Tìm hiểu ảnh hưởng thiền tịch Trung Hoa đối với thơ thiền Việt Nam thời Lý – Trần qua một số thi ảnh trong công án

Đã đọc: 4804           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trên thực tế, trước khi chịu ảnh hưởng Phật giáo Đại thừa Trung Hoa, các thiền sư Việt Nam hầu như không để lại một chứng cứ nào cho thấy khuynh hướng “sáng tác thơ thiền” vào thời sơ kỳ Phật giáo. Hình thức “kệ” hoặc giải thích giáo lý Phật học bằng văn vần vẫn chiếm ưu thế trong các bộ Kinh được truyền bá thời kỳ đó.

1. Công án và ngôn ngữ văn học Thiền Phật giáo:

a) Công án thiền tông: từ sinh hoạt tu tập đến việc tàng trữ các thi ngôn, thi ảnh của hệ thống ngữ lục

Thực hành công án là một hình thức sinh hoạt tôn giáo rất đặc thù của Thiền tông Phật giáo. Thiền, dù là đốn ngộ hay tiệm ngộ, thì cốt tủy của nó vẫn là Ngộ. Tu công án là một phương thức thực hành gắn liền với sự kiện chứng ngộ của các thiền sư.

Điều hiển nhiên là các tổ sư Thiền Trung Hoa trước khi tạo ra một nền công án độc đáo vô song thì họ cũng đã tìm thấy nhiều phương thức chứng ngộ, những phương cách mà Suzuki gọi là “trang bị tâm lý trước thời đại công án”. Thời sơ khởi của Phật giáo Trung Hoa, hình thức hỏi đáp, nói nghịch, im lặng, hành động khó hiểu … của các thiền sư đều ít nhiều liên quan đến hình thức công án sau này.

Từ yêu cầu chuẩn bị một nền tảng trí năng và trực giác để có thể đón bắt sự ngộ đạo bất kỳ lúc nào, các thiền sư Trung Hoa từ sau thời Huệ Năng (khoảng thế kỷ IX) đã “phát minh” ra hệ thống tu tập thông qua công án. “Công án nhằm phổ thông hóa Thiền, đồng thời trở thành phương tiện duy trì kinh nghiệm Thiền” (Suzuki-Trung 126). Công án có thể được hình dung như những phát ngôn và hành xử của thiền sư dành cho đệ tử tu tập, với chủ đích khơi mở tâm lý Thiền, cơ duyên Thiền và chuẩn bị trực tiếp cho con đường Ngộ đạo của các thiền sinh sơ cơ ấy. Mục tiêu đặc biệt của công án là chặn đứng dòng chảy suy nghĩ lý trí và làm chín muồi ý thức Thiền, tiếp cận trạng thái chứng ngộ càng gần càng tốt. Đó là “sự khẩn trương tinh thần” trong tình trạng “khổ cầu” mà Suzuki đã nói đến trong Thiền luận. 

Có lẽ khi thực hành tu tập công án, các thiền sư không hề dự kiến nó là nơi chứa đựng sự nảy mầm của thơ ca, văn chương… Lịch sử Thiền tông đã ghi nhận sự kiện thiền sư lỗi lạc Đại Huệ đốt Bích Nham Lục; bởi vì theo ông “sách không giúp gì cho việc thấu hiểu trung thực về thiền”. Cuốn sách thiền học tài hoa của Tuyết Đậu bị lưu lạc đến gần 100 năm sau mới được khôi phục, xuất hiện trở lại trong các thiền đường Trung Hoa do công của Trương Minh Viễn.

Ngữ lục Trung Hoa nằm trong hệ thống thiền tịch khổng lồ, trong đó không thể không kể đến hai kiệt tác Bích Nham Lục  Vô môn quan.

Bích Nham Lục được hoàn thành vào đời Tống. Tác giả của nó của Thiền sư Tuyết Đậu (980-1052), nổi danh lúc sinh thời cả về đường tu học lẫn tài năng văn chương. Toàn bộ 100 tắc công án do Tuyết Đậu bình tụng. Bích Nham Lục cũng được Dogen thiền sư của Nhật Bản mang về nước Nhật thời Karoku (1127).

Vô môn quan là một tập ngữ lục nổi tiếng thế giới gồm 48 tắc công án, được truyền tụng nhiều sau Bích Nham Lục. Tác giả Vô môn quan là thiền sư Huệ Khai đời Tống (1183-1260).

Lâm Tế ngữ lục, Đại Tuệ ngữ lục cũng là các tác phẩm thường được nhắc đến trong sinh hoạt tu tập thiền đạo Trung Hoa, có ảnh hưởng nhiều đến thiền Việt Nam thời Trần. Điều dễ nhận thấy ở các tập ngữ lục nói trên là tinh thần thi ca đậm nét qua hệ thống hình ảnh giàu chất thơ, qua cách nói gợi ý sâu xa, qua những ẩn dụ độc đáo và trữ tình không thua kém bất kỳ sản phẩm sáng tạo lớn nào khác của thế tục.

Hệ thống thi ảnh này, theo chúng tôi, trước hết xuất phát từ truyền thống văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là học thuyết Lão Trang, từ bản chất ngôn ngữ Trung Hoa và ý thức dụng công ngôn từ khi thể hiện cảm quan đạt ngộ của các thiền sư. Nếu đề cập ngôn ngữ Phật giáo nói chung, ngôn ngữ thiền học nói riêng, chúng ta biết rằng ngôn ngữ kinh điển Phật giáo thuộc vào loại ngôn ngữ tinh tế bậc nhất trong hệ thống triết học Phật giáo. Ứng với các thể loại văn học Phật giáo như Kinh, Ứng tụng, kệ tụng, Như thị ngữ, Bản sanh, Vị tằng hữu, Cảm hứng ngữ, phương quảng, giải thuyết…, loại ngôn ngữ thường được sử dụng là phủ định, trực chỉ, và ngôn ngữ hình ảnh, trong đó, ngôn ngữ ẩn dụ và thí dụ (thuộc ngôn ngữ hình ảnh) được xem là phổ biến và hiệu quả nhất. Nhìn chung, kiểu ngôn ngữ ẩn dụ, thí dụ đều nhằm hướng đến tính đa nghĩa có dụng ý của văn bản Phật giáo, đặc biệt nó sự xoáy sâu vào ý nghĩa tâm linh của các phát ngôn tôn giáo; ý nghĩa tâm linh ở đây được hiểu là tinh thần cứu độ và giải thoát.

Từ đặc điểm trên, ngôn ngữ được sử dụng trong các công án thiền học vừa bị chi phối bởi ngôn ngữ ẩn dụ Phật giáo, vừa là sản phẩm riêng của các thiền sư trên con đường giúp đỡ đệ tử chứng ngộ. Theo phân tích và thống kê của Suzuki, ngôn ngữ công án thường bao gồm các phương diện sau:

+ Nói nghịch

+ Nói vượt qua

+ Nói chối bỏ

+ Nói quyết

+ Nói nhại

+ Hét

+ Im lặng

+ Hồi lâu

+ Hỏi ngược lại

+ Lý luận vòng tròn

+ Phép chỉ thẳng

Các cách nói tưởng chừng khó hiểu và xa lạ với các phát ngôn thông thường của con người như vậy hóa ra lại rất gần gũi với ngôn từ nghệ thuật. Hệ thống thi ảnh trong công án Trung Hoa ra đời từ chính các phương thức diễn đạt kỳ lạ, độc đáo của các thiền sư. Hầu hết những lời hỏi đáp giữa người thầy và đệ tử đều gây ra một sự căng thẳng không ngừng nghỉ đối với người đọc. Trong đó, không hiếm những câu trả lời trở thành phát ngôn thi ca diễm lệ, sâu sắc, khiến nó cứ trở đi trở lại không cảm hứng của nhiều thế hệ thiền sư thi nhân của đời sau. Vậy nên, cũng có thể nói, thi ảnh trong công án là nguồn cảm hứng lớn lao cho sự sáng tạo thơ ca.

2. Cơ sở tiếp thu ảnh hưởng thiền tịch Trung Hoa (trường hợp Bích Nham Lục Vô môn quan) ở Việt Nam thế kỷ X-XIV

Phật giáo Việt Nam từ khởi thủy có màu sắc Ấn Độ giáo và Mật tông, không chú trọng sáng tác thơ ca, … Từ thực tế nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy chính nền triết học và tôn giáo Ấn Độ từ thời Veda đã xuất hiện rất nhiều phát ngôn thơ ca, tuy có chức năng nghi lễ, cúng tế nhưng vẫn chứa đựng một nội dung triết học rất sâu sắc. Cho đến thời kỳ Phật thuyết giáo, và thời các đại đệ tử của Phật ghi chép truyền bá lời của Người qua bộ Kinh cổ như Pháp cú Kinh, thì hiện tượng thi hóa, huyền ngôn vẫn còn tràn ngập. Tinh thần của “Kệ” – một thể loại có sức sống lâu bền trong sinh hoạt nhà chùa – đi theo gót chân truyền bá Phật giáo của các tu sĩ Ấn Độ đến Việt Nam. Trên thực tế, trước khi chịu ảnh hưởng Phật giáo Đại thừa Trung Hoa, các thiền sư Việt Nam hầu như không để lại một chứng cứ nào cho thấy khuynh hướng “sáng tác thơ thiền” vào thời sơ kỳ Phật giáo. Hình thức “kệ” hoặc giải thích giáo lý Phật học bằng văn vần vẫn chiếm ưu thế trong các bộ Kinh được truyền bá thời kỳ đó.

Hầu hết các nhà nghiên cứu Phật học đều thống nhất thời điểm ảnh hưởng thơ thiền Trung Hoa của người Việt là vào khoảng thế kỷ X, khi thiền sư Thảo Đường mang theo cuốn Bích Nham Lục của Tuyết Đậu thiền sư đến Việt Nam. Tác giả Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận nhấn mạnh: “Sự xuất hiện tại Việt Nam năm 1069 của thiền sư Thảo Đường, đệ tử của thiền sư Tuyết Đậu, đã khiến cho khuynh hướng thiền ngữ thi ca ảnh hưởng sâu đậm đến thiền học Việt Nam, đặc biệt là trong thiền phái Vô Ngôn Thông. Thảo Đường đã mang qua Việt Nam các tác phẩm của Tuyết Đậu vốn thấm nhuần tính chất thi ca…” [114; 165].

Như vậy, tính từ thời điểm Vô Ngôn Thông hình thành thiền phái của mình ở Đại Việt, ngữ lục Trung Hoa mà tiêu biểu là 100 tắc công án của Tuyết Đậu đã thực sự bắt đầu tỏa ảnh hưởng của nó vào đời sống sinh hoạt thiền môn của người Việt.

Thời nhà Trần, với sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, các thiền sư Đại Việt lại một lần nữa chịu ảnh hưởng của phái Lâm Tế – Trung Hoa qua hình thức bổng hát, tu công án và lưu trữ các ngữ lục.

3. Phân tích các thi ảnh nổi bật trong thơ thiền Lý Trần

a) Ảnh hưởng thi ảnh trong các công án liên quan đến Đức Phật

Thiền tịch Trung Hoa quan niệm sự kiện “Thế Tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu” (Thế Tôn giơ hoa lên, Ca Diếp mỉm cười) là công án đầu tiên của thiền về giác ngộ. Trần Thái Tông đã “lẩy” thi ảnh đẹp này thành bài tụng ca:

Thế Tôn tay nhón một cành hoa

Ca Diếp mừng nay thấy lại nhà

Nếu bảo phép truyền là có vậy

Đường Nam xe Bắc dặm còn xa[1]

Từ nụ cười của Ca Diếp, nhà thơ – hoàng đế Trần Thái Tông cảm nhận con đường “trở về nhà cũ” của hành giả - một trong những ẩn dụ uyên áo của Phật giáo về sự giải thoát. Cũng lấy cảm hứng từ hình ảnh Đức Phật trong thiền tịch Trung Hoa, Trần Thái Tông giải thích chi tiết công án: “chưa lọt lòng đã độ tất thảy chúng sinh” của Đức Phật như sau:

Chưa hình ấu tử đã rời quê

Đêm thẳm đưa người qua bến mê

Cao bước dạo chơi ngoài khoảng cách

Không cần thuyền bản với phao bè

Hình ảnh Đức Phật từ công án còn ẩn hiện trong nhiều bài thơ của Trần Nhân Tông, Tuệ Trung thượng sĩ đời Trần. Điều đáng nói là hình thức “lẩy” công án thành thơ không xuất hiện trong thơ thiền thời Lý. Sự kiện thi học này cho thấy ảnh hưởng thiền công án Trung Hoa đối với Đại Việt có lẽ phải đến thế kỷ XII-XIII mới trở nên sâu sắc, đậm nét.

b) Ảnh hưởng thi ảnh trong các công án liên quan đến các tổ Trung Hoa

Tích chuyện về các tổ thiền Trung Hoa (bao gồm cả các thiền sư đứng đầu các nhánh tu sau Huệ Năng như Mã Tổ, Bách Trượng, Qui Sơn Ngưỡng Sơn, Nam Tuyền, Lâm Tế, Triệu Châu, Huyền Sa… cũng trở thành nguồn thi liệu cho thơ thiền Việt Nam thời Lý Trần.

Câu chuyện cảm động và thi vị về sự kiện Đạt Ma an tâm cho Huệ Khả được Trần Thái Tông tụng như sau:

Tâm đã vô tâm, đạo hướng về

Thằng câm tỉnh mộng mắt tròn xoe

Tăng già đừng hỏi an tâm nữa

Kẻ chẳng biết mình thật đáng chê

Hàng loạt các tích công án khác như: Bách Trượng hỏi Nam Tuyền: “Thế nào là không thuyết pháp này cho ngươi?” – Nam Tuyền trả lời: “Không phải tâm, không phải Phật, không phải vật”; Con chó và Phật tính trong câu trả lời của Triệu Châu, “Phật pháp là ngọc sa di có chủ hay không có chủ?”; Nam Tuyền thử thiền cơ Đặng Ẩn Phong: “Cái bình nước này là cảnh – ngươi không được động đến cảnh”; câu hỏi của sư với thiền sư Mục Châu: “Một hơi thở có thể chuyển được thành một kho kinh Đại tạng được không?”… đều là những thi ảnh đẹp của công án thiền. Toàn bộ những thi ảnh này đều được Trần Thái Tông suy gẫm từ góc độ thiền sư – thi nhân rất đặc biệt. Ông bình câu nói của vị tăng hỏi sư Mục Châu: “Nghĩa huyền vời vợi như bừng sáng”; bình câu nói của Nam Tuyền “Tâm không phải Phật – trí không phải đạo” như sau: “Lẽ huyền vi uống cạn – Dưới trăng, đi trở về”… Thi ảnh trong các công án dưới hình thức niêm – tụng – kệ hoặc ẩn giấu tinh tế trong các bài thơ thiền chân mộc của các thiền sư – thi nhân Việt Nam đều cho thấy năng lượng vô tận của các bài học tâm linh và khuynh hướng sáng tạo dựa trên tư liệu thiền tịch.

c) Ảnh hưởng thi ảnh trong công án liên quan đến các điển tích điển cố Thiền học:

Một số thi ảnh đẹp đẽ khác liên quan đến các điển cố điển tích Thiền học như Chân diện mục – Bản lai diện mục, Thiếu Thất, Tuệ Khả được trao y bát, Thuyền Tử chèo thuyền, Mây trên trời biếc nước trong bình… còn có sức ảnh hưởng lớn lao và sâu sắc đối với các thiền sư Việt Nam hơn các hệ thi ảnh vừa nêu bên trên rất nhiều.

Riêng điển tích “bản lai diện mục” liên quan đến công án nổi tiếng kể về Lục Tổ Huệ Năng và thượng tọa Minh đã trở thành tiêu điểm sáng tạo của nhiều bài thơ Trung Quốc và Việt Nam.

“Gương mặt thực”, “gương mặt người mẹ” trong thơ thiền Lý Trần và Đường Tống luôn là những hình ảnh đầy sức ám gợi về một bản thể xa xưa và vĩnh cửu. Tính chất “người mẹ” ở đây được hiểu là tính chất tạo tác, nuôi dưỡng, và duy nhất. Gương mặt thực (chân diện mục hay bản lai diện mục) là một cụm từ liên quan rõ ràng đến yếu tố bản thể của Thiền Phật giáo.

Hình ảnh gương mặt người mẹ được xem như một kiểu tượng trưng (hay ẩn dụ) trong chính kinh điển Phật giáo. Hình ảnh đó được sử dụng trong thơ ca nên mang thêm một ý nghĩa ẩn dụ có tính nghệ thuật và có thuộc tính của một phép tu từ; nó nối kết giữa ý thức bản thể luận Phật giáo (xét về mặt triết học), ý thức giác ngộ (xét về mặt tôn giáo), ý thức vận dụng điển cố điển tích và là một (trong nhiều) định hướng sáng tạo đối với loại hình tác giả thiền sư-thi sĩ (xét về mặt văn học).

Nương sinh diện (gương mặt người mẹ) là cụm từ đồng nghĩa với bản lai diện mục, nhưng nó không chỉ có một nét nghĩa là cái có trước trời đất, làm mẹ được thiên hạ. Mẹ trong quan niệm của Phật giáo còn có nghĩa là cứu độ, là trí tuệ giải thoát  sản phẩm của Phật giáo Đại thừa

Những không gian tận cùng trong cảm quan thiền học của Tuệ Trung như tiếng vượn rừng sâu, vượt sang bờ bên kia, thú lành còn ẩn giữa non cao, diệu khúc gốc nguồn xin cứ hát, là những biến tấu say sưa của nhà thơ xuất phát từ một gương mặt huyền diệu hơn: Gương mặt người mẹ.

A thùy hội đắc nương sinh diện

Thủy tín nhân thiên tổng giả danh

Dịch thơ:

Khuôn trăng người mẹ ai hay biết

Trời nọ người kia thảy giả danh

Cảm hứng về gương mặt sâu thẳm này mang đến cho nhà thơ những cách diễn đạt về bản thể hết sức đặc biệt:

Tâm vương vô tướng diệc vô hình

Nhãn tự ly châu dã bất minh

Dục thức giá ban chân diện mục

 Ha ha nhật ngọ dã tam canh

Dịch thơ:

Không hình không tướng chúa tâm ta

Mắt dẫu ly châu đố nhận ra

Muốn biết đâu là khuôn mặt thực

Giữa trưa mà cứ ngỡ canh ba

Đồng điệu với Tuệ Trung, Trần Thánh Tông cũng có bài thơ nói về gương mặt mẹ như sau:

Đả ngõa tòan qui tam thập niên

Kỷ hồi hãn xuất vị tham thiền

Nhất triêu thức phá nương sinh diện

Tỵ khổng nguyên lai một bán niên

(Độc Đại tuệ ngữ lục hữu cảm)

Dịch thơ:

Đập ngói dùi rùa ba chục niên

Mồ hôi ướt đẫm bởi tham Thiền

Một mai nhìn thấy dung nhan mẹ

 Mới biết khuôn trăng khuyết một bên

(Cảm xúc khi đọc Đại tuệ ngữ lục)

Dung nhan mẹ - bản thể - thường được ví như vầng trăng vành vạnh. Hình ảnh khuyết một bên trong bài thơ này của Trần Thánh Tông là sự cách điệu hóa yếu tố thị kiến của người tu học. Thị kiến của vướng mắc và khuất tất, đó là cái nhìn của ngày hôm qua về dung nhan của bản thể so với ngày hôm nay của giải thoát vĩnh viễn. Trong một bài thơ khác, ông viết:

Nhân đắc bản lai chân diện mục

Cá trung khúc phá vô nhân hội

Duy hữu tùng phong họa thử âm

Dịch thơ:

Nhận được khuôn trăng như nó có

Khúc nhạc trong lòng không kẻ hiểu

Hòa âm họa có gió thông ngàn

[241; 407]

Ở đây, thấy được “khuôn trăng” là nghe được âm thanh của ngộ, cách nói này rất gần với quan niệm tri âm bản thể của Tuệ Trung thượng sĩ. Rất đáng lưu ý là chi tiết dùng hai câu thơ trả lời Tuệ Trung của Trần Thánh Tông khi nhà vua lâm bệnh nặng:

Viêm viêm thử khí hãn thông thân

Vị tằng cán ngã nương sinh khóa

Khí nóng nồng nực làm cho mồ hôi toát dầm mình

Nhưng chưa hề ướt được cái khố của người mẹ sinh ta

Điển cố thứ hai cũng được quan tâm nghiên cứu là “Mây trên trời biếc nước trong bình” (Vân tại thanh thiên thủy tại bình). Về điển cố này, Phạm Tú Châu đã viết hẳn một bài truy nguyên nguồn gốc công án Lý Cao hỏi Dược Sư về Đạo và ảnh hưởng công án này trong bài Cảm xúc khi đọc Phật sự đại minh lục của Trần Thánh Tông[2]. Bài thơ do Hải Thạch dịch như sau:

Bốn mươi năm lẻ một tâm thành

Cửa khổ muôn trùng vượt nhẹ tênh

Động tựa hang không, gào gió táp

Tĩnh như đầm lặng rọi trăng thanh

Năm huyền nghĩa lý gồm thâu được

Bốn ngả dọc ngang mặc sức mình

Ai kẻ hỏi ta sinh với diệt

Mây trên trời biếc nước trong bình.

Phạm Tú Châu ghi nhận câu thơ cuối cùng của Trần Thánh Tông viết “để biểu đạt ngộ cảnh của mình khi đọc đến câu gợi mở “Mây trên trời biếc, nước trong bình” của thiền sư Duy Nghiễm xưa kia”(trang 258). Điều rất đáng lưu tâm là sau khi phân tích, liên hệ với các nhà thơ – thiền sư Trung Hoa vịnh điển tích công án trên, tác giả đi đến nhận định quan trọng như sau: “Hẳn là ở đời Trần, một triều đại hầu như đồng thời với thời vãn Tống, các nhà sư và nhà thiền học nước ta cũng có nguyện vọng bày tỏ sự thấu hiểu về đạo của mình qua những bài thơ vịnh công án và có thể đã có cả những bài thơ bày tỏ sự bổ sung, điều chỉnh cách hiểu nào đó của người đi trước theo cách hiểu của mình” (trang 265).

Bên cạnh đó, thơ thiền Việt Nam còn ghi dấu nhiều điển tích tài hoa khác như: trâu trắng, Thuyền Tử chèo thuyền, cây bách trước sân… Tuy nhiên, các điển tích này cũng chỉ được nhắc qua trong các bài niêm tụng kệ hoặc một số bài thơ của Tuệ Trung chứ không phát triển thành một hệ thơ suy tưởng công án như hai điển tích lớn vừa phân tích.

Rất có thể chiến tranh binh lửa đã làm mất đi nhiều trước tác Phật học quan trọng thời Lý Trần, tạo cho người đời sau cảm tưởng về một dòng thơ ca Thiền tông Đại Việt khá “khiêm tốn”; Thể loại thơ ca, nội dung triết lý, và hệ thống thi ảnh hầu hết không mới so với thiền tịch Trung Hoa. Bên cạnh đó, (căn cứ vào số văn bản đang có của thơ thiền Lý Trần), chúng ta cũng thấy rõ các nhà thơ – thiền sư Việt Nam đã để trôi mất rất nhiều hệ công án trừu tượng hơn, nhiều tính mỹ học hơn của các thiền sư Trung Hoa như: Ngọn Đông Sơn trôi trên mặt nước, thân bày gió thu, tuyết đẹp mảnh mảnh, hài tử mới sinh, hươu trong hươu, một dép về Tây, một lời nói hết sông núi đất đai, hút một hơi hết nước Tây Giang, hoa sen ra khỏi nước, vật báu trong vũ trụ, muôn dặm không một tấc cỏ…

Nguyên nhân để “trôi mất” các thi ảnh độc đáo này có lẽ đòi hỏi nhiều nghiên cứu sâu rộng hơn về loại hình thơ thiền và kiểu tác giả thiền gia trung đại Việt Nam, về cội nguồn lịch sử và văn hóa dân tộc Việt. Dù sao đi nữa, theo chúng tôi, phải chăng cái ý thức “không luận đại sự” rất cá tính của thơ ca người Việt xưa (trong khi đẩy họ ra xa thế giới ngôn từ đẹp đẽ, đầy sức gợi từ suối nguồn công án của nước Trung Hoa) đã mang lại cho họ một công cụ sắc gọn hơn: đó là tinh thần sơ giản - tố phác và tinh thần kim cương - sáng suốt của tâm giác ngộ nhằm giúp họ vượt thoát ra mọi ảo ảnh ràng buộc của ngôn từ vọng động?

LÊ  TÂM

 


[1] Tất cả các bài thơ trích đều lấy từ nguồn Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển thượng, NXB KHXH, H, 1989.

[2] Theo Đi giữa đôi dòng, Phạm Tú Châu, NXB KHXH, H, 1999, tr. 253-266.

 

Nguồn: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập