Những nét đặc trưng trong thơ Thiền Trần Nhân Tông

Đã đọc: 17975           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Từ góc độ tư tưởng thiền học và cảm quan văn học, các bài thơ của Trần Nhân Tông phong phú về thể loại và hàm xúc ý nghĩa về thiền học, về cơ bản có thể phân thành năm loại phong cách như sau: 1.Ngộ: Vô thường vô ngã thiền thơ; 2.Ngộ: Trực cảm tâm linh thiền thơ; 3.Ngộ: Thủy nguyệt điền viên thiền thơ ; 4.Ngộ: lâm tuyền dã thú thiền thơ; 5.Ngộ : Sơn thôn lạc chiếu thiền thơ.

Trong tiến trình hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung, và gần 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng, đất nước ta đã có một thời gian dài Bắc thuộc, vì vậy mà trong lĩnh vực đời sống xã hội và phong tục tập quán, cũng như văn học ngôn ngữ hay tín ngưỡng tôn giáo v.v..., đều có sự ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc từ nền văn minh Trung Hoa.

       Trãi qua thời gian gần 10 thế kỷ lệ thuộc Trung Hoa (179 TCN-938 CN), đến thời kỳ đất nước giành được độc lập chủ quyền dân tộc, thì giai đoạn Lý-Trần  được đánh giá là thời kỳ hưng thịnh của dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có sự thành tựu đáng kể về lãnh vực văn học nghệ thuật, đặc biệt là văn học Phật giáo. “có thể nói, văn học Phật giáo Lý-Trần là một tiếng nói rất riêng ‘một đi không trở lại’. Tiếng nói ấy chính là tinh hoa của thời đại Phật giáo cực thịnh, là tinh hoa của văn học Phật giáo Việt Nam, góp phần làm cho nội dung văn học Việt Nam thêm đa dạng và phong phú.”[1]

       Với quá trình tô bồi cho vườn hoa văn học nghệ thuật của dân tộc Việt Nam thêm phần đặc sắc, trong đó có một ngòi bút uyển chuyển đầy năng lực, đó chính là sơ tổ Trúc Lâm thiền phái, Phật hoàng Trần Nhân Tông, một nhà văn hóa lớn và cũng là một vị anh hùng của dân tộc Việt Nam.   

Vì chịu ảnh hưởng sâu rộng từ nền văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa, nên nền văn học của Việt Nam thời Trần chủ yếu là sử dụng Hán ngữ làm phương tiện biểu đạt. Tuy nhiên, đến giai đoạn Trần Nhân Tông trị vì, Ngài đã khuyến khích toàn dân nên dùng song song hai loại chữ viết, đó là chữ Hán và chữ Nôm, một sự sáng tạo về chữ viết đã được ra đời và tương đối hoàn chỉnh trong triều đại nhà trần.

Trước khi Trần Nhân Tông khai sáng thiền phái Trúc Lâm, đã có ba thiền phái du nhập và bén rễ tại Việt Nam là: Tỳ Ni Đa Lưu Chi thiền phái, Vô Ngôn Thông thiền phái và Thảo Đường thiền phái. Các thiền phái này đều do các vị Thiền sư Ấn độ và Tăng nhân Trung Hoa khai sáng, nhưng đến khi Trúc Lâm Thiền Phái ra đời thì chính Phật hoàng Trần Nhân Tông đã khéo chắt lọc những tinh hoa tư tưởng của ba thiền phái trước, đồng thời kết hợp với văn hóa truyền thống, tâm linh tín ngưỡng của người Việt mà hình thành nên Thiền phái Trúc Lâm, mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo của người Việt. Nét đặc sắc của văn học thời Trần là đặc điểm thơ với thiền kết hợp, các Thiền sư, Tăng nhân và Cư sĩ thường làm thơ theo thể thơ Đường luật, nhằm biểu đạt thiền tâm ý cảnh của mình, đã làm cho thiền và thơ trở thành mối lương duyên bất hủ. Cho nên, sự kết hợp của thơ với thiền đã trở thành phong cách thanh cao nho nhã của hàng thi nhân biểu đạt sự cảm thụ thẩm mỹ văn học, hòa điệu với đời sống tinh thần phong phú, và họ thường sử dụng các thể loại như: vô thường vô ngã thiền thơ; trực cảm tâm linh thiền thơ; thủy nguyệt điền viên thiền thơ, lâm tuyền dã thú, sơn thôn lạc chiếu thiền thơ v.v…, nhằm thể hiện sự cảm khái rộng mở của tâm hồn trước những phong cảnh tuyệt vời từ thiên nhiên.

 Từ góc độ tư tưởng thiền học và cảm quan văn học, các bài thơ của Trần Nhân Tông phong phú về thể loại và hàm xúc ý nghĩa về thiền học, về cơ bản có thể phân thành năm loại phong cách như sau: 1.Ngộ: Vô thường vô ngã thiền thơ; 2.Ngộ: Trực cảm tâm linh thiền thơ; 3.Ngộ: Thủy nguyệt điền viên thiền thơ ; 4.Ngộ: lâm tuyền dã thú thiền thơ; 5.Ngộ : Sơn thôn lạc chiếu thiền thơ.

1. Ngộ: Vô thường vô Ngã thiền thơ

       Thiền học chánh tông chủ trương tu thân với tự nhiên và thoát ly thế tục, nghiêm trì tịnh giới với giữ gìn sáu căn thanh tịnh. Cần khai phát trí tuệ chân tâm là điều kiện tiên quyết để thể nhập thiền, chỉ khi nào bản tâm của thiền giả thanh tịnh chuyên chú mới thể nhập lý thiền và đạt thành sở ngộ. Trong những tác phẩm thơ thiền của Ngài Trần Nhân Tông, ít nhiều có biểu hiện của tham thiền và thể ngộ “vô ngã” giữa chủ thể và khách thể, quán sát các sự vật hiện tượng mà ngộ “vô thường”, dưới đây là một bài thơ thiền mà ý thơ nói lên tâm ngộ vạn vật “vô thường” của thi nhân.

山房漫興 [二]:

是非念逐朝花落,名利心隨夜雨寒。
花盡雨晴山寂寂,一聲啼鳥又春殘。

Hán Việt: Sơn Phòng Mạn Hứng (2)

Thị phi niệm trục triều hoa lạc,

Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.

Hoa tận vũ tinh sơn tịch tịch,

Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

Dịch nghĩa: Mạn Hứng Sơn Phòng (2)

Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm,

Long danh lợi lạnh theo trận mưa đêm.

Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch,

Một tiếng chim kêu lại cảnh xuân tàn.

Dịch Thơ: Mạn Hứng Sơn Phòng (2)

Phải trái rụng theo hoa buổi sớm,

Lợi danh lạnh với trận mưa đêm.

Hoa tàn mưa tạnh, non im lắng,

Xuân cỗi còn dư một tiếng chim.[2]

Ngồi tham thiền quán chiếu tại thiền thất trên núi, Trần Nhân Tông đã nhận rõ “thị phi với danh lợi” tựa như những ngày xuân đã và đang trôi đi ngoài kia, mùa xuân xắp kết thúc rồi và đâu thể tồn tại mãi với thời gian, nên ý thơ biểu đạt sự không ngừng đổi thay “vô thường” của vạn vật qua hai chữ “xuân tàn”. Rồi với tâm thái siêu phàm thoát tục, Ngài ngộ chủ thể là “vô ngã”, qua bài thơ thiền “sơn phòng mạn hứng”dưới đây.

山房漫興 [一]:

誰縛更將求解脫,不凡何必覓神仙。
猿閒馬倦人應老,依舊雲莊一榻禪。[3]

Hán Việt: Sơn Phòng Mạn Hứng (1)

Thùy phọc cánh tương cầu giải thoát,

Bất phàm, hà tất mịch thần tiên.

Viên nhàn, mã quyện nhân ưng lão,

Y cựu vân trang nhật tháp thiền.

Dịch Nghĩa: Mạn Hứng Sơn Phòng (1)

Ai buộc mà phải đi tìm phương giải thoát,

Chẳng phàm tục cần gì tìm thần tiên.

Vượn nhàn, ngựa mỏi, người cũng đã già,

Vẫn một chiếc giường thiền ở am mây cũ.

Dịch thơ: Mạn Hứng Sơn Phòng (1)

Ai trói buộc chi, tìm giải thoát?

Khác phàm đâu phải kiếm thần tiên.

Vượn nhàn, ngựa mỏi, ta già lão,

Như trước am mây chốn tọa thiền.

         Đây là một bài thơ hàm xúc lý thiền, bối cảnh sáng tác cũng tại sơn phòng, trong hai câu đầu của bài thơ, Trần Nhân Tông khẳng định bản thân đã có được sự tự tại tràn đầy niềm pháp lạc, không hề có sự ràng buộc nào nên không cần phải tìm cầu “giải thoát” ở đâu xa, tâm thái của Ngài đã đạt được cảnh giới “bất phàm”, nên không cần phải đi tìm đâu xa cảnh giới “thần tiên”.  Quả thật mỗi người khi thông qua quá trình tu tâm dưỡng tính lâu dài trong thuận cảnh thiện duyên, đều có khả năng đạt đến cảnh giới “giải thoát”.  

Hai câu sau Ngài khẳng định “bản ngã” của mỗi người là không thật có, vạn vật cũng không thể tồn tại bất biến và đều phải chịu sự chi phối của định luật vô thường, nên ý thơ “người phải già” và “am mây củ” đã nói lên đại ý các pháp ấn trong giáo nghĩa Phật môn.

2. Ngộ: Trực cảm tâm linh thiền thơ

       Theo tư tưởng triết học của Phật giáo nguyên thủy, “vô thường, vô ngã và khổ” là tam pháp ấn quan trọng. nhưng với tư tưởng thiền học của Phật giáo phát triển thì “thường; lạc; ngã và tịnh” đã bổ sung và làm phong phú thêm cho giáo nghĩa Phật đà trong tam tạng kinh điển, những khái niệm này dùng để biểu đạt cảnh giới tịnh độ Phật quốc. Bài kệ bốn câu thuộc thể thơ “thất ngôn tứ tuyệt” kết thúc hội thứ 10 của tác phẩm “cư trần lạc đạo phú” dưới đây của Trần Nhân Tông đã thể hiện tâm thái đại thừa của một vị sơ tổ khai sáng nên dòng thiền Trúc Lâm, đồng thời triển hiện yếu nghĩa nhập thế của tư tưởng thiền học đã được “Việt Nam hóa”, và dường như có sự kế thừa quan điểm “Phật pháp bất ly thế gian giác” của nam tông thiền học Trung Hoa.

居塵樂道:

居塵樂道且隨緣,飢則餐兮困則眠。
家中有寶休尋覓,對境無心莫問禪。[4]

 Hán Việt: Cư Trần Lạc Đạo

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,

Cơ tắc san hề khốn tắc mien.

Gia trung hửu bảo hưu tầm mích,

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Dịch nghĩa: Sống Đời Vui Đạo

Sống giữa phàm trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo,

Đói thì ăn, mệt thì ngủ.

Trong nhà sẵn của báu đừng tìm đâu khác,

Đối diện với cảnh mà vô tâm, thì không cần hỏi thiền nữa.

Dịch thơ: Sống Đời Vui Đạo

Cõi trần vui đạo, hãy tùy duyên,

Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền.

Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm,

Vô tâm trước cảnh, hỏi gì thiền.[5]

          Đây là một bài kệ hàm xúc lý thiền theo phong cách “trực cảm tâm linh” của thiền tông Việt Nam, cho nên chúng ta có thể thấy được tính “tùy duyên” của Phật giáo đại thừa, trong bốn câu của bài thơ, dường như mỗi câu đều nói lên những sinh hoạt bình thường trong cuộc sống, nhưng khi tổng hợp lại thì toàn bài kệ tràn đầy lý thiền nhập thế, chẳng khác chi “thỏng tay vào chợ” trong “thập mục ngưu đồ” của thiền tông Trung Hoa. Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, nếu để tâm thiền thường quán chiếu và tỉnh giác, hành giả có khả năng đạt được cảnh giới của thiền, và thấy được Phật tính tồn tại trong mỗi người khi “đối cảnh vô tâm”. 

3. Ngộ: Thủy nguyệt điền viên thiền thơ

      Với phong cách sáng tác đa dạng, Trần Nhân Tông đã thể hiện tâm hồn yêu thiên nhiên khi thưởng thức ngoại cảnh, và nắm bắt cảm xúc để sáng tác thơ, nên bút pháp của Ngài dễ dàng biểu đạt tâm thái thanh tân, siêu phàm thoát tục qua thi ngữ ngộ thiền. Trong phạm vi sáng tác thơ với chủ đề “thủy nguyệt điền viên” thi nhân cần có một tâm hồn mẫn cảm và sẵng sàng rung động trước cảnh đẹp tuyệt vời của thiên nhiên, đồng thời nắm bắt cảm xúc trào dâng trong tâm thức để viết nên những dòng thơ bất hủ. Bài thơ “đăng bảo đài sơn” dưới đây sẽ cho chúng ta cảm nhận được tâm hồn hết sức mẫn cảm và tinh tế của Ngài.    

登寶台山
地僻台逾古,時來春未深。
雲山相遠近,花徑半晴陰。
萬事水流水,百年心語心。
倚欄橫玉笛,明月滿胸襟。

Hán Việt:

Địa tịch đài du cổ,

Thời lai xuân vị thâm.

Vân sơn tương viễn cận,

Hoa kính bán tình âm.

Vạn sự thủy lưu thủy,

Bách niên tâm ngữ tâm.

Ỷ lan hoành ngọc địch,

Minh nguyệt mãn hung khâm.

Dịch nghĩa: Lên Núi Bảo-Đài

Đất hẻo lánh, đài them cổ kính,

Theo thời tiết, mùa xuân về chưa lâu.

  Núi mây như xa, như gần,

  Ngõ hoa nửa rợp, nửa nắng.

  Muôn việc như nước tuôn nước,

  Trăm năm lòng lại nhủ lòng.

  Tựa lan can nâng ngang chiếc sáo ngọc,

  Ánh trăng sáng chan hòa trước ngực.

  Dịch thơ: Lên Núi Bảo-Đài

  Đất vắng đài thêm cổ, 
  Ngày qua xuân chửa nồng. 
  Gần xa, mây núi ngất, 
  nắng rợp, ngõ hoa lồng. 
  Muôn việc nước trôi nước, 
  Trăm năm lòng nhủ lòng. 
  Tựa hiên, nâng sáo ngọc, 
  Đầy ngực, ánh trăng trong.[6]

Nội dung bài thơ thể hiện thủ pháp miêu tả cao diệu của thi nhân, từ ngữ thanh tân, ý thơ uyển chuyển, trang nhã và hữu tình theo thể thơ Đường luật “thất ngôn bát cú”. Tuy nhiên, ý thiền trong bài thơ không nhiều, dường như thi nhân có ý mô phỏng thơ Đường theo phong cách lột tả thiên nhiên, qua đó biểu đạt tâm cảnh thanh nhàn thoát tục của thi nhân hòa điệu với Phật tính bàng bạc trong hư không qua tư tưởng đại thừa, đây chính là sự tương quan xúc hợp hoàn mỹ giữa thiền với thơ.

4. Ngộ: Lâm Tuyền dã thú thiền thơ

武林秋晚

畫橋倒影蘸溪橫,一抹斜陽水外明。

寂寂千山紅葉落,濕云如夢遠鐘聲。

Hán Việt: Vũ Lâm Thu Vãn

Họa kiều đảo ảnh tram khê hoành,

Nhất nguyệt tà dương thủy ngoại minh.

Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc,

Thấp vân như mộng viễn chung thanh.

Dịch nghĩa: Chiều Thu Ở Vũ Lâm

Chiếc cầu chạm vẽ đảo bong vắt ngang dòng suối,

Một vệt nắng chiều rực sáng bên ngoài ngấn nước.

Nghìn núi lặng lờ, lá đỏ rơi,

Mây ướt giăng như mộng, tiếng chuông xa vẳng.

Dịch Thơ: Chiều Thu Ở Vũ Lâm

Lòng khe in ngược bóng cầu hoa,

Hắt bóng bờ khe, vệt nắng tà.

Lặng lẽ nghìn non, rơi lá đỏ,

Mây giăng như mộng, tiếng chuông xa.[7]

       Nội dung bài thơ này chứa dựng một phong cách “lâm tuyền dã thú” thơ, qua cách dụng từ mỹ hóa của ngôn ngữ thơ, độc giả dường như thấy được cảnh giới thiền, toàn bài thơ bốn câu theo thể thất ngôn tứ tuyệt cổ điển Đường luật, thi nhân đã dùng thủ thuật miêu tả khái quát bức tranh tuyệt đẹp. Hai câu đầu với các từ “họa kiều đảo ảnh”; “dương thủy ngoại minh” đã khái lược được cảnh sắc nền bức họa thơ. Hai câu sau với các từ “thiên sơn hồng diệp lạc”; “như mộng viễn chung thanh” đã mang sự rung cảm tâm hồn của thi nhân hòa vào bức họa, “xa xa vọng lại tiếng chuông chùa” làm cho bài thơ có sức sống mãnh liệt. Vì vậy, một khi độc giả thưởng thức được thiền cảnh trong tác phẩm này, có thể hiểu được thế giới tâm linh siêu phàm thoát tục và đời sống tinh thần vô cùng cao nhã của tác giả. 

5. Ngộ : Sơn thôn lạc chiếu thiền thơ

         Có thể nói Trần Nhân Tông là vị vua may mắn hơn ông nội là Trần Thái Tông và cha là Trần Thánh Tông, Ngài đã được thụ hưởng một môi trường giáo dục đầy đủ từ nhỏ trong cung vàng điện ngọc, nên tất cả những tri thức từ chiến lược quân sự cho đến văn học cổ đại lẫn Tứ Thư Ngũ Kinh v.v..., đặc biệt là ngón thơ thiền theo phong cách thơ Đường, Ngài đều đã được kinh qua. Với trí tuệ mẫn cảm và sự thông minh hơn người, Ngài đã sáng tác và để lại cho đời những bài thơ rất hay. dưới đây là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt theo phong cách “sơn thôn lạc chiếu”, có thể cho chúng ta thưởng lãm tài thơ xuất sắc của Ngài.  

諒州晚景      

古寺淒涼秋靄外,漁船蕭瑟暮鐘初。
水明山靜白鷗過,風定雲閒紅樹疏。[8]

Hán Việt: Lạng Châu Vãn Cảnh

  Cổ tự thê lương thu ái ngoại,

  Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ.

  Thủy minh, sơn tĩnh bạch âu quá,

  Sơn định, vân nhàn, hồng thụ sơ.

  Dịch Thơ: Cảnh Chiều Ở Châu Lạng

  Chùa xưa lạnh lẽo khói thu mờ,

  Chiều quạnh thuyền câu, chuông vẳng đưa.

  Núi lặng, nước trong, âu trắng lượn,

  Tạnh mây, im gió, đỏ cây thưa.[9]

Đây quả thật là bài thơ thiền theo phong cách “sơn thôn lạc chiếu” cổ điển, dường như thi nhân đã dốc cạn giọt thiền để thể hiện một bức họa cổ điển vô cùng tuyệt sắc. Hai câu đầu bài thơ có các từ “chùa cổ; sương thu; thuyền câu; chuông chiều” đã phác họa nên nền một bức tranh thiền lắng đọng. Hai câu thơ sau thi nhân đã khéo léo dùng từ cô đọng mà hàm xúc: “núi tĩnh; gió lặng; mây nhàn; nước trong; âu trắng” đã tô vẻ hoàn thiện cho bức tranh thêm phần diễm lệ. Trước tiên, thi nhân thể hiện tâm hồn như một người họa sĩ biểu đạt tình yêu quê hương đất nước của mình, và tác giả đã tiến thêm một bước trần hiện tâm thái thanh nhàn rung cảm trước cảnh kiều diễm của thiên nhiên. Qua đó, độc giả mỗi lần thưởng lãm đều cảm nhận trong thơ một bức tranh thiền tuyệt đẹp, làm cho tâm hồn bình thường được thăng hoa trong cảnh giới u nhàn tịch tịnh này.

         Đạo Phật nói chung, và Thiền tông nói riêng, luôn nhấn mạnh đến yếu tố mẫn tuệ tâm linh của hành giả, sự thấu triệt và sự thực hành phải tương ứng song song, nên nhà Thiền có câu: “ Hạnh giải tương ưng danh vi viết Tổ”, cho nên các “Tổ” khai sáng ra một tông phái nào đó trong Phật giáo, không phải người đó phải thuộc về dòng dõi quý tộc vua chúa, hay ở danh xưng, mà hành giả phải thực sự thông tỏ và thể nghiệm lý thiền ngay nơi cuộc sống thường nhật, hiện hữu ngay chân tâm vốn có của mình, và đồng thời làm cho Phật tính bên trong hiển lộ. Tổ khai sơn “Trúc Lâm thiền phái” Phật hoàng Trần Nhân Tông đều có đủ các yếu tố đó. Cách thể hiện tâm thiền của Ngài qua thơ thật là phong phú và sâu sắc, cụ thể và hàm xúc qua những tác phẩm thơ thiền mà Ngài đã để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

KẾT LUẬN

          Qua việc tìm hiểu sâu về thơ thiền Phật hoàng Trần Nhân Tông, một lần nữa khẳng định tài năng sáng tác và những đóng góp to lớn của Ngài cho nền văn hóa dân tộc, những tác phẩm thơ thiền của Ngài luôn là những đóa hoa tươi thắm lung linh khoe sắc trong vườn hoa văn học nước nhà, giúp các thế hệ hôm nay và mai sau tìm về nguồn cội để thưởng lãm, đồng thời qua đó ý thức giữ gìn, kế thừa và phát huy sự nghiệp văn hóa dân tộc bởi các thế hệ cha ông đã bao đời gầy dựng cho đất nước được rạng rỡ như hôm nay.

         Phật hoàng Trần Nhân Tông là một vị anh hùng của dân tộc, có những đóng góp vô cùng to lớn về nhiều mặt cho đất nước nói chung, và cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam nói riêng. “Vua đã trực tiếp lãnh đạo quân và dân nước ta, tập hợp được những nhà quân sự tài giỏi, huy động được tiềm lực của toàn dân, đánh thắng đội quân hung hãn, thiện chiến nhất thời bấy giờ, làm nên những chiến công oanh liệt Hàm Tử, Chương Dương, Bạch Đằng, Tây Kết lẫy lừng, đưa dân tộc ta lên đỉnh cao của thời đại”.[10]

        Đối với các thế hệ con cháu về sau, nhân cách và trí tuệ của Ngài sáng ngời như nhật nguyệt. Nói về lãnh đạo, Ngài là nhà lãnh đạo tài ba, về chính trị, Ngài là một nhà chính trị xuất chúng, về văn hóa, Ngài là một nhà văn hóa lớn, về tôn giáo, Ngài là nhà tôn giáo tuyệt vời. Phật giáo nói chung, và Thiền tông nói riêng, luôn khuyến khích mọi người sáng tạo và không ngừng vươn lên, hướng đến các giá trị chân thiện mỹ, luôn làm mới nội tâm và kiến tạo thế gian trở thành tịnh độ, phù hợp với tinh thần phát triển chung của xã hội xưa nay.

Tài Liệu Tham Khảo

  1. Nguyễn Duy chủ biên, Thơ Văn Lý-Trần, Nxb Viện Văn Học Khoa Học Xã Hội , năm 1988.
  2. Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Thơ Văn Lý-Trần 3 tập, Nxb Khoa Học Hà Nội, năm 1978.
  3. Nguyễn Công Lý, Văn Học Phật Giáo Lý-Trần Diện Mạo và Đặc Điểm, Nxb Đại Học Quốc Gia TP. HCM, năm 2003.
  4. Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông Toàn Tập, Nxb Phương Đông, năm 2010.
  5. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb Văn Học Hà Nội, năm 2008.
  6. Phương lựu chủ biên, Lý Luận Văn Học, Nxb Giáo Dục, năm 2006.
  7. Nguyễn Huệ Chi, Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, năm 2004.

[1]Nguyễn Công Lý, Văn Học Phật Giáo Lý-Trần Diện Mạo Và Đặc Điểm, tr 18, Nxb Đại Học Quốc Gia TP. HCM,2003. 

[2] Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Thi Văn Lý-Trần tập II, tr 469, Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội, năm 1988.

[3]Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Thi Văn Lý-Trần tập II, tr 469, Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội, năm 1988.

[4]Nguyễn Duy chủ biên, Thơ Văn Lý-Trần tập II ,hội thứ 10,tr 450, Nxb Viện Văn Học KHXH Việt Nam, năm 1988.

[5] Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Thi Văn Lý-Trần tập II, tr 510, Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội, năm 1988.

[6] Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Thi Văn Lý-Trần tập II, tr 457, Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội, năm 1988.

[7]Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Thi Văn Lý-Trần tập II, tr 467, Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội, năm 1988.

[8]Nguyễn Duy chủ biên, Thơ Văn Lý-Trần tập II ,bài 188,tr 467, Nxb Viện Văn Học KHXH Việt Nam, năm 1988.

[9] Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Thi Văn Lý-Trần tập II, tr 468, Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội, năm 1988.

[10]Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông toàn tập, trang 7, NXB TP. HCM, năm 2006.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.50

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập