Truyện ngắn “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải

Đã đọc: 18042           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Văn chương thuộc lĩnh vực nghệ thuật thể hiện sự sáng tạo độc đáo. Một nhà văn có tài thường bộc lộ cá tính sáng tạo không phải chỉ ở việc phát hiện và phản ánh hiện thực mà còn ở cách thức thể hiện vấn đề nhằm đạt được giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cao.

Nguyễn Khải là một trong những nhà văn có cá tính sáng tạo độc đáo. Nhạy cảm phát hiện hiện thực cuộc sống ở những góc độ khác nhau, ông đã đem đến cho người đọc cảm giác thú vị khi tiếp cận tác phẩm của ông qua hình thức phản ánh độc đáo, sáng tạo. Hà Nội là một đề tài tạo nhiều cảm hứng sáng tạo cho nhà văn. Trong truyện ngắn “ Một người Hà Nội” (tác phẩm được giảng dạy ở chương trình Ngữ văn lớp 12 nâng cao), hình ảnh con người Hà Nội, cuộc sống Hà Nội qua sự cảm nhận suy ngẫm, vốn trải nghiệm cuộc sống sâu sắc của nhà văn đã hiện ra với một vẻ đẹp riêng. Điều ai cũng nhận thấy ở truyện ngắn này là qua hình ảnh cô Hiền, tác giả muốn khắc đậm bản lĩnh, cốt cách, vẻ đẹp tâm hồn người Hà Nội biểu lộ qua lối sống lịch lãm, sang trọng thể hiện bản sắc văn hóa Hà Nội. Cô Hiền là hình ảnh của một người phụ nữ luôn trân trọng, nâng niu và có ý thức giữ gìn những nét đẹp của văn hóa truyền thống Hà Nội. Xây dựng nhân vật này, nhà văn đã bộc lộ quan niệm nghệ thuật riêng về con người mà cái chuẩn qui chiếu được đặt ra là lối ứng xử văn hóa cá nhân của con người thể hiện bản lĩnh của người Hà Nội. Bài viết không nhằm đề cập sâu đến vấn đề này mà muốn bàn luận đến lối trần thuật  sáng tạo để phản ánh vẻ đẹp trong chiều sâu tâm hồn, tính cách con người Hà Nội qua bao biến động thăng trầm của đất nước, qua đó nhà văn thể hiện quan niệm nghệ thuật của mình về cuộc sống, về con người Hà Nội.

Truyện ngắn, một thể loại tự sự trong văn học bao giờ cũng phản ánh cuộc sống qua con người, hành vi, sự kiện được kể lại bởi một người kể chuyện nào đó, qua đó ta hiểu được sự nhận thức đánh giá của nhà văn đối với cuộc sống. Do đó tác phẩm bao giờ cũng có hình tượng người trần thuật với vai trò kể lại, tả lại những diễn biến, sự việc và khắc hoạ nhân vật trong câu chuyện. Người kể có thể xuất hiện ở các ngôi kể khác nhau, có thể ở ngôi thứ nhất  “tôi” để trực tiếp kể nhưng cũng có thể ở ngôi thứ ba không tham gia câu chuyện,  cũng không nói thẳng ra là tôi kể mà cứ để cho sự việc hiện dần lên và tự nó diễn biến đến kết thúc như nó vốn có. Các hình thức xuất hiện của người kể tạo thành hai kiểu trần thuật cơ bản: kiểu trần thuật khách quan ( kể từ ngôi thứ ba) và kiểu trần thuật chủ quan ( kể  từ ngôi thứ nhất).

Một người Hà Nội là truyện ngắn của Nguyễn Khải được xây dựng theo lối trần thuật chủ quan với người trần thuật ở ngôi thứ nhất xưng “tôi”. Theo lối kể này, nhân vật “tôi” vừa là người có vai trò trần thuật vừa là người tham gia vào câu chuyện, có mối quan hệ với  các nhân vật trong câu chuyện. Vì thế bên cạnh nhiệm vụ tái hiện lại câu chuyện, nhân vật “tôi” cũng có vai trò bình đẳng với các nhân vật khác, có thể bộc lộ cá nhân mình với những biểu hiện về tính cách, tâm lý, suy nghĩ… Trong tác phẩm này, sự tự bộc lộ cá nhân của người kể thể hiện khá đậm. Do vậy dõi theo câu chuyện, có thể nhận thấy cùng với sự việc khách quan được người kể dẫn dắt có sự đan xen những dòng suy nghĩ nội tâm của người kể chuyện. Nhân vật “tôi” đã vừa kể vừa suy ngẫm về những vấn đề được kể cho nên người đọc có thể vừa theo dõi câu chuyện vừa có thể hiểu được những suy nghĩ có tính chất chủ quan của người kể. Câu chuyện vì thế không hoàn toàn khách quan, người kể luôn lộ diện để suy ngẫm, để bình luận, triết lí một vấn đề nào đó qua những dòng độc thoại nội tâm. Ví như đang kể  chuyến về Hà Nội thăm người cô nay đã già, người kể vừa kể vừa tả vừa bộc lộ suy nghĩ về hành động của người cô từ đó nghĩ về nét đẹp của văn hoá Tết ở Hà Nội : “ Cô đang lau một cái bát thủy tiên men đỏ, hai cái đầu rồng gắn nối bằng đồng, miệng chân cũng đều bịt đồng, thật đẹp. Bên ngoài trời rét, mưa rây lả lướt chỉ đủ làm ẩm áo chứ không làm ướt, lại nhìn một bà lão ( nếu là một thiếu nữ thì phải hơn) lau đánh cái bát bày thủy tiên thấy Tết quá, Hà Nội quá, muốn ở thêm ít ngày ăn lại cái tết Hà Nội. Năm nay chắc chưa thể có thủy tiên. Dân Hà Nội nhảy tàu lên Lạng Sơn buôn bán đủ thứ mà không buôn được vài ngàn củ thủy tiên nhỉ? Ví thử có thủy tiên liệu còn có người biết gọt tỉa thủy tiên. Lại thêm cái cách sống, cái tâm lí sống ồ ạt, xô bồ, vụ lợi của đám người vừa thoát khỏi cái khổ đã dễ gì có được sự bình tĩnh để thưởng thức vẻ đẹp trang trọng của một dò hoa thủy tiên.”. Do đặc điểm lối trần thuật của Nguyễn Khải có sự đan xen giữa việc kể, tả với bộc lộ cá nhân ở những suy nghĩ, phân tích, bình luận sự việc đậm màu sắc triết lí nên sự việc được kể không hoàn toàn khách quan, người đọc có thể hiểu được vấn đề tác giả phản ánh và cả quan điểm của người kể. Cách kể như thế đã làm rút ngắn khoảng cách giữa người kể với câu chuyện cùng với những nhân vật trong truyện, do vậy độ chân thật của truyện cũng sẽ cao hơn. Với lối kể này, giọng trần thuật của truyện cũng mang nét riêng thâm trầm sâu lắng. Nhịp điệu câu chuyện chậm rãi lắng sâu vào suy tư của nhân vật “tôi”, một con người có nhiều trải nghiệm trong cuộc đời nên đã phát hiện ra những vấn đề tinh nhạy, những bài học nhận thức mang rõ chủ kiến sâu sắc của nhà văn. Những đúc kết từ sự trải nghiệm  tác giả đặt ra đã đem đến cho người đọc sự suy nghĩ trước những vấn đề của cuộc sống hiện đại. Vì thế tác phẩm như một sự đối thoại, chia sẻ với bạn đọc vấn đề tác giả chiêm nghiệm, suy tư. Cuối truyện khép lại tác phẩm là đoạn văn: “Cô muốn mở rộng sự tính toán vốn dĩ đã rất khôn ngoan của mình lên thêm một tầng nữa chăng, cái tầng vô hình không thể biết để khỏi bị bó vào những cái có thể biết. Bà vẫn giỏi quá, bà khiêm tốn và rộng lượng quá. Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng.”. Đoạn văn đã để lại một dư âm vấn vương trong lòng người đọc, gợi sự suy nghĩ về một vấn đề mà tác giả đặt ra: Nét đẹp xưa của thủ đô với truyền thống văn hóa lâu đời liệu có còn được gìn giữ bảo tồn khi Hà Nội đang trên đà hiện đại hơn xưa? Có lẽ đây là vấn đề tác giả quan tâm và muốn chia sẻ, đối thoại với người đọc. Bằng lối kể như trên, tác giả đã rút ngắn khoảng cách giữa người đọc và câu chuyện, tạo sự dân chủ trong đối thoại giữa tác giả và người đọc.

Đọc truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải, người đọc còn cảm thấy hấp dẫn, lí thú do lối kể  có nét mới lạ độc đáo của tác giả. Nhà văn luôn đặt vấn đề ở nhiều điểm nhìn và cách đánh giá khác nhau: của người kể, của từng nhân vật. Trong truyện thường có sự chuyển vai linh hoạt, sự luân phiên điểm nhìn và ý thức từ người kể đến nhân vật, từ nhân vật này đến nhân vật khác trong việc thể hiện suy nghĩ trước vấn đề tác giả đặt ra. Chẳng hạn ở phần 3 của truyện ( SGK 12 nâng cao trang 74,75), vấn đề được đặt trong điểm nhìn và ý thức của người kể. Nhân vật “tôi” đã bộc lộ tâm trạng của mình được sống năm đầu ở Hà Nội vừa giải phóng là vui, là “cực kì khoan khoái”. Nhưng để cái nhìn khách quan hơn, tác giả đã đặt vấn đề ở những góc nhìn của những con người khác nhau, những người Hà Nội như cô Hiền, hay chị vú để cho nhân vật bộc lộ suy nghĩ. Ở góc nhìn của cô Hiền, một người phụ nữ Hà Nội vốn sống trong khuôn phép thì tuy vui nhưng “ chính phủ can thiệp vào nhiều việc của dân quá, nào phải tập thể dục buổi sáng, phải sinh hoạt văn nghệ  mỗi tối, vợ chồng phải sống ra sao, trai gái phải yêu nhau như thế nào, thậm chí cả tiền công sá cho kẻ ăn người ở…”. Ở góc nhìn và sự đánh giá của chị vú, người làm công thì chị cho rằng: “Cách mạng gì toàn để ý đến những chuyện lặt vặt”. Có khi ý thức suy nghĩ, quan điểm của nhân vật như có sự đối thoại với người kể. Ví như khi người cô răn dạy lũ trẻ: “ Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tuỳ tiện, buông tuồng”. Quan niệm này như được đặt trong sự đối thoại với quan niệm của người kể ngay sau đó: “Chúng tôi là người của thời loạn, các cụ lại bắt dạy con cái theo  thời bình là khó lắm”. Sự đối thoại về ý thức như thế tạo nên sự thay đổi điểm nhìn linh hoạt làm cho khoảng cách giữa người kể và nhân vật trở nên gần gũi. Cách kể sự việc dưới nhiều góc nhìn, điểm nhìn về cuộc sống, con người Hà Nội ở một giai đoạn mới của xã hội giúp cho người đọc hiểu được tâm tư tình cảm, cách nghĩ và đời sống tinh thần của họ. Sự việc được kể vì thế khách quan hơn đồng thời cách kể cũng trở nên linh hoạt, sinh động, hấp dẫn chứ không đều đều, nhàm chán.

Do sự trần thuật có sự đan xen giữa lời kể khách quan của câu chuyện với suy nghĩ chủ quan của người kể và ý thức của nhân vật nên lời văn nghệ thuật cũng biến hoá linh hoạt. Trong truyện, tác giả sử dụng lời gián tiếp khi dẫn dắt câu chuyện đan xen với lời trực tiếp khi dẫn lời nhân vật hay bộc lộ suy nghĩ nội tâm của chính mình. Có khi tác giả lồng vào trong lời kể ý thức, quan điểm, suy nghĩ của nhân vật bằng lời văn nửa trực tiếp, tức lời gián tiếp nhưng đã mang ý thức và ngữ điệu của nhân vật. Chẳng hạn đoạn văn sau đây: “ Cô than thở với tôi rằng dạo này cô thường nghĩ ngợi mọi chuyện một cách duy tâm, y hệt một bà già nhà quê. Mùa hè năm nọ, bão vào Hà Nội gào rú một đêm, sáng ra mở cửa nhìn sang đền Ngọc Sơn mà hãi. Cây si cổ thụ đổ nghiêng tán cây đè lên hậu cung, một phần bộ rễ bật đất chổng ngược lên trời. Lập tức cô nghĩ ngay tới sự khác thường, sự dời đổi, điềm xấu, là sự ra đi của một thời. Với người già, bất kể ai, cái thời đã qua luôn luôn là thời vàng son của họ. Hà Nội thì không thế. Thời nào nó cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho mọi lứa tuổi”. Đoạn văn đã có sự hoà trộn giữa giọng điệu của người trần thuật và giọng của nhân vật. Để tạo sự khách quan trong khi kể, nhà văn không đứng ngoài để miêu tả mà nhập vào ý thức nhân vật để nhân vật tự nói lên suy nghĩ, tâm tư của mình. Bằng cách này nhà văn đã vừa kể vừa thâm nhập vào ý thức nhân vật. Điều này đã làm cho lời văn có tính đa thanh, đa giọng và biến hoá linh hoạt.

Đọc văn Nguyễn Khải, người đọc dễ dàng nhận thấy  nghệ thuật trần thuật theo một lối riêng của ông. Không thuật kể theo lối thông thường để tái hiện sự việc, truyện của ông thiên về lối kể qua suy ngẫm, chiêm nghiệm của bản thân về cuộc sống, qua lối đối thoại mang tính dân chủ với người đọc. Điều này đã tạo nên một nét phong cách rất riêng thể hiện cá tính sáng tạo độc đáo của nhà văn. Có lẽ đây là một yếu tố tạo nên sự thú vị, hấp dẫn cho người đọc khi tiếp cận tác phẩm của ông. Đọc “ Một người Hà Nội” cũng có thể thấy Nguyễn Khải là một nhà văn hiểu Hà Nội sâu sắc, yêu và say mê nét đẹp văn hóa người Hà Nội và thiết tha muốn lưu giữ mãi mãi nét đẹp văn hóa chốn kinh kỳ.

 

Ngô Thị Hy, Thạc sĩ

Giảng viên bộ môn Ngữ văn, khoa Sư phạm, trường Đại học An Giang

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

1.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Cành Mai Trước Sân Cành Mai Trước Sân
17/11/2009 04:19:00
Next

Đăng nhập