Đọc “Mõ Trâu: Dẫn Nhập Vào 10 Bức Tranh Chăn Trâu”

Đã đọc: 775           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Bài này sẽ nhìn Thập Mưu Ngục Đồ qua bản đồ học Phật của Đấng Thế Tôn. Trong hai tạng Kinh A Hàm và Nikaya, Đức Phật đã từng so sánh tiến trình tu tâm như việc chăn bò. Trong Phật Giáo Tây Tạng, cũng có một hướng dẫn tương tự như tranh chăn trâu, nhưng là lộ trình chín giai đoạn chăn voi.

Sách vừa mới ấn hành trong tháng 4/2020 -- nhan đề “Mõ Trâu: Dẫn Nhập Vào 10 Bức Tranh Chăn Trâu” – là phiên bản tổng hợp từ các bài giảng của Hòa Thượng Thích Phước Tịnh về Mười Bức Tranh Chăn Trâu dựa trên mười bài thơ của Thiền sư Quách Am (khoảng thế kỷ 12, Trung Quốc) do Thầy Tuệ Sỹ dịch sang tiếng Việt.

Bên cạnh mười bài giảng của Thầy Phước Tịnh là mười bài Thiền Ca Chăn Trâu được kẻ nhạc, do nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc sáng tác, dựa theo thơ Thầy Tuệ Sỹ. Sách in trên giấy đẹp, khổ vuông 8.5X8.5 inches, dày 90 trang. Sách “Mõ Trâu” do Tâm Nguyên Nhẫn thực hiện chỉ 30 ấn bản để tặng, theo các pháp thoại do Doãn Hương sưu tập lời giảng của Thầy Phước Tịnh về Thập Mục Ngưu Đồ. Doãn Vinh vẽ bìa và phụ bản. Nguyễn Đình Hiếu trình bày. Tâm Tường Chơn biên soạn.

Bài này sẽ nhìn Thập Mưu Ngục Đồ qua bản đồ học Phật của Đấng Thế Tôn. Trong hai tạng Kinh A Hàm và Nikaya, Đức Phật đã từng so sánh tiến trình tu tâm như việc chăn bò. Trong Phật Giáo Tây Tạng, cũng có một hướng dẫn tương tự như tranh chăn trâu, nhưng là lộ trình chín giai đoạn chăn voi.

A HÀM, NIKAYA: CHĂN BÒ, THIỀN TÔNG VÀ HẠNH BỒ TÁT

Trong Kinh Tạp A Hàm SA 1249, bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Đức Thắng, Đức Phật dạy về kỹ năng tu tâm tương tự như kỹ năng chăn bò, với 11 pháp người chăn bò cần khéo biết. Cũng nên ghi nhận về Kinh SA 1249 và kinh tương tự bên Tạng Nikaya là Kinh MN 33, nội dung là chăn giữ đàn bò lớn, hàm ý phương pháp tăng thịnh tứ chúng, như dường nhóm kinh này là khởi đầu của Hạnh Bồ Tát để gìn giữ cho chúng sanh an ổn, và để tự mình an ổn và làm an ổn cho người khác. Như vậy, tu không có nghĩa là lui vào ven rừng, góc núi riêng tự lo cho mình an ổn, mà phải làm cho đàn bò hưng thịnh, tức là xuống núi, như chúng ta có thể suy đoán theo ngôn phong Thiền Tông, là thõng tay vào chợ hoằng pháp.

Trích Kinh SA 1249 như sau:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Người chăn bò nếu có đủ mười một pháp, sẽ không thể làm cho bò tăng trưởng, cũng không thể giữ gìn bầy bò lớn được an ổn. Những gì là mười một? Không biết sắc; không biết tướng; không biết trừ trùng; không băng giữ vết thương; không un khói; không biết chọn đường; không biết chọn chỗ nghỉ; không biết chỗ qua sông; không biết chỗ cho ăn; vắt hết sữa của bò; không biết chăm sóc con đầu đàn. Đó gọi là người có đủ mười một pháp thì không thể chăn giữ đàn bò lớn. Cũng vậy, Tỳ-kheo có đủ mười một pháp, không thể tự mình an ổn, cũng không thể an ổn cho người khác. Những gì là mười một điều? Không biết sắc; không biết tướng; không thể trừ trùng hại; không băng vết thương; không thể un khói; không biết đường chánh; không biết chỗ dừng nghỉ; không biết chỗ vượt qua; không biết chỗ để ăn; vắt hết sữa của bò; hoặc có Thượng tọa đa văn kỳ cựu, tu phạm hạnh lâu, được Đại Sư khen ngợi, mà không hướng đến các phạm hạnh có minh trí để khen ngợi đức độ kia, khiến tất cả tôn kính, phụng sự, cung dưỡng.” (1)

Tương tự, Kinh Trung Bộ MN 33 bản dịch của Thầy Minh Châu cũng ghi  rõ: “Này các Tỷ-kheo, người chăn bò đầy đủ mười một đức tánh này có thể chăn giữ đàn bò, khiến đàn bò trở thành hưng thịnh.” (1)

Phương pháp tu tâm theo hình ảnh chăn bò được ghi trong Kinh SA 1249 cũng là phòng hộ sáu căn, trích: “Thế nào là không băng vết thương? Mắt thấy sắc, theo đó nắm giữ hình tướng. Do không thủ hộ mắt, khiến cho tham ưu thế gian, pháp ác bất thiện chảy lọt vào tâm mà không thể phòng hộ. Tai mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là không băng vết thương.”

Dẫn bò theo đường chánh là đưa tâm mình về, và đưa tâm chúng sanh vào Bát Chánh Đạo, trong khi pháp chăn thả bò được Kinh SA 1249 dạy là: “Thế nào là không biết chỗ chăn thả bò? Bốn Niệm xứ và pháp luật Thánh hiền, gọi là chỗ chăn thả bò. Ở đó mà không biết như thật, thì đó gọi là không biết chăn thả bò."

Trong hai kinh A Hàm và Nikaya vừa nêu, Đức Phật cho biết có nhiều cách đưa bò qua sông. Trong đó, có pháp ẩn mật, có pháp hiển lộ. Có pháp cú nghĩa sâu xa mà người tu có thể tự biết nhưng không thể diễn rộng chỉ rõ. Nghĩa là, lời nói có khi có thể không nói được cảnh giới tự chứng xa lìa ngôn ngữ (văn phong này của Đức Phật như dường là những khởi đầu cho Thiền Tông, tức là Thiền pháp truyền từ ngài Bồ Đề Đạt Ma).

Trích Kinh SA 1249: “Thế nào là không biết chỗ vượt qua? Không biết Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tì-đàm, không biết tùy thời đến thưa hỏi thỉnh thọ, rằng, ‘Thế nào là thiện, thế nào là bất thiện, thế nào là có tội, thế nào là không có tội; tạo những pháp nào là pháp thù thắng không phải ác?’ Đối với pháp ẩn mật thì không thể khai phát, đối với pháp hiển lộ thì không thể hỏi rộng, đối với cú nghĩa sâu xa đã tự biết mà không thể diễn rộng chỉ rõ. Đó gọi là không biết chỗ vượt qua…”

Trong Kinh MN 33 ghi đoạn văn đó là tìm chỗ dễ cho bò vượt sông, trích:

“…"thế nào là Tỷ-kheo biết chỗ nước có thể lội qua? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thỉnh thoảng có đến gặp những Tỷ-kheo đa văn, được trao cho truyền thống giáo điển, những bậc trì Pháp, trì Luật, trì matika (các bản tóm tắt) có hỏi, có trả lời các vị ấy: “Thưa Tôn giả, điểm này là thế nào? Ý nghĩa này là gì? Những bậc Tôn giả ấy làm cho hiển lộ những điều chưa được hiển lộ, làm cho rõ ràng những điều chưa được rõ ràng, và đối với những nghi vấn về Chánh pháp, các vị đoạn trừ nghi hoặc. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết rõ chỗ nước có thể lội qua."

--- Bản Anh dịch của Thầy Sujato: “Those venerables clarify what is unclear, reveal what is obscure, and dispel doubt regarding the many doubtful matters." (1) (NG dịch: Các vị thầy đó làm sáng rõ những gì chưa rõ, tiết lộ những gì còn ẩn tàng, và xóa bỏ nhiều chỗ ngờ vực.)

--- Bản Anh dịch của Thầy I.B. Horner: "These venerable ones disclose to him what was not disclosed, they make clear what was not made clear, and on various doubtful points of Dhamma they resolve his doubts." (1) (NG dịch: Các vị tôn túc này tiết lộ cho học nhân những gì chưa được tiết lộ, làm rõ những gì chưa được làm rõ, đoạn nghi nhiều điểm về Pháp.)

Nghĩa là, có những pháp chưa được vị Thầy hiển lộ minh bạch, sẽ chờ tới đúng thời sẽ hiển lộ để đoạn nghi cho học trò. Đối với Thiền Tông, vị thầy sẽ chờ đúng thời để chỉ cho học nhân Bản Tâm, hay Bản Thể Diệu Hữu Chân Không của Tâm. Đây là phong thái rất mực Thiền Tông.

Trong khi đó, Kinh Trung Bộ MN 34 nói về Hạnh Bồ Tát, quán sát về những cách để làm sao lùa được tất cả bò qua sông.  Đặc biệt, đàng nào rồi cũng qua sông, kể cả “con bò còn nhỏ mới sanh, con bò này nhờ chạy theo con bò mẹ, vừa chạy, vừa kêu, sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, cũng qua bờ bên kia một cách an toàn”… Bò mới sanh, còn bú, vừa kêu vừa chạy theo bò mẹ, cũng qua sông an toàn; đó là các vị tùy pháp hành, tùy tín hành.

Trích Kinh MN 34, bản dịch của Thầy Minh Châu, cho thấy hạnh nguyện cứu độ chúng sinh, kể cả lo cứu bò con mới sanh:

Ngày xưa, này các Tỷ-kheo, tại Magadha có người chăn bò có trí, vào cuối tháng mùa mưa, trong mùa gặt hái, sau khi quán sát bờ bên này sông Hằng, sau khi quán sát bờ bên kia sông Hằng, đuổi đàn bò qua bờ bên kia tại Suvideha, tại chỗ có thể lội qua được. Người đó đuổi đi đầu những con bò đực già, những con đầu đàn. Những con này sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, qua bờ bên kia một cách an toàn. Rồi người đó đưa qua những con bò đực lớn mạnh, những con bò đực có được huấn luyện. Những con này sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, qua bờ bên kia một cách an toàn. Rồi người đó đuổi qua những con bò đực con, lớn, những con bò cái con, lớn. Những con này sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, qua bờ bên kia một cách an toàn. Rồi người đó đuổi qua những con bò con nhỏ, những con bò con còn bú. Những con này sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, qua bờ bên kia một cách an toàn. Này các Tỷ-kheo thời xưa ấy có con bò còn nhỏ mới sanh, con bò này nhờ chạy theo con bò mẹ, vừa chạy, vừa kêu, sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, cũng qua bờ bên kia một cách an toàn. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì người chăn bò ở Magadha là người có trí, vào cuối tháng mùa mưa, trong mùa gặt hái, sau khi quán sát bờ bên này sông Hằng, sau khi quán sát bờ bên kia sông Hằng, đuổi đàn bò qua bờ bên kia tại Suvideha, tại chỗ có thể lội qua được.” (2)

KIM CANG THỪA: BỨC TRANH CHĂN VOI

Trong khi đó, truyền thống Phật Giáo Kim Cang Thừa, xuất phát từ Tây Tạng và đang ảnh hưởng lớn tại Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa, Nepal, Ấn Độ, Bhutan, Nga và nhiều nước khác, có pháp tu tâm theo lộ trình chín giai đoạn chăn voi.

Trong khi thể loại tranh chăn trâu có hai cách trình bày chính --- Đại Thừa và Thiền Tông --- với nhiều thiền sư khác nhau đề thơ cho 10 giai đoạn, tranh chăn voi của Kim Cang Thừa thống nhất, chia làm 9 giai đoạn. Chư tổ Trung Hoa chọn hình ảnh con trâu cho quen thuộc với nền văn hóa trồng lúa, trong khi chư tổ Tây Tạng chọn hình ảnh con voi cho quen thuộc với đời sống của người miền núi. Con voi tượng trưng cho tâm. Nếu voi rừng hoang dã, người dân làng xóm sẽ kinh hoàng. Như thế, nhu cầu là thuần hóa voi rừng, tức luyện tâm. Thêm nữa, dấu chân voi dễ nhìn thấy trong rừng vì là dấu chân to nhất, trong khi voi rừng phá hoạt nhiều nhất thì voi đã thuần lại có công nhiều nhất cho làng xóm. Đồ hình luyện voi này gọi là Chín Giai Đoạn An Tâm (Nine Deepening Stages of Calm-Abiding).

Theo các dẫn giải của các bản văn Kim Cang Thừa, đồ hình chăn voi ban đầu cho thấy voi có màu tối, tượng trưng tâm mờ nhạt và u ám. Hình ảnh vị sư trong đồ hình là người tu thiền. Màu sậm của con khỉ trong đồ hình tượng trưng sự tán tâm, không tập trung, và do vậy con khỉ hướng dẫn con voi chạy đi mọi nơi, chạy theo các đối tượng khác nhau; nơi người, tượng trưng tâm tán loạn chạy theo căn trần. Nhà sư trong đồ hình cầm sợi dây và móc sắt, tượng trưng cho chánh niệm tỉnh giác, kéo voi về đúng lối, tức là tỉnh thức với lối voi đi, cho khỏi chệch hướng.

Ngọn lửa trong đồ hình tượng trưng nhiệt tâm của nhà sư, tinh tấn thiền định. Ngọn lửa ban đầu lớn, rồi dọc theo đồ hình sẽ từ từ nhỏ lại, trong khi con voi đen từ từ chuyển sang voi trắng; ý nghĩa là tâm thuần hơn, dễ định tâm hơn, không cần nhiều nỗ lực mà voi vẫn đi đúng lối. Ban đầu là con khỉ dắt voi đi, nhưng sau khi nhà sư làm chủ được voi, sư dắt voi đi, khỉ chỉ còn chạy lẹt đẹt theo sau voi để quấy rối, níu kéo voi. Voi từ từ trắng nơi đầu trước, lan dần màu trắng xuống thân; ý là người tu thiền chủ yếu làm thanh tịnh tâm trước, trong khi các dư nghiệp khác sẽ từ từ nhuộm trắng sau.

Trong giai đoạn 1 và 2 của đồ hình chăn voi, người tu giữ giới, học pháp nghĩa để tin nhân quả, vững tín tâm và không lui sụt, và tập định (chỉ, samatha) theo hoặc là pháp theo dõi hơi thở, hoặc là pháp lắng nghe, hoặc cả hai. Giai đoạn 3 và 4 vẫn học sâu thêm pháp nghĩa, bớt tán tâm và định vào sâu hơn. Giai đoạn 5 và 6, nhờ chánh niệm vững vàng, mặc dù định chưa thuần nhất, nhưng người tu đã vững vàng nhận biết tất cả những gì đang xảy ra và biết mình đang làm gì. Giai đoạn 7 và 8, hai pháp chỉ và quán đều thuần thục, định tâm của người tu không bị gián đoạn nữa, voi thuần trắng từ giai đoạn 8. Giai đoạn 9, tâm hoàn toàn an tĩnh, tâm tự nhiên an nghỉ, nhà sư cỡi voi với tay phải cầm thanh kiếm lửa, tượng trưng dùng chi và quán chứng ngộ tánh không (realization of voidness) của vạn pháp.

MƯỜI TRANH CHĂN TRÂU

Với các nhà sư Việt Nam, hình ảnh chăn trâu tượng trưng cho luyện tâm từ xa xưa đã được nói tới. Thầy Thích Đức Thắng trong bài viết nhan đề “Con Trâu Đất - Một Biểu Tượng Độc Đáo của Tuệ Trung” đã nêu một số câu thơ của ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ (1230–1291) về cách chăn trâu cũng như luyện tâm. Trong khi đó, Thiền Sư Quảng Trí (thời nhà Lê) biên soạn tập sách nhan đề “Thập Mục Ngưu Đồ Tụng Luận Giải” --- sách này được nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn dịch và chú thích, cũng được Thầy Thích Thông Phương dịch và Thầy Thích Thanh Từ bình giảng. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Tâm Minh Ngô Tằng Giao biên soạn một sách tổng hợp nhan đề “Phật Dạy Luyện Tâm Như Chăn Trâu” được NXB Diệu Phương ấn hành năm 2010, với nhiều bản vẽ tranh chăn trâu và thơ tụng từ nhiều thiền sư.

Nơi đây, chúng ta chỉ trình bày về sách “Mõ Trâu: Dẫn Nhập Vào 10 Bức Tranh Chăn Trâu” (viết tắt: Mõ Trâu, hoặc MT) mới ấn hành, do Thầy Phước Tịnh giảng, thơ của Thầy Tuệ Sỹ. Chữ “mõ trâu” nghe xa lạ với giới trẻ thành phố, cả trong và ngoài VN. Lời Thưa giải thích: Mõ trâu là một chiếc hộp bằng gỗ hay bằng tre, bên trong có treo những thanh gỗ nhỏ, được buộc vào cổ trâu bằng sợi dây thừng. Khi trâu di chuyển, các thanh gỗ nhỏ lúc lắc gõ vào hộp gỗ, tạo ra những “âm thanh lọc cọc vui tai”… Trong sách Mõ Trâu: Bản chữ Hán là của Thiền sư Quách Am (thế kỷ 12, còn gọi là Quách Am Sư Viễn); Bản thơ tiếng Việt là của Thầy Tuệ Sỹ; lời bình của Thầy Phước Tịnh. Đây là tranh chăn trâu Thiền Tông, nên trâu thuần trắng ngay từ khi mới được dò ra. Tất cả các thơ trong bài này đều do Thầy Tuệ Sỹ dịch. Tuy nhiên, cần ghi nhận rằng phiên bản trong sách này có khác một số chữ so với một số bản trên mạng, cùng dịch giả Tuệ Sỹ.

Bức tranh thứ nhất là Tầm Ngưu, tức Tìm Trâu (sách Mõ Trâu, trang 5-9).

Nức lòng vạch cỏ rong tìm
Non xa, nước rộng, đường chim mịt mù
Sức cùng dạ mỏi tìm mô?
Rừng phong bóng ngả nghe hồ ve ngâm.

Bốn câu thơ dịch trên của Thầy Tuệ Sỹ cho thấy người tu vạch cỏ tìm, mà không thấy trâu, trong khi “bóng ngả” cho thấy đêm sắp về, ngày sắp tắt. Thầy Phước Tịnh bình rằng trong khi đời người chóng qua, tu mà chệch hướng thì thê thảm, trong khi “Cuộc đời càng về già, chúng ta càng nhìn thấy mịt mù trước mặt, không biết khi nào sẽ rơi vào hố sâu thăm thẳm của cái chết” (MT, trang 9)…

Bức tranh thứ hai là Kiến Tích, tức Thấy Dấu (sách Mõ Trâu, trang 11-15).

Dấu chân bên suối ven rừng,
Cỏ thơm che lối biết dừng nơi đâu.
Dù cho núi thẳm rừng sâu
Trời cao mũi rộng, nơi nao dấu mày.

Thầy Phước Tịnh bình rằng thấy dấu chân trâu bên suối, ven rừng, thấy mũi con trâu cao đụng trời xanh, chỉ cho “tâm Phật sáng ngời trùm khắp chính ta.” Như vậy là thấy tâm, thấy dấu chân trâu ở suối, rừng, nhưng cỏ che lối vì còn thanh, sắc, suy tư cuốn hút. Dấu chân trâu có thể nhận ra rằng: không có tâm, thì không thể có cảnh, vì cảnh theo tâm mà hiện. Đó là lý do nói mũi trâu nằm ở cả trời cao, núi thẳm, rừng sâu.

Bức tranh thứ ba là Kiến Ngưu, tức Thấy Trâu (sách Mõ Trâu, trang 17-21).

Trên cành chim hót líu lo,
Gió lay, nắng ấm bên bờ liễu xanh.
Chỗ này thôi hết chạy quanh
Đầu sừng bề bộn, họa hình khó thay.

Nghe tiếng chim, thấy gió lay, cảm nhận nắng ấm, nhận ra màu sắc liễu xanh… vậy là thấy đầu và sừng trâu rồi, vì chính trong cái thấy nghe hay biết chính là dấu tích của tâm, là thấy tâm rồi. Thầy Phước Tịnh bình rằng “Tuy có thể thấy được trâu nhưng nó vẫn thoáng ẩn thoáng hiện, mờ ảo, rối rắm, chập chùng, không rõ ràng nền hình ảnh nó vẫn chưa rõ nét.” (MT, trang 20)

Bức tranh thứ tư là Đắc Ngưu, tức Bắt Được Trâu (sách Mõ Trâu, trang 23-27).

Trăm đường mới chộp được mi
Tánh hung, sức bạo, làm chi được nào.
Đôi khi nhảy đến đồi cao
Lại trong mây nổi, dạt dào buông lung.

Thầy Phước Tịnh bình rằng người tu phải khéo mới nắm được mũi con trâu, vì “Con trâu vốn tính hung bạo, sức lực rất mạnh nên thật là khó mà ghì giữ nó. Nó lôi mình đi mà mình không có cách gì để khống chế lại được…” (MT, trang 26) Thầy ghi nhận rằng hình ảnh trâu chạy hung hăng là “tham sân, buồn giận, bất an…” (MT, trang 27) cứ lôi kéo người tu hoài.

Bức tranh thứ năm là Mục Ngưu, tức Chăn Trâu (sách Mõ Trâu, trang 29-33).

Dây roi mang sẵn kè kè
Sợ mi tung vó theo bè trần ai.
Bao giờ thuần tánh hăng say,
Roi giàm vứt bỏ mà mày vẫn ngoan.

Thầy Phước Tịnh bình rằng, “chúng ta phải luôn thực tập phòng hộ (cầm dây, dùng roi) để coi chừng con trâu tâm thức của mình. Chúng ta chăm sóc như cho đến khi thân đi dâu, tâm theo đó, tâm không rời thân trong mọi nơi chốn, mọi thời điểm… Hãy nhận diện tỏ tường rằng những ý thức, suy nghĩ như tham sân, chấp trước, tự tôn, tự hào… biểu hiện mạnh mẽ hay âm thầm, cũng là những thứ sở hữu của ta. Đó đơn thuần chỉ là dòng chảy (hiện hành) của những hạt giống thức tâm sinh diệt mà không phải là trạng thái thanh nguyên của tâm thức ta.” (MT, trang 32-33)

Bức tranh thứ sáu là Kỵ Ngưu Quy Gia, tức Cỡi Trâu Về Nhà (sách Mõ Trâu, trang 35-39).

Lưng trâu thong thả ta về
Sáo lên vi vút ngoài đê ráng chiều.
Lời ca tiếng diệp phiêu diêu
Tri âm nào phải ra điều nói năng.

Thầy Phước Tịnh bình rằng chữ “tri âm” gốc từ chữ Hán nói về những người bạn rất thân, không cần nói gì với nhau mà vẫn hiểu nhau, nhưng nơi đây còn có nghĩa: “…chữ tri âm ở đây hàm ý hướng nội; nghĩa là điều phục được tâm, sống được với tâm, lúc nào mình cũng an trú trong chánh niệm, không cần khởi lên tiếng nói thì thầm. Một khi sống được với năng lượng chánh niệm vững chải và giàu có của tự tâm, chúng ta có thể biết rõ đời sống tu tập của mình; ta có thể quan sát tâm ý một cách rõ ràng mà không cần ai chỉ bảo. Khi ấy tâm tự an trú trong niệm và định mà không cần phải tác ý dẫn dắt công phu.” (MT, trang 38)

 Bức tranh thứ bảy là Vong Ngưu Tồn Nhân, tức Quên Trâu Còn Người (sách Mõ Trâu, trang 41-45).

Cõi trâu về đến quê xưa
Lỏng tay thả quách, người vừa rảnh rang.
Trời cao nắng ấm, mộng vàng
Dây roi chăn dắt có cần nữa đâu.

Trong hình, trâu biến mất rồi (thấy vô tâm) trong khi mặt trời hiện lên sáng rỡ (bản tâm với chánh niệm chiếu sáng) và chú mục đồng ngồi bó gối (tức rảnh tay), roi và dây vứt nơi góc nhà vì không cần nữa. Thầy Phước Tịnh bình rằng giai đoạn bó gối này là đạt được “phẩm tính thong dong khi thiền tập”… Thầy giải thích đó là khi ý thức nhận biết sáng tỏ trong mọi động tác, “Cách thiền tập này có tên là Niệm thân hành; hàm nghĩa mọi cử động của thân dù chỉ là ngheo mắt nhướng mày hay một co giãn của cơ bắp ta đều phải nhận biết tỏ tường. Niệm nghĩa là tâm nhận biết bình lặng, không có tiếng nói thì thầm. Chỉ đơn thuần là sự nhận biết sáng tỏ, phủ sóng toàn thân, như mặt trời phóng ánh sáng phủ trùm hành tinh một cách liên tục, không một kẽ hở, không một giây ngưng…” (MT, trang 45).

Bức tranh thứ tám là Nhân Ngưu Câu Vong, tức Người Trâu Đều Quên (sách Mõ Trâu, trang 47-51).

Người trâu roi vọt chẳng còn
Trời xanh bằng bặt tinh mòn mỏi tinh
Lò hồng sạch dấu tuyệt vời
Đến đây Phật Tổ và mình không hai.

Trong hình, chỉ còn một hình tròn, trong khi tất cả (trâu, người, cảnh) đều biến mất. Thầy Phước Tịnh bình rằng, “Hiển nhiên là ta vẫn còn một hình hài con người; vẫn ăn, vẫn thở, vẫn cười bình thường; vẫn đi đứng sinh hoạt trên hành tinh như bao người. Như vậy, trạng thái sáng tỏ, rỗng không, vắng lặng của thiền giả thể nghiệm do công phu quán chiếu ở đây là muốn nói đến các phần thọ, tưởng, hành, thức của ta không còn nơi để bám víu, không còn chỗ để chấp chặt, không còn thấy đây là bản ngã của ta để tự hào, kiêu ngạo hay ưu tư phiền muộn. Đây gọi là đạt đến giai đoạn thấy người cũng không mà cảnh cũng không. Người và trâu đều không (người trâu đều quên).” (MT, trang 50)

Bức tranh thứ chín là Phản Bổn Hoàn Nguyên, tức Trở Về Nguồn Cội (sách Mõ Trâu, trang 53-57).

Phí công về đến nhà xưa
Đâu bằng ngay đó lặng lờ bặt duyên.
Trong am bặt hết nẻo huyền
Nước trôi hoa thắm an nhiên một trời.

Trong hình không còn người, không còn trâu, chỉ là cành liễu bên dòng sông, với hoa lá bay… Thầy Phước Tịnh dẫn ra câu chữ Hán “Tịnh như trực hạ nhược manh lung” trong đó chữ “nhược manh lung” là “như là mù và điếc”… Thầy bình rằng, “Đâu bằng ngay bây giờ và ở đây, hãy là người vô sự, không cảnh nào đến với mắt, với tai mà có thể làm cho tâm thức ta xao động…  đối với hành giả tu tập, cái thấy, cái nghe vẫn tỏ rõ nhưng không âm thanh, sắc tướng nào làm cho họ sinh lòng phân biệt ghét thương, ưu tư, phiền muộn nên gọi là nhược manh lung. Am trung bất kiến am tiền vật – Ngay nơi thấy nghe nhận biết tỏ tường từng pháp trần sinh khởi và hoại diệt, nhưng tâm không vướng vào một pháp nào nên gọi là như tuồng câm điếc. Trong am (hay trong tâm) không thấy gì ngoài sự rỗng không, tĩnh tại, lặng lẽ” (MT, trang 56)

Bức tranh thứ mười là Nhập Triền Thùy Thủ, tức Thõng Tay Vào Chợ (sách Mõ Trâu, trang 59-63).

Lưng trần, chân đất, chợ người
Cát lầm bụi vẫn ta cười say xưa.
Thần tiên mấy biết cũng thừa
Cây khô thoắt đã đong đưa nhụy vàng.

Thầy Phước Tịnh bình rằng, “Bức tranh số 10 có tên Nhập triền thùy thủ, dịch nghĩa là Thõng tay vào chợ. Nếu chưa quen với cách diễn đạt của Thiền Tông, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên vì không thấy nét gì là thiền đạo trong bức tranh này cả. Ở đây vẽ hình một ông già bụng to, ăn mặc xốc xếch và một chú mục đồng với cây gậy quảy bầu rượu đằng trước, phía sau là một con cá chép, đang cùng nhau đi phố… ý nói tới đây hành giả đi vào phố thị, hàng quán rất thong dong, tức là đi vào cuộc đời mà không ngần ngại, cũng không còn bị ràng buộc, dính mắc hay bị dẫn dắt vào ham muốn, đam mê dục lạc (ngũ dục)… Hành giả khi tu tập đến giai đoạn thõng tay vào chợ thì cho dù cát bụi có bôi bẩn hình hài vẫn luôn nở nụ cười đầy nét hồn nhiên thánh thiện; phiền nhiễu thời gian có thế nào cũng không thể bén vào họ được.” (MT, trang 62-63)

Nếu đối chiếu mười tranh chăn trâu của Thiền Tông, với tranh chăn voi qua chín giai đoạn của Kim Cang Thừa, chúng ta thấy hành giả đều cần trải qua kinh nghiệm chứng ngộ tánh không. Trong pháp chăn voi, khởi đầu là tu định, hoặc theo dõi hơi thở, hoặc lắng nghe, và liên tục dùng cả chỉ và quán cho tới khi voi thuần thục, hết quậy phá, là để tâm an nghỉ tự nhiên trong chánh niệm, từ đây hướng về chứng ngộ tánh không (hành giả cầm thanh kiếm lửa, tượng trưng thấu suốt được tánh không). Trong pháp chăn trâu, chứng ngộ tánh không là tranh thứ 8 khi trâu người đều quên, tức là nhận ra tánh không, và tranh thứ 9 là về cội nguồn, lúc đó chỉ thấy cảnh (cây liễu, dòng sông) hiện lên nhưng không còn có ai (nơi đây nói, y hệt như mù và điếc). Tranh chăn trâu thứ 9 gợi nhớ tới bản Kinh Bahiya Sutta (3), khi Đức Phật dạy rằng hãy để cái được thấy nghe hay biết chỉ là cái được thấy nghe hay biết, tức là chỉ có cảnh trần hiện lên nhưng không hề có ai (ý như mù, điếc)…

Và tuyệt vời của tranh chăn trâu Thiền Tông là tranh số 10, khi hành giả thõng tay vào chợ. Đây là hạnh Bồ Tát, để tìm phương tiện hoằng pháp, như lời Đức Phật dạy là đi lùa bò qua sông, bò lớn có lối qua sông thì dĩ nhiên, nhưng ngay cả bò con còn bú, còn kêu mẹ vẫn được hành giả tìm lối cạn để lùa qua sông. Có vẻ như hình ảnh này cho thấy Đức Phật không bỏ chúng sinh nào hết, và hoàn toàn không có chuyện Thế Tôn vào Niết Bàn là biến hẳn đi luôn.

Sách “Mõ Trâu: Dẫn Nhập Vào 10 Bức Tranh Chăn Trâu” chưa ấn hành rộng, nhưng dự kiến sẽ đưa lưu hành trên mạng Amazon trong năm nay.

GHI CHÚ:

(1) Kinh SA 1249 - https://suttacentral.net/sa1249/vi/tue_sy-thang

 Kinh MN 33, bản Việt: https://suttacentral.net/mn33/vi/minh_chau

Kinh MN 33, bản Sujato: https://suttacentral.net/mn33/en/sujato  

Kinh MN 33, bản Horner: https://suttacentral.net/mn33/en/horner  

(2) Kinh MN 34: https://suttacentral.net/mn34/vi/minh_chau

(3) Bài Pháp Khẩn Cấp - Bahiya Sutta: https://thuvienhoasen.org/a14273/bai-phap-khan-cap-bahiya-sutta



Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập