Văn học và Phật học trên Quan Âm tạp chí (1941-1942)

Đã đọc: 2945           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Có thể nói, báo chí Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ dẫu còn là một ngành báo chí có vẻ xa lạ, nhưng lại rất gần gủi với nhân dân. Xa lạ vì quá trình phổ biến còn hạn chế, không gây tiếng vang lớn như giới báo chí bên ngoài. Thế nhưng lại rất gần gủi với tinh thần văn hóa dân tộc, với tâm linh người Việt và đặc biệt là định hình, nuôi dưỡng niềm tin sâu xa, cao quý trong lòng mỗi người dân Việt Nam - là một dân tộc vốn có truyền thống tín ngưỡng lâu đời.

Đứng trên phương diện lịch sử có thể thấy, giữa khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, báo chí Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng bên cạnh nhà trường qua vấn đề giáo dục quần chúng và truyền bá tư tưởng văn hóa, cùng các lãnh vực khác trong đời sống cộng đồng. Bên cạnh vai trò giáo dục, truyền bá và nhất là phương diện văn học, báo chí Việt Nam còn giữ một vai trò chính trị rất đặc thù, được xem như là gạch nối, là trung gian giữa nhà nước và dân chúng.

 

 

Từ sự ảnh hưởng chung đó, lúc bấy giờ, chúng ta đã tìm thấy những tư tưởng muốn “chấn hưng Phật giáo” thỉnh thoảng được đăng trên các báo chí quốc âm của dân tộc. Nội dung chủ yếu là đặt vấn đề cho các nhà tri thức về nhiệm vụ đóng góp, để chỉnh đốn và phát triển Phật giáo Việt Nam. Với tiền đề đó, các hội nghiên cứu, Tạp chí Phật học nối tiếp nhau ra đời, tạo thành một phong trào tuy không ồn náo sôi nổi nhưng mang đậm bề sâu tư tưởng về Phật giáo. Đồng thời còn góp phần không nhỏ cho phong trào “chấn hưng Phật giáo” nói riêng và sự phát triển đất nước nói chung về phương diện báo chí. Như Huỳnh Văn Tòng đã nêu rõ: “Đuốc Tuệ số 1 ra ngày 10.12.1935 của hội Phật giáo Bắc Kỳ của viên quan hưu hàm Tổng đốc Nguyễn Năng Quốc đứng ra xin phép, nằm trong khuôn khổ của phong trào chấn hưng Phật giáo và được hỗ trợ của chính quyền thực dân. Tờ này chuyên quảng bá những giáo lý Phật giáo. Ngoài ra còn có Đuốc Chân Lý (1935), Viên Âm (1933), Niết Bàn Tạp chí (1933)… Các tờ này chỉ đề cập đến giáo lý Phật giáo”[1]

Có thể nói, báo chí Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ dẫu còn là một ngành báo chí có vẻ xa lạ, nhưng lại rất gần gủi với nhân dân. Xa lạ vì quá trình phổ biến còn hạn chế, không gây tiếng vang lớn như giới báo chí bên ngoài. Thế nhưng lại rất gần gủi với tinh thần văn hóa dân tộc, với tâm linh người Việt và đặc biệt là định hình, nuôi dưỡng niềm tin sâu xa, cao quý trong lòng mỗi người dân Việt Nam - là một dân tộc vốn có truyền thống tín ngưỡng lâu đời. Trong đó, “Quan Âm Tạp chí” cũng là một trong những tờ báo đã khẳng định được vị thế của mình trên giới báo chí Phật giáo thời ấy.

I. Diện mạo của báo chí Phật giáo trước 1945:

Tìm hiểu diện mạo báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945 chính là tìm hiểu trên một phạm vi tương đối rộng lớn, bao gồm những thể loại như Phật học, văn học, văn hóa, giáo dục, kinh tế, chính trị… Trong phạm vi nghiên cứu, đề tài này chỉ tập trung khái quát tình hình xuất hiện của văn học và Phật học trên “Quan Âm Tạp chí (1941-1942), cũng như phân tích vài nét về sự ảnh hưởng của Phật học cùng các vấn đề thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết trên tờ báo ấy.  

Về diện mạo xuất hiện của các tờ báo Phật giáo trước năm 1945, chúng tôi tìm thấy được một số tờ tiêu biểu, như Từ Bi Âm (1932 - 1943), Viên Âm (1934 - 1944), Tiếng Chuông Sớm (1935-1936), Duy Tâm Phật Học (1935 - 1941), Đuốc Tuệ (1935 - 1941), Bát Nhã Âm (1936-1943), Bồ Đề Tạp chí (1936), Tam Bảo Tạp chí (1937 - 1938), Tiến Hóa Tạp chí (1938-1939), Phật Pháp Chỉ Niết Bàn (1941), Quan Âm Tạp chí (1941-1942)…

Phải nói rằng, sự xuất hiện của giới báo chí Phật giáo lúc bấy giờ đã góp phần có ý nghĩa trong công cuộc phát huy văn hóa dân tộc, đồng thời chu toàn tôn chỉ chân, thiện, mỹ của mình.

II- Tình hình và đặc điểm của Quan Âm Tạp chí (1941-1942):

Như đã nói, trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, báo chí Phật giáo lần lượt ra đời như trăm hoa đua nở. “Bồ đề Tạp chí” thì  mỗi tháng xuất bản được một số. Nội dung chủ yếu đề cập nhiều về mảng Phật học, thỉnh thoảng có đăng tải các tiêu đề diễn đàn, xã luận... “Tiến hóa Tạp chí”, mỗi tháng cũng xuất bản một số. Nội dung đa phần cũng thể hiện các tiêu đề xã luận, phê bình, nghiên cứu Phật học và triết học, bách khoa thưởng thức, tin thế giới, v.v... Riêng “Quan Âm Tạp chí” thì có phần mở rộng hơn, tức là có một nội dung rất phong phú và phổ thông về các lãnh lực Phật học, xã hội, văn hóa, văn học v.v… Tạp chí nầy ra đời ở Hà Nội, chỉ hiện hữu trong vòng hai năm 1941 - 1942. Mỗi tháng xuất bản hai số, do Lương Văn Tuân làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Ngoài ra, Quan Âm Tạp chí còn đăng tải những tin tức, quảng cáo liên quan đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của xã hội. Như giới thiệu các thực phẩm ăn uống một cách chi tiết và mang tính thực dụng cao: “Chè Thái Ninh hiệu Quan Âm là một thứ chè rất thông dụng cho hết thảy các giới sĩ, nông, công, thương dùng hàng ngày; tiếp khách rất nhã nhặn, vì sắc xanh, mùi thơm, ngon giọng, giá lại hạ hơn các thứ chè khác (0$07 một gói)”.[2]

Hoặc khéo léo mời độc giả mua đồ tiêu dùng, với lời quảng cáo đầy thuyết phục: “Sà phòng Hồng Bàng, dấu đầu lừa, chùa một cột, đi đến đâu ai cũng ca tụng những đặc điểm tốt của nó, không hao, không khét…”[3] .

Quan Âm Tạp chí lúc bấy giờ có lẽ rất được độc giả tín nhiệm, nên thu hút nhiều doanh nghiệp đến đăng tải quảng cáo sản phẩm. Tin quảng cáo với nhiều thể loại, phục vụ, đáp ứng đầy đủ những nhu yếu trong đời sống con người. Ngoài hàng tiêu dùng, còn đặc biệt quan tâm đến sức khỏe con người: “Ho! ho! ho! Nặng hay nhẹ, mới mắc hay mắc đã lâu. Kịp dùng thuốc Bổ Phế trừ lao số 95 (1$00) của nhà thuốc Đại An cực kỳ công hiệu. Tức ngực, khó thở và các bệnh ho hơn (dù ra máu, sắp hành lao) đều khỏi hết... đã nhiều người kinh nghiệm đều công nhận hay hơn các thứ thuốc khác...”[4]

Có thể nói, hình thức quảng cáo trên Quan Âm Tạp chí lúc bấy giờ dẫu còn giản đơn, mộc mạc, không có hình ảnh minh họa đặc sắc, nhưng quả là đã có một bước tiến bộ đáng kể. Nghĩa là ngoài việc đăng tải các bài Phật học, các sự kiện xã hội, văn hóa, văn chương; Tạp chí đã biết cải cách, đăng tải nhiều mảng tin cần thiết, đáp ứng các điều kiện sinh hoạt của người đọc.

III- Đặc điểm Phật học trên Quan Âm Tạp chí:

Trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, báo chí Phật giáo là một trong những phương tiện chính của công cuộc chấn hưng Phật giáo. Vì thế, các mảng Phật học luôn được quan tâm hàng đầu. Mục đích chính là diễn giải các vấn đề kinh điển, giới luật, pháp luận và những bài giảng mang tính chất phổ thông, gắn liền với đời sống hiện thực cũng như nêu lên những ưu tư, trăn trở và đường hướng kêu gọi phong trào chấn hưng Phật giáo. Quan Âm Tạp chí cũng là một nhân tố tiên phong trong phong trào Phật hóa cộng đồng một cách thiết thực, hữu ích.

Về kinh điển, vì muốn giúp giới thường dân dễ dàng thâm nhập Phật pháp, nên Quan Âm Tạp chí đa phần đăng tải những bài kinh đã được phiên dịch sang tiếng Việt, với lối văn dịch phổ thông, gần gũi, không trau chuốc:

“Chí kính chí thành

Hồi tâm hướng đạo

Chúng con cầu đạo

Nam mô Tam Bảo (3 lần)...

Chúng con muôn kiếp

Trước vì ngu tối

Nên phải luân hồi

Thân miệng ý lụy

Tâm hồn tiều tụy

Ngày nay tỉnh ngộ

Kính cầu Tam Bảo

Kính cầu Tam Giáo

Từ bi cứu độ

Con thành tâm sám...”[5]

Phần giới luật Phật giáo, Quan Âm Tạp chí lại luôn chú trọng đến vấn đề thống nhất nghi lễ trì tụng hằng ngày, để tạo nên diện mạo tốt đẹp, nội chất thâm sâu cho đạo Phật, mà cụ thể nhất là hình ảnh tăng chúng hiện tiền: “Bạch chư sơn các Ngài. Từ ngày Phật pháp ra đời, vặt mở mây mù, dẹp tan gió chướng, nào những chỗ mù mịt cũng sáng trưng, nào những kẻ hôn mê cũng tỉnh ngộ, cho đến thánh thần khâm phục, trời đất yên vì. Nhưng nói tắt lại, đệ tử Phật có hai hạng... nhưng xét kỷ lại trong hai phái này cũng chưa chắc thiệt hành cái nghĩa vụ chánh đáng và giáo lý cao sâu của Phật. Nói gần lại đây, trong nước ta ba kỳ là Nam, Trung, Bắc cũng đều sùng bái một đạo Phật cả, vì cớ sao? Ba nơi tăng già, về phần cử chỉ bề trong học hành kinh luật, và bề ngoài hình thức áo y, ăn bận tụng niệm đều khác hẳn nhau... Còn nói việc nghi lễ, làm về sự sinh tồn, thời công văn, sớ, điệp, tang, mõ, trống kèn, lại còn rắc rối quá ư? Thế mà các Ngài cũng cứ giữ đấy đặng thi hành mãi. Không nghe đến cái mõ sóng thế gian ngôn luận mà họ bài xích đạo Phật là đạo yếm thế, đạo hư ngụy, làm cái óc thanh niên không biết chỗ nào mà quy xu, hởi? Cầu xin các Ngài đem hết cái năng lực đổ kiến quang minh mà chống với trào lưu Phật pháp, làm cho đứng đắn theo câu tăng già; là đồng thể hòa hiệp Tăng, nghĩa là sự tu hành phải theo nhau tất cả...”[6]

Riêng với mảng luận giải Phật học, theo từng số, Quan Âm Tạp chí lần lượt nêu lên các bước Phật học từ cơ bản đến nâng cao. Nhưng tất cả đều quy về chung lối là giúp mọi người thể nhận chân lý một cách thâm hậu và đem giáo lý ấy ứng dụng thiết thực vào đời sống hằng ngày.

Với số 22, ra ngày 21 tháng 9 năm 1941, tác giả Trừng Mẫn đã nêu lên chân lý Phật pháp một cách ngắn gọn, dễ hiểu: “...Chân lý Phật pháp là gì? Ai học rộng tài cao, bàn hươu tán vượn nói gì tùy ý, theo sở học của tôi thì Phật pháp gồm có sáu điều: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí Tuệ, gọi là Lục Độ... “ (Tr. 3)

