Chùa Dạm, Bắc Ninh: Chưa nên bàn đến phục dựng di tích

Đã đọc: 2205           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Hiện trường khai quật ở chùa Dạm

Trong quá trình tọa đàm về kết quả thám sát, khai quật khảo cổ bước đầu ở chùa Dạm mới đây, có ý kiến đề nghị cho phép lập dự án nghiên cứu phục dựng một số hạng mục công trình di tích đã bị mất. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, đề cập đến chuyện này là quá sớm và có phần hơi vội vàng.

Đó là ngôi tháp thời Lý chứ không phải gò đất

Một trong những phát hiện quan trọng và có ý nghĩa nhiều mặt của đợt thám sát, khai quật gần như đầu tiên ở chùa Dạm (xã Nam Sơn-TP.Bắc Ninh) do Viện Khảo cổ và Sở VHTTDL Bắc Ninh phối hợp thực hiện mới đây là nhóm khai quật đã tìm thấy dấu tích kiến trúc của một ngôi tháp đá có niên đại thời Lý.

Những ai đã từng một lần đến chiêm bái di tích quốc gia chùa Dạm thì đều thấy ở cấp nền thứ hai của khu di tích có một gò đất hình dạng tương đối tròn nằm đối xứng với cột đá chùa Dạm.

Nhiều năm trước, có một số ý kiến đoán định rằng, đây là một gò đất được đắp dựng sau này thời Lê Trung Hưng nhằm cân xứng với cột đá chùa Dạm. Qua quan sát hiện trạng thì điều này hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, khi nhóm thám sát khai quật do TS Lê Đình Phụng chủ trì tiến hành bóc tách lớp đất xung quanh đã phát hiện nền móng của một ngôi tháp.

TS Lê Đình Phụng cho biết, với diện tích thám sát, khai quật chỉ với 54m2, các nhà khảo cổ đã làm xuất lộ toàn bộ móng cây tháp đá. Qua nghiên cứu tài liệu thư tịch cổ cộng với dấu tích kiến trúc hiện tồn, nhóm thám sát cho biết đây là công trình tháp đá có bình đồ gần vuông 8,4mx8,4m, cửa mở về hướng đông.

Phần cao nhất là 1,56m với các lớp đá xếp chồng lên nhau được trang trí bằng hoa văn thủy ba (sóng nước-nét đặc trưng thời Lý) nhiều loại khác nhau, và kỹ thuật ghép đá mộng đuôi cá, đổ chì liên kết vững chắc. “Với kết quả nghiên cứu bước đầu, chúng tôi khẳng định rằng, đây là một ngôi tháp đá được xây dựng từ thời Lý chứ không phải là một gò đất.

Đây là phát hiện rất quan trọng làm cơ sở cho các bước nghiên cứu sau này”, TS Phụng nói.

Cũng theo TS Phụng, có khả năng rất lớn trên tháp đá này được người xưa dựng lên đó là một tượng Phật, còn tấm bia trên gò đất hiện nay được dựng từ thời Lê Trung Hưng. Sở dĩ có điều này là để tạo nên sự cân xứng với cột đá chùa Dạm phía đối diện. Trên cột đá chùa Dạm có đối rồng chầu, nhưng chầu về cái gì thì có khả năng chầu về pho tượng Phật?

Có mặt tại hiện trường thám sát, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu bước đầu đồng thuận với nhóm thám sát, khai quật rằng, đây có khả năng rất lớn là một công trình kiến trúc tháp đá, và nền móng của nó còn nguyên vẹn nhất trong các công trình tháp được xây dựng từ thời Lý mà chúng ta đã biết. Tuy nhiên, trên tháp đá đó có phải được dựng một pho tượng Phật hay không thì phải tiếp tục nghiên cứu.

Cần tiếp tục khai quật khảo cổ, còn phục dựng…

Chùa Dạm xưa được khởi dựng trên bốn cấp nền kiến trúc với diện tích đo đạc được khoảng hơn 7.500m2 vươn dần lên cao sườn núi. Đợt thám sát, khai quật với diện tích vỏn vẹn 300m2 vừa qua bước đầu cho chúng ta thấy phần nào quy mô, vị trí của các công trình kiến trúc xưa, trong đó đã xuất lộ nhiều dấu tích kiến trúc thời Lý, vật liệu xây dựng và đặc biệt là một số trụ sỏi móng chịu lực.

PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học nhận định, qua kết quả thám sát cho thấy xuất lộ kiến trúc thời Lý rất lớn và được bố trí rất cân xứng, và đúng như thư tịch cổ đã ghi chép.

Trong buổi tọa đàm về kết quả thám sát, khảo cổ ở chùa Dạm, có ý kiến đề nghị cho phép tiến hành nghiên cứu phục dựng một số hạng mục di tích, cụ thể là đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan ở cấp nền bốn, sau đó tiếp tục phục dựng một số hạng mục còn lại.

Phát biểu tại đây, GS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết, những kết quả thám sát tại đây rất có giá trị, đồng thời cho phép chúng ta hình dung được phần nào quy mô của khu di tích xưa.

Còn việc tiến hành nghiên cứu bảo tồn phục dựng một hay nhiều hạng mục công trình di tích xưa thì chưa đủ cơ sở khoa học. Bởi cho đến hiện nay chỉ mới thám sát với một diện tích rất nhỏ, chưa cho thấy được mặt bằng tổng thể cũng như giá trị của các dấu tích kiến trúc, vì thế chưa nên đặt vấn đề này.

Thứ nữa, cho dù đã khai quật toàn bộ diện tích thì cũng không thể nói là phục dựng vì tư liệu thư tịch cổ không chép nhiều về quá trình xây dựng di tích.

TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đề nghị chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để cơ quan chức năng có liên quan và Viện Khảo cổ học tiếp tục khai quật khảo cổ di tích chùa Dạm.

Sau khi đã có kết quả khảo cổ thì khi đó chúng ta mới đặt vấn đề cần phải bảo tồn cái gì và như thế nào. Còn việc có phục dựng hay phỏng dựng một hạng mục công trình nào đó của khu di tích thì cần phải được nghiên cứu kỹ trên cơ sở dự án quy hoạch bảo tồn tổng thể di tích. “Hiện nay mà đặt vấn đề phục dựng ngay thì Cục sẽ không tán thành”, TS Hùng nói. 

 

Việc có phục dựng hay phỏng dựng một hạng mục công trình nào đó của khu di tích thì cần phải được nghiên cứu kỹ trên cơ sở dự án quy hoạch bảo tồn tổng thể di tích. Hiện nay mà đặt vấn đề phục dựng ngay thì Cục Di sản văn hóa sẽ không tán thành. (TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa)

Nguồn: Báo Văn Hóa

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Đăng nhập