Một di tích cấp quốc gia bị xâm hại

Đã đọc: 1893           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Việc sửa chữa tuỳ tiện và chặt cây cổ thụ tại quần thể di tích miếu, chùa Trung Thành (Hải Phòng) đã phá vỡ kiến trúc tổng thể của chùa, gây khó khăn cho du khách thập phương khi đi lễ..., nghiêm trong hơn việc cải tạo này không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quần thể di tích miếu, chùa Trung Hành thuộc địa bàn phường Đằng Lâm, quận Hải An, Hải Phòng. Quần thể di tích này nằm ngay gần đại lộ Lê Hồng Phong (dẫn ra sân bay Cát Bi), khởi dựng vào thế kỷ 16 và 18/1/1993, được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Theo sử, vào năm 938, Trung Hành là vùng đất Ngô Vương Quyền đóng quân và huy động sức người, sức của, đánh thắng quân xâm lược Nam Hán, mở đầu kỷ nguyên độc lập lâu dài của đất nước. Đây cũng là một trong 17 làng, xã có hệ thống bố phòng, tích chứa quân lương của Ngô Quyền nên đã được các triều đại kế tiếp phong sắc.

Điểm nổi bật của cụm di tích là sự hợp lý, liên hoàn, kết cấu hoàn chỉnh của toàn bộ khuôn viên. Miếu gồm có kiến trúc cổng, tòa bái đường, hai bên giải vũ, cung ngoài, cung trong kiểu nội công, ngoại quốc. Tòa hậu cung thâm nghiêm thờ Ngô Vương Quyền. Ngay cạnh miếu về bên trái là chùa Trung Hành (“Hưng Khánh tự”).

Chùa có bố cục kiến trúc truyền thống: tam quan, gác chuông, toà phật điện, nhà thờ tổ, vườn bia, mộ tháp (sau này nhân dân địa phương xây dựng thêm tam quan ngoại). Tam quan nội có 3 tầng 12 mái, lợp ngói cổ 2 lớp, hai cửa bên xây kiểu 2 tầng, 8 mái. Kiến trúc cổng chùa mang ý nghĩa dịch học sâu sắc, biểu thị 3 thành phần cơ bản của vũ trụ là thiên - địa - nhân. Tầng giữa trung quan treo quả chuông đồng cao 1,4m, đúc năm Minh Mạng thứ ba (1822). Toà phật điện chùa Trung Hành thờ các pho tượng Phật: Tam Thế, A Di Đà, Văn Thù, Phổ Hiền, hộ thiện, trừ ác…

Đặc biệt tại đây còn lưu giữ pho tượng vị Hoàng đế nhà Mạc, được tạc bằng đá, nhưng lại quét sơn như thể tượng gỗ. Một số nhà nghiên cứu lịch sử lý giải: khi nhà Lê Trung hưng đánh đuổi nhà Mạc, một nhánh nhà Mạc chạy đến Đằng Lâm mai danh, ẩn tích, đổi từ họ Mạc sang họ Khoa, đồng thời giấu pho tượng dưới ao làng, khi tạm yên mới vớt lên bảo quản trong chùa. Tuy nhiên, đề phòng bị phát hiện, những người có trách nhiệm đã quét phủ một lớp sơn để bảo vệ. Lễ hội ở Trung Hành diễn ra từ ngày 17 tháng Giêng âm lịch. Một trong những tiết mục đặc sắc là tục múa roi, diễn lại khí thế xung quân, diệt giặc của quân đội thời Ngô Quyền.

Với giá trị đặc biệt của cụm di tích miếu, chùa Trung Hành, TP Hải Phòng chọn đây là điểm đầu tuyến du lịch của quận Hải An.

Song thật đáng tiếc, hiện kiến trúc tổng thể của chùa Trung Hành đang bị phá vỡ, bởi việc sửa chữa tiến hành hết sức tuỳ tiện. Cổng chính vào chùa trước đây không được phục dựng, mà thay vào là một hàng rào bằng đá bịt kín cả tam quan. Con đường chính ra vào bây giờ lại chuyển sang bên trái chùa (sát nhà dân). Đáng chú ý, con đường này cắt qua khu mộ cổ vốn thâm nghiêm, tĩnh lặng mà 11 vị sư trụ trì qua các đời an nghỉ, rồi chạy thẳng vào ga-ra ôtô của sư trụ trì.

 

Chùa Trung Hành đang bị thay đổi kết cấu tổng quan.

Ông Khoa Kim Tá - Phó trưởng Ban Thường trực Ban quản lý khu di tích, ông Khoa Năng Xênh (những hậu duệ xa đời của nhà Mạc) và ông Lê Đức Châu - Ủy viên Ban quản lý khu di tích đều cho biết, khi mở đường mới và làm ga-ra ôtô, những người thi công đã chặt một số cây cổ thụ, trong đó có hai cây bồ đề lớn. Gốc cây hiện đã bị cẩu ra bãi hoang phía trước miếu.

Theo cấu trúc kiểu này, khách thập phương đi lễ, tham quan hay vãn cảnh đều phải đi theo con đường đó, rồi vòng vào sau chùa, chứ không được tuần tự dạo qua cổng tam quan ngoại, tam quan nội uy nghi, để chiêm ngưỡng nét cổ kính của tháp chuông.

Đoàn thanh tra của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Phòng còn phát hiện một số vi phạm khác tại đây. Theo ông Phạm Ơn - Chánh Thanh tra, tại thời điểm thanh tra ngày 16/12/2011, việc cải tạo khu di tích chùa Trung Hành không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hành vi thay đổi cấu trúc cảnh quan, chặt cây cổ thụ tại chùa Trung Hành là vi phạm nghiêm trọng Điều 4, Luật Di sản văn hóa, cần được chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xem xét.

Nguồn: cand.com.vn

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Đăng nhập