Tiếp tục luận giải Phật pháp, tác giả Hoan Ảnh Hải Hậu đã bàn về “Chữ Tâm trong Phật giáo và Nho giáo” với một lối văn bình dị, dễ tiếp thu: “Tâm có chia ra chân và vọng. Chân tâm là cái tính thiêng liêng sáng suốt trong lành, đầy đủ không sinh không diệt. Vọng tâm là cái tính dễ thiên hay sinh diệt, bị vô minh lôi kéo, làm mờ tối không định... Theo về pháp tướng thì chia ra ba phần là: thiện tâm, ác tâm, vô ký tâm... Vì muốn đưa từ chỗ mê về chỗ giác, Phật lại đặt ra mười pháp giới để tu tâm, tức là tứ thánh và lục phàm... Phật là vô thượng cứu đẳng chính giác, Phật tức là tâm, tâm tức là Phật... Dứt hết được mọi sự hư vô phiền não, đoạn trừ được tam độc tham, sân, si tức là nhận rõ được chân tâm vậy”.[7]

Để nêu cao giá trị thiết thực của việc ứng dụng Phật pháp vào đời, Tạp chí đã đăng tải nội dung “Tuyên dương Phật pháp”, với tinh thần vừa nâng cao giá trị giáo pháp, vừa nhắc nhở người tu sĩ phải nỗ lực tu học Phật pháp, đem chánh pháp làm lợi ích cho muôn dân: “…Đạo Phật ở nước ta trải mấy nghìn năm, đã bao đời lấy làm quốc giáo, mà các nước Âu, Mỹ đều cùng tham khảo, hầu khắp Đông Tây cũng phải chịu cái lý thuyết nhà Phật là chí tôn vô thượng... Phàm là người học Phật thì phải hiểu giáo lý nhà Phật để tu lấy mình rồi độ cho người. Ai cũng hiểu như thế thì mới có lợi ích... Phật tự mình giác ngộ, mà cốt yếu cứu khổ cho hết thảy mọi loài, nên phải thuyết ra pháp, pháp là chỉ đường vẽ lối cho mình biết bỏ dữ làm lành, bỏ tà theo chính, lý thuyết nhà Phật cốt dạy cho người ta ngu hóa khôn, tối hóa sáng, làm cho người ta khỏi sự phiền não mà hưởng yên vui. Đạo Phật không phải là mê tín dị đoan gì, mà trong nước mình hầu hết 80 phần trăm là tín đồ nhà Phật, như thế mà sao đạo Phật vẫn còn như bơ thờ, lạnh nhạc. Sự đó há không phải bởi tại trong tăng già không chịu đem giáo lý mà tuyên giảng diễn cho các tín đồ mình được hiểu ư?[8]

Ngoài ra, Quan Âm Tạp chí còn chú trọng đến lối sống của dân chúng, bằng cách đưa nhiều nguồn giáo lý, giảng giải rõ ràng, chi tiết về quy luật sống trên đời: “Làm lành gặp lành, làm dữ gặp dữ”, ấy là câu của người đời thường nói,... Kinh Nhơn quả nói rằng: “Dục tri quá khứ nhơn giả, kiến kỳ hiện tại quả, dục tri vị lai quả giả, kiến kỳ hiện tại nhơn” (Nghĩa là: Muốn biết cái nhơn đời trước, thì coi cái quả đời này, muốn biết cái quả đời sau, thì coi cái nhơn đời này). Kinh ấy lại nói nữa rằng: “Giả sử bá thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ”. (Nghĩa là dẫu cách trăm ngàn kiếp, cái nghiệp làm khi trước cũng không mất, đến lúc nhân duyên gặp gỡ, thì quả báo trở lại mình phải chịu lấy)... Chúng ta phải biết rằng: Cái kết quả khổ với lạc là do cái tạo nhơn thiện với ác, như hình với bóng, đeo đuổi lẫn nhau, hễ hình ngay thì bóng thẳng, hình vẹo thì thì bóng cong, lý vốn như thế rõ ràng...”[9]

Nhìn chung, với mảng Phật học, Quan Âm Tạp chí đã chuyển tải một cách phong phú về các tiêu đề kinh điển, giới luật cũng như các bài luận giải Phật pháp rất ý nghĩa, có giá trị thiết thực đối với con người. Những tác giả tiêu biểu về mục Phật học ở đây đều có sự xuất hiện của người xuất gia lẫn tại gia, không phân biệt. Nếu ai có kiến giải chính xác, thích hợp về Phật pháp thì vẫn có thể được đăng tải lên tờ báo nầy.

IV- Đặc điểm Văn học trên Quan Âm Tạp chí:

Văn học lúc bấy giờ xuất hiện trên Quan Âm Tạp chí cũng khá phong phú, bao gồm nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, tùy bút và chuyển tải nhiều nội dung cả về Phật pháp lẫn ý nghĩa sống.

1- Thơ: Có nhiều tác giả tham gia trên trang thơ của Quan Âm Tạp chí, với nhiều đề tài viết về giá trị của việc tu hành.

Tác giả Song châu với bài “Bút Ký”, diễn tả sự bền chí tu học, không dễ lay chuyển giữa cõi hồng trần:

“Sầu rồi tủi hết hôm lại sớm,

Nghĩ buồn cơn lại ngán cho thân

Đã mang cái kiếp hồng trần,

Mà nay phải chịu muôn phần khắt khe...

 

... Nương cửa Thánh trau dồi đức tính

Giải hồn mê cho tỉnh cho yên,

Chiêng thần lặng lặng kêu rền,

Khua tan niệm tục thêm bền lòng tu”[10].

Cùng ý nghĩa với những tác phẩm thơ mang đậm nét tu hành ấy, còn có nhiều tác giả tham gia viết bài, như Thu Tâm, với tác phẩm “Một Kiếp tu”:

“Đã mấy năm nay tới ở chùa

Việc đời quên hết sự ganh đua

Chiều chiều thong thả hồi chuông dục

Sớm sớm rộn ràng lúc mõ khua...

... Đã tu, tu hẳn cho tròn kiếp

Trần ải không màng lẫn gió mưa”.[11]

Ngoài ra, Tạp chí còn đăng tải những dòng thơ dù lời lẽ thế tục, nhưng mang ý nghĩa giáo dục trong cuộc sống, ca ngợi đời sống, tính cách của những người con gái miền quê chất phát, giản dị. Cụ thể có bài “Gái nhà nông” của Trang Huyền Tử:

“Quê thì mùa...

Đảm đang thay! Cô gái quê (thì) mùa,

Tấm thân mộc mạc vui cảnh cầy bừa cái chốn đồng hoang,

Cũng lắm phen sấm sét (nổi) rậy ràng,

Soi tia nắng lửa các cô nàng có ngại gì đâu,...”

Song song đó, còn có những dòng thơ yêu nước, kêu gọi thanh thiếu niên, nhân dân vì độc lập, tự do cho quê hương đất nước mà đứng lên chiến đấu, không nài gian khó. Tác giả Vương Linh với bài “Vì lý tưởng”:

“Vì lý tưởng chàng đi không trở lại

Thiếp năm chờ tháng đợi biết bao công...

Chàng hỡi, kẻ anh hùng đừng thối chí,

Dẫu trăm lần thất bại nản đừng nên

Thiếp nguyện xin già làm kẻ vô duyên,

Nhưng được thấy chàng trở nên nhà Đại sĩ”[12]

Huy Hoàng K.V thể hiện qua bài “Tiếng chuông cảnh tỉnh”:

“Thiếu niên bạn hỡi dậy chưa?

Hãy nghe chuông sớm, chuông vừa khua vang...

Thiếu niên bạn hỡi dậy đi,

Giậy đi, đem chí nam nhi giúp đời.

Đã mang tiếng, trai người chí khí

Phải ra công đừng phí thì giờ

Quốc dân đang đợi, đang chờ

Chờ đàn hậu tiến chúng ta đi đầu...

Hư danh cái bả trên đời,

Đừng ham bạn hỡi để người cười chê.

Bắt tay vào việc đi bạn hỡi

Còn đợi chi, đợi nữa chi mà

Tương lai hậu vận nước nhà

Trông mong vào cả bọn ta thiếu thời...[13]

Ngoài những dòng thơ niêm luật, thơ tự do của nhiều nhà thơ khác nhau, còn có tác giả Trần Văn Thanh viết dạng sớ, như bài “Sớ tấu vua bếp” để lên án những kẻ tham quan, ô lại:

“... Ôi! Những phường điên đảo gian ngoa

Giống Hồng Lạc, họ Hồng Bàng sao thế ấy.

Xin tâu rõ cảnh đời là thế đấy,

Trước bệ rồng ngài cứ vậy thẳng thừng cho

Đừng e bọn chúng oán thù”.[14]

Phải nói rằng, những trang thơ trên Quan Âm Tạp chí có nội dung rất đa dạng với nhiều thể loại, nhưng đa phần là xoay quanh các chủ đề tu tập theo giáo pháp và yêu quê hương đất nước. Điều đó cũng góp phần không nhỏ trong công cuộc đem đạo vào đời và ngầm nhen nhúm tinh thần bảo vệ, giữ gìn bờ cõi quê hương đất nước. Những trang thơ ấy còn cho ta thấy, thời bấy giờ cũng đã xuất hiện khá nhiều nhà thơ, với những dòng thơ lai láng, rung động lòng người, nội dung cũng rất thâm thúy.

2- Truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút: Mảng truyện ngắn, tùy bút trên Quan Âm Tạp chí tuy không nhiều, nhưng hầu như mỗi số đều có đăng tải vài tác phẩm, thậm chí ít nhất cũng có một tác phẩm. Còn tiểu thuyết thì không thấy xuất hiện. Những tác phẩm được viết dưới dạng truyện ngắn và tùy bút, thông thường được Tạp chí đề cập đến là không ngoài tinh thần phát huy đạo Phật, phụng sự tổ quốc. Tùy bút “Lạc đường” của T.V đã nêu bật ý nghĩa kêu gọi thanh thiếu niên hãy sống vì quê hương đất nước: “...Trong một bài pháp của Lã Phụng Tiên có nói: “Cái lỗi của mình như cái túi đeo sau lưng... ” khi nào có người quay cái túi ấy ra trước mặt mình mới biết rõ được. Thì đây, ngày 2 Octobre, 1941, nhân khi chủ lễ phát bằng cho các học sinh mới tốt nghiệp tại trường Đại học quan Toàn quyền DECOUX có nói: “…Trường này không phải chỉ để đào tạo các công chức. Đã bao lâu thanh niên Đông dương chỉ chú trọng vào việc làm ở các công sở, còn bao nhiêu việc khác mà xứ này có thể cung cho họ một cách vô hạn thì họ đều chểnh mảng hết...” Đó, chúng ta đã nghe rõ chưa? Chúng ta đã tỉnh giấc chưa? Chúng ta đã trông thấy rõ cái túi trước mặt chúng ta chưa? Chúng ta đã nhận thấy cách ỷ lại lười biếng của chúng ta chưa? Chúng ta đã nhận thấy quãng đường sai lạc chưa? Vậy, nay chúng ta cần phải đả đảo ngay cái “óc” làm ông tham, ông phán... mà kíp khuynh hướng về kỷ nghệ thương mại, canh nông... thì mới cứu vãn được cái xã hội Việt Nam đương ốm yếu này!”.[15]

Tinh thần này còn được thể hiện qua tùy bút “Đâu là một thanh niên” của Đinh Gia Long: “Tương lai của Tổ quốc là thanh niên, vì thanh niên là nền tảng của đất nước... tôi muốn chúng ta hãy tự đào lấy căn bản thực tài để chúng ta chiến đấu mà phụng sự cho tổ quốc. Trần Hưng Đạo phải có gan dạ thế nào mới có dọng can đảm nói với vua: Hãy chặt đầu thần rồi bệ hạ hãy hàng... Tôi muốn tổ quốc này có những thanh niên học rộng và hy sinh, không cần cơm no áo ấm, vợ đẹp, nhà sang. Hãy hy sinh để có một hoài bão to tát mà phụng sự cho đất nước, cho quần chúng...” [16]

Ngoài ra còn có nhiều tùy bút thể hiện rõ nét tinh thần vì quê hương đất nước như bài “Nhân Tài nước Nam của Trương Vĩnh Ký được đăng ở  Số 24, ra ngày 3 tháng 12 năm 1941 v.v…

Về phần truyện ngắn trên Quan Âm Tạp chí cũng khá nhiều và hầu như các tác phẩm đều mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về lối sống, về đạo làm người: “Chiều 28, cụ Đề Hựu vừa về nhà đã gắt om lên. Từ cụ cậu cả, các cô, đến con sen... đều sợ nem nép, không dám ho to thở mạnh. Cụ gắt vì cả nhà chậm chạp khôn biết mua bán, sửa sang nhất. Ấy là cụ bà đã mua cành đào, cậu cả đã sắm tá rượu mùi, từ hôm 25 ở tận Hà Nội mang về... Hôm sau, ngày tất niên, mới 5 giờ rưỡi sáng, cụ đã đánh thức cả nhà dậy cắt đặt công việc. Cậu cả phải thuê xe lên Nghi Tam mua một đôi thâm trà tán thật tròn với 2 cây đào nguyên góc để trồng vào bốn chiếc thống sứ bầy ngoài hiên... Cụ chỉ phàn nàn là năm nay Mẫu đơn và Điếu trung ở Đầu không sang được. Cụ lẩm bẩm: Thật là cái họa của chiến tranh”. Vấn đề hoa đã tạm yên, còn pháo. Mọi năm hai chục với hăm nhăm đồng đủ, chứ năm nay, sẻn cũng phải năm chục. Nghĩ đến món tiền sa sỉ quá to, cụ đã muốn hà tiện rút bớt nhưng sực nhớ đến vẻ mặt không bằng lòng của cụ Phủ hôm mồng ba tết năm nay, khi sang đáp lễ, cụ đốt bánh pháo mừng tuổi hơi ngắn, cụ lại tắc lưỡi tiêu bừa...”[17]

Truyện ngắn “Một kỷ niệm về tết” của Th.M cũng thể hiện rất thâm thúy vấn đề giáo dục con cái: “Cứ đến tết, làng tôi cả làng trai gái rủ nhau ra đình đánh bạc... Năm ấy tôi lên mười tuổi, cũng theo chị tôi ra đánh bạc ngoài đình. Tôi có hào bạc xu bòn được của các bà cô, ông chú mừng tuổi, đem theo cả ra. Thấy họ đánh được, tôi cũng theo đánh, tôi đánh được kể cũng nhiều... nhưng hồi đỏ đã qua, hồi đen kéo tới. Chẳng bao lâu mà hết sạch... Đến lúc chị em chúng tôi về, thầy tôi giận lắm, nhưng đầu năm thầy tôi không đánh, chỉ mắng qua loa... Từ rày nghe lời mẹ mà đừng cờ bạc nữa. Thầy con kiêng năm mới chứ không thì đã nhừ đòn rồi. Thầy con chúa ghét cái thói cờ bạc”. Tôi xấu hổ, nghe lời mẹ nói, tôi ngẫm thề không chơi nữa, cho đến ngày nay hơn mười năm trời cha mẹ tôi đã mất, mà chuyện xưa tôi vẫn không quên”.[18]

Quả thật, tìm xem truyện ngắn, tùy bút trên Quan Âm Tạp chí, ta thấy đa phần đều mang đến cho người đọc nhiều thú vị về lý tưởng sống, về đạo đức nhân nghĩa trong đời. Tạp chí đã rất khéo chọn lựa những tác phẩm có ý nghĩa để chuyển tải đến mọi tầng lớp nhân dân. Ai cũng có thể đọc hiểu một cách dễ dàng qua những lối văn bình dị, trong sáng nhưng mang đầy triết lý nhân sinh.

KẾT LUẬN:

Xét theo làng báo chí ta thấy, Quan Âm Tạp chí đã góp một phần lớn vào công cuộc chấn hưng Phật giáo hiện đại. Tờ báo vừa đặt nặng việc nghiên cứu giáo lý, vừa xây dựng chương trình Phật học phổ thông cho đại chúng, gồm các bài Phật học, dịch kinh và tìm hiểu đời sống tu tập. Cú pháp sử dụng có phần sáng sủa, mạch lạc, hoàn chỉnh hơn các Tạp chí thời bấy giờ. Bên cạnh đó, mảng văn học cũng chiếm phần không nhỏ trên trang báo. Với lối hành văn ngắn gọn, ý tưởng rất giản dị thể hiện qua từng bài thơ, truyện ngắn và tùy bút, nhưng đã chuyển tải đầy đủ ý nghĩa cuộc sống, nói lên những ưu tư của người con đất Việt trước hiện trạng đất nước, mang tính giáo dục thâm sâu về đạo làm người, về nhân cách tu tập cũng như tinh thần yêu nước.

Có thể nói, Quan Âm Tạp chí lúc bấy giờ đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu tìm hiểu, học hỏi giáo lý và nhu cầu văn hóa, văn nghệ cho mọi tầng lớp độc giả. Tờ báo đã nhận được sự cộng tác của nhiều vị xuất gia, cư sĩ và các văn nghệ sĩ. Cho nên, nếu nói Quan Âm Tạp chí đã thể hiện được đường lối Dân tộc và nhân bản của Phật giáo thì quả là xứng đáng trong làng báo chí lúc bấy giờ.

 

THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.       Bát Nhã Âm (1936-1943), Bà Rịa, Nguyệt san, Chủ nhiệm: Đỗ Phước Tâm.

2.       Từ Bi Âm (1932 - 1943), Sài Gòn, bán nguyệt san, Tổng biên tập: Lê Khánh Hòa.

3.       Viên Âm (1934 - 1944),  Huế, Tổng biên tập: Lê Đình Thám.

4.       Phật Pháp Chỉ Niết Bàn (1941), Sài Gòn, Tổng biên tập: Hồ Ngọc Sung.

5.       Quan Âm Tạp chí (1941-1942), Hà Nội, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút: Lương Văn Tuân.

6.       Bồ Đề Tạp chí (1936),  Sóc Trăng, Tổng biên tập: Lê Phước Chí.

7.       Tam Bảo Tạp chí (1937 - 1938), Nam Định, Nguyệt san, Tổng biên tập: Trần Văn Uyển.

8.       Tiến hóa Tạp chí (1938-1939), Hội Phật học Kiêm Tế - Rạch Giá, Chánh Hội trưởng: Đỗ Kiết Triệu.

9.       Nguyễn Đại Đồng (2008), Lược khảo Báo chí Phật giáo Việt Nam (1929 - 2008), Nxb. Tôn giáo, 244 tr.

10.    Trần Văn Giàu, Triết học và tư tưởng (1988), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 543 tr.

11.    Duy Tâm Phật Học, Trà Vinh (1935 - 1941), Tổng biên tập: Nguyễn Văn Au.

12.    Tiếng Chuông Sớm (1935-1936), Hà Nội, bán nguyệt san, Chủ nhiệm: Đỗ Văn Hỷ, Quản lý: Đinh Xuân Lạc.

13.    Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 (2000), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 530 tr.

14.    Đuốc Tuệ (1935 - 1941), Pagode Quán Sứ, Hà Nội, Tổng biên tập: Nguyễn Năng Quốc.

 

 

 


* ThS, NCS Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH và NV – ĐHQG TP.HCM

[1] Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 (2000), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 530 tr.

[2] Quan Âm Tạp chí - Số 22, ra ngày 21 tháng 9 năm 1941, Tr. 10. 

[3] Quan Âm Tạp chí - Số 24, ra ngày 19 tháng 11 năm 1941, Tr. 12

[4] Quan Âm Tạp chí - Số 26, ra ngày 1 tháng 1 năm 1942, Tr. 4.

 

[5] Kinh tụng hàng ngày của ai chỉ muốn tụng tiếng ta - Trừng Mẫn cư sĩ - Quan Âm Tạp chí - Số 30, ra ngày 1 tháng 5 năm 1942, Tr. 9.

[6] Phải chấn chỉnh Tăng già - Quan Âm Tạp chí - Số 23, ra ngày 20 tháng 10 năm 1941, Tr. 5.

 

[7] Quan Âm Tạp chí - Số 27, ra ngày 15 tháng 2 năm 1942 - Tr. 14

[8] số 28, ra ngày 1 tháng 3 năm 1942, Tr. 9

[9] Như bóng theo hình - T.B.A - Quan Âm Tạp chí - Số 31, ra tháng 8 năm 1942, Tr. 9 - 11

[10] Quan Âm Tạp chí - Số 22, ra ngày 21 tháng 9 năm 1941, Tr. 8

[11] Quan Âm Tạp chí - Số 24, ra ngày 19 tháng 11 năm 1941, Tr. 11

[12] Quan Âm Tạp chí - Số 26, ra ngày 15 tháng 1 năm 1942, Tr. 10

[13] Quan Âm Tạp chí - Số 27 ra ngày 15 tháng 2 năm 1942, Tr. 11

[14] Quan Âm Tạp chí - Số 27 ra ngày 15 tháng 2 năm 1942, Tr. 7

[15] Quan Âm Tạp chí - Số 23, ra ngày 3 tháng 11 năm 1941, Tr. 8

[16] Quan Âm Tạp chí - Số 24, ra ngày 19 tháng 11 năm 1941

[17] Cảnh tết -  truyện ngắn của Xuân Mai, Quan Âm Tạp chí - Số 27 ra ngày 15 tháng 2 năm 1942, Tr. 12

[18] Quan Âm Tạp chí - Số 27 ra ngày 15 tháng 2 năm 1942, Tr. 13

Nguồn: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập