Chuyện nàng Điểm Bích trong "Tổ Gia Thực Lục" - Một trứng tu hú trong tổ chim sâu

Đã đọc: 4227           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Nghiên cứu về Thiền sư Huyền Quang (1254 – 1334) Tổ thứ 3 Thiền phái Trúc Lâm, hiện nay chúng ta chỉ có sách Bản Hạnh Ngữ Lục (BHNL), được biên tập lại trong sách Tam tổ Thực Lục (TTTL) với tiêu đề ấy nhưng chỉ có duy nhất phần Tổ Gia Thực Lục (TGTL), vài ghi chú trong một số văn bia và 25 bài thơ được cho là trích từ các tập thơ đã mất cùng một bài phú vịnh Chùa Hoa Yên.

Việc thiếu tài liệu về một con người tài hoa và nhiều bí ẩn như vậy khiến cho việc nghiên cứu về nhân thân của ông hết sức khó khăn. Nhất là tác phẩm hiện còn lại gây ra nhiều suy nghĩ tiêu cực về cuộc đời của ông, trong đó chủ yếu là sách Tổ Gia Thực Lục. Có lẽ chính vì ảnh hưởng của nội dung sách này nên từ trước đến nay đa số người dịch bài Xuân Nhật Tức Sự của ông đều cho rằng ông bị ảnh hưởng chuyện trần tục, từ đó cung cấp cho người đọc những khái niệm sai lệch về một con người tài hoa một thời. Ngày nay hậu thế thường nghiên cứu các sự kiện lịch sử hay văn thơ xưa chủ yếu qua các bản dịch. Hoặc do trình độ chữ Hán giới hạn, hoặc lười biếng nên tin vào bản dịch, từ đó tư duy, bình luận chủ yếu dựa vào bản dịch cùng với chú thích của tác giả. Tôi cũng không ngoại lệ, nhưng nhiều lần đọc thơ ông bổng dưng thấy cảm cái cô đơn trong thơ ông từ đó một câu hỏi “Điều gì đã xảy ra với ông?” luôn xuất hiện trong tôi mỗi khi nhắc đến tên ông, rồi một hôm đọc bản Tổ gia thực lục bằng chữ Hán, tôi chợt nhận ra rằng có nhiều điều cần phải bàn về tác phẩm này, từ văn phong, cách dùng từ, mốc thời gian. Tôi nghĩ rằng có thể từ những phát hiện này ta có thể có cách nhìn khác hơn về tác phẩm này chăng. Trong phạm vi bài viết này tôi xin trình bày những gì mà tôi cho rằng tác phẩm này “có vấn đề” hay nói khác hơn là về tính chân thực của tác phẩm “Tổ Gia Thực lục” .

Về xuất xứ :

Theo phần chú ở cuối sách thì sách TGTL nguyên trước được Thượng Thư Hoàng Phúc mang về Trung Quốc vào đời Tuyên Đức nhà Minh (1426 – 1435) trong đợt càn quét sách vở nước Đại Việt mang về Kim Lăng. Từ khi mang sách này về Trung Quốc, Hoàng Phúc thường nằm mộng thấy Huyền Quang bảo phải gởi sách về Đại Việt, nhưng chưa có dịp thực hiện, trước sự linh ứng ấy, ông cho làm một ngôi chùa lấy tên là “ An Nam Thiền Sư Huyền Quang Tự” Đến năm Gia Tĩnh  triều Minh, Tô Xuyên Hầu (Lê Quang Bí đậu Hoàng Giáp năm 1526, làm quan đến chức Binh Bộ Thị lang) nhà hậu Lê đi sứ  gặp cháu bốn đời của Hoàng Phúc là Hoàng Thừa đưa cho mang về. Khi về nước ông lại đưa sách này cho Nguyễn Bỉnh Khiêm, từ ấy sách này được lưu truyền tại nước Việt. (60a, 60b)

Về tác giả

Sách TGTL không ghi do ai soạn. Hoà Thượng Thích Thanh Từ  thì cho rằng một người trong gia tộc viết lại(2), có lẽ căn cứ vào tên sách. Tuy nhiên nội hàm ngữ nghĩa của từ Tổ Gia Thực Lục chứa đựng một nghĩa rộng hơn “Ghi chép về Gia thế của Tổ”, nếu ta đọc kỷ nội dung và cách trình bày sách TGTL thì ta sẽ khó có thể nghĩ rằng một người trong gia tộc của ông lại viết như thế được, bố cục và nội dung của bản Tổ Gia Thực Lục này cho thấy rỏ điều đó.

Về nội dung


Nếu so sánh tiểu sử  của  Điều Ngự và Pháp Loa trong Tam Tổ Thực Lục thì những gì được ghi lại về Huyền Quang trong TGTL quá ít ỏi, chủ yếu nói về chuyện Điểm Bích, không những ít mà còn có nhiều chổ mâu thuẩn và bất cập. Tuy nhiên như thế vẫn còn may mắn, vì ít ra còn có một chút gì đó để những người nghiên cứu có thể căn cứ vào đó để đi vào quá khứ và từ đó có thể hiểu được đôi chút về cuộc đời của Thiền sư Huyền Quang.  

Phương pháp sáng tác

Phần đầu và phần kết thì viết theo lối tiểu sử của các cao tăng, nhưng đoạn giữa chủ yếu là viết về chuyện nàng Điểm Bích theo lối tiểu thuyết chương hồi như Tam quốc diển nghĩa của Trung quốc. Điều này ta không tìm thấy trong bất cứ  tiểu sử nào của thiền sư Việt nam.

 

Đi vào tác phẩm

 

 Toàn bộ tác phẩm gồm :

 

I -  TRANG BÌA VỚI TIÊU ĐỀ “BẢN HẠNH NGỮ LỤC”.

II – NỘI DUNG SÁCH TGTL : Từ  trang 49a tới 60b –là 12 tờ, mỗi tờ 2 trang thành 24 trang chia làm 3 phần như sau :   

A - Từ tờ 49a nửa tờ 51b nói về giòng họ, truyền thuyết về sự ra đời của ông (như hầu hết các của các vị cao tăng) thời niên thiếu và chuyện trước khi đi tu, nguyên nhân đi tu. (4, 5 trang).

B - Từ nửa trang 51b tới nửa trang 59b nói về chuyện Điểm Bích, (17 trang).

C - Từ nửa trang 59b tới nửa trang 60a nói về thời gian cuối đời của ông. (1 trang).

D - Từ nửa trang 60a tới trang 60b nói về nguồn gốc lưu hành sách TGTL 2 do người đời sau chú thích.

I -  TRANG BÌA VỚI TIÊU ĐỀ “BẢN HẠNH NGỮ LỤC”.

Trước sách TGTL ta thấy có tờ bìa ghi Bản Hạnh Ngữ Lục, như vậy chứng tỏ rằng có một cuốn sách tên là Bản Hạnh Ngữ Lục, TGTL chỉ là một phần trong sách ấy mà thôi, có nghĩa rằng trong sách Bản Hạnh Ngữ Lục còn có những phần khác ghi lại những giáo huấn của thiền sư Huyền Quang, có thể bao gồm các tác phẩm thơ văn, những đối đáp của ông với đệ tử, kinh sách mà ông đã trước tác như nghĩa của từ “ngữ lục” mang lại, mà muốn ghi lại những lời dạy cũng như các tác phẩm thơ văn của ông thì nhất định phải là đệ tử xuất gia thân cận với ông. Tuy nhiên hiện nay chỉ còn lại phần TGTL với nội dung gây nên nửa tin nửa ngờ, còn những phần khác có thể bị hủy hay nhập vào một tác phẩm nào đó ở phương bắc. Như thế tôi cho rằng trong số sách vở của Đại Việt được mang về phương bắc có cuốn Bản Hạnh Ngữ Lục trong đó có phần TGTL với nội dụng đầy đủ, ở đây tôi tạm gọi là TGTL1, dựa vào cuốn TGTL1 này, họ xào nấu lại, đưa câu chuyện Điểm Bích vào, gởi về nước Việt, từ đó ta có cuốn TGTL đang lưu hành hiện nay, tạm gọi là TGTL2. Như thế việc gởi sách TGTL2 về nước Việt là có dụng ý, từ nhận định này ta thấy cần phải xem xét lại tính chân thật của tác phẩm này.

II – NỘI DUNG SÁCH TGTL :

II/A - Nói về dòng họ quê quán, sự nghiệp của ông .Từ tờ 49a nửa tờ 51b  (4, 5 trang).

Nói một cách vắn tắc về quê quán, dòng họ, chức vụ, công trạng từ thỉ tổ cho đến cha mẹ của ông, truyền thuyết về sự ra đời của ông với tư chất thông minh từ thời niên thiếu có thể sánh với Á Thánh Nhan Hồi nên đặt tên là Tải Đạo, rồi đến năm 20 tuổi thi Hương, năm sau thi Hội (đại khoa), đổ khôi thủ .

 

Qua đoạn mở đầu này, người đọc dễ có nhận thức rằng người viết phần TGTL2 này chắc chắn là đệ tử thân tín của ông. Bởi vì chỉ với những người ấy mới có thể nắm chắc được tên họ, chức vụ, công trạng của cha mẹ, ông nội, ông cố, ông sơ của ông như vậy cho dù có sửa đổi chút ít. Cá nhân tôi lâu nay cũng tin như vậy. Tuy nhiên đây chính là nhược điểm của người đọc, bởi vì mỗi khi tin như vậy rồi  thì những phần khác cũng không thắc mắc gì nữa, đây là một thủ thuật mà nhiều kẻ lừa đảo vẫn thường sử dụng. Trước hết chúng tạo niềm tin, làm cho đối phương mất cảnh giác, rồi sau mới ra tay, chính vì vậy việc để nguyên đoạn đầu này là để thực hiện ý đồ như đã nói. Tuy nhiên ngay trong đoạn mở đầu này kẻ dấu mặt kia do chủ quan và có thể không phải sửa vào thời Trần và trên đất Đại Việt nên cũng đã để lại nhiều sai lầm như sau :

1 - Theo Lịch sử thì ông tên là Đạo Tái(Tải) chứ không phải là Tải Đạo như TGTL2 đã ghi. Điều này chứng tỏ rằng người viết lại đoạn này suy nghĩ trật tự từ ngữ theo lối Trung quốc nên mới viết “ Đạo tải” thành “ Tải Đạo”.

2 - Năm 21 tuổi ông mới thi Hương, chứ không phải là năm hai mươi(niên nhị thập) như TGTL2 viết, vì theo lịch sử thì năm Ất Hợi 1275 mới có Đại khoa tức thi Hội (3), ông sinh năm 1254 như vậy năm đó ông đã 22, trước kỳ thi Hội một năm là thi Hương, như vậy ông thi Hương vào năm 21 tuổi. Lý do cho việc sai lầm này là vì kẻ viết lại phần TGTL2 này chủ quan, vì chữ “nhất” trong chữ Hán chỉ là một gạch ngang, quá đơn giản nên dễ bị rơi rụng, hơn nữa kẻ ấy có lẽ nghĩ rằng 20 hay 21 thì có hề gì, đâu ngờ rằng ở Đại Việt suốt một thời gian dài nhà Trần mới có thi Hội, chứ đâu phải mỗi năm mỗi thi; đồng thời mỗi kỳ thi đều được ghi lại trong lịch sử. Với những gì đã nêu, rỏ ràng tác phẩm này (cụ thể là phần II/B) không thể do đệ tử thân tín hay người trong gia tộc viết được.

3 - Năm 1247 nhà Trần đặt ra danh hiệu Tam khôi để chỉ ba người suất sắc nhất trong số thí sinh thi đổ, theo thứ bậc cao, thấp là: Trạng nguyên, Bảng nhãnThám hoa (4). Vậy ông đổ khôi thủ, có nghĩa là ông đổ trạng nguyên, ngoài tài liệu TGTL2 này ta còn có nhiều chứng cứ cho thấy rằng ông đổ Trạng nguyên năm đó (1275), nhưng theo lịch sử, khoa thi năm đó Trạng nguyên là Đào Tiêu, Bảng nhãn khuyết danh và thám hoa là Quách nhẫn (5). Tại sao có điều này?. Rỏ ràng có bàn tay lông lá nào đó đã sửa đoạn này, bởi vì nhà Trần mở khoa thi là để tìm kiếm người tài để phục vụ triều đình, vậy tại sao trạng nguyên Đào Tiêu hầu như không để lại một danh tiếng gì. Trong khi đó Lý Đạo Tái thì làm đến quan Hàn Lâm,(có lẽ tương đương bộ Ngoại giao bây giờ)  tiếp sứ phương Bắc, văn thư qua lại, ngôn ngữ văn chương vượt cả lân bang, ấy vậy mà không có tên trong khoa thi này. Như thế chí ít thì chổ khuyết danh đó là Lý Đạo Tái. Tuy nhiên, với những gì đã nêu cùng nhiều chứng cứ về việc Lý Đạo Tái đã đổ Trạng Nguyên khoa thi năm Ất Hợi 1275 ta có thể nghĩ rằng : chổ khuyết danh đó chính là vị trí của Đào Tiêu. Nhưng tại sao lại có chuyện chuyển đổi  và xóa bỏ này? Ai đã làm điều đó? Làm như thế với mục đích gì? Đó là những câu hỏi cần phải tìm hiểu.

4 - Có một điểm cần phải lưu ý là : Ở đoạn này đại từ để chỉ cho Ts Huyền Quang là “TỔ”. Tổng cộng 5 lần.

II/B - Về chuyện Điểm Bích. Từ nửa trang 51b tới nửa trang 59b  (17 trang).

1 –Toàn bộ phần viết về Huyền Quang là 22,5 trang, mà riêng phần nói về Điểm Bích chiếm 17 trang, như thế ta thấy phần này đã chiếm hết ¾  cuốn TGTL2 này. Vậy ta có thể nói rằng mục đích của cuốn TGTL2 này là viết về chuyện Điểm Bích. Chính vì vậy, từ đây văn phong hoàn toàn khác với đoạn trước, cách dùng từ cũng khác, có những lầm lẫn mà từ đó ta có thể thấy rằng kẻ nhào nặn ra cái nội dung hổn hợp này chắc chắn không phải là người Việt, và không viết trên đất Việt, cho dù có mặt của một bài thơ Nôm.

2 - Trước tiên ta thấy đoạn này người viết theo lối tiểu thuyết chương hồi như kiểu Tam Quốc chí như: “khước thuyết Tổ thiếu thời(51a), khước thuyết sư khai sáng(53a ), khước thuyết sư chí Vân Yên(53b), khước thuyết Thị Bích đắc kim tử bái hồi gia(57b)- Lại nói về lúc trẻ của Tổ, lại nói về khi sư khai sáng, lại nói về sư  đến chùa Vân Yên, lại nói về khi Thị Bích được vàng rồi từ biệt về nhà”. So sánh truyện Tam Quốc diễn nghĩa “Khước thuyết Tào Tháo hồi quân, khước thuyết Trần Đăng hiến kế vu Huyền Đức viết, khước thuyết đế tại Lạc Dương v.v..- Lại nói về Tào Tháo lui binh, lại nói Trần Đăng hiến kế Huyền Đức nói, lại nói về vua tại Lạc Dương v.v.”. Rỏ ràng toàn bộ đoạn này được sáng tác rồi ghép vào cuốn TGTL2.

3-  Do đây là một đoạn được sáng tác ra để đưa câu chuyện Điểm Bích vào với ý đồ nhập nhằng chuyện phụ nữ nên ngay đoạn đầu người viết đã chọn đoạn nói về chuyện nghị hôn của tổ lúc còn trẻ ở nhà để bắt đầu cho câu chuyện, “khước thuyết tổ thiếu thời ……Sinh vương chi tôn”(51a)

 

4 - Chính vì vậy kể từ sau đoạn dẩn này người viết dùng đại từ “sư” (26 lần) thay vì “tổ” như đoạn trước để chỉ HQ . Điều này chứng tỏ nội dung đoạn này do một người khác sáng tác nên mới có sự bất nhất như vậy.

5  - TGTL2 viết “Tổ theo vua đến chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Phụng Nhãn, thấy Quốc sư Pháp Loa (1284 -1330),thuyết pháp sau đó dâng biểu ba lần từ quan, được chấp thuận liền thọ giáo với Pháp Loa hiệu là Huyền Quang” (51b). Lúc này Huyền Quang đã 50 tuổi, mà Pháp Loa nhỏ hơn Huyền Quang 30 tuổi, có nghĩa là năm ấy chỉ mới 20 tuổi . Trong khi đó Pháp Loa xuất gia với Điều Ngự năm 1304, lúc 21 tuổi (6). Như vậy Pháp Loa này là Pháp Loa nào? cũng trong đoạn này người viết lại dùng “Quốc sư Pháp Loa” lẽ nào Pháp Loa làm quốc sư khi chưa đi tu. Điều này một lần nữa chứng tỏ người viết lại cuốn sách này không ở tại nước Việt.

6 - Do không phải là người Việt nên người viết đoạn này không biết rằng “Điều Ngự Giác Hoàng” là Đạo hiệu của Trần Nhân Tông (1258 -1308) sau khi đi tu chứ không phải là hiệu của vua, do đó mới sửa “Điều Ngự Giác Hoàng” thành “ Điều Ngự hoàng đế (52a)”.

7 - “Ngày rằm tháng giêng năm Quý mão”(52b).  Đúng ra là năm Quý sửu nhưng người viết nhầm thành Quý mão, việc nhầm lẫn này không phải không có lý do. Như ta biết Huyền Quang sinh năm Giáp dần như vậy năm ông 60 tuổi là năm Quý sửu, nhưng ở đây nhầm thành Quý mão, nguyên do là vì chi Dần nằm giữa hai chi Sửu và Mão,(Sửu – Dần – Mão)theo cách tính tuổi can chi trên bàn tay thì khi một ai đó nói năm nay tôi 60 tuổi. thì người tính biết ngay là chi tuổi của người đó nằm liền phía sau chi năm đó, vì vậy năm đó là Quý sửu, Huyền Quang 60 tuổi, chi Dần là hoàn toàn chính xác. Trong trường hợp này thì người viết lại cuốn TGTL2 này không phải viết vào năm Quý sửu, mà có thể viết rất nhiều năm sau đó, nên lấy chi tuổi (dần)của Huyền Quang để tính ngược lại nên mới có sự nhầm ra là Quý Mão, vì chi Mão nằm sau chi Dần. Việc quan tâm tới tuổi của Huyền Quang là có dụng ý nên  sau đó người viết đã lập lại “ khước thuyết sư chí Vân Yên, chính quý sửu niên, thời sư lục thập tuế”. Lại nói Sư đến Vân Yên, đúng vào năm Quý Sửu, lúc đó Sư 60 tuổi. Rỏ ràng người viết muốn nhấn mạnh độ tuổi hay ta có thể hiểu ý người viết là “ 60 tuổi rồi mà…” vì đây là đoạn bắt đầu chuyện Điểm Bích với những chi tiết như một truyện ngắn cho tới “ Xưng vi tự pháp – gọi là nối pháp(59b)”.  

II/C - Nói về thời gian cuối đời của ông. Từ nửa trang 59b tới nửa trang 60a (1 trang).

Trong đoạn này người viết do nối hai đoạn lại với nhau nên vẫn còn dùng đại từ “sư” cho đến câu cuối cùng mới dùng “Tổ”(1 lần ), “Thị nhật vi Tổ kỵ nhật” việc này cũng như đoạn nối đầu cũng dùng “tổ” sau mới dùng “sư” để chỉ Huyền Quang đó là cách làm cho liền lạc văn mạch. Nếu là đệ tử lẽ nào viết về nhưng năm tháng cuối đời của thầy mình quá ư đơn sơ như vậy.

KẾT LUẬN :

1 - Căn cứ vào lối hành văn, cách dùng từ, việc liệt kê các tên họ, chức vụ, công trạng những vị tiền hiền của thiền sư Huyền Quang ở đoạn II/A và sự liệt kê cụ thể ngày tháng năm ông mất tại đoạn II/C, ta có thể tin rằng hai đoạn này tuy có sửa đổi đôi chút nhưng hầu hết là được chép lại từ phần đầu và phần cuối của sách TGTL1  trong cuốn Bản Hạnh Ngữ Lục; Đồng thời căn cứ vào tên sách TGTL, cùng cách xưng hô “Tổ” ở đoạn đầu và cuối ta có thể tin rằng người viết sách TGTL1 là đệ tử xuất gia của ông, có thể là An Tâm, vì chỉ có người xuất gia và đệ tử mới dùng từ “Tổ” cho thầy mình.

2 - Với đoạn II/B .

A - Như đã phân tích trên với cách hành văn kiểu tiểu thuyết chương hồi của Trung quốc, cách xưng hô hoàn toàn khác với đoạn II/A và II/C, “sư” thay cho “tổ”, cùng nhiều nhầm lẫn khác, ta có thể nói chắc rằng đoạn này đã được ai đó sáng tác rồi đưa vào cuốn TGTL1 làm thành cuốn TGTL2 với nội dung chủ yếu là chuyện Điểm Bích như ta đang biết ngày nay. – Chỉ riêng dung lượng của đoạn này đã chiếm ¾ sách TGTL2, lẽ nào đệ tử viết cuốn sách với tiêu đề TGTL lại sử dụng hầu hết nội dung để nói về nàng Điểm Bích một cách tường tận như thế, từ nơi sinh ra lớn lên, tính tình, đọc phần này ta thấy người viết câu chuyện này nhất định là người thân của Điểm Bích và là một trong những quan đầu triều. Bởi vì nếu không như thế thì làm sao mà biết quá rỏ sự việc như vậy. Tất nhiên nói như thế là hoàn toàn chính xác, vì nàng Điểm Bích do những kẻ ấy đẻ ra, cái triều đình ấy cũng do họ dựng nên, thì tất cả với họ chỉ là một mà thôi.   

B – Đặc biệt trong đoạn này lại nói đến chuyện nàng giỏi “quốc ngữ” theo tôi hiểu quốc ngữ ở đây là “Chữ Nôm”, đây là kỷ thuật thông báo trước chuẩn bị cho việc xuất hiện bài thơ Nôm tại phần cao trào mà thôi.Tuy nhiên chính sự xuất hiện của bài thơ Nôm này cho ta biết rằng đoạn thêm vào này không thể không có sự giúp sức của tay sai người Việt. Đồng thời nó đã nói lên đoạn II/B được viết vào thời Lê hoặc sau đó, vì Hoàng Phúc mang sách này về Kim Lăng sau khi họ chiếm Đại Việt, bắt cha con Hồ Quý Ly, mà như lịch sử cho biết chỉ đến thời Hồ Quý Ly, ông mới đề cao và gọi chữ Nôm là Quốc ngữ. (7)

C - Như đã phân tích trên, đoạn II/B(chuyện ĐB) này là được thêm vào, do đó nếu ta bỏ đoạn II/A và II/C thì cũng không ảnh hưởng gì nội dung của đoạn II/B này, vì tự nó đã là một tác phẩm rồi.

Như vậy mục đích những kẻ tạo ra câu chuyện ấy là gì?

Ta có thể nói rằng những người thực hiện âm mưu này hết sức khôn ngoan, thay vì nói xấu thì cuối cùng lại đưa ra giải pháp giải oan mù mờ, bởi vì nếu không kết như vậy thì người đọc quá dễ nhận ra phần giả mạo, nhưng cho dù như thế thì họ cũng đã đạt được mục đích mà họ mong muốn đó là : Một mũi tên nhưng bắn được nhiều mục tiêu:

1 - Vua tôi nhà Trần chẳng chính nhân quân tử gì! Ngay cả một trạng nguyên hai nước như Mạc Đỉnh Chi mà lại tham mưu cho vua những chuyện mà một kẻ bình thường cũng không nên làm. Đồng thời vẽ nên hình ảnh triều đình nhà Trần như những kẻ vô công rổi nghề. Chính kẻ viết phần này cũng đã dùng ngay chuyện Điểm Bích để nói điều đó. Vua nghe nói thì lòng buồn không vui than rằng. “Việc này nếu có thật thì chỉ là cái kế ngang qua cửa giăng lưới bắt chim của ta, nếu không thì ông ta cũng khó tránh được mối ngờ “ngồi xỏ giày nơi đám ruộng dưa”(58b). Đồng thời làm cho hậu thế nghĩ rằng ngay cả cha mình, thái thượng hoàng, là thiền sư, nhưng vua quan nhà Trần cũng chẳng thích gì Phật giáo, mục đích là gây chia rẽ giữa triều đình với Phật giáo, ít ra là người bình thường sẽ nghĩ như vậy.

2 - Thông qua sách TGTL2 họ đã xây dựng một hình ảnh thiền sư Việt Nam chủ yếu là cúng bái, hay nói khác là mê tín dị đoan. Điều này không phải chỉ xảy ra với HQ mà trước đó ta có Minh Không, Không Lộ, Giác Hải cũng được xây dựng hình ảnh như vậy từ những truyền thuyết của những kẻ ném đá dấu tay.

3 - Đánh vào Huyền Quang là đánh vào tổ chức Phật giáo đời Trần, nói rộng là Phật giáo Việt Nam. Bởi vì chỉ duy nhất ở Việt Nam và đời Trần mới có Vua đi tu, Trạng nguyên cũng đi tu. Câu chuyện Điểm Bích với một cái kết không rỏ ràng là một đòn tung hỏa mù vào lịch sử truyền thừa của thiền phái Trúc Lâm. Điều này không phải không có tác dụng, vì ngày nay có nhiều kẻ cho rằng cho dù có biện minh gì thì khó mà nghĩ rằng chuyện đó không có thật, thậm chí có kẻ viết sách than phiền rằng tu hành mà quá nghệ sĩ, tay cầm dùi mõ tay ống sáo thì làm sao mà truyền bá đạo pháp rộng rãi được nên Phật giáo đời Trần từ sau Huyền Quang suy vong dần là có phần lỗi của ông.

4 - Huyền Quang lớn hơn Trần Nhân Tông 2 tuổi, đổ trạng nguyên rồi ra làm quan, trong thời gian này nước Việt tiến hành hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông(1285, 1287)đều đưa đến thành công. Chắc chắn với tư cách là quan đương triều ông đã tham mưu cố vấn cho Trần Nhân Tông, nhưng không thấy lịch sử ghi lại về ông trong trong giai đoạn này, có thể ông đã là một trong những nhân vật đóng góp nên cuộc chiến thắng nên sau khi hòa bình lập lại, qua con đường tiệm tiến, đối phương đã dùng chính người đồng liêu của ông gây trở ngại cho ông cũng nên, phương thức này không bao giờ cũ cả, có thể vụ án vườn Lệ Chi cũng không ngoài sách lược này. Ngay cả đến khi xuất gia được giao phó kế thừa thiền phái Trúc Lâm ông cũng phải từ chối, cho dù sở học của ông có thừa. Là một người xuất gia, tại sao ông không làm nhiệm vụ thiêng liêng đó, rỏ ràng phải có một áp lực nào đó khiến ông thấy rằng không thể kế thừa. Việc xóa tên ông trong lịch sử và bôi nhọ nhắm vào ông thông qua tác phẩm TGTL2 này đã thể hiện một phần điều đó. Đây không phải là chuyện tình cờ mà là một sách lược lâu dài của nhiều triều đại phương Bắc nhắm vào nền văn hóa của nước ta.

Tóm lại với những luận chứng đã nêu trên cho thấy chuyện Điểm Bích nằm trong cuốn TGTL2 là một trứng tu hú trong tổ chim sâu, đây là một âm mưu, một tính toán cực kỳ tinh khôn và thâm hiểm. Chúng sáng tác câu chuyện, rồi xóa bớt nội dung trong bản TGTL1, thêm phần đã bịa vào rồi đưa trở lại nước Việt với ý đồ như đã nêu trên; Đồng thời chắc chắn người đó có cuốn Bản hạnh ngữ lục, với đầy đủ những tác phẩm của Thiền sư Huyền Quang, nhưng những phần đó đã vĩnh viễn ở lại Kim Lăng hoặc bị tiêu hủy hoặc đưa vào sách của họ nhằm chiếm quyền trước tác, bài Xuân nhật tức sự là một minh chứng./.

 Linh Sơn Đà lạt, Đầu xuân năm Tân mão.  

    Tưởng niệm 677 năm

      ngày mất của thiền sư Huyền Quang 

                                                                                                                 23-1- Giáp tuất (1334) 23-1-Tân mão (2011)

 

1 – Tam Tổ thực lục –phần TGTL chữ Hán, trang 134/49a - 111/60b, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1995.

2 – Tam Tổ Trúc lâm giảng giải. tr 537 HT . Thích Thanh Từ. NXB 1997

3 – ĐVSKTT, quyển 2, trang 57 nxb Văn hóa Thông tin

4 – ĐVSKTT, quyển 2,  trang 27,28 nxb Văn hóa Thông tin

5 – ĐVSKTT, quyển 2,  trang 57 nxb Văn hóa Thông tin.

6 –Tam Tổ thực lục –phần chữ Hán, trang 202/16b - 203/17a, Viện nghiên cứu Phật học Việt nam ấn hành 1995.

7 – ĐVSKTT, quyển 2,  trang 291 nxb Văn hóa Thông tin.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Cung Oán Ngâm Khúc Cung Oán Ngâm Khúc
08/12/2010 20:19:00
Bụt hay Phật ? (phần 1) Bụt hay Phật ? (phần 1)
22/09/2010 12:09:00
Next

Đăng nhập