Lời Giới Thiệu cho “Hiu Hắt Quê Hương Bến Cỏ Hồng” của Hòa Thượng Thích Phước An

Đã đọc: 1131           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Quyển bút ký Hiu hắt Quê hương Bến Cỏ Hồng nhắc nhiều đến Quách Tấn, Tuệ Sỹ, Võ Hồng, Nguyễn Đức Sơn, Hoài Khanh… Những tri kỷ của núi sông đã vận dụng mọi từ ngữ cao quý nhất của mình, để mô tả vẻ đẹp của quê hương Việt Nam, đời Việt Nam. Từ trang đầu đến cuối, quyển sách mở ra những con đường làng thơ mộng, những khó khăn hữu duyên đến rồi đi qua và trở thành thi vị, những kí ức đẹp nhất về mẹ, về thời gian sống giản đơn… mà đôi khi ngoái nhìn lại, có thể rơi nước mắt vì thương nhớ khôn cùng.

Có một câu chuyện kể về vị thiền sư vô danh ở Nhật ở thế kỷ thứ 16, văn bản xưa trong đền cổ ghi lại rằng dân chúng thời đó trong vùng Tokai, miền Trung Nhật Bản, ít người nào có thể hiểu được ngài. Mặc dù được kính trọng nhưng ông cũng bị nhiều người coi là một kẻ tu hành khùng điên.
Trong một lần đi ra sông lấy nước, người dân nhìn thấy ông đột nhiên dừng lại, cúi xuống và hốt từ thinh không lên cái gì đó, nhìn ngắm một cách tần ngần, rồi phất tay bỏ đi.
Vì tò mò, nhiều người cũng đã chạy đến và quan sát xem thiền sư đã tìm thấy điều gì nơi đó. Nhưng rồi mọi thứ chỉ là sỏi đá trơ trọi. Có người có đuổi theo thiền sư và hỏi rằng “ngài vừa nhặt gì đấy?”. Con người bị coi là điên khùng đó im lặng một lát rồi trả lời “thời gian”. Dân chúng ngơ ngác nhìn quanh, rồi lại hỏi “thời gian ở đâu, của ai?”. Vị thiền sư đáp nhanh rồi quay lưng bỏ đi “thời gian của ta và các ngươi, nhưng chỉ là những loại thời gian đáng vứt đi”.
Khi gấp lại những trang cuối của Quê hương hiu hắt bến cỏ hồng của tác giả Thích Phước An, bất giác tôi nghĩ đến hình ảnh ông như một con người cô đơn và lặng lẽ giữa thế gian này, dành trọn cả một đời để luôn nhìn ngắm lại bức tranh thời gian, nhặt nhạnh lại những điều đẹp nhất, tô điểm và nhẹ nhàng khắc cẩn gửi vào bảo tàng của ký ức cho người Việt về sau.
Đã từng có người hỏi rằng vì sao một tu sĩ lại nói về thơ văn nhiều đến vậy. Nhưng với tác giả Thích Phước An, ông ôm cái đẹp vào lòng và cầu nguyện cho nó.
Lặng lẽ như vị thiền sư bị coi là điên khùng ở nước Nhật xa xôi, cũng có một vị tu sĩ ở Việt Nam rảo bước qua cõi nhân sinh, luôn cúi nhặt trên đường đi của mình những mảnh vụn của thời gian. Chắp nối nhẫn nại và đầy yêu thương để dựng thành một tấm gương xưa, đủ để mọi người soi lại chính mình, soi lại cõi sống của mình, soi để biết rõ những loanh quanh kiếm tìm hữu hạn của chúng ta và cái đẹp vô hạn của trần thế.
 
Với Thầy Phước An, Pleiku, 2019 (Ảnh: Vũ)
 
Quyển bút ký Hiu hắt Quê hương  Bến Cỏ Hồng nhắc nhiều đến Quách Tấn, Tuệ Sỹ, Võ Hồng, Nguyễn Đức Sơn, Hoài Khanh… Những tri kỷ của núi sông đã vận dụng mọi từ ngữ cao quý nhất của mình, để mô tả vẻ đẹp của quê hương Việt Nam, đời Việt Nam. Từ trang đầu đến cuối, quyển sách mở ra những con đường làng thơ mộng, những khó khăn hữu duyên đến rồi đi qua và trở thành thi vị, những kí ức đẹp nhất về mẹ, về thời gian sống giản đơn… mà đôi khi ngoái nhìn lại, có thể rơi nước mắt vì thương nhớ khôn cùng.
Nhưng không chỉ vậy, trong tấm gương xưa mà tác giả Thích Phước An dựng lại, có đủ các chân dung của rất thường dễ bị quên lãng bởi thời gian, và cả thời thế. Các trích dẫn được ông đưa ra, chứa ngồn ngộn những biến động của lịch sử, thúc giục tầm nguyên. Chẳng hạn như đọc lại hai câu thơ của Tuệ Sỹ mà ngẩn ngơ:
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Năm tháng bỗng vụt hiện về, can qua lại mịt mờ trong tâm trí, nhưng từ đó, hiển lộ đức năng uy vũ bất năng khuất của một người học Phật, một chí sĩ luôn ngạo nghễ trước mọi nguy nan.
Với nhà thơ trác tuyệt Nguyễn Đức Sơn, tác giả mô tả tài tình một nhà thơ say cuồng trí tuệ, thách thức mọi sự tăm tối của đồng loại, nhưng ẩn trong ngôn từ và hành xử là sự khắc khoải bất tận trước cái tôi yếu đuối giữa vũ trụ này. Khắc khoải đến hiu quạnh.
Chúng ta giờ ước mong gì
Văn minh gửi cát bụi về mai sau
Đọc mà nghe như giữa cuộc chiến khốc liệt, bỗng vang vọng tiếng cười kiêu bạc. Mọi mưu mô thâm hiểm cho đến những khát vọng vĩ đại của thời đại, đều vô nghĩa.
Người Việt đã từng hay đến vậy. Trí tuệ Việt đã từng vời vợi như vậy. Chúng ta từng có tất cả đó thôi. Đọc sách, mà bật lên tiếng lòng xao xuyến. Từng lời kể giản đơn trong Quê hương hiu hắt bến cỏ hồng cứ thấm dần qua từng trang giấy. Sột soạt như đôi giày cỏ thầm lặng bước ở ven đường. Chậm rãi và an nhiên như một lữ khách đi qua địa cầu, tác giả ghi chép kỹ lưỡng những gì mình nhìn thấy, vì biết rõ chỉ còn lại một ít thời gian ở kiếp máu đỏ da vàng này như duyên nghiệp.
Những niên kỷ được trao lại, với sự da diết và tụng ca, là khoảng không giữa những nhịp tim mỗi người: còn không, chúng ta có còn những điều đẹp đẽ đó không, hay đã phai nhạt dần trong ký ức từng ngày? Đọc những dòng soi vào thời gian và trao lại từ bậc trí giả im lặng, thấy sấm động đâu đó trong trái tim mình.
À, hóa ra quê hương hiu hắt là như vậy, khi kho báu của người đi trước để lại bị quên lãng. Bên bến cỏ hồng, rất nhiều người đã bước ra đi, nhưng dường như ít người ngoảnh lại.
À, hóa ra quê hương hiu hắt là như vậy, khi chỉ là bến tiễn những đứa con ra đi, tiễn những điều đẹp nhất đi vào sương khói.
NGUYÊN KHÔNG - Nguyễn Tuấn Khanh

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập