Thưởng thức danh tác “Tụng Tây Hồ phú” của Nguyễn Huy Lượng

Đã đọc: 8365           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Nét đẹp Hồ Tây Hà Nội

“Có thể nói, trước và sau Nguyễn Huy Lượng, chưa hề có một tác phẩm nào viết về non sông đất nước Thăng Long Hà Nội hay đến thế, đẹp đến thế. Chỉ với một danh tác ấy cũng đủ xếp Nguyễn Huy Lượng vào hàng những văn nghệ sĩ tài hoa bậc nhất Thăng Long” (1)

“Áng văn Nôm trác tuyệt tân kỳ, dân Hà thành hồi ấy gọi là “Phú ông Lựợng” trong khi đổ xô đi tìm mua bản chép tay này… Người ta mua giấy mực về chép lại khiến cho giá giấy phường Hàng Giấy, Hàng Gai vọt hẳn lên. Nhớ câu chuyện ở Trung Quốc đời Tần, có Tả Tư viết bài Tam đô phú rất nổi tiếng. Người ở kinh đô Lạc Dương tranh nhau chép bài phú này, khiến giấy trở nên khan hiếm và giá  đắt vọt lên (2). (Bản thân chúng tôi cũng được nếm trải tình hình tương tự vào năm 1987, 88 khi báo Văn nghệ Hội nhà văn đang tưng bừng đăng sáng tác ký, truyện ngắn mở đầu cao trào Đổi mới; mỗi sáng thứ Bảy chúng tôi chạy ra sạp báo trên phố Hà Nội mua tờ Văn nghệ 16 trang, tờ báo bán chạy nhất thủ đô những năm ấy, nhưng thức dậy muộn nên chỉ mua được những bản photo mờ mờ từ sạp báo hoặc từ tay những em bé Hà Nội cầm từng xấp đi rao trên hè phố lá sấu lá bàng lác đác…)

Tụng Tây Hồ phú, một áng văn khiến người đọc say mê, rù rì đọc từng chữ từng câu. Cái dư âm của nó quấn quýt mãi không rời. Những từ láy lần đầu phát ra từ bài văn Nguyễn Huy Lượng và chẳng bao giờ lặp lại nữa. Nghĩ đến văn chương vùng đất Thăng Long, người ta nhớ ngay đến bài văn ấy, tác giả ấy. Và ngẫm suy về bao điều khác nữa…Một vài câu văn, ý thơ được nhớ mãi là một tiêu chuẩn để đánh giá địa vị một áng văn.

Sống trong năm kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, người viết giở lại Tụng Tây Hồ phú mà thưởng thức. Lại tình cờ đọc thấy trên báo mạng một bài nghiên cứu của tác giả Hoài Nam về Nguyễn Huy Lựợng nên băn khoăn muốn tỏ bày ý kiến. Trước hết người viết trình bày mấy điều tâm đắc tản mạn về bài phú.

 

1. Bài phú của cảnh vật thanh bình, yên ả, nhịp sống ung dung

 Phần đầu Tụng Tây Hồ phú là một cái nhìn bao quát cảnh thiên nhiên đa sắc Hồ Tây:

"Sắc rờn rờn nhuộm thức lam xanh,

 ngỡ động bích nổi lên dòng lẻo lẻo

 Hình lượn lượn uốn vòng câu bạc,

 tưởng vầng ngân rơi xuống mảnh nhò nhò

 Dư nghìn mẫu nước trời lẫn sắc

           Trải bốn bên hoa cỏ nhiều mùa"

Sau cảnh đẹp thiên nhiên là cảnh làm ăn sinh sống nhộn nhịp của dân chúng ven hồ. Một số phường nghề Thăng Long được miêu tả quanh vùng Hồ Tây, có lẽ là những phường nghề được hình thành sớm nhất Việt Nam. Phường nghề nói lên một cách làm ăn buôn bán hòa hợp như tục ngữ nói “buôn có bạn, bán có phường”. Làm ăn thương mại họp lại bên nhau, cạnh tranh lành mạnh, ganh đua chất lượng. Phường nghề và chợ búa là một nét văn hoá cơ bản của Thăng Long Hà Nội:

Vầy cuộc ẩn, mọi nghề chẳng thiếu,

Muợn thú vui bốn bạn gồm no
…Lò Thạch Khối khói tuôn nghi ngút,

…Thuyền thương khách hãy chen buồm bươm bướm,

Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng 
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co.

 

Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi canh ghẹo hai phường dệt gấm 
Sen vũng nọ nẩy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò.

Khách Ngô Sở chợ tây ngồi san sát,
Người Hy Hoàng song bắc ngáy phi pho.


Bến giặt tơ người vốc nước còn khuya, gương thiềm đựng trong tay lóng lánh,

Bãi cỏ non trâu thả, ngựa buông, nội Chu đã lắm người ca ngợi;

2. Thú giải trí thanh lịch của tao nhân mặc khách Hà thành

 Đọc bài phú, ta thấy những thú vui cầm kỳ thi tửu, ung dung ngoạn cảnh, thưởng trăng… được miêu tả rất sinh động. Hình ảnh tao nhân mặc khách thấp thoáng:

Người ngoạn cảnh thẩn thơ đòi đoạn,
Khách thâu nhàn lai láng từng khu.

Ngang thành thị, ghé yên hà một thú,
Dọc phố phường, tung phong nguyệt hai kho.

Cầm ve gẩy lầu thư ánh ỏi…

Cảnh Khán Sơn  chưa gác cột cờ, lòng thơ đã bôi hồi ban lãnh thỏ 
Làng Võng Thị còn đông tiệc rượu, tiếng cầm đà não nuột buổi tà ô.

Trộm nhớ thiên bát vịnh du hồ, trong tỷ hứng cũng ngụ lời quy phúng,
Lại nhớ khúc liên ngâm thưởng nguyệt, lúc tiếu đàm thường thỏa ý giao phu.

Tòa đá nọ hãi ghi câu canh họa,
Dòng nước kia dường nổi chén tạc thù .

 

Thú cao lưu chếch mác thế cờ, người nhạo thủy ôm cầm khi rạng quế,
Màu yên cảnh bâng khuâng hồn rượu, khách đăng đài gác bút buổi bay ngô


Áng năm mây bày ngọc bạch đôi hàng, thảo mộc hãi ca công Thang, Vũ;
Vang chín bệ nổi tiêu thiều mấy khúc, điểu thú đều vũ đức Đường, Ngu.

3. Nơi đây lịch sử và huyền thoại sống cùng người đương thời.

 

Trong mắt thi nhân Nguyễn Huy Lượng, Tây Hồ là một nơi trú ngụ của quá khứ:

Trước Bạch Hồ vào ở đó làm hang, Long vương trổ nên vùng đại trạch, 
Sau Kim Ngưu do vào đây hóa vực, Cao vương đào chặn mạch hoàng đô 

Tòa thạch tháp, nọ nơi tiên để báu

 Chốn thổ đôi, kia chỗ Khách chôn bùa

 Đền Mục Lang hương lửa chẳng rời,

 tay lưới phép còn ghi công bắt hổ…

Dấu Bố Cái rêu in nền phủ …

 

Trải Trần trước đã nhiều phen xe ngựa,
Tới Lê sau càng lắm độ tán dù.

Trong bài phú, những dấu ấn lịch sử từ thời Bắc thuộc như Cao Biền, Phùng Hưng qua các triều đại lẫy lừng Lý, Trần, Lê, cùng với huyền thoại đều vang lên trong ký ức thi nhân và được vẽ ra trước mắt.

Và cảnh hiện tại Thăng Long tươi sáng với triều đại Tây Sơn được ước lệ:

Tới Mậu Thân từ rõ vẻ tường vân, sông núi khắp nhờ công đãng địch;
Qua Canh Tuất  lại tưới cơn thời vũ, cỏ cây đều gội đức triêm nhu 
Vũng trì chiểu nước dần dần lặng;
Nơi đình đài hoa phới phới đua.

4. Hồ Tây Thăng Long nơi Phật giáo và Đạo giáo tồn tại hòa bình

   

Thăng Long Hà Nội là nơi chung sống lâu đời của các tôn giáo, tín ngưỡng, suốt nghìn năm lịch sử chưa bao giờ xảy ra các xung đột tôn giáo. Chỉ vài nét phác họa, bài phú cho chúng ta cảm giác đó. Quán Trấn Vũ thờ Đạo thần tiên ở gần bên chùa Trấn Quốc của đạo Phật. Nhà thơ chẳng cần phải thuyết trình giảng giải.

Quán Trấn Vũ nắng mưa nào chuyển…

Tòa Kim Liên sóng nổi mùi hương, chùa Trấn Quốc tưởng in vùng tĩnh phạn

… Mõ cuốc khuya án kệ rì rù.

Nơi phạn vũ để che màu sảng lãng, dọc ngang treo mắc võng tri thù 
Sen chốn chốn đã bay về Tây Vực, vũng du ngư nguyệt hãy tối mò

Cảnh Bà Đanh hoa khép cửa chùa (…)

Trông mơ màng dường đỉnh Thứu nơi kia, vài tổ thước cuối làng kêu chích chích,
Nghe phảng phất ngỡ động Đào mai nọ, mấy tiếng gà trong trại gáy o o .

 

Đạo Phật dành cho quảng đại chúng sinh, cũng cho cả lũ quân xâm lược Mãn Thanh bỏ Thăng Long mà chạy:

Cây quán kia còn đứng dậy thần uy, đoàn Mán tới dám khoe lời “Tây hữu” 
Sen chùa nọ lại bay về Phật cảnh, lũ Ngô về từng niệm chữ Nam mô.

Một ngôi cổ miếu và đám cỏ mọc tần ngần cũng góp phần làm nên cảnh yên bình của Thăng Long Hà Nội:

Chòm cỏ mọc tần vần bên nọ miếu, trống thôi hoa rẽ khóm huân do

 


5. Ngôn từ nghệ thuật trong Tụng Tây Hồ phú

Phàm là nhà văn ai cũng ấp ủ khát vọng sáng tạo từ ngữ, góp phần làm giàu cho tài sản tiếng Việt vô giá của dân tộc… Nhiều cây bút cả đời không để lại được cho hậu thế một bài, một câu, một từ ngữ khả dĩ in đậm trong người đọc (mặc dù không ít trong số đó được tặng những giải thưởng lớn !). Tây Hồ phú bộc lộ một tài năng sáng tạo từ ngữ mới mẻ làm giàu cho quốc văn và cho tiếng Việt. Bài phú là một bản hợp xướng ngữ âm tiếng Việt giàu hình ảnh, âm sắc và gợi cảm mà riêng Hán ngữ khó đáp ứng. Trước hết ta thấy khối lượng nhiều từ láy sinh động là một biểu hiện nghệ thuật rõ ràng.

 

       5.1 Thi pháp từ láy đặc sắc trong bài phú

 

Hầu như tất cả câu văn miêu tả trong bài phú đều dùng từ láy.

Tây Hồ phú chứa đựng một hệ thống từ láy với ý thức sáng tạo nghệ thuật rõ rệt. Từ láy tiếng Việt tượng hình và tượng thanh sinh động vốn đã rất phong phú, thừa hưởng bảng từ láy tiếng Việt ấy, tác giả vẫn kỳ công mở rộng vốn từ này:

Từ láy quen thuộc

Từ láy trong bài phú

leo lẻo

loảng choảng    

inh ỏi

rù rì

lởm chởm

phơi phới

ì ầm……

lẻo lẻo

chểnh choảng

ánh ỏi

rì rù

chởm chởm

phới phới

ì ồ…

Các từ láy trong bài Phú có tính chất chung là sức gợi tả mạnh mẽ hơn, tạo nhịp điệu thung dung, giàu cảm xúc hơn - một đóng góp của Nguyễn Huy Lượng.

Sắc rờn rờn nhuộm thức lam xanh, ngỡ động bích nổi lên dòng lẻo lẻo,
Ghềnh Nhật Chiêu sóng giật ì ồ (…)

Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng 
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co.
Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi canh ghẹo hai phường dệt gấm 
Sen vũng nọ nẩy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò (…)

Cầm ve gẩy lầu thư ánh ỏi,
Mõ cuốc khuya án kệ rì rù. 

Trông mơ màng dường đỉnh Thứu nơi kia, vài tổ thước cuối làng kêu chích chích,

Nghe xóm nọ rù rì ve nhặng ,
Ngắm ghềnh kia thấp thoáng trai cò.

Trước cố cung treo nửa mảnh gương loan, vừng trăng he hé,
Sau cổ tự gửi mấy phong da ngựa, đám cỏ lù rù.

Vũng trì chiểu nước dần dần lặng;
Nơi đình đài hoa phới phới đua.

 

Trên thành trĩ đá xây chởm chởm, bến cũ gọi đò

 

        5.2 Tụng Tây Hồ phú là bài phú kinh điển

 

Thể phú cổ điển phát sinh vào đời nhà Hán sau khi họ Lưu thống nhất giang sơn với nhu cầu ca tụng khẳng định. Phú bày tỏ và ca ngợi những thắng cảnh thiên nhiên kỳ vĩ tươi đẹp của tạo hoá, phú trầm trồ chiêm ngưỡng tài khéo của con người làm nên những công trình kiến trúc bổ túc cho thiên nhiên đẹp hơn, phú ca ngợi danh nhân lập công tích vĩ đại dựng nước và giữ nước... Từ đó phú sinh ra một nghệ thuật tương thích, ta gọi là thi pháp thể loại. Trước hết đó là cảm hứng chủ đạo ngợi ca, tự hào. Đối tượng được miêu tả mang tính trác tuyệt, cao cả. Ưa dùng biện pháp nghệ thuật khoa trương, đôi khi ước lệ trên một cơ sở hiện thực. Nhịp điệu tạo ra do cặp câu đối ngẫu biểu hiện được sự thung dung, thỏa mãn, hài lòng; lại tạo ra cảm giác về sự bền vững, vĩnh hằng. Hình dung từ (tính từ) và trạng từ được sử dụng bồi tiếp, miên man.

Nay Nguyễn Huy Lượng giãi bày hứng thú ca tụng vẻ đẹp Tây Hồ như một quần thể hài hòa giữa cảnh đẹp thiên nhiên và những công trình lao động lâu dài bền bỉ của nhân dân lao động, đồng thời cũng khẳng định công tích triều đại Tây Sơn.

Nguyễn Huy Lượng nồng nhiệt viết bài phú “Tụng Tây Hồ” còn nhằm biểu lộ tình yêu hòa bình, đề cao vẻ đẹp Tây Hồ, ghi lại được sắc đẹp nổi bật của một phần thành Thăng Long thuở ấy.

Đó là những nguyên do dẫn đến Tụng Tây Hồ phú. Bài phú ông Lượng là bài phú kinh điển mẫu mực.

        5.3 Điển cố Trung Hoa và Việt Nam được đan xen trong bài phú theo yêu cầu của thi pháp trung đại nhưng vẫn thiên về lịch sử, truyền thuyết Việt Nam.

Bài phú dùng tới 92 lần điển tích, điển cố, từ cổ, trong đó chỉ có 27 điển tích điển cố Trung Hoa, còn lại là điển tích và từ cổ Việt Nam. Dùng điển cố Trung Hoa là một tập quán văn chương trung đại, không phải phàn nàn nữa, nhưng chúng tôi nhận thấy tác giả còn có biện pháp hài hước trong việc dùng điển cố:

Mảnh áo tơi lốp xốp trong mưa, ca Thanh Thảo quyến đàn trâu gã Nịnh

Con thuyền trúc lân la trước gió, khúc Thương Lương đưa gánh củi chàng Chu 

Câu trên chỉ miêu tả một anh chăn trâu quanh quẩn bên bờ Hồ Tây mà phải mượn tới nhân vật Nịnh Tích thời Chiến Quốc (lúc hàn vi đi chăn trâu, sau làm quan nước Tề). Câu dưới muốn tả một bác tiều phu loanh quanh kiếm củi ven Hồ mà phải mượn đến thi hào Khuất Nguyên và câu ca nước Sở bên sông Thương Lương thời Đông Chu (Khuất Nguyên nghe người làng chài nước Sở đọc “nước sông Thương Lương trong thì ta giặt giải mũ, nước sông Thương Lương đục thì ta rửa chân”). Điển cố này còn ghép với sự tích chàng Chu Mãi Thần, người đời Hán, làm nghề kiếm củi, sau làm quan lớn…Ở đây, sự cầu kỳ dùng điển cố hóa ra chỉ là một kiểu hài hước để miêu tả con người bình thường quanh Hồ Tây của  Nguyễn Huy Lượng. Cách cầu kỳ hóa này trái với cách dùng điển cố thông thường mặc nhiên ca tụng các nhân vật chứa trong điển tích điển cố, sau mới miêu tả đối tượng chính của phú như là sự tiếp nối noi gương điển cố. Phú ông Lượng dùng biện pháp mựợn cái nổi tiếng đời xưa để tả cái bình thường thời nay .

5.4 Cấu trúc hồ: Những câu văn miêu tả Tây Hồ nghe có vẻ lộn xộn, quanh quẩn, lặp lại, kì thực là một cấu trúc vòng tròn,“cấu trúc hồ” hay cấu trúc mô phỏng hình dáng bờ hồ. “Cấu trúc hồ” đóng vai trò chủ đạo của bài phú.

Bên cạnh cấu trúc chính là “hồ”, bài phú còn có cấu trúc phụ là sự tương phản giữa hai chế độ xã hội cũ - mới (Lê mạt trước Tây Sơn và sau Tây Sơn) và hai phần phụ “Nay mừng…”, “Tôi nay…” ở phấn cuối bài phú.

5.5 Nhịp điệu biền ngẫu góp phần biểu lộ lòng yêu hòa bình của  người Thăng Long. Nhịp điệu ung dung nhàn tản, vương vất chất men say của người ngoạn cảnh, nhịp điệu cân đối hài hòa trong tiếng Việt sáu thanh thể hiện triết lý âm dương giản dị. Sự phối hợp từ Hán Việt và thuần Việt nhịp nhàng uyển chuyển, tận dụng khả năng biểu hiệu của Hán ngữ (nghiêm trang cổ kính) và Việt ngữ (mộc mạc dân giã).

Thật hiếm có một bài phú với cả trăm câu đối ngẫu mà đều chỉnh tề hoàn hảo, khó tìm thấy được những câu thất luật.

6. Đặt bên nhau hai bài phú Tây Hồ

 

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc viết: “Phạm Thái còn để lại một bài phú mang tên Chiến tụng Tây Hồ phú mà nói theo một nhà nghiên cứu hiện đại, từng làm sửng sốt giới trí thức và văn sĩ Hà thành đương thời ! …Người ta khi ấy đã “sửng sốt” chỉ vì “trước hết ở thái độ cực đoan của người cầm bút” mà thôi. Bởi đấy là khi ông “cố sống cố chết”, “cãi chày cãi cối” mà đánh (chiến) bài Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng ca ngợi triều Tây Sơn. Có thể quên đi Chiến tụng Tây Hồ phú của Phạm Thái…”, …“Không phải Phạm Thái không thấy giá trị của bài tụng. Qua lời tiểu dẫn do chính ông viết, ta thấy ban đầu thoạt đọc, ông cũng lấy làm hay, hỏi ngay: “Ai làm bài ấy mà hay thế”? …“Bạn rằng: Chương Lĩnh hầu Hữu hộ Lượng làm” thì ông hay đổi thái độ: “Ta rằng: Chao ôi! Hữu hộ Lượng à! Xưa hắn làm tôi triều Lê, nay ra làm nguỵ lại còn tụng Tây Hồ mà chẳng thẹn mặt... Nay nhân bỉ kẻ làm bài tụng, ta cũng làm bài Chiến tụng để góp chút trò cười với đời” (3)

GS Thanh Lãng nhận xét bài Chiến tụng Tây Hồ phú này “thực có tính cách kỳ khu quá đáng. Tác giả đã lạm dụng những kinh, những điển, phải là người thông thuộc sử sách Tàu mới hiểu nổi. Lời văn chứa đầy nỗi căm phẫn, hậm hực đối với nhà cầm quyền đương thời (Tây Sơn), biểu lộ rõ ràng lòng thương tiếc nhà Lê (4)

GS Nguyễn Lộc nhận xét “Chiến tụng Tây Hồ phú làm ra dưới thời Nguyễn Quang Toản, Bùi Đắc Tuyên là thời kỳ nhà Tây Sơn đã đi sâu vào con đường phong kiến hóa, có thể Phạm Thái đã ghi lại được một số nét hiện thực nào đó của xã hội đương thời. Nhưng những nét hiện thực ấy trong bài phú không có giá trị độc lập của nó nữa vì tác giả dùng nó để phục vụ cho mục đích đen tối của mình. Vì vậy mà bài phú không có giá trị gì (5)

Với một cách nhìn mới lạ “hiện đại”, nhà nghiên cứu  Hoài Nam nhận định trong bài “Hồ Tây và một trận thi chiến trong lịch sử (6)

 

“.. đây là trận "thi chiến" đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam: người sáng tác văn chương đã dùng chính tác phẩm văn chương (chứ không phải tác phẩm nghị luận) để đối mặt với nhau, tranh luận với nhau, bác bỏ nhau một cách quyết liệt.

“…Một vài thông tin như vậy là đủ để cắt nghĩa tại sao con mắt nhìn về cảnh Hồ Tây của hai tác giả lại đối nghịch nhau đến thế. Họ mượn việc tả Hồ Tây như một cái cớ để bộc lộ quan điểm, mục đích chính trị của mình. "Gặp thời thế thế thời phải thế", lịch sử - nhất là lịch sử của những giai đoạn xã hội đầy biến động phức tạp như cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX - có những bước đi ngoắt ngoéo và có những cách áp đặt riêng của nó trên từng cá nhân cụ thể, vì thế không nên đoan quyết một cách vội vã về sự đúng sai trong hành xử của tiền nhân, mà ở đây là Nguyễn Huy Lượng và Phạm Thái. Điều chúng ta có thể chắc chắn, ấy là cả hai bài phú đều xứng đáng được coi như những đỉnh cao của văn chương Nôm, những tuyệt phẩm về ngôn từ”.

 

Nhân đây tôi xin trình bày mấy ý kiến khác với nhà nghiên cứu Hoài  Nam.

 

Tác giả Hoài Nam gọi hai bài phú là “một trận thi chiến”, tôi e rằng chưa hẳn đúng. Bởi vì ông Lượng không hề đối đáp lại (thời ấy không có diễn đàn tranh luận như hơn một thế kỷ sau). Bài phú ông Lượng viết ra và truyền bá trước, Phạm Thái phê phán bằng một bài “phú” và truyền tay sau. Không hề có tình trạng “đối mặt với nhau, tranh luận với nhau, bác bỏ nhau một cách quyết liệt”. Chỉ có chuyện người đọc Hà thành “đổ xô đi tìm mua bản chép tay bài phú ông Lượng” mà thôi (2). Nếu có tranh luận về bài phú thì phải hơn trăm năm sau mới có.

 

Tác giả Hoài Nam lại viết: “…hai tác giả lại đối nghịch nhau đến thế. Họ mượn việc tả Hồ Tây như một cái cớ để bộc lộ quan điểm, mục đích chính trị của mình”.

 

Chúng tôi thấy nhận xét trên chỉ đúng với Phạm Thái, nói về cả hai người thì e rằng sai sự thật. Nguyễn Huy Lượng không hề mượn Hồ Tây “như một cái cớ”. Hồ Tây chính là mục đích của bài phú kết hợp với lệnh viết bài của nhà vua.

 

Nhà nghiên cứu Hoài Nam khuyên bảo rằng “…không nên đoan quyết một cách vội vã về sự đúng sai trong hành xử của tiền nhân”.

Nếu chúng ta vận dụng quan điểm lịch sử cụ thể thì có thể khẳng định được “sự đúng sai của tiền nhân” chứ không đến nỗi “ba phải” về quan điểm lịch sử. Phong trào Tây Sơn đã là một trang sử hào hùng sáng chói của dân tộc cuối thế kỉ XIX, với những thành tựu đối nội, đối ngoại rõ ràng, vậy chúng ta còn gì băn khoăn về thái độ Nguyễn Huy Lượng ?!

Tác giả Hoài Nam lại viết: “Điều chúng ta có thể chắc chắn, ấy là cả hai bài phú đều xứng đáng được coi như những đỉnh cao của văn chương Nôm, những tuyệt phẩm về ngôn từ”.

 

Bài Phú của Nguyễn Huy Lượng là bài xướng, bộc lộ công phu tạo dựng tứ thơ tài hoa độc đáo, vô tiền khoáng hậu. Bài “họa” của Phạm Thái chỉ việc dựa theo bài xướng và “nói ngược lại” cho dù nói hay nói khéo. Như vậy, thứ bậc của hai bài đã rõ ràng, sao nhà nghiên cứu có thể đánh đồng hai bài như thế ! Nghệ thuật coi trọng nhất sự sáng tạo, như nhà văn Nam Cao tâm đắc “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có” (truyện ngắn Đời thừa).

 

Xét cho cùng “Chiến tụng Tây Hồ phú” của Phạm Thái cũng là một “Tây Hồ phú”. Chỉ có điều, nó không phải phú cổ điển mà thuộc loại phú trào phúng. Như trên (4.2) chúng tôi đã trình bày sơ bộ về thi pháp phú cổ điển, thì phú trào phúng của Phạm Thái đã phải mượn hoặc “nhại thi pháp phú cổ điển”, áp đặt gượng ép, nên khó có thể đạt giá trị sáng tạo nghệ thuật.

Dù sao “Chiến tụng Tây Hồ phú” của Phạm Thái cũng có một vai trò. Bài phú “họa” nhằm phản bác Tụng Tây Hồ phú, vô hình trung lại tôn thêm vẻ rực rỡ của bài phú “xướng”.

Ta có thể nói, bài phú Phạm Thái cũng đã góp phần gia tăng sinh hoạt văn nghệ được tưng bừng hơn, ghi dấu thêm một khuynh hướng tư tưởng và sáng tác văn chương phong phú của thi đàn Thăng Long, báo hiệu những cuộc bút chiến thú vị sẽ diễn ra trên đất Hà Nội hơn một thế kỉ sau.

Một áng văn trước hết ghi dấu ấn lịch sử tâm hồn nghệ sĩ, nếu lại ghi được dấu tích một giai đoạn lịch sử dân tộc thì càng thêm quí giá. Tụng Tây Hồ phú cũng góp phần ghi lại được một trang lịch sử bi đát và hào hùng của dân tộc- giai đoạn Lê mạt và phong trào Tây Sơn với võ công lừng lẫy của hoàng đế Quang Trung. Có thể, trong tâm lý sáng tác của thi nhân Nguyễn Huy Lượng trước khi nhận được lệnh viết bài phú và bài thất ngôn bát cú dâng hoàng đế, tứ thơ Tụng Tây Hồ đã hoài thai từ lâu trong tâm trí, trong mỹ cảm của tác giả rồi, nay gặp cơ hội khơi nguồn thì bài phú mở mạch. Cảm hứng thi sĩ Nguyễn Huy Lượng bật lên khi được lệnh viết bài Phú sau một thời gian ấp ủ ý tứ, không đơn thuần là công việc một quan chức chấp hành lệnh trên (Nhớ chuyện xưa Tào Thực làm bài thơ Thất bộ thi chẳng phải đọc được ngay sau khi Tào Phi ra lệnh, thực ra Tào Thực đã ấp ủ ý thơ từ lâu về cái tình huynh đệ, thói đố kỵ của ông anh).

Chúng ta từng biết có những bài văn hô khẩu hiệu, tuyên truyền thô thiển, cả những bài “bút chiến” theo lệnh trên không ít trong suốt mấy chục năm qua, người đọc dễ nhận thấy giá trị nhất thời của nó, sớm thì ngay sau 1975, muộn thì chục năm sau người đọc cũng lãng quên… Điều này đã không xảy ra với Tụng Tây Hồ phú, tác phẩm coi là viết theo “lệnh” mà hơn 200 năm trôi qua, càng đọc càng thấy nhiều ý vị…Không phải ngẫu nhiên người Thăng Long- Hà Nội thường gọi bài phú này là “Phong cảnh Tây Hồ”, cái tựa đề đã nói lên nội dung chính của bài phú.

Trong lịch sử văn học, bài phú có vị trí riêng, khác với thi, từ. Văn chương cổ điển có hàng trăm bài thơ, từ đặc sắc, còn những bài phú nổi tiếng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trước bài phú ông Lượng, chúng ta mới có Chí Linh sơn phú (Nguyễn Trãi), Bạch đằng giang phú (Trương Hán Siêu), "Trảm xà kiếm phú" (Sử Hy Nhan)… Về sau xuất hiện những bài “phú” phá cách thiên về trào phúng, tự trào (sáng tác kiểu ăn theo, tương tự ngày nay gọi là kiểu hát “xuyên tạc, thay lời” mang tính dân gian) chỉ có thể đọc mà cười chơi khi trà dư tửu hậu, quyết không thể kể vào phú cổ điển được.

Thực không dễ dàng cho một nhà cầm quyền bất kể thời nào có thể ra lệnh cho văn nghệ sĩ Hà Nội viết văn trái với lương tri, cảm hứng của họ. Nguyễn Huy Lượng tiêu biểu cho một nét tính cách văn thi sĩ Hà thành cầm cây bút thích vẽ cái đẹp, rất vững vàng bản lĩnh khi ứng phó các vấn đề phức tạp. Khi không tiện viết văn bản thì họ viết bài truyền khẩu, sáng tác những truyện tiếu lâm dí dỏm thông minh, dù sớm hay muộn nhất định họ phải tuyên ngôn cho được, bày tỏ tâm tình cho được (Chủ đề này đòi hỏi một công trình nghiên cứu rất công phu)

Người ta gọi bài phú ông Lượng là tác phẩm văn chương đầu tiên miêu tả Hồ Tây, bức tranh phác họa đầu tiên của Hồ Tây, đúng ra là nhiều bức họa trùng trùng điệp điệp, hơn thế nữa, có thể ví với một cuốn “video ngôn từ” sinh động đầu tiên về phong cảnh Hồ Tây. Bài phú ông Lượng chính là tác phẩm đột phá, gợi hứng cho đề tài bày tỏ vẻ đẹp của Thăng Long - Hà Nội trường tồn không bao giờ cạn. Từ bấy đến nay đã có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật với mọi loại hình, chất liệu, hiện thực và lãng mạn, càng ngày càng nhiều tác phẩm đương đại viết về sóng nước Hồ Tây như một dấu ấn đậm nét khó quên của thủ đô Thăng Long Hà Nội. Có thể kể qua vài bài như  Sóng Tây Hồ (thơ Đinh Hùng), Mùa thu Hà Nội (ca khúc Trịnh Công Sơn), Chiều phủ Tây Hồ (ca khúc Phó Đức Phương),Tây Hồ chiều cuối năm (thơ Đoàn Văn Nghiêu). v.v… (Riêng mấy bài cổ điển sau chúng tôi  không xác định được thời điểm viết trước hay sau bài phú ông Lượng: Chơi Hồ Tây nhớ bạn, thơ Hồ Xuân Hương, Chùa Trấn Bắc, thơ Bà huyện Thanh Quan, Tây Hồ thi tập, Nguyễn Gia Thiều, nếu nhà nghiên cứu nào biết rõ xin chỉ bảo cho).

 

Đọc lại bài phú “Tụng Tây Hồ” chứng tôi nghe ra một “mĩ học” Nguyễn Huy Lượng, đồng nhất với mĩ học Thăng Long, in đậm một nét bản sắc văn hoá Thăng Long -Việt Nam. Đó là những cái đẹp đời thường, yên bình, giản dị, tinh tế mà sau này còn được tiếp tục bởi bao áng văn chương thú vị của các nhà văn hiện đại (từ hình ảnh ông đồ ngồi bên hè phố đến các món ngon Hà Nội, thú uống trà, thưởng hoa, câu cá…, những cái đẹp “Vang bóng một thời” đến thiên truyện ngắn thâm trầm mà hài hước “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải). Chúng tôi tin rằng khát vọng hòa bình của trí thức nho sĩ Thăng Long tiêu biểu cho ý thức nhân dân mới thực sự là ngọn nguồn của danh hiệu “Hà Nội thành phố hòa bình” hôm nay (Tổ chức LHQ dựa trên những tiêu chuẩn nào đó xét phong tặng Hà Nội là thành phố hòa bình, nhưng có thể họ có con mắt xanh nhìn thấy cái đẹp hoà bình tiềm ẩn tự bên trong tâm hồn nghệ sĩ bao đời ở vùng đất này).

Nguyễn Huy Lượng một thi nhân không bốc đồng với một triều đại, ông vẫn nhìn đời bằng con mắt triết học lịch sử, con mắt người Thăng Long- nơi chứng kiến bao cuộc đổi thay kinh thiên động địa. Đặt triều đại Tây Sơn vào trường kỳ lịch sử dân tộc, ngắm nhìn mặt nước Hồ Tây, ông suy ngẫm về sự biến dịch của thế giới:

 

“Vầng trăng nọ buổi tròn buổi khuyết;
Ngọn nước kia nơi hoắm, nơi nhô”

Nếu cần tóm tắt bài phú ông Lượng trong một câu, ta có thể đọc câu này:

“Đem phong cảnh lại một bầu chi nhỏ”

 

Nhà thơ - quan chức Nguyễn Huy Lượng đã đem phong cảnh Tây Hồ và một thời đại lẫy lừng tuy không dài chứa đựng trong cái “bầu thơ phú” của một kẻ sĩ Thăng Long Hà Nội giàu chất nghệ sĩ hơn là chất quan chức, không tham vọng mà chỉ tha thiết với hoà bình yên ổn. Đó chính là sức hấp dẫn bên trong của một bài phú nôm độc nhất vô nhị trên hai trăm năm qua.

Ths.Phùng Hoài Ngọc

Đại học An Giang


CHÚ THÍCH & TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1), (2) Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, Nxb Lao động, tái bản lần 3 năm  2009, trang 312

(3) Thăng Long –Hà Nôi ngàn năm văn hiến, Nxb Lao động, tái bản lần 3-2009

      trang 342.

(4) Dẫn lại theo Lê văn Hảo http://maxreading.com/?chapter=29254

(5) Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII- hết thế kỷ XIX- Nhà xuất bản Giáo

     dục 1999 trang 220.

(6) CAND cuối tháng, đăng lại trên Web

     http://antgct.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=53602

 (7)  Danh nhân Hà Nội, Vũ Khiêu (chủ biên), NXB Hà Nội, 2004, tr.494- 502.

8.     Lịch sử thủ đô Hà Nội (Nhà xuất bản Lao động, chủ biên Trần Huy Liệu, Hà Nội, 2009 in lần thứ ba)

 


Phụ lục

 

Tụng Tây Hồ phú

(Nguyễn Huy Lượng)

Lạ thay cảnh Tây hồ !
Lạ thay cảnh Tây hồ !
Trộm nhớ thuở đất chia chín cõi,
Nghe rằng đây đá mọc một gò 

Trước Bạch Hồ vào ở đó làm hang, Long vương trổ nên vùng đại trạch, 
Sau Kim Ngưu  do vào đây hóa vực, Cao vương đào chặn mạch hoàng đô 


Tiếng nghe gọi Dâm Đàm, Lãng Bạc,
Cảnh ngầm in tinh chử, băng hồ 
Sắc rờn rờn nhuộm thức lam xanh, ngỡ động bích nổi lên dòng lẻo lẻo,
Hình lượn lượn uốn vòng trăng bạc, tưởng vầng ngân rơi xuống mảnh nhò nhò ,
Dư nghìn mẫu nước trời lẫn sắc,
Trải bốn bên hoa cỏ nhiều mùa.
Áng đất phơi mỏ phượng còn in, kể rằng đài thượng nguyệt 
Vũng nước hút hàm rồng chẳng cạn, người gọi trản trung tô 
Tòa thạch tháp nọ nơi tiên để báu,
Chôn thổ đôi kia chỗ khách chôn bùa.
Đền Mục Lang hương lửa chẳng rời, tay lưới phép còn ghi công bắt hổ
Quán Trấn Vũ nắng mưa nào chuyển, lưỡi gươm thiêng còn để tích giam rùa.
Kề bến nọ, quán Thiên Niên lớp lớp
Cảnh ngàn kia, ghềnh Vạn Bảo nhấp nhô
Tòa Kim Liên sóng nổi mùi hương, chùa Trấn Quốc tưởng in vùng tĩnh phạn 
Hàng cổ thụ gió rung bóng lục, tràng Phụng Thiên nhận sẵn thú Nghi, Vu 
Dấu Bố Cái rêu in nền phủ 
Cảnh Bà Đanh hoa khép cửa chùa 

Trông mơ màng dường đỉnh Thứu  nơi kia, vài tổ thước cuối làng kêu chích chích,
Nghe phảng phất ngỡ động Đào mai nọ, mấy tiếng gà trong trại gáy o o .
Lò Thạch Khối khói tuôn nghi ngút ,
Ghềnh Nhật Chiêu sóng giật ì ồ ,
Rập rềnh cuối bãi Đuôi nheo, thuyền thương khách hãy chen buồm bươm bướm,
Thanh lảnh đầu hồ Cổ ngựa tháp cao tăng còn hé cửa tò vò.
Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng 
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co.
Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi canh ghẹo hai phường dệt gấm 
Sen vũng nọ nẩy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò.
Cầm ve gẩy lầu thư ánh ỏi,
Mõ cuốc khuya án kệ rì rù.
Gò Châu Long khi ngọn gió đưa quanh, hồi thú cổ thẳng kề bên mái Trúc
Non Phục Tượng lúc vầng trăng hé nửa, tiếng hàn châm nghe cách giải sông Tô 
Người ngoạn cảnh thẩn thơ đòi đoạn,
Khách thâu nhàn lai láng từng khu.
Mảnh áo tơi lốp xốp trong mưa, ca Thanh Thảo quyến đàn trâu gã Nịnh 
Con thuyền trúc lân la trước gió, khúc Thương Lương đưa gánh củi chàng Chu 
Vầy cuộc ẩn, mọi nghề chẳng thiếu,
Mượn thú vui bốn bạn gồm no.
Cảnh Khán Sơn  chưa gác cột cờ, lòng thơ đã bôi hồi ban lãnh thỏ 
Làng Võng Thị còn đông tiệc rượu, tiếng cầm đà não nuột buổi tà ô.
Khách Ngô Sở chợ tây ngồi san sát,
Người Hy Hoàng song bắc ngáy phi pho.
Bến giặt tơ người vốc nước còn khuya, gương thiềm đựng trong tay lóng lánh,
Vườn hái nhị kẻ giày sương hãy sớm, túi xạ rơi dưới gót thơm tho .
Ngang thành thị, ghé yên hà một thú,
Dọc phố phường, tung phong nguyệt hai kho.
Gió hiu hiu dòng Nhị thủy đưa lên, lồng hơi mát tới chùm hoa khóm trúc
Trăng vằng vặc mái Tam Sơn rọi xuống, đớp bóng trong từng lũ cá, đàn cò.

Phong cảnh cũ nhiều nơi thắng lãm,
Triều đại xưa mấy lớp thanh ngu.
Tựa bóng hoa đặt quán quan ngư, kia đời Gia Khánh
Đè mặt sóng đem đường dụ tượng, nọ thuở Kiền Phù 
Trải Trần trước đã nhiều phen xe ngựa,
Tới Lê sau càng lắm độ tán dù .
Trộm nhớ thiên bát vịnh du hồ, trong tỷ hứng cũng ngụ lời quy phúng,
Lại nhớ khúc liên ngâm thưởng nguyệt, lúc tiếu đàm thường thỏa ý giao phu.
Tòa đá nọ hãi ghi câu canh họa,
Dòng nước kia dường nổi chén tạc thù .

Năm sau từ nổi bụi tiêu tường ba thước nước khôn cầm màu hiệu khiết,
Buổi ấy cũng góp phần tang hải, sáu thu trời bao xiết nỗi hoang khô .
Hình cây, đá, mưa trôi gió giạt,
Sắc hoa, chim, mây vẩn sương mù.
Chốn tri đàm lâm bợn vẻ thanh quang, xuôi ngược những vẫy đuôi khoa đẩu 
Nơi phạn vũ để che màu sảng lãng, dọc ngang treo mắc võng tri thù 
Hương cổ miếu đôi chòm lạnh lẽo,
Đèn viễn thô mấy ngọn lù mù.
Kênh đâu đâu đều chảy đến trung sa, lầu túc điểu gió còn sớm quạt,
Sen chốn chốn đã bay về Tây Vực vũng du ngư nguyệt hãy tối mò.
Kêu trị, loạn, đau lòng con đỗ vũ 
Gọi công, tư, mỏi miệng cái hà mô 
Lũ cây mây lầm tưởng bóng nghê, thơ Thất nguyệt thở than cùng mục thụ 
Khách điếu nguyệt biếng tìm tăm cá, chữ Tam mô bàn bạc với tiều phu
Nghe xóm nọ rù rì ve nhặng ,
Ngắm ghềnh kia thấp thoáng trai cò.
Thú cao lưu chếch mác thế cờ, người nhạo thủy ôm cầm khi rạng quế,
Màu yên cảnh bâng khuâng hồn rượu, khách đăng đài gác bút buổi bay ngô
Chiêu phong vị xem dường quạnh quẽ,
Dấu đồ thư ngắm hãy mơ hồ.
Dưới cầu vồng nước chảy mênh mông, đường xưa đưa ngựa,
Trên thành trĩ đá xây lởm chởm, bến cũ gọi đò.

Trước cố cung treo nửa mảnh gương loan, vừng trăng he hé,
Sau cổ tự gửi mấy phong da ngựa, đám cỏ lù rù.
Lớp canh dịch người xưa man mác,
Vẻ tiêu lương cảnh cũ thẹn thò.
Áng phồn hoa vì cảnh muốn phô người, người trải khi vật đổi sao dời, cảnh phải chiều người buổi ấy,
Trời thanh lãng có người mến cảnh, cảnh có sẵn nước trong trăng sáng, người nên phụ cảnh này ru ?

Vầng trăng nọ buổi tròn buổi khuyết;
Ngọn nước kia nơi hoắm, nơi nhô
Tới Mậu Thân từ rõ vẻ tường vân, sông núi khắp nhờ công đãng địch;
Qua Canh Tuất  lại tưới cơn thời vũ, cỏ cây đều gội đức triêm nhu 
Vũng trì chiểu nước dần dần lặng;
Nơi đình đài hoa phới phới đua.
Chốn bảy cây, còn mấy gốc lăng vân, chẳng tùng bách cũng khoe hình thương lão;
Nơi một bến đã đóng đoàn hý thủy, tới uyên ương đều thỏa tính trầm phù.
Vẻ hoa thạch châu thêu, gấm dệt,
Tiếng trùng cầm, ngọc gõ, vàng khua.
Bãi cỏ non trâu thả, ngựa buông, nội Chu đã lắm người ca ngợi;
Làn nước phẳng kình trầm, ngạc lặn, ao Hán nào mấy trẻ reo hò
Mặt đất đùn này thóc, này rau, rầu lòng Cô Trúc,
Mặt nước chảy nọ dòng, nọ bến, mặc chí Sài, Do.
Cây quán kia còn đứng dậy thần uy, đoàn Mán tới dám khoe lời “Tây hữu” 
Sen chùa nọ lại bay về Phật cảnh, lũ Ngô về từng niệm chữ Nam mô.

Dấu linh dị rành rành vẫn sáng,
Mạch hậu nhân dằng dặc bao rò.
Mặt thành xưa đem lại thế kim thang, đất xây phẳng lặng;
Cánh hàn cũ sửa ra hình chỉ trụ đá xếp xô bồ.

Ghé vùng danh nẻo lợi bấy lâu, cảnh tuy rằng nhỏ;
So nước trí non nhân mấy chốn, cảnh đã chi thua.
Trải mấy thu từng tựa bóng tàn xanh, thâu cảnh đã vào trong vũ trụ.
Song nghìn dặm đã xa vời bệ tía, góp cảnh còn gọi chốn biên ngu,

Tuy thú vị đã giãi bày ra đó
Sóng thanh dung còn trang điểm lại cho.


Nay mừng
Trời phù chính thống,

đất mở hoành mô.

Quyền tạo hóa tóm vào trong động tác;
Khi càn khôn vận lại trước đô du
Nền hoàng thành đặt vững Long Biên, ngôi bắc cực muôn phương đều cùng hướng;
Nền bắc trạch xây kề Ngưu chử, cảnh Tây hồ trăm thức lại phương phu 
Chòm hủ thảo chưa qua tuần đom đóm,
Ánh tường vân đà cách độ tua rua.
Ngắm nguyệt, chiêm từ cấn tượng bốn hào, ống âm dương đà quét bụi;
Xem tuế luật đến Di tân bảy tấc, lò thiên địa mới bay tro
Cơ vãng phục lạnh thôi lại ấm;
Lẽ doanh thâu bớt đã lại bù.
Dưới lục âm vừa sinh khí nhất dương vạn phẩm đã nhờ ơn khôn tạo;
Trên cửu đạo lại tề ngôi thất chính, bốn mùa đều theo hướng đẩu khu.
Hương khâm kính xông miền hiệu đãng 
Rượu cung kiền thấm cõi linh u.
Áng năm mây bày ngọc bạch đôi hàng, thảo mộc hãy ca công Thang, Vũ;
Vang chín bệ nổi tiêu thiều mấy khúc, điểu thú đều vũ đức Đường, Ngu.
Vẻ hoa lẩn dấu cờ năm thức,
Mặt nước in bóng giáo ba ngù.
Trước huân phong phảng phất cung đàn, làn thâm thủy muốn vái lên ngũ bái,
Dưới ngọ nhật vang lừng tiếng trúc, hình viễn sơn mong rạp xuống tam hô.
Lễ nhạc ấy nghìn thu ít thấy,
Phong cảnh này mấy thuở nào so.
Trên dưới đều rồng mây cá nước phải duyên, giọt vũ lộ tươi đôi hàng uyên lộ;
Gần xa cũng bờ cõi non sông một mối, tấm đan thành dung khắp lũ nghiêu sô

Hơi yêu mị quét dưới cờ thanh đạo,
Áng tường quang tuôn trước ngọn huyền lô.
Rặng đầu gềnh người mượn chữ vu viên răn loài hồng nhạn;
Ca cuối vũng kẻ ngâm tại chử, nhủ lũ ê phù.
Lời ca ngợi, tưởng ngồi trong Chu Nhã 
Điệu ngâm nga, nghe đứng giữa Nghiêu cù

Ngẫm nay đà vui thú tạc canh, đành chốn chốn cũng ca đồng vũ tẩu;
Nhớ trước đã thỏa loài động thực, hẳn đâu đâu đều bặt quỷ êm hồ.
Nay lệnh tiết đã tin điềm thái lãng;
Xin thánh nhân càng ghín chữ dự du 
Ngọn nguồn tuôn ràn rụa mái kia ghềnh, đàn chiếu thủy chia dòng Kinh, Vị;
Chòm cỏ mọc tần vần bên nọ miếu, trống thôi hoa rẽ khóm huân, do
Nhận giá sắc, xét dân phong cần, nọa;
Ngắm phong quang, soi vật tính thanh, ô.
Chốn chiểu đài, xem cá nhảy chim bay, thâu sĩ lộ nơi thông nơi trệ;
Miền thôn ổ, lắng chim kêu gà gáy, lượng nhân gian nơi háo, nơi trù.
Tinh u uẩn khắp bày trên thị thính,
Hiệu trị bình đành sắp dưới tề tu.
Nơi mạch kia dân tựa, ấy làm trời, hang chuột ẩn há chừa nơi cỏ khuất.
Bờ liễu nọ kẻ xây, đà vững đất, lỗ kiến đùn khôn chuyển buổi nguồn xô
Đem phong cảnh lại một bầu chi nhỏ,
Mở thái bình ra bốn bể mới to.

Tôi nay

Hổ mình thiển lậu,
Dại trí sơ thô
Dư một kỷ yên bề hu lịch
Ngoài năm tuần thẹn bóng tang du .
Trước phượng đàn đứng sánh hàng loan, trông hồ cảnh tiến một chương ly ngữ 
Bên ngự đạo ngửa trông vừng nhật, nổi thanh sơn mừng muôn kỷ dao đồ


[Tụng Tây Hồ phú- Bản phiên âm quốc ngữ của Thư viện Khoa học (ký hiệu AB299)- Dẫn lại theo sách Thăng Long- Hà Nội ngàn năm văn hiến]

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Cành Mai Trước Sân Cành Mai Trước Sân
17/11/2009 04:19:00
Next

Đăng nhập