt chúng ta cũng phải đề phòng chống lại các kế hoạch có thể tạo cho chúng ta một sự tranh chấp đáng sợ cộng thêm vào những nổi bối rối sẵn có của chúng ta. Có thể một điều khôn ngoan khi vội giải quyết xong một vấn đề mà có lẽ chúng ta quá chần chừ trước khi biến thành một mối tranh chấp lớn lao cho chúng ta … Tôi xin lập lại, đó là những vấn đề rất quan trọng …”[5]

Sự dè dặt của Bộ Ngoại giao do các lý do khẩn thiết  quyết định. Người Phổ vẫn còn chiếm một phần đất đai của Pháp, nước Pháp không có lính, không có tiền trong khi phải trả tỷ bạc cuối cùng cho Đức ngày 5-9-1873 . Nhất là sau các tàn phá của chiến tranh 1870 và những mầm mống chia rẻ sau Công Xã, nước Pháp thấy cần tập trung lực lượng để lập lại nền thống nhất và chuẩn bị phục thù. Nhưng Dupré tin chắc rằng cuộc viễn chinh y dự trù không tốn kém gì cho Pháp cả. Để yên tâm Paris, y đề nghị một công thức can thiệp mới để đặt chân lên Bắc kỳ mà không hề gây hấn với triều đình Huế. Pháp sẽ đồng minh và giúp triều đình Huế khôi phục lại quyền bính ở Bắc kỳ. Y hy vọng việc can thiệp bằng quân sự nầy vào vấn đề Việt Nam sẽ là bước đầu đưa đến cuộc bảo hộ, vì lẽ không có gì dễ cho bằng kéo dài việc chiếm đóng . Với nửa tá đại đội lính Pháp, một đội pháp binh dã chiến, một đội sung liên thanh, cùng 1.000 hay 1200 lính bản xứ, y tin tưởng đủ sức đẩy lui các toán quân Trung Hoa đang quấy nhiểu miền thượng du Bắc kỳ và giữ các tỉnh ven biển.[6]

Cũng như bao giờ, Bộ thuộc địa hoặc ít hoặc nhiều tán thành kế hoạch Dupré. Bộ nầy cho rằng, quả thật quyền lợi Pháp ở Đông Á tùy thuộc vào những tài nguyên mà Pháp sử dụng được trong tình thế khó khăn lúc đó. Nhưng lại cũng không kém khẩn cấp phải có những cố gắng cần thiết để “loại trừ mối đe dọa của sự can thiệp bên ngoài vào những vấn đề của vương quốc An Nam và để đưa đến một giải pháp cho tình trạng hiện thời”[7]

Như thường lệ, Bộ Ngoại giao khuyên phải thận trọng. “quả thật là rất khó, Bá tước De Broglie viết cho đồng nghiệp ở Bộ thuộc địa, mà định trước được các diển biến tiếp theo của một sự can thiệp như thế, cũng như những gánh nặng nó đè lên đất nước. Đằng khác, khi kích thích tính dễ giận của Trung Quốc, hay các cường quốc khác thấy khó chịu khi thấy địa vị ưu thắng của chúng ta tại Bắc kỳ, chúng ta sẽ gây nên những rắc rối tai hại, và những nhận xét đó cũng khuyên chúng ta đừng có dấn thân vào một việc thuộc loại đó trong lúc nầy, trừ phi bị bức bách vì một sự cần thiết tuyệt đối”[8].

Trong khi ấy, tình trạng Bắc kỳ ngày càng xấu đi, Các báo cáo của những vị truyền đạo gởi cho Dupré trình bày những thất bại nhục nhã của quân đội chính phủ trước các người nổi loạn ở Bắc kỳ “cuộc chiến nầy làm hao mòn tài chánh và tàn sát giới thượng lưu”, Giám mục Gauthier đã viết như thế và còn than phiền về những việc sách nhiểu con chiên. Giám mục viết tiếp “theo tôi, khi nói đến triều đình Huế và quan lại, các người đó chỉ nghe theo tiếng gọi của đại bác, còn thì điếc hẳn không nghe gì khác”[9].

Tình hình ngoài Bắc càng xấu, Dupré càng sốt ruột, trong thư từ với Bộ trưởng, y không che dấu nổi bất bình trước đường lối thận trọng của chính phủ và công khai tuyên bố việc nước Pháp chiếm “xứ giàu có nầy tiếp giáp với Trung quốc và là cửa ngỏ thiên nhiên vào các tỉnh giàu có ở miền Tây nam của nó” là một “vấn đề chết sống cho tương lai nền thống trị của Pháp ở viễn đông. Chúng ta phải ở đó, y xác nhận, hoặc như là đồng minh của Vua Tự Đức, để tái lập uy quyền của ông ta khiến mọi người phải nghe theo, hoặc bằng cách chiếm đóng quân sự”.[10]

Cuộc chiếm đóng quân sự có giới hạn : Pháp chỉ chiếm Hà nội- kinh thành- vùng đồng bằng sông Hồng Hà và vùng thượng lưu sông này ở phía trên kinh thành. Bốn đại đội bộ binh, một đội pháo binh dã chiến, một tàu tuần hạng nhất hoặc hạng nhì, một vài pháo hạm nhỏ và một xà lúp là đủ- theo Đô đốc- để thực hiện kế hoạch.[11]

Lần nầy câu trả lời của Bộ Hải quân và thuộc địa rất cương quyết : “tình thế chúng ta ở Châu Âu tuyệt đối buộc chúng ta đừng gây bất cứ rắc rối nào ở bất cứ ở đâu”, chúng ta thấy những dòng chử đó trong một điện tín gởi cho Dupré ngày 26-7-1873 [12] Chính lúc vụ Dupuis xảy ra.

Nguyên là một con buôn khí giới ở Thượng hải trong giai đoạn viễn chinh tấn công Trung quốc và cuộc cách mạng Thái Bình, kế đến tại Vân Nam, y hội kiến với tướng trung quốc Ma-To-Gen đang dẹp cuộc nổi loạn của người Hồi tại đó, Y đề nghị bán khí giới và mua thiết. Cuối năm 1872, dù hoàn toàn trái ngược với hiệp ước 1862, y băng qua Bắc kỳ để lên Vân Nam và dẩn đầu lối mấy trăm lính đánh thuê Châu Á và 23 tên phiêu lưu da trắng mà tư cách không có gì bảo đảm, nhưng người ta ràng buộc danh dự nước Pháp vào đó.

Các quan Bắc kỳ đã có một thái độ hòa hoản với Dupuis trong chuyến đi đầu tiên của y [13]. Nhưng khi y muốn trở lại Vân Nam và mang theo muối gạo, các quan bao vây đoàn người vì những hàng hóa đó đang bị cấm xuất khẩu. Dupuis bèn dùng vũ lực đóng tại một đường phố Hà Nội, cầm giữ mộ ít viên chức Việt Nam, dọa bắn phá thành phố, trương cờ Pháp lên trên những pháo hạm và phái tên phụ tá Millot của y vào cầu cứu Sài Gòn.

Đô đốc Dupré liền chụp lấy cơ hội. Đang ở sâu trong Trung quốc, y triệu viên sĩ quan rành nhất về vấn đề Việt Nam là Trung tá hải quân Francis Garnier và gởi một bức điện về Paris khẩn thiết yêu cầu chiếm Bắc kỳ : “Nhờ thành công của thí nghiệm Dupuis mà Bắc kỳ đã mở cửa. Ảnh hưởng lớn lao trong thương mại Anh, Đức, Mỹ, tuyệt đối cần thiết chiếm lấy Bắc kỳ và dành cho nước Pháp con đường độc nhất đó. Không yêu cầu sự giúp đở nào, chiếm bằng phương tiện riêng của tôi chắc chắn thành công”[14].

Thật vậy, người ta sợ gì một xứ mà 23 tên Pháp và một nhóm người Á châu đã đi băng qua mà không bị trừng trị gì cả ? Kinh nghiệm nầy há không đủ cho mọi người thấy sự bất lực cùng cực của triều đình Huế sao ? và làm sao quên được sự giúp đở của “500.000 con chiên” sốt ruột chờ người Pháp đến ?

“ Tôi chỉ nói theo trí nhớ, Dupré viết cho viên Bộ trưởng, 500.000 con chiên đó chiếm 1/20 dân số cả nước mà các giám mục đã hứa với tôi về sự giúp đở tích cực của họ. tôi biết có những ước tính sai lầm quan trọng về điểm này khi chúng ta tuyên chiến tại Nam kỳ ; có lẽ vẫn còn sai lầm nữa nhưng chắc chắn là nhỏ hơn và có lẽ không nên xem thường sự giúp đở của các con chiên đông đảo tại một vài tỉnh, trong đó có một số ít người có kiến thức, giàu có, thế lực. Chúng ta có thể dùng một cách có ích sự hiểu biết sâu xa xứ sở của các giám mục và các nhà truyền giáo đã ở đó lâu năm, tự do đi lại khắp nước từ ngày họ không bị đàn áp, trong khi các nhà truyền đạo tại các tỉnh miền Nam bắt buộc phải trốn tránh ban ngày và chỉ xuất hiện ban đêm trong các ghe mở trống và không biết xứ này hơn chúng ta”[15]

Phái đoàn Pháp tại Quảng Đông đã có những liên lạc chặc chẽ với phái đoàn Thiên Chúa giáo tại Hương Cảng biện hộ cho kế hoạch Dupré. Viên lãnh sự Chappedelaine viết cho ông Quai d’Orsay “ không cần đến 2000 người và 4 tàu tuần như ông Senez đã nói, mà chỉ cần một vài pháo hạm nhỏ đã giải giới tại Sài Gòn và một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ được phái ra cửa sông Cấm là đủ biến Bắc kỳ thành thuộc địa, 6000 tín đồ Thiên Chúa Giáo mà giám mục Puginier chịu giúp cho và được một vài huấn luyện viên hướng dẫn là đủ bảo vệ cả xứ chống lại người An Nam từ Huế kéo ra, họ chỉ có thể theo một ngã đèo mà một số ít người cũng có thể giữ được dễ dàng … Nếu bằng một ít tài nguyên nhỏ bé mà có thể mang lại cho Pháp một thuộc địa gồm 15 triệu dân có 500.000 con chiên, chúng ta không đáng chịu sự trách móc là quá e dè sao ? .. Đây không phải là một cuộc viễn chinh có chuẩn bị trước, mà là một trận đánh chỉ dùng đến tài nguyên ở thuộc địa và có thể với sự giúp đỡ của một phần hạm đội nhỏ của hải quân.

“Không thiếu gì lý do để bào chửa cho cuộc viễn chinh, không nói đến các tổn hại trước đây, có gì tự nhiên hơn phái một tàu chiến và một ít người đổ bộ lên chiếm thành phố Hà nội để bảo đảm các cuộc thương thuyết lở dở ở Sài Gòn ? Nếu sự việc không đúng như ông Dupuis, bạn bè ông cùng những giám mục trình bày, việc chiếm chốc lát một điểm ven biển Bắc kỳ sẽ không có ai để ý đến …”[16]

Cả Bá tước De Bruglie, Bộ trưởng Ngoại giao, ngày 24 tháng 5, cũng như đồng nghiệp hải quân của ông, Đô đốc Dompiere d’Hornoy, không ai chịu nhượng bước trước đề nghị của Dupré. Vì thế Đô đốc Hornoy viết cho y : “tình thế tại Âu Châu buộc chúng ta tuyệt đối tránh các rắc rối bên ngoài dù với những nhận xét để điều khiển chính sách và những cuộc hành quân mà ông đề nghị là gì đi nữa. Vì thế tôi lập lại chỉ thị, ông hãy tránh mọi biểu dương tại Bắc kỳ trong lúc này”[17].

Ngoài các khó khăn nội bộ, Bộ Ngoại giao còn sợ hành động của Pháp tại Bắc kỳ sẽ làm các nước khác, nhất là Anh, bất bình. Theo Quai d’Orsay, những cố gắng mà nước Anh cố làm để thiết lập giao thông với Vân Nam qua ngã Diên Điện cho thấy eõ là muốn bảo đảm cho các nhà buôn được tự do đi vào tỉnh này để từ đó đến các nơi, D’Orsay nghĩ, vì thế không thể nghi ngờ là nội các Luân Đôn đã tức giận về việc Pháp chiếm đóng Cambodge, không thể không lo âu khi thấy pháp lại làm chủ Bắc bộ được.[18] Mặc khác, chắc chắn là một khi dấn thân thì không có thể dừng lại và vì Nghị viện Pháp bất bình trước cuộc viễn chinh đầy hao tốn, chính phủ chắc chắn không sẵn sang chịu những hy sinh cần thiết để rút tĩa những gì có ích trong sự chiếm đóng đầu tiên đó.[19]

Dupré cúi đầu trước mệnh lệnh của chính phủ nhưng vẫn cho họ biết rằng nếu chính triều đình Huế yêu cầu can thiệp, y nhật định không bất động. “Trong trường hợp đó sự từ khước của chúng ta sẽ là bằng cớ cho sự bất lực gây nên một sự nguy hại không thể sửa chữa được cho quyền lợi hiện tại và tương lai của chúng ta”[20].

Đúng như y mong đợi, triều đình huế quá lo tôn trọng các điều khoản hiệp ước 1862 đã viết cho y một văn thư đề ngày 22-9 để yêu cầu y hoặc ra lệnh bảo Dupuis rời khỏi Bắc kỳ hoặc phái một sĩ quan với một vài cận vệ thôi ra để giải quyết vấn đề. Ngoài ra huế có tiếp xúc nữa chính thức với giới chức Anh ở Hồng kông để yêu cầu trục xuất Dupuis ra khỏi bắc kỳ.

Không đợi lệnh Ba lê. Dupré lập tức chuẩn bị cuộc xuất chinh, y nói, lời yêu cầu của Huế cùng việc xảy ra ở Hồng kông đặt y trong tình thế vô cùng cấp thiết mà các chỉ thị của bộ đã tiên liệu.

Quyết định thình lình này của Dupré đã làm cho viên Bộ trưởng hải quân và thuộc địa hết sức lo âu, y đặc biệt lo sợ về các khó khăn tài chánh mà việc làm của Thống đốc Nam kỳ có thể kéo theo, Chúng ta thấy nổi lo lắng đó trong thư dài dẫn sau đây :

Có thể đang lúc tôi viết đây, ông đã phái Garnier cùng với lực lương mà ông muốn cử theo. Tôi hết sức lo về quyết định đó của ông …. Nhưng nếu đoàn quân đã lên đường , ông đừng quên rằng ý muốn dứt khoát của chánh phủ là dù thế nào cũng chỉ thực hiện một hành động tạm thời rất hạn chế. Không vì bất cứ cớ gì mà ông được quyền chiếm một điểm trong xứ như ông nói. Lại càng không được liệu trước một sự chiếm đóng vĩnh viễn. trong hiện tại cũng như trong tương lai. Cả trong trường hợp nền bảo hộ được chấp thuận và thừa nhận, chúng ta cũng đừng nghĩ đến việc chiếm Bắc kỳ. Nếu trong trường hợp giúp triều đình Huế quét sạch hết các tên cướp biển, và về sau nầy trừ tuyệt các tên trộm cướp tàn phá xứ sở, hành động chúng ta phải gần tuyệt đối, bằng hàng hải và chỉ thực hiện trong những khi tuyệt đối cần thiết, bằng các cuộc chinh phục chớp nhoáng và mạnh mẽ mà không cần đến sự trú đóng thường xuyên hay gia tăng lực lượng, nhất là gia tăng phí tổn.

Tôi không cần phải lưu ý ông là chiếm một điểm ở Bắc kỳ với số binh sĩ đi theo ông Garnier là đưa đoàn quân ra cho người ta tấn công một cách không cần thiết, rồi sớm hay muộn ông cũng phải tăng cường, thế là đi vào con đường chiếm đóng vĩnh viễn mà ông tuyệt đối không được nghĩ đến. Thế là đưa chính phủ vào trong vòng khớp mà họ muốn xa lánh với bất cứ giá nào. Quốc hội lúc nào cũng sợ hãi về các chi phí mà các sự chiếm đóng ở hải ngoại gây ra. Họ than phiền là không được đền bù lại bằng các lợi ích buôn bán và bằng các điểm tựa cho hải quân chúng ta.

Chắc chắn Nam kỳ đem lại cho chúng ta các hy vọng chính đáng. Nhưng việc cai tri 5 xứ này lại khiến chính quốc tốn thêm 5.000.000. Tôi biết lợi ích gia tăng lớn lao, nhưng chúng ta đừng gây ảo tưởng cho mình. Thịnh vượng do tiến bộ về buôn bán đem lại không phải là nguyên nhân duy nhất cho sự gia tăng đó, việc thiết lập các sắc thuế mới đã đóng góp vào rất nhiều và chính ông cũng thừa nhận rằng thuế quá nặng. Ông còn phải đợi lâu nữa đễ cho việc phát triển sản xuất, đưa đến việc gia tăng thu hoạch mới. Vì thế chúng ta lại phải xin tiền ở ngân sách chính quốc, nếu chính sách chúng ta ở Bắc kỳ cần gia tăng chi phí. Về điểm này, ông nên biết rõ, chúng ta nhất định bị thất bại. Ông không biết được các cố gắng mà tôi phải vận động với Ủy Ban Ngân sách Quốc hội, để gởi nguyên cho ông số tiền hiện giờ mà tôi cho là cần thiết cho thuộc địa. Tôi nghĩ cần bảo vệ quyền lợi bằng tất cả nghị lực mà lòng tin sâu xa vào các nhu cầu của chúng ta đem lại. Tôi không tránh được thất bại trước sự chống đối quyết liệt của Ủy ban và của Quốc hội trước mọi yêu cầu đóng góp mà lý do là sự gia tăng thuộc địa ở ngoại quốc của chúng ta”[21].

Ngày 10-10-1873, Garnier nhận được các chỉ thị đầu tiên. Hôm sau, Dupré gửi cho Thượng thư lo việc ngoại giao ở Huế một thư than phiền về thái độ giới chức Bắc kỳ đối với con chiên và đề nghị thay thế các quan căm thù đạo Thiên Chúa và nước Pháp bằng các quan sẵn sàng cộng tác với Pháp hơn. “Làm sao họ cả gan dám làm việc đó, Dupré đặt câu hỏi khi nói đến các quan Bắc kỳ, nếu họ không cảm thấy được sự ủng hộ bởi các người có thế lực trong nội các Hoàng thượng, chống đối mọi liên minh với chúng tôi và sôi sục lòng căm thù đối với các người theo đạo vô tội, nếu các giới chức cao cấp địa phương che chỡ họ, không bảo đảm là không trừng phạt họ ? Chắc chắn bước đầu tiên phải làm để đi đến sự tin cậy lẫn nhau là thay thế các viên chức cao cấp của Huế và Bắc Kỳ đã công khai thù địch nước Pháp bằng những người sáng suốt, chủ trương đồng minh với chúng tôi hay ít nhất cũng bằng những người mà thái độ trước kia không cho thấy là kẻ thù công khai, quyết liệt của chúng tôi”[22].

Các dòng trên được khởi hứng từ sự lo lắng chuẩn bị khung cảnh thuận lợi cho pháo bộ Garnier. Chúng nhắm vào nguyên soái Nguyễn Tri Phương, Tổng đốc Hà Nội, nhà ái quốc vĩ đại, chủ trương kháng chiến, mà thái độ cương quyết trong vụ Dupuis không làm vui lòng giám mục Puginier, đại diện Tòa thánh tại Tây Bắc kỳ, người đóng vai trò đầu não trong các biến cố 1873.

Mục đích của phái đoàn Garnier là gì ? và Garnier là ai ?

 

II. CÁC CHỈ THỊ CỦA GARNIER.

Viên trưởng của phái bộ gọi là trọng tài được lệnh trục xuất Dupuis, mở sông Hồng Hà cho việc buôn bán và kéo dài sự chiếm đóng.

Về điểm 1, Garnier lo tìm một vị trí vững chắc mà y xem như là thích hợp nhất để hoàn thành công tác, lo chọn một cảnh dùng làm căn cứ hoạt động sau nầy khi hữu sự, lo mở một cuộc điều tra về các điều mà triều đình Việt nam trách móc Dupuis cùng các lời khiếu nại của tên này, và lo tìm cách sử dụng mọi thế lực của mình khiến cho Dupuis cùng các người của y rút khỏi Bắc kỳ.

Về điểm 2, Garnier phải làm mọi cách để ngay sau khi Dupuis đi rồi, sông Hồng Ha tạm thời mở cửa cho tàu bè Việt Nam, Pháp, Trung hoa với tiền quan thuế vừa phải (50%). Khi ngược cũng như khi xuôi giòng sông, theo Dupré,Hà Nội nằm trên chổ tàu bè phải đi qua, việc thu thuế rất dễ và số tiền thu được sẽ quá số tiền chi cho việc chiếm đóng hạn chế.

Về điểm 3, là điểm quan trọng nhất, Garnier phải kéo dài việc chiếm đóng cho đến lúc thuận tiện,- việc này tùy thuộc vào các cuộc thương thuyết ở Nam kỳ - tuyên bố duy trì việc chiếm đóng kinh đô và sông Hồng. Việc chiếm đóng này được bảo vệ bằng hai đại đội từ Yokohama  phái sang, một ít pháo binh nhẹ và một vài pháo hạm nhỏ.

“ Không chinh phạt, không bạo hành, Dupré nói, nhờ đó chúng ta làm chủ tình thế và tự do chờ đợi mà không phải di chuyển lực lượng, không chi phí to lớn và chính phủ An Nam bất lực không tấn công được chúng ta, sau cùng đành khuất phục”[23].

Cuối cùng, ngay khi đến, viên trưởng phái bộ Pháp phải liên lạc với các giám mục Pháp và Tây Ban Nha để nhờ giúp đở : “Tôi đã chính thức báo trước cho các Giám mục về công tác mà ông sẽ làm, Dupré viết cho Garnier trong chỉ thị đầu tiên ngày 10-10-1873, tôi yêu cầy họ tân lực giúp đở ông. Ông sẽ có những liên lạc mật thiết với các Giám mục Pháp cũng như với Giám mục Colonier, ngoùi đã cho ông Senez thấy các bằng chứng rõ ràng về thái độ sẵn sàng tuyệt hảo của mình. Ông yêu cầu họ khuyên những con chiên hãy kiên nhẫn, tạm thời khuất phục hoàn toàn trước chính quyền, đừng ồn ào phách lối, đừng phản ứng quá sớm, tóm lại, đừng có một hành động nào để người ta phản đối tôi khi sau nầy tôi dành toàn quyền về cho họ. Ông sẽ gặp ở các phái bộ một nguồn tin tức có ích về mọi vấn đề, và có thể, cả phương tiện liên lạc chắc chắn với Sài Gòn nữa.”

“…nếu ngân quỷ ông hết trước khi nhận được số tiền mới, tôi tin chắc rằng trong số các giám mục, ông sẽ tìm được những vị ứng trước số tiền cần thiết rồi sẽ hoàn lại cho họ sau hoặc ở Bắc kỳ hoặc ở Sài gòn ngay trong dịp đầu”.[24]

Từ lâu, Francis Garnier hoạt động trong tình trạng hơi khó khăn. Quá nhiều tham vọng để kiên nhẫn theo đuổi thủ tục dài dòng và nặng nề với đẳng cấp hải quân, y đã hăng hái vồ lấy con đường độc lập hơn, lý thú hơn, được ban thưởng nhiều hơn, mở ra cho y trong các vấn đề bản xứ ở Nam kỳ. Nhưng không được bao lâu, y thấy tiền đồ đụng vào ngỏ cụt và chỉ còn muốn trở về ngạch sĩ quan chiến hạm bằng cách làm một vài việc cầu may, để bù lại thời gian đã mất vô ích và thoát khỏi các công việc bạc bẽo của sĩ quan trực trên một chiếc tàu, để đạt được tức thì cấp bậc, đem lại quyền uy và đặc quyền về quyền chỉ huy. Trong khi chờ đợi và lo tìm một ngỏ thoát khác, Garnier được nghỉ phép. Y lợi dụng thời gian này để tiếp xúc các nhà buôn bán, quyết định sẽ theo đuổi sự nghiệp bằng đường lối này nếu chân trời không mở ngã khác cho y.

Chính trong tình thế đó, Dupré, người biết được giá trị của y, bèn tìm và giao cho Garnier “công tác trọng tài” mà không một lương tâm nào có thể can thiệp vào ý nghỉ thầm kính của mỗi diển viên để đạt mục đích ước mơ.”[25]

Việc Dupré chọn tên phiêu lưu có thực tài và thông minh này nhưng lại cũng sẵn sàng đi đến bất cứ chổ cực đoan nào để thành công, đã gây nhiều lo lắng cho viên Bộ trưởng Hải quân và thuộc địa, ông không che dấu viên Thống đốc Nam kỳ điều đó :

“…Ông Thống Đốc, tôi xin nói thêm là tôi không mấy tán thành về việc ông chọn Garnier, tôi không muốn hạ giá trị viên sĩ quan đó, nhưng vì bản tính quyết liệt và phiêu lưu của ông ta, tôi tự hỏi đó có phải là người thích hợp cho công tác không. Ông ta đã quá tin chắc vào quyền lợi mà Pháp có thể có được khi mở con đường hướng đến các tỉnh Nam Trung quốc mà ông ta đã viếng, đo đó, có lẽ những nhận xét khuyên chúng ta phải dè dặt không đè nặng lên tư tưởng ông ta mà chính ông ta phải lo sợ về hậu quả lôi kéo sau đó. Ông Senez cũng có thái độ như thế và đã đưa đi quá xa ngoài ý muốn của ông và ông phải đề phòng mối hiểm nguy đó.”[26]

Về phần Garnier, say sưa trước viễn ảnh mở rộng cho y, trước khi lên đường, y đã viết các dòng đầy hiếu chiến sau đây cho gia đình :

“Đây là một viễn chinh nhỏ mà tôi thích, Tôi có khả năng kêu gọi đến, nếu cần, đại đội đổ bộ của tàu D’Estrées, còn chỉ thị, một cái phiếu trắng ! Đô đốc tin cậy ở tôi. Tiến lên, nước Pháp già nua này !.”[27]

Ngày 1-11  đến Bắc kỳ, Garnier liên lạc ngay với các giám mục và trao thư của Đô đốc Dupré.   

  

CHÚ THÍCH                                 

 


[1]-  Dupré gởi cho Bộ trưởng hải quân và thuộc địa , 22-12-1872 . Thư khố Bộ Pháp quốc hải ngoại A 30 (18) hộp 12

[2] -  cùng văn thư

[3] - Thư khố bộ ngoại giao . Đông Dương 1871-1873, tập 31 tr 142

[4] - Bộ trưởng Ngoại giao gởi Bộ trưởng hải quânà thuộc địa ngày 22-2-1873 , Thư khố bộ Pháp quốc Hải ngoại  A 30 (18) hộp 12

[5] - Thư khố Bộ Pháp quốc hải ngoại , cùng chỉ dẫn

[6] - Dupré gởi Bộ trưởng Hải quân 17-3-1873, văn thư mà Bộ xem là quan trọng . Thư khố Bộ Pháp quốc Hải ngoại , cùng chỉ dẫn

[7] - Bộ trưởng thuộc địa gởi Bộ trưởng ngoại giao 8-5-1873. Thư khố bộ Pháp quốc hải ngoại , cùng chỉ dẫn.

[8] - Bộ trưởng ngoại giao gửi Bộ trưởng Thuộc địa  18-6-1872 . Thư khố Bộ Pháp quốc hải ngoại , cùng chỉ dẫn.

[9] - Giám mục Gauthier gởi Dupré 12-2 và 19-2-1873 cùng chỉ dẫn .

[10] - Dupré gởi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa  19-5-1873 cùng chỉ dẫn.

[11] -  như trên , ngày 7-7-1873 , cùng chi dẫn

[12] - Thư khố Bộ Pháp quốc hải ngoại , cùng chỉ dẫn

[13] - Trung tá hải quân Senez điều khiển tàu Bourayner, viết cho triều đình Huế để gởi gấm Dupuis  “ tôi được, y viết, thống đốc Sài Gòn cho phép nói với quý vị  rằng chính phủ Pháp sẽ rất hài lòng khi thấy chính phủ An Nam cho phép ông Dupuis đi Vân Nam ngang qua lãnh thổ để nối và thiết lập lại các liên hệ buôn bán mới” .Thư ngày 19-11-1872 . Thư khố Bộ Pháp quốc hải ngoại A 60 (1) hộp 24

[14] - Điện tín ngày 28-7-1873 , trích trong kỷ yếu Hội nghiên cứu Đông dương, tuần 2 1947

[15] - Dupré gửi cho Bộ trưởng hải quân và thuộc địa  28-7-1873 ( văn thư mật) . Thư khố Bộ Pháp quốc hải ngoại , cùng chỉ dẫn.

[16] - Armand Rivière trích dẫn, Viễn chinh Bắc kỳ, những tráchnhiệm . tr 3,4  Paris E.Bloch , 1855

[17] - Điện tín 8-9-1873 , thư khố Bộ ngoại giao , Châu Á , tập 31 tr 217, Thư khố Bộ Pháp quốc hải ngoại , A 30 (18) hộp 12

[18] - Bộ trưởng ngoại giao gửi Bộ trưởng hải quân và thuộc địa  29-9-1873 .Thư khố Bộ Pháp quốc hải ngoại , cùng chỉ dẫn.

[19] - Bộ trưởng hải quân và thuộc địa gửi Dupré , 8-1873 ( ngày không rõ) . Thư khố Bộ Pháp quốc Hải ngoại , cùng chỉ dẩn.

[20] - Dupré gởi Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa, 11-9-1873 . Thư khố Bộ Pháp quốc Hải ngoại, cùng chỉ dẫn

[21] - Thư bản chính của Bộ trưởng Hải quân gởi Dupré ( không đề ngày) cùng chỉ dẫn.

[22] - Văn thư của Dupré gửi cho Thượng thư lo về ngoại giao của Huế ngày 11-10-1873 , cùng chỉ dẫn

[23] - Dupré gửi Bộ trưởng hải quân và Thuộc dịa , 7-10 và 8-11-1873 , cùng chỉ dẫn.

[24] - Dupré gửi Garnier, cùng chỉ dẫn.

[25] - Vấn đề Bắc kỳ và Nam kỳ . Thư khố Bộ Pháp quốc Hải ngoại . cùng chỉ dẫn

[26] -  Bản thư chính không đề ngày , Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa gửi Dupré . Thư khố Bộ Pháp quốc hải ngoại , cùng chỉ dẫn

[27] - Garnier gửi cho anh, 8-10-1873 . Thư khố Bộ Pháp quốc Hải ngoại . A 60 (3) hộp 24

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập