Cảm hứng thiền trong thơ thiên nhiên đời Trần

Đã đọc: 15951           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thơ ca đời Trần là một nền thơ ca phát triển, đặt nền móng vững chắc cho sự hình thành nền thơ ca cổ điển Việt Nam, nói như Phạm Thế Ngũ thì đây là đỉnh cao thứ nhất của thơ ca Hán học nước ta.

Trong tiến trình văn học trung đại, thơ ca đời Trần có một vị trí đặc biệt quan trọng. Ngay từ các công trình khảo cứu, của các nhà nghiên cứu từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX đã có những đánh giá rất cao về nền thi ca của giai đoạn này. Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút đã nhận định "Thơ đời Trần tinh vi trong trẻo, đều có sở trường tột bật cũng như đời Hán, đời Đường bên Trung Hoa" ([1]) hay Lê Quý Đôn trong Quần thư khảo biệnThư kinh diễn nghĩa đã tự hào rằng: "Nước Nam ta, hai triều nhà Lý, nhà Trần ngang vào khoảng triều nhà Tống, nhà Nguyên. Lúc ấy tinh hoa, nhân tài cốt cách văn chương, không khác gì Trung Hoa" ([2]) . Như vậy chúng ta đang tiếp cận với một giai đoạn văn học có nhiều thành tựu. Trong đó mảng thơ thiên nhiên là mảng đề tài có vai trò quan trọng  trong việc góp phần khẳng định vị trí đặc biệt của thơ ca đời Trần trong diễn trình văn học cổ điển dân tộc.

 

1.      Thơ thiên nhiên đời Trần

Thời trung đại con người sống bằng nông nghiệp là chủ yếu, nên con người dựa vào tự nhiên, khai thác tự nhiên mà sống. Do đó con người hòa nhập vào thiên nhiên, xem thiên nhiên với con người là một "Vạn vật nhất thể". Con người chưa xem mình là một chủ thể đối lập với tự nhiên là khách thể để chiêm nghiệm, phân tích, lý giải... Như vậy đặc trưng của thế giới tự nhiên trong cái nhìn của con người trung đại là chúng có tính toàn vẹn không phân hoá, không tách bạch. Thế nên thơ ca phương Đông rất chú ý đến hình ảnh của thiên nhiên và xem đây là một đối tượng thẩm mĩ. Chúng tôi hiểu "thơ thiên nhiên" là một thể tài độc lập của thơ ca lấy thiên nhiên làm đối tượng thẩm mĩ chủ yếu, thông qua miêu tả cảnh vật để bộc lộ tâm tình.

Thiên nhiên trong thơ ca đời Lý đa phần là những biểu tượng, là phương tiện để nói lên nội dung triết lý hay cảm quan Thiền đạo. Những hình ảnh thiên nhiên thường tượng trưng cho những thực tế siêu nhiên, trừu tượng của triết lý. Thiên nhiên trong thơ ca đời Trần có khác. Đầu đời Trần thiên nhiên còn có nét biểu hiện triết lý như trong thơ Trần Thái Tông, Tuệ Trung. Nhưng từ giữa đời Trần về sau, thiên nhiên đã trở thành đối tượng thẩm mĩ đích thực. Càng về cuối đời Trần, thi nhân tiếp xúc với thiên nhiên ngoại cảnh với nhiều cảm xúc, phong phú, đa dạng: từ tâm trạng bình lắng trước cảnh thiên nhiên cô tịch, xa vắng, đến những cảm khái nhẹ nhàng rồi bất mãn với thời cuộc. Thiên nhiên lúc này vừa là sự rung động của thi nhân biểu lộ cảm quan Thiền học vừa có cái phóng khoáng của tư tưởng Nho gia và cái nhàn dật của Lão Trang.

Có thể nói  thơ thiên nhiên đời Trần ảnh hưởng sâu sắc từ thơ sơn thủy của Trung Quốc, đặc biệt là thơ sơn thủy đời Đường. Không phải ngẫu nhiên mà Phan Huy Chú đã có hàng loạt những nhận xét thi phẩm của các thi nhân trong giai đoạn này trong thế đối sánh với Đường thi: thơ của Trần Thánh Tông "các bài đều có phong vị thơ Đường",  còn thơ của Trần Minh Tông thì "lời thơ phần nhiều hào mại phóng khoáng, có khí phách và cốt cách Đỗ - Lăng""thơ tứ tuyệt lại càng hay, không kém gì thời thịnh Đường" ([3])

Thi nhân xưa thường cảm nhận thiên nhiên bằng thính giác và thị giác nên yếu tố nhạc và họa phát triển "thi trung hữu nhạc", "thi trung hữu họa". Thiên nhiên trong thơ đời Trần chỉ hiện lên như những nét phác họa của tranh thủy mặc. Đó là những nét bút chấm phá giản lược chứ không phải là nét cụ thể, tỉ mỉ. Nó không đáp ứng yêu cầu phân tích miêu tả nhưng lại gợi khả năng liên tưởng và đặc biệt gợi tình cảm sâu sắc hơn.

Thiên nhiên ở đây không hoàn toàn câm lặng nhưng cũng không ồn ã. Đó là những tiếng chim khuya, tiếng đỗ quyên khắc khoải canh trường, tiếng trùng nỉ non, tiếng mưa rơi ngoài hiên vắng,…Thi nhân mở lòng đón nhận cái vang vọng của những âm thanh thiên nhiên vào tận cõi sâu thẳm tâm hồn để cùng đồng điệu, cùng rung cảm chứ ít khi thấy họ miêu tả cụ thể những âm thanh ấy.

Thi nhân đời Trần hầu hết đều chịu ảnh hưởng  tư tưởng triết học của Nho -  Phật - Lão (Tam giáo đồng nguyên), thiên nhiên trong cái nhìn của Nho gia quan trọng hơn cả là đức sinh. Sự sống của thiên nhiên với muôn hình vạn trạng, vạn vật sinh sôi nảy nở: hoa nở, chim kêu, mưa tưới, cỏ tươi. Nó mang ý nghĩa tuyệt đối trong lành, vô tư, thanh cao, khác với cuộc sống phàm tục. Các nhà Nho quan niệm Đức lớn nhất của vũ trụ là đức sinh cho vạn vật, sự sinh hóa hanh thông của vạn vật là niềm vui lớn nhất của con người. Thiền gia cảm nhận thiên nhiên bằng tâm hồn tĩnh tại, an nhiên, bởi họ cho rằng Bản thể của vũ trụ là trống không khi tâm đạt tới độ tĩnh tại tuyệt đối, tâm trong suốt vắng lặng thì có thể hòa nhập vào bản thể của vũ trụ vạn vật. Đạo gia tìm thấy thiên nhiên là nơi di dưỡng tinh thần. Họ có khát vọng muốn hòa nhập vĩnh viễn với thiên nhiên.

Thơ thiên nhiên đời Trần tập trung vào thể hiện cảm hứng thế sự, cảm hứng công dân và cảm hứng Thiền. Trong khuôn khổ một bài viết ngắn chúng tôi xin bàn sâu vào một khía cạnh tiêu biểu cảm hứng Thiền trong thơ thiên nhiên đời Trần.

2.      Cảm hứng Thiền trong thơ thiên nhiên đời Trần

Khác với thời Lý, những hình ảnh thiên nhiên xuất hiện trong thơ như là những biểu tượng của lẽ Thiền, chất lí trí còn đậm. Đến thời Trần thì đa phần trong sáng tác của các thi nhân, thiền sư, thiên nhiên đã thực sự trở thành đối tượng thẩm mĩ thật sự.  Các thi nhân, Thiền sư đã thật sự trải lòng với cảnh núi cao sông dài, với ánh trăng trên đoá mộc tê, trải tầm mắt với cánh bạch âu lưng trời, theo đàn cò liệng xuống cánh đồng chiều vãn, rồi ngắm cảnh bướm xuân phơi phới trên những đóa hoa thắm tươi đầy hương sắc. Con người Thiền sống giữa thiên nhiên để thấy tâm hồn mình về với Chân Như, với những cảm xúc hồn nhiên không gợn niềm trần tục.

2.1.   Thiền gia cảm nhận thiên nhiên bằng tâm hồn tĩnh tại, an nhiên, bởi họ cho rằng Bản thể của vũ trụ là trống không khi tâm đạt tới độ tĩnh tại tuyệt đối, tâm trong suốt vắng lặng thì có thể hòa nhập vào bản thể của vũ trụ vạn vật. Thiên nhiên qua cái nhìn của Thiền gia mặc dù bình dị nhưng lại thấm đẫm hơi hướng mỹ cảm Thiền. Đọc bài thơ Nguyệt của Trần Nhân Tông chúng ta có thể dể dàng nhận ra điều đó:

                            Bán song đăng ảnh mãn sàng thư,

Lộ trích thu đình dạ khí hư.

Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ,  

 Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ ([4])                                              

(Bóng đèn soi nửa cửa sổ, sách đầy giường - Móc rơi trên sân thu, hơi trống không -  Tỉnh giấc tiếng chày nện không còn nghe thấy - Trên chùm hoa quế, trăng vừa mọc).

Bài thơ mở đầu bằng không gian hẹp - không gian của đời sống thường nhật từ đó mở rộng ra không gian vũ trụ. Một đêm thu lặng có thể nghe được tiếng sương rơi. Cái động nhờ cái tĩnh mà sinh ra. Âm thanh của tiếng sương rơi hẳn là rất nhỏ, không gian phải rất tĩnh lặng thì mới có thể nghe được. Ngược lại cái động nhờ cái tĩnh mà hiện hữu, không gian tĩnh mịch vắng lặng được nhận thức bởi tiếng sương rơi ngoài sân thu. Đây chẳng phải là thủ pháp dựng dậy những mối quan hệ đối lập gợi liên tưởng được dùng phổ biến trong Đường thi đó sao? Có thể nói không gian của bài thơ là không gian đặc trưng của thơ Thiền, một không gian bao la, khoáng đạt, trong trẽo và tĩnh lặng. Tất cả điều đó càng làm tăng cảm giác về sự bao la vô hạn của không gian. Đặc biệt là cái cảm giác về sự trống không, hư không. Nó biểu trưng cho cái "Không" của Thiền. Tâm Thiền là cái trống không, bình đạm, trong trẻo và lặng lẽ. Đây là không gian được lọc qua con mắt Thiền, là ngoại cảnh nhưng cũng là tâm cảnh. Ta có thể bắt gặp cái không gian này ở nhiều câu thơ khác

-                   Dạ khí phân lương nhập họa bình ([5])

(Khí đêm chia hơi mát vào bức rèm vẽ);

-                  Tâm kỳ phong cảnh cộng thê thanh ([6])

(Lòng thẹn với phong cảnh cùng trong trẻo, lạnh lẽo).

-                  Khách khứ tăng vô ngữ

Tùng hoa mãn địa hương ([7])

(Mưa tạnh trời một màu biếc

 Mặt ao  lặng ánh trăng tỏa hơi mát).

Không gian của bài thơ này được bao trùm bởi trạng thái "hư" trống không - trạng thái tương thông giữa tâm Thiền tĩnh tại an nhiên với cái trống không của bản thể vũ trụ. Trong bài thơ này thi nhân - Thiền nhân tỉnh dậy, "thụy", không phải bởi sự chi phối của những âm thanh thế tục mà đó là cái tỉnh giấc tự nhiên - sự ngộ lẽ Thiền. Thế nên thi nhân mới cảm nhận được ánh sáng của vầng trăng ngộ đạo tỏa chiếu trên đóa mộc tê. Bài thơ thể hiện cảm hứng Thiền qua những hình ảnh thiên nhiên rất đỗi bình dị: trên nền không gian hư tịch ánh trăng nhẹ đến trên đóa mộc tê - Một chi tiết nhỏ, rất bình thường của đời sống tự nhiên bổng trở nên huyền diệu, bừng lên ánh sáng của Thiền cảm.

Trong bài Tảo thu của Thiền sư Huyền Quang viết :

Trúc đường vong thích hương sơ tận ([8])

(Mái tranh quên bẵng hương vừa tắt).

Ở đây ta có thể khái quát thành mô hình ngữ pháp của câu thơ:

 

 
 (1) Trạng ngữ                           

 

khuyết chủ ngữ

 

 

Vị ngữ.

 

 

 

 

 

 

 

Câu thơ đã khuyết chủ ngữ (hay nói cách khác đại danh từ chủ thể trong câu đã bị tỉnh lược) nên khiến cho người đọc có thể có nhiều cách hiểu. Bởi vì trạng ngữ phía trước đại danh từ cũng là một danh từ "trúc đường". Như vậy nếu hiểu câu thơ bị tỉnh lược đại danh từ chủ thể thì ta có cấu trúc (1). Còn nếu như xem "trúc đường" là chủ ngữ thì ta có cấu trúc (2)  Chủ ngữ   /  Vị ngữ.

Nói như vậy để cho thấy sự tỉnh lược ở đây đã tạo cho câu thơ cái tính mơ hồ và đa nghĩa làm cho người đọc không xác định được đây là khoảnh khắc "quên" của thi nhân hay của chính mái tranh ? Chúng ta vẫn biết "trúc đường" thường biểu trưng cho chốn ẩn dật của Thiền nhân. Liên hội với những câu thơ trước nó và sau nó, chúng ta chỉ thấy hình ảnh "trúc đường" là hình ảnh duy nhất biểu thị sự có mặt của con người trong bức tranh thiên nhiên này. Nhưng con người đã ẩn đi, đã hòa nhập vào "trúc đường", hòa nhập vào tạo vật. Như vậy bằng việc tỉnh lược, thi nhân đã góp phần khắc họa cái tĩnh lặng tuyệt đối của "trúc đường"- không gian Thiền. Đồng thời cùng với ánh trăng trên cây tùng "nhất nhất tùng chi võng nguyệt minh" đã thể hiện sự hòa nhập trọn vẹn giữa con người và ngoại vật: tâm con người tĩnh - cảnh vật tĩnh. Cảnh vật và con người tương thông với nhau trong khoảnh khắc tâm linh kì diệu.

Ở một bài thơ khác, bài Ngọ thụy, vị tổ thứ ba của dòng Trúc Lâm Yên Tử viết

Phong lâm nhất mộng lương ([9])

(Trong rừng phong ngủ một giấc mát mẻ).

Câu thơ chỉ gồm một danh từ và một ngữ danh từ hoàn toàn không có động từ để thực hiện chức năng ngữ pháp. Thế nên câu thơ không có động từ đã tĩnh vật hóa tất cả. Rừng phong và giấc ngủ của Thiền nhân được cố định trong một trạng thái tuyệt đối tĩnh lặng nhằm khắc họa không gian đặc trưng của Thiền. Đồng thời, chúng ta sẽ nhận thấy sự “bao hàm lẫn nhau” giữa các yếu tố: Rừng phong là không gian lớn dung chứa giấc ngủ an nhiên, thanh thản, thể hiện sự phá chấp đốn ngộ của Thiền nhân, môt khoảnh khắc “quên” đầy ý vị của Thiền học. Cái không gian tĩnh tại lớn bao hàm cái không gian tĩnh tại nhỏ từ đó làm bật nổi cảm thức: Tâm hồn con người đạt được sự bình lặng tuyệt đối hòa nhập vào cái không gian hằng thường, hòa nhập vào Bản thể của vũ trụ. Từ đó mà Thiền nhân đã ngộ được lẽ Chân Như. Như vậy ở câu thơ này, tuy không có sự tham gia của động từ nhưng bằng sự tương tác của các yếu tố, thi nhân đã tạo dựng nên một không gian thơ độc đáo đậm đà ý vị Thiền học.

2.2.  Trước thiên nhiên tươi đẹp, Thiền nhân chỉ "cảm" mà không trực tiếp "giãi bày" bằng lời. Con người Thiền thường "vô ngôn" trước cảnh sắc ngoại giới. Lời nói hữu hạn không thể nào diễn tả được hết cái biến thiên, cái hằng thường. Cái Hữu của lời nói không thể nào chiếm lĩnh cái Vô, cái Không tuyệt đối mang tính vĩnh hằng của Bản thể.

 Một trong những đặc trưng thẩm mĩ cơ bản của thơ ca phương Đông là nghệ thuật biểu diễn cái không lời "Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý" (Kinh Dịch),"ngôn vô ngôn" (Đạo đức kinh - Lão Tử), "Thính hồ vô thanh" (Nam hoa kinh - Trang Tử). Trong quy luật tâm lý cái không lời, vô ngôn bao giờ cũng dễ tác động đến chiều sâu tâm thức, cảm xúc con người hơn là cái phô bày, cái có lời. Cho nên tiếng đàn của người ca kĩ trên bến Tầm Dương đã đạt đến chỗ vi diệu "Thử thời vô thanh thắng hữu thanh" (Tỳ bà hành - Bạch Cư Dị). Ta còn bắt gặp hình ảnh "con người vô ngôn" trước thiên nhiên trong khá nhiều bài thơ đời Trần. Trần Quang Triều, người sáng lập ra thi xã Bích Động nổi tiếng, đã từng viết:

Khách khứ tăng vô ngữ,

Tùng hoa mãn địa hương ([10]) .

(Khách [chỉ ta] ra về, sư ở chùa trầm ngâm không nói - Hoa thông đầy đất ngát mùi hương).

Cảnh ấy tình ấy, còn cần gì phải nói nhiều hơn nữa. Vả lại, không gian đang hết sức trong sáng, yên tĩnh mát mẻ - một sự thanh khiết đến vô cùng vô tận. Trước không gian tuyệt diệu đó của đất trời con người tự nhiên lọc sạch hết mọi nghĩ ngợi ưu phiền, tự nhiên quên hết những lời cần tâm sự. Bởi khi chia tay kẻ ở, người về đều lặng yên. Sự yên lặng càng làm dậy lên mùi hương thông thơm ngát mặt đất "Tùng hoa mãn địa hương". Bài hơ kết thúc bằng sự mở ra vô biên một trường giao cảm giữa  con người - cảnh vật trong một mùi hương nhẹ nhàng lan toả - một thông điệp không lời. Đến đây ta lại nhớ nhiều đến mấy câu thơ của Nguyễn Trãi:

Nhật mộ viên thanh cấp,

Sơn không trúc ảnh đường.

Cá trung chân hữu ý,

Dục ngữ bất hoàn vương (vong) ([11]).

(Chiều hôm tiếng vượn kêu rộn – Núi trống bóng trúc dài ra – Trong cảnh ấy thực có ý – Ta muốn nói ra bỗng lại quên)

Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từng có những trãi nghiệm với những giây  phút "vô ngôn" trước cảnh sắc tươi đẹp đất trười trong tiết xuân:

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,

Hoa đường thiềm ảnh mộ vân phi,

Khách lai bất vấn  nhân gian sự,

Cộng ỷ lan can khán thúy vi ([12]) .              

(Xuân Cảnh )

(Sâu trong khóm hoa dương liễu, chim hót chậm rãi - Dưới bóng thềm ngôi nhà chạm vẽ, mây chiều lướt bay - Khách đến chơi không hỏi việc người đời - Cùng dựa lan can ngắm màu xanh của chân trời).

“Con người vô ngôn” là hình ảnh nổi bật trong thơ thiên nhiên đời Trần. Các thi nhân đề cao sự trực cảm, bác bỏ sự suy luận lí trí nên họ xem thường ngôn ngữ, bởi ngôn ngữ hữu hạn không thể diễn đạt được chân lí vô cùng. Họ chủ trương con đường duy nhất đạt được chân lí là sự chứng nghiệm của bản thân chứ không thể thay thế bằng sự học hỏi qua những lời diễn giải, thuyết minh. Ở bài thơ này ta thấy khách và chủ vốn đều là những “con người vô ngôn”, họ không trò chuyện. Nhưng thực chất họ đã nói với nhau rất nhiều. Điều đó đã được thể hiện qua hư từ cộng. Cộng lúc này trở thành nhãn tự của cả bài thơ. Cộng thể hiện sự hoà nhập, hoà hợp giữa hai tâm hồn với nhau đồng thời giữa hai tâm hồn ấy với thiên nhiên tạo vật. Cả khách - chủ đều đã đạt được sự đại ngộ bởi khi họ đã cùng bình tâm, tâm đã tĩnh từ đó mà họ có thể chiêm nghiệm lẽ đời, những “nhân gian sự” từ thiên nhiên ngoại vật.

2.3.             Thơ thiên nhiên mang cảm hứng Thiền còn bộc lộ cái xao xuyến của tâm hồn thi nhân trước cảnh sắc thiên nhiên lung linh, huyền ảo, mơ hồ. Cái đẹp của thiên nhiên được tạo dựng bởi cái mơ hồ giữa Thực và Hư, giữa Sắc và Không, giữa Hữu và Vô, giữa Động và Tĩnh. Đăng Bảo Đài sơn của Trần Nhân Tông là một bức tranh thiên nhiên được khắc họa bởi những yếu tố đối lập đó:

Địa tịch đài du cổ,

Thời lai xuân vị thâm.

Vân sơn tương viễn cận,

Hoa kính bán tình âm.

Vạn sự thủy lưu thủy,

Bách niên tâm ngữ tâm.

Ỷ lan hoành ngọc địch,

Minh nguyệt mãn hung khâm ([13]).

(Đất vắng vũ đài thêm cổ kính - Theo thời tiết mưa xuân chưa về lâu - Ngọn núi phủ mây khi xa khi gần - Con đường hoa nửa sáng nửa tối - Muôn việc như nước trôi theo nước - Trăm năm lòng nói tới lòng - Đứng tựa lan can cầm ngang ống sáo ngọc - Trăng sáng rọi đầy cả ngực và bụng)

Về thời gian, bài thơ có sự đối lập giữa xưa (du cổ) - nay (thời lai). Về không gian là đối lập giữa xa (viễn) - gần (cận), sáng (tình) - tối (âm). Cảnh vật vừa như thực vừa như hư trong không gian cao rộng cô tịch. Nó tạo cảm giác về sự hiện hữu vô thường của vạn vật trong cái hằng thường của bản thể vũ trụ, trước bức tranh thiên nhiên ấy Thiền nhân đã lĩnh hội được chân lý:

Muôn việc như nước trôi theo nước,

Trăm năm lòng nói với lòng.

Từ chỗ ngộ được chân lý, Thiền nhân đứng lặng lẽ chiêm ngưỡng cảnh vật bằng cái tâm bình thản được phủ chiếu bởi ánh trăng huyền diệu - Ánh trăng của tâm linh đã được giác ngộ - đang chiếm lĩnh không gian ngoại cảnh. Như vậy, ở đây tâm cảnh - ngoại cảnh đã có sự tương thông đồng điệu, hòa nhập. Ta có thể nhận thấy Thiền quan, Thiền cảm đặc biệt này ở nhiều bài thơ khác:

Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên,

Bán vô, bán hữu tịch dương biên ([14]).   

(Thôn trước, thôn sau, lờ mờ dường như khói phủ - Nửa có, nửa không, trong bóng chiều hôm)

Đặc biệt, thơ thiên nhiên đời Trần thường sử dụng Vô - Hữu  nhằm để xác lập sự tồn tại. Khi giải thích bản thể của vũ trụ, Lão Tử đã sáng tạo ra cặp phạm trù Hữu - Vô và nó đã trở thành cặp phạm trù cơ bản nhất của lịch sử triết học Trung Quốc cổ đại: "Thiên hạ vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư " ([15]). Đồng thời đây cũng là cặp phạm trù trong Thiền học thời Lý - Trần:

Nguyệt sự chiếu nhân sự,

Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu ([16]).

(Hạnh Thiên Trường hành cung - Trần Nhân Tông)

 Câu thơ trên ta nhận thấy, tác giả đã dùng phép lặp (lặp từ - hữu), phép đối liên, tiểu đối để tạo nên sự liên kết cả chiều ngang và chiều dọc mà có thể xem hai từ ở câu trên và hai từ hữu ở hai câu dưới như là bốn đỉnh của hình vuông liên kết ấy. Bên cạnh đó cùng với sự tương tác ngữ nghĩa của hai từ đối lập hữu - đã tạo nên trường liên trường thú vị: khi con người và thiên nhiên đều ở trong trạng thái tĩnh tại an nhiên: nguyệt - nhân: vô sự, tâm của con người đã bình lặng, đã cởi bỏ hết những mê kiến, vọng niệm thì con người sẽ đạt tới sự hòa điệu với bản thể và từ đó sẽ phát hiện cái đẹp hằng thường của tạo vật, cái đẹp của bản thể: Trời mùa thu in sắc xuống dòng sông thu. Câu thơ đã thể hiện đặc sắc tinh thần mỹ học phương Đông: lấy hư diễn thực, cái có phát sinh từ cái không.

2.4.             Thiền nhân trong thời Trần, có những khoảnh khắc "quên". Họ không muốn tìm quên trong tụng niệm mõ chuông mà tìm quên trong thiên nhiên:

Dạ khí phân lương nhập họa bình,

Tiêu tiêu đình thụ báo thu thanh.

Trúc đình vong thích hương sơ tận,

Nhất nhất tùng chi võng nguyệt minh ([17]) .

(Khí đêm chia hơi mát vào bức rèm vẽ - Cây trước sân xào xạc báo tiếng thu - Dưới mái tranh quên bẳng hương vừa tắt - Mấy khóm cây cành giăng lưới vầng trăng sáng).

Nếu hơi đêm lạnh, tiếng cây lá thu nhắc nhở mọi người về sự trôi đi không ngừng của thời gian vô thủy vô chung, thì trạng thái "quên" bẳng nén hương vừa tắt là một sự hòa nhập trọn vẹn giữa tâm hồn người Thiền và ánh trăng sáng đã tràn ngập cỏ cây, hoa lá, tạo vật. Trạng thái "quên" này ta còn thường thấy ở nhiều bài thơ của các Thiền sư núi Yên Tử, các thi nhân của thi xã Bích Động:

Mộc tê song ngoại thiên cưu tịch,

Nhất chẩm thanh phong trú mộng dư ([18]).

(Trên cây quế ngoài cửa sổ, ngàn con chim cưu vắng tiếng - Một chiếc gối trong gió mát, giấc mộng ban ngày chưa tàn)

Vương thân, vương thế dĩ đô vương (vong),

Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương ([19]).

(Quên mình, quên đời, quên hết cả - Yên lặng ngồi lâu, lạnh cả giường)

2.5.             Thơ thiên nhiên đời Trần có những vần thơ sự kết hợp giữa những rung cảm cá nhân và tư tưởng Thiền học. Đó là những lời tâm sự, một nỗi xao động giữa cảnh đời cảnh đạo, tâm hồn đơn côi và hoang lạnh giữa mịt mờ trời đất rộng lớn. Ý vị Thiền toát ra từ cảm giác hư không của cuộc đời con người. Tiêu biểu cho đặc điểm này trong thơ thiên nhiên mang cảm hứng Thiền là phong cách thơ của Huyền Quang, vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Thơ ca ông có cái "bay bướm, phóng khoáng" ([20]) và thể hiện cái tôi đầy say đắm trước cảnh sắc thiên nhiên. Đến nỗi có lời dị nghị về ông và Lê Quý Đôn cũng nhận định: " Tựa hồ chẳng phải lời nói của nhà tu hành" (Thi tuy giai phi tăng gia ngữ)([21]). Tuy nhiên dù gì đi nữa thì cội Thiền trong ông vẫn còn bền chặt do đó thơ ca của ông dù đậm dù nhạt vẫn phảng phất Thiền vị. Bài Phiếm chu là một trong những bài đặc sắc, tiểu biểu cho phong cách thơ của ông:

Tiểu đỉnh thừa phong phiếm diễu mang,

Sơn thanh, thủy lục, hựu thu quang.

Sổ thanh ngư địch lô hoa ngoại,

Nguyệt lạc ba tâm giang mãn sương ([22]).

(Chiếc thuyền theo gió lướt trên mặt nước bát ngát -Non xanh nước biếc lại thêm cảnh sắc mùa thu - Vài tiếng sáo chài văng vẳng ngoài rặng hoa lau - Trăng rơi vào lòng sông mặt sông phủ đầy sương)

Bài thơ là cả một không gian rộng lớn bao trùm, con thuyền như trở nên lẻ loi giữa cái không gian rộng lớn ấy. Núi xanh nước biếc như đang tô điểm thêm cho sắc thu, hay nó tạo thành sắc thu? Mấy tiếng sáo chài trong đám lau thưa, là thứ âm thanh duy nhất đánh động không gian, đánh động vào tâm hồn của cô nhân. Bài thơ được tạo dựng nên bởi những nét phác họa đặc trưng của cấu tứ Đường thi. Thoáng đọc ba câu thơ đầu, chúng ta những tưởng đấy là tâm sự của một thi nhân đang mang niềm trắc ẩn, đau đáu một nỗi niềm. Tuy nhiên đến câu cuối thì cảm hứng Thiền đã thăng hoa. Nếu mô hình hoá, chúng ta sẽ dể dàng nhận thấy bài thơ có ba tầng hình ảnh:

 

Hình ảnh con người cô đơn đang nằm trong khoảng sương phủ đầy mặt sông phía nửa trên là không gian lồng lộng trong sáng, nửa dưới là không gian mờ ảo. Sự kết hợp giữa ánh trăng đáy nước và "sương mãn giang" phủ màu sương tĩnh mịch hư ảo lên không gian rộng lớn của lòng sông thu. Ta vẫn nhận thấy trong thơ mang cảm hứng Thiền vì giữa hai yếu tố: hư - thực luôn hòa quyện chuyển hóa lẫn nhau. Đó là một trong những đặc trưng thẩm mĩ của thơ Thiền.

3.      Kết luận   

Mãng thơ thiên nhiên đời Trần  đã để lại nhiều áng thơ vào hàng tuyệt tác trong nền thơ ca cổ điển dân tộc. Đằng sau những bài thơ ấy là những tâm tình với khát khao hoà nhập vào thiên nhiên, vào cuộc sống. Đồng thời các thi nhân cũng đã gửi gắm vào đó những chiêm nghiệm về lẽ vô thường của con người trước cái hằng thường của vũ trụ. Đó là chẳng phải là cái nhìn mang cảm hứng Thiền, tâm trạng Thiền, ý vị Thiền nhưng cũng thấm đẫm chất thế sự với những cung bậc tình cảm hết sức phong phú của con người đời thường đó sao?

Trầm Thanh Tuấn

(Cử nhân Ngữ văn)

GV Trường THPT Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Phan Huy Chú,  Lịch triều hiến chương loại chí (tập IV, phần Văn tịch chí), NXB Sử học, Hà Nội, 1961.

2.     Nguyễn Công Lý, Văn học Phật giáo thời Lý -Trần diện mạo và đặc điểm, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, 2003

3.     Bùi Văn Nguyên, Lịch sử văn học Việt Nam từ thế kỉ X -thế kỉ XVII, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1978

4.     Trần Lê Sáng (chủ biên), Tổng tập văn học Việt Nam (tập 2), NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1997

5.      Đoàn Thị Thu Vân, Khảo sát đặc trưng nghệ thuật thơ thiền Việt Nam từ thế kỉ thứ X - thế kỉ thứ XIV, Trung tâm nghiên cứu quốc học, NXB Văn học, Hà Nội, 1996

6.     Đoàn Thị Thu Vân, Thơ thiền Lý -Trần, NXB Văn nghệ TPHCM, 1998

 

Chú thích

 


([1]) Phạm Đình Hổ, Vũ Trung tùy bút, NXB Văn nghệ TPHCM, 1998.

([2]) Nguyễn Minh Tấn (chủ biên), Từ trong di sản, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1981.

([3])  Lịch triều hiến chương loại chí (tập IV, phần Văn tịch chí), NXB Sử học, Hà Nội, 1961

([4]) Nguyên tác chữ Hán:

半窗登影滿床書

露滴秋庭夜氣虛

睡起砧聲無覓處

木棲花上月來初

([5]) Tảo thu - Huyền Quang

([6]) Ký thanh phong am tăng Đức Sơn - Trần Thái Tông

([7]) Đề Gia Lâm Tự - Trần Quang Triều

([8]) Nguyên tác chữ Hán:

竹堂忘適香初盡

([9]) Nguyên tác chữ Hán

風林一夢涼

([10]) Đề Gia Lâm Tự - Trần Quang Triều

Nguyên tác chữ Hán:

客去僧無語

松花滿地香

([11]) Tiên Du Tự

Nguyên tác chữ Hán:

日暮猿聲急

山空竹影長

箇中真有意

欲語不還忘

([12]) Nguyên tác chữ Hán

楊柳花深鳥語池

花堂簷影暮雲飛

客來不問人間事

共倚欄杆看翠微

([13]) Nguyên tác chữ Hán:

地寂臺逾古

時來春未深

雲山相遠近

花徑半晴陰

萬事水流水

百年心語心

倚欄橫玉笛

明月滿胸襟

([14]) Thiên Trường vãn vọng - Trần Nhân Tông

Nguyên tác chữ Hán:

村後村前淡似煙    

半無半有夕陽邊

 ([15])  Dịch nghĩa: Vạn vật trong thiên hạ đều sinh ra từ hữu, hữu sinh ra từ vô - Đạo đức kinh (Chương 4)

([16]) Nguyên tác chữ Hán:

月無事照人無事

水有秋涵天有秋

([17]) Tảo thu - Huyền Quang

Nguyên tác chữ Hán:

夜氣分涼入畫屏

簫簫庭樹報秋聲

竹堂忘適香初盡

一一松之網月明

([18]) Trú miên – Huyền Quang

Nguyên tác chữ Hán:

木棲窗外千鳩寂

一枕清風晝夢餘

([19]) Cúc – Huyền Quang

Nguyên tác chữ Hán:

忘身忘世以都忘

坐久簫然一榻涼

([20]) Phan Huy Chú,  Lịch triều hiến chương loại chí (tập IV, phần Văn tịch chí), NXB Sử học, Hà Nội, 1961

([21]) Chuyển dẫn Bùi Văn Nguyên, Lịch sử văn học Việt Nam từ thế kỉ X -thế kỉ XVII, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1978

([22]) Nguyên tác chữ Hán:

Nguyên tác chữ Hán:

小艇乘風泛渺茫

山青水綠又秋光

數聲漁笛櫨花外

月落波心江滿霜

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập