Vài suy nghĩ về văn bản của Thiền Tông Bản Hạnh

Đã đọc: 3981           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thiền tông bản hạnh là cuốn sách Nôm được sưu tập và biên soạn vào thời Lê; nội dung các bài trong sách đều liên quan đến thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trong đó, có một bài hạnh viết theo thể thơ lục bát của thiền sư Chân Nguyên kể về sự tích của Thiền phái Trúc Lâm núi Yên Tử và một số trước tác của các vị sư tổ Thiền tông thời Trần. Đây là những tư liệu rất quý, còn lưu lại những chứng tích có giá trị về chữ Nôm, văn Nôm thời Trần và thời Lê.

Tình hình khảo cứu và giới thiệu Thiền tông bản hạnh

Năm 1966, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn lần đầu tiên giới thiệu Thiền tông bản hạnh trên số 15, tạp chí Phật học Vạn Hạnh Sài Gòn. Đây là bản khắc in năm 1745 tại chùa Liên Hoa, kinh đô Thăng Long do sư Giải Ngạn trụ trì chùa Hoàng Mai tặng cho giáo sư Hoàng Xuân Hãn năm 1943. Tiếp sau đó Hoàng Xuân Hãn đã phiên khảo toàn bộ Thiền tông bản hạnh, giới thiệu trên số 5, 6, 7 Tập san Khoa học xã hội Paris (Pháp) năm 1978, 1979, 1980, kèm theo phần chụp nguyên bản.

Khi đó, giới Hán Nôm trong nước hầu như mới chỉ biết đến tác phẩm này qua phần giới thiệu 4 bài phú trong Thiền tông bản hạnh từ bản khắc in năm Bảo Đại thứ 7 (1932) của Giáo sư Đào Duy Anh trong cuốn Chữ Nôm - Nguồn gốc cấu tạo diễn biến, Nxb. KHXH, H. 1975.

Đến năm 1988, trong cuốn Thơ văn Lý - Trần, tập II, quyển Thượng, Nxb. KHXH, do Nguyễn Huệ Chi chủ biên đã chỉnh lý, phiên âm lại 3 bài phú trong bản 1745 và bài Giáo tử phú của bản 1932. Phần phiên khảo và chữ Nôm chép lại đã được chỉnh sửa, tham khảo công trình của Hoàng Xuân Hãn và Đào Duy Anh.

Năm 1998, trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Nxb. Giáo dục đã in lại toàn bộ các công trình nghiên cứu và trước tác của Hoàng Xuân Hãn, trong đó có phần Thiền tông bản hạnh đã in ở Tập san Khoa học xã hội Paris số 5, 6 và 7 trước đây. Độc giả trong nước được biết đến bản Thiền tông bản hạnh 1745 nhiều hơn. Sau này trong các sách: Tinh tuyển văn học Việt Nam, tập 3, Nxb. KHXH, H. 1984 và Hợp tuyển Văn học Trung đại Việt Nam, tập 1, Nxb. Giáo dục, H. 2004; Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam (năm 2002) và Toàn tập Trần Nhân Tông (năm 2006), Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ chí Minh của Lê Mạnh Thát đều có chỉnh sửa, tham khảo, giới thiệu các bài phú, ca thời Trần trong Thiền tông bản hạnh. Điểm chung giữa các tổng tập, tinh tuyển, hợp tuyển này là phần nhiều dựa vào bản khắc in năm 1932, ít tham khảo bản 1745, nhất là khi gặp những từ cổ, chữ Nôm cổ. Ngoại trừ công trình của hai giáo sư Đào Duy Anh và Hoàng Xuân Hãn là có khảo cứu về văn bản, nhưng lại khảo cứu ở hai văn bản in cách nhau gần 200 năm, còn các công trình khác thì chỉ dừng ở mức giới thiệu sơ lược về tác gia tác phẩm.

Gần đây nhất, tháng 11 năm 2008, trong Hội thảo khoa học Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức cũng có một số bài đề cập đến nội dung tư tưởng, triết lý, giá trị tinh thần của hai bài Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông. Chúng ta đều biết, do nhiều nguyên nhân mà những tư liệu về chữ Nôm và văn, thơ Nôm trước thế kỷ XV còn lại rất ít. Những trước tác còn lại tuy thuộc thời Trần nhưng đều do người sau sao chép, sửa chữa lại, điều đó đã ít nhiều làm thay đổi nguyên tác. Bốn bài phú trong Thiền tông bản hạnh là những tác phẩm thời Trần may mắn còn sót lại truyền đến ngày nay cũng không tránh khỏi sự nhuận sắc, sửa chữa của người sau. Đây là vấn đề rất phức tạp không chỉ riêng với văn bản Thiền tông bản hạnh mà là tình trạng chung của các văn bản tác phẩm Nôm trước thế kỷ XV. Hơn nữa, các bản phiên khảo của các giáo sư Đào Duy Anh và Hoàng Xuân Hãn cũng được thực hiện cách đây trên dưới 3 thập kỷ, các bản phiên khảo gần đây lại nghiêng về sử dụng bản in năm 1932, nay nhìn lại còn thấy có những điểm cần được tiếp tục nghiên cứu. Nhất là trong điều kiện hiện nay đã có nhiều thành tựu nghiên cứu về ngữ âm học lịch sử, văn tự học, lịch sử phát triển chữ Nôm... có thể cho phép chúng ta nhận diện, lý giải, phiên khảo chữ Nôm, văn Nôm ở thời kỳ đầu một cách thoả đáng hơn và khoa học hơn.

Tình hình văn bản và tác giả

Hiện nay thấy còn lại có 2 văn bản Nôm sau:

Bản thứ nhất: là bản khắc in năm 1745, bản được Giáo sư Hoàng Xuân Hãn giới thiệu trong tạp chí Phật học Vạn Hạnh và tập san Khoa học xã hội tại Paris và trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn như đã trình bày trên. Vì không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp văn bản nên chúng tôi đọc văn bản qua bản in chụp kèm theo trong công trình của GS. Hoàng Xuân Hãn. Những thông tin từ bản Nôm in kèm theo này cho thấy đúng như khảo cứu của GS. Hoàng Xuân Hãn. Đây là bản được trùng san từ một bản có trước đó: "Thì Lê triều Cảnh Hưng lục niên tuế thứ Ất Sửu đông tiết cốc nhật. Kinh đô Thăng Long thành Liên Hoa tự sa môn tự Liễu Viên phó chúc đệ tử sa di ni hiệu Diệu Thuần trùng san". (Bây giờ là ngày tốt, mùa đông năm Ất Sửu, năm Cảnh Hưng thứ sáu. Sa môn chùa Liên Hoa tại kinh thành Thăng Long tự Liễu Viên, trao bảo đệ tử là sa di ni Diệu Thuần khắc lại). Tên sách được in ở phần lề sách là Thiền tông bản hạnh.

Văn bản khắc in năm 1745 (bản 1745) gồm 76 trang, mỗi trang có 8 hàng, mỗi hàng nhiều nhất là 17 chữ, chữ chân phương, rõ ràng. Bên trong bản Thiền tông bản hạnh gồm có: 1 bài kể hạnh và 3 bài phú. Ngoài ra, ở phần cuối sách Thiền tông bản hạnh còn phụ thêm bài kệ bằng chữ Hán là Ngộ đạo nhân duyên đẳng kệ. Các bài trong Thiền tông bản hạnh là:

1- Yên Tử sơn Trúc Lâm Trần triều Thiền tông bản hạnh (bài hạnh kể về sự tích dòng thiền phái Trúc Lâm triều Trần ở núi Yên Tử). Đây là một bài hạnh viết bằng thơ thể lục bát dài khoảng 760 vế (tính cả câu chữ Hán có gần 800 câu) kể về sự tích phái Thiền tông và sự tích tu hành của các vị sư tổ triều Trần .

2 - Cư trần lạc đạo phú. Nguyên bản đề Yên Tử sơn đệ nhất tổ Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự chủ Phật Cư trần lạc đạo phú

(Bài phú Cư trần lạc đạo của Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác hoàng Điều Ngự tổ thứ nhất phái Trúc Lâm núi Yên Tử). Bài phú Cư trần lạc đạo (Ở trần thế vui với đạo) dài 160 vế.

3 - Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca được in theo thứ tự tiếp theo của bài phú Cư trần lạc đạo, nghĩa là cùng tác giả với bài phú Cư trần lạc đạo. Bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca (Bài ca về được thú vui rừng suối mà thành đạo) viết theo thể tứ tự (mỗi vế 4 chữ) dài 84 vế.

4- Vịnh Hoa Yên tự phú. Nguyên bản đề Yên Tử sơn Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả Vịnh hoa Yên tự phú (Bài phú Vịnh Hoa Yên tự của thiền sư Huyền Quang, tổ thứ ba phái Trúc Lâm núi Yên Tử). Bài phú Vịnh Hoa Yên tự (vịnh chùa Hoa Yên) viết theo thể phú bát vận (tám tiết), 98 vế. Cuối cùng phụ thêm vào sách các bài Ngộ đạo nhân duyên đẳng kệ (những bài kệ về nhân duyên hiểu thấu đạo).

Bản thứ hai: ký hiệu AB.562 tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Văn bản gồm 42 tờ ( 84 trang), mỗi trang có 10 hàng, mỗi hàng có nhiều nhất 20 chữ Nôm. Theo như bài dẫn ở đầu bản AB.562 thì bản này được khắc theo một bản khắc in năm Gia Long thứ tư (1805): “Kiến tiền nhật, Gia Long tứ niên, Hoa Yên tự trụ trì tăng tự Tuệ Thân đồng sư đồ trùng san bản truyện. Chí kim tiêu một, bất tồn kỳ bản. Thiết niệm Trần gia quân thần mộ đạo, thành vi hy hữu tường tại bản truyện, kim lưu tâm tầm đắc kỳ bản, nguyện khắc lưu thông dĩ quảng kỳ truyền, thị vi đệ tam phiên trùng san” (Thấy trước đây vào năm Gia Long thứ tư (1805), vị sư trụ trì chùa Hoa Yên là Tuệ Thân cùng các sư đồ cho in lại bản truyện nhưng đến nay đã bị thất truyền, không còn ván khắc. Vua tôi nhà Trần mộ đạo thực là hiếm có đã được tường thuật ở bản truyện. Nay ta lưu tâm mà tìm được một bản, muốn đem khắc in để lưu truyền rộng rãi, đây là lần khắc in lại thứ ba). Cuối bài Tự dẫn có đề rõ: Vĩnh Nghiêm hậu học tỳ khưu tự Thanh Hanh trực bút đại dẫn.

Hoàng triều Bảo Đại thất niên tam nguyệt trung cán cát nhật.

(Kẻ hậu học là tỳ khưu tự Thanh Hanh viết thay lời dẫn.

Ngày lành trung tuần tháng 3 năm Hoàng triều Bảo Đại thứ 7 (1932)

Bản AB.562 (bản 1932) lề sách cũng đề Thiền tông bản hạnh, ngoài 4 bài Nôm như bản 1745 còn thêm một bài nhan đề Mạc Đĩnh Chi trạng nguyên, tử nhập minh ty thất nhật, kiến chư địa ngục, tái đắc hoàn sinh Giáo tử phú (Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi chết vào âm ty bẩy ngày, thấy các địa ngục, được sống lại làm bài Phú dậy con). Tên bài thứ nhất không đề giống bản 1745 là Yên Tử Sơn Trúc Lâm Trần triều Thiền tông bản hạnh mà đề Trần triều thiền tông chỉ nam truyền tâm quốc ngữ hạnh.

Phần phụ cuối sách không có bài Ngộ đạo nhân duyên đẳng kệ mà có các bài sau :

- Du Yên Tử sơn nhật trình (Nhật trình đi chơi núi Yên Tử) do Bạch Liên tiểu sĩ soạn theo thể thơ lục bát.

- Thiếu Thất phú cũng của Bạch Liên tiểu sĩ soạn.

- Thiền tịch phú. Nguyên bản đề Chân Nguyên tổ sư trụ trì Yên Tử sơn Lân Động tự trước tác (trước tác của sư tổ Chân Nguyên trụ trì chùa Lân Động núi Yên Tử).

Trang cuối cùng của bản AB.562 còn ghi rõ tên hai người cung tiến cho việc khắc in bản này là: Yên Tử Sơn Hoa Yên tự tự Thanh Minh cung tiến tôn sư (Chùa Hoa Yên núi Yên Tử tự là Thanh Minh cung tiến tôn sư) và Đệ tử tự Thanh Nhiên cung tiến (Đệ tử tự là Thanh Nhiên cung tiến).

Văn bản được khắc in năm 1932 tại chùa Vĩnh Nghiêm xã Đức La tổng Trí An phủ Lạng Giang tỉnh Bắc Giang (nay thuộc tỉnh Hà Bắc).

Dòng cuối cùng ghi: Quảng Yên tỉnh Yên Hưng huyện Yên Tử sơn Hoa Yên tự tàng bản kim san ký tại Bắc Giang tỉnh Lạng Giang phủ Trí An tổng Đức La xã Vĩnh Nghiêm tự dỉ hiểu hậu ấn (Tàng bản tại chùa Hoa Yên núi Yên Tử huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Yên; nay cho khắc in để tại chùa Vĩnh Nghiêm xã Đức La tổng Trí An phủ Lạng Giang tỉnh Bắc Giang để cho đời sau rõ việc in ấn này). Như vậy là bản 1932 được nhà sư Thanh Hanh tổ chức việc khắc in tại chùa Vĩnh Nghiêm xã Đức La tổng Trí An phủ Lạng Giang tỉnh Bắc Giang.

Ngoài bản sách có ký hiệu AB.562 Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm chúng tôi còn thấy một số bản nữa cũng được in ra từ bộ ván in bản 1932 ở chùa Vĩnh Nghiêm. Hiện nay bộ ván khắc in bản AB.562 vẫn còn được lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang.

Như vậy, các thông tin từ văn bản cho thấy bản Thiền tông bản hạnh in năm 1745 được in lại từ một bản có trước đó, bản này rất gần với bản của Hòa thượng Chân Nguyên nghĩa là chỉ có 4 bài văn Nôm như khi hòa thượng làm sách. Bản in năm 1932 theo như bài tựa, được khắc in theo bản in năm 1805 so với bản 1745 thì chữ Nôm, kết cấu và nội dung sách đã có sự thay đổi nhiều. Hiện nay ta chỉ còn lại 2 bản khắc in như đã nói trên. Trừ bài đầu tiên còn lại các bài khác ở cả hai bản đều ghi rõ tác giả.

Theo như đoạn đầu của bài kể hạnh, tác giả tự xưng danh và kể về mình:

Tuệ Đăng hòa thượng Chân Nguyên

Trụ trì Long Động tự thiền Dược Am

vốn xưa cổ tích danh lam

Trần triều khai sáng đỉnh nham tu thiền

Yên Tử cảnh tựa Tây Thiên

Phần hương chúc thánh khoẻ bền đế đô.

Việt Nam bốn bể cửu châu

Tôn sùng đạo Bụt chợ quê khắp miền.

Gió thông thổi lọt am hiên,

Tinh thần sảng nhớ lòng thiền chép ra.

Như vậy có thể thấy rõ tác giả của bài này chính là Hoà thượng Chân Nguyên, pháp danh là Tuệ Đăng. Theo sử sách và Hoà thượng Thích Thanh Từ(1) thì Thiền sư Chân Nguyên sinh năm Đinh Hợi 1647 và tịch năm 1726, đời pháp 36, dòng Lâm Tế. Sư cũng là người được truyền thừa y bát Trúc Lâm, trụ trì chùa Long Động (còn có tên là Lân Động) và chùa Quỳnh Lâm là hai ngôi chùa lớn trên núi Yên Tử. Thiền sư Chân Nguyên là người thời Lê, do vậy bài Yên Tử sơn Trúc Lâm Trần triều Thiền tông bản hạnh do Sư sáng tác là một tác phẩm thuộc thời Lê.

Ba bài tiếp theo như đã liệt kê trên đều ghi rõ:

Tác giả: Cư trần lạc đạo phúĐắc thú lâm tuyền thành đạo ca là của Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác hoàng Điều Ngự tổ thứ nhất phái Trúc Lâm Yên Tử tức vua Trần Nhân Tông; bài Vịnh Hoa Yên(2) tự phú là của thiền sư Huyền Quang, tổ thứ ba phái Trúc Lâm núi Yên Tử tức Lý Đạo Tái như trên đã trình bày. Ta đều biết Trần Nhân Tông ( 1258 - 1308), sơ tổ phái Trúc Lâm và thiền sư Huyền Quang (1254 - 1334), tổ thứ 3 phái Trúc Lâm đều là người thuộc thời Trần. Như vậy có thể thấy rõ thiền sư Chân Nguyên đã sưu tập trước tác của các sư tổ cho khắc in cùng với bài hạnh của mình để lưu truyền lại sự tích thiền phái và trước tác của các vị sư tổ cho đời sau. Còn bài Giáo tử phú thì đầu bài đề là của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, người thời Trần mạt. Mạc Đĩnh Chi có thực là tác giả bài phú này hay người sau dựa vào truyền thuyết để thác lời ông làm bài phú mục đích là khuyên con nên tu nhân tích đức, học đạo tu hành, hướng tới đạo Phật để tránh nghiệp báo ở nơi địa ngục thì hiện chưa thể có câu trả lời thoả đáng. Nhưng khi đọc bài phú qua bản Nôm được in ở bản 1932 mặc dù đã bị sửa chữa, nhuận sắc nhưng vẫn còn khá nhiều dấu vết của văn Nôm, từ cổ thường thấy xuất hiện trong các văn bản Nôm từ thế kỷ XIII đến thời Lê Sơ như Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Thiền tông Khoá hư ngữ lục, Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Quốc âm thi tập... ví dụ: Thương cái thương con; hôm mai lặn mọc; xóc xóc lòng lo; danh cao chưng thế; bắc nam mồ quạnh; Diêm Vương đôi hỏi; thương thay vỉ khóc; tan xương nát óc; đứa vỉ đứa kêu; chịu thương chịu bức; thuở ngồi chưng thế; phận sang phận khó; tiếng khóc ngập ngừng; Chẳng kẻo lỗi nào; cho kẻo luân hồi; chỉn khá là thương; lành thì tua cóc; cưu lòng độc ác; sá cóc tu thân; những kẻ ngoan hung; để lậy xuất gia; cho gấp chớ chầy... Bài Giáo tử phú theo chúng tôi là có niên đại khá sớm, nhiều khả năng vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Sau khi Sư Chân Nguyên viên tịch có một nhà sư nào đó đã "dọn"(3) lại bài phú đó và cho in cùng với các bài phú thời Trần, đây chính là bản mà thầy trò nhà sư Tuệ Thân dựa vào để khắc in bản 1805.

Quá trình truyền bản có thể thấy:

Lúc đầu Thiền tông bản hạnh vốn chỉ có bốn bài, trong bốn bài này thì bài đầu do Thiền sư Chân Nguyên sáng tác còn ba bài phú tiếp theo là do thiền sư sưu tập những trước tác của các vị sư tổ thứ nhất và thứ ba thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để làm thành một cuốn sách. Cuốn sách đầu tiên này phải được hoàn thành khi Thiền sư Chân Nguyên còn sống, tức là vào khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Như vậy, rất nhiều khả năng chính Thiền sư Chân Nguyên là người đầu tiên đã biên soạn lại hay nói như người xưa là "dọn" lại văn bản Nôm thời Trần và cho khắc in cùng với bài kể hạnh của mình lấy nhan đề sách là Thiền tông bản hạnh để lưu truyền lại. Sở dĩ nói là "dọn" lại hay biên soạn lại văn bản chữ Nôm thời Trần vì cả 2 văn bản hiện còn đều không phải là chữ Nôm thời Trần mà chỉ còn lưu lại dấu vết của văn Nôm và chữ Nôm thời Trần mà thôi. Bản in càng sớm thì dấu vết chữ Nôm thời Trần còn càng nhiều và ngược lại, bởi vậy mà chữ Nôm trong 2 bản khắc in đều mang những đặc điểm của chữ Nôm ở thời điểm khắc in văn bản.

Bản khắc in ở chùa Liên Hoa năm 1745 (nay là chùa Liên Phái, Hà Nội) là theo một bản ở chùa núi Yên Tử, bản này có thể là bản ban đầu hoặc bản gần nhất với bản của hoà thượng Chân Nguyên(4) do Thiền sư Như Trừng Lân Giác mang về chùa Liên Hoa. Điều này có thể khẳng định rằng Sư Chân Nguyên không thêm bài Giáo tử phú vào cuối sách Thiền tông bản hạnh trước khi sư viên tịch. Lần khắc in ở chùa Liên Hoa năm 1745 đã được phụ thêm vào bài kệ Ngộ đạo nhân duyên đẳng kệ của sa môn Liễu Viên, bởi vì trang cuối cùng của phần phụ, sau Ngộ đạo nhân duyên đẳng kệ có dòng ghi niên đại đã trích trên. Sư Liễu Viên đã phó chúc cho đệ tử là sa di ni Diệu Thuần khắc lại.

Theo thông tin từ bài tựa ở đầu bản 1932 thì vào năm Gia Long thứ 4 (1805), sư trụ trì chùa Hoa Yên là Tuệ Thân cùng sư đồ cho in lại bản truyện. Như vậy, bản khắc in năm 1805 được thực hiện tại chùa Hoa Yên, núi Yên Tử, được khắc dựa vào một bản có trước đó và lần khắc in này sách Thiền tông bản hạnh có thêm bài Giáo tử phú được coi là của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Vì Mạc Đĩnh Chi là người sống ở thời Trần mạt và bài phú Giáo tử phú cũng mang nội dung giáo dục về việc tu đạo Phật nên được xếp vào phần chính của sách Thiền tông bản hạnh. Ta biết rằng từ sau khi Hòa thượng Chân Nguyên viên tịch đến 1805 là quãng thời gian khoảng 80 năm, trong thời gian đó có thể đã có thêm những lần in, truyền bản khác chứ chưa chắc đã như lời khẳng định là " lần thứ ba" như ghi trong bài tựa bản in 1932. Như vậy, bài Giáo tử phú được một nhà sư nào đó trong lần khắc in trước 1805" dọn" lại chữ Nôm ghi bài phú thời Trần mạt rồi cho in vào phần chính của sách, đến năm 1805 Sư Tuệ Thân theo đó khắc in lại.

Hiện chưa tìm thấy bản 1805 nên ta chưa biết các bài phụ in sau sách Thiền tông bản hạnh (Du Yên Tử sơn nhật trình, Thiếu Thất phú, Thiền tự phú) là được thêm ở lần khắc in năm 1805 hay được thêm vào khi in bản 1932. Trong khi ở phần đề phụ ở cuối bản in 1932 còn có một bài đề Thiền tự phú và ghi rõ Chân Nguyên tổ sư trụ trì Yên Tử sơn Long Động tự trước tác (Trước tác của sư tổ Chân Nguyên trụ trì chùa Long Động) tại sao lại không đưa bài Thiền tự phú của sư Chân Nguyên vào phần chính của sách khi khắc in lại ? Điều đó cho thấy ở lần khắc in năm 1932 này, sách Thiền tông bản hạnh đã có sẵn bài Giáo tử phú từ trước rồi và bài Thiền tự phú của Sư Chân Nguyên được người sau sưu tập cho khắc in vào phần phụ của sách cùng với 2 bài Du Yên Tử sơn nhật trình Thiếu Thất phú của Bạch Liên tiểu sĩ. Người sau chắc muốn giữ đúng số bài như bản trước vốn có. Hai bài của Bạch Liên tiểu sĩ cũng có nội dung liên quan đến thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần nên được in phụ vào sách. Từ đó có thể thấy sách Thiền tông bản hạnh được hoàn thành vào cuối thế kỷ XVII hoặc đầu thế kỷ XVIII và Thiền tông bản hạnh lúc đầu chỉ có 4 bài như bản 1745.

Trong bản in năm 1745 chắc hẳn là số bài ở phần chính của sách được giữ nguyên như khi thiền sư Chân Nguyên cho khắc in lần đầu, nghĩa là chỉ có một bài hạnh và ba bài phú. Qua bản khắc in năm 1745 có thể thấy ván khắc đã bị khuyết mất một tấm và được thay bằng một tấm khác, giữa các hàng chữ không có dòng kẻ dọc và chữ ở trang này trông như chữ viết tay xệch xạc trên giấy dó. Phần thiếu ở tấm khuyết này là từ chữ thứ 4 của câu 462 bài kể hạnh lục bát: Ngẫm thấy phen này thái tử có duyên ... đến hết chữ thứ nhất của câu 501: Tâm hiện con mắt lỗ tai ... tức là thiếu một tờ gồm 2 trang. Rất có thể ván được khắc in năm 1745 nhưng do in đi in lại nhiều lần mà một tấm đã bị hỏng hoặc thất lạc nên khi in đến bản La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn dùng để giới thiệu thì tấm khuyết đã được thay bằng một tấm khác như đã nói trên(5). Hiện nay bản Thiền tông bản hạnh 1745 được coi là một tư liệu rất có giá trị để tìm hiểu về nhiều lĩnh vực như ngôn ngữ lịch sử, văn tự, văn học, đặc biệt là tìm hiểu về các vị sư tổ và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần.

Về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp lớn của các tác giả trong Thiền tông bản hạnh cho đời, cho đạo, cho dân tộc đã có nhiều công trình và bài viết đề cập tới nên ở đây chúng tôi xin không nhắc lại. Riêng trường hợp tác giả của bài Giáo tử phú hiện chưa đủ cứ liệu để xác định có phải là của Mạc Đĩnh Chi hay của người sau thác lời ông làm. Theo sử sách thì Mạc Đĩnh Chi tự Tiết Phu, sinh năm 1272, mất năm 1346, quê ở xã Lũng Động, huyện Chí Linh (nay thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) thuộc dòng dõi Mạc Hiển Tích, Trạng nguyên thời Lý. Ông thi đỗ Trạng nguyên khoa thi Thái học sinh năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304) đời vua Trần Anh Tông, từng giữ các chức quan như: Đại liêu ban, Tả bộc xạ. Là người học rộng, thông minh nhưng tính liêm khiết, thẳng thắn nên dù làm quan ông vẫn nghèo. Ông được cử đi sứ nhà Nguyên. Do ứng đối thông minh, tài giỏi ông đã làm tăng thêm quốc thể, quan lại Trung Hoa phải nể và vua nhà Nguyên khen ngợi, phong cho ông là "Lưỡng quốc Trạng nguyên".

Thơ, văn của ông có trong các sách(6):

Bản Quốc ký sự, Chí Linh phong cảnh, Danh phú hợp tuyển, Danh thần truyện ký, Hà Đông danh gia đối liên thi tập, Hàn các tùng đàm, Hoàng Việt văn tuyển, Kim văn hợp tuyển, Lê kỷ tục biên, Nam Thiên tiêu biểu, Nhật dụng thường hành, Phong tục sử, Quần hiền phú tập, Quế Đường thi tập, Thế thuyết tân ngữ bổ, Thiên Nam danh tích thi tập, Thế thứ kiến văn tùng ký, Thi phú văn tập, Thi văn tạp biên, Thi văn tế văn đối liên tạp vịnh, Thù thế danh thư, Toạ hoa trích diễm thượng tập, Toàn Việt thi lục, Tô giang chí thủy, Thưởng tâm nhã tập, Việt âm thi tập, ...

Bài Giáo tử phú được cho là của ông nằm trong bản Thiền tông bản hạnh khắc in năm 1932. Như phần trên chúng tôi đã trình bày : từ các cứ liệu chữ Nôm và từ ngữ trong bài có thể thấy bài phú nhiều khả năng được viết vào thời Trần mạt. Đọc văn trong bài phú thì thấy rất khó tin đây là văn của một bậc văn tài nổi tiếng khắp trời Nam đất Bắc. Một nhà nho nhập thế như Mạc Đĩnh Chi liệu có thể sau một cái chết lâm sàng đã có thể thay đổi cả triết lý sống mà khuyên con cháu hãy: "Cho gấp chớ chầy, tu hành làm Bụt". Bài phú đúng như lời nhận xét của Nguyễn Huệ Chi trong Thơ văn Lý - Trần, tập II, quyển thượng: "Với thể văn vần 4 chữ, đơn điệu và kéo dài, vần gieo không thật chỉnh và ý tứ thì mộc mạc, nhiều đoạn nhiều câu cứ lặp đi lặp lại một ý, bài văn có phần gần với một bài vè dân gian theo thể vãn tư hơn là một sáng tác của nền văn học viết mà tác giả là một trí thức nho học, từng nổi tiếng với bài Ngọc tỉnh liên phú với những điển cố Hán học được vận dụng uyển chuyển gửi gắm ý tứ sâu xa của mình" (tr.871). Người viết bài Giáo tử phú đã vì yêu mến Mạc Đĩnh Chi, và để cho thêm sức nặng trong việc "giáo tử" liền dựa vào những truyền thuyết xung quanh ông để thác lời ông với mục đích khuyên mọi người nhanh chóng tu hành làm Bụt để tránh nghiệp báo, không phải chịu mọi tội hình ở dưới địa ngục. Thác lời các Tiên, Bụt, Thánh và các vĩ nhân để giáng thơ, giáng lời răn khuyên người đời là hiện tượng xẩy ra khá phổ biến trong văn học của các tôn giáo thời trung đại. Dù sao thì Giáo tử phú cũng là một áng văn cổ cách chúng ta trên 6 thế kỷ, bản thân nó đã chứa đựng những giá trị lịch sử vô cùng quý giá với chúng ta ngày này rồi.

Chữ Nôm và tiếng Việt cổ qua các văn bản in năm 1745 và 1932

Đọc các bài phú đời Trần qua các bản phiên khảo từ bản 1932 đã có những ý kiến cho rằng: không thể là văn của thời Trần được vì hành văn và từ ngữ mới quá ! Hiện đại quá ! Chữ cũng dễ đọc nữa. Khi đọc bản Nôm khắc in năm 1745 thì thấy dấu vết của chữ Nôm và từ ngữ thời Trần trong văn bản đậm nét cổ hơn. Những ý kiến đó cũng có cơ sở, nếu là tác phẩm từ thời Trần thì chắc chắn trong mỗi tác phẩm sẽ còn lưu lại những dấu vết về văn tự và ngôn ngữ của thời Trần. Có thể nói những thành tựu nghiên cứu về ngôn ngữ và văn tự gần đây đã có thể cho ta câu trả lời tương đối thoả đáng.

Chữ Nôm trong bài quốc ngữ hạnh của Thiền sư Chân Nguyên là chữ Nôm thời Lê, bản 1745 được khắc in sau khi thiền sư tịch năm 1726, chỉ sau khoảng hai chục năm thì có thể tin là dạng chữ Nôm thời Lê còn lại khá trung thực.

Ba bài phú của Trần Nhân Tông và Sư Huyền Quang có thể là 3 bài phú thuộc thời Trần. Ta xét văn bản ở góc độ chữ Nôm và nhất là từ ngữ .

Chữ Nôm thời Trần (từ 1225 đến 1400) là chữ Nôm thời kỳ đầu của sự phát triển. Đến nay, từ những thành tựu nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ, văn tự trong và ngoài nước cùng những tư liệu quý về chữ Nôm sơ kỳ đã có thể có những khẳng định về diện mạo, đặc trưng, cấu trúc của chữ Nôm thời này.

Ta biết rằng chữ Nôm xuất hiện là do nhu cầu ghi tiếng Việt, mà tiếng Việt ở thời Trần cách chúng ta khoảng 750 năm, thực sự khác rất xa tiếng Việt hiện nay, thậm chí khác xa cả tiếng Việt ở thời điểm khắc in văn bản là năm 1745. Theo các công trình nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học trong và ngoài nước thì tiếng Việt thế kỷ XI - XII là tiếng Việt ở thời kỳ đầu, sau khi tách khỏi khối Việt Mường chung không lâu. Lúc này, tiếng Việt vừa có đủ 6 thanh điệu và chưa hoàn toàn mang cơ chế đơn tiết triệt để như bây giờ mà còn lưu lại một số yếu tố tiền âm tiết. Dấu vết của các yếu tố tiền âm tiết này còn lưu lại khá rõ trong chữ Nôm, thể hiện ở cách ghi dùng hai mã chữ tách rời để ghi một từ tiếng Việt. Ví dụ dùng 2 chữ:

个 笼 lung để ghi từ klông> trông

巴 低 ba đê để ghi từ ?để > để

阿 計 a kế để ghi từ ?gầy > gầy

trong đó thì笼 lung, đê, kế được dùng để ghi âm tiết chính và cá, ba, a được dùng để ghi yếu tố tiền âm tiết. Yếu tố tiền âm tiết chỉ có quan hệ với phần phụ âm đầu của âm tiết chính và khi đọc thì yếu tố tiền âm tiết này được đọc lướt nhẹ trước khi đọc rõ âm tiết chính. Về vấn đề này chúng tôi đã có dịp trình bày kỹ trong cuốn Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh(7) và trong bài Về hiện tượng "cá nháy" và các "ký hiệu phụ" trong chữ Nôm(8). Trong đó, các chữ Hán được dùng để ghi thành tố thứ nhất của các tổ hợp phụ âm đầu và các yếu tố tiền âm tiết trong chữ Nôm thời kỳ đầu được thống kê gồm: 阿 a; 巴,波 ba; 婆 bà; 把 bả; 个 cá; 古 cổ; 工 công; 宫 cung; 車 cư; 巨cự; 多 đa; 可 khả; 羅 la; 麻 ma; 坡 pha; 破 phá; 司 tư... và chức năng của chúng được dùng để ghi:

- Thành tố thứ nhất của các tổ hợp phụ âm đầu như: kr, phl, khl, kl, bl, tl, ml ...

- Các âm tiền thanh hầu hóa như /?b/ , /?d/ , /?j/ , /?g/ và các âm phản chiếu mũi hóa của chúng là: ?m > m; ?n > n; ?nh > nh; ?ng > ng.

Cho đến nay có thể nói văn bản Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (Phật thuyết) là nguồn tư liệu còn lưu giữ nhiều nhất, một cách hệ thống nhất về chữ Nôm và tiếng Việt ở thời kỳ đầu. Chúng tôi đã bằng nhiều cứ liệu chứng minh rằng văn bản hiện còn được Trịnh Quán khắc in lại khoảng năm 1730 từ một bản được khắc in từ thời Lê sơ và bản giải âm Nôm gốc nhiều khả năng được giải âm từ thời Trần, gần với thời điểm sáng tác của 3 bài phú của Trần Nhân Tông và Sư Huyền Quang mà Sư Chân Nguyên đã sưu tập trong cuốn Thiền tông bản hạnh. Bản giải âm Phật Thuyết cũng gần với thời điểm của Nam dược quốc ngữ phú và bản giải âm Khóa hư lục của thiền sư Tuệ Tĩnh và cuốn từ điển song ngữ Hán - Việt Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa và phần nào trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi thời Lê Sơ... là những văn bản cung cấp những cứ liệu giá trị nhất về chữ Nôm và tiếng Việt thời kỳ đầu. Qua khảo sát, so sánh với Phật thuyết, có thể thấy chữ Nôm trong các bài phú của Trần Nhân Tông và Sư Huyền Quang không còn bảo tồn được những dạng chữ Nôm cổ như Phật thuyết. Chữ Nôm và từ ngữ trong văn bản đã có sự sửa chữa, "dọn" qua các lần truyền bản giống như hầu hết các tác phẩm Nôm thời Trần và Lê Sơ còn lại đến nay. Người "dọn" văn bản để cho khắc in lại các bài phú trong Thiền tông bản hạnh có thể nói chính là thiền sư Chân Nguyên. Thiền sư đã "dọn" chữ Nôm thời Trần thành loại chữ Nôm có tự dạng như chữ Nôm thời Lê để người thời Lê, thời thiền sư Chân Nguyên sống có thể đọc, hiểu được các bài phú thời Trần. Điều đó khiến cho chữ Nôm trong bản 1745 có đặc điểm nhiều chữ đơn vì những lý do:

1. Những từ được ghi bằng hai mã chữ tách rời trong chữ Nôm thời Trần đã bị lược bỏ hoàn toàn thành tố thứ nhất, chỉ còn lại mã thứ 2 ghi âm tiết chính cho phù hợp với âm đọc đương thời.

2. Sử dụng nhiều từ Hán Việt.

3.Chưa sử dụng nhiều thành tố biểu ý (bộ thủ và chữ Hán biểu ý)

4. Chưa sử dụng nhiều dấu nháy và ký hiệu phụ.

Do những đặc điểm đó mà chữ Nôm trong các văn bản thời Trần sau khi sửa chữa, "dọn" cho gọn lại thường khó đọc vì những chữ được "dọn" cho gọn lại thường là những chữ ghi từ thuần Việt, liên quan đến ngữ âm lịch sử. Sau khi "dọn" cho gọn lại, chữ Nôm lúc này lại chưa được bổ sung thêm nhiều thành tố biểu ý để chỉ báo cách đọc và nghĩa chữ. Tuy vậy, những dấu vết của chữ Nôm thời Trần vẫn còn lại khá nhiều trong văn bản, nhất là ở bản 1745. Những dấu vết chữ Nôm thời Trần đó thể hiện ở cách ghi chữ Nôm và từ cổ. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong bản phiên khảo (Sđd) cũng đã đánh dấu bằng ký hiệu riêng và sau mỗi đoạn lại chỉ ra những chữ Nôm đáng chú ý. Chúng tôi cũng đã tìm hiểu những chữ khác nhau giữa bản 1745 và bản 1932 và thống kê những chữ Nôm còn lưu lại khá rõ dấu vết của chữ Nôm thời Trần và từ cổ trong bản 1745, nhiều từ chỉ thấy xuất hiện phổ biến trong các văn bản từ thời Lê Sơ về trước. Ví dụ:

Trong bản 1745 dùng 把bả ghi trả; dùng 工công,cung ghi trong; dùng 烈 liệt ghi mệt,... từ cổ như 盎áng (cha); 罵 mựa (chớ, đừng); 沃 óc (gọi, gọi là), 瓊 quạnh (quạnh quẽ); 舍 (hãy , hãy nên); 須 tua (nên); ...

Theo chúng tôi, nếu để công bố giới thiệu tác phẩm thời Trần thì trong hai bản 1745 và 1932 chỉ nên dựa chính vào bản 1745. Bản 1932 mới được khắc in lại gần đây đã bị sửa chữa quá nhiều. Hầu hết những chữ được gọi là dị văn so với bản 1745 thì đều là những chữ đơn hoặc từ cổ đã bị người sau thêm bộ phận chỉ ý hoặc sửa từ cổ thành một từ hiện đại rất gần gũi và dễ hiểu. Ở đây xin lấy một số ví dụ sự thay đổi từ chữ Nôm đời Lê đến bản 1932 qua bài hạnh lục bát của Sư Chân Nguyên chứ chưa nói đến chữ Nôm thời Trần:

Sửa chữ Nôm:

Bản 1745 Bản 1932

Tinh thần sảng nhớ lòng thiền chép ra 囉 歯

Ai ai học đạo xem hoà biết hay処 呍

Nguồn cơn tao đến chưng đây 典 彣

Một cây nở được năm chi 蔑 沒

Khai hoa kết quả đến thì chứng nên 年 戼

Thuở xưa hội cả Kỳ Viên初 汖

Cho ta ngộ đạo say dàm kinh lâu婁 憻

Sửa từ và chữ Nôm cổ, ví dụ:

Thỉnh kinh Lăng Già quyển nhị hoà trông (câu 74) Chữ Nôm ở bản 1745 viết 和 籠 (hòa lung) đọc hoà trông (nghĩa là: mà trông), dùng lung ghi trông là dấu vết của tổ hợp phụ âm kl còn lại ở việc lưu lại thành tố thứ 2, thể hiện ở việc dùng lung > trông. Đến bản 1932 viết đổi thành 遌 (hỏa + nùng) đọc hòa nung.

Lòng lo bát ngát hầu ngồi lại đi(câu 183). Từ cổ bát ngát 扒 歹 (nghĩa là tả trạng thái bâng khuâng, lo buồn, thương nhớ dai dẳng) thì bản 1932 chữa thành 扒吏 bắt lại.

Vua thấy thầy thốt tịn lòng (câu 225). Từ cổ tịn 羡 (lòng) (nghĩa là: tận nơi; tận đáy lòng) thì bản 1932 chữa thành 鎼峼 đọc mở lòng.

Thiết nghĩ ngay bản 1745 so với bản gốc thời Trần cũng đã bị sửa chữa cho người thời Lê có thể đọc được. Nhìn chung, tính chất cổ của chữ Nôm thời Trần và thời Lê vẫn còn được lưu giữ nhiều nhưng đến lần khắc in năm 1932 thì văn bản đã được hiện đại hóa đến mức nhiều người cho đây không phải là tác phẩm thời Trần. Vì vậy, nay trong 2 bản hiện còn chỉ nên chọn bản 1745 để phiên khảo giới thiệu cho người đọc. Còn bản 1932 chỉ nên tham khảo, xem đó là một bản phiên âm, một cách đọc được in lại bằng chữ Nôm đầu thế kỷ XX mà thôi. Trong phần khảo dị, chúng tôi chỉ đưa vào một số trường hợp để thấy rõ hơn tính chất cổ của bản 1745 so với bản 1932.

Có thể nói Thiền tông bản hạnh có một vị trí đặc biệt trong lịch sử phát triển văn tự và văn học Nôm. Trong điều kiện tư liệu Nôm thời Lý - Trần mất mát phần lớn thì các bài phú thời Trần được sưu tập này đã cùng với các văn bản khác như Phật thuyết, Thiền tông khóa hư ngữ lục, Nam dược quốc ngữ phú, Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa... và các văn bia có chữ Nôm thời Trần đã giúp chúng ta có cơ sở nghiên cứu, đánh giá tìm hiểu diện mạo, đặc trưng, cấu trúc của văn tự Nôm thời kỳ đầu. Đồng thời các tác phẩm thời Trần - Lê còn lại trong Thiền tông bản hạnh cũng giúp chúng ta thấy được sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần, những tư tưởng, tinh thần và triết lý thâm hậu của Phật giáo Việt Nam trong tiến trình phát triển chung của dân tộc.

Chú thích:

(1) Trong Thiền sư Việt Nam, Thành Hội Phật giáo Việt Nam, 1992.

(2) Hoa Yên: tên chùa Hoa Yên ở đây là do người sau ghi vào khi in lại bài phú. Nguyên tên chùa là Vân Yên, (nghĩa là chùa ở chốn mây mù). Sách Tam tổ thực lục cũng ghi tên chùa là Vân Yên. Đến thời Lê, vua Hồng Đức đến thăm chùa thấy sân có hoa nở bèn đổi tên chùa là Hoa Yên cho hợp cảnh.

(3) "Dọn": là chữ trong bài tựa cuốn Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa: "Bèn dọn quyển chỉ nam này..." "Dọn" ở đây có nghĩa là cắt bỏ đi những yếu tố rườm rà không còn chức năng văn tự nữa. Ví dụ thời Trần dùng 2 chữ 个 và 籠 lung riêng biệt để ghi trông thì đến cuối thời Lê, người ta cắt bỏ đi 个, chỉ còn lại chữ 籠 lung ghi trông. Chính trong bài Yên Tử sơn Trần triều Thiền tông bản hạnh Sư Chân Nguyên cũng nói rõ trong câu 765-766:

“Dược Am gió mát bóng cây

Dọn Thiền tông lại để nay san truyền”.

(4) Theo Hoàng Xuân Hãn (Sđd, tr.1087) và Thiền sư Việt Nam (của Hòa thượng Thích Thanh Từ, Sđd, tr.414) thì Chùa Liên Hoa là do Lân Giác Thượng sĩ (1696-1733) lập ra. Sư họ Trịnh tên Thập (anh em ruột của chúa Trịnh Cương), tuy ở lầu son gác tía nhưng lòng luôn mơ về cõi Phật, nhân đào được một ngó sen lớn trong vườn nhà mà cho đó là điềm xuất gia bèn đổi nhà ra chùa đặt tên là chùa Liên Hoa (sau đệ tử tôn Sư làm sư tổ chùa, gọi dòng là Liên Tông, đổi tên chùa là Liên Tông). Sau khi dâng sớ xin xuất gia, được đồng ý ông đi thẳng đến chùa Long Động ở Yên Tử gặp Hòa thượng Chính Giác Chân Nguyên lúc đó đã 80 tuổi. Sư được Chính Giác Chân Nguyên truyền tâm pháp rồi lại trở về chùa Liên Tông.

(5) Xin xem trang 1259, tập III, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn.

(6) Theo Trịnh Khắc Mạnh: Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2007.

(7) Nxb. KHXH, H. 1999.

(8) Trong cuốn Nghiên cứu chữ Nôm - Kỷ yếu Hội nghị Hội nghị quốc tế về chữ Nôm năm 2004, Nxb, KHXH, H. 2006./.

Hoàng Thị Ngọ

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.739-758

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